Sáu Tội Ác Không Có Hung Thủ

CHƯƠNG 6



Brunei đến tiệm ăn lúc chính ngọ, vẻ mặt anh mang dấu ấn của nỗi xúc động sâu sắc. Anh nặng nề ngồi phịch xuống ghế.
– Thật là một buổi sáng mệt mỏi.
Tôi hỏi:
– Kết quả thế nào?
– Chẳng có gì. Bà Vigneray mẹ chẳng biết cái gì hết, bà ta không hiểu nổi. Tội nghiệp bà ta. Dù sao tôi cũng quen với những cảnh đau đớn, bà ta làm tôi thấy thương cảm.
– Thế còn con bé gái Tanine?
– Nó thật đáng yêu, một thiên thần. Người ta đã giấu nó sự thật. Nó tưởng là bố mẹ nó đi du lịch. Nhưng nó luôn mồm hỏi tại sao bà nội nó khóc.
Brunei thở dài:
– Ngưòi ta sẽ thiêu xác Marcel Vigneray vào ngày mai ở Falaise. Tôi sẽ đi cùng bà mẹ tội nghiệp.
– Anh đã đến Beaujon rồi à?
– Vâng, Simone có vẻ khá hơn một chút nhưng vẫn không thốt ra lời nào. Cô ta có vẻ vẫn rất sợ hãi. Cặp mắt cô ta làm tôi thấy sợ. Các bác sĩ định mổ cô ấy vào sáng mai.
– Thế còn chương trình chiều nay?
– Hẹn nhau lúc hai giờ ở toà nhà đại lộ Haussmann nơi Marcel Vigneray đặt văn phòng.
– Anh chỉ có rất ít hy vọng phải không?
– Đúng vậy. Nhưng đừng quên chi tiết này: hung thủ đã lấy đi cái ví của nạn nhân, điều này làm chúng ta tin rằng có một số tài liệu quan trọng nào đó. Hy vọng, là em họ của Eoland không mang theo tất cả giấy tờ trên người và chúng ta sẽ tìm thấy ở đó vài tài liệu quan trọng.
– Anh có nghĩ là…, tôi cho rằng, có thể có mối liên quan, nào đó giữa thảm kịch và công việc làm ăn, của ông Vigneray?
– Chả có mối liên quan nào cả. Công việc làm ăn hoàn toàn là buôn bán và chả có gì bí ẩn cả. Nhưng ông Herberay vẫn liên lạc với hãng buôn Mỹ mà Marcel Vigneray là đại diện và với những khách hàng mà ông ta mới đến thăm. Anh có nhớ là con người bất hạnh đó vừa quay về nhà từ chuyến đi đến Normandie vào tối xảy ra tấn thảm kịch. Cũng không cần phải nói thêm là cuộc điều tra nhỏ đó chẳng đem lại kết quả gì cả.
– Vậy thì anh hy vọng gì vào cuộc khám xét?
– Tìm được một số giấy tờ riêng của Marcel Vigneray cất ở phòng làm việc, trong két chẳng hạn, nơi anh ta tin rằng an toàn hơn là ở nhà.
Chúng tôi im lặng ăn, Brunei nói tiếp:
– Anh đã đọc báo chưa?
– Rồi, cảnh sát chắc bực lắm!
– Cảnh sát ư?… Còn tôi nữa chứ! Anh đã nhìn thấy tranh đả kích chưa..
– Chưa.
Brunei mỉm cười:
– Tại sao anh nói dối? Nếu anh chưa trông thấy, anh đã để tôi nói nốt câu hỏi. Bức vẽ cũng khôi hài đấy chứ?
– Tôi thấy nó độc ác và không công bằng.
– Làm sao được! Báo chí tin rằng các thông báo của viện công tố là giả tạo, rằng các chi tiết liên quan đến các điều kiện nơi các vụ án mạng xảy ra là bịa đặt để che đậy cho sự bất lực của luật pháp và của tôi trong việc phát hiện ra cái cần tìm. Thái độ đó là dễ hiểu. Chẳng phải chúng ta là những người đầu tiên cho rằng sự thật này thật khó tin?
Bữa trưa kết thúc, chúng tôi đi bộ trên đại lộ, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác.
Toà nhà đó mang vẻ cổ điển như phần lớn các ngôi nhà trên phố này. Đấy là một ngôi nhà rộng, cao tám tầng, hai tầng dưới hơi thụt vào và trổ đầy cửa sổ cứ như mặt tiền làm toàn bằng kính. Dọc theo cổng là những tấm biển bằng đá hoặc đồng đề tên và nghề nghiệp của người thuê nhà. Hai tấm bảng lớn đề tên người thuê theo thứ tự A-B-C, cùng số phòng ở của họ. Có khoảng năm mươi cái tên trên mỗi tấm bảng.
Ông Herberay đến ngay cùng với ông Devoux, cảnh sát trưởng khu vực và thanh tra Girard. Các nhà hành pháp đem theo chùm chìa khoá củangười chết.
Chúng tôi đi lên tầng ba. Hành lang trổ san sát những khung cửa giống nhau, phần trên của cửa có lồng kính mang số phòng. Sau lớp kính người ta nhìn thấy khung bảo vệ bằng sắt ở phía trong.
Ông Herberay mở cửa số 37 và chúng tôi đi vào một lối đi nhỏ, ngăn cách với phòng làm việc bởi một tấm vách bằng kính.
Ở đây có đặt một cái ghế dài bằng da và một cái mắc áo trên có treo một cái áo mưa. Viên dự thẩm lục tìm trong túi áo. Anh ta tìm thấy một bao thuốc lá, một hộp diêm và những chiếc vé tàu điện ngầm.
Chúng tôi đi vào phòng làm việc. Đấy là một căn phòng rộng, sáng sủa, trông ra đại lộ. Một cái bàn giấy bằng gỗ sồi đặt giữa phòng, cạnh bàn là những chiếc ghế phô tơi bằng da rất lớn và tiện dụng. Chiếc ghế phô tơi thứ ba đặt dọc theo tường giữa hai tủ đựng giấy tờ có nhiều ngăn kéo gắn thẻ. Trong một góc phòng là một cái máy rập, phần dưới như một cái giá đỡ có một số bản sao của những bức thư đóng thành tập.
Bàn giấy gọn gàng chứng tỏ chủ nó là một người ngăn nắp. Trên góc bàn là một cái cặp to, ông Herberay mở nó ra.
– Chả có gì đặc biệt, ông ta nói, bảng giá, ảnh máy móc và vài đơn đặt hàng. Đừng quên là nạn nhân vừa đi công cán ở Normandie về. Ông ta đã qua đây để lại cái cặp trước khi về nhà, cũng dễ hiểu, đây rất gần ga Saint-Lazare.
Chúng tôi cùng nhau xem xét các bản sao của những bức thư và các hồ sơ đặt trong tủ. Chúng tôi chẳng thấy cái gì không bình thường: thư từ cho khách hàng, đơn đặt hàng gửi đến các nhà máy, các liên hoá đơn, v.v… Chúng tôi đặt trả hồ sơ vào chỗ cũ.
– Đây hẳn sẽ thú vị hơn, ít ra là tôi hy vọng thế, ông Devoux nói và chỉ cái bàn giấy.
Bàn giấy làm theo kiểu thông thường: ba ngăn kéo xếp chồng lên nhau ở hai bên, một ngăn kéo dài ở giữa. Ông Herberay mở nó đầu tiên.
Nó chứa giấy viết thư, phong bì, danh thiếp, một cái hộp nhỏ bằng bìa, không nắp mà viên dự thẩm đặt lên bàn,
Cái hộp đựng khoảng nửa tá ảnh nghiệp dư, chụp mẹ, vợ hoặc con gái người chết.
– Tội nghiệp! Viên dự thẩm nói và cho hộp lại vào bàn trong ngăn kéo.
Sau đó, ông ta mở ba ngăn kéo bên trái. Hai trong số đó trống rỗng, còn cái kia đựng các dụng cụ văn phòng: giá để bút và bút chì còn mới, giấy và giấy than, v.v…
– Dơ quá, ông Herberay bĩu môi và mở ngăn kéo đầu tiên bên phải.
Ngăn kéo này có hai ngăn, phần dưới khoá bằng chìa, ổ khoá khó nhận thấy, nằm phía trên cánh cửa.
– Có cái gì đấy cho tôi biết rằng chúng ta gần đến đích, Girard thì thào.
– Hy vọng là thế, ông Hérberay nói và lấy ra chiếc chìa khoá nhỏ nhất trong chùm.
Ổ khoá mở dễ dàng và ông ta kéo ngăn kéo ra. Nó chỉ chứa vài mảnh giấy vàng bé tí mà ông Herberay nhặt lấy ngay.
Vừa nhìn chúng tôi đã nhận ra những mảnh giấy này. Đấy là những biên lai gửi đảm bảo. Có bốn biên lai tất cả. Viên dự thẩm xếp chúng lên cái lót tay.
Tất cả các biên lai đều mang cùng một cái tên và một địa chỉ: Alfred Rupart, 49 bis, phố Commerce, và cùng một loại vật gửi: thư chuyển tiền, chỉ số về giá trị thì lại khác nhau. Ba biên lai trị giá năm trăm quan, cái thứ tư hai ngàn quan.
– Này! Đây hẳn là cái thú vị lắm. Ông Devoux kêu lên, vì tôi không hiểu vì lý do gì mà ông Vigneray lại để riêng những cái biên lai đơn giản mỗi khi thanh toán cho các nhà cung cấp hàng.
– Các anh có nhìn thấy dấu bưu điện không? Brunei đột ngột hỏi. Ngày 8, 13, 17 và… 29 tháng năm, ngày xảy ra tội ác.
– Mẹ kiếp! Herberay thốt lên. Chính cái biên lai hai ngàn quan là được gửi vào ngày ấy.
– Chúng ta có đối mặt với một vụ tống tiền không? Girard nói. Và có phải là cái tay Alfred Rupart này đã không nhận được kịp thời món tiền mà Marcel Vigneray tuy rằng đã vội vã gửi cho hắn ngay khi đi công cán về nên hắn đã ra tay giết các nạn nhân chăng?
– Đừng đi nhanh quá thế, Brunei trả lời. Các chuyên gia tống tiền không ra tay vì những món tiền nhỏ mọn như thế này.
Anh chụp cái mũ lên đầu.
– Điều đó cũng có nghĩa là một chuyến viếng thăm cấp tốc đến số nhà 49 bis phố Commerce là khẩn cấp.
Để kệ cho hai nhà chức trách tiếp tục lục soát, chúng tôi vội vã rời toà nhà. Một chiếc taxi chở chúng tôi lao nhanh về phía Grenelle.
Girard trung hậu (với tác giả này thì ai cũng trung hậu nhỉ! HQT) không giấu niềm vui.
– Cuối cùng cũng có một dấu vết và tôi linh cảm là một dấu vết tốt! Lạy trời! Tôi nóng lòng tóm được con chim ấy.
Brunei thì lại không nói năng gì. Ánh mắt lơ đãng của anh cho tôi biết anh đang đắm chìm trong suy nghĩ.
Chúng tôi xuống xe trước bến tàu điện ngầm La Motte – Pieguet và đi bộ trên lối đi dẫn đến nhà thờ Saint – Jean – Baptiste.
Số nhà 49 bis là một toà nhà có vẻ giản dị, cao 5 tầng. Bên trái cửa là một tấm bảng đề: Căn hộ cho thuê, có sẵn đồ đạc.
– Đương nhiên rồi, Brunei nói tay chỉ tấm bảng.
Chúng tôi tìm được người gác cổng ở đúng vị trí canh gác đang bận rộn điều chỉnh chiếc radio. Đấy là một phụ nữ tóc nhuộm đã phai màu. Một con mèo to gừ gừ trên vai bà ta.
Khi chúng tôi bước vào, tiếng nhạc Beethovén ngập tràn căn phòng nhỏ ngay khi thanh tra Girard rút thẻ ra, bà gác cổng sẵn sàng hợp tác ngay.
– Ông Rupart thuê nhà từ một tháng nay. Tôi cũng là người quản lý khu nhà này. Ông ta thuê căn hộ nhỏ hai phòng, ở tầng hai, trông ra phố.
– Bây giờ ông ta có nhà không?
– Không. Vả lại ông ta không sống ở đó, và thậm chí hầu như không về nhà. A! Thật là một khách thuê nhà kỳ lạ. Tôi chỉ nhìn thấy ông ấy độ 5 hoặc 6 lần. Tôi nghĩ là ông ta chỉ thuê nhà để có địa chỉ nhận thư từ… A! Tôi nhớ là có lần ông ta có người đến thăm.
– Một ngưòi đàn ông à? Brunei hỏi, cố nói át tiếng loa.
Bản giao hưởng, phối âm của nhiều nhạc cụ, trở nên êm ái hơn. Bà gác cổng vui lòng tắt đài và mỉm cười:
– Đây là bản nhạc tôi ưa thích…
– Một người đàn ông à? Brunei lại hỏi.
– Phải.
– Bà có nhớ hình dạng ông ta không?
Người phụ nữ tốt bụng nghĩ một lát, tay vuốt ve con mèo.
– Một ông độ 40 tuổi, khá đẹp trai, hình như có râu mép. Tôi không để ý lắm.
– Và ông Rupart có nhận thư từ à?
– Ô! Ông ta nhận thư nhưng không nhiều, ba hoặc bốn cái và toàn thư gửi bảo đảm. Ông ấy biết giờ người đưa thư đến. Nghĩ lại thì ông ấy chỉ đến đây gặp người đưa thư thôi.
– Bà thấy ông Rupart lần cuối khi nào?
– Sáng qua, ông ấy đến để nhận thư lúc 11h. Ông ấy đã nhận được cái gì đó.
Girard liếc nhanh tôi. Brunei nói tiếp:
– Ông ta thuê nhà trong bao lâu?
– Hai tháng. Đến cuối tháng là hết hạn.
– Ông ta trông như thế nào?
– Ồ. Nhỏ người, thấp hơn tôi, quắt queo, ốm yếu, mặt tái nhợt. Trông không đáng yêu! ông ta chào hỏi có vẻ khó khăn.
– Căn hộ nào trên tầng hai là của ông ta?
– Căn hộ bên phải… nhưng các ông không lên đấy chứ?
– Ồ. Bà cứ yên tâm.
Brunei nghiêng mình:
– Tôi vô cùng cảm ơn bà vì những thông tin đó. Tôi tin là bà sẽ giữ kín chuyện này. Không hở một lời nào cho bất kỳ ai nhé.
– Các ông cứ yên tâm, bà gác cổng trả lời và giơ tay để bật đài.
Chúng tôi đi ra trong tiếng nhạc. Dưới vòm cổng, Brunei nói với chúng tôi:
– Đợi tôi ở vỉa hè trước mặt nhé. Tôi quay lại ngay. Tôi chỉ liếc qua trên gác một chút.
Girard phản đốỉ:
– Thế hắn về thì sao?
– Ôi dào. Phải liều thôi. Anh nhó lời bà gác cổng chứ? Bây giờ không phải giờ phát thư. Hơn nữa tôi chỉ vào và ra ngay.
Anh bò bốn chân để đi qua vách kính của bà gác cổng.
Chúng tôi đi sang đường.
– Dù rằng mơ hồ, sự miêu tả người khách đến thăm Alfred Rupart làm tôi nghĩ đến ông Vigneray – tôi nói.
– Đấy cũng là ý kiến của tôi – Girard trả lời và ngay lập tức, anh nói thêm – Như vậy là gã Rupart đã táo tợn đến nhận lá thư có chứa hai ngàn quan.
– Nhưng chẳng gì chứng tỏ hắn là hung thủ.
– Rõ rồi. Dù sao thì tôi cũng cảm thấy là hắn giữ vai trò nào đó trong vụ này.
– Nhưng vai trò nào?
Brunei quay lại gặp chúng tôi sau vài phút.
– Chẳng có gì cả! Bà gác cổng nói đúng. Căn hộ như bỏ hoang. Chả có giấy tờ, chả có gì chứng tỏ có người ở, thậm chí cũng chẳng có lấy chút tàn thuốc lá nào.
– Căn hộ như thế nào?
– Hai buồng: một phòng ăn và một phòng khách. Chú ý là có điện thoại, điều đó có vẻ quan trọng đấy.
Bạn tôi quay về phía Girard:
– Vậy là giả thiết của anh nói lúc nãy có cơ sở rồi, anh bạn ạ. Nó khá giống một kẻ tống tiền thuê, dưới cái tên giả, một chỗ trú chân chỉ trong một khoảng thời gian đủ để thương thuyết. Điều này cho phép hắn, khi xong việc, thì biến mất mà không để lại một dấu vết nào và để lẩn trốn một cuộc báo thù luôn có thể xảy ra trong loại công việc này… Chúng ta cần phải nghĩ rằng, trong trường hợp này, số tiền ghi trong biên lai không khớp với số tiền thực gửi, mà số tiền thực gửi hẳn lớn hơn nhiều.
– Nhưng hiện ông Vigneray có lý do gì mà để bị tống tiền? Tôi nói.
– Điều đó tôi cũng đang tự hỏi. Vigneray là một người hoàn toàn trung thực và hẳn là không nên tìm các vụ bê bối trong gia đình anh ta.
– Thế thì làm thế nào?
Brunei giang tay tỏ vẻ không biết.
Girard đột nhiên trầm lặng đi.
– Nếu kẻ tống tiền này thoát khỏi sự báo thù – anh ta lẩm bẩm – thì hẳn cũng thoát khỏi cảnh sát. Làm sao bắt được hắn bây giờ? Vì tôi thấy rõ là hắn không quay lại đây nữa.
– Biết đâu đấy! Tôi nói. Hắn có thể không biết là chúng ta đã biết địa chỉ của hắn. Có thể hắn không nghĩ đến những cái biên lai của các lá thư mà hắn đã nhận. Có thể hắn tin rằng người gửi thư cho hắn đã huỷ biên lai đi.
– Có khả năng, thanh tra đồng ý. Vả lại, chúng ta cũng chẳng còn cách nào khác. Dấu vết này là duy nhất và không thể bỏ qua.
Ngay trước cửa toà nhà là một tiệm cà phê nhỏ giản dị.
– Đây là một điểm quan sát trong mơ, Girard nói. Chúng ta sẽ canh gác lần lượt mỗi người như trong quân đội.
Chúng tôi đẩy cửa tiệm và bước vào một căn phòng thấp và tối, vẻ hoang vắng. Căn phòng được trang bị bởi những cái ghế dài đã cũ, có bàn phía trưóc, đặt sát nhau như một khối đá. Cuối phòng là một quầy bán hàng đặt giữa 2 cái cửa. Ở một góc là cầu thang, nối từ sàn lên trần nhà.
Chúng tôi bước thêm vài bước và nhìn thấy sau quầy hàng, một người đàn ông to béo, râu mép rậm, tay áo xắn cao, đang rửa cốc.
Ngay lập tức, Girard thì thầm: “Ồ! Chúng ta đến đúng chỗ”. Và anh ta đi lại phía quầy, tay giơ ra.
Người đàn ông chùi nhanh tay vào tạp dề rồi chìa ra cho thanh tra. Họ nói nho nhỏ với nhau.
Girard nói đúng, Brunei thì thào với tôi. Chúng ta đến đúng chỗ.
– Đấy là một tên chỉ điểm à?
– Hẳn rồi.
Girard quay lại.
– Aujuste không biết gì về hắn ta nhưng anh ta cho chúng ta mượn phòng ăn. Chúng ta có thể yên tâm theo dõi ngôi nhà trước mặt.
Aujuste nghiêng mình trên quầy và mở cánh cửa cạnh cầu thang.
– Mời vào đây, các ông, các vị sẽ như những ông vua. Rèm cửa rất dày, không ai trông thấy các ông từ bên ngoài đâu và các ông có thể quan sát xung quanh tuỳ thích.
Chúng tôi đi vào một căn phòng nhỏ có trần và tường cáu bẩn, tối lờ mờ vì chỉ có một cửa sổ hẹp, che rèm màu vàng. Có một tủ buýt phê, một cái bàn tròn đánh verni bóng lộn và bốn cái ghế rơm. Một vài bức tranh treo trên tường: một con cá nằm trên đĩa, một núi hoa quả, một con thỏ bị treo đằng chân. Xuyên qua tấm rèm, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những gì xảy ra trên đường phố.
Theo yêu cầu của Girard, người đàn ông to béo phục vụ chúng tôi bữa ăn nhẹ rồi rút ra nhẹ nhàng, trở lại quầy rượu. Chúng tôi kéo ghế đến bên cửa sổ.
– Chúng ta không mong gì hơn – Brunei vui vẻ nói. Đói là được ăn ngay, người canh gác chẳng có gì phải phàn nàn cả.
– Tôi phải nói là vợ của Auguste là một đầu bếp rất cừ – Girard cười trả lời, anh ta uống nửa cốc rượu rồi nói thêm – Tôi sẽ gọi thêm hai hoặc ba đồng nghiệp, để chúng ta không phải vất vả quá. Chúng ta chỉ cần yêu cầu bà gác cổng ra hiệu cho chúng ta khi người thuê nhà đặc biệt ấy quay lại.
– Tôi đến đó ngay đây – Brunei nói và đứng lên. Trong trường hợp này, chậm trễ chỉ độ 5 phút thôi cũng đủ hỏng việc.
Anh quay lại ngay.
– Tốt rồi. Bà gác cổng không ngốc đâu. Ngay khi người thuê nhà quay về bà ta sẽ đi ra ngưỡng cửa và hỉ mũi. Vậy mệnh lệnh là: không rời mắt khỏi số nhà 49 bis.
– Thế bản nhạc giao hưởng thì sao? tôi hỏi.
– Nó hết rồi… tiếng đàn contrebas không hay lắm.
Đến đó chúng tôi vui vẻ cạn ly và đột nhiên thấy phấn chấn lên.
Vài phút sau chúng tôi chia tay Girard. Chúng tôi quay về bệnh viện Beaujon và biết rằng cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành vào ngày mai..
Simone Vigneray đã mở mắt nhưng cái nhìn trơ trơ làm bà ta trông dễ sợ. Người phụ nữ bất hạnh không nhận ra Brunei..
Từ bệnh viện chúng tôi đi đến nhà bác sĩ Didier.
Không xa cổng có hai người đàn ông đứng lại. Chúng tôi nhận ra ngay đó là những nhân viên an ninh.
– Devoux và Herberay tin rằng hung thủ không dừng bước trước thất bại mà sẽ toan tính giết Roland lần nữa, Brunei nói với tôi.
– Và anh tin rằng gác như thế là đủ à? Tôi kêu lên.
– Với địch thủ này, thì tôi tự hỏi phải gác thế nào mới là đủ? Brunei trả lời vẻ xấu hổ.
Chúng tôi đi lên cầu thang mà không nói thêm câu nào, tránh không gây ra tiếng động. Chỉ cần nhớ lại những phương thức kỳ lạ mà địch thủ có trong tầm tay cũng đủ làm tan tành niềm hy vọng và sự hứng khởi của chúng tôi.
Chúng tôi thấy bà Vigneray – mẹ ngồi trên đầu giường Roland. Đấy là một phụ nữ độ sáu mươi tuổi. Nỗi đau đớn hằn sâu trên nét mặt bà. Khuôn mặt vàng vọt, làn môi nhợt nhạt, nước mắt long lanh trong khóe mắt và bà đều đặn đưa tay lên chùi.
Các cử động của bà thật chậm chạp. Người ta cảm thấy bà muốn ngồi bất động và mỗi động tác đều làm bà đau.
Người ốm đã thấy khá hơn, không còn bị sốt nữa, cặp má ông ta hơi đỏ, vẻ mặt ông không còn đau đớn nữa nhưng có vẻ lo lắng sâu sắc. Và tôi nghĩ đến mốỉ đe doạ chết người treo trên đầu anh bạn bất hạnh của chúng tôi.
– Simone ra sao? Bà Vigneray hỏi và chìa tay cho Brunei.
– Cũng tạm được. Tuy vậy không thể hỏi gì cô ấy lúc này. Người ta định gắp viên đạn ra vào ngày mai.
– Thế còn cuộc điều tra? Roland hỏi.
Brunei nói vắn tắt chuyến đi của chúng tôi đến toà nhà và phát hiện ra những biên lai dưới tên Alfred Rupart.
– Người đó là hung thủ à? Bà Vigneray hỏi và rùng mình.
– Chúng tôi chưa thể khẳng định điều đó – Brunei nói. Nhưng tất cả các điều này cho chúng tôi thấy là Rupart có vai trò quan trong trong viêc này – Bà có bao giờ nghe thấy con trai bà nói đến cái tên này không?
– Chưa bao giờ, bà Vigneray trả lời sau khi suy nghĩ một lát.
– Thế còn anh, Roland?
– Cũng chưa bao giờ. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên ấy. A! Giá như tôi có thể rình trước nhà tên vô lại đó! – Ông ta quay sang bác sĩ – Ông đã hứa rồi, ông bạn, 48 giờ nữa là tôi rời giường bệnh thôi.
Bác sĩ gật đầu:
– Với điều kiện là anh phải ngoan ngoãn và đừng có kích động như bây giờ.
Từ phòng bên cạnh có tiếng ríu rít và tiếng sủa ăng ẳng vui vẻ. Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi, bác sĩ Didier đứng lên và ra hiệu cho tôi đi theo.
Ông nhẹ nhàng hé mở một cánh cửa và tôi thấy một phòng khách sáng sủa. Trên đi văng, quay lưng lại phía chúng tôi, một bé gái nhỏ xíu quỳ cạnh một chú cún con. Em lật một tai của con chó lên để nó nghe rõ hơn và nói chuyện với nó. Trong câu chuyện những từ “bố và mẹ” lặp đi lặp lại.
Những tiếng thở dài dội lên trong lồng ngực chúng tôi và bác sĩ lặng lẽ đóng cửa lại.
Roland Charasse đưa mắt theo dõi chúng tôi. Tôi thấy cặp mắt anh ta chứa đầy nước mắt.
– Cứ giấu cháu càng lâu càng tốt, bác ạ – anh ta nói và quay về phía người bà nội bất hạnh.
Người phụ nữ bất hạnh khẽ gật đầu rồi giấu mặt vào hai bàn tay.
Chúng tôi ra về. Trên cầu thang, Brunei xiết cánh tay tôi.
– Bạn có nhớ ngày tôi xác định vị trí của tôi trước bọn tội phạm không?
– Có… bạn đã cám ơn bọn tội phạm vì những giải trí mạnh mẽ chúng đã cho bạn có cơ hội được hưởng và cầu mong cho chúng ranh ma, quỷ quyệt hơn hàng trăm lần… Bạn đã làm tôi bực mình ngày hôm đó.
– Hôm nay tôi không trách anh đâu.
Một lần nữa, anh xiết chặt cánh tay tôi, mạnh đến nỗi tôi kêu lên,
– A! Ước gì có được tên vô lại đó trước mũi súng của tôi và hạ gục nó, bắn vỡ óc nó ra như bắn một con thú bẩn thỉu – Anh run lên vì giận dữ và cười lạnh lùng làm tôi thấy sợ – Nhưng thằng vô lại nào cơ chứ? Tôi quên rằng chẳng thấy hung thủ nào cả…Ba người chết, có thể ngày mai là bốn người, ai biết được? Vì tôi thú nhận rằng Simone làm tôi thấy sợ… bốn vụ giết người và không có hung thủ. A! Đến đập đầu vào tường mất.
Tôi rut rè lẩm bẩm.
– Là Alfred Rupart chăng?
– Tất nhiên là chúng ta có Rupart, đấy là một cách nói – anh nhìn đồng hồ – 6 giờ, quay lại đó thôi. Sự tình cờ có thể có lợi cho Girard.
Trong khi chúng tôi lái xe về phía Commerce, Brunei nói tiếp:
– Anh thấy đấy, tôi không thể công nhận là cái tay Alfred Rupart, mà chúng ta phát hiện ra dễ dàng đến thế, lại là hung thủ mà chúng ta truy tìm. Một tên cướp khéo léo đến như vậy, chính xác như vậy khi thực thi tội ác thì sẽ không sơ suất để lại những bằng chứng, những biên lai mà hắn biết chắc là có, bởi vì hắn đã nhận những lá thư bảo đảm.
– Có thể hắn quên chi tiết này.
Brunei lắc đầu.
– Một người như vậy không quên gì hết.
– Nhưng anh muốn hắn phải làm gì?
– Làm điều chúng ta đã làm. Chui vào phòng làm việc của Vigneray bất hạnh và tìm kiếm.
– Có thể hắn đã không dám.
– Không dám!
Bạn tôi nhún vai. Và tôi đỏ mặt vì sự ngốc nghếch của câu nhận xét của mình.
Làm sao mà một người, sau khi tàn sát ở phố Greuse, rồi luồn vào nhà Roland Charasse để chuẩn bị cái chết cho anh này, rồi chạy đến Mans để loại bỏ một nhân chứng đáng ghét, lại có thể do dự trước việc lục soát một căn phòng, một việc chẳng có gì là khó cả?
Alfred Rupart liệu có phải chỉ là, như Brunei lo ngại, một cấp dưới, một tòng phạm bất cẩn của “hung thủ huyền hoặc?”
Có nhiều người trong quán cà phê. Căn phòng mù mịt khói và ồn ào tiếng cười nói, hàng đống cốc tách chồng chất.. Bà chủ đã thay chỗ ông chồng ở quầy hàng. Đấy là một phụ nữ to béo, tóc nâu, mặt bóng loáng như một con bò cái. Hai chai rượu trong hai tay, một cái khăn lau dưới nách, Auguste đi lại giữa các bàn, trông chừng khách ăn.
Chúng tôi thấy Girard ngồi với một người đàn ông bé nhỏ, tóc hoa râm, vai rộng, được giới thiệu là: thanh tra Magloire, của đội đặc nhiệm, một tay rất rắn.
Brunei chỉ tay ra phố, Girard lắc đầu rồi rút trong túi ra một tờ giấy và chìa cho chúng tôi.
Đây là bản sao bản báo cao của bác sĩ pháp y ở Mans mà Magloire vừa mang tới. Julien Blanchot nhẽ ra sống thêm được một giờ nữa. Nhưng bị mất máu nhiều nên anh ta đã chết. Giá như anh chàng bất hạnh đó có thể gọi điện thì đã được cứu sống. Vừa đọc bản báo cáo, Brunei vừa hỏi: Không còn gì nữa à?
Thanh tra Magloire trả lời.
– Có, viện kiểm sát Mans đã gửi cho chúng ta viên đạn lấy từ thi thể của Blanchot. Các chuyên gia khẳng định là cùng một vũ khí đã giết ông chủ và người hầu.
– Tất nhiên rồi. Các ông có biết người ta có phát hiện gì thêm ở văn phòng của Vigneray không?
– Chả có gì thêm. Tôi đã gặp ông Devoux. A! trước khi đến đây, tôi đã đi qua bưu điện nằm giữa phố Haussman và Glude, nó gần toà nhà nhất. Theo số gửi thì lá thư ngày 2 tháng năm đã được mang đến quầy vào lúc sáu giờ tối.
– Đúng như chúng tôi nghĩ. Kẻ bất hạnh đó đã gửi thư ngay sau khi xuống tàu.
Brunei lại gần cửa sổ và hỏi:
– Có nhiều người đi vào số 49bis không?
– Không, Girard nói. Độ hơn chục người thôi.
Đến đó thì chúng tôi lại im lặng cho đến tận bữa tối. Girard đã nói đúng. Bà chủ là một đầu bếp cừ. Nhưng chúng tôi chẳng bụng dạ nào mà thưởng thức tài nghệ của bà ta.
Vừa ăn, chúng tôi vừa sắp xếp thứ tự và giờ gác luân phiên. Một thanh tra mới phải đến đây vào ngày mai. Chúng tôi sẽ có năm người để theo dõi toà nhà trước mặt. Chúng tôi ấn định mỗi người gác 8 tiếng.
Chưa sáng Brunei đã dậy.
– Ngày mai là ngày chôn Marcel Vigneray, tôi phải dậy sớm và tôi thấy mệt mỏi quá!
Chúng tôi để Girard nói chuyện với Magloise, người đang phải trực và đi qua gian phòng nơi bốn người chơi bài say rượu đang sát phạt nhau.
Sau khi gọi không được taxi, chúng tôi đi bộ về phía đại lộ Grenelle để đi ô tô buýt đến khu Montmartre.
Nhưng chúng tôi mải suy nghĩ đến nỗi thay vì phải rẽ sang trái, chúng tôi lại đi tiếp như một cái máy trên đại lộ, đi thẳng đến phố La Motte- Picguet.
Chúng tôi nhận ra sự đãng trí của mình khi đi qua sông Seine, trên cầu Comorde. Chúng tôi nhìn nhau, mỗi người đều thấy sợ vẻ ngơ ngác của mình.
Chúng tôi thuê taxi đi nốt đoạn đường cuối. Tôi chia tay Brunei ở cửa pháo đài Malesherbes.
– Nếu chúng ta không phát hiện ra chìa khoá của vụ án ghê sợ này nhanh một chút, bạn tôi nói và xiết tay tôi, thì tôi e là chúng ta sẽ hoá điên. Tôi tin rằng anh ấy không nói quá.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.