Sông Đông êm đềm

Chương 180



Hai mươi nhăm đảng viên cộng sản mà trung đoàn Xerdovsky trao cho quân phiến loạn đã bị một đội áp giải mạnh đưa đi khỏi Ust-Khopeskaia. Chuyện chạy trốn thì không thể nào nghĩ tới được. Kotliarov khập khiễng đi giữa đám tù binh. Anh đưa cặp mắt tràn ngập âu sầu và căm uất nhìn những bộ mặt rắn như đá vì thù hận của những tên Cô-dắc áp giải, bụng bảo dạ: “Chúng nó lôi anh em mình đi giết đấy! Nếu không qua toà án thì sẽ mất mạng cả thôi!”

Số lớn trong bọn áp giải là những thằng râu xồm. Chỉ huy bọn nầy là một lão già Cựu giáo, trước kia đóng quân ở trung đoàn Atamansky. Ngay từ đầu, lúc mới ra khỏi trấn Ust-Khopeskaia, lão ra lệnh cấm anh em tù binh không được chuyện trò với nhau, không được hút thuốc và không được hỏi han gì bọn áp giải.

– Chúng mầy hãy cầu nguyện đi, cái bọn tay sai phản Chúa nầy? Chúng mầy đang đi về âm phủ đấy, còn sống được mấy tiếng đồng hồ nữa thì đừng phạm thêm tội ác gì nữa! Hừ-ừ-ừ? Chúng mầy quên cả Thượng đế rồi? Chúng mầy đã bán thân cho quỷ dữ! Chúng mầy đã lấy cái dấu đồng của quân thù đóng lên trán chúng mầy! – Nói rồi lão hết vung khẩu Nagan tự động lại sửa cái dây đeo súng ngắn tốt loăn xoăn đeo trên cổ.

Trong số tù binh có hai đảng viên cộng sản là cán bộ chỉ huy của trung đoàn Xerdovsky. Tất cả số còn lại, trừ Kotliarov, đều là dân ngụ cư ở trấn Elanskaia, những anh chàng cao lớn, khỏe mạnh, vào đảng hồi quân đội Xô viết mới tiến vào trong trấn. Họ làm dân cảnh, làm chủ tịch các Uỷ ban cách mạng thôn, rồi sau cuộc phiến loạn họ đã chạy đến Ust-Khopeskaia sát nhập vào trung đoàn Xerdovsky.

Xưa kia, hầu hết các anh em đó đều làm nghề thủ công: thợ mộc làm nhà, thợ đóng bàn ghế, thợ đóng thùng, thợ đá, thợ đắp lò, thợ giầy, thợ may. Người nhiều tuổi nhất trong số đó nhìn mặt không quá ba mươi lăm, người trẻ nhất chỉ chừng hai mươi. Những chàng thanh niên lực lưỡng, đẹp trai đó có những bàn tay rất to bị công việc lao động chân tay nặng nề làm cho méo mó, những cặp vai rộng, những bộ ngực nở nang, nom họ khác hẳn những lão già lưng còng đi áp giải.

– Chúng nó có đem anh em mình đi xét xử không, anh thấy thế nào? – Một đảng viên cộng sản trấn Elanskaia đi bên cạnh Kotliarov rỉ tai anh.

– Chưa chắc…

– Chúng nó giết à?

– Có lẽ thế đấy.

– Nhưng bên chúng nó không có xử bắn cơ mà? Bọn Cô-dắc đã nói như thế đấy, anh còn nhớ không?

Kotliarov không trả lời gì cả, nhưng một tia hy vọng bỗng lóe lên trong lòng anh, mong manh như một đốm lửa trước gió: “Mà sẽ đúng như thế đấy? Chúng nó sẽ không thể bắn anh em mình được. Bọn khốn nạn ấy, chúng nó đã nêu khẩu hiệu: “Đả đảo cộng sản, cướp bóc và bắn người? ” cơ mà? Nghe nói chúng nó chỉ kết án tù khổ sai… Chúng nó chỉ tuyên án phạt roi và tù khổ sai. Được, như thế cũng chẳng có gì đáng sợ? Bọn chúng mình sẽ ngồi tù đến mùa đông, mà đến mùa đông, sông Đông vừa kết băng là quân ta sẽ lại tấn công chúng nó?

Tia hy vọng ấy lóe lên nhưng lại tắt ngấm ngay như một tàn lửa trước gió: “Không đâu, chúng nó sẽ giết đấy! Chúng nó hung hãn lắm, cứ như một bầy quỷ dữ! Thôi vĩnh biệt cuộc đời! Than ôi, đáng là không nên như thế mới phải! Đã đánh nhau với chúng nó mà trong lòng còn thương hại chúng nó… Không thể nào thương hại chúng nó được, phải giết, phải chém chết tất cả chúng nó cho kỳ tuyệt nọc!”

Anh nắm chặt hai bàn tay, cặp vai rung lên trong một cơn phẫn uất bất lực. Nhưng ngay lúc đó anh vấp chân, thiếu chút nữa thì ngã vì một ngọn roi quất từ phía sau vào đầu.

– Mầy làm gì mà nắm tay lại hử, đồ lang đẻ sói đẻ? Tao hỏi mầy, mầy làm gì mà nắm tay lại hử? – Lão quản chỉ huy đội áp giải gầm lên, thúc con ngựa xô thẳng vào anh.

Lão bồi thêm cho không Kotliarov một roi nữa, hằn chéo một con lươn trên mặt anh, từ một bên xương lông mày xuống tới cái cằm cương nghị có một vết lõm ở giữa.

– Sao ông lại đánh bác ấy thế? Hãy đánh tôi đây nầy, ông bố già! Hãy đánh tôi đây nầy? Bác ấy bị thương mà ông còn đánh à? – Một đồng chí người trấn Elanskaia mỉm nụ cười van lơn, kêu lên giọng run run, rồi bước ra khỏi đám người, ưỡn bộ ngực chắc nịch, che cho Kotliarov.

– Cả mầy nữa cũng có phần! Nện chúng nó đi, anh em đồng hương? Đánh bọn Cộng đi!

Ngọn roi quất mạnh quá, xé toạc cả chiếc áo sơ-mi mùa hè màu cứt ngựa trên vai người chiến sĩ trấn Elanskaia, mảnh vải rách lật ra như tàu lá bị lửa nướng cong. Vệt roi hằn lập tức phồng ngay, máu đen phụt tóe ra như ở cổ một con vật bị chọc tiết, đẫm cả những mảnh vải…

Lão quản thở hổn hển trong cơn tức giận điên cuồng, cho con ngựa dẫm những người tù binh, xông thẳng vào giữa đám đông, vung roi quật tới tấp…

Lại thêm một roi nữa quật trung Kotliarov. Anh đổ cả đồng quang con mắt, mặt đất lảo đảo, ngả nghiêng và dải rừng xanh rờn viền theo khoảng bờ cát trước mặt, bên tả ngạn, như đổ sập xuống.

Kotliarov đưa bàn tay chai sần nắm lấy bàn đạp, định lôi lão quản hoá điên hoá ngộ như thú rừng trên yên xuống, nhưng một nhát sống gươm đã đánh anh ngã lộn xuống đất. Một đám bụi nhạt thếch, ráp như lông cứng, ập vào miệng làm anh tức thở, máu nóng hổi ứa ra từ trong mũi, trong tai anh…

Bọn áp giải dồn anh em tù binh lại thành một đám như đàn cừu rồi đánh họ một chập rất lâu, rất tàn nhẫn. Như trong một cơn ác mộng, Kotliarov vẫn nằm úp mặt xuống đường nghe thấy những tiếng kêu khàn khàn, tiếng chân giậm rầm rập chung quanh mình, tiếng ngựa hí điên cuồng. Một đám bọt mồ hôi ngựa ấm ấm rơi xuống cái đầu trần của anh, và gần như ngay lúc đó, không biết từ một chỗ nào rất gần, ngay bên trên đầu anh, có một tiếng đàn ông nức nở kêu lên, tiếng khóc rất ngắn nhưng nghe rất khủng khiếp:

– Quân khốn kiếp! Chúng mày đánh những người không có vũ khí! Hư-hư-hư!

Một con ngựa dẫm lên bên chân bị thương của Kotliarov, những cái đinh móng ngựa đã mòn ấn sâu xuống bắp chân anh. Bên trên vẫn vang lên không ngớt tiếng những đòn đánh dội xuống như mưa… Một phút sau lại thêm một thân hình ướt đẫm, nồng nặc mùi mồ hôi hắc hắc và mùi máu mằn mặn, nặng nề đổ xuống bên cạnh Kotliarov. Kotliarov chưa bất tỉnh hẳn, vì thế anh còn nghe thấy trong họng người vừa ngã xuống có tiếng máu ộc ra lọc ọc như từ trong một cái chai dốc ngược…

Sau đó, anh em tù binh bị bọn kia dồn lốc nhốc ra sông Đông, bắt phải rửa hết máu me. Đứng dưới nước đến đầu gối, Kotliarov giấp nước vào những vết thương và những con lươn nóng rát như lửa đốt.

Anh đưa tay khoả một khoảng nước còn loang máu mình, uống lấy uống để, chỉ sợ không kịp giải cái khát cháy họng bỗng nhiên ập tới.

Mọi người đang đi trên đường thì có một gã Cô-dắc cưỡi ngựa đuổi kịp họ. Con ngựa màu hạt dẻ sẫm gã cưỡi béo núc, mồ hôi đổ ra đầm dìa làm lông nó bóng nhoáng như thường thấy trong mùa xuân. Con ngựa chạy một nước kiệu rất nhanh, vừa chạy vừa nhảy cỡn. Tên cưỡi ngựa phóng như bay và khuất trong thôn. Đoàn tù binh còn chưa kịp đi tới mấy cái sân gỉa súc đầu tiên thì đã thấy một đám dân chúng chạy ùa ra đón đường họ.

Kotliarov nhìn thấy đám đàn ông và đàn bà Cô-dắc chạy từ phía trước lại biết rằng giờ chết của mình đã điểm. Tất cả các anh em khác cũng đều hiểu như thế.

– Các đồng chí! Chúng ta vĩnh biệt nhau thôi! – Một đảng viên cộng sản thuộc trung đoàn Xerdovsky kêu lên.

Đám người kia kéo đến mỗi lúc một gần. Trong tay họ có những chiếc chàng nạng, cuốc chim, gậy tầm vông, những cái chốt sắt rút ra từ những chiếc xe bò…

Rồi sau đó tất cả đã diễn ra y như trong một cơn ác mộng rùng rợn nhất. Đoàn người đi ba mươi véc-xta qua những cái thôn nằm san sát, đến thôn nào cũng gặp những đám người ra hành hạ họ.

Những lão già, những mụ đàn bà, những đứa còn thiếu niên đánh đập nhổ vào những bộ mặt sưng húp, máu chảy đầm đìa và đầy vết thâm tím của những người cộng sản bị bắt làm tù binh. Chúng ném đá, ném những tảng đất khô, tung bụi tung tro vào những cặp mắt đã bị đánh đến sưng vù. Bọn đàn bà thì đặc biệt hung ác, chúng nghĩ ra những cách đánh đập tàn nhẫn nhất. Hai mươi nhăm con người sắp làm mồi cho thần chết đã diễu qua những đám người đó. Cuối cùng họ đã biến đổi hẳn, không còn có thể nhận ra ai là ai nữa, không còn chút gì là những con người nữa vì thân hình họ, mặt mũi họ đều biến dạng, méo mó, chỗ xanh, chỗ đỏ, chỗ đen, tất cả đều phù ra, đều trở thành tàn tật, bê bết máu và bùn.

Đầu tiên bất cứ ai trong số hai mươi nhăm người đó cũng tìm cách đi thật xa những thằng áp giải để đỡ bị ăn đòn: bất cứ ai cũng hết sức len vào giữa những hàng hỗn loạn, vì thế đám người cứ đi chen chúc nhau, lốc nhốc thành một khối. Nhưng họ luôn luôn bị xua đuổi, lôi kéo cho xa nhau ra. Vì thế, họ dần dần mất hết hy vọng là có thể giữ cho mình đỡ bị đánh đập, và cuối cùng cứ đi lẻ tẻ rời rạc, người nào cũng chỉ ôm một nguyện vọng đau khổ là cố thắng được chính bản thân mình, đừng ngã xuống thì sẽ không còn có thế trở dậy được nữa. Họ bị xâm chiếm bởi một tâm trạng thờ ơ, mặc cho mọi chuyện xảy ra. Đầu tiên người nào cũng đưa tay lên che mặt che đầu, bịt mắt mình một cách bất lực mỗi khi trông thấy những cái răng bằng thép xanh lè của chiếc đinh ba hay cái đầu gậy tầm vông trắng bệch loáng đến trước mặt mình. Lúc đầu từ trong đám tù binh bị đánh đập tàn nhẫn còn vang ra những tiếng van xin, chửi rủa và gào rú như tiếng kêu của thú vật vì những sự đau đớn không thể nào chịu được. Nhưng đến giữa trưa mọi người đều nín lặng. Chỉ có một người trong số các anh em trấn Elanskaia, người trẻ nhất, trước kia là một cậu hay nói chuyện tếu được toàn đại đội yêu, là còn kêu lên khi bị đập vào đầu. Anh ta cứ co rúm cả người, đi nhảy nhảy như phải bước trên vật gì nóng lắm, một bên chân bị một chiếc sào đánh gãy cứ phải kéo lê…

Sau khi xuống sông Đông lau rửa, Kotliarov cảm thấy tinh thần của mình vững vàng hơn. Vừa trông thấy bọn đàn ông và đàn bà Cô-dắc chạy từ phía trước mặt lại, anh vội vã từ biệt mấy đồng chí đang ở gần mình nhất. Anh khẽ nói:

– Không sao cả, anh em ạ, chúng ta đã biết chiến đấu thì cũng phải biết chết cho kiêu hãnh… Nhưng có một điều chúng ta cần phải ghi nhớ cho tới hơi thở cuối cùng, chúng ta vẫn còn có một niềm an ủi trong lòng là tuy chúng nó dùng gậy nhọn đâm chúng ta, song chính quyền Xô viết thì không thể nào bị gậy nhọn đâm chết được! Các đồng chí đảng viên cộng sản! Anh em ạ! Chúng ta hãy chết một cách cứng cỏi, để cho chúng nó không cười chúng ta được?

Nhưng anh chàng người Elanskaia đã không đủ sức chịu nổi. Đến thôn Bobrovsky, khi bị bọn bô lão bắt đầu đánh đập anh ta một cách tàn nhẫn và khéo léo, anh ta đã gào lên bằng một giọng rất khó nghe, như con nít. Anh ta giật đứt các khuy cổ chiếc áo quân phục cổ chui, giơ cho bọn đàn bà Cô-dắc xem cây thập ác nhỏ đeo tuỳ thân trên cổ với sợi dây đeo bị cáu ghét và mồ hôi bám vào đen sì.

– Các đồng chí! Tôi mới vào đảng được ít lâu thôi mà! Các đồng chí hãy thương lấy tôi! Tôi vẫn tin ở Chúa! Tôi còn có hai con thơ! Các đồng chí hãy tha cho tôi! Các đồng chí cũng có con cơ mà!

– Chúng tao “đồng chí” gì với mày! Câm ngay cái mồm!

– Mầy mà còn nhớ tới con cái cơ à, đồ ngoại đạo khốn kiếp! Mày lại còn giơ thánh giá ra à? Mầy đã nghĩ lại rồi à? Nhưng lúc mà bắn giết, hành quyết anh em chúng tao thì mầy có nhớ đến Chúa không? – Một lão già mũi hếch, có chiếc vòng lủng lẳng ở một bên tai, đánh anh ta hai cái rồi hổn hển hỏi lại và lại vung roi nhằm vào đầu anh ta lần nữa.

Những điều phiến loạn mà mắt, tai, ý thức của Kotliarov thu nhận được tất cả đều lướt qua rất nhanh. Sự chú ý của anh không dừng lại lâu ở một điều gì cả. Trái tim anh như đã rắn lại thành đá và chỉ run lên có một lần. Đến giữa trưa đoàn người tiến vào thôn Chiukovnovsky, đi dọc theo đường phố, giữa những đám người đứng hai bên chửi rủa và đánh họ tới tấp. Giữa lúc ấy Kotliarov chợt liếc mắt sang bên, nhìn thấy một thằng bé chừng bảy tuổi đang níu lấy vạt áo mẹ, những giọt nước mắt đổ xuống như mưa đá trên hai cái má méo xệch của nó. Nó kêu lên the thé:

– Mẹ ơi! Đừng đánh người ta! Chao ôi, đừng đánh nữa! Con thương! Con sợ! Người ta những máu là máu!

Người đàn bà đang vung cái gậy lên định đánh một đồng chí Elanskaia, nghe thấy thế bất thần thét lên, ném cái gậy đi, rồi bế thốc đứa con nhỏ lên tay, chạy vùng vào trong ngõ. Cả Kotliarov cũng phải xúc động trước tiếng khóc và lòng thương người của thằng bé. Anh xao xuyến, vài giọt nước mắt mà anh không thể tha thứ cho mình bất giác trào ra, chảy mằn mặn xuống cặp môi giập nát, khô nẻ. Anh nấc lên một tiếng ngắn ngủi, nhớ tới đứa con nhỏ của mình, vợ mình và cái hồi ức vừa bừng lên như một ánh chớp ấy đã làm nảy ra trong đầu óc anh một mơ ước thôi thúc: “Chỉ cốt sao vợ con mình khỏi nhìn thấy mình bị giết ngay trước mắt họ? Và… Sao cho chúng nó giết mình ngay đi…”

Đoàn người lê bước hết sức khó khăn, người lảo đảo vì mệt mỏi rã rời, các khớp xương xưng lên đau ê ẩm. Khi đến một cái bãi thả gia súc bên ngoài một cái thôn, họ thấy có một cái giếng trên đồng cỏ bèn xin lão đội trưởng đội áp giải cho họ uống nước:

– Không uống làm gì cả! Như thế nầy cũng đã muộn mất rồi! Đi đi! – Lão quản quát lên.

Nhưng một lão già áp giải đã nói hộ anh em tù binh:

– Ông hãy rộng lòng thương họ một chút, ông Akim Xadonyt! Dù sao họ cũng là những con người.

– Những đứa nầy mà là người à? Bọn Cộng không phải là người! Mà anh chớ lên mặt dạy khôn tôi! Tôi là đội trưởng hay anh là đội trưởng hử?

– Cái loại đội trưởng như anh thì đã có quá nhiều rồi đấy? Thôi anh em ra mà uống đi!

Rồi lão già nhỏ bé kia xuống ngựa, múc dưới giếng lên một thùng nước. Anh em tù binh vây chặt lấy lão, hai mươi nhăm đôi bàn tay đồng thời vươn về phía cái thùng, những cặp mắt sưng vù và bầm máu sáng bừng lên, nhao nhao những giọng nói khàn khàn, ngắt quãng:

– Đưa cho tôi, cụ ơi!

– Một ít thôi cũng được?

– Chỉ một ngụm thôi mà – Các đồng chí, tất cả không thể cùng uống một lúc được đâu?

Lão già ngập ngừng một lát, không biết nên cho ai uống trước. Lão trù trừ vài giây, vài giây chờ đợi cực kỳ căng thẳng, rồi đổ nước vào một cái máng khoét trong một khúc gỗ dài chôn dưới đất cho gia súc uống nước. Đổ xong lão vừa bỏ đi chỗ khác vừa kêu to:

– Làm gì mà chen nhau như những con bò thế hử! Xếp hàng lần lượt mà uống!

Nước chảy theo cái lòng máng đầy rêu, mượt như da hoẵng xanh, ùa tới chỗ gốc máng nặc mùi gỗ ẩm dãi nắng đến nóng rực. Anh em tù binh dốc cạn hết sức lực còn lại, đổ xô tới cái máng nước. Lão già lần lượt kéo mười một gàu nước, vừa đổ đầy cái máng vừa cau mày nhìn đám tù binh, ánh mắt đầy vẻ thương hại.

Kotliarov quỳ xuống uống cho thật đã khát. Cảm thấy đầu óc nhẹ nhõm hơn, anh ngẩng lên nhìn thấy một cách rõ ràng, gần như sờ thấy được lớp bụi đá vôi trắng phủ như một dải thảm trên con đường ven sông Đông, những nhánh núi đá phấn dựng đứng xa xa nom như một cái ảo ảnh xanh lơ, và bên trên các nhánh núi ấy, bên trên dòng sông Đông cuồn cuộn trôi xuôi, có một đám mây nhỏ đang ngự cao ngất trên bầu trời xanh ngắt, bao la, lồng lộng. Đám mây vươn cánh dưới làn gió, bay vun vút về phía bắc, đỉnh mây tóe ra những tia trắng loá như một cánh buồm, và cái bóng màu đá mắt mèo của nó in xuống chỗ khuỷu sông Đông ở tít đằng xa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.