Sông Đông êm đềm

Chương 213 phần 2



Nhưng bất chấp những lời dặn dò nghiêm khắc, hai hôm sau thằng Misatka lại sang nhà Astakhov. Chỉ nhìn cái áo sơ-mi nhỏ xíu của thằng bé, bà Ilinhitna đã biết ngay: chỗ tay áo bị toạc mà ban sáng bà còn chưa kịp khâu lại đã được vá víu cẩn thận, ngoài ra trên cổ áo còn có thêm một cái khuy xà cừ mới trắng loá. Khi được biết rằng Dunhiaska bận công việc đập lúa, suốt ngày không lo được tới việc sửa sang quần áo cho trẻ con, bà Ilinhitna bèn hỏi có vẻ trách moc:

– Cháu lại sang bên nhà láng giềng đấy à?

– Cháu lại sang… – Thằng Misatka luống cuống trả lời nhưng nó lại nói thêm ngay – Cháu sẽ không sang nữa đâu bà ạ, bà đừng mắng cháu nhé…

Bà Ilinhitna quyết định ngay là bà sẽ nói chuyện với Acxinhia, dứt khoát bảo nàng phải để thằng Misatka được yên và đừng đem quà bánh cùng những chuyện cổ tích ra mua chuộc nó nữa. Bà nghĩ thầm: “Cái con đáng nguyền rủa, nó đã đưa con Natalia đến chỗ chết, thế mà bây giờ lại định gần gụi hai đứa trẻ để rồi dùng chúng nó làm mê muội đầu óc thằng Grigori. Chà, đúng là một con rắn độc! Chồng còn sống sờ sờ mà lại mơ ước về làm dâu nhà nầy… Nhưng nó sẽ không giở được trò gì đâu! Chẳng nhẽ sau khi nó làm một tội tày đình như thế, thằng Grigori lại còn lấy nó hay sao?

Cặp mắt sắc sảo đầy đố kỵ của bà mẹ không khỏi nhận thấy rằng trong những hôm chàng ở nhà, Grigori đã tránh không gặp mặt Acxinhia. Bà hiểu rằng chàng làm như thế không phải vì sợ miệng đời mai mỉa, mà chàng coi Acxinhia là kẻ có tội gây ra cái chết của vợ mình. Trong thâm tâm bà Ilinhitna hy vọng rằng cái chết của Natalia sẽ vĩnh viễn chia rẽ Grigori và Acxinhia, và Acxinhia sẽ không bao giờ về nhà mình được.

Ngay chiều hôm ấy, bà Ilinhitna trông thấy Acxinhia ở bến đò ven sông bèn gọi:

– Nầy, chị lại đây với tôi một lát, tôi có chuyện cần nói.

Acxinhia đặt đôi thùng xuống bình tĩnh bước tới chào bà.

– Thế nầy nầy, chị chàng thân mến ạ, – bà Ilinhitna vừa bắt đầu nói vừa nhìn đầy vẻ dò hỏi vào mặt chị láng giềng, khuôn mặt rất đẹp nhưng bà ghét cay ghét đắng. – Tại sao chị lại dụ dỗ trẻ con nhà người ta như thế? Tại sao chị lại gọi thằng bé bên tôi sang nhà chị để dỗ ngon dỗ ngọt nó? Ai nhờ chị vá áo và cho nó quà nầy bánh nọ như thế? Chị tưởng mẹ nó chết đi rồi thì không còn ai trông nom nó nữa hay sao? Chị tưởng không có chị người ta không thể thu xếp được ổn thoả mọi mặt hay sao? Chị có còn lương tâm nữa hay không, đồ mặt dày?

– Nhưng cháu đã làm điều gì không phải nào? Có gì mà cụ lại chửi mắng cháu như thế? – Acxinhia hỏi, mặt nàng đỏ bừng lên.

– Lại còn có gì không phải nữa à? Có phải sau khi chính chị đưa con Natalia xuống mồ thì bây giờ chị có quyền động đến con nó hay không?

– Cụ nói gì vậy, thưa cụ? Cụ nói không đúng rồi. Ai đưa Natalia xuống mồ? Chính chị ấy tự gây ra chuyện đấy thôi.

– Thế không phải là do chị à?

– Không, việc ấy thì cháu không biết.

– Nhưng tôi thì tôi biết? – Bà Ilinhitna xúc động quát lên.

– Nhưng cụ ạ, cụ đừng làm rầm lên, tôi không phải là con dâu cụ mà cụ có thể mắng mỏ quát tháo. Để được nghe quát tháo thì tôi đã có chồng tôi rồi.

– Tôi thì đi guốc trong bụng chị! Tôi đã nhìn thấy rõ bụng dạ của chị như thế nào rồi! Chị không phải là con dâu tôi! Nhưng chị mon men muốn làm con dâu tôi? Chị định đầu tiên gạ gẫm hai đứa nhỏ để sau sẽ mò đến thằng Grigori có phải không?

– Tôi không tính đến chuyện làm con dâu cụ đâu. Cụ không có lý trí nữa rồi, cụ ơi! Chồng tôi vẫn còn sống cơ mà.

– Nhưng ngay trong khi chồng chị còn sống sờ sờ chị đã tìm cách tằng tịu với thằng khác rồi đấy?

Mặt Acxinhia tái nhợt đi, nàng nói:

– Tôi không hiểu vì sao cụ lại gây chuyện với tôi và làm nhục tôi như thế… Tôi chưa bao giờ bám lấy ai và không định bám lấy ai đâu. Còn cái chuyện tôi chuyện trò với thằng cháu nhỏ nhà cụ thì có gì là tai hại? Chính cụ cũng biết đấy, tôi không có con cái gì cả, tôi thích chơi với con nhà người khác cho nhẹ lòng nhẹ dạ một chút, vì thế tôi mới gọi nó… Thế mà cụ nghĩ rằng tôi mua chuộc nó? Cho con trẻ một mẩu đường mà cũng là mua với chuộc? Mà tôi mua chuộc nó làm gì cơ chứ? Chỉ có Chúa mới hiểu được là cụ muốn nói những gì!

– Hồi mẹ nó còn sống sao chị không gọi nó sang? Nhưng con Natalia vừa chết chị đã ra cái điều nhân đức.

– Ngay khi Natalia còn sống nó cũng có sang chơi cơ mà! – Acxinhia hơi mỉm cười và nói.

– Chị nói láo, đồ mặt dầy!

– Cụ hãy hỏi nó trước rồi hãy quy cho người khác cái tội nói láo.

– Nhưng thôi, dù sao từ nay trở đi chị cũng đừng dụ dỗ thằng bé sang nhà chị nữa. Và chị đừng tưởng rằng làm như thế thằng Grigori sẽ yêu chị hơn đâu. Chị sẽ không bao giờ làm vợ nó được đâu, chị phải hiểu lấy điều đó!

Cơn giận làm mặt Acxinhia méo hẳn đi, nàng nói giọng khàn khàn:

– Thôi cụ im đi! Anh ấy sẽ không xin phép cụ đâu! Và cụ thì chớ có can thiệp vào việc của người khác.

Bà Ilinhitna còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng Acxinhia đã lầm lì quay đi, trở về chỗ đôi thùng. Nàng hất mạnh cái đòn gánh lên vai, làm nước tròng cả ra, rồi bước thoăn thoắt theo con đường nhỏ.

Từ hôm ấy, mỗi khi gặp một người nào trong nhà Melekhov, Acxinhia không còn chào hỏi gì nữa, cứ đi qua với vẻ mặt kiêu hãnh như quỷ dữ Xa-tăng, lỗ mũi phập phồng. Nhưng hễ trông thấy thằng Misatka ở đâu là nàng hốt hoảng nhìn quanh, và nếu gần đấy không có ai thì nàng chạy ngay đến với nó, cúi xuống, ôm xiết nó vào ngực mình, hôn lấy hôn để vầng trán nhỏ rám nắng và hai con mắt đen âm thầm của nhà Melekhov, rồi vừa khóc vừa cười, khẽ nói những lời chẳng ra đầu ra đũa gì cả: “Cháu Grigorievich(318)yêu dấu của thím! Cháu ngoan của thím? Thím nhớ cháu quá đi mất? Thím Acxinhia của cháu ngu ngốc lắm… Chao ôi! Người đâu mà ngu ngốc!” Rồi một nụ cười cứ run run đọng mãi trên môi nàng và hai con mắt ướt đẫm của nàng cứ bừng bừng sung sướng, như mắt một cô gái trẻ.

(318)  Grigorievich nghĩa là con trai của anh Grigori. (N.D)

Đến cuối tháng Tám, ông Panteley Prokofievich bị động viên. Cùng một lúc với ông, tất cả đàn ông Cô-dắc cầm nổi cây súng đều phải rời khỏi thôn Tatarsky. Số đàn ông còn ở lại trong thông toàn là những kẻ tàn tật, những thằng con trai chưa thành niên, và những ông già lụ khụ. Lần nầy là tổng động viên. Trừ những người rõ ràng là tàn phế, chẳng ai qua Uỷ ban khám sức khỏe mà được miễn.

Sau khi nhận được của tên ataman thôn lệnh đến trình diện tại địa điểm tập trung, Panteley Prokofievich vội vã từ biệt bà già, hai đứa cháu và Dunhiaska, rồi ông è è trong họng, quỳ xuống, cúi rạp đầu xuống đất làm lễ hai lần và vừa làm dấu phép trước những bức hình thánh, vừa nói:

– Thôi tạm biệt, mấy mẹ con bà cháu! Xem ra lần nầy chúng ta sẽ không còn được trông thấy mặt nhau nữa đâu, chưa biết chừng sắp đến ngày tận số rồi? Tôi chỉ dặn cả nhà một điều là đến ngày đập lúa, cố hết sức làm cho xong trước mùa mưa. Nếu cần thì thuê lấy một người để người ta giúp cho. Nếu tôi không về được trước mùa thu hoạch thì dù không có tôi, ở nhà cũng cứ làm đi: cụ cày mùa thu gắng được bao nhiêu thì cày bấy nhiêu, đại mạch phải gieo, dù chỉ được một đê-xi-a-chin. Bà nó phải liệu đấy, công việc phải cố gắng mà làm, chớ có ngơi tay! Tôi và thằng Grigori có về nữa hay không thì còn chưa biết, nhưng ở nhà cái cần phải có nhất là thóc lúa. Chiến tranh là chiến tranh, nhưng sống mà không có bánh mì bỏ vào miệng thì cực lắm. Thôi, cầu Chúa che chở cho cả nhà.

Bà Ilinhitna tiễn chân ông già ra tới bãi họp, nhìn theo lần cuối cùng, thấy ông khập khễng đi bên cạnh Khristonhia, cố theo kịp một chiếc xe ngựa, rồi bà kéo chiếc tạp dề lên lau cặp mắt sưng mọng, quay về nhà, không ngoái nhìn lại nữa. Đống tiểu mạch chưa đập xong còn chờ bà trên sàn đập lúa, sữa còn đang hâm trong lò, hai đứa trẻ từ sáng chưa được miếng nào vào bụng, bà già còn cơ man nào là việc phải lo, vì thế bà cứ cắm đầu cắm cổ đi về nhà, hoạ hoằn gặp một người đàn bà trên đường, bà cũng chỉ lặng lẽ gật đầu chào, không bắt chuyện mà cũng không dừng chân. Và nếu có người quen nào hỏi bằng một giọng thương hại: “Bà đưa tiễn ông quyền đấy à?, thì bà chỉ gật đầu một cái.

Vài hôm sau, có một lúc tảng sáng bà Ilinhitna vắt sữa xong, đuổi mấy con bò ra ngõ, vừa sắp bước vào sân thì một tiếng ì ầm trầm mà rền vẳng đến tai bà. Bà nhìn đông nhìn tây chẳng thấy trên trời có đám mây nào. Một lúc sau lại có tiếng ì ầm vẳng tới.

– Thế nào, bà đã nghe thấy cái thứ âm nhạc ấy chưa? – Lão chăn bò dồn đàn bò xong hỏi bà.

– Thứ âm nhạc chỉ chơi bè trầm thôi ấy mà.

– Nghe thì có nghe thấy đấy, nhưng tôi chẳng hiểu tiếng gì cả.

– Chẳng bao lâu sẽ hiểu thôi. Đến lúc nào chúng nó từ bên kia sông nã vào thôn thì bà sẽ hiểu ngay? Đó là pháo binh của chúng nó đang bắn đấy. Chúng nó đang làm xổ ruột xổ gan các ông lão của thôn ta đấy…

Bà Ilinhitna làm dấu phép, lặng lẽ bước vào trong cổng xép.

Từ hôm ấy tiếng hoả lục pháo binh vang tới không ngớt bốn ngày liền. Những tiếng nổ nghe rõ nhất lúc sáng sớm. Nhưng khi có gió đông bắc thì đến giữa trưa vẫn còn nghe thấy tiếng vọng ầm ì của những trận chiến đấu ở xa. Mọi công việc ngưng lại trong một phút trên các sân đập lúa, những người đàn bà làm dấu phép, thở dài thườn thượt, nhớ tới những người thân yêu, rì rầm vài câu kinh rồi những con lăn bằng đá lại tiếp tục kêu trầm trầm trên sân đập lúa, những đứa trẻ lại thúc những con bò con ngựa rảo bước, công việc lao động hàng ngày lại lấy lại cái quyền bất khả xâm phạm của nó.

***

Những ngày cuối tháng Tám đẹp trời và tạnh ráo một cách lạ lùng. Gió rắc bụi trấu lên khắp thôn, mùi rơm hắc mạch đã đập xong xông lên ngọt ngọt, mặt trời thiêu đốt không thương tiếc, nhưng muôn vật đều làm người ta cảm thấy rằng mùa thu không còn lâu la gì nữa.

Ngoài bãi chăn của thôn, màu xám của ngải cứu rữa hết hoa đã chuyển thành màu trắng bệnh. Ngọn của những cầy tiêu huyền bên kia sông Đông đều đã vàng hoe. Trong các mảnh vườn, mùi táo mùa thu toả ra đã thơm hơn, những đường chân trời đằng xa đã sáng sủa, ra vẻ trời thu lắm rồi, và trên những cánh đồng vắng tanh đã xuất hiện những đàn sếu di cư đầu tiên.

Trên con đường của các vị Ghet-man, hết ngày nọ qua ngày kia, thấy những đoàn xe chở đồ quân trang quân dụng nối đuôi nhau chạy từ tây sang đông qua sông Đông. Đã thấy những người chạy nạn xuất hiện trong các thôn ven sông. Họ cho biết rằng quân Cô-dắc đang vừa chiến đấu vừa rút lui. Có người nói chắc chắn rằng cuộc rút lui nầy đã được thực hiện theo kế hoạch, nhằm mục đích dụ quân Đỏ vào sâu rồi sẽ bao vây tiêu diệt. Dân chúng thôn Tatarsky đã có người bắt đầu kín đáo sửa soạn ra đi. Họ cho bò ngựa ăn uống béo tốt, ban đêm chôn thóc lúa và những cái hòm đựng đồ đạc quí giá xuống những cái hố. Tiếng hoả lực pháo binh đã lặng đi một thời gian nhưng đến ngày mồng năm tháng Chín lại nổ ra mạnh hơn và ngày nay nghe càng rành rọt, đáng sợ hơn. Các trận chiến đấu đang điễn ra cách sông Đông chừng bốn mười vec-xta về hướng đông bắc thôn Tatarsky. Một ngày sau, cả ở phía tây, trên thượng lưu cũng có tiếng nổ ầm ầm. Mặt trận rõ ràng đã lan tơi vùng sông Đông.

Sau khi được biết rằng phần lớn bà con trong thôn đang sửa soạn rút lui, bà Ilinhitna cũng bàn với Dunhiaska về chuyện ra đi. Trong một tâm trạng vừa do dự vừ hoang mang bà không biết nên làm như thế nào với công việc làm ăn và nhà cửa, không biết mình nên vứt bỏ hết thảy mà ra đi cùng với mọi người hay nên ở lại. Trước khi ra mặt trận, ông Panteley Prokofievich cũng có nói về việc đập lúa, về vụ cày mùa thu, về gia súc, nhưng chẳng đả động cầu nào đến vấn đề nếu mặt trận lan gần đến thôn Tatarsky thì sẽ làm thế nào để phòng bất trắc, bà Ilinhitna đã quyết định như thế nầy: Dunhiaska cùng hai đứa trẻ sẽ đi với một bà con nào đó trong thôn, mang theo những đồ có giá trị nhất, còn mình thì cứ ở lại, dù trong trường hợp thôn xóm đã bị Hồng quân chiếm được.

Đến đêm mười bảy tháng Chín, bỗng nhiên thấy ông Panteley Prokofievich về nhà. Ông đã đi bộ về từ một nơi gần thị trấn Kazanskaia, phờ phạc và hung hãn. Sau khi nghỉ ngơi chừng nửa giờ, ông ngồi vào bàn và ăn một bữa mà bà Ilinhitna suốt đời chưa từng thấy bao giờ. Ông đánh sạch một nồi gang xúp bắp cải nấu chay to bằng nửa thùng nước rồi lại vùi đầu vào món cháo lúa mì.

Bà Ilinhitna kinh ngạc vỗ tay đánh đét một cái.

– Lạy chúa tôi, ông ăn uống cái kiểu gì thế, ông Prokofievich! Thật cứ như ông vừa phải nhịn đói ba ngày liền ấy?

– Thế bà tưởng tôi đã được ăn rồi phải không, cái mụ già ngu ngốc nầy? Đúng là ba ngày nay tôi chưa hớp được hớp cháo loãng nào vào miệng rồi đấy!

– Nhưng sao thế, ở ngoài ấy người ta không cho các ông ăn hay sao?

– Cầu cho quỉ dữ cũng cho chúng nó ăn như thế! – Ông Panteley Prokofievich gừ gừ như một con mèo và trả lời với đầy một miệng cháo, – Đứa nào tháu được cái gì thì có cái đó mà bỏ vào miệng, nhưng tôi lại chưa học được cái nghề ăn cắp. Đối với những thằng trẻ thì như thế lại tốt vì lương tâm của chúng nó lại không được tới hai kopek… Trong cuộc chiến tranh chết tiệt nầy, bàn tay của chúng nó lấy trộm đã thành thạo đến nỗi đầu tiên tôi còn hoảng lên, ngày càng hoảng sợ, nhưng rồi cuối cùng cũng không thấy sợ nữa. Chúng nó nhìn thấy cái gì là lấy, là khiêng, là lôi đi tuốt… Thật là cảnh Chúa Giêsu chịu tội chứ không còn là chiến tranh nữa?

– Đáng là ông không nên ăn một mạch quá nhiều như thế. Nếu không lại xảy ra chuyện gì bây giờ. Xem kìa, bụng ông phễnh ra như bụng con nhện rồi còn gì?

– Thôi im đi. Mang sữa ra đây, nhưng lấy cai lon nào to vào!

Nhìn ông già ăn như một kẻ sắp chết đói chết khát, bà Ilinhitna không cầm nổi nước mắt.

– Thế nào, ông về hẳn đấy chứ? – Bà thấy ông Panteley Prokofievich đã quần nhau với món cháo xong bèn hỏi.

– Chuyện ấy thì còn phải chờ xem… – Ông trả lời một cách mập mờ.

– Có lẽ các ông, các cụ già ấy, được người ta cho về nhà đấy nhỉ?

– Họ chẳng cho ai về đâu. Bọn Đỏ đã áp sát sông Đông rồi thì còn cho ai đi đâu? Tôi đã tự ý bỏ về đấy.

– Nhưng ông làm thế rồi sau nầy có phải chịu trách nhiệm hay không? – Bà Ilinhitna lo lắng hỏi.

– Nếu bị chúng nó tóm cổ thì có lẽ phải chịu trách nhiệm đấy.

– Thế thì sao, ông sẽ phải trốn đi à?

Thế bà nghĩ rằng tôi sẽ ra bãi chơi và đi thăm nhà nọ nhà kia đấy phải không? Phì, cái của đần độn ngu ngốc? – Ông Panteley Prokofievich nhổ toẹt một bãi nước bọt, đầy vẻ tức tối, nhưng bà già đâu có chịu yên:

– Chao ôi, thế thì tội to lắm đấy? Nếu người ta bắt được ông thì nhà ta sẽ bị tai hoạ.

– Hừ, mặc cho chúng nó bắt, cho chúng nó tống cổ vào nhà tù còn hơn là kéo lê khẩu súng trường đi khắp các vùng đồng cỏ. – ông Panteley Prokofievich nói bằng một giọng mệt mỏi. – Tôi chẳng còn trẻ gì nữa mà ngày nào cũng phải đi bốn mươi vec-xta, đào chiến hào, chạy lên xung phong, lăn lê bò toài, và tránh đạn cho chúng nó? Quỷ dữ cũng phải trốn bỏ chúng nó thôi! Tôi có một ông bạn đồng đội dân vùng sông Krivaya, ông ấy bị một viên đạn bắn trúng phía dưới xương bả vai bên trái, thế là hai chân không giãy một cái nào nữa. Những cái trò như thế thì chẳng có thú vị gì đâu!

Ông già đem khẩu sung trường và cái túi dết đựng đạn vào nhà trấu để giấu đi, nhưng khi bà Ilinhitna hỏi cái áo choàng kiểu nông dân của ông đâu thì ông sầm mặt trả lời một cách miễn cưỡng.

– Đem đổi lấy cái mạng rồi. Nói là vứt đi thì đúng hơn. Ở gần thị trấn Sumilinskaia chúng tôi đã bị chúng nó đuổi sát đến nỗi cái gì cũng phải vứt bỏ hết và quàng chân lên cổ mà chạy như những thằng điên. Đến lúc ấy thì còn đầu óc nào mà nghĩ tới cái áo choàng nữa. Có đứa mặc cái áo da ngắn mà cũng phải quẳng đi. Nhưng bà cần đến áo choàng ấy làm quỷ quái gì mà lại nhắc tới nó? Nếu là một cái áo tốt thì chẳng nói làm gì, đằng nầy lại đúng là cái áo của thằng ăn mày…

Thật ra đây là một chiếc áo choàng còn tốt, còn mới, nhưng tất cả những cái gì bị mất đi, ông già đều nói là không còn dùng vào việc gì được nữa. Ông vốn có thói quen tự an ủi mình như thế. Bà Ilinhitna cũng biết thế, vì vậy bà không tranh cãi thêm gì về chuyện cái áo choàng tốt hay xấu.

Đêm hôm ấy, cả nhà bàn với nhau rồi quyết định: bà Ilinhitna và ông Panteley Prokofievich sẽ cùng hai đứa bé ở lại nhà đến cùng để coi giữ của cải, chôn chỗ lúa đã đập xong, còn Dunhiaska thì đánh đôi bò mộng già đem hòm xiểng tới nhà một người họ hàng ở vùng sông Tria, tại thôn Latysev.

Nhưng kế hoạch ấy đã không được thực hiện một cách trọn vẹn.

Buổi sáng, vừa đưa tiễn Dunhiaska lên đường thì đến giữa trưa đã có một đội thanh tiễu đến thôn Tatarsky, gồm toàn những thằng Cô-dắc Kalmys vùng Xansk. Có lẽ đã có một người nào trong thôn trông thấy ông Panteley Prokofievich mò về nhà, vì thế chỉ một giờ sau khi đội thanh tiễu tiến vào thôn, bốn tên Kalmys đã phi ngựa, ông Panteley Prokofievich đã leo lên tầng sát mái, nhanh và khéo một cách lạ lùng. Bà Ilinhitna bước ra đón khách.

– Lão già nhà mụ ở đâu? – Một tên Kalmys vừa hỏi vừa xuống ngựa và bước qua trước mặt bà Ilinhitna đi vào cổng xếp. Hắn đeo lon thượng sĩ, thân hình cân đối, coi vẻ đã có tuổi.

– Ở ngoài mặt trận. Nếu không còn ở đâu được nữa? – Bà Ilinhitna trả lời bằng một giọng thô bạo.

– Đưa vào nhà, tôi sẽ khám.

– Nhưng tìm cái gì cơ chứ?

– Tìm lão già của mày. Chà không biết thẹn! – Già thế nầy còn nói láo! – Một tên hạ sĩ còn trẻ lắc đầu ra ý trách móc, hắn vừa nói vừa nhe hai hàm răng trắng nhởn sát sin sít.

– Đừng có nhe răng nhe lợi ra, đồ bẩn thỉu? Đã bảo không có là không có mà?

– Không lắm mồm nữa, dẫn vào nhà? Không thì chúng tôi khắc đi! – Tên Kalmys bực mình nói một cách nghiêm khắc rồi kiên quyết bước lên thềm, hai cái chân vòng kiềng dạng rất rộng.

Chúng xem xét các phòng rất cẩn thận, nói với nhau bằng tiếng Kalmys rồi hai tên ra xem những căn nhà xép ngoài sân và một tên lùn choằn choằn xốc cái quần đi ngựa rộng thùng thình có đính nẹp, bước ra phòng ngoài. Hắn có cái mũi tẹt dí, khuôn mặt rỗ nhằng rõ nhịt, da rám nắng nom như màu đen. Qua khoảng sáng giữa hai cánh cửa mở toang, bà Ilinhitna nhìn thấy tên Kalmys nhảy lên, bám hai tay vào sà nhà rồi leo rất lẹ lên trên. Năm phút sau hắn đã nhảy rất khéo từ trên đó xuống, và sau lưng hắn, ông Panteley Prokofievich è è trơng họng, tụt xuống rất cẩn thận, người bê bết những đất, mạng nhện vương đầy râu. Ông nhìn bà lão mím chặt môi đứng đấy và nói:

– Bị chúng nó mò ra rồi, cái bọn khốn khiếp. Đúng là đã có đứa nào báo…

Ông Panteley Prokofievich bị áp giải lên thị trấn Karginskaia, nơi toà án binh dã chiến đặt trụ sở. Bà Ilinhitna chỉ khóc thút thít một chút rồi lại lắng nghe tiếng hoả lực pháo binh tiếp tục nổ ầm ầm, tiếng súng máy tằng tằng rõ mồn một bên kia sông Đông, sau đó bà bước vào nhà thóc để giấu dù chỉ một ít lúa mì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.