Sáu Tội Ác Không Có Hung Thủ

CHƯƠNG 8



Ngay khi trông thấy những mảng mầu sặc sỡ của các cây xăng, tôi cho taxi dừng lại. Tôi muốn đi bộ xuyên qua khu phố.
Có người Paris nào lại không biết Ville- d’Avray? Không chút do dự, tôi đi về phía những cái hồ và đến nơi nhanh sau khi đi xuống con phố nhỏ hơi dốc, không có vỉa hè.
Nhìn hết tầm mắt mà không thấy một bóng người. Trên mặt nước hồ lăn tăn, những đám mây nhỏ nhẹ nhàng trôi. Thời tiết mát dịu, đôi khi có những làn gió đủ mạnh để uốn cong những cây sậy.
Dưới những tia sáng yếu ớt của mặt trời, các tán cây xanh ngắt, xanh đến mức gần như đen. Trong một giây, tôi dán mắt vào những con đường dốc, đầy cát và thẳng tắp vạch nét rõ rệt trên cánh rừng. Có thể trên con đường đó, lát nữa tên giết người sẽ đến.
Bức tranh thật đẹp… Phong cảnh huy hoàng đó chẳng phù hợp chút nào với hồi kết của những cuộc phiêu lưu mệt mỏi của chúng tôi.
Nhưng tôi không ngắm cảnh đẹp được lâu. Từ khi rời xe ô tô, nỗi lo lắng dâng lên trong tôi.
Liệu tôi có bị lừa không? Tôi có tìm được ngôi nhà ở địa điểm đã chỉ dẫn không?
Rất nhanh, tôi thấy bình tâm lại. Ngôi nhà có những bức tường màu ghi kia rồi, nó nằm đúng cuối dãy nhà ven cái hồ thứ hai, ở vị trí cuối con đường nhỏ dẫn đến phố Versailles và sau nó là một loạt biệt thự.
Tất nhiên điểm hẹn có thật cũng không có nghĩa là hai người đàn ông sẽ đến đó; tuy nhiên, từ lúc đó, tôi không còn do dự gì nữa.
– Chúng sẽ đến, tôi tự nhủ. Chúng sẽ đến.
Tôi tin chắc. Tôi biết trước như vậy!
Bức tường cao đến 3 mét, có trổ một cái cổng gỗ màu nâu gồm hai cánh. Hẳn là cửa ga-ra ô tô.
Sau khi nhìn lướt xung quanh, tôi đi vào con đường nhỏ.
Đến giữa đường, tôi thấy trước mặt mình một cái cửa khác, nhỏ, thấp, bằng sắt, chắc là một cái cửa phụ, nhưng đã từ lâu không mở, tôi đoán thế vì nhìn thấy gỉ sắt bám đầy vào lỗ khoan.
Ở đầu đằng kia của con đường nhỏ là một ngôi nhà đang xây dựng dở. Và tôi, vui mừng nghĩ đến một nơi ẩn náu lý tưởng giữa đống gạch ngổn ngang đó. Tôi đi ra đường quốc lộ.
Lối vào chính của khu nhà đương nhiên là thông ra đường quốc lộ. Đấy là một cái cổng có hai cánh, giống như cửa phía sau, nhưng được chạm trổ và có màu nhạt hơn.
Không thể nhìn thấy ngôi nhà bên trong dù đứng ở góc độ nào.
Đúng là một nhà tù, tôi nghĩ.
Ngôi nhà bên cạnh có hàng rào bằng sắt. Tôi đi đến đó. Trưóc nhà có ba đứa trẻ đang chơi dưới sự giám sát ân cần của một phụ nữ có mái tóc trắng.
Tường rào bị phủ bởi những cây trường xuân. Từ góc này tôi cũng không nhìn thấy mái của ngôi nhà bí ẩn. Để không có vẻ là đang dòm ngó, tôi đi tiếp vào trong thành phố, vài phút sau tôi lại quay về con đường nhỏ. Tôi đi vào trong công trường và trốn đằng sau một cái thùng phi.
Cần phải vạch ra một kế hoạch. Tôi không biết các bạn tôi có nhận được kịp thời thư của tôi để đến đây đúng lúc không. Vậy mà trong khoảng bốn nhăm phút nữa, hai kẻ tòng phạm sẽ họp mặt trong nhà. Tôi sẽ làm gì nếu chỉ có một mình?
Hiển nhiên là cuộc gặp mặt này có tầm quan trọng sống còn nhưng liều lĩnh quá không khi định hiện diện ở đó? Đầu tiên là tôi không biết liệu đã có ai ở chỗ đó chưa? Cứ cho là ngôi nhà trống không, liệu tôi có khả năng ẩn nấp sao cho những người đến sau không nghi ngờ sự có mặt của tôi? Hơn nữa tôi không biết họ sẽ gặp nhau ở căn phòng này?
Đừng liều lĩnh, tham lam quá mà đánh mất tất cả, tôi tự nhủ, nhớ lại việc đã để mất dấu Alfred Rupart. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại lời khuyên sáng suốt đó.
Với những địch thủ khôn lanh này, một sự vụng về dù nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Nếu hai kẻ tòng phạm nhận thấy điều gì đáng nghi là chúng sẽ chuồn ngay, biến mất ngay. Và sẽ làm thế nào để tìm lại những người đàn ông mà bài học này lại làm chúng thận trọng hơn bao giờ hết?
Cuối cùng, tôi đành phải nói, phải thú nhận không xấu hổ là tôi cũng hơi sợ, khi nghĩ đến viễn cảnh chỉ có một mình, đằng sau những bức tường cao kia với kẻ lạ mặt mà tôi cho là tên giết người. Không phải là tôi sợ phải liều mạng, từ khi tôi chơi trò cảnh sát nghiệp dư này, tôi đã liều mạng hơn một lần, mà bởi vì kẻ thù này gây cho tôi một nỗi kinh hãi chưa từng cảm thấy bao giờ.
Với những địch thủ mà tôi đã chiến đấu cho đến bây giờ, bên cạnh Brunei, dù chúng mạnh đến đâu tôi cũng tin chắc là biết được các phương thức hành động của chúng, vì khả năng của chúng chỉ có hạn. Qua các phương thức của chúng, tôi dễ dàng tưởng tượng ra tính cách, bản chất của kẻ thù và nếu như mục đích các hành động của chúng có chưa rõ, thì ít nhất các hành động ấy cũng không có vẻ gì là bí hiểm.
Vậy mà lần này, chúng tôi không chỉ không biết tại sao hung thủ hành động như vậy, nhất là hắn đã hành động như thế nào? Câu hỏi đó làm tất cả chúng tôi nhức nhối. Hơn nữa, xét các điều kiện nơi các vụ giết người xảy ra, thì có vẻ như không có khả năng, về mặt vật chất, tồn tại một kẻ giết người.
Điều không thể hiểu nổi ấy làm cho ai cũng thấy sợ, và có vẻ mê tín nữa.
Dù tôi quyết định là sẽ không đi lang thang trong nhà, nhưng bây giờ lại nảy sinh một vấn đề. Tất nhiên là tôi không thể nào theo dõi được tất cả 3 cái cổng. Điều tốt nhất tôi có thể làm là trấn ở ngã ba giữa con phố nhỏ và đường quốc lộ. Tôi sẽ thấy hai lối ra. Nhưng hai người đàn ông lại có thể vào và ra qua cái cửa thứ ba.
Cứ cho là tôi gặp may và sẽ nhìn thấy chúng đi ra thì tôi sẽ phải đi theo đứa nào trong bọn chúng nếu bọn chúng tách ra đi mỗi đứa một ngả?
Tất nhiên là đi theo kẻ lạ mặt rồi.
Thế nhưng hiển nhiên là kẻ lạ mặt đó sẽ khôn khéo hơn nhiều so với đồng đảng của hắn, vậy liệu tôi có thể theo dõi hắn mà không bị hắn nhận ra không?
Hay cứ liều cho bắt giữ hắn?
Tôi thì không đủ tư cách làm thế. Hơn nữa tôi có bằng chứng gì chống lại hắn nào? Liệu việc hắn đến gặp người trao đổi thư từ bí ẩn của Marcel Vigneray có phải là phạm tội không?
Tôi thở dài… và nhận được một chuỗi cười nho nhỏ.
Tôi quay phắt lại, ngạc nhiên hơn là sợ hãi và tôi đã nhận ngay ra tiếng cười thân quen.
Brunei nấp nửa người sau một đống gỗ. Anh chìa tay ra cho tôi.
– Tôi đã gặp Auguste khi anh ta vừa đi từ nhà tôi ra. Tôi phi ngay đến đây. Nào kể đi, nhanh lên!
Tôi tóm tắt lại tình hình cho anh nghe.
– Anh đến đây từ bao giờ? Tôi hỏi khi nói xong.
– Tôi vừa đến thôi. Tôi vừa xem xét phía mặt tiền. Tôi tìm xem anh ở đâu. Khu xây dựng dở dang này thật là nơi ẩn nấp lý tưởng làm người ta không chần chừ được. Để không bị chú ý, tôi đã rẽ ngoặt theo khu rừng trải dọc con đường đi Versaille và tôi đã đi vào công trường này từ phía sau. Anh đã có vẻ rất ủ rũ nhưng tôi rất hiểu sự lúng túng của anh.
– Phải tôi thú nhận là tôi rất vui mừng khi có anh bên cạnh. Tôi đang tự hỏi liệu anh có về kịp để đọc thư tôi hay không.
Mặt Brunei sa sầm xuống.
– Tôi vừa đến bệnh viện.
– Thế thì sao? Anh làm tôi sợ.
– Simone Vigneray vừa bị băng huyết. Tình trạng của bà ấy thật tuyệt vọng. Các bác sĩ không chắc bà ấy có qua được đêm nay hay không.
Brunei nắm chặt tay lại.
– Cuối cùng thì thời điểm tính sổ sắp đến rồi – anh nhìn đồng hồ – 6 giờ kém 10. Chúng ta phải đối mặt với những kẻ thận trọng và chính xác, chúng sẽ đến đúng giờ; vậy là chúng ta còn bốn mươi phút nữa. Nói tóm lại, tôi thấy có cái cửa thứ hai ở phía này. Anh đã đi đến chỗ con đường ven hồ chưa?
– Tôi đi từ phía đó lại đây đấy. Có thêm một cái cổng thứ ba, gồm hai cánh cửa giống như cái ở mặt tiền ấy. Hình như là cửa nhà để ô tô thì phải.
– Cái nhà để ô tô đó hẳn là thông vào khuôn viên bên trong. Vậy là chúng ta phải theo dõi ba lối ra. Khỉ thật! Ước gì Roland hoặc Girard nhận được lời nhắn của anh.
– Cũng đã muộn lắm đâu.
– Có muộn đấy, vì nếu các anh có hai người để rình ở đây thì tôi sẽ nhảy vào bên trong các bức tường này mà không chần chừ gì. Với các đối thủ tầm cỡ thế này thì thận trọng không bao giờ là thừa cả.
– Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng anh chưa biết trong nhà có người hay không.
– Không phải tôi không biết – và mỉm cười trước sự kinh ngạc của tôi, Brunei nói thêm – Đúng là tôi chưa nói với anh. Lúc đi qua tôi đã hỏi thăm hàng xóm. Ngôi nhà sau các bức tường màu ghi này bị bỏ hoang. Tôi thậm chí còn biết chủ nhân của nó: Một người kỳ lạ chẳng bao giờ nói chuyện với ai, và chỉ về nhà vào chủ nhật. Ngày hôm nay anh bạn của chúng ta phá lệ đấy
– Thế anh không ngại nói chuyện đó với người lạ à? Nhỡ ra thì sao? Nếu họ là đồng loã thì…
Brunei nhún vậi.
– Một bà già với lũ cháu nhỏ ư?… Nếu thế thì thật khổ cho nhà ấy.
Tôi nhìn anh. Trông anh thật hài lòng! Tôi không ngăn mình được nói ra điều đó với anh.
– Phải, tôi hài lòng, anh trả lời cụt lủn. Nghĩ xem chúng ta chờ đợi thời khắc này đã mười lăm ngày nay. Tôi đã tuyệt vọng… Thế mà chúng ta lại được hành động, chúng ta sẽ biết mặt hắn, biết bằng cách nào…
Chợt anh im bặt. Tôi nhìn theo hướng mắt anh. Ở đó, trên bờ một cái hồ, có một bóng người.
– Roland, chính là Roland, Brunei vui vẻ kêu lên. Tạ ơn trời. A! Ba chúng ta sẽ hành động tốt biết bao.
Sau khi ra hiệu cho tôi ở nguyên tại chỗ, anh lách qua những đống vật liệu và biến mất.
Brunei đã không nhầm. Một lát sau, tôi thấy anh quay lại với anh bạn của chúng tôi.
Với một cơ thể cường tráng, Roland Charasse không còn cảm thấy bị ảnh hưởng gì bởi vụ đầu độc, nhưng mái tóc bạc sớm, và những nếp nhăn trên vầng trán cao làm người ta thấy được cái ác đã từng làm anh đo ván cũng như nỗi đau khổ mà anh phải chịu đựng.
Từ khi Roland thoát chết, tôi không nhìn thấy gì ở anh ngoài nỗi tuyệt vọng sâu sắc và nỗi lo lắng thường xuyên. Và cả lần này nữa, mặc dù ý nghĩ về hành động sắp diễn ra làm cho ánh mắt của anh lấp lánh như mắt của Brunei, nhưng cả cơ thể anh vẫn toát ra một nỗi chán chường và buồn rầu vô tận.
– Chúng ta sẽ trả thù cho họ, tôi nói, xúc động chìa tay ra cho Roland.
– Đừng để mất thời gian, Brunei nói ngắn gọn. Hãy xem tôi đề nghị nhé. Các anh sẽ đi đến hai góc của công trường và đứng chắn ở đó – để có thể theo dõi các con đường. Tôi sẽ đi một vòng trong nhà. Tôi hy vọng sẽ làm xong trước khi bọn kia đến, nhưng không biết có kịp không. Nếu một trong hai các anh thấy có gì lạ thì huýt sáo nhé! Đừng huýt như kiểu ra hiệu mà phải huýt lâu, có nhịp điệu, như một đứa trẻ đùa nghịch ấy. Tuỳ theo nơi nào phát ra tiếng huýt sáo thì tôi sẽ liệu chạy ra phía cửa nào. Rõ chưa?
– Rõ rồi.
Tôi đi theo con đường dẫn đến Versailles, trong khi Roland đi về phía những cái hồ. Khi cả hai chúng tôi đã về vị trí quan sát, Brunei vượt qua con đường nhỏ và đi về phía cổng phụ. Hình như anh mở nó rất khó khăn vì tôi nhớ là ổ khoá đã bị rỉ. Cuối cùng anh cũng biến mất sau bức tường dày và cánh cửa khép lại.
Không có gì xảy ra khi anh bạn của chúng tôi vắng mặt. Brunei quay lại sau mười lăm phút. Lúc đó chính xác là 6h17.
Rất nhanh, Brunei đi xuống con đường nhỏ và đi vào công trường. Tôi đoán là anh nói chuyện với
Vài phút sau Roland bỏ vị trí và đi xéo về phía những cái hồ, các bức tường làm tôi không nhìn thấy anh ta nữa.
Brunei quay về phía tôi, trượt chân giữa đống đá, sỏi và thùng phi. Vừa quan sát con đường tôi vừa hỏi. – Thế nào?
– Tôi nhắc lại điều tôi vừa nói với Roland: ngôi nhà nằm ở phía cuối, nó tựa lưng vào bức tường chung với nhà của bà cụ mà tôi vừa hỏi chuyện lúc nãy. Không có tầng gác, chỉ có một tầng lửng. Ngôi nhà có ba cửa, mỗi cửa đều trông ra vưòn. Ngôi nhà có hai hành lang tạo thành hình chữ T với nét vạch ngang rất dài… Nét vạch ngang đó thực ra chạy suốt chiều dài của nhà, nó chạy từ cửa phía đường đi Versaille của chữ T hướng về con đường nhỏ này. Anh hiểu chưa?
– Tất nhiên. Tuy vậy tôi không hiểu anh nói thế để làm gì? Kế hoạch của anh thế nào?
– Đơn giản thôi. Roland trấn ở ven hồ, tôi sẽ trấn ở phía con đường đi Versaille, trong rừng. Còn anh, anh lại đến vị trí lúc nãy. Chúng ta cứ để chúng đi vào. Nếu chúng đi ra phía tôi đứng, tôi sẽ tìm cách ra hiệu cho anh. Anh sẽ báo cho Roland và các anh đi đến gặp tôi. Nếu chúng đi ra phía Roland đứng, anh ta sẽ báo cho anh. Nếu chúng đi ra phía con đưòng nhỏ thì chúng buộc phải đi qua một trong hai con đường, anh sẽ báo cho một trong hai chúng tôi, Roland hoặc tôi, người mà chúng quay lưng lại. Rõ chưa?
– Rõ. Nhưng nếu chúng đi tách ra?
– Trong trường hợp đó, các anh sẽ chịu trách nhiệm về Rupart. Còn tôi lo thằng kia.
– Chúng ta theo dõi chúng à?
Brunei nhìn tôi vói vẻ đau khổ.
– A! Anh nghĩ thế à? Theo dõi những người như chúng à? Chúng ta phải lao vào chúng, chồm lên chúng, anh hiểu tôi chứ? Và tôi bảo đảm với anh rằng tôi chẳng cần nhiều thời gian để bắt chúng phun ra.
Anh chặn lời phản đối của tôi.
– Phải, tôi biết sự e ngại của anh. Không cần hợp pháp. Chúng ta không có bằng chứng. Nếu có Girard ở đây thì chúng ta không làm thế được. Thế nhưng chỉ có chúng ta thôi.
Anh đấm tay vào ngực.
Nhớ là tên kẻ cướp đó đã giết ba nhân mạng rồi, có thể là bốn nữa. Trời ơi! Có những trường hợp mà phải lờ sự hợp pháp đỉ.
– Thế nếu chúng ta nhầm thì sao?
– Thế thì mặc xác danh tiếng của chúng ta. Sẽ có trận cười ngày mai!… Nhưng có cái gì đấy mách tôi là hắn đấy, chính hắn đấy.
Sự phấn chấn của anh đã thuyết phục tôi.
– Nhưng nếu chúng ta đợi chúng đi ra rồi mới hành động thì tại sao anh lại phải quan tâm đến sơ đồ của ngôi nhà?
Sự nhiệt tình của Brunei chợt giảm đi.
– Tại sao à? Bởi vì tôi sợ. Bởi vì tất cả có vẻ quá đẹp, quá đơn giản. Tôi sợ từ lúc tôi rời ngôi nhà. Có thể anh cho tôi là ngớ ngẩn, nhưng tôi chuẩn bị tinh thần đối mặt với một nơi ẩn náu có tầm cỡ của những kẻ mà chúng ta đang truy tìm. Vậy mà tôi thấy một ngôi nhà ngoại ô không bí hiểm gì cả.
– Vậy thì?
– Vậy chính sự tĩnh lặng, vẻ an toàn làm tôi thấy sợ. Tôi nhớ lại căn hộ của Vigneray, phòng ở của Adele, biệt thự ở Mans, và tôi tự nhủ cả ở đó nữa cũng…
– Nhưng tóm lại, vì chỉ có ba lối ra và chúng ta canh gác cả ba lối ra ấy… Thế có tầng hầm không?
– Có, cầu thang đi từ bếp. Tất nhiên là tôi đã xuống đó. Chả có một hòn than, một thùng rượu nào cả. Cửa tầng ngầm đều có song sắt.
– Thế ngôi nhà có lớn không?
– Không, chỉ có bốn phòng. Nếu vào từ cái cửa phía anh đứng thì phòng ăn ở phía bên trái và nhà bếp ở bên phải. Phòng khách và phòng ngủ thông ra hành lang kia.
– Có nhiều đồ đạc không?
– Không, chả có mấy. Này, nó có vẻ giống căn hộ ỏ trên phố Commerce.
– Còn khu vườn?
– Chả có cái cây nào. Chỉ là thảm cỏ chia thành mấy lối đi dẫn đến các cái cổng đi ra ngoài nhà.
– Thế nhà để xe mà Roland đang coi chừng lối vào thì sao?
– Trống rỗng. Chả có gì bí ẩn ở chỗ đó cả.
– Vậy là, Brunei, tốt rồi.
– Với bất kỳ đối thủ nào khác thì tôi sẽ nói: chúng ta thắng rồi. Còn với tên này…
Tôi ngắt lời anh:
– Tại sao lại để chúng đi vào? Chồm ngay lên chúng chứ.
– Không được. Hẳn chúng sẽ không cùng đến và bắt kẻ đầu tiên sẽ có nguy cơ làm kẻ kia tháo chạy. Hơn nữa nếu chúng cùng đến thì chúng ta cũng không đủ thời gian hợp nhau lại trước khi chúng đi vào. Mà anh biết là chúng nguy hiểm như thế nào rồi đấy. Chống lại những kẻ như vậy thì ít nhất phải cân bằng lực lượng.
– Tôi cũng nghĩ vậy. Vậy là tất cả đều tốt. Tại sao anh vẫn lo lắng? Chúng ta sẽ tóm được chúng.
Bạn tôi mỉm cười và ánh mắt anh phản ánh một nghị lực phi thường trong khi anh xiết tay tôi.
– Phải, anh nói đúng, chúng ta sẽ tóm chúng. Hẹn lát nữa nhá, anh bạn.
Đường quốc lộ vắng vẻ. Brunei sải chân băng qua và biến mất vào trong rừng. Một lát sau, tôi về vị trí quan sát của tôi, sau cái thùng phi, ngay trưốc cái cửa nhỏ.
Tôi nhìn đồng hồ: 6h26
Vậy là chưa đầy năm phút nữa, vì tôi biết là hai kẻ đó rất đúng giờ, lũ khốn nạn sẽ đi vào biệt thự. Tôi có nhìn thấy chúng đi qua không? Chắc là không. Cả hai đều đến từ Paris, chúng chẳng có lý do gì để đến tận con đường nhỏ, trừ phi chúng cố tình đi vào cái cổng nhỏ để tránh gây chú ý.
Điều đó cũng có thể xảy ra. Và ý nghĩ là chẳng mấy chốc nữa, kẻ lạ mặt có thể xuất hiện làm tôi thấy như phát sốt.
Tôi cố gắng trấn tĩnh.
Nào, mình thật ngốc! Nếu mình mất bình tĩnh thì mình sẽ ra sao khi chúng đi ra và đến lúc bọn mình phải nhảy bổ vào chúng?
Vô ích. Tôi cảm thấy như có một bàn tay sắt xiết chặt cổ tôi và một hòn đá đè nặng lên ngực tôi.
Máy móc, tôi đưa tay về phía bao súng và chuyển khẩu súng vào túi áo vét. Động vào thép làm tôi thấy vững dạ.
Vả lại không phải viễn cảnh sẽ phải chống chọi với hung thủ làm tôi lo lắng mà một nỗi sợ không định nghĩa nổi mà Brunei đã nói với tôi, sẽ biến mất ngay khi tôi trông thấy hung thủ.
Vì tôi cảm thấy rõ là không phải chính hung thủ làm tôi sợ mà là truyền thuyết về hắn. Làm sao hiểu nổi người đó đã che giấu sự hiện diện của mình theo cách thật ghê sợ trong khi chính lý trí lại từ chối công nhận sự hiện diện đó? Nhưng tôi tin chắc rằng tôi sẽ bình tâm lại ngay lập tức khi truyền thuyết này chấm dứt trước một sự thực: có một hung thủ bằng xương, bằng thịt.
6h29… 6h29…
Nỗi lo lắng của tôi tăng lên đến nỗi tôi thấy đau đớn.
6 giờ rưỡi.
Tôi gắng sức căng tai ra nghe ngóng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.