Sông Đông êm đềm

Chương 201 phần 2



Buổi sáng trên vùng ven sông Đông hiện ra trong một bầu không khí tịch mịch dệt tinh vi như một tấm lụa, đến nỗi mỗi tiếng động dù trầm đến đâu cũng làm nó rách và gây những hồi âm. Chỉ có những con chim sơn ca và cun cút ngự trị trên đồng cỏ, nhưng trong các thôn lân cận không ngừng vẳng ra những tiếng ầm ì trầm trầm thường kèm theo sự chuyển quân của những đơn vị quân đội lớn.

Bánh xe của những cỗ pháo và những hòm đạn kêu lạch xạch ở những chỗ ổ gà. Ngựa hí bên những giếng nước, những đại đội bộ binh hành quân qua, tiếng chân bước ràn rạt, nhẹ nhàng, ăn nhịp. Xe ngựa và xe bò của các đại đội vận tải chạy long xồng xộc chở vũ khí và đạn dược ra mặt trận. Mùi cháo lúa mì nấu nhừ, mùi thịt ninh với lá nguyệt quếvà mùi những chiếc bánh mới lấy trong lò ra xông lên ngọt ngọt chung quanh những chiếc xe nhà bếp dã chiến.

Ngày sát thị trấn Ust-Medvediskaia có những tiếng súng trường hai bên bắn nhau rất dữ, vài phát đạn pháo thưa thớt nổ bung ra một cách lười nhác, rất bang. Trận chiến đấu vừa mở màn.

Tướng Fitkhelaurov đang ăn sáng thì một tên phó quan đứng tuổi mặt bự rượu, vào báo cáo:

– Sư đoàn trưởng sư đoàn Một của quân bạo động Melekhov và trưởng ban tham mưu sư đoàn Kopylov.

– Mời vào phòng tôi – Fitkhelaurov đưa bàn tay rất to đầy gân xanh đẩy cái đĩa đựng vỏ trứng, từ tốn uống một cốc sữa còn bốc hơi, gấp cẩn thận chiếc khăn ăn rồi bước ra khỏi bàn.

Thân hình hết sức to lớn, nhưng nặng nề và nhẽo nhợt do tuổi tác, nom hắn có vẻ cao tới mức khó tưởng tượng trong căn phòng Cô-dắc nhỏ xíu với cái cửa ra vào long cả đà ngang và những cửa sổ đóng kín mít. Viên tướng vừa đi vừa sửa lại cái cổ đứng của chiếc áo quân phục may rất vừa người, ho những tiếng rất vang, bước vào phòng bên. Hắn thấy Kopylov và Grigori đứng dậy bèn khẽ gật đầu chào nhưng không chìa tay ra, rồi ra hiệu mời hai người ngồi vào bàn.

Grigori đỡ gượm, nhẹ nhàng ngồi xuống mép một chiếc ghế đẩu và liếc nhìn Kopylov.

Fitkhelaurov nặng nề ngồi phịch xuống, làm chiếc ghế dựa kiểu Viên kêu răng rắc. Hắn co cặp chân đài nghêu, đặt hai bàn tay to lù lù lên đầu gối, rồi bắt đầu nói bằng một giọng trầm khàn đặc:

– Thưa hai ngài sĩ quan, tôi mời hai ngài đến để chúng ta nhất trí với nhau về một số vấn đề… Cái lề thói du kích của thời kỳ bạo động đã chấm dứt rồi! Các đơn vị của các ngài không còn tồn tại như những thể hoàn chỉnh độc lập nữa rồi, mà thật ra, các đơn vị đó cũng chưa bao giờ là những thể hoàn chỉnh. Chỉ là những sự bày đặt tưởng tượng thôi. Các đơn vị đó sẽ sát nhập vào Quân đội sông Đông. Chúng ta sẽ chuyển sang tấn công một cách có kế hoạch. Đã đến lúc cần phải nhận thức thấy tất cả những điều đó và phục tùng vô điều kiện mệnh lệnh của hộ chỉ huy tối cao. Xin các ngài hãy trả lời vì sao hôm qua trung đoàn bộ binh của các ngài không chi viện cho tiểu đoàn đột kích. Tại sao trung đoàn ấy từ chối không tấn công tuy đã có mệnh lệnh của tôi? Ai là người chỉ huy cái gọi là sư đoàn của các ngài?

– Tôi. – Grigori khẽ trả lời.

– Xin ngài làm ơn trả lời câu hỏi.

– Mãi hôm qua tôi mới trở về sư đoàn.

– Thế thì ngài đi đâu?

– Tôi tạt về thăm nhà.

– Giữa lúc đang chiến đấu mà sư đoàn trưởng lại tự cho phép mình về chơi nhà! Sư đoàn của ngài là một cái nhà thổ. Bừa bãi vô kỷ luật! Tồi tệ quá chừng! – Cái giọng trầm của viên tướng mỗi lúc một vang ồm ồm trong căn phòng chật hẹp. Ngoài cửa đã thấy mấy tên phó quan rón rén đi qua đi lại, chúng thì thào đưa mắt cười với nhau. Hai cái má của Kopylov mỗi lúc một trắng nhợt ra. Còn Grigori thì cứ nhìn bộ mặt đỏ tía và hai nắm tay phù thũng nắm chặt của viên tướng mà cảm thấy trong lòng mình đang sôi sục một cơn phẫn nộ không thể nào ghìm nén được.

Fitkhelaurov bất thần nhảy lên một cách nhẹ nhàng rất là bất ngờ rồi nắm lấy lưng ghế quát lên:

– Các ngài không phải là một đơn vị quân đội mà là bây Xích vệ – lưu manh! Một đám rác rưởi bại loại chứ không phải là những người Cô-dắc! Ngài Melekhov, ngài không đáng chỉ huy một sư đoàn mà chỉ đáng làm cần vụ!… Đi mà đánh giầy đánh ủng! Ngài đã nghe thấy chưa? Tại sao mệnh lệnh không được chấp hành? Chưa họp mít-tinh có phải không? Chưa thảo luận có phải không? Các ngài hãy ghi nhớ cho kỹ: ở đây không có đồng chí với các ngài đâu, và chúng tôi không cho phép đem cái trật tự Bolsevich áp dụng ở đây đâu! Chúng tôi không cho phép đâu?

– Tôi xin ngài đừng quàng quạc lên với tôi? – Grigori đứng dậy, đưa chân gạt chiếc ghế đẩu ra rồi nói giọng âm thầm.

– Ngài nói cái gì hử? – Fitkhelaurov nhô hẳn người ra qua mặt bàn, hỏi khàn khàn. Hắn tức quá giọng như bị nghẹn thở.

– Xin ngài đừng quàng quạc lên với tôi! – Grigori nhắc lại to hơn… Ngài đã triệu tập chúng tôi đến để giải quyết công việc… – Chàng nín lặng trong một giây, đưa mắt nhìn xuống rồi nói thêm bằng một giọng gần như thầm thì, nhưng mắt vẫn nhìn chằm chằm vào hai bàn tay Fitkhelaurov – Thưa quan lớn, nếu ngài tìm cách động đến tôi, dù chỉ bằng một ngón tay, tôi sẽ cho ngài một nhát gươm ngay tại chỗ?

Trong phòng chết lặng, nghe thấy rõ cả tiếng thở hổn hển của Fitkhelaurov. Không ai nói gì chừng một phút. Rồi có tiếng cánh cửa hơi cọt kẹt. Một tên phó quan hoảng hốt nhòm vào qua kẽ cửa.

Rồi cánh cửa khép vào vẫn nhẹ nhàng như lúc mở ra. Grigori vẫn đứng đấy tay không rời đốc gươm. Hai đầu gối Kopylov hơi run run, mắt hắn nhìn vơ vẩn một khoảng nào đó trên tường. Fitkhelaurov nặng nề ngồi xuống ghế, húng hắng vài tiếng ho của người già rồi làu bàu:

– Chuyện hay thật! – Và hắn nói tiếp, giọng đã hoàn toàn bình tĩnh, nhưng mắt không nhìn Grigori – Mời ngài ngồi xuống. Chúng ta đã có một cơn nóng nảy và như thế cũng đủ rồi. Bây giờ thì xin ngài nghe đây: tôi ra lệnh cho ngài lập tức ném tất cả các đơn vị kỵ binh… nhưng ngài ngồi xuống đi nào!

Grigori ngồi xuống và đưa tay áo lên lau những giọt mồ hôi bất thần đổ ra đầm đìa trên mặt.

– Thế nầy nầy, ngài sẽ lập tức tung ngay tất cả các đơn vị kỵ binh vào khu vực đông-nam và sẽ tấn công ngay tức khắc. Cánh bên phải của ngài sẽ tiếp xúc với tiểu đoàn hai của trung tá Trumakov…

– Tôi sẽ không mang sư đoàn đến đấy. – Grigori nói bằng một giọng mệt mỏi rồi thọc tay vào túi quần lấy chiếc khăn tay. Chàng lau mồ hôi trán một lần nữa bằng chiếc khăn tay thêu ren của Natalia, rồi nhắc lại – Tôi không đưa sư đoàn đến đấy đâu.

– Sao vậy?

– Việc điều động đòi hỏi nhiều thì giờ…

– Điều đó không liên can gì đến ngài. Tôi là người chịu trách nhiệm về kết quả của chiến dịch.

– Không, có liên can đấy, và chịu trách nhiệm không phải chỉ có một mình ngài…

– Ngài từ chối không chấp hành mệnh lệnh của tôi à? – Fitkhelaurov hỏi, giọng khàn hẳn đi. Rõ ràng hắn đã cố giữ bình tĩnh.

– Vâng.

– Trong hoàn cảnh như vậy, xin ngài lập tức trao lại ngay quyền chỉ huy sư đoàn? Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao mệnh lệnh của tôi đã không được chấp hành.

– Chuyện ấy thì tuỳ ngài hiểu thế nào cũng được, nhưng sư đoàn thì tôi không trao.

– Ngài muốn tôi hiểu ý ngài như thế nào?

– Hiểu như tôi đã nói với ngài! – Grigori hơi thoáng có nét cười.

– Tôi tước quyền chỉ huy của ngài! – Fitkhelaurov nói giật giọng, và ngay lúc đó Grigori đứng phắt dậy.

– Thưa quan lớn, tôi không chịu quyền chỉ huy của ngài!

– Nhưng cuối cùng ngài vẫn phải chịu quyền chỉ huy của một người nào chứ?

– Vâng, tôi phục tùng quyền chỉ huy của tư lệnh các lực lượng bạo động Kudinov. Còn đối với ngài, tôi thậm chí lấy làm ngạc nhiên khi nghe thấy ngài nói ra tất cả những điều vừa nãy… Trong lúc nầy tôi và ngài vẫn ngang quyền với nhau. Ngài chỉ huy một sư đoàn và tôi cũng vậy. Vì thế trong lúc nầy ngài đừng có quát tháo với tôi… Bao giờ tôi bị kéo xuống làm đại đội trưởng thì lúc đó sẽ tuỳ ý ngài. Nhưng để cho người ta đánh mình thì… – Grigori giơ một ngón tay trỏ bẩn thỉu lên, rồi vừa mỉm cười vừa long lanh cặp mắt đầy tức tối, nói nốt -… ngay đến lúc đó tôi cũng không để cho người ta đánh đâu?

Fitkhelaurov đứng dậy, sửa lại cái cổ áo làm hắn tức thở, hơi nghiêng mình chào và nói:

– Chúng ta không còn có gì để nói với nhau nữa rồi. Ngài hành động như thế nào thì tuỳ ý ngài. Tôi sẽ lập tức báo cáo ngay lên bộ tư lệnh tập đoàn quân về tư cách của ngài và tôi dám bảo đảm với ngài rằng không cần chờ đợi lâu la mới thấy kết quả đâu. Toà án binh dã chiến của chúng ta hiện nay vẫn hoạt động đều.

Chẳng chú ý gì đến đôi mắt đầy tuyệt vọng của Kopylov, Grigori chụp chiếc mũ cát-két lên đầu, bước ra cửa. Ra tới ngưỡng cửa, chàng đứng lại nói:

– Ngài thấy cần phải báo cáo lên đâu thì cứ báo cáo, nhưng đừng có doạ dẫm tôi, tôi không phải là một thằng có thể doạ được đâu… Và trong lúc nầy ngài chớ có động đến tôi. – Chàng ngẫm nghĩ một lát rồi lại nói thêm – Nếu không tôi chỉ sợ anh em Cô-dắc của tôi sẽ cho ngài một trận… – Rồi chàng đóng cửa đánh sầm, lê gươm lách cách, bước những bước dài ra phòng ngoài.

Kopylov hốt hoảng ra theo. Hắn đuổi kịp chàng ở phòng ngoài.

– Anh điên mất rồi, anh Panteleevich? – Hắn nắm chặt hai tay một cách tuyệt vọng, khẽ nói.

– Ngựa đâu? – Grigori vo tròn cái roi ngựa trong tay, quát oang oang.

Như con quỷ dữ, Prokho ba chân bốn cẳng chạy ù tới trước thềm.

Sau khi ra khỏi cổng, Grigori ngoái nhìn lại. Chàng thấy ba gã liên lạc đang hối hả đỡ tên tướng Fitkhelaurov ngồi lên một con ngựa cao lớn, thắng một cái yên trang hoàng rất đẹp…

Đoàn người ngựa của Grigori lầm lì đi chừng nửa vec-xta. Kopylov không nói gì vì hắn biết rằng bây giờ không phải là lúc Grigori sẵn sàng chuyện trò và trong lúc nầy mà tranh cãi với chàng thì không phải không nguy hiểm. Cuối cùng lại chính Grigori không nhịn được nữa:

– Sao cậu cứ câm như hến thế? – Chàng hỏi giọng gay gắt. – Cậu đến đây để làm gì hả? Đến làm người chứng kiến à? Cậu chơi cái trò giả câm giả điếc à?

– Chà, người anh em ạ, mà anh vừa diễn một tiết mục cũng đặc biệt đấy!

– Thế hắn không có tiết mục của hắn sao?

– Kể ra thì chính ông ấy cũng không đúng. Cái giọng ông ấy nói với chúng mình thật đáng phẫn nộ!

– Như thế mà bảo là hắn nói với chúng mình à? Ngay từ đầu hắn đã la lối, chẳng khác gì bị người ta chọc dùi vào đít ấy.

Nhưng cả anh thì cũng khiếp! Không phục tùng một sĩ quan có cấp bậc cao hơn… Trong hoàn cảnh chiến đấu, việc đó, người anh em ạ…

– Chẳng sao cả, nhưng không phải là vấn đề ấy! Chỉ tiếc rằng hắn đã không giơ tay đánh mình! Nếu không mình đã cho hắn một nhát gươm vào giữa trán, cho cái sọ của hắn toác ra làm đôi.

– Dù không thế anh cũng không thể chờ đợi điều gì tốt lành đâu.

Kopylov nói giọng bực bội rồi cho con ngựa chuyển sang bước một.

– Nhìn chung đã có thể thấy rằng hiện giờ họ đã bắt đầu tăng cường kỷ luật, phải cẩn thận mới được!

Hai con ngựa đi song song. Chúng vừa thở phì phì vừa ve vẩy đuôi đuổi mòng. Grigori nhìn Kopylov có vẻ chế nhạo và hỏi:

– Cậu diện quần lành áo tốt như thế nầy thì được cái gì hử? Có lẽ cậu tưởng chúng nó sẽ pha trà mời cậu xơi đấy phải không? Chúng nó sẽ trịnh trọng mời cậu ngồi vào bàn tiệc đấy phải không? Cạo râu cạo ria, áo quân phục chải thật sạch, ủng thì đánh bóng lộn… Mình còn thấy cậu thấm nước bọt vào khăn tay cọ mấy vết bẩn nhỏ xíu trên đầu gối nữa đấy?

– Thôi bỏ chuyện ấy đi, tôi xin anh? – Kopylov đỏ mặt, cố chống chế.

– Thế là bao nhiêu công sức của cậu đều thành công cốc! – Grigori vẫn giễu hắn. – Không những thế nó còn không thèm chìa tay cho cậu bắt nữa.

– Cùng đi với anh thì không phải chỉ có thể chờ đón những điều như thế. – Kopylov lẩm bẩm nói rất nhanh, rồi bỗng nhiên hắn nheo mắt kêu lên, giọng vừa kinh ngạc vừa sung sướng – Xem kìa! Đằng kia không phải là anh em mình đâu. Quân Đồng minh đấy!

Một cỗ sáu con la đang kéo một khẩu pháo Anh chạy từ phía trước lại trong một ngõ hẹp. Một tên sĩ quan Anh cưỡi con ngựa hồng cộc đuôi đi bên cạnh. Tên coi ngựa cưỡi con la đầu tiên cũng mặc quân phục Anh, song vành mũ cát két của hắn lại đính quân hiệu sĩ quan Nga và lon vai là cấp trung uý.

Khi chỉ còn vài xa-gien là tới ngang Grigori, tên sĩ quan Anh đưa hai ngón tay lên vành chiếc mũ cát bằng li-e, hất đầu ra hiệu bảo chàng né sang bên. Cái ngõ quá hẹp, muốn khỏi chạm vào nhau thì chỉ có một cách là cho hai con ngựa cưỡi đi sát hẳn vào hai dãy tượng vi bằng đá.

Hai bên má Grigori đã có những cục tròn tròn động đậy. Chàng nghiến răng cho con ngựa tiến thẳng tới trước mặt tên sĩ quan Anh.

Tên kia ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày và hơi lánh sang bên cạnh. Hai bên chỉ qua được một cách khó khăn sau khi tên sĩ quan Anh co chân bên phải đi chiếc ghệt bó rất chặt lên cái mông chải bóng nhoáng của con ngựa cái thuần giống của hắn.

Một tên pháo thủ, coi vẻ là sĩ quan Nga, nhìn Grigori một cách tức tối:

– Có lẽ ngài cũng lánh được sang bên chứ? Chẳng nhẽ ở chỗ nầy cũng có thể phơi bày cái vô giáo dục của mình ra hay sao?

– Mầy cứ đi đường mầy và câm cái mồm đi, đồ chó đẻ, nếu không tao sẽ lánh ra cho mầy xem… – Grigori khẽ khuyên hắn.

Tên sĩ quan đang ngồi trên phần trước của khẩu pháo bèn nhỏm lên, quay mặt về phía sau kêu to:

– Các ngài ơi! Hãy giữ cái thằng vô liêm sỉ nầy lại!

Grigori vung ngọn roi một cách đầy ý nghĩa, và vẫn cho ngựa đi bước một dọc theo cái ngõ. Bọn pháo thủ nhìn chàng bằng những cặp mắt thù địch nhưng không có tên nào tìm cách giữ chàng lại.

Chúng đều mệt mỏi, bám bụi đầy người và đều là những tên sĩ quan còn trẻ, chưa có ria. Sáu khẩu đội của đại đội pháo đã khuất sau một chỗ ngoặt. Lúc đó Kopylov mới cắn môi, cho ngựa chạy lên sát Grigori:

– Anh thật là làm bậy, anh Grigori Panteleevich! Cư xử cứ như một thằng bé con ấy!

– Cậu muốn gì hử, được trao nhiệm vụ theo sát để lên lớp cho tôi có phải không. – Giọng Grigori gừ gừ.

– Anh phát khùng lên với Fitkhelaurov thì tôi còn hiểu được, – Kopylov nhún vai nói, – song cái gã người Anh ấy thì nó làm gì anh? Hay là anh không thích cái mũ cát két của nó?

– Tôi có phần không thích vì nó đội cái mũ ấy ở đây, ở ngay gần Ust-Medvediskaia… Cậu bảo nó đem đi chỗ khác mà đội thì hơn… Trong khi hai con chó đang cắn nhau thì con thứ ba chớ có dính vào. Cậu hiểu không?

– À ra thế? Té ra anh phản đối sự can thiệp của nước ngoài! Nhưng theo tôi, một khi đã sắp bị bóp cổ thì nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng sướng.

– Được cậu sướng thì cứ sướng, còn mình thì mình không cho phép chúng nó đặt chân lên mảnh đất của chúng ta đâu!

– Anh đã trông thấy những thằng Chiệc ở bên bọn Đỏ chưa?

– Sao cơ chứ?

– Chẳng phải cả hai đằng đều cũng thế cả hay sao? Cũng đều là sự giúp đỡ của người nước ngoài thôi.

– Cậu nói không đúng rồi? Những thằng Chiệc ấy đã tự nguyện đến với bọn Đỏ.

– Còn những thằng nầy thì theo anh, chúng nó đã bị lôi tới đây bằng vũ lực hay sao?

Grigori không tìm được cách trả lời, cứ nín thinh ngồi trên yên hồi lâu. Chàng moi óc một cách đau khổ rồi cuối cùng nói thêm và trong giọng nói của chàng vang lên một niềm tức tối không giấu giếm.

– Cái bọn các cậu, những thằng lắm chữ nghĩa ấy, thì bao giờ cũng thế… Thoắt cái nhảy sang bên nầy, thoắt cái nhảy sang bên kia, hệt như những con thỏ chạy trên mặt tuyết ấy! Song người anh em ạ, mình vẫn cảm thấy rằng về chuyện nầy cậu đã nói không đúng, thế mà mình chẳng có cách nào bẻ cho cậu cứng lưỡi được… Thôi chúng ta vứt mẹ nó đi. Đừng làm mình rối óc nữa. Không có cậu, đầu óc mình cũng đã rối bời lên rồi.

Kopylov giận quá, từ lúc đó cứ nín thinh, và cho đến khi về tới nhà, hai người không nói thêm gì với nhau nữa. Chỉ có gã Prokho cứ lẵng nhẵng đuổi theo hai người để hỏi vì trong lòng hẳn đang nhức nhối vì tò mò, không nhịn được nữa!

– Thưa ngài Grigori Panteleevich, bẩm quan lớn, ngài làm ơn bảo hộ cho, cái bọn Kadet chúng nó có cái gì kéo những khẩu pháo thế? Tai thì như tai lừa, nhưng tất cả những chỗ khác lại đúng là ngựa. Nhìn thấy cái con gia súc nầy mà cứ khó chịu thế nào ấy… Của quỷ quái gì vậy, nó là cái giống gì thế, ngài làm ơn giải thích hộ cho nếu không chúng tôi đã đánh cuộc với nhau bằng tiền…

Hắn lẽo đẽo cho ngựa đi sau chừng năm phút, nhưng chờ mãi chẳng thấy trả lời, bèn ghìm ngựa. Đến khi ba gã liên lạc kia đến nơi, hắn mới thì thầm bảo chúng:

– Anh em ạ, họ cứ ngậm tăm mà đi. Xem ra chính họ cũng cảm thấy lạ, cũng chẳng hiểu quái gì về chuyện cái của thổ tả ấy do đâu mà xuất hiện trên đời nầy…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.