Sáu Tội Ác Không Có Hung Thủ

CHƯƠNG 10



Roland như lên cơn thần kinh. Chúng tôi đưa anh ta về nhà ở phố Guynemer và đặt anh ta lên giường với sự trợ giúp của Armand. Anh hầu tận tuỵ đã hứa với chúng tôi là sẽ canh chừng giấc ngủ của ông chủ.
Và chúng tôi đi bộ, Brunei và tôi, về phía Monmartre. Brunei đi những bước vội vã và đều đặn. Anh ta lấy lại cái nhìn và gương mặt anh lúc nãy giống đá đến thế, lúc này lại linh hoạt đến ngạc nhiên. Sự phập phồng của cánh mũi, mép phải giật giật, nhịp thở gấp gáp chứng tỏ anh đang suy nghĩ rất lao lung.
Liệu lần này anh có tìm ra giải pháp không hay sự biến đổi ấy ở Brunei chỉ là do đi nhanh quá và do không khí lạnh buốt buổi tối? Tôi muốn hỏi bạn tôi vì tôi đang rất phấn khích và không chịu nổi sự im lặng nhưng tôi không dám làm đứt đoạn suy nghĩ của bạn tôi.
Khi chúng tôi đi tới quảng trường Bourse, tôi không chịu được nữa.
– Tóm lại, anh nghĩ gì thế? Nói cho tôi đi!
– Anh muốn tôi nói gì?
Giọng nói điếc tai này có phải là của Brunei không?
– Nhưng Brunei ơi, thật đáng sợ! Cứ nghĩ là dấu vết lại bị mất, là chúng ta chẳng còn gì cả, chẳng có vũ khí, chẳng có cách hành động… Cứ nghĩ là ngày mai hắn sẽ còn giết nữa… Và đến lượt Roland chăng? Đến bà mẹ Vigneray hay cháu bé Janine?… Và hắn cứ giết mà không ai có thể chặn tay hắn, hắn giết nơi nào hắn muốn, lúc nào hắn thích.
– Bởi vậy mới phải suy nghĩ.
Tôi cười bực dọc:
– Nghĩ! Nghĩ cả mười lăm ngày rồi và chúng ta chẳng tìm thấy gì hết.
– Tôi sẽ tìm ra.
Anh hét lớn. Tôi nhìn anh sửng sốt.
– Phải, tôi sẽ tìm ra, anh nhắc lại, và lần này giọng anh khô khốc. Tôi sẽ tìm ra, anh nghe rõ chưa? Vì cần phải thế, vì chẳng có gì chứng tỏ rằng tên khốn đó đã đạt được mục đích với năm án mạng.
– Nhưng tại sao anh lại tìm ra được nhiều hơn các lần khác?
– Bởi vì các lần khác, tôi không thể suy nghĩ.
Lúc nãy, Brunei đã nói với tôi suy nghĩ lạ lùng
này. Tôi đợi một lời giải thích nhưng không có.
– Nói cách khác, anh sẽ làm gì?
– Đi về nhà tôi.
Tôi biết là chả moi thêm được gì nữa nên tôi im lặng.
Mặc dù buổi tối trời lạnh vẫn có rất nhiều ngưòi đi trên phố. Ở quán cà phê, trước các tờ báo mở rộng, mọi người đang bàn tán. Tôi nghe lõm bõm được vài đoạn.
“Thôi được, anh nói gì thì nói, nhưng nếu cảnh sát… Nghĩa là họ mặc xác chúng ta. Với đủ loại thuê má mà chúng ta phải trả… Tôi ấy à, nếu tôi làchính phủ….”
Chúng tôi đi lên phố Martyrs, Brunei đi càng ngày càng nhanh tôi phải khó khăn mới theo kịp.
Rõ ràng là anh ta quên tôi rồi.
Tôi có nói, anh ta cũng không trả lời. Liệu anh ta có nghe thấy tiếng tôi không nhỉ?
Tôi thở phào nhẹ nhõm khi bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà trên phố Malesherbes.
Chúng tôi thấy Prosper, ông hoàng của các anh hầu như ông chủ anh ta đặt tên, quần áo xộc xệch.
– Xin các ông thứ lỗi nhưng tôi tưởng ông chủ không về nữa. Tôi sẽ đi dọn phòng của ông chủ.
– Không cần đâu, Prosper. Tôi vào phòng làm việc.
– Nhưng… ông chủ không đi nằm à?
– Không, Prosper. Thế thì quá sướng.
Anh hầu trung hậu liếc nhìn tôi, vẻ hoảng hốt. Tôi nắm tay bạn tôi.
– Anh định làm gì?
– Tôi khoá mình trong phòng làm việc và suy nghĩ đơn giản vậy thôi.
Giọng nói có vẻ như gây sự. Quay về phía Prosper đang nghe như bị thôi miên, Brunei nói thêm:
– Tôi không muốn bị quấy rầy dù với bất kỳ lý do nào. Tôi không có nhà đối với bất kỳ ai, kể cả với ông này – anh chỉ tôi -… kể cả với anh nữa, Prosper nghe không? Hiểu rồi chứ? Tôi không muốn nghe các người nữa.
– Nhưng dù sao.
– Chả có dù sao gì cả. Hãy quên là tôi đang ở đây. Cứ làm như tôi đang đi vắng, vắng mặt vô thời hạn.
– Thế ông có ăn không?
– Không
Tôi nhún vai.
– Kỳ dị! Anh điên rồi!
– A! Thế bởi vì tôi cần tìm ra, trời ạ! Phải, chả còn cách nào khác. Tôi sẽ không ra khỏi phòng nếu không tìm ra, anh hiểu chứ?… Và tôi muốn các người mặc xác tôi. Dù có chuyện gì xảy ra, kể cả có mười vụ giết người ngày mai đi chăng nữa, tôi cũng không muốn biết. Không liên hệ gì với bên ngoài. Chỉ có tôi, một mình tôi thôi!
Tôi làm ra vẻ hài hước:
– Thế nếu anh không tìm ra, anh sẽ nhịn đói đến chết à?
– Hẳn rồi. Tôi sẽ chết nếu cần. Ngược lại, nếu chẳng may anh không gặp lại tôi nữa, anh nên biết là anh ấy biết điều đó.
Brunei chìa tay cho tôi rồi quay phắt lại chạy vào phòng làm việc, sập cửa đánh sầm sau lưng. Tiếng khoá vặn lách cách trong ổ.
Tôi nhắc lại như cái máy:
– Anh điên rồi!
Prosper tốt bụng lắc đầu.
– Điên hay không thì ông ấy cũng giữ lời. Chúng tôi rón rén đi ra ngoài.
Tôi đi thẳng về nhà và đi nằm. Tôi không nhớ là đã từng bị xáo động như thế này hay chưa nhưng tôi vẫn ngủ được ngay.
Trong mơ, tôi sống lại tất cả các sự kiện xảy ra trong ngày. Cuộc chờ đợi trong quán cà phê ở phố Commerce, sự xuất hiện của nhân vật kỳ lạ, tín hiệu của bà gác cổng… Bà thật là, tôi lại thấy lại những cảm giác ban ngày, cũng vẫn nỗi lo lắng và do dự ấy.
Tôi đứng trưóc cửa căn hộ. Điện thoại reo. Tôi đi vào phòng ăn.
6 giờ rưỡi… ngôi nhà cuốỉ cùng… Chaville… phải đi qua rừng.
Tôi ở trong quán cà phê. Alfred Rupart đi ra. Tôi phải đi theo hắn? Có?… Không?…
Muộn quá rồi. Rupart đã biến mất. Khi Ville-d’Avray, ngôi nhà có những bức tường màu xám, một công trường xây dựng. Brunei đứng trước một cái cổng, Roland trước cái cổng kia, tôi canh cái cổng thứ ba. Lần này, chúng tôi có lợi thế. Nếu kẻ thù đến, hắn sẽ chết…
Kẻ thù đến. Hắn giết người… Hắn lại tự do.
Số báo đặc biệt:
“Simone Vigreray đã chết”
“Những lần trước, tôi không suy nghĩ được, Brunei tuyên bố”. Nếu chẳng may anh không gặp tôi nữa, anh có thể tự nhủ: “Anh ấy biết.”
Tại sao chỉ lần này anh ta mới có thể suy nghĩ được? Cái gì ngăn anh ta trước đó? Tại sao anh ta lại hiểu rõ mọi việc ở Ville d’Avray hơn là ở phố Greuze, hơn ở Mans? Tại sao? Tại sao?
Nỗi lo lắng của tôi trở nên gần như đau đớn. Tôi tỉnh giấc. Đã quá ngọ, tôi thấy bụng đói meo. Tôi chợt nhớ hôm qua chúng tôi đã quên ăn bữa tối.
Ba lần tôi nhấc điện thoại lên rồi lại đặt xuống mà không nói gì cả. Tuy vậy cuối cùng cũng thắng được nỗi ngần ngại.
– Allô!
Có người trả lời máy.
– Allô! Prosper đấy à?
Giọng tôi run rẩy nên tôi lại nói:
– Allô?
– Chả có gì mới cả. Tôi chưa gặp lại ông chủ từ hôm qua. Lúc nãy, ông Charasse đã gọi điện cho tôi. Tôi đành đánh liều gọi ông chủ, tôi gõ cửa phòng ông ấy. Ông chủ thậm chí cũng không thèm trả lời. Tôi nói với ông Charasse là ông ấy đi vắng. Tôi cũng nói thế với thanh tra Girard, ông ấy vừa rời khỏi đây năm phút trước.
– Nhưng tóm lại ông chủ nhà của anh làm gì chứ?
– Chả làm gì cả, nghĩa là ông ấy đi lại. Đi hết dọc lại ngang. Lúc nhanh, rất nhanh, lúc lại chậm cứ như sắp đứng lại. Tôi nghe ngóng ông ấy hàng giờ liền. Tôi phát ốm mất ông ạ!
– Tôi tin anh, Prosper tội nghiệp. Tôi sẽ qua nhà trong ngày. Tạm biệt.
Rồi tôi gọi điện đến nhà Roland.
– Ông chủ đi vắng. Ông ấy đến bệnh viện nhìn bà Vigneray tội nghiệp lần cuối!
– Đêm qua thế nào?
– Tốt hơn tôi tưởng. Ông chủ cuối cùng đã ngủ được. Mệt mỏi, xúc động mà, ông ấy kiệt sức, ông ạ.
– Thế sáng nay thì sao hả Armand?
– Ồ! Ông ấy bình tĩnh hơn nhiều, quá bình tĩnh nữa ấy chứ. Tôi thú nhận là điều đó làm tôi sợ. Trước khi đi đến bệnh viện ông ấy bảo tôi: Sẽ đến lượt tôi thôi, ngay bây giờ, hắn không giết trượt tôi hai lần đâu. Và ông ấy có vẻ rất cam chịu! Ông ấy làm tôi thấy buồn phiền. Tôi không dám ra lệnh nhưng tôi khuyên ông không nên để ông ấy một mình.
– Anh nói đúng, Armand, cảm ơn anh.
Tôi ăn tại tiệm ăn gần nhà. Tôi mua gần như tất cả các tờ báo buổi sáng và đọc hết.
Các nhà báo vẫn không biết đến sự tồn tại của các tờ biên lai và dấu vết mà chúng đã cung cấp cho chúng tôi. Họ cũng không thể giải thích được sự có mặt của chúng tôi trước ngôi nhà ở Ville-d’Avray nơi tên sát nhân quay về. Ngược lại, họ đi sâu vào thảm kịch nghĩa là đi sâu vào phân tích hoàn cảnh xung quanh thảm kịch ấy! Tất nhiên là họ không tiếc lời châm chọc chúng tôi.
“Một ngôi nhà có ba cái cổng. Trước mỗi cái cổng đều có một gã đàn ông trang bị đến tận răng. Không có lốỉ đi bí mật, không có chỗ trốn và trước mũi ba gã đàn ông đó, ba chuyên gia tài giỏi hơn các chuyên gia khác,… hung thủ lại xuống tay giết một lần nữa, và thêm một lần hắn lại cao chạy xa bay cứ như bốc hơi đi vậy. Cảnh sát Pháp bất lực như vậy hay phải nhờ đến cảnh sát nước ngoài?”
Vừa đọc những dòng trên, những giọt nước mắt căm giận dâng lên mặt tôi.
Nhiều cột báo dành toàn bộ cho việc miêu tả cái chết của Simone Vigneray, nạn nhân đầu tiên của kẻ tàng hình. Tất cả các tờ báo đều đặt ra câu hỏi ghê sợ: liệu vụ giết người hàng loạt này có dừng lại ở năm án mạng? Trên danh sách đẫm máu này liệu có ghi thêm một cái tên nữa không?
Một bản tin đặc biệt công bố cuộc phỏng vấn đầu tiên bà mẹ của Marcel Vigneray.
Bài báo thật là khuôn mẫu cho các kiểu phỏng vấn loại này.
Tác giả miêu tả buổi sáng ảm đạm đó, lúc người ta tưởng như mùa đông quay lại. Mặt trời bị mây che, gió thổi mạnh, thiên nhiên như để tang con người. Đột nhiên anh ta phát hiện ra ngôi nhà đau khổ, một ngôi nhà trắng với những ô cửa màu xanh lá cây – một chút của Jean Jacques -… và rồi đến những cảnh: bà mẹ khốn khổ, pho tượng sống của nỗi tuyệt vọng, cặp mắt không còn khóc được nữa vì đã cạn những giọt nước mắt, và trong cặp mắt ấy loé lên ngọn lửa căm thù khi bà mẹ bất hạnh nhắc tới con quỷ đã giết các con mình.
Ôi tuổi thơ kỳ diệu! Bé gái Janine vẫn chưa biết gì. Giữa các luống hoa hồng, cô bé đi dạo cùng con búp bê to gần bằng cô.
Tôi gập tờ báo lại, buồn rầu rời tiệm ăn. Tôi cảm thấy đầu óc trống rỗng và đi như một gã say rượu.
Tôi đi theo phố Livingstone, nơi vang lên tiếng rao của những người bán vải, phố Ronsard, quảng trường Saint- Pierre và đột ngột tôi thấy mình trước nhà thờ Trái tim thiêng liêng. Tôi không nhớ mình đã trèo lên bảy tầng lầu ở phố Muller ra sao.
Trước mắt tôi là Paris. Paris bẩn thỉu dưới bầu trời thấp, xárh xịt như lướt qua nóc điện Pantheon.
Ở đâu đây trong Paris này tên sát nhân đang sống.
Một mụ ăn mày đến mời tôi mua bưu thiếp, vòng, huy hiệu. Tôi đuổi mụ đi.
Tôi dán mặt vào hai đường cắt song song trải dài dưới các mái nhà: đại lộ Rochechouart và phố Trudaine. Giữa chúng là một hình tam giác phẳng: trường đại học Rollin. Ở phía tây, khó thấy là pháo đài Malesherbes. Trong pháo đài này…
Mụ ăn mày nhìn tôi bỏ đi như nhìn một thằng điên.
Tôi nhảy bốn bậc một xuống cầu thang ở phố Foyatier. Brunei, tôi muốn gặp Brunei. Tôi không thể ở một mình với những suy nghĩ vẩn vơ đó được.
Chắc chắn là Brunei không tiếp tôi. Quan trọng gì! Tôi cứ đi vào nhà để cảm thấy có anh bên cạnh… Bởi vì, tôi thú nhận, tôi đang sợ hãi..
Phải, tôi thấy sợ, còn sợ hơn lúc ở trong phòng ăn của Alfred Rupart khi tôi nghe trộm cuộc nói chuyện điện thoại, sợ hơn cả lúc ở trên phố Ville-d’Avray, khi tôi chò đợi, nấp sau cái thùng tô nô, thời điểm cần phải tấn công.
Nỗi sợ hãi đến ngạt thở chính bởi tôi chả có lý do nào để sợ, vì chẳng có nguy hiểm cụ thể nào đe doạ tôi. Tôi sợ cả khoảng không, chân không, đám đông. Đột nhiên ý thức của tôi suy yếu đi…
– Thế nào, Prosper? Thế nào?
– À! Ông chủ vẫn đi lại không ngừng. Hơn nữa, bây giờ ông ấy lại nói một mình.
Chúng tôi đi lại gần cửa phòng làm việc. Brunei đi lại với những bước chân thật đều đặn. Mười bước dọc chiều dài căn phòng, dừng lại một lát rồi lại mười bước khác.
– Ông ấy đã đi hàng chục cây số rồi, Prosper thì thào vào tai tôi.
Tôi nhìn đồng hồ. Bạn tôi đã tự nhốt mình hơn mười lăm tiếng rồi.
Tôi dán tai vào cửa phòng nhưng vô ích. Brunei đang nói thật, nhưng nói quá nhỏ nên chẳng phân biệt được từ nào.
Chúng tôi đi ra xa. Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế phô tơi trong phòng khách.
– Ông Charasse chưa gọi điện à?
– Chưa, thưa ông. Nhưng thanh tra Girard đã hỏi ông chủ hai lần rồi. Hình như ngài biện lý Herberay yêu cầu ông chủ đến sáng nay. Tôi trả lời là ông chủ chưa về – Prosper thở dài não ruột – A! Đây không phải là cuộc sống! Tôi đã làm việc ở nhiều nơi trước khi đến đây. Tôi đã nhìn thấy nhiều cái kỳ dị, đúng vậy. Nhưng một ông chủ như ông này thì…
– Tôi biết, Prosper, tôi thông cảm với anh.
– Ông nghĩ xem! Hàng tuần liền tôi không nhìn thấy ông ấy. Rồi đột ngột ông ấy về giữa đêm hôm khuya khoắt lúc 2, 3 h. Tôi nghe thấy tiếng chân ông. Sáng ra, tôi chạy đến phòng ông thì lại không thấy ai cả. Ông ấy lại đi rồi. Tôi không biết bao giờ lại gặp ông nữa. Hàng tuần liền ông ấy không nói với tôi một câu. Không phải ông ấy giận tôi. Ông ấy đã quên tôi, không nhìn thấy tôi. Đơn giản vậy thôi…
Đã hai lần ông ấy làm rách quần áo của tôi, mặt đỏ gay. Một hôm, ông ấy không có nhà, người ta định phá cửa. Tôi nói với ông ấy. ông có biết ông ấy trả lời tôi ra sao không: Phì! Prosper, tôi chả muốn làm anh tí nào!
Và bây giờ là phát minh cuối cùng. Dù tôi kính trọng ông chủ, tôi vẫn nói rằng nghe tiếng ông đi lại không ngừng như vậy, tôi thấy ông như một con thú bị nhốt. A! Tôi đôi khi tự hỏi liệu ông chủ có biết cho không…
– Ông chủ của anh biết rõ anh tận tuỵ như thế nào Prosper. Cứ tin là ông ấy đánh giá đúng giá trị của một người giúp việc trung thành như anh. Khi nói về anh…
Tôi im bặt và nhỏm dậy. Prosper không nên biết ý kiến của ông chủ anh về anh. Cánh cửa phòng làm việc mở.
Brunei xuất hiện, mặt mệt mỏi, cặp mắt thâm quầng, bộ râu quai nón vừa mọc trong 30 giờ qua làm anh trông như ốm.
Anh lảo đảo, mi mắt chớp chớp như không chịu được ánh sáng quá gắt.
– Ông chủ! Prosper kêu lên biểu lộ tất cả tình cảm của một người hầu già đối với ông chủ bất trị của mình.
Brunei không nhấp nháy mắt nữa và nhìn tôi. Ánh mắt thật xa lạ biểu lộ nỗi thất vọng và sợ hãi.
Tôi nhổm người lên, bất động, không nói nên lời. Từ hai tuần nay, tôi đã trải qua những giây phút đầy xúc động, thế nhưng chưa bao giờ có thời điểm nào gay cấn như thế này.
Bên tai tôi còn văng vẳng những lời cuối cùng mà Brunei nói tối qua:
“Nếu chẳng may anh không gặp lại tôi nữa, anh có thể tự nhủ: anh ấy biết!”
Vậy mà anh ấy vừa rời khỏi nhà tù của mình. Anh đứng đó, trước mặt tôi, anh ấy biết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.