Sherlock Holmes Toàn Tập

Chương 2. Ông Sherlock Holmes diễn thuyết



Nói rằng một cái tin kỳ lạ như vậy làm anh ta phải bối rối hay xúc động thì là nói ngoa. Mặc dù là người không có tính độc ác, nhưng vì sống mãi trong những cái “giật gân” thành ra cũng chai người đi rồi. Và nếu những xúc cảm của anh có bị cùn nhụt đi thì trái lại sự thông minh của anh lại tăng thêm.

Holmes nói lớn :

Phi thường. Thật phi thường.

Hình như ông không ngạc nhiên gì thì phải?

Tại sao tôi lại phải ngạc nhiên? Tôi nhận được một bức thư nặc danh báo cho biết là có một sự nguy hiểm đang đe dọa một người nào đó. Rồi một giờ sau, tôi hay tin rằng sự nguy hiểm đó đã thành sự thật và người kia đã chết. Vậy thì tôi có chú ý, chớ không hề ngạc nhiên.

Holmes kể lại cho viên thanh tra nghe chuyện chúng tôi vừa giải mã bức thư. MacDonald ngồi xuống hai tay đỡ lấy cằm, và hai con mắt chỉ còn như hai cái khe màu vàng. Ông ta nói :

Tôi định sáng nay sẽ đi xuống lâu đài. Tôi rẽ vào đây để hỏi xem ông có cùng đi không? Nhưng bây giờ làm việc ở London có lẽ có kết quả hơn.

Tôi không nghĩ thế. – Holmes nói.

Ông hãy xem, chỉ ngày mai hay ngày kia thôi, là báo chí sẽ làm rùm beng lên về câu chuyện bí mật ở lâu đài đó. Nhưng bí mật ở đâu kia chứ, vì ngay tại London, đã có người báo tin trước khi án mạng xảy ra. Vậy chúng ta hãy tóm cổ cái vị tiên tri ấy, thì mọi việc còn lại sẽ tuồn tuột theo ra cả thôi.

– Chắc chắn là thế. Nhưng làm cách nào mà ông tóm cổ được cái tên Porlock này?

Dona lật ngược lá thư mà Holmes vừa đưa cho anh ta.

Thùng thư ở trạm bưu điện Camberwell. Điều này cũng không giúp được gì? Theo ông thì cái tên này là tên giả? Có phải ông nói rằng ông có gửi tiền cho hắn ta phải không?

Hai lần.

Bằng cách nào?

Gửi qua bưu điện.

Ông không bao giờ đi xem mặt người lĩnh số tiền đó.

Không.

Viên thanh tra tỏ ra hơi ngạc nhiên và khó chịu.

Tại sao lại không?

Bởi vì bao giờ tôi cũng giữ đúng lời hứa, Khi hắn viết thư cho tôi lần đầu tiên, tôi đã hứa với hắn là sẽ không tìm cách theo dõi hắn.

Ông có nghi rằng có một người nào khác đằng sau hắn không?

Tôi không nghi, mà tôi biết chắc kia.

Cái vị giáo sư mà ông đã nói với tôi?

Đúng đấy.

Viên thanh tra mỉm cười và nháy mắt với tôi :

Ông Holmes ạ. Chính tôi đã đích thân điều tra về ông ta: mọi cái đều cho thấy rằng đây là một con người rất đáng kính, một nhà bác học đầy tài năng.

Tôi thật sung sướng thấy ông nêu lên những tài năng của ông ta.

Thật vậy, người ta chỉ còn biết cúi đầu kính chào ông ta mà thôi. Tôi có lần ngồi nói chuyện với ông ta về nguyệt thực, nhật thực, mà thật quái quỷ: tôi cũng không hiểu bằng cách nào câu chuyện lại quay sang đến vấn đề đó. Nhưng thực tình chỉ với một cái đèn và một quả địa cầu, ông ta đã cắt nghĩa tất cả cho tôi hiểu trong có một phút đồng hồ. Ông ta có cho tôi mượn một cuốn sách, nhưng nó quá cao đối với tôi. Ông ta có một bộ mặt nhẵn nhụi, mái tóc hoa râm, và cách ăn nói hơi trịnh trọng đủ để làm một ông bộ trưởng.

Holmes phát ra một tiếng cười, xoa hai bàn tay vào nhau :

Thật là tuyệt, có phải cuộc đàm đạo mê ly và xúc động ấy là ở ngay trong buồng làm việc của giáo sư phải không?

Đúng thế.

Một căn phòng rất đẹp

Rất đẹp, đúng thế.

Ông ngồi trước bàn làm việc của ông ta.

Vâng.

Mặt trời chiếu vào mắt ông, còn mắt của giáo sư thì ở trong bóng tối.

Lúc đó à vào buổi tối, cái đèn quay về phía tôi

Tất nhiên là như thế. Ông có nhận thấy ở trên đầu chỗ giáo sư có treo một bức tranh không?

Vâng, bức tranh. Một người phụ nữ trẻ tuổi, hai tay ôm đầu và liếc nhìn xuống người xem tranh.

– Tranh của Jean Baptiste Greuze đấy

Viên thanh tra chăm chú nghe, Holmes ngả người vào lưng ghế, chụm đầu các ngón tay vào nhau, nói tiếp :

Jean Baptiste Greuze là một họa sĩ người Pháp sống vào khoảng 1750 đến 1800. Các nhà phê bình hiện đại đánh giá cao họa sĩ này.

Hai mắt của viên thanh tra dãn ra :

Có lẽ tốt hơn hết là chúng ta hãy…

Holmes cắt ngang ngay :

Tất cả những điều tôi nói với ông đều có một mối liên quan với cái bí mật của lâu đài Birlstone đấy. Thực ra, chúng ta đang đứng ở trung tâm của lối bí này.

Dona miễn cưỡng mỉm cười và nhìn tôi :

Ông suy nghĩ có hơi nhanh quá. Ông nhảy mất một hay hai bước. Thành ra tôi không theo kịp ông nữa. Làm sao lại có thể có một mối liên hện giữa nhà họa sỹ của thế kỷ trước với vụ án này được.

Sự kiện năm 1865 một bức tranh của Greuze được La Jeune Fille a l’Agneau đem ra bán đấu giá 1.200.000 franc, khoảng 40.000 bảng, không đủ làm chuyển bánh cả một đoàn tàu dài những suy nghĩ trong chất xám của ông sao?

Không biết có phải là chuyển bánh không? Nhưng thấy viên thanh tra gãi đầu ghê quá, Holmes lại tiếp tục :

Lương giáo sư Moriarty là 700 bảng một năm. Vậy thì làm sao mà ông ta có thể mua được bức tranh?

Đoàn tàu của viên thanh tra bây giờ đang chạy hết tốc lực :

– Thật hấp dẫn. Tôi rất thích nghe ông nói chuyện.

Holmes mỉm cười. Anh ta rất khoái những sự tán thưởng ngây thơ như vậy.

Thế ở lâu đài đã xảy ra chuyện gì? – Holmes hỏi.

Chúng ta có thì giờ ông ạ. Có một xe ngựa đợi tôi ở dưới đường kia. Về chuyện bức tranh…. Ông Holmes ạ, có lần ông đã khẳng định với tôi là ông chưa hề gặp mặt giáo sư bao giờ.

Đúng. Tôi chua hề gặp mặt ông ta.

Thế thì làm sao ông biết được căn buồng của ông ta.

Tôi đã đến nhà ông ta ba lần: Hai lần tôi đã kiếm cớ ngồi chờ ông ta, và tôi đã đi khỏi trước khi ông ta về; Còn một lần… chính lần đó tôi đã tự cho phép tôi đọc qua những giấy tờ của ông ta và kết luận thật là bất ngờ.

Ông có tìm thấy một cái gì phạm pháp không?

Tuyệt đối không có. Chính điều đó làm tôi bối rối. Nhưng mà ông đã thấy tầm quan trọng của chi tiết bức tranh rồi chứ, chi tiết ấy nói lên rằng ông giáo sư rất giàu. Nhưng ông ta làm gì mà lại giàu thế? Ông ta không lấy vợ. Em ông ta là một người xếp ga quèn ở miền Tây.

Vậy thì sao?

Suy luận ra cũng đơn giản thôi.

Ông cho rằng ông giáo sư có những nguồn thu nhập lớn, và những nguồn này là bất hợp pháp phải không?

Đúng là như thế. Cái ý nghĩ này, tất nhiên không phải là chỉ có dựa trên bức họa của Greuze thôi, Tôi có cả tá những sợi tơ mong manh dẫn tôi đến trung tâm của màng nhện, là nơi con vật đó đứng im rình mồi. Sở dĩ tôi nêu lên chuyện bức họa, cũng chỉ vì nó nằm trong giới hạn tầm mắt của ông mà thôi.

Những điều ông vừa nói là hết sức đáng chú ý. Nhưng nếu có thể, chúng ta thử đào sâu thêm một tý xem sao. Có phải ông ta đã làm giàu bằng mánh mung, lừa đảo làm bạc giả….

Ông đã có bao giờ đọc một cái gì nói về Jonathan Wild chưa?

Có phải là tên của một nhân vật tiểu thuyết không không? Trong đó các ngài thám tử đều làm được những việc rất kỳ diệu.

Jonathan Wild không phải là thám tử cũng không là một nhân vật tiểu thuyết. Đó là một tên tội phạm bậc thầy đã sống vào khoảng năm 1750. Ông Mac, ông nên đọc lại tất cả những tài liệu ghi chép lại các vụ án. Tất cả mọi việc đều chỉ lặp lại mà thôi, kể cả lão giáo sư Moriarty nữa. Jonathan là sức mạnh của những tên tội phạm của London. Hắn đã bán bộ óc cho bọn này lấy 15% hoa hồng trong mỗi vụ. Tất cả những chuyện đã làm trước đây, sẽ còn được làm lại nữa. Tôi sẽ kể cho ông nghe một vài việc về Moriarty mà có lẽ sẽ làm ông vui thích.

Tôi xin dỏng cả hai tai lên.

Tôi đã tìm hiểu được ai là khâu đầu tiên của sợi xích. Một sợi dây xích mà đầu này là một tên tôi phạm thượng thặng, còn đầu kia là cả trăm tên ăn cắp, móc túi, những tên đi tống tiền, những tên bợm cờ bạc. Ở giữa hai đầu sợi xích đó, là tất cả các loại tội ác. Tham mưu trưởng của bọn chúng là tên Đại tá Sebastian Moran. Theo ông thì lão giáo sư trả lương cho hắn ta bao nhiêu tiền?

Tôi muốn biết điều đó lắm.

Sáu nghìn bảng một năm. Tôi cũng tình cờ mà biết được chi tiết này thôi. Ngài Đại tá Moran lương còn cao hơn cả Thủ tướng, những cái cái séc bình thường để trả tiền sinh hoạt trong nhà thôi. Nó được trả vào tài khoản của sáu ngân hàng khác nhau. Chi tiết này có làm cho ông phải suy nghĩ không?

Tất nhiên cũng đáng chú ý thật. Nhưng từ đó ông suy luận ra những gì?

Những gì à, là hắn không muốn ai bép xép gì về của cải của hắn, hắn có khoảng 20 tài khoản ở ngân hàng, và phần lớn tài sản của hắn thì ký gửi ở Pháp hoặc Đức.

MacDonald ngồi lặng đi, chìm đắm trong một suy nghĩ sâu lắng, nhưng rồi cái óc thực tế xứ Ecosse lại kéo anh ta đứng lên.

Hiện giờ, thì lão ta có thể cứ tiếp tục. Ông đã kéo chúng tôi đi quá xa với những câu chuyện cổ tích của ông rồi. Tôi chỉ còn ghi nhận được cái điều cốt yếu là có một sự liên hệ nào đó giữa giáo sư với tội ác. Vậy xin hỏi ông, liệu chúng ta có thể đi xa hon thế không?

Ông đã nói với chúng tôi rằng vụ án mạng này hiện giờ chưa giải thích được. Nếu chúng ta giả thiết, rằng nguồn gốc của nó là như chúng ta đã nói, thì có thể phải xét đến hai động cơ khác nhau. Trước hết, Moriarty cai quản cái thế giới của lão bằng một cây roi sắt. Bộ luật hình của hắn chỉ gồm có một hình phạt: Xử tử. Như vậy có thể Douglas đã phản bội sếp của hắn. Hình phạt đã được thi hành, và cái chết này sẽ thổi một luồng gió sợ hãi vào những tên còn sống trong băng của lão.

Đó là một gợi ý, thưa ông Holmes

Giả thiết thứ hai, là vụ án mạng đã được Moriarty dựng lên như một vụ thông thường mà thôi. Ở đó có mất gì không, ông Mac?

Tôi không nghe nói có mất gì cả.

Nếu có mất đồ thì điều này chống lại giả thiết thứ nhất và sẽ phù hợp hơn với giả thiết thứ hai. Moriarty có thể đã bị đẩy đến chỗ phải gây ra vụ án mạng này để chia phần, hoặc là hắn đã được bọn nào đó thuê tiền để tổ chức vụ án. Cả hai khả năng này đều có thể cả. Nhưng dù sao, thì cũng phải đến đó mới tìm được lời giải.

MacDonald bật đứng dậy, reo lên :

Vậy thì phải đi tới lâu đài Birlstone thôi. Holmes vừa thay áo vừa nói :

Trong khi đi đường, xin ông MacDonald kể lại cho chúng tôi nghe tất cả.

Chữ “tất cả” này thật ra là quá ít ỏi. Nhưng cũng đủ để cho Holmes phải chăm chú nghe. Những chi tiết lặt vặt đã làm cho anh cứ xoa mãi hai tay vào nhau, mặt hồng hào hẳn lên. Chúng tôi vừa mới sống mấy tuần lễ quá tẻ nhạt, và hôm nay mới lại đứng trước một bí mật xứng đáng với những tài năng của Holmes. Viên thanh tra cũng nói rõ rằng đây chỉ là những chi tiết anh ta lấy từ một bản báo cáo vội vã mới gửi theo chuyến tàu sớm nhất. Viên thanh tra địa phương đó là bạn của ông ta. Vì vậy ông ta được tin rất sớm, khác hẳn với mọi lần. MacDonald đọc to cho chúng tôi nghe bức thư của Mason :

“Gửi thanh tra MacDonald

Những tài liệu chính thức cần cho các bộ phận công tác của ông đã được gửi trong một bao bì riêng. Thư này là gửi riêng cho một mình ông. Hãy điện ngay cho tôi biết ông đi chuyến tàu nào xuống đây để tôi ra đón. Đây là một bài toán sẽ làm cho ông phải đau đầu. Xin ông hãy xuống ngay. Nếu ông có thể mời được cả ông Holmes thì hay quá. Thực tình, tôi thấy phức tạp quá”.

Holmes nhận xét :

Gớm, ông bạn của ông có vẻ sắc mắc nhỉ?

Vâng đúng thế, thưa ông. Mason xưa nay vẫn là con người tích cực lắm.

Được. Thế ông có tin gì khác nữa không, ông Mac.

– Không, khi nào đến nơi, Mason sẽ cho biết.

Thế thì tại sao ông lại biết Douglas bị ám sát.

Trong bản báo cáo chính thức có nêu tên Douglas và ghi rõ là đã bị giết bởi một viên đạn súng săn bắn vào giữa đầu. Cũng có ghi cả giờ báo động là trước lúc nửa đêm hôm qua một chút. Báo cáo nói thêm là đây chắc chắn là một vụ án mạng rồi, nhưng chưa bắt giữ ai, và vụ án này có một vài khía cạnh kỳ lạ làm cho người ta phải bối rối.

Vâng, ông Mac, nếu ông cho phép thì chúng ta tạm ngưng ở đây. Hiện giờ thì tôi mới chỉ thấy có hai điều là: có một bộ óc lớn ở London và một cái xác chết ở Sussex. Vấn đề là phải tìm được sợi dây xích nối hai cái này lại với nhau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.