Sống 365 Ngày Một Năm

Nguyên do là tại đời sống của ta



Từ đầu thế kỉ tới nay, đời sống của người phương Tây trái đời sống thiên nhiên quá; và từ sau đệ nhị thế chiến, tại các châu thành, chúng ta cũng lây cái lối sống của họ.

Chúng ta cũng sống vội vã như họ, tinh thần luôn luôn bị kích động như họ. Khoa học tấn bộ máy móc phát triển thì đời sống cũng dễ chịu hơn thật; nhưng đồng thời, dục vọng và nhu cầu của ta cũng tăng lên, và muốn thỏa mãn những dục vọng và nhu cầu đó, ta phải làm việc nhiều hơn, tính toán nhiều hơn, thành thử bận rộn hơn cổ nhân, mặc dầu, theo các nhà khoa học, nền kỹ nghệ đã giúp cho nhân loại ngày nay, trung bình mỗi người có được cả chục tên nô lệ (tức máy móc: có những máy mà năng lực gấp ngàn, gấp vạn năng lực của một dân nô lệ thời xưa) để sai khiến.

Mới bốn năm chục năm trước, ông cha ta chỉ cần ăn lấy chắc, mặc lấy dày. Ngày nay, cả trong giai cấp cần lao, ai cũng mong ăn lấy ngon, mặc lấy đẹp. Đó là một tấn bộ hiển nhiên; nhưng nếu tấn bộ đó làm cho con người lệ thuộc quá đáng vào vật chất, đến nỗi sinh ra ốm đau, chua chát, gắt gỏng thì vấn đề cần phải xót lại.

Tôi xin đưa vài thí dụ: trên ba chục năm trước, giới trang lưu ở Hà Nội may một chiếc áo the, vài chiếc quần vải chúc bâu thì bận được một hai năm; ngày nay cả những người giúp việc nhà, tiền công bảy tám trăm một tháng, cũng mỗi năm may ba bốn chiếc áo mới: áo cũ chưa rách, nhưng bạc màu, hoặc kiểu hoa không hợp thời nữa, thế là bỏ đi làm giẻ! Nói gì tới giới trung lưu và thượng lưu: mấy năm trước, người ta mua một cái máy thu thanh kiểu tối tân, bây giờ máy vẫn còn tốt, nhưng phải sắm thêm một chiếc transistor cũng kiểu tối tân nữa; rồi đây khi xuất hiện loại transistor chỉ nhỏ bằng hộp quẹt thì chắc chắn mỗi nhà cũng phải có một cái. Ai có tiềnchơi xe hơi thì cũng muốn một hai năm đổi một kiểu. Bàn ghế, đồ đạc, nhà cửa… cũng vậy, luôn l uôn phải là kiểu mới.

Tất nhiên, sự xa xỉ có thành một nhu cầu thì hàng hóa mới khỏi ứ đọng, công nhân mới có việc làm mà kỹ nghệ mới tiến; nhưng nếu các kỹ nghệ gia ở khắp thế giới, nhất là ở các nước tiền tiến, biết thỏa thuận với nhau, lập một kế hoạch mềm dẻo, lo sản xuất những thứ cần thiết cho già nửa số nhân loại đừng thiếu ăn, thiếu mặc hiện nay, hơn là sản xuất những xa xí phẩm cho một số người chỉ hưởng thụ, thì những mâu thuẫn, xung đột trên thế giới sẽ giảm đi nhiều, mà lối sống của chúng ta sẽ giản dị hơn, những bệnh do xúc động cũng bớt tai hại, vì khi giai cấp thượng lưu sống giản dị, thì những giai cấp dưới cũng sống giản dị, không ganh đua nhau về những cái phù hoa nữa.

Nền văn minh cơ giới chẳng phải chỉ có hại cho ta về phương diện tinh thần – dục vọng của con người tăng lên hoài không làm sao thỏa mãn nổi – mà còn có hại về phương diện vật chất nữa, và vật chất ảnh hưởng ngược lại với tinh thần.

Sự ồn ào, sự thiếu không khí trong sạch, sự chui rúc trong những phòng chật hẹp ở các châu thành làm cho con người dễ quạu quọ, mắc bệnh thần kinh. Theo bác sĩ Pierre Vachet trong cuốn Les maladies de la vie moderne, thì ở bên Anh, 28 phần 100 đàn ông và 37 phần 100 đàn bà thần kinh suy nhược vì tiếng động. Tiếng động ảnh hưởng tới nội tiết tuyến, tới thần kinh hệ, làm cho người ta thấy mệt mỏi, có khi đau bao tử, đau gan, mất ngủ,.. Những máy thu thanh mở oang oang trong những căn nhà sát vách nhau, những chiếc xe máy dầu nổ rồ rồ trong những ngõ hẹp, ảnh hưởng tới sức khỏe dân chúng ra sao, vấn đề đó cũng đáng cho bộ y tế nghiên cứu.

Nạn thiếu nhà, thiếu không khí trong sạch, còn tai hại hơn. Không nói đến đời sống thiếu vệ sinh trong những ô chuột mà đô thị nào cũng có; ngay đến đời sống trong những buyn-đinh cũng không lành mạnh gì cả. Tại châu thành Poissy, (Pháp) người ta đã làm thống kê, thấy rằng dân số sống trong các căn phố lầu chỉ bằng 3,5 phần 100 dân số châu thành mà tỉ số thiếu nhi phạm pháp lên tới 23 phần 100. Ở ngoại ô Paris, nơi nào nhiều nhà máy, không khí nhiễm độc, thì mạnh như loài thông, cũng cằn cỗi chết lần. Tới cây còn “đau”, huống hồ là người.

Lại thêm sự ăn uống tại các đô thị cũng không hợp cách. Người nghèo thì thiếu ăn, người giàu thì ăn nhiều quá[1], thức ăn lại it khi tươi, đôi khi còn có chất độc; chưa có nước nào kiểm soát được hết những đồ hộp để xem có chứa những chất hóa học có hại hay không, và ngày nay người ta đã bắt đầu lo rằng sự tạm dụng những chất hóa học đế giết sâu bọ có thể nguy cho sức khỏe của con người.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất gây những bệnh do xúc động, chính là đời sống bất an của thời đại này. Năm 1961, ông Charles Percy Snow, trong một cuộc hội nghị giữa các nhà khoa học ở Mỹ đã tuyên bo rằng: “Nếu chúng ta không lo tài binh ngay thì không đầy mười năm nữa, tai nạn (tức chiến tranh nguyên tử) sẽ không thể tránh được. Đó là một điều chắc chắn tuyệt đối và tất cả những người trí óc còn lành mạnh phải hợp lực nhau giải quyết cho xong vấn đề ấy”.

Ông tuyên bố lời đó chưa đầy một năm thì đệ tam thế chiến xuýt xảy ra thật. Tháng 10 năm ngoái, vì vụ Cuba mà những hỏa tiển mang đầu nguyên tử, những máy bay phóng pháo nguyên tử ở Mỹ chỉ đợi lệnh là hoạt động, đưa cả Mỹ Nga, cả nhân loại nửa vào cảnh tiêu diệt gần như hoàn toàn.

Chúng ta đương sống ở một khúc quẹo của lịch sử: không có gì bảo đảm cho tương lai cả, về mọi phượng diện: chính trị, xã hội, kinh tế, vì hễ đại chiến mà phát ra thì mọi giá trị nhất đán sẽ tiêu tan hết, mà hiện nay, trên thế giới, ngòi chiến tranh âm ỷ cháy ở sáu bảy nơi, ở Đông Nam Á, ở Triều Tiên, ở Ấn Độ, ở Tây Á, ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, ở Trung Âu. Ngay bây giờ đây, nhưng giá trị truyền thống của nhân loại, như sự siêng năng làm việc, sự đoàn kết, tình bác ái, trong tâm lí đa số đã không được tôn trọng nữa: trước tình thế bấp bênh người ta chỉ lo hưởng thụ cho thỏa thích, kiếm tiền cho nhiều bằng đủ mọi cách rồi tiêu pha cho hết, chứ để dành làm gì trong cái thời đại không có ngày mai này, thành thử người ta các đô thị lo rằng hễ nghỉ ngày nào, không kiếm được ngày nào là sinh kế túng quẫn thêm ngày đó. Một nền văn minh như vậy không thể gọi là tấn bộ được.

Khoảng năm trăm năm trước, trong một chuyến tàu qua Tân thế giới (tức châu Mỹ), những thủy thủ của Christophe Colomb vì thiếu sinh tố trong thức ăn, bị chứng hoại huyết, lợi sưng, răng rụng, năn nỉ Christophe Colomb thả họ lên một đảo ở giữa Đại Tây Dương, để họ được chết trên đất, thây họ khỏi phải làm mồi cho cá.

Christophe Colomb bằng lòng. Vài tháng sau, khi trở về Y Pha Nho, đi ngang qua đảo đó, ông ngac nhiên thấy có người trên đảo vui vẻ vẫy vẫy. Lại gần thì chính là những thủy thủ hoại huyết trước kia! Tưởng họ chết mà không ngờ, họ lại khỏe mạnh, hồng hào lên. Hỏi họ thì họ đáp là nhờ ăn trái cây, lá cây trên rừng mà hết bịnh. Một khi họ được trở lại đời sống tự nhiên thì họ bình phuc rất mau.

Nhân loại ngày nay cũng như những thủy thủ đó. Đời sống cơ giới trong các đô thị không hợp với chúng ta, nên mặc dầu y khoa rất tấn bộ, mà chúng ta cũng không mạnh khỏe gì, tránh được những bệnh do vi trùng gây ra thì lại mắc phải những bệnh thần kinh nguy hại hơn nữa. Phải tìm một lối sống tự nhiên, phải tìm một cách dưỡng sinh để cho đời sống náo nhiệt, vội vàng, lo lắng của thời này hết ảnh hưởng đến nội tiết tuyến và bộ thần kinh của ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.