Sông Đông êm đềm

Chương 168



Sáng hôm sau, Grigori tỉnh dậy, nhớ lại câu chuyện nói với Ermakov và Medvedev. Đêm qua chàng chưa đến nỗi hoàn toàn say bí tỉ nên không cần moi óc lắm cũng có thể hồi tưởng được câu chuyện về đảo chính. Chàng bắt đầu thấy rõ là cuộc rượu be bét ở Likhovidov đã được sắp xếp nhằm một mục đích rõ rệt: bọn kia muốn kích chàng làm một cuộc chính biến. Một số tên Cô-dắc có tư tưởng khuynh tả đang bày mưu đặt kế chống lại Kudinov vì tên nầy công khai nói ra ý muốn tiến tới sông Dones và hợp nhất với quân đội sông Đông. Chúng ngấm ngầm mơ ước cắt đứt hẳn với chính quyền vùng sông Đông và tổ chức ở địa phương một cái gì đại loại như một chính quyền Xô viết không có người cộng sản. Chúng muốn lôi kéo Grigori vì chúng không nhìn thấy toàn bộ hậu quả tai hại của một sự hiềm khích, phân tranh trong nội bộ hàng ngũ phiến loạn, giữa lúc mặt trận của Hồng quân đang rập rình ở vùng sông Dones và bất kỳ giờ phút nào cũng có thể quay lại quét sạch chúng cùng với cả cuộc “nội chiến” của chúng. “Thật là trò trẻ con”, – Grigori thầm nghĩ như thế rồi nhẹ nhàng nhảy từ trên giường xuống. Chàng mặc quần áo xong, đánh thức Ermakov và Medvedev dậy, gọi cả hai vào phòng trong và đóng chặt cửa lại.

– Thế nầy nầy, hai người anh em ạ: câu chuyện nói tối hôm qua, các cậu chớ có tưởng màng gì đến nữa và đừng có đem đi nói lung tung, nếu không sẽ khốn cho các cậu đấy! Vấn đề đâu có phải ở chỗ ai chỉ huy. Vấn đề không phải là có Kudinov nữa hay không, mà là chúng ta đang nằm trong vòng vây, đang như cái thùng bị đánh đai. Không nay thì mai cái đai ấy sẽ siết chặt quanh chúng ta. Cần phải điều các trung đoàn không phải về Vosenskaia, mà về Migulin, về Krasnokurskaia, – chàng nói nhấn mạnh, giọng đầy ý nghĩa, mắt vẫn không rời khuôn mặt âm thầm và đờ đẫn của Medvedev. – Đúng là như thế đấy, Koldrat ạ, chẳng cần phải khuấy lộn thêm cái thế giới nầy làm gì! Các cậu phải cân nhắc cho kỹ và phải nhớ rằng nếu chúng ta lật đổ bộ chỉ huy và làm bất cứ một cuộc đảo chính nào là sẽ đi ngay đến chỗ chết đấy. Phải ngả hẳn về một bên, một là trắng, hai là đỏ. Không thể rập rình ở giữa được, nếu không sẽ bị dẫm chết ngay.

– Nầy phải cẩn thận, câu chuyện không được nói hở ra đấy, – Ermakov quay mặt đi đề nghị. – Chúng mình sẽ cùng sống chết với nhau, nhưng với điều kiện là các cậu phải thôi, không được khuấy lộn bọn Cô-dắc lên nữa. Còn Kudinov và những thằng cố vấn của nó thì sao? Chúng nó làm gì có đầy đủ quyền lực? Mình biết được đến đâu thì sẽ chỉ huy sư đoàn của mình đến đấy. Chúng nó đang lâm vào một tình thế gay go, điều đó không cần nói cũng biết, chúng nó đang muốn lôi kéo anh em mình về với bọn Kadet, chuyện ấy cũng tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta sẽ theo về đâu bây giờ? Mọi con đường, mọi mạch sống của chúng ta đều đã bị cắt đứt cả rồi!

– Như thế thật đấy… – Medvedev miễn cưỡng phải đồng ý và suốt cuộc nói chuyện, đây là lần đầu tiên hắn ngước nhìn Grigori với hai con mắt ti hí đầy tức tối như mắt con gấu.

Sau lần ấy, Grigori còn tới những thôn ở gần thị trấn Karginskaia rượu chè hai ngày hai đêm liền, mặc cho cuộc đời say sưa trôi trong quán rượu. Mùi rượu ngấm cả vào cái đệm trải trên yên ngựa. Vài người đàn bà và vài cô gái mất xuân sắc đã qua tay chàng, cùng chàng chia sẻ những cuộc tình khoảnh khắc. Nhưng trời vừa sáng, Grigori đã chán ngấy sự đam mê trong một cuộc hoan lạc chiếu lệ. Chàng tỉnh táo, nghĩ một cách lãnh đạm như về người khác: “Mình đã sống và đã nếm đủ mùi đời trong những năm tháng đã sống. Đàn bà con gái mình đã yêu nhiều, mình đã cưỡi những con ngựa hay… Chà! Mình đã ruổi rong trên đồng cỏ, đã hưởng cái phúc làm bố và đã giết người, chính mình đã xông vào những nơi chết chóc, đã vùng vẫy thoả sức dưới bầu trời xanh. Cuộc đời còn đem lại được cho mình một cái gì mới mẻ nữa hay không? Chẳng còn cái gì mới mẻ nữa đâu? Đã có thể chết được rồi. Mình chẳng sợ gì cả Vì thế trong chiến tranh mình có thể không cần tính tới nguy hiểm, cũng như một tay đánh bạc trường tồn. Thua bao nhiêu cũng chẳng coi là nhiều!”

Thời thơ ấu chập chờn hiện lại trong đầu óc chàng trong những hồi ức không đầu không đũa xanh biếc như một ngày nắng đẹp: những con sáo đá trên những khối xây bằng đá, cặp chân đất của thằng bé Griska trên lớp bụi nóng hổi, sông Đông chảy lặng lờ trang nghiêm với dải rừng màu xanh lá cây in hình dưới làn nước, những khuôn mặt con nít của bạn bè, thân hình cân đối của người mẹ trẻ…

Grigori đưa tay lên che mắt và trong cái thị giới nội tâm của chàng lần lượt hiện ra những bộ mặt quen thuộc, những sự việc đôi khi rất nhỏ nhưng không hiểu sao vẫn cứ in sâu trong trí nhới của chàng. Trong ký ức của chàng vang lên giọng nói hầu như đã quên của những người quá cố, những câu chuyện phiến đoạn, những chuỗi cười đủ giọng. Trí nhớ của chàng chiếu một tia hồi ức vào một phong cảnh mà chàng đã từng trông thấy nhưng đã lãng quên từ lâu và bất thần trong óc Grigori bừng lên hình ảnh cánh đồng cỏ bát ngát, con đường cái dùng về mùa hạ cái xe bò có người cha ngồi phía trước, cặp bò, khoảng đất cày với những gốc rạ vàng óng, đàn quạ đen đậu rải rác trên mặt đường… Grigori bới tung trong mớ hồi ức rối như tơ vò về cuộc đời đã qua không bao giờ trở lại, bỗng thấy hình ảnh Acxinhia hiện lên và chàng nghĩ thầm: “Em yêu dấu! Acxinhia mà anh không bao giờ quên được?” rồi chàng kinh tởm lánh xa người đàn bà nằm bên cạnh mình, thở dài, nóng lòng chờ sáng. Mặt trời vừa trả ở đằng đông một tấm thảm tím nhạt viền kim tuyến, chàng đã vùng dậy, lau rửa, vội vã ra lấy ngựa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.