Sông Đông êm đềm

Chương 17



Lúa mạch đen vừa gặt xong chưa kịp đem về kho thì đã đến lượt lúa mì. Ở những khoảng đất sét, bên những sườn đồi, lá lúa cháy vàng cuộn tròn lại thành những cái ống. Thân lúa sống đã hết đời khô quắt queo. Mọi người khen mùa màng năm nay tốt. Lúa trĩu bông, hạt rất nặng, rất to.
Sau khi bàn với bà Ilinhitna, ông Panteley Prokofievich quyết định là nếu nhà Korsunov nhận lời kết thông gia thì sẽ để lui lễ cưới đến lễ Chúa cứu thế lần cuối (1)
Trong nhà còn chưa đi hỏi xem bên kia trả lời thế nào, vì công việc gặt hái đang chờ đấy mà lễ lạt thì cũng sắp đến nơi rồi.
Ngày đi gặt là thứ sáu. Một cỗ ba con ngựa được thắng vào chiếc máy gặt. Ông Panteley Prokofievich đẽo lại gọng chiếc xe gỗ, sửa soạn chở lúa về. Petro và Grigori đi gặt.
Petro ngồi trên cái ghế phía trước, Grigori bám tay vào cạnh ghế đi bên, mặt mày cau có. Những hòn tròn tròn cứ run run chạy từ hàm dưới chếch lên đến gò má. Petro biết rằng đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy Grigori đang có gì sôi sục trong lòng và sẵn sàng làm tất cả mọi điều điên cuồng rồ dại, nhưng anh chàng vẫn tiếp tục trêu thằng em với một nụ cười đầy vẻ châm biếm sau chòm ria màu lúa chín:
– Thật đấy, con mụ ấy nó kể đấy!
– Thôi không nói nữa, – Grigori nhai nhai vài sợi ria, lầu bầu.
– Mụ ấy bảo “Tôi ở vườn rau về thì nghe thấy trong đám hướng dương nhà Melekhov hình như có tiếng người nói”.
– Anh Petro, quẳng cái chuyện ấy đi!
– Pha-a-ải… có tiếng người nói. Mụ lại kể: “Tôi bèn ghé mắt nhòm qua hàng rào…”
Grigori nháy mắt lia lịa:
– Có thôi đi không thì bảo tôi?
– Mầy quả là một thằng kỳ quặc: để tao nói nốt đã nào?
– Liệu hồn đấy, anh Petro, muốn đánh nhau phải không? – Grigori đứng lại doạ.
Petro rung rung hai hàng lông mày, xoay người ngồi lại, lưng quay về mấy con ngựa, mắt hướng về Grigori lúc nầy đã đi tụt lại phía sau.
– Mụ lại bảo: “Tôi ghé mắt nhòm qua hàng rào thì thấy họ, cái đôi tình nhân bánh ấy, đang ôm nhau nằm”. Tao hỏi: “Hai đứa nào thế?” thì mụ trả lời: “Ả Acxiutca nhà Astakhov và cậu em trai bác chứ còn ai nữa?” Tao bảo…
Grigori nắm luôn cán chiếc chàng nạng ngắn để ở sau xe, xông về phía Petro. Petro ném dây cương, nhảy trên ghế xuống, chạy luồn ra trước ba con ngựa.
– À đồ chết tiệt! Mày hoá rồ rồi à? À? à? Nhìn cái mặt nó ma xem…
Grigori nhe nanh như một con sói, phóng luôn cái chàng nạng về phía trước, Petro vừa kịp soài người chống tay xuống đất thì cái chàng nạng đã bay vụt qua đầu, cắm phập xuống mặt đất khô rắn như đá sâu tới hàng véc-sốc, cắm xuống rồi mà còn rít lên, cán rung bần bật.
Nghe tiếng người quát, mấy con ngựa hoảng lên. Petro sầm mặt, nắm đây mõm giữ ngựa, chửi rầm lên:
– Đồ chó đểu, thiếu chút nữa mày giết tao còn gì!
– Có giết chết mới hả!
– Đồ ngu xuẩn! Đồ điên cuồng rồ dại? Mày thật xứng đáng là tông giống của cha, đúng là một thằng Tréc-két!
Chiếc máy gặt lại chuyển bánh. Grigori rút cái chàng nạng lên, lẽo đẽo theo sau.
Một lát sau, Petro giơ tay vẫy Grigori.
– Lại đây tao bảo. Đưa tao cái chàng nạng.
Petro chuyển dây cương sang tay trái, còn tay phải thì nắm lấy một cái răng sơn trắng của chiếc chàng nạng.
Giữa lúc Grigori không đề phòng, Petro đập luôn cái cán chàng nạng vào lưng Grigori.
– Đáng là cho mày ăn roi da mới phải.
Grigori nhảy phắt sang bên, Petro thương hại nhìn theo.
Một phút sau, hai anh em đã lại vừa hút thuốc, vừa nhìn vào mắt nhau mà cười.
Mụ vợ của Khristonhia đánh chiếc xe tải chạy trên con đường khác, nhưng mụ cũng nhìn thấy Grigori lao chiếc chàng nạng về phía Petro. Mụ đang ngồi trên xe, vội nhỏm lên nhìn nhưng không thấy rõ được là có chuyện gì xảy ra giữa hai anh em nhà Melekhov, vì đã bị chiếc máy gặt và mấy con ngựa che khuất. Chưa kịp về tới trong ngõ, mụ đã kêu rầm làng nước:
– Bác Klimovna ơi? Bác chạy ngay sang ông lão Thổ nhĩ kỳ Panteley, bảo ông ấy rằng hai thằng con ông ấy đang cầm chàng nạng đâm nhau ở gần cái kurgan Tatarsky đấy! Chúng nó đánh nhau một lúc thì thằng Griska, cái thằng điên khùng rồ dại ấy cầm luôn chàng nạng thọc vào sườn thằng Petro, và ngay lúc ấy thằng kia cũng cho luôn nó… Eo ôi, máu tuôn ra như suối đấy.
Giữa lúc ấy ba con ngựa đang bị thúc kéo cật lực. Petro hết quát ngựa đến khản cả giọng, lại huýt sáo loạn xạ. Còn Grigori thì tì một bàn chân bụi bám đen thui thủi vào ván gỗ ngang, gạt những bông lúa vướng vào cánh máy gặt. Ba con ngựa bị mòng cắn bật máu, ve vẩy đuôi kéo dây thắng, chẳng còn nào ăn nhịp với con nào.
Khắp đồng cỏ, cho tới đường chân trời xanh xanh, chỗ nào cũng có những người hặm hụi làm việc. Những lưỡi máy gặt cắt loạt soạt, lách cách. Đồng cỏ lốm đốm những đống lúa đã gặt. Chuột đồng kêu chi chí trên các gò đất.
– Gặt thêm hai đường nữa rồi chúng mình hút điếu thuốc! – Petro ngoái đầu, kêu to giữa những tiếng cánh máy gặt rít và tiếng lưới dao cắt roàn roạt.
Grigori chỉ gật đầu. Gió thổi khô cả môi như thế thì thật khó mở miệng. Grigori thở hổn hển, phải cầm chàng nạng ngắn hơn để hất những đám lúa nặng trĩu. Mồ hôi đổ ra đẫm cả ngực, đến là ngứa, ngáy. Những giọt mồ hôi mặn chát ròng ròng dưới mũ, chảy vào mắt cay sè như bọt xà phòng.
Một lát sau, hai anh em cho ngựa nghỉ để uống nước và hút thuốc.
Bỗng Petro đưa tay lên che mắt nhìn và nói:
– Không biết có ai đang phi ngựa trên đường cái ấy.
Grigori cố nhìn kỹ rồi ngạc nhiên giương hai hàng lông mày:
– Hình như là cha đấy mà?
– Mầy điên à! Mấy con ngựa thắng cả vào máy gặt rồi thì cha cưỡi cái gì bây giờ?
– Đúng là cha đấy.
– Mầy quáng mắt rồi, Griska ạ!
– Đúng là cha mà!
Một phút sau đã có thể nhìn thấy rõ con ngựa phi như bay và cả người cưỡi ngựa.
– Đúng là cha thật… – Petro liên tiếp giậm chân kêu lên, trong lòng vừa lo sợ vừa băn khoăn.
– Có lẽ ở nhà lại xảy ra chuyện gì rồi… – Grigori nói lên ý nghĩ chung của cả hai anh em.
Khi chỉ còn cách chừng một trăm xa-gien, ông Panteley Prokofievich ghìm ngựa, cho chạy nước kiệu nhỏ.
– Ông quâ-â-ật chết… hai thằng chó đẻ? – Từ xa ông đã quay vun vút cái roi da trên đầu gầm lên.
– Ông cụ làm sao thế nhỉ? – Petro nhét đến nửa chòm ria màu lúa chín vào ngậm trong miệng, kinh ngạc chẳng hiểu ra sao cả.
– Trốn ra sau máy gặt mau lên! Lạy Chúa tôi, ông cụ muốn cho chúng mình ăn roi da đấy. Chờ được rõ đầu đuôi thì đã bươu đầu… – Grigori vừa cười vừa nói, – chuồn ngay ra sau xe, phòng có chuyện gì xảy ra.
Con ngựa đổ mồ hôi như tắm lóc cóc chạy qua đám rạ đã cắt với một nước kiệu rất sóc. Ông Panteley Prokofievich vẫn vung roi, hai chân lõng thõng hai bên bụng con ngựa (con ngựa ông cưỡi còn chưa kịp đóng yên).
– Chúng mầy đã giở cái trò gì ở đây thế hử, yêu tinh quỷ sứ đẻ ra chúng mầy?!
– Chúng con đang gặt mà… – Petro dang hai tay trả lời, nhưng mắt vẫn lo lắng liếc nhìn ngọn roi.
– Đứa nào cầm chàng nạng đâm đứa nào hử? Tại sao chúng mầy đánh nhau hử?
Grigori quay lưng về phía cha, lẩm nhẩm đếm những đám mây đang bị gió quét trên trời.
– Cha làm sao thế? Chàng nạng nào cơ chứ? Mà ai đánh nhau với ai? – Petro hấp háy con mắt nhìn ông già từ chân đến đầu, hai chân thay nhau dậm xuống đất.
– Thế mà con mụ ấy nó lại chạy đến kêu rống lên: “Hai cậu con trai ông cầm chàng nạng đâm nhau đấy”. Sao lại thế? Thế là nghĩa lý ra sao? – Ông Panteley Prokofievich lắc đầu một thôi một hồi rồi ném dây cương, nhảy xuống từ trên lưng con ngựa chạy tưởng đã đứt hơi. – Thế là tao vớ luôn con ngựa của thằng Phenca Xêmiskin phóng thẳng một mạch đến đây. Sao lại thế nhỉ?
– Nhưng ai nói thế cơ chứ?
– Một con mụ.
– Nó nói bậy đấy cha ạ? Con mụ khốn khiếp lại ngủ li bì trên xe, mê sảng đấy thôi.
– Cái con mụ! – Ông Panteley Prokofievich rít lên và cứ thầm tự chế giễu mình. Con gà mái Klimovna nầy! Chao ôi, lạy Chúa tôi? Sao lại thế nhỉ? Tao phải nện cho con chó cái ấy một trận mới được! – Ông già liên tiếp giậm hết chân nọ đến chân kia, trong khi đó bên chân trái, cái chân thọt, cứ khập khà khập khiễng.
Grigori dán mắt xuống đất cười không ra tiếng, người rung bắn lên. Petro vuốt bộ tóc đẫm mồ hôi, trân trân nhìn bố.
Ông Panteley Prokofievich nổi lôi đình lên một trận rồi cũng nguôi dần. Ông ngồi lên chiếc máy gặt, cho chạy hai đường, vừa gặt vừa ném xuống những mớ lúa đã gặt. Rồi ông lại văng tục một thôi một hồi và lên ngựa trở về. Con ngựa chạy ra đường cái, vượt hai chiếc xe chở lúa, làm bụi tung mù lên cho đến khi về tới thôn.
Nhưng ông già đã đề quên trên cái rãnh một ngọn roi bện rất tinh vi, với cái ngù rất diện. Petro cuộn cái roi vào tay, và lắc đầu nói với Grigori:
– Thằng nhóc ạ, cái roi nầy vốn là định dành cho tao với mày đấy. Xem nầy, thế nầy mà gọi là một cái roi à? Của nầy thì chỉ quất một cái là băng đầu con nhà người ta đấy em ạ?
Chú thích:
(1) Lễ Chúa cứu thế được cử hành làm ba đợt: đợt thứ nhất vào ngày mồng một tháng tám, đợt thứ hai vào ngày mồng sáu tháng tám và đợt thứ ba vào ngày mười sáu tháng tám. (ND)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.