Sông Đông êm đềm

Chương 198



Tên tướng Sekrechev đã đến Vosenskaia cùng bọn sĩ quan tham mưu và một đại đội vệ binh Cô-dắc hộ tống của riêng hắn. Hắn đã được đón tiếp bằng bánh mì và muối trong tiếng chuông nhà thờ gióng dả. Cả hai toà nhà thờ đều kéo chuông suốt ngày như trong lễ Phục sinh. Những tên Cô-dắc vùng hạ du qua lại trong các phố trên những con ngựa sông Đông thon đẹp nhưng gầy nhom sau chặng đường dài. Trên vai chúng đều đính những chiếc lon xanh lè đầy vẻ khiêu khích. Bọn liên lạc đứng túm tụm trên cái bãi cạnh ngôi nhà của một lão lái buôn, nơi tên tướng Sekrechev ở. Chúng cắn hạt dưa tán tỉnh những cô gái thị trấn lượn qua với quần lành áo tốt.

Đến giữa trưa có ba tên lính Kalmys cưỡi ngựa giải chừng mười lăm tù binh Hồng quân đến nhà tên tướng đang ở. Phía sau có một chiếc xe vận tải chở đầy kèn. Cách ăn vận của các chiến sĩ Hồng quân nầy rất khác thường: quần vải bông xám, áo vét cũng vải bông xám, cổ tay áo “lơvê” viền đỏ. Một tên Kalmys có tuổi cho ngựa tới trước mặt mấy gã liên lạc đang đứng vô công rồi nghề trước cổng nhà.

Hắn xuống ngựa, đút cái tẩu bằng đất nung vào túi.

– Đám tao giải tới một lũ thổi kèn đồng của bọn Đỏ. Mày hiểu chứ?

– Chuyện ấy thì có gì mà hiểu với không hiểu? – Một gã liên lạc mặt hổ phù vừa trả lời bằng một giọng lười nhác vùa nhổ những vỏ hướng dương vào ủng của tên Kalmys.

– Có gì hay không có gì cũng mặc, mày nhận tù binh đi đã. Hốc lắm vào, mặt phị ra đến thế kia, chớ có thừa lời?

– Thôi thôi! mày quá lắm mồm rồi đấy, cứ như cái đuôi con cừu đực! – Gã liên lạc nổi giận nhưng vẫn vào báo cáo về chuyện tù binh.

Từ trong cổng bước rà một tên đại uý béo phục phịch mặc áo bông màu nâu kiểu Tarta bó chặt lấy người. Hắn dạng hai chân to đần đẫn, chống nạnh như người trong tranh, đưa mắt nhìn tốp chiến sĩ Hồng quân đang đứng túm tụm với nhau, rồi trầm giọng hỏi:

– Chúng mày thổi kèn đánh trống mua vui cho bọn chính uỷ có phải không, bọn lưu manh ở Tambob nầy? Mò đâu ra những bộ quân phục màu xám nầy hử? Lột được của quân Đức phải không?

– Không đâu ạ, – Chiến sĩ Hồng quân đứng trước cả đám vừa trả lời vừa nháy mắt lia lịa. Rồi anh ta liến thoắng nói rõ thêm – Ngay từ thời Kerensky đội quân nhạc của chúng tôi đã mặc bộ đồng phục nầy rồi, từ trước cuộc tấn công tháng Sáu… Và chúng tôi cứ thế mặc cho đến bây giờ…

– Mày sẽ còn mặc cho tao xem! Mày cứ mặc đi! Chúng mày cứ mặc đi cho tao xem? – Tên đại uý hất chiếc mũ lông kiểu Kuban may rất thấp ra sau gáy, để lộ vết sẹo đỏ tía chưa lành hẳn trên cái đầu trọc lốc, rồi hắn xoay người trên đôi ủng cao gót đã mòn vẹt, quay mặt về phía tên Kalmys – Quân dị giáo khốn nạn, mày giải chúng nó đến đây làm gì hử? Trên đường đi mày không cho chúng nó về chầu tổ được hay sao?

Mặt tên lính Kalmys tự nhiên trở nên căng thẳng, hắn kéo rất nhanh hai cái chân vòng kiềng vào với nhau rồi trả lời, tay vẫn không rời lưỡi trai của chiếc mũ cát-két màu cứt ngựa:

– Đại đội trưởng đã ra lệnh cần phải giải tới đây.

– “Cần phải giải tới đây!” – Tên đại uý ăn vận diêm dúa nhại lại rồi bĩu cặp môi mỏng dính đầy vẻ khinh bỉ, nặng nề dận hai cái chân phù, núng nính cặp mông to tầy dành, đi qua các chiến sĩ Hồng quân. Hắn nhìn họ rất lâu, rất cẩn thận, chẳng khác gì một tên lái ngựa xem ngựa.

Bọn liên lạc khẽ cười khúc khích. Nhưng mặt của những tên lính Kalmys áp giải vẫn giữ nguyên cái vẻ phớt lạnh thường ngày.

– Mở cổng ra! Đuổi chúng nó vào trong sân! – Tên đại uý ra lệnh.

Đám chiến sĩ Hồng quân và chiếc xe bò chất bừa bộn các thứ kèn trống đứng lại bên thềm nhà.

– Thằng nào là nhạc trưởng? – Tên đại uý châm thuốc hút rồi hỏi.

– Không còn có nhạc trưởng nữa rồi. – Vài người đồng thanh trả lời.

– Thế nó đâu? Chạy mất rồi à?

– Không, bị chết rồi.

– Như vậy cũng chẳng sao. Không có nó chúng mày vẫn chơi được! Nào, lấy kèn trống xuống đi!

Các chiến sĩ Hồng quân đi tới bên chiếc xe bò. Xen lẫn những tiếng chuông kéo liên hồi luôn luôn ám ảnh bên tai, trong sân bắt đầu rụt rè vang lên vài tiếng kèn đồng tí toe, chẳng tiếng nào ăn với tiếng nào.

– Chúng mày chuẩn bị đi! Nào làm một bài “Cầu Chúa che chở vua Nga”(303)

(303)  Quốc ca Nga thời Sa Hoàng. (N.D)

Toán chiến sĩ quân nhạc nín thinh đưa mắt nhìn nhau. Không một ai bắt đầu thổi. Bầu không khí chết lặng nặng nề kéo dài đến một phút, rồi trong bọn có một người hai chân không giầy không ủng nhưng xà cạp cuốn rất cẩn thận, nhìn xuống đất nói:

– Trong đám chúng tôi không có ai biết chơi quốc ca cũ…

– Không đứa nào à? Hay thật… Nào, bay đâu? Nửa trung đội liên lạc mang súng trường ra đây!

Tên đại uý đập mũi ủng đánh nhịp nhưng không thành tiếng. Từ trong hành lang vang ra tiếng lách cách của những khẩu súng trường kỵ binh. Bọn liên lạc tập hợp, một bầy se sẻ ríu rít trong đám dương hòe mọc um tùm sau mảnh vườn nhỏ. Trong sân nồng nặc cái mùi nóng hổi của những cái mái tôn trên các nhà kho và mùi mồ hôi người chua loét. Tên đại uý rời khỏi chỗ dãi nắng bước vào bóng rợp. Giữa lúc ấy người lính kèn chân đất âu sầu đưa mắt nhìn các bạn của anh và khẽ nói:

– Bẩm quan lớn! Tất cả anh em chúng tôi đều là lính kèn mới.

– Chúng tôi chưa có dịp được chơi những bài cũ… Phần nhiều chỉ dạo những bản hành khúc cách mạng… Thưa quan lớn!

Tên đại uý lơ đãng quay quay đều cái dây da nhỏ rua hoa, không nói gì.

Bọn liên lạc đã tập hợp bên thềm, sẵn sàng chờ lệnh. Bỗng từ những hàng sau có một người lính kèn có tuổi, mắt bị mộng trắng, vội vã len qua đám chiến sĩ Hồng quân bước ra. Anh ta húng hắng ho rồi hỏi:

– Ngài cho phép chứ? Tôi có thể dạo được bài đó. – Rồi không chờ tên kia cho phép, anh ta ghé luôn cặp môi run run vào miệng chiếc bát xông bị nắng chiếu nóng bỏng.

Những âm thanh sầu thảm ồm ồm giọng mũi chập chờn vang lên đơn điệu trong cái sân rộng thênh thang của nhà lão lái buôn làm tên đại uý phải giận dữ cau mày. Hắn khoát tay quát lên:

– Thôi ngay! Quả là kéo cái… của thằng ăn mày? Như thế mà gọi là âm nhạc à?

Trong các khung cửa sổ thấy ló ra những khuôn mặt cười nhăn nhở của những tên sĩ quan tham mưu và phó quan.

– Ngài ra lệnh cho chúng nó chơi bài hành khúc tang lễ đi! – Một thằng trung uý còn rất trẻ nhô hẳn nửa người ra ngoài cửa sổ, kêu to bằng giọng nam cao như của một đứa con trai.

Những tiếng chuông dồn dập và điên dại lắng đi một phút. Tên đại uý rung rung hai hàng lông mày, hỏi giọng ngọt xớt:

– Bài “Quốc tế ca” thì tôi mong rằng các anh có thể dạo được. Nào! Đừng sợ gì cả? Tôi đã ra lệnh thì cứ chơi đi!

Thế là trong bầu không khí bất thần chết lặng, trong cái oi ả ngột ngạt của lúc giữa trưa, hệt như một lời kêu gọi chiến đấu, những chiếc kèn đồng bỗng phát ra vang lừng những âm thanh đầy phẫn nộ của bài “Quốc tế ca”, nhịp nhàng và uy nghiêm.

Như con bò mộng trước một vật cản, tên đại uý cúi đầu đứng dạng chân. Hắn đứng yên lắng nghe. Cái cổ gân guốc của hắn ửng đỏ lên, hai cái lòng trắng xanh xanh của cặp mắt nheo nheo cũng ngầu máu.

– Thôi ngay! – Hắn không chịu được nữa, phải gào lên, giọng phẫn nộ.

Đội nhạc lập tức nín bặt. Riêng một tiếng kèn co không kịp im tiếng ngay và lời kêu gọi mê say chưa phát ra hết còn chập chờn rất lâu trong bầu không khí thiêu đốt.

Những người chiến sĩ quân nhạc liếm những cặp môi khô nẻ, đưa tay áo và những bàn tay nhớp nhúa lên chùi miệng. Vẻ mặt mọi người đều mệt mỏi thẫn thờ. Chỉ có một người bất giác để lộ tình cảm của mình với một giọt nước mắt chảy xuống cái má đầy bụi, để lại một vệt ươn ướt…

Trong khi đó tướng Sekrechev vừa ăn xong bữa trưa tại nhà một thằng đồng ngũ của hắn từ hồi chiến tranh Nga – Nhật. Một tên phó quan cũng say bí tỉ đỡ hắn đi ra quảng trường. Khí trời nồng nực và rượu nặng đã làm hắn đờ đẫn mê mẩn. Tới chỗ góc phố trước mặt ngôi nhà gạch của trường trung học, hắn quá yếu sức, vấp chân một cái ngã úp mặt xuống lớp cát nóng hổi. Tên phó quan hoảng hồn cố vực chủ tướng dậy, nhưng hoài công vô ích. Vài người trong đám đông đứng gần đấy vội chạy tới giúp. Hai lão Cô-dắc già lụ khụ hết sức cung kính đỡ tên tướng cho hắn nôn thốc nôn tháo ngay trước công chúng. Tuy vậy trong những phút ngừng nôn ọe, hắn vẫn còn hùng hổ vung hai nắm tay cố gào lên không biết những gì. Nhưng cuối cùng bọn kia vẫn khuyên dỗ được hắn, đưa hắn về nhà.

Những tên Cô-dắc đứng xa một chút đưa mắt nhìn theo rất lâu và khẽ thì thào bảo nhau:

– Chà, bà con xem đấy, con người thân mến của chúng ta đã có chuyện bừa bãi như thế đấy? Làm đến cấp tướng rồi mà chả biết giữ mình cho nghiêm chỉnh?

– Men rượu nó có nhìn vào lon vai và huy chương mà tha cho ai đâu – Đáng là đừng nên tọng hết những thứ người ta đưa đến miệng mình.

– Chà bác thông gia thân mến, không phải người nào cũng giữ được mình trước miếng ăn đâu! Có những anh chàng rượu vào làm đủ mọi trò nhục nhã rồi thề đến chết sẽ không uống nữa… Song như người ta thường nói: con lợn thề không ăn một thứ đó nữa nhưng chỉ chạy một lát, nó lại hốc vào gấp đôi.

– Đúng thế đấy! Nhưng các bác hãy quát bọn ranh con kia bảo chúng nó ra chỗ khác đi. Cứ chạy theo sát bên cạnh mà giương mắt nhìn ông ấy, lũ khốn kiếp, làm như suốt đời chưa được trông thấy thằng say rượu bao giờ.

Khắp thị trấn dóng chuông và rượu chè cho tới khi trời hoàng hôn. Nhưng đến tối, trong ngôi nhà dùng làm nơi hội họp của sĩ quan, bộ chỉ huy quân phiến loạn lại tổ chức một bữa tiệc mừng những tên mới đến.

Thân hình cao lớn, cân đối ra đời tại một thôn của trấn Krasnokurskaia, Sekrechev là một thằng Cô-dắc chính cống. Hắn hết sức say mê ngựa cưỡi, cưỡi ngựa giỏi tuyệt vời và là một tên tướng kỵ binh rất ngang tàng. Nhưng hắn không là một nhà hùng biện. Lời phát biểu của hắn trong bữa tiệc đầy những câu huênh hoang của một thằng say rượu và đến đoạn kết hắn có những câu chê trách và hăm doạ không úp mở đối với dân Đông Thượng.

Grigori cũng có mặt trong bữa tiệc. Chàng chăm chú lắng nghe những lời Sekrechev nói, tinh thần cẳng thẳng, trong lòng sôi sục phẫn nộ. Còn chưa kịp tỉnh rượu, tên tướng chóng mạnh mười ngón tay lên bàn làm cốc rượu thơm phức sánh ra, rồi hắn dằn từng câu, nói giọng cứng rắn chẳng cần thiết chút nào.

– Không, không phải là chúng tôi cần phải cám ơn các ngài đã giúp đỡ chúng tôi, mà chính các ngài phải cám ơn chúng tôi. Chính các ngài mới phải cám ơn, cần phải nói dứt khoát như thế. Không có chúng tôi thì bọn Đỏ đã tiêu diệt các ngài rồi. Bản thân các ngài đã biết rất rõ là như thế. Còn chúng tôi không có các ngài, chúng tôi cũng vẫn dẫm chết được lũ súc sinh ấy như thường. Chúng tôi đang dẫm chết và sẽ tiếp tục dẫm chết chúng nó cho đến khi trên toàn nước Nga nầy không còn sót một tên nào nữa mới thôi. Các ngài cần phải thấy rõ như thế. Dạo mùa thu, các ngài đã bỏ mặt trận, để cho quân Bolsevich tiến vào đất đai Cô-dắc… Các ngài đã muốn chung sống hoà bình với chúng nó, nhưng nào có được? Và đến khi đó, các ngài mới bạo động để giữ lấy tài sản, tính mạng mình… Nói đơn giản là để cứu lấy cái thần xác của mình, gia súc của mình. Tôi nhắc lại chuyện trước kia không phải là để chê trách các ngài về tội cũ… Tôi nói như thế không phải là để xúc phạm các ngài đâu. Nhưng xác định cho rõ sự thật thì không bao giờ có hại. Chúng tôi đã tha thứ cho các ngài về cái tội thay lòng đổi dạ. Như những người anh em, chúng tôi đã đến với các ngài, đến giúp đỡ các ngài trong giờ phút các ngài gặp khó khăn nhất. Nhưng trong tương lai cái quá khứ nhục nhã của các ngài phải được rửa sạch mới được. Các ngài sĩ quan, các ngài đã rõ chưa? Các ngài sẽ phải chuộc cái tội ấy bằng những chiến công của mình, bằng cách tuyệt đối tận tụy phục vụ sông Đông êm đềm. Các ngài rõ chưa?

– Nào thì uống mừng ngày chuộc tội! – Tên trung tá có tuổi ngồi trước mặt Grigori nói với một nụ cười chỉ hơi có thể nhận thấy, nhưng hắn không nói riêng với một ai, rồi không chờ những tên khác hắn uống cạn luôn một cốc.

Hắn có khuôn mặt hơi rỗ hoa rất dũng cảm và hai con mắt màu nâu đầy vẻ châm biếm. Trong khi Sekrechev phát biểu ý kiến, trên môi hắn nhiều lần phảng phất một nét cười nhạt và những khi đó, mắt hắn tối sầm lại, nom gần như đen. Trong khi theo dõi tên trung tá Grigori chú ý một điều là hắn “anh anh tôi tôi” với Sekrechev và giữ một thái độ hết sức chững chạc đàng hoàng, song đối với những tên sĩ quan khác hắn lại rất dè dặt và lãnh đạm. Trong số tất cả những tên có mặt trong bữa tiệc, chỉ một mình hắn đeo lon vai màu ka-li đính trên áo quân phục cổ đứng cùng màu và những cái lon tay của quân đội Kornilov. “Một thằng cha có lý tưởng đây. Có lẽ nó là một thằng thuộc Quân đội Tình nguyện”. Grigori nghĩ thầm. Tên trung tá nốc rượu như ngựa uống nước. Hắn không nhắm mà cũng không say, chỉ chốc chốc lại nới cái dây lưng to bản kiểu Anh.

– Thằng cha rỗ hoa ngồi trước mặt mình là đứa nào thế? – Grigori khẽ hỏi tên Bogaturev ngồi bên cạnh.

– Ma quỷ nào biết được nó. – Bogaturev xua tay. Hắn đã chuếnh choáng.

Kudinov đãi khách không tiếc rượu. Không biết từ đâu vodka được mang ra đặt lên bàn. Sekrechev kết thúc lời phát biểu của hắn một cách vất vả rồi mở phanh cái áo lễ phục màu cứt ngựa, nặng nề ngồi phịch xuống ghế dựa. Một tên trung uý còn trẻ, mặt rõ ràng mang những nét của dòng Mông cổ, ngả người về phía hắn, rỉ tai hắn không biết những gì.

– Mặc mẹ nó! – Sekrechev đỏ mặt trả lời rồi uống một hơi hết cốc rượu mà Kudinov vừa săn đón rót cho hắn.

– Thế thằng mắt xích kia là đứa nào? Phó quan à? – Grigori hỏi Bogaturev.

Gã kia đưa tay lên che miệng trả lời:

– Không, thằng con nuôi của hắn đấy. Hồi chiến tranh với Nhật, hắn đã mang thằng nầy từ Mãn Châu về, lúc ấy thằng nầy còn nhỏ. Hắn đã nuôi nấng dạy dỗ nó và cho vào học trường Yunke. Thằng Chiệc oắt con đã trở thành một tên hết sức láu cá. Một thằng quỷ ngang tàng táo tợn! Hôm qua ở gần Makeevka nó đã cướp được của bọn Đỏ một hòm tiền. Quơ được hai triệu bạc. Cậu nhìn mà xem, bao nhiêu túi của nó đều cộm lên những tập giấy bạc? Cái thằng đáng nguyền rủa nầy thật gặp vận! Cả một kho của! Nhưng uống đi chứ, làm gì mà cậu cứ nhìn chúng nó chằm chằm thế?

Kudinov phát biểu một bài đáp từ, nhưng hầu như chẳng còn tên nào nghe hắn nữa. Mức độ nhậu nhẹt mỗi lúc một trở nên đáng sợ.

Sekrechev đã cởi bỏ áo lễ phục, chỉ còn chiếc sơ-mi lót. Cái đầu cạo nhẵn thín của hắn bóng nhoáng mồ hôi. Cái áo vải sạch bong càng làm nổi bật khuôn mặt đỏ tía và cái cổ rám nắng màu ô-liu. Kudinov khẽ nói với Sekrechev không biết những gì, nhưng tên nầy không buồn đưa mắt nhìn hắn, cứ lải nhải nhắc đi nhắc lại:

– Khô-ô-ông, tôi xin lỗi. Chuyện nầy thì anh thứ lỗi cho tôi! Chúng tôi sẽ tin các anh, nhưng chỉ đến mức độ nào thôi… Sự phản bội của các anh, chúng tôi sẽ không chóng quên đâu. Tất cả những kẻ đã chạy sang phía bọn Đỏ trong mùa thu qua đều phải nhớ như in trong bụng điều đó…

“Được thôi, cả chúng tao cũng sẽ phục vụ chúng mày đến mức độ nào đó?” – Grigori đã ngà ngà say, chàng nghĩ thầm với cả một niềm phẫn nộ sáng suốt rồi đứng dậy.

Không đội mũ, chàng bước ra thềm hít làn không khí mát rượi của trời đêm vào đầy lồng ngực, trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi.

Bên bờ sông Đông, hệt như lúc trời sắp mưa, ếch nhái kêu ộp oạp, những con bọ hung nước bay vù vù nghe đến là âm thầm. Vài con dẽ giun gọi nhau rầu rĩ trên con bơn cát. Ở chỗ nào đó trên bãi cỏ hoang ven sông, một con ngựa non lạc mẹ hí dài một tràng, giọng rất thanh. “Chúng tao phải kết thông gia với chúng mày cũng chỉ do một sự bần cùng đầy cay đắng, nếu không cũng chẳng cần đến chúng mày làm gì, dù chỉ để xin một dúm thuốc lá. Quân khốn kiếp đáng nguyền rủa! Đã mong manh dễ vỡ như miếng bánh quế một xu mà còn lên mặt mắng người. Nhưng chỉ một tuần nữa là chúng nó sẽ thẳng tay bóp họng mình cho mà xem… Thôi một liều ba bảy cũng liều? Quay sang phía nào cũng đầy chông gai. Nhưng trước kia mình đã đoán được là sẽ như thế nầy rồi cơ mà… Kết quả tất nhiện là phải như thế nầy. Bây giờ thì bọn Cô-dắc tha hồ mà lê gối lấy lòng chúng nói. Nhưng đã mất cái thói quen đứng cứng người đưa tay lên chào các quan lớn rồi còn đâu”. – Grigori vừa nghĩ thầm vừa bước trên thềm xuống rồi mò mẫm lần ra cửa xép.

Cả đến chàng cũng đã chịu tác động của rượu mạnh. Đầu choáng váng, mọi cử động đều nặng nề, chập chững. Ra đến bên ngoài cửa xép chàng lảo đảo, chụp mạnh chiếc mũ cát két lên đầu rồi lê chân đi trên đường phố.

Tới gần căn nhà nhỏ của bà cô Acxinhia, chàng dừng lại đắn đo một phút rồi kiên quyết bước lên thềm. Cửa vào phòng ngoài không đóng. Grigori không gõ cửa, bước thẳng vào phòng trong và nhìn thấy ngay trước mặt mình Stepan Astakhov đang ngồi ở bàn ăn.

Bà cô của Acxinhia chạy đi chạy lại lăng xăng bên bếp lò. Trên bàn chải tấm khăn sạch có một chai rượu chưa uống hết, một con cá khô xắt thành nhiều khúc nằm hồng hồng trên cái đĩa.

Stepan vừa uống cạn một cốc và có vẻ sắp sửa nhằm một miếng, nhưng sau khi nhìn thấy Grigori, anh ta đẩy cái đĩa ra, ngồi dựa lưng vào tường.

Say thì có say, song Grigori vẫn nhận thấy rằng mặt Stepan nhợt ra như mặt người chết và hai con mắt anh ta sáng rực lên như mắt chó sói. Tuy sửng sốt trước cuộc gặp gỡ, nhưng Grigori vẫn tự chủ được để chào bằng một giọng khàn khàn.

– Chào cả nhà!

– Ơn Chúa. – Bà chủ nhà kinh hãi trả lời. Tất nhiên bà cũng được biết về chuyện Grigori đi lại với cháu gái mình nên bà chẳng chờ đợi điều gì tốt lành ở cuộc chạm trán bất ngờ giữa chồng và người tình của cháu.

Stepan lừ lừ đưa tay trái lên vuốt ria, hai con mắt nảy lửa vẫn dán vào Grigori.

Còn Grigori thì dạng rộng hai chân ở ngưỡng cửa, gượng cười và nói:

– Tôi chỉ tạt vào thăm… Xin lỗi!

Stepan vẫn nín thinh. Bầu không khí chết lặng hết sức khó chịu kéo dài đến lúc bà chủ nhà đánh liều mời Grigori:

– Mời bác vào, mời bác ngồi xuống đây.

Bây giờ thì Grigori chẳng còn gì phải giấu giếm nữa rồi. Việc chàng xuất hiện ở chỗ Acxinhia ở đã làm Stepan hiểu rõ tất cả.

Grigori bèn hỏi độp luôn:

– Thế vợ anh đâu?

– Thế ra anh… đến thăm vợ tôi à? – Stepan hỏi rất khẽ nhưng giọng rất rành rọt rồi rung rung hai hàng mi, nhắm mắt lại.

– Phải. – Grigori thở dài thú thật.

Trong giây phút nầy, chàng sẵn sàng chờ đợi ở Stepan tất cả mọi điều và đầu óc đã tỉnh táo, chàng chuẩn bị tự vệ. Nhưng Stepan đã hơi mở mắt (trong đó không còn cái ánh rực lửa vừa nãy nữa) và nói:

– Tôi vừa bảo đi mua rượu, sẽ về ngay đấy. Anh ngồi xuống đi, chờ một lát.

Thậm chí anh ta còn đứng dậy, cao lớn và cân đối, rồi đẩy cho Grigori một chiếc ghế dựa. Anh ta hỏi nhưng không nhìn bà chủ nhà:

– Cô ơi, xin cô cái cốc sạch. – Rồi hỏi Grigori – Anh uống chứ?

– Có thể uống một ít.

– Nào, anh ngồi xuống đi.

Grigori ngồi vào bàn. Stepan rót chỗ rượu còn lại trong chai vào hai cái cốc thành hai phần đều nhau rồi ngước hai con mắt như phủ một làn khói nhìn Grigori.

– Uống cho mọi điều đều tốt đẹp!

– Uống vì sức khỏe của chúng ta!

Hai bên chạm cốc. Cùng uống cạn. Rồi nín lặng một lát. Nhanh thoăn thoắt như một con chuột, bà chủ nhà đem lại cho khách một cái điã và một cái dĩa sứt cán.

– Bác xơi cá đi? Không mặn đâu.

– Xin cảm ơn.

– Bác lấy cá vào đĩa đi, mời bác xơi đi chứ? – Bà chủ nhà đã vui lên, khẩn khoản cố nài.

Bà sung sướng không nói sao cho xiết vì mọi việc đã được dàn xếp êm thấm, không đánh nhau, không đập bát điã, không quát tháo om sòm. Những lời nói không hứa hẹn điều gì tốt lành đã chấm dứt. Người chồng đã hiền hòa ngồi cùng một bàn ăn với nhân tình của vợ. Bấy giờ cả hai đã lặng lẽ ngồi ăn, chẳng ai nhìn ai. Bà chủ nhà chu đáo lấy trong chiếc rương ra một chiếc khăn tay sạch, và tựa như để bắc một cái cầu giữa Grigori và Stepan, bà đặt hai đầu khăn lên đầu gối hai người.

– Tại sao anh không ở đại đội? – Grigori vừa gặm một miếng cá diếc vừa hỏi.

– Tôi cũng đến đây để thăm thôi. – Stepan nín lặng một lát rồi trả lời. Nghe giọng nói thì không thể nào đoán được là anh ta nói thật hay có ý châm chọc.

– Chắc đại đội đã về nhà rồi chứ gì?

– Mọi người đều về ở chơi trong thôn cả. Nào, ta cạn chén chứ?

– Nào.

– Vì sức khỏe của chúng ta!

– Vì mọi sự tốt lành.

Phòng ngoài có tiếng then cửa lách cách. Grigori đã tỉnh hẳn. Chàng hơi ngước mắt nhìn Stepan, nhận thấy rằng cái nhợt nhạt lúc nãy lại tràn ngập khuôn mặt anh ta như làn sóng.

Acxinhia quấn chiếc khăn len dày, không nhận được ra Grigori ngay nên cứ bước tới trước bàn. Nhưng đến khi nàng liếc nhìn sang bên thì cặp mắt đen láy của nàng bất thần đầy vẻ kinh hoàng. Nàng thở hổn hển, cố gắng mãi mới thốt ra được một câu:

– Chào anh, anh Grigori Panteleyevich!

Hai bàn tay sần sùi rất to của Stepan đang đặt trên bàn bỗng nhiên khẽ run run. Grigori nhìn thấy thế, chỉ lặng lẽ gật đầu chào Acxinhia, không nói một lời nào.

Nàng đặt hai chai rượu lên bàn, đưa nhanh mắt nhìn Grigori lần nữa, ánh mắt đầy lo lắng nhưng vẫn thoáng có một nét sung sướng kín đáo. Rồi nàng quay đi, bước tới góc tối của căn phòng, ngồi lên nắp một chiếc rương, hai bàn tay run run sửa lại bộ tóc. Cố nén cơn xúc động, Stepan cởi khuy cổ chiếc áo sơ-mi làm anh ta tức thở, rót đầy rượu vào những cái cốc, rồi quay sang bảo vợ:

– Lấy thêm một cái cốc và ngồi vào bàn đi.

– Tôi không muốn.

– Ngồi vào đây!

– Tôi không uống đâu, anh Stepan?

– Còn phải bảo đến mấy lần nữa hử? – Giọng Stepan run lên.

– Ngồi vào đi, chị láng giềng? – Grigori mỉm cười khuyến khích.

Nàng nhìn chàng bằng cặp mắt van lơn rồi bước nhanh tới cái tủ nhỏ. Một cái đĩa rơi từ trên cái giá xuống, vỡ loảng xoảng.

– Chao ôi, thật là tai hoạ? – Bà chủ nhà vỗ hai tay vào nhau một cách đau khổ.

Acxinhia lặng lẽ nhặt các mảnh vỡ.

Stepan rót cho nàng một cốc rượu đầy đến miệng và hai con mắt anh ta lại sáng bừng lên một ánh phiền muộn và căm hờn.

– Nào, chúng ta cạn chén… – Anh ta vừa bắt đầu nói đã lại nín bặt.

Trong bầu không khí chết lặng có thể nghe rõ mồn một tiếng thở dồn dập của Acxinhia sau khi nàng ngồi vào bàn.

– Nào, bà vợ của tôi, chúng ta hãy cạn chén vì một cuộc ly biệt lâu dài. Sao thế, không muốn à? Không uống à?

– Chính anh cũng biết…

– Bây giờ tôi đã biết hết rồi… Thôi được, không uống vì sự ly biệt nữa! Vì sức khỏe của ông khách quý Grigori Panteleevich vậy.

– Vì sức khỏe của ông ấy thì tôi uống? – Acxinhia cất tiếng nói lanh lảnh rồi uống một hơi cạn cốc rượu.

– Con bé nầy thật gan cóc tía! – Bà chủ nhà chạy vào trong bếp khẽ lẩm bẩm.

Bà đứng nép vào một góc nhà, áp hai tay lên ngực, chờ nghe tiếng bàn ghế bị đạp đổ ầm ầm, tiếng súng nổ inh tai nhủc óc… Nhưng nhà trong vẫn chết lặng. Chỉ nghe thấy tiếng vài con ruồi bị ánh sáng làm cho mất ngủ vo vo trên trần và tiếng những con gà trống gáy vọng bên ngoài cửa sổ để chào đón lúc nửa đêm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.