Sói thảo nguyên

Kết



Tôi mở cửa. Cảnh tượng phía sau đơn giản mà đẹp đẽ. Tôi thấy hai người lõa lồ nằm trên thảm, Hermine đẹp gái và Pablo điển trai, kề bên nhau, mê mệt ngủ, kiệt sức sau trò ân ái, thứ trò chơi dường như không thể làm thỏa mãn nhưng lại khiến nhanh chóng chán chê. Đẹp, những con người rất đẹp, hình ảnh thật đẹp, những thân thể tuyệt vời. Dưới ngực trái Hermine có một vệt tròn, mới rành rành, bầm tím, dấu Pablo cắn yêu với hàm răng đẹp lóng lánh. Tôi thọc dao vào ngay vết cắn, lút tới cán. Máu tuôn trên làn da trắng mịn của Hermine. Lẽ ra tôi đã hôn sạch vệt máu ấy, nếu mọi sự trước đó khác đôi chút. Giờ đây tôi đã không làm như thế; tôi chỉ nhìn máu chảy, nhìn mắt nàng mở ra một lúc, đầy đau đớn, quá đỗi kinh ngạc. “Sao nàng kinh ngạc nhỉ?” tôi tự hỏi. Rồi tôi nghĩ phải vuốt mắt cho nàng. Nhưng chúng đã tự khép lại rồi. Thế là xong. Nàng chỉ hơi nghiêng người qua một bên; tôi thấy từ nách đến ngực nàng chập chờn một vệt tối mềm mại như muốn nhắc tôi nhớ lại chuyện gì đấy. Quên mất rồi! Rồi nàng nằm im lìm.

Tôi ngắm nhìn nàng thật lâu. Cuối cùng tôi rùng mình như vừa thức giấc và dợm bỏ đi. Đúng lúc ấy tôi thấy Pablo ưỡn người, mở mắt, duỗi chân tay, thấy anh cúi xuống cô gái xinh đẹp đã chết và mỉm cười. Anh chàng này chẳng bao giờ nghiêm trang nổi, tôi nghĩ, chuyện gì cũng khiến anh cười được. Pablo khẽ khàng lật một góc thảm, phủ kín ngực Hermine, để không còn thấy vết thương nữa, rồi đi êm như ru ra khỏi ngăn lô. Anh ta đi đâu? Hết cả bọn họ đã bỏ rơi tôi ư? Tôi nán lại, một mình với người chết được che đậy sơ sài, người tôi từng yêu và ganh tị. Lọn tóc xoăn kiểu con trai lòa xòa trên vầng trán tái nhợt của nàng, đôi môi đỏ chót hé mở trên khuôn mặt trắng bệch, tóc nàng thoang thoảng thơm và hơi để lộ vành tai nho nhỏ, xinh xinh, óng ánh.

Giờ đây nàng đã toại nguyện. Tôi đã giết người mình yêu, trước khi nàng hoàn toàn là của tôi. Tôi đã làm điều không tưởng tượng nổi và giờ đây tôi quỳ, mắt trừng trừng nhìn và không rõ điều mình đã làm ấy có ý nghĩ gì, không hề biết nó tốt và đúng đắn hay ngược lại. Gã chơi cờ khôn ngoan nọ sẽ nói gì về chuyện này, Pablo sẽ nói gì về chuyện này? Tôi hoàn toàn không biết, tôi không thể nghĩ ngợi gì. Đôi môi tô son càng lúc càng rực đỏ trên khuôn mặt đã tàn sinh khí. Cả cuộc đời tôi giống như thế, chút hạnh phúc cỏn con và tình yêu của tôi cũng giống đôi môi khô cứng này: một chút màu hồng tô trên mặt người chết.

Và từ khuôn mặt chết chóc ấy, từ đôi bờ vai chết chóc ấy, từ đôi cánh tay nõn nà chết chóc ấy nhẹ tỏa ra, len lén, một cơn rùng mình, một sự hoang vu và quạnh quẽ của mùa đông, một cơn giá buốt dần dần, khiến hai bàn tay và môi tôi từ từ cứng đời. Tôi đã dập tắt mặt trời rồi ư? Tôi đã giết chết trái tim của mọi cuộc sống rồi ư? Khí lạnh chết người của vũ trụ đã ập vào rồi ư?

Tôi rùng mình nhìn trân trối vầng trán đã lạnh như băng, nhìn lọn tóc cứng đờ, nhìn sắc lóng lánh lạnh lẽo nhợt nhạt của vành tai. Giá lạnh từ chúng tỏa ra làm chết người được nhưng vẫn đẹp: nó ngân vang, nó rung động tuyệt vời, nó là âm nhạc!

Há không phải ngày trước, thuở xa xôi, tôi từng có lần cảm thấy sự ớn lạnh đồng thời có gì đấy như thể hạnh phúc này ư? Há không phải tôi đã từng có lần nghe thấy điệu nhạc này ư? Đúng, ở Mozart, nơi những người bất tử.

Tôi sực nhớ những vần thơ đã tìm thấy ở đâu đấy, thuở xa xôi ngày trước:

Chúng ta, ngược lại, đã ngự

Trong giá băng rực rỡ sao trời trên Thượng giới,

Chúng ta không cần biết đến tháng ngày, giờ giấc

Không phân chia nam nữ, trẻ già…

Kiếp trường sinh của chúng ta lạnh lẽo và bất biến,

Tiếng cười vĩnh cửu của chúng ta lạnh lẽo và sáng rực ánh sao…

Đúng lúc ấy cửa ngăn lô vụt mở và Mozart – nhìn mãi tôi mới nhận ra ông – bước vào, không bím tóc, không quần ống lửng với giày cài móc khoen, mà ăn vận tân thời[76]. Ông ngồi xuống sát cạnh tôi, suýt nữa tôi đã đưa tay cản, để ông khỏi bị vấy máu đang từ ngực Hermine rỉ xuống sàn. Ông ngồi xuống, chăm chú mầy mò vài thứ mày móc cùng dụng cụ nhỏ nhỏ lăn lóc ở đấy. Rất nghiêm túc, ông chỉnh chỗ này, vặn ốc chỗ nọ và tôi thán phục nhìn những ngón tay nhanh nhẹn, khéo léo của ông, những ngón tay mà tôi ao ước được một lần nhìn thấy lướt trên phím dương cầm. Tôi tư lự nhìn ông làm việc, đúng ra không phải tư lự, mà mơ màng và đắm chìm khi nhìn đôi bàn tay thon thả, khôn khéo của ông, cảm thấy lòng ấm lại do sự gần gũi của ông, song cũng lo lo thế nào đấy. Còn thật sự ông đang làm gì, đang vặn ốc cho cái gì và thao tác gì tôi chẳng hề để ý tới.

[76] Vào thế kỷ 18, 19 đàn ông quý tộc, thượng lưu châu Âu có mốt đội tóc giả tết bím như đuôi sam, ống quần chỉ dài qua đầu gối khoảng mười phân, thắt chẽn, vớ dài và đi giày cài móc khoen (chỉ đàn ông bình dân mới mặc quần ống dài như ngày nay).

Nhưng rồi tôi thấy đó là một cái radio mà ông đã lắp ráp và cho chạy. Ông gắn loa vào rồi nói: “Quý vị đang nghe đài Munich, bản Converto grosso in F-Dur[77] của Händel.”

[77] Bản concerto âm Fa trưởng cho nhiều nhạc cụ độc tấu và cho cả dàn nhạc.

Quả thật, trước sự sửng sốt và kinh hoàng khôn tả của tôi, cái loa bằng thiếc liền ọe ngay ra thứ hổ lốn đờm dãi với bã kẹo cao su, mà những sở hữu chủ máy hát cùng những người thuê dài hạn[78] radio đồng lòng gọi đó là âm nhạc – và quả thật ta nhận ra đằng sau đống bầy nhầy bẩn thỉu và khọt khẹt đó, tựa như đằng sau lớp bụi dày cộm, ẩn tàng một bức tranh cổ quý giá, cái cấu trúc cao nhã của âm nhạc thần thánh, cái kết cấu có vương giả, cái hơi thở bao la mát mẻ, cái âm thanh tròn đầy của tiếng đàn dây.

[78] Có lẽ ngay từ thời đó người dân phương Tây đã phải trả tiền cho Đài phát thanh mới được nghe radio.

“Chúa ơi,” tôi hốt hoảng kêu lớn, “cụ làm gì thế, hở cụ Mozart?” Chẳng lẽ cụ thật sự bắt chính cụ và tôi phải chịu đựng thứ tồi tệ này ư? Chẳng lẽ cụ thật sự định tống cho chúng tôi cái máy ghê tởm này, thứ thành công rực rỡ, thứ vũ khí mới nhất đầy chiến thắng của thời đại chúng tôi trong cuộc chiến đấu hủy diệt nghệ thuật? Tới mức ấy rồi sao, thưa cụ Mozart?”

Ôi chao, con người kỳ dị ấy cười, tiếng cười lạnh lẽo và ma quái làm sao, nó câm lặng nhưng hủy hoại tất cả! Ông vừa siết con ốc chết bầm, chỉnh lại loa thiếc, vừa thú vị quan sát nỗi thống khổ của tôi. Ông vừa cười vừa để thứ âm nhạc quái đản, không hồn và nhiễm độc ấy tiếp tục tuôn chảy vào phòng, vừa cười vừa trả lời tôi.

“Ông hàng xóm ơi, đừng thống thiết thế! Nhân tiện xin hỏi ông có để ý đến nhịp điệu chậm dần của khúc nhạc này không? Một ngẫu hứng, nhỉ? Đúng thế, và bây giờ ông, một người nôn nóng, hãy cứ để những ý tưởng của nhịp điệu chậm dần này thấm vào mình xem – ông nghe những âm trầm chứ? Chúng gầm gào như thần thánh – và ông hãy để ngẫu hứng này của lão già Händel thấm vào trái tim bất ổn của ông, cho nó bình thản lại! Đừng thống thiết và giễu cợt, mà hãy nghe đi, ông bạn đáng thương ơi; phía sau tấm màn quả thật ngu xuẩn hết chỗ nói của cái máy lố lăng này có bóng dáng xa xôi của thứ âm nhạc thần thánh ấy thấp thoáng bướcdạo qua! Hãy lắng nghe và ông sẽ học được chút gì đấy. Hãy lưu ý xem cái ống điên rồ phát ra thứ âm thanh này dường như đang làm cái việc ngu xuẩn nhất, vô dụng nhất và không thể chấp nhận nhất thế gian như thế nào; nó ngu xuẩn và thô lỗ phóng bừa thứ âm nhạc được chơi ở đâu đây, lại còn bị bóp méo thảm hại nữa chứ, vào một gian phòng chẳng liên quan gì với nó – tuy thế nó vẫn không hủy diệt nổi cái hồn nguyên thủy của âm nhạc, mà chỉ càng lộ rõ nó đã được nặn ra vô duyên nhạt nhẽo với kỹ thuật nghèo nàn! Hãy lắng nghe này, ông bạn, nó có ích cho ông đấy! Dỏng tai lên nào! Thế. Và bây giờ ông không chỉ nghe một Händel, tuy bị bóp méo thô bạo qua radio mà vẫn rất thần thánh. Thưa ông bạn qúy, ông đồng thời nghe và thấy một biểu tượng tuyệt vời của toàn thể sự tồn tại. Khi lắng nghe radio, ông nghe và thấy cuộc chiến đấu không ngừng từ nguyên thủy cho đến nay giữa ý tưởng và hiện tuợng, giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa thần thánh và con người. Hệt như thế, thưa ông bạn, chiếc radio truyền tùy tiện thứ âm nhạc tuyệt diệu của thế gian suốt mười phút vào những không gian rất không thích hợp, vào những phòng trưởng giả và những gác xép, vào giữa những người đặt mua dài hạn đang tán gẫu, ăn nhậu, ngáp dài và đang ngủ, cũng giống như radio tước mất của âm nhạc vẻ đẹp nhục cảm; nó làm hồng, làm trầy trụa và làm nhơ bẩn âm nhạc, nhưng vẫn không giết nổi hoàn toàn cái hồn của âm nhạc – hệt như cuộc đời, cái gọi là thực tại, phung phí trò chơi hình ảnh tuyệt vời của thế giới ảnh đảo điên hỗn loạn, nó để cho bản nhạc của Händel được tiếp nối bằng một bài thuyết trình về cách thức lập bản kết toán mập mờ trong một xí nghiệp bậc trung, nó biến thành âm thanh tuyệt vời của dàn nhạc thành một đống tạp âm bầy nhầy; nó nhét kỹ thuật của nó, sự năng nổ của nó, nhu cầu tự nhiên đáng tởm cùng sự hợm hĩnh của nó vào mọi nơi mọi chỗ giữa ý tưởng và thực tại, giữa dàn nhạc và cái tai. Cả cuộc đời là như thế đấy, chú bé ơi, hãy mặc xác nó và nếu chúng ta không phải là lũ lừa thì nên cười thêm vào. Những người thuộc loại ông hoàn toàn không có quyền phê phán radio hay cuộc sống. Tốt hơn ông hãy học lắng nghe trước đã! Hãy học có thái độ nghiêm trang với những gì đáng nghiêm trang và cười vào những thứ còn lại! Hay ông bạn đã hành xử tốt hơn, khôn ngoan hơn, ý vị hơn? Không đâu, Monsieur Harry, ông đã không làm thế. Ông đã biến từ cuộc đời ông thành một chuyện bệnh hoạn kinh tởm, biến năng khiếu của ông thành nỗi bát hạnh. Và theo tôi thấy, ông chẳng biết làm gì khác với một cô gái xinh đẹp như thế kia, mê hồn như thế kia hơn là đâm vào thân thể nàng và hủy diệt nàng! Ông cho như thế là đúng sao?”

“Đúng à? Ồ, không!” Tôi tuyệt vọng kêu lên. “Lạy Chúa, mọi chuyện đều sai, đều quá ngu xuẩn và tồi tệ! Tôi là đồ súc sinh, thưa cụ Mozart, một con vật ngu xuẩn ác độc, bệnh hoạn và băng hoại; cụ nghìn lần có lý. Nhưng về chuyện xảy đến với cô này thì chính nàng đã muốn thế mà, tôi chỉ hoàn thành ý nguyện của nàng thôi.”

Mozart cười không thành tiếng, những đã bày tỏ hảo ý qua việc tắt chiếc radio.

Bỗng dưng chính tôi cũng thấy lời biện hộ của mình, mà mới đây tôi còn tin tưởng hết lòng, là quá đỗi ngu xuẩn. Lần ấy – tôi sực nhớ lại – khi Hermine nói về thời gian và sự vĩnh cửu, tôi đã tức khắc sẵn sàng coi những suy nghĩ của nàng là phản ánh những suy nghĩ của chính tôi. Nhưng tôi lại đương nhiên chấp nhận ý tưởng Hermine để tôi giết là ngẫu hứng và ước nguyện độc đáo của nàng, chứ chẳng mảy may do ảnh hưởng của tôi. Nhưng tại sao ngày ấy không những tôi chỉ chấp nhận và tin cái ý tưởng kinh khủng và kỳ quặc này mà thậm chí còn đoán trước? Phải chăng vì nó đúng là ý tưởng của chính tôi? Và tại sao tôi lại giết Hermine đúng lúc bắt gặp nàng nằm lõa lồ trong tay kẻ khác? Tiếng cười lặng lẽ của Mozart vang lên nghe toàn trí và đầy giễu cợt.

“Ông Harry ơi,” Mozart nói, “ông quả là thích bông đùa. Chẳng lẽ cô gái xinh đẹp này thật sự không mong muốn gì khác ở ông ngoài một nhát dao? Ông thử thuyết phục người khác tin xem nào! Ấy, ít ra thì ông cũng đã đâm đích đáng, cô bé đáng thương ấy chết đứ đừ rồi. Có lẽ đã đến lúc ông nên làm cho chính mình được rõ về những hậu quả từ việc nịnh đầm của ông đối với cô gái này. Hay ông muốn tránh né?”

“Không,” tôi kêu lớn. “Cụ chẳng hiểu gì hết ư? Tôi mà lại thèm tránh né hậu quả à! Tôi không khao khát gì hơn là được chuộc tội, chuộc tội, chuộc tội, được kê đầu dưới máy chém để bị trừng phát và hủy diệt.”

Mozart nhìn tôi với vẻ giễu cợt không chịu nổi.

“Ông lúc nào cũng thống thiết! Nhưng Harry ơi, ông sẽ học được hài hước ngay thôi mà. Chỉ thứ hài hước lúc cùng quẫn mới đáng gọi là hài hước và trong trường hợp cần thiết ông sẽ được học nó ngay dưới máy chém. Ông sẵn sàng chưa? Rồi à? Tốt, vậy ông hãy tới gặp công tố viên và hứng chịu hết thảy bộ máy khô khan của các pháp quan, cho tới lúc đầu ông bị chặt một cách lạnh lùng vào buổi sáng sớm trong nhà giam. Ông sẵn sàng chấp nhận chứ?”

Một hàng chữ đột nhiên lóe lên trước mắt tôi:

Cuộc hành quyết Harry,

và tôi gật đầu đồng ý. Một cái sân trơ trụi giữa bốn bức tường với những khung cửa sổ nhỏ rào lưới, một cỗ máy chém dựng nghiêm chỉnh, khoảng chục ông mặc áo pháp quan và áo khoác, còn tôi lạnh run đứng chính giữa, trong bầu không khí ảm đạm của buổi sáng tinh mơ, tim thắt lại vì nỗi kinh hoàng thảm hại, nhưng sẵn sàng và chấp nhận. Tôi bước tới trước theo lệnh, quỳ xuống theo lệnh. Công tố viên ngả mũ, hắng giọng, mọi người kia hắng giọng theo. Ông ta giở một tờ giấy, loại dành cho những dịp trang trọng, giơ lên đọc:

“Thưa quý vị, đứng trước quý vị là bị cáo Harry Haller, can tội cố ý lạm dụng Hí viện ma thuật của chúng ta. Haller không những chỉ xúc phạm nghệ thuật cao quý qua việc lẫn lộn phòng trưng bày tranh ảnh đẹp đẽ của chúng ta với cái gọi là thực tại và đã đâm chết hình ảnh phản chiếu của một thiếu nữ bằng hình ảnh phản chiếu của một con dao, mà hắn còn không chút khôi hài định dùng hí viện của chúng ta làm một thứ máy móc để tự sát. Căn cứ theo đó chúng ta kết án Haller hình phạt phải sống đời đời và bị tước quyền vào hí viện của chúng ta trong thời hạn mười hai giờ. Bị cáo cũng không được miễn trừ hình phạt bị một lần cười nhạo. Xin mời quý vị bắt giọng: một – hai – ba!”

Tiếng “ba” vừa dứt, mọi kẻ hiện diện đều đồng thanh rống lên một tràng cười hoàn mỹ, một điệp khúc cười oang oang, một tràng cười khủng khiếp của thế giới bên kia, mà con người ta không thể chịu đựng nổi.

Khi tôi hồi tỉnh, Mozart vẫn đang ngồi cạnh tôi như trước; ông vỗ vai tôi và bảo: “Ông đã nghe bản án của ông rồi đấy. Thành ra ông sẽ phải quen dần với việc tiếp tục nghe âm nhạc phát từ radio của đời sống. Sẽ tốt cho ông thôi. Ông bạn ngốc nghếch thân mến ơi, ông kém cỏi khác thường, nhưng dần dà ông bạn cũng sẽ phải hiểu ra người ta đòi hỏi gì từ ông bạn. Ông cần học cười, người ta đòi hỏi ở ông bạn điều đó. Ông bạn cần hiểu được tính hài hước của cuộc đời, tính hài hước giả tạo của cuộc đời này. Tất nhiên ông bạn đã sẵn sàng với mọi thứ trên thế gian này nhưng riêng với điều người ta đòi hòi ở ông bạn thì ông bạn chưa sẵn sàng! Ông bạn sẵn sàng đâm chết đàn bà con gái, ông bạn sẵn sàng trang trọng chịu hành quyết, hẳn ông bạn cũng sẵn sàng chịu sống khổ hạnh và tự hành xác suốt trăm năm. Hay là không?”

“Có chứ ạ, sẵn sàng với tất cả lòng thành,” tôi kêu lên thống khổ.

“Hẳn rồi! Ông đúng là người hào hiệp, sẵn sàng tham gia mọi trò ngốc nghếch, khô khan như trấu, mọi trò thống thiết và vô duyên! Không có tôi rồi đấy, tôi chẳng chút động lòng trước cái trò hối lỗi lãng mạn của ông. Ông muốn bị xử tử hình mà, muốn bị chặt đầu mà; ông đúng là mất trí! Vì cái lý tưởng ngu ngốc này mà ông sẽ còn phạm thêm mười lần ngộ sát nữa đấy. Ông muốn chết, chứ không muốn sống, ông thật hèn nhát. Bố khỉ, nhưng ông phải sống cơ! Nếu ông bị kết án hình phạt nặng nhất hẳn cũng đáng đời thôi.”

“Thưa, hình phạt gì vậy ạ?”

“Chẳng hạn chúng tôi có thể làm cô gái này sống lại rồi gả cho ông.”

“Không được, tôi không chịu đâu. Như thế sẽ gây ra tai họa.”

“Cứ như thể những gì ông đã gây ra chưa đủ là tai họa! Nhưng bây giờ cần chấm dứt sự thống thiết và những vụ ngộ sát. Đã đến lúc ông cần tỉnh táo rồi đấy! Ông cần phải sống và cần học cười. Ông cần tập lắng nghe thứ âm nhạc khốn kiếp từ radio, trân trọng cái hồn ẩn sau âm nhạc ấy, tập cười cái điều ngớ ngẩn trong đó. Chỉ thế thôi, không đòi hỏi nhiều hơn ở ông.”

Tôi khẽ hỏi qua hàn răng nghiến chặt: “Còn nếu tôi từ chối? Nếu tôi không cho cụ, thưa cụ Mozart, quyền quyết định về Sói Thảo Nguyên và can thiệp vào số phận của nó?”

“Thế thì,” Mozart bình thản đáp, “tôi sẽ đề nghị ông bạn hút thêm một trong các điếu thuốc xinh xắn của tôi.” Lúc ông nói và phù phép từ túi áo ra một điếu thuốc mời tôi, đột nhiên ông không còn là Mozart nữa, mà là anh bạn Pablo đang nồng nàn nhìn tôi với đôi mắt sẫm đẹp kỳ lạ; anh giống người đã dạy tôi chơi cờ vua như anh em sinh đôi.

“Pablo!” Tôi giật mình kêu lên. “Pablo, chúng mình đang ở đâu đây?”

Pablo đưa điếu thuốc và mồi lửa cho tôi.

“Chúng mình,” anh mỉm cười, “đang ở trong Hí viện ma thuật của tôi và nếu bạn muốn học nhảy điệu Tango hay trở thành tướng soái hoặc trò chuyện với Đại dế Alexandre thì lần tới xin để bạn mặc tình sử dụng. Nhưng Harry ơi, tôi phải nói điều này: bạn đã làm tôi hơi thất vọng. Trong chuyện này bạn đã không kiểm soát nổi mình một cách quá đáng, bạn đã xâm phạm tính hài hước của hí viện nhỏ bé của tôi, đã gây nên chuyện tệ hại, đã đâm loạn xạ, vấy bẩn thế giới hình ảnh xinh đẹp của chúng tôi với những vết nhơ thực tại. Vậy là không tốt. Hy vọng ít ra bạn đã làm thế vì ghen tuông, khi thấy Hermine và tôi nằm kia. Đáng tiếc bạn đã không biết cách sử dụng quân cờ này – tôi cứ đinh ninh bạn đã học trò chơi này kha khá rồi chứ. Thôi được, lần tới sẽ khá hơn.”

Anh nắm lấy Hermine – trong những ngón tay anh, nàng tức thì biến thành nhỏ xíu như một quân cờ – và bỏ vào chính cái túi áo mà hồi nãy anh vừa mới rút thuốc là mời tôi.

Làn khói thuốc nặng và ngọt tỏa mùi thơm dễ chịu. Tôi cảm thấy như bị xói mòn và sẵn sàng ngủ vùi suốt cả năm dài.

Ô, tôi thấu hiểu tất cả, thấu hiểu Pablo, thấu hiểu Mozart, tôi nghe tiếng cười khủng khiếp của ông đâu đó phía sau, tôi biết hết thảy trăm nghìn quân của ván cờ đời trong túi áo mình, băn khoăn phỏng đoán ý nghĩa của nó, sẵn sàng bắt đầu ván cờ lần nữa, nếm những thống khổ của nó lần nữa, rùng mình trước sự phi lý của nó lần nữa, trải qua địa ngục trong nội tâm mình lần nữa và thường nữa.

Sẽ có lần tôi chơi ván cờ thành thạo hơn. Sẽ có lần tôi học được cười. Pablo đang chờ đợi tôi. Mozart đang chờ đợi tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.