Sông Đông êm đềm

Chương 118



Sau khi Miska đi rồi, mấy anh chàng Cô-dắc còn ngồi lại một lát nhưng không ai nói gì nữa. Tiếng chuông báo động vẫn dội xuống ầm ầm trên thôn xóm, mấy vuông cửa sổ nhỏ trong nhà rung cả lên.

Kotliarov nhìn qua cửa sổ. Dưới ánh nắng ban mai, nhà kho in một cái bóng mờ mờ trên mặt đất. Sương rơi lấm tấm hoa râu trên lớp cỏ loăn xoăn như lông cừu. Ngay qua lớp kính, bầu trời vẫn hiện lên mênh mông, xanh ngắt. Kotliarov đưa mắt nhìn cái đầu rối như bòng bong đang rũ xuống của Khristonhia và nói:

– Hay chưa biết chừng mọi việc chỉ đến đây là kết thúc. Bọn ở Migulinskaia đánh tan chi đội Xích vệ rồi không giở thêm trò gì nữa đâu?

– Đâu có chuyện như thế… – Grigori ngọ nguậy, – đã ngồi lên lưng cọp rồi thì còn xuống sao được nữa! Thế nào, chúng ta ra họp việc làng chứ?

Kotliarov với tay lấy chiếc mũ cát-két, hỏi để cố đánh tan mối nghi ngờ của mình:

– Thế nào các cậu, hay đích thực chúng mình đã biến thành những thanh sắt rỉ rồi? Tuy Miska có nóng nảy, nhưng cậu ấy suy nghĩ xác đáng đấy… Cậu ấy trách chúng mình.

Không ai trả lời anh. Ba người lặng lẽ ra bãi họp.

Kotliarov vừa đi vừa suy nghĩ rất lung, hai con mặt cứ dán xuống chân. Anh bị dày vò đau khổ vì thấy mình đã làm trái lương tâm, đã không theo đúng con đường mà ý thức của mình đã chỉ ra. Lẽ phải thuộc về phía “Bồi” và Miska: đáng là phải ra đi ngay chứ không trù trừ như thế. Những lý lẽ mà anh cố nặn trong óc ra để tự bào chữa đều không có gì vững vàng và một giọng nói châm biếm, chín chắn từ trong đáy lòng ra đã dẫm nát ngay các lý lẽ đó như vó ngựa dẫm lên ván băng phủ trên vũng nước. Điều duy nhất mà Kotliarov quyết định như đinh đóng cột là sẽ chạy sang bên Bolsevich ngay trong trận đầu. Quyết tâm ấy đã chín muồi trong lòng anh ngay trên đường ra bãi họp, nhưng cả Grigori lẫn Khritonhia đều không được Kotliarov cho biết về điều đó, vì anh đã mơ hồ hiểu rằng hai người có những cảm xúc khác mình và ở một nơi rất sâu trong ý thức anh dè chừng về phía họ. Cả ba đều bác bỏ ý kiến của “Bồi”, đều không ra đi, bằng cách viện cớ gia đình, nhưng đồng thời cả ba đều biết rằng cái lý lẽ ấy không nặng đồng cân, và không thể bào chữa cho mình được. Trong lúc nầy từng người một đều cảm thấy hổ thẹn, mỗi người theo một kiểu khác nhau, trước mặt hai người kia, như mình đã làm một việc xấu xa, đáng nhục. Ba người ngậm tăm giờ lâu. Nhưng khi tới trước cửa nhà Mokhov, Kotliarov không chịu nổi cái không khí chết lặng quá khó chịu ấy nữa, bèn nói như lên án bản thân mình và hai bạn.

– Chẳng cần giấu giếm làm gì: ở mặt trận về còn là những thằng Bolsevich, nhưng bây giờ đã trở thành những kẻ trùm chăn rồi! Mặc ai đánh nhau thay mình thì đánh, còn mình thì cứ ở nhà với vợ

– Tôi đã nện nhau chán rồi, bây giờ để người khác thử nếm mùi,- Grigori quay lại nói.

– Sao thế, chúng nó… giở trò cướp bóc mà chúng mày lại phải đi theo chúng nó hay sao? Xích vệ gì mà lại như thế? Hiếp đàn bà, cướp phá của người khác. Trong chuyện nầy phải nhìn cho rõ mới được. Nếu mù quáng thì sẽ đâm đầu vào góc tường ngay.

– Thế chính mắt cậu được nhìn thấy những chuyện như thế à, Khristonhia? – Kotliarov hỏi giọng gay gắt.

– Thiên hạ nói như thế.

– A… a… thiên hạ…

– Thôi đi! Bọn mình nói ở đây chúng nó nghe được rồi đấy.

Bãi họp như nở hoa với những nẹp quần và mũ cát-két Cô-dắc, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc mũ lông đen lổm xổm. Chỉ thấy toàn những lão già cùng những gã Cô-dắc ở tuổi ra trận hoặc trẻ hơn một chút. Những người già nhất chống gậy đứng lên hàng đầu, các bồi thẩm danh dự, các uỷ viên hội đồng nhà thờ, những người đỡ đầu các trường học, lão trùm trưởng. Ông già Melekhov đang đứng cạnh lão thông gia Miron Grigorievich. Cụ Grisaka chống chiếc gậy có rất nhiều mấu đứng trước mặt hai người trong chiếc áo lễ phục màu xám có đeo huân chương. Đứng cùng hàng với hai nhà thông gia có lão Apdeit “Vua nói phét” mặt đỏ như quả táo. Matvey Kasulin, Ackhip Bogatyrev, lão Atepin “cha cha” với chiếc mũ cát-két Cô-dắc. Xa chút nữa là những bộ mặt quen thuộc đứng sát nhau thành một hàng rào hình bán nguyệt: Egor Sinilin râu ria xồm xoàm, Yakov “Móng lừa”, Andrey Kasulin, Nicolai Kosevoi, gã Borsev lêu đêu như cây sào, Anikey, Marchin Samin, tên chủ nhà máy xay lùn choằn choằn. Gromov, Yakov, Koloveydin, Merkulov, Fedot Bodosov, Ivan Tomilin, Epichan Marsaev, Dakha Korolev, gã Anchip, con trai lão Apdeit “Vua nói phét“, một gã nhỏ bé mũi hếch.

Trong khi đi ngang qua bãi, Grigori trông thấy Petro, anh chàng, đứng ở bên kia vòng người. Petro mặc một chiếc sơ-mi nhà binh có đeo hai cái dây huân chương thánh Gioóc màu da cam và đen, hắn đang pha trò với gã cụt tay Aleksey Samin. Bên trái hắn là thằng Mitka nhà Korsunov với hai con mắt xanh lè. Mitka hút nhờ lửa điếu thuốc của Prokho Zykov. Prokho trợn tròn cặp mắt bò, chúm môi giúp Mitka thổi lửa. Bọn Cô-dắc trẻ tuổi đứng túm tụm ở phía sau. Giữa vòng người có kê một chiếc bàn ngật ngưỡng, cả bốn chân bàn đều lún xuống chất đất mềm chưa khô. Viên chủ tịch Uỷ ban cách mạng thôn Naza ngồi sau chiếc bàn, bên cạnh hắn có một tên trung uý mà Grigori không quen mặt đứng tì một tay lên mặt bàn. Hắn đội một chiếc mũ màu cứt ngựa có dính phù hiệu, mặc chiếc áo ngắn có đeo lon và cái quần đi ngựa hẹp ống màu kaki.

Viên chủ tịch Uỷ ban cách mạng nói với hắn không biết những gì, vẻ mặt như ngượng ngùng. Viên trung uý hơi khom lưng, ghé cái tai vểnh rất to vào sát chòm râu của Naza, chú ý nghe. Bãi họp chìm trong một tiếng rào rào khe khẽ như tổ ong. Dân chúng Cô-dắc chuyện gẫu, pha trò với nhau, nhưng mặt ai cũng có vẻ căng thẳng.

Một người chờ mãi không chịu được nữa đã kêu lên bằng một giọng rất trẻ:

– Bắt đầu đi thôi! Còn chờ gì nữa? Mọi người đã đến gần đủ rồi!

Tên sĩ quan thung dung đứng thẳng dậy, bỏ mũ cát-két xuống và bắt đầu nói một cách giản dị như trong gia đình:

– Kính thưa các cụ bô lão và anh em Cô-dắc cựu chiến binh? Các cụ và anh em đã được nghe tin ở thôn Setrakov vừa xảy ra chuyện gì chưa?

– Ai đấy? Dân ở đâu thế? – Khristonhia hỏi giọng ồm ồm.

– Người trấn Vosenskaia, vùng Chernaia tên là Sondatov thì phải… – Có người trả lời.

– Ở Setrakov, – Viên trung uý nói tiếp, – có một chi đội Xích vệ kéo đến. Quân Đức đã chiếm được Ukraina và trong khi tiến về Quân khu sông Đông đã đánh bật chúng ra khỏi đường sắt. Chúng định tràn qua khu du mục của trấn Migulinskaia. Sau khi chiếm đóng thôn, chúng bắt đầu cướp bóc bà con Cô-dắc, cưỡng dâm chị em phụ nữ Cô-dắc, bắt bớ trái phép và giở những trò khác nữa. Khi các thôn chung quanh được biết tin về những việc xảy ra, anh em Cô-dắc đã cầm vũ khí tấn công bọn ăn cướp. Chi đội của chúng đã bị tiêu diệt một nửa, còn một nửa bị bắt làm tù binh. Bà con ở Migulinskaia đã thu được một số chiến lợi phẩm rất lớn. Hai trấn Migulinskaia và Kazanskaia đã vứt bỏ gông xiềng của chính quyền Xô viết trên cổ mình. Bất kể già trẻ lớn bé, người Cô-dắc đã vùng lên bảo vệ sông Đông êm đềm. Ở Vosenskaia, Uỷ ban quân sự cách mạng đã bị tống cổ đi rồi, ataman trấn đã được bầu lên. Phần lớn các thôn đều đã như thế.

Khi viên trung uý nói đến đây, các bô lão đã nhôn nhao nhưng họ vẫn cố giữ không nói to.

– Đâu đâu cũng đã tổ chức đội ngũ. Bà con ta ở đây cũng cần phải tổ chức các anh em ở mặt trận về thành một chi đội để bảo vệ trấn nhà, chống một cuộc xâm nhập mới của những đám cướp dã man đó. Chúng ta phải lập lại chế độ cũ của chúng ta. Chúng ta không cần đến chính quyền của bọn đỏ, nó chỉ đem lại sự dâm loạn thối tha chứ chẳng làm gì có tự do! Chúng ta không thể nào cho phép bọn mu-gích làm nhục vợ con chị em chúng ta, phỉ báng đức tin chính giáo của chúng ta, xúc phạm đến các giáo đường thiêng liêng của chúng ta, cướp bóc gia tài điền sản của chúng ta… Có phải thế không, thưa các cụ bô lão?

Bãi họp rung lên dưới những tiếng hô đồng thanh: “Đúng lắ… ắm!”. Tên trung uý bắt đầu đọc một bản kêu gọi quay rô-nê-ô. Viên chủ tịch bỏ quên không biết tờ giấy gì bèn đứng dậy bước ra khỏi bàn. Đám người lắng nghe, không ai hé răng một lời nào. Bọn cựu chiến binh ở phía sau thẫn thờ chuyện gẫu với nhau.

Tên sĩ quan vừa bắt đầu đọc, Grigori đã rời khỏi đám đông, từ từ đi về phía góc nhà lão cố đạo Visarion để về nhà. Miron Grigorievich nhìn thấy chàng bỏ đi, bèn hích khuỷu tay vào sườn ông Panteley Prokofievich.

– Ông xem kìa! Cậu hai nhà ông bỏ đi rồi kìa?

Ông Panteley Prokofievich khập khiễng bước ra khỏi đám đông, cất tiếng gọi, giọng nửa như van lơn, nửa như ra lệnh.

– Grigori?

Grigori không bước thêm nữa, nhưng chỉ đứng nghiêng nghiêng người mà không nhìn lại.

– Quay lại đi con!

– Sao lại bỏ đi! Quay lại đây! – Có những tiếng gọi vang lên cùng với những khuôn mặt quay về phía Grigori, san sát như một bức tường.

– Trước kia đã từng là sĩ quan cơ đấy!

– Có gì mà cũng lên cái mặt?

– Chính thằng ấy đã đi theo chúng nó rồi đấy!

– Nó cũng đã từng uống máu bà con Cô-dắc…

– Đồ Đỏ!

Grigori nghe thấy rõ tất cả những tiếng hò la đó. Chàng nghiến răng đứng nghe, có vẻ đang tự đấu tranh với chính mình, và mọi người có cảm tưởng như chàng sắp sửa bỏ đi không ngoái cổ lại nữa.

Ông Panteley Prokofievich và Petro thở dài nhẹ nhõm khi thấy Grigori lảo đảo quay lại với đám người, nhưng mắt cứ dán xuống đất. Các bô lão vui hẳn lên lão Miron Grigorievich nhà Korsunov được bầu ngay tại chỗ làm ataman thôn một cách nhanh chóng lạ lùng. Lão bước ra giữa vòng người, những điểm tàn hương lấm tấm trên khuôn mặt trắng bệch của lão xám ngoét đi trong khi lão nhận ở tay tên ataman cũ cái “na-xê-ca“, tức là cái gậy đầu bịt đồng tượng trưng cho chức quyền ataman. Từ trước đến nay lão đã từng được làm ataman bao giờ đâu. Lúc được lựa chọn, lão còn giả dạng từ chối, viện cớ trình độ văn hoá thấp mà không xứng đáng được hưởng vinh dự đó. Nhưng các bô lão đã nhao nhao kêu lên hoan nghênh lão:

– Cứ nhận lấy cái “na-xê-ca” đi! Đừng từ chối nữa, ông Grigorievich!

– Ông là ông chủ hộ vững nhất thôn nầy đấy.

Nhưng chớ có đem tiền nong tài sản của thôn đi tiêu hết đấy!

– Cẩn thận đấy, chớ có đem tiền quĩ của thôn đi uống rượu hết sạch như lão Semion đấy.

– Chà-chà… lão nầy rồi cũng đem đi uống rượu hết cho mà xem!

– Nhà lão còn có cái để mà bắt đền!

– Nếu thế chúng ta sẽ lột da lão như lột da cừu!

Việc bần bán được làm xong nhanh như chớp, nhanh một cách chưa từng thấy, cũng như các diễn biến của cái tình thế nửa chiến tranh, vì thế Miron Grigorievich đã nhận lời, không cần mọi người nài ép quá nhiều. Việc bầu ataman lần nầy khác hẳn trước kia. Xưa kia, viên ataman trấn thường triệu tập các trưởng xóm tới, bầu ra những ứng cử viên, nhưng hôm nay thì chỉ vung tay một cái: “Ai bầu cho ông Korsunov, xin mời bước sang bên phải”. Tất cả đám người đều chạy ùa sang bên phải, riêng một mình gã thợ chữa giầy ủng Zinovi, vốn có tư thù với lão Korsunov, là cứ đứng nguyên chỗ cũ, như gốc cây cháy ngoài bãi cỏ hoang ven sông.

Mồ hôi mồ kê đầm đìa. Miron Grigorievich còn chưa kịp hấp háy con mắt thì người ta đã dúi vào tay lão cái gậy ataman. Người ta réo vào tai lão từ xa và ở ngay bên tai lão:

– Sửa soạn khao đi!

– Cả thôn đều bầu cho ông đấy.

– Phải đổ rượu ra ăn mừng một chầu ra trò mới được?

– Bế tung ông ataman lên nào?

Nhưng viên trung uý đã cắt đứt ngay những tiếng hò la để khéo léo lái cuộc họp sang giải quyết những vấn đề thực tế. Hắn nêu vấn đề bầu đội trưởng chi đội, và có lẽ ở Vosenskaia hắn đã từng nghe nói đến Grigori, nên hắn nói có ý nịnh Grigori cũng như dân trong thôn:

– Tôi hy vọng có được một người chỉ huy là sĩ quan. Như vậy trong chiến đấu sẽ dễ dành được thắng lợi hơn, đồng thời sẽ giảm bớt được tổn thất. Nhưng trong thôn bà con đây thì không thiếu gì anh hùng. Thưa bà con tôi không dám ép bà con theo ý kiến của tôi, mà chỉ xin lấy tư cách cá nhân đề cử với bà con thiếu uý Melekhov.

– Melekhov nào cơ chứ

– Chúng tôi có những hai Melekhov cơ.

– Viên sĩ quan liếc mắt nhìn qua đám người rồi nhìn chằm chằm vào Grigori đang cúi gầm mặt đứng phía sau, mỉm cười kêu lên:

– Grigori Melekhov! Bà con trong thôn ta ý kiến ra sao?

– Đúng đấy!

– Xin nhận lời cho!

– Grigori Panteleevich? Tay ấy cừ lắm đấy!

– Bước ra giữa đi! Ra đi!

– Các cụ bô lão muốn xem mặt anh cái?

Bị đẩy sau lưng, Grigori đỏ mặt bước vào giữa vòng người, hai con mắt gườm gườm nhìn quanh như con thú bị vây bắt.

– Anh hãy chỉ huy con cái chúng tôi? – Lão Matvey Kasulin chống mạnh cái gậy xuống đất và làm nhanh dấu phép. – Anh hãy chỉ huy và lãnh đạo chúng nó, để cho dưới quyền anh, chúng nó có bầy có đội như đàn ngỗng có được con đầu đàn tốt. Anh hãy che chở chúng nó như con ngỗng đầu đàn canh gác, che chở cho lũ ngỗng con khỏi bị thú dữ và con người làm hại! Anh còn có thể được thưởng bốn huân chương nữa đấy, cầu Chúa che chở cho anh?

– Ông Panteley Prokofievich, con trai ông thật ra con trai!

– Nó có cái đầu đáng giá ngàn vàng đấy? Nó khôn ngoan ranh ma lắm, cái thằng chó đẻ!

– Nầy con quỷ thọt kia, ít nhất cũng mang một phần tư thùng ra đây?

– Ha-ha-ha? Chúng ta sẽ uống một chầu ăn mừng?

– Thưa các cụ bô lão? Xin yên lặng một chút! Hay là chúng ta không cần hỏi ý kiến nữa, cứ chỉ định lấy hai ba bản danh sách có được không? Nếu để tự nguyện thì mỗi người đều có thể đi cũng được mà không đi cũng được…

– Đi ba năm?

– Năm năm?

– Hãy lấy tình nguyện!

– Hãy cứ tự mày mày đi, có ai… giữ mày đâu?

Tên trung uý đang nói không biết những gì với lão ataman thì có bốn lão già ở đầu trên thôn bước tới gần hắn. Trong bọn có một lão loắt choắt, mõm không có cái răng nào, biệt hiệu là “Cái nấm còi”. Lão vốn nổi tiếng vì suốt đời chỉ thích thưa kiện. Lão đã đánh xe ra toà nhiều lần đến nỗi con ngựa cái lông trắng duy nhất trong nhà lão đã thuộc làu con đường lên đó. Lão tu rượu bí tỉ xong, nằm vật lên cái xe, kêu the thé bằng cái giọng cao như giọng con nít: “Lên toà”, thế là con ngựa tự động cất bước chạy đúng đường lên trấn… “Cái nấm còi” sửa lại cái mũ nhỏ, bước tới gần viên trung uý.

Ba lão kia đến đứng bên cạnh. Trong ba lão nầy có một lão là Gerasim Bondyrev, một nhà có của ăn của để được tất cả mọi người kính trọng. Bất chấp các đức tính cần thiết của một người mồm mép, “Cái nấm còi” kéo áo viên trung uý nói trước:

– Bẩm quan lớn!

– Cụ cần gì thế, thưa cụ bô lão? – Tên trung uý ân cần cúi xuống, ghé cái tai rất to, dái tai rất dầy.

– Bẩm quan lớn, xem ra quan lớn còn chưa biết được nhiều về cái thằng cùng thôn với chúng tôi mà quan lớn vẫn chỉ định làm đội trưởng. Vì thế bô lão chúng tôi khiếu nại về quyết định ấy của quan lớn, mà chúng tôi thì có quyền làm như thế. Chúng tôi không công nhận nó?

– Không công nhận như thế nào? Có vấn đề gì thế?

– Vấn đề là chúng tôi làm thế nào tin được nó, khi chính nó đã tham gia Xích vệ, đã làm chỉ huy bên chúng nó, nó bị thương nên mới ở bên ấy về nhà được hai tháng nay?

Tên trung uý đỏ mặt. Máu dồn lên làm hai tai hắn như căng mọng ra.

– Nhưng không thể như thế được! Tôi chưa từng nghe nói như thế bao giờ… Chưa có ai nói đến tai tôi về chuyện ấy…

– Đúng đấy, nó có đi theo bọn Bolsevich thật, – Gerasim Bonđyrev chứng thực lời “Cái nấm còi”, giọng nghiêm khằc. – Chúng tôi không tín nhiệm nó đâu!

– Phải thay nó đi mới được! Ngài có biết bọn thanh niên Cô-dắc chúng nó bảo sao không? Chúng nó bảo: “Thằng ấy sẽ phản bội chúng ta trong trận đầu cho mà xem!”

– Thưa các cụ bô lão? – Tên trung uý kiễng chân kêu lên. Thằng cha giảo quyệt tránh bọn Cô-dắc vừa ở mặt trận về mà chỉ nói với bọn bô lão – Thưa các cụ bô lão! Chúng ta vừa chọn thiếu uý Grigori Melekhov làm người chỉ huy chi đội, nhưng làm như thế có vướng vấp gì không? Vừa đây có người cho tôi biết rằng hồi mùa đông chính anh ta còn đứng trong hàng ngũ Xích vệ. Các cụ có thể tín nhiệm anh ta, trao con cháu các cụ cho anh ta được không? Còn anh em cựu chiến binh, anh em có thể yên tâm đi theo một người chỉ huy như thế được không?

Bọn Cô-dắc ngớ người ra, lặng đi một lát. Rồi bất thần những tiếng la thét cùng dậy lên và không làm thế nào hiểu được một lời nào trong tất cả những tiếng họ hét đó. Mãi đến khi người ta gào đã chán, tất cả lại lặng đi, lão Bogatyrev lông mày xâu róm mới bước vào giữa vòng người. Lão bỏ mũ chào tất cả mọi người rồi đưa mắt nhìn quanh:

– Với cái đầu óc hồ đồ của tôi, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không trao cho anh Grigori Panteleevich trách nhiệm ấy được. Quả thật anh ta có mắc cái lỗi ấy, mọi người chúng ta đều được nghe nói như thế. Thôi cứ để cho anh ta lập công chuộc tội, xứng đáng với sự tín nhiệm của mọi người, rồi khi đó hẵng hay. Anh ta vốn là một tay chiến đấu giỏi, chúng ta đều biết… Nhưng khi có sương mù thì làm thế nào trông thấy được mặt trời: hiện nay chúng ta không nhìn thấy công lao của anh ta, mắt chúng ta đều bị che phủ bởi cái việc anh ta đã đứng trong hàng ngũ bọn Bolsevich.

– Cứ cho nó làm lính trơn? – Gã Andrey Kasulin kêu lên một cách nóng nảy. Gã còn ít tuổi.

– Bầu Petro Melekhov lên chỉ huy vậy?

– Cứ cho thằng Griska đi trong hàng đã!

– Bầu nó lên thì mất mạng?

– Nhưng thằng nầy có thiết gì đâu! Việc mẹ gì các anh vời đến thằng nầy làm cái gì? – Grigori đang đứng ở phía sau tức quá đỏ mặt vung tay nhác lại – Chính thằng nầy có tự xin làm đâu? Tôi cần đến các anh làm cái quái quỉ gì! – Rồi chàng thọc tay vào hai túi quần rất sâu, gù lưng xuống, bỏ về nhà, chân bước dài như con giang.

Nhưng sau lưng chàng vẫn còn những tiếng la thét theo:

– Nầy, nầy! Lên mặt vừa vừa chứ?

– Thối như cứt ấy? Đừng có hếch cái mũi quặp của mầy lên như thế!

– Ô hô-hô!

– Đấy cái máu Thổ Nhĩ kỳ nhà nó lại sục lên rồi!

– Có lẽ nó sẽ không chịu im đâu. Ngoài mặt trận nó còn chẳng chịu im trước mặt bọn sĩ quan nữa là? Bây giờ, làm thế nào…

– Quay lại đi!

– Ha-ha-ha-ha!

– Xích nó lại! Hà? Phì! Lêu-lêu-lêu-lêu!

– Sao các cậu lại sợ nó như thế! Lập toà án của chúng ta đem nó ra mà xử?

Một lúc sau mới lấy lại được trật tự. Có kẻ tranh cãi với nhau hăng quá đi đến xô đẩy nhau, có kẻ bị đánh bật cả máu mồm máu mũi, và trong đám trẻ có một thằng bất thần bị thêm một cái u dưới con mắt. Sau khi tất cả đã trở lại yên tĩnh, mọi người bắt tay vào việc bầu đội trưởng. Petro Melekhov được bầu, mặt hắn đỏ như quả bồ quân vì hãnh diện. Nhưng đến lúc nầy tên trung uý chợt vấp phải một sự trở ngại bất ngờ xuất hiện như một cái hàng rào quá cao trước mõm một con ngựa chạy đương hăng: đến lúc phải ghi tên những kẻ tình nguyện đi lính thì chẳng có ai tình nguyện. Trước tất cả những sự việc vừa xảy ra, bọn Cô-dắc ở mặt trận về đều tỏ ra rất dè dặt. Họ nghi ngại, không muốn ghi tên, mà chỉ pha trò:

– Anikey nầy, sao cậu không lên ghi tên đi!

Anikey lầu bầu:

– Mình còn quá ít tuổi… Râu ria chưa có gì cả…

– Nầy đừng bông với lơn nữa. Anh làm sao thế, muốn làm trò cho mọi người cười phải không? – Lão Kasulin quát vào tai hắn.

Anikey xua lão đi như một con muỗi vo ve quấy rầy:

– Bảo thằng Andrey nhà lão lên mà ghi.

– Nó ghi tên rồi?

– Prokho Zykov? – Trên bàn có tiếng gọi to.

– Có tôi?

– Anh ghi tên chứ?

– Tôi không biết…

– Họ ghi tên cậu rồi đấy!

– Mitka Korsulov bước tới gần cái bàn, mặt nghiêm trang. Nó nói giọng nhát gừng!

– Ghi tên tôi vào.

– Nào, có còn ai muốn ghi tên nữa không? Bodovskov Fedot…

– Ánh thế nào?

– Thưa các cụ bô lão, tôi bệnh sa ruột! – Fedot khiêm tốn đưa cặp mắt xếch như mắt dân Kalmys nhìn xuống đất, lúng búng trả lời.

Bọn cựu chiến binh ôm lưng nhau phá lên cười. Những tay khoẻ pha trò nhất thi nhau nói tếu:

– Cứ mang cả vợ cậu đi… Nếu lên cơn sa ruột, nó sẽ chữa cho.

– À – khà- khà- khà! – Bọn đứng phía sau cười lăn cười lộn, chúng ho sặc sụa, lấp loáng những hàm răng và những cặp mắt long lanh vì cười.

Từ đầu đằng kia, một câu pha trò khác bay tạt sang như một con bạc má:

– Bọn mình sẽ cho cậu một chân nấu bếp? Hễ súp nấu tồi chúng tớ sẽ tọng cho cậu đến khi cái bệnh sa ruột ấy chui ra đầu đăng kia mới thôi.

– Rút lui cùng với những thằng như thế nầy thì đừng hòng chạy nhanh được.

Bọn bô lão phát khùng, chửi rầm lên:

– Thôi đủ rồi? Đủ rồi? Bọn chúng nó có gì mà phởn quá thế?

– Thật hiếm được đúng lúc mà nói xằng nói bậy?

– Nầy các anh kia, cũng phải biết xấu hổ chứ? – Một lão cố khuyên. – Còn có Chúa nữa chứ! Còn có Chúa nữa chứ! Chúa không cho phép làm như thế đâu. Ngoài kia người ta đang hy sinh tính mạng mà các anh… Còn có Chúa nữa chứ!

– Tomilin Ivan, – Tên trung uý quay lại nhìn quanh.

– Tôi là pháo thủ. – Tomilin trả lời.

– Anh ghi tên chứ? Pháo thủ chúng tôi cũng cần.

– Thế thì ghi đi… ừ-ừ!

Dakha Korolev, Anikey cùng vài anh chàng nữa bèn đem gã pháo thủ ra làm trò cười.

– Bọn mình sẽ lấy một gốc liễu đục cho cậu một khẩu pháo. Bí ngô sẽ là đạn pháo, còn khoai tây sẽ thay đạn ghém.

Sáu mươi gã Cô-dắc đã bị ghi tên giữa những lời bông lơn và những tiếng cười. Khristonhia bước ra cuối cùng. Anh chàng đi tới trước cái bàn, nói rành rọt:

– Có lẽ ghi cả tên tôi vào đi. Nhưng tôi nói trước là sẽ không đánh nhau đâu.

– Thế thì ghi tên làm gì? – Tên trung uý hỏi giọng bực bội.

– Thử xem như thế nào, thưa ngài sĩ quan. Tôi muốn ngó xem như thế nào cái.

– Ghi tên hắn vào. – Tên trung uý nhún vai.

Cuộc họp tan thì đã gần giữa trưa. Mọi người quyết định ngày mai sẽ lên đường ngay để chi viện cho dân Migulinskaia.

Sáng hôm sau, trong số sáu mươi gã Cô-dắc ghi tên tình nguyện, chỉ vỏn vẹn có chừng bốn mươi gã đến tập hợp trên bãi thôn. Petro đưa mắt nhìn qua bọn Cô-dắc một lượt. Hôm nay hắn mặc áo ca-pôt, đi ủng cao, nom rất diện. Nhiều người mới đính lại những chiếc lon vai mang số hiệu trung đoàn cũ, có người không đeo lon. Những cái túi đựng đồ dã chiến độn phồng cả yên ngựa. Bánh khô, đồ lót và những viên đạn giữ lại từ hồi còn ở mặt trận được buộc vào những dây đai sau yên và đựng trong túi dết. Không phải cũng có súng trường, phần lớn chỉ đeo gươm.

Một đám đàn bà, con gái, trẻ con, người già ra bãi tụ tập đưa tiễn các thầy quyền. Petro vênh vang trên con ngựa đứng ngoài hàng quân, cho nửa đại đội tập hợp thành đội hình. Hắn nhìn một lượt những con ngựa đủ các màu lông, những chàng cưỡi ngựa, người thì mặc áo ca-pôt, người thì áo vải bạt, rồi ra lệnh lên đường. Cái chi đội nhỏ cho ngựa đi bước một lên gò, bọn Cô-dắc âm thầm ngoái nhìn lại thôn xóm, ở hàng cuối có người nổ phát súng. Lên đến đỉnh gò Petro lồng đôi găng vào tay, sửa lại hàng ria màu lúa mạch, kéo cương cho con ngựa giậm nhanh bốn chân đi ngang. Hắn đưa tay trái lên giữ chiếc mũ cát-két, mỉm cười cất tiếng hô:

– Đại đô ô-ội theo mệnh lệnh tôi! Nước kiệu… tiến!

Bọn Cô-dắc dướn người trên bàn đạp, vung roi cho ngựa chạy nước kiệu. Gió quật vào mặt, thổi tung đuôi ngựa, bờm ngựa. Trời đe doạ có mưa nhỏ. Mọi người bắt đầu pha trò, chuyện gẫu với nhau.

Con ngựa cao đúng tiêu chuẩn màu huyền của Khristonhia vấp chân, chủ nó vung roi quất tới tấp và chửi rầm lên. Con ngựa cúi cong cái cổ, phóng vụt lên nước đại, vượt ra khỏi hàng quân.

Cho tới trấn Karginskaia, tinh thần bọn Cô-dắc luôn luôn giữ được vui vẻ. Mọi người ra đi, trong lòng hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ chẳng có chiến tranh gì cả, và việc xảy ra ở Migulinskaia chỉ là một cuộc đột nhập ngẫu nhiên của người Bolsevich vào vùng đất của dân Cô-dắc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.