Sông Đông êm đềm

Chương 223 phần 2



– Không chiến tranh thì còn là gì nữa? – Miska ngạc nhiên. – Tất nhiên là chiến tranh rồi! Cháu đã biết chán những thằng hiền lành an phận như thế! Cái thằng hiền lành an phận ấy chỉ ngồi lì ở nhà, hai tay giữ cho quần khỏi tụt xuống, nhưng nó còn gây ra nhiều điều tai hại hơn cả những đứa ở ngoài mặt trận đấy… Chính những thằng như lão già Grisaka đã xúi giục bọn Cô-dắc chống lại chúng cháu. Chính vì chúng nó nên mới nổ ra tất cả cuộc chiến tranh nầy đấy? Thử hỏi những đứa nào đã tung ra những lời vận động chống lại chúng cháu? Chính chúng nó, những đứa hiền lành an phận đấy. Thế mà thím lại bảo là “đồ sát nhân”… Đúng là thím đã kiếm được một thằng sát nhân lạ lùng! Xưa nay cháu không dám cắt tiết một con cừu non hay con lợn sữa, và bây giờ cháu biết rằng cháu sẽ không bao giờ cắt tiết đâu. Thường khi người khác giết, cháu cứ phải bịt tai bỏ đi chỗ nào khác thật xa để khỏi phải nghe thấy, khỏi phải trông thấy.

– Thế còn cụ thông gia nhà nầy…

– Thím cứ để cho cái cụ thông gia ấy ám ảnh thím mãi làm gì? – Miska ngắt lời bà, giọng bực bội. – Cái lợi mà lão đem lại cho người ta thì cũng như sữa của một con dê đực thôi, còn cái hại thì không tính được hết đâu. Cháu đã bảo lão ra khỏi nhà đi, nhưng lão không ra, đã thế thì cứ cho lão nằm yên ở đấy. Cháu căm gan tím ruột vì chúng nó, vì những con quỉ già ấy? Giống vật thì cháu không thể nào giết được, nhưng xin lỗi thím, những của bẩn thỉu như lão thông gia nhà thím hay những kẻ thù nào khác thì đến bao nhiêu cháu cũng có thể giết được! Đối với chúng nó, đối với kẻ thù, những đứa không cần để sống trên đời nầy làm gì thì bàn tay cháu cứng rắn lắm đấy!

– Chính vì cứng rắn như thế cho nên anh mới khô quắt đi như thế nầy đấy? – Bà Ilinhitna nói bằng một giọng cay độc. – Hay là lương tâm cũng có cắn rứt.

– Không phải thế đâu? – Miska mỉm một nụ cười hồn hậu. – Lương tâm cháu nó không cắn rứt vì cái của vứt đi như lão già ấy đâu. Con bị cái bệnh sốt rét ấy nó làm tình làm tội nên mới gầy rộc đi như thế nầy, nếu không thì mẹ ạ, con sẽ đem chúng nó…

– Tôi mẹ con gì với anh hử? – Bà Ilinhitna phát khùng lên. – Anh hãy đi kiếm con chó cái mà gọi bằng mẹ!

– Thôi thím đừng nặng lời với cháu! – Giọng Miska khàn khàn hẳn đi, hai con mắt anh nheo lại như báo trước một điều chẳng lành. – Cháu không dám nói trước rằng tất cả những điều thím nói cháu đều nhịn được hết đâu. Nhưng thím ạ, cháu chỉ nói rõ cho thím biết là thím đừng để dạ với cháu về chuyện Petro làm gì. Chính nó đã tự tìm thấy cái mà nó đi kiếm đấy.

– Anh là thằng gỉết người! Quân giết người! Xéo ngay khỏi nhà nầy đi, tôi không thể nhìn anh được nữa rồi! – Bà Ilinhitna nhắc đi nhắc lại giọng kiên quyết.

Miska lại châm thuốc hút và hỏi rất bình tĩnh.

– Thế thằng Mitka Korsunov, cũng là thông gia của nhà thím đấy nó không phải là một thằng giết người à? Và thằng Grigori nữa thì là đứa thế nào? Thằng con trai của thím, thím không đả động tới nó, nhưng nó lại là một thằng sát nhân chính cống, không hơn không kém!

– Đừng có nói láo!

– Cháu có nói láo bao giờ đâu. Thế theo ý thím, nó là một thằng như thế nào? Nó đã giết bao nhiêu anh em chúng cháu, chuyện ấy thím có biết không? Đúng như thế đấy! Thím ạ, nếu thím đem cái tên ấy đi gọi tất cả những thằng đã từng có mặt trong chiến tranh thì tất cả chúng cháu đều là những thằng sát nhân hết. Tất cả vấn đề chỉ là chỗ giết người để làm gì và giết ai mà thôi. -Miska nói một cách thâm thuý.

Bà Ilinhitna không trả lời gì cả, nhưng thấy khách còn chưa muốn về bà bèn nói gay gắt:

– Thôi đủ rồi! Tôi không có đâu thì giờ mà nói chuyện với anh, anh về nhà đi thì hơn.

– Nhà của cháu thì cũng như hang con thỏ ấy. -Miska cười nhạt và đứng dậy.

Dùng tất cả các thái độ và lời nói như thế để đuổi Miska khuất mắt mình thì đâu có thể được! Miska nầy đâu phải là một kẻ dễ chạnh lòng đến mức chú ý tới những lời nhục mạ của bà già đang tức điên. Anh biết rằng Dunhiaska yêu mình, và ngoài điều đó ra, kể cả bà già, anh đều chẳng coi ra gì.

Sáng hôm sau anh lại đến nhà, chào hỏi như chưa hề có chuyện gì xảy ra, rồi đến ngồi bên cạnh cửa sổ và đưa mắt nhìn theo từng cử chỉ, cử động của Dunhiaska.

– Anh sang thăm nhiều quá đấy… – Bà Ilinhitna nói kháy mà không trả lời câu chào của Miska.

Mặt Dunhiaska đỏ bừng lên, cô ngước cặp mắt cháy rực nhìn mẹ, rồi lại hạ mí mắt xuống, không hé răng nửa lời. Miska cười nhạt trả lời:

– Cháu không đến thăm thím đâu, thím Ilinhitna ạ, thím đừng nóng làm gì.

– Tốt nhất là anh hãy quên hẳn con đường đến nhà chúng tôi đi.

– Nếu vậy thì cháu đi đâu bây giờ? – Miska hỏi giọng nghiêm hẳn lại. Nhờ ơn thằng Mitka con trai lão thông gia nhà thím, cháu chỉ còn một thân một mình, hệt như con mắt của một thằng chột ấy. Mà bảo cháu ngồi lì trong căn nhà trống huếch trống hoác như con sói độc thì không được đâu. Thím ạ, dù thím muốn hay không muốn, cháu vẫn sẽ sang nhà thím đấy. – Anh chàng nói xong lại dạng rộng hai chân, ngồi thoải mái hơn.

Bà Ilinhitna chăm chú nhìn Miska. Phải hạng người như thế nầy thì có lẽ không dễ dàng tống tiễn được đâu. Trong toàn bộ cái thân hình gù gù của Miska, cũng như trong cái đầu cui cúi và cặp môi mím chặt của anh đều lộ rõ cái bướng bỉnh của con bò mộng…

Miska di rồi, bà Ilinhitna dắt hai đứa trẻ ra sân rồi bảo Dunhiaska:

– Mày bảo nó đừng đặt chân vào nhà nầy nữa. Mày hiểu chưa?

Dunhiaska nhìn mẹ không chớp. Trong khoảnh khắc, một cái gì đó rất là đặc biệt của dòng họ Melekhov bỗng hiện ra trong hai con mắt nheo nheo đầy vẻ tức tối của cô gái khi cô nói tựa như dằn từng tiếng:

– Không! Anh ấy sẽ còn đến! Mẹ đừng ngăn cấm làm gì! Anh ấy sẽ còn đến đấy! – Nói xong cô không chịu được nữa, bèn kéo chiếc tạp dề lên che mặt và vùng chạy vào phòng ngoài.

Bà Ilinhitna thở dài nặng nề, ngồi xuống bên cửa sổ. Bà nín lặng lắc lắc đầu ngồi yên rất lâu, mắt đăm đăm nhìn ra một chỗ nào đó rất xa trên đồng cỏ, nơi dải ngải cứu non sáng lên như bạc dưới nắng nằm ngăn đất với trời.

Lúc sắp hoàng hôn, Dunhiaska cùng mẹ ra mảnh vườn rau ven sông Đông dựng lại dãy hàng rào đã đổ dụi. Hai mẹ con vẫn chưa làm lành với nhau và đều nín thinh. Miska bước tới. Anh lặng lẽ cầm lấy cái xẻng trong tay Dunhiaska rồi nói:

– Em đào nông quá. Gió thổi một cái là dãy hàng rào nhà ta lại đổ thôi. – Và anh bắt đầu đào sâu thêm những cái hố chôn cọc, giúp Dunhiaska dựng lại hàng rào, buộc hàng rào vào những cái cọc rồi bỏ đi.

Sáng hôm sau anh mang hai cái cào nhỏ và một cái cán chàng nạng vừa bào xong đến đặt bên thềm nhà Melekhov. Anh chào bà Ilinhitna rồi hỏi ra vẻ rất thạo việc:

– Nhà ta có định đi cắt cỏ ngoài bãi không? Bà con đã sang bên kia sông rồi đấy.

Bà Ilinhitna cứ ngậm tăm. Dunhiaska trả lời thay mẹ:

– Nhà em có cái gì để sang sông đâu. Có cái thuyền thì đã để nằm dưới mái nhà kho từ mùa thu, nứt nẻ hết rồi.

– Đáng là phải ngâm nó xuống nước từ mùa xuân mới phải, – Miska nói giọng như trách móc. – Hay ta lấy gai ken nó lại? Không có thuyền thì nhà ta sẽ chẳng làm gì được đâu.

Dunhiaska nhìn mẹ, ngoan ngoãn và có vẻ chờ đợi. Bà Ilinhitna vẫn nín thinh nhào bột và làm như tất cả những chuyện ấy đều không có gì dính dáng đến mình.

– Nhà ta có gai không? – Miska hỏi, với nụ cười chỉ hơi có thể nhận thấy.

Dunhiaska chạy vào nhà kho, đem ra một ôm xơ gai.

Sắp đến bữa trưa thì Miska chữa xong chiếc thuyền. Anh bước vào nhà bếp.

– Chà, tôi đã kéo chiếc thuyền xuống nước rồi đấy, cứ để thấm nước cho kỹ. Ở nhà nhớ buộc nó vào một cái cọc, kẻo có đứa nào lấy đi mất. – Rồi anh lại hỏi – Còn việc đi cắt cỏ thì thế nào hả thím? Có lẽ cháu cũng giúp cho nhà ta được chứ? Hiện giờ cháu vẫn còn rỗi.

– Anh hỏi nó ấy. – Bà Ilinhitna hất đầu về phía Dunhiaska.

– Cháu hỏi bà chủ nhà cơ.

– Xem ra ở đây tôi không phải là người làm chủ đâu…

Dunhiaska khóc oà lên, chạy vào nhà trong.

– Thế thì cháu phải giúp mới được. – Miska è è trong họng, nói cương quyết. – Đồ làm mộc nhà ta để đâu thế? Cháu muốn làm cho thím mấy cái cào to, có lẽ những cái cũ chẳng còn được tích sự gì nữa rồi.

Anh bỏ xuống nhà kho rồi vừa huýt sáo vừa bắt đầu bào những cái răng cào. Thằng bé Misatka cứ luẩn quẩn bên cạnh anh, nó nhìn vào mắt anh một cách van lơn, rồi xin:

– Chú Miska ơi, chú làm cho cháu một cái cào bé tí xíu nhé, nếu không chẳng có ai làm cho cháu cả. Bà không biết làm mà cô cũng không biết làm… Chỉ một mình chú biết làm thôi, chú làm khéo lắm!

– Cái thằng cùng tên với chú nầy, rồi chú sẽ làm, thật đấy, rồi chú sẽ làm cho, nhưng cháu phải đứng xa ra một chút, kẻo lại bị vỏ bào bắn vào mắt đấy. – Miska dỗ nó. Anh vừa cười vừa ngạc nhiên nghĩ thầm: “Chà cái thằng quỉ con nầy, sao mà nó giống hệt… hệt như bố nó ấy! Cả hai con mắt lẫn lông mày, mà môi trên cũng cong lên như thế… Thật là kỳ quặc! “

Anh đã bắt đầu lúi húi làm một cái cào nhỏ xíu cho trẻ con chơi, nhưng không làm xong được: môi anh bỗng xám ngoét đi, trên khuôn mặt vàng ệch hiện lên một vẻ vừa tức tối lại vừa yên phận chịu đựng. Anh cảm thấy ớn lạnh rùng cả vai, bèn thôi không huýt sáo nữa và bỏ con dao xuống.

– Cháu Misatka con bố Grigori, thằng bé trùng tên với chú nầy, cháu mang ra cho chú miếng vải gai để chú nằm một lát. – Anh nhờ thằng bé.

– Nhưng để làm gì cơ chứ? Thằng Misatka tò mò hỏi.

– Chú sắp ốm rồi.

– Sao vậy?

– Chà, cháu bám dai ghê thật, đúng là một quả ké… Hừ, chú đang đến lúc phải ốm rồi, có thế thôi! Cháu mang ra đây mau lên!

– Thế còn cái cào của cháu?

– Chú sẽ làm sau.

Người Miska run bắn lên. Hai hàm răng thi nhau tranh trưởng, anh nằm lên tấm vải gai mà thằng Misatka vừa mang ra, rồi anh bỏ chiếc mũ cát-két xuống, úp lên mặt.

– Thế là chú bắt đầu ốm rồi à? – Thằng Misatka hỏi, giọng đau khổ.

– Đúng đấy, bắt đầu ốm rồi.

– Nhưng tại sao chú run lên như thế?

– Cái bệnh sốt rét nó đang lắc chú đấy.

– Nhưng tại sao răng chú lại đập vào nhau lách cách như thế?

Chỉ bằng một con mắt ngước lên bên dưới vành mũ, Miska nhìn thằng bé hay quấy rầy trùng tên với mình, anh khẽ mỉm cười và thôi không trả lời những câu hỏi của nó nữa. Thằng Misatka hoảng sợ nhìn anh rồi chạy vào trong nhà.

– Bà ơi bà! Chú Miska phải nằm dưới nhà kho, chú ấy run ghê quá, run ghê quá, run đến nẩy bần bật lên ấy!

Bà Ilinhitna ra cửa sổ nhìn xem rồi bước tới bên cái bàn và đứng lặng đi rất lâu, không biết bà đang nghĩ gì.

– Sao bà chẳng nói gì thế bà? – Thằng Misatka kéo tay áo bà nó, hỏi có vẻ sốt ruột.

Bà Ilinhitna quay lại nhìn nó rồi quyết định:

– Cháu yêu của bà, cháu mang cái chăn ra cho nó, cho cái thằng phản Chúa ấy nó đáp. Nó đang bị cái bệnh sốt rét nó hành đấy, có cái bệnh như thế đấy. Cháu có mang được cái chăn không? Nói xong bà lại bước tới cửa sổ, nhìn ra sân, nhưng bà vội nói thêm: – Hượm đã, hượm đã! Cháu đừng mang nữa, không cần nữa rồi.

Dunhiaska đang lấy cái áo choàng lông cừu của cô đắp cho Miska và cúi xuống nói với anh không biết những gì.

Sau cơn sốt rét, Miska lại chúi vào chuẩn bị việc cắt cỏ cho đến sẩm tối. Anh đã yếu đi nhiều, các cử động đều trở nên uể oải và chập chững, nhưng anh vẫn làm xong một cái cào nhỏ cho thằng Misatka.

Đến tối, bà Ilinhitna sửa soạn bữa ăn, cho hai đứa bé ngồi vào bàn, rồi không nhìn Dunhiaska, bà nói:

– Mầy ra gọi nó… gọi cái thằng ấy vào ăn đi.

Miska ngồi vào bàn mà không đưa tay lên trán làm dấu phép, lưng anh gù xuống đầy vẻ mệt mỏi. Khuôn mặt vàng ệch với những vệt mồ hôi bẩn thỉu đã khô cho thấy cả một sự phờ phạc rã rời. Lúc anh đưa muỗng lên miệng thì thấy tay anh run run. Anh ăn rất ít, rất miễn cưỡng, thỉnh thoảng lại lãnh đạm đưa mắt nhìn những người ngồi chung quanh bàn. Nhưng bà Ilinhitna ngạc nhiên nhận thấy rằng hai con mắt đờ đẫn của “tên sát nhân” bỗng trở nên ấm áp và linh hoạt khi nó nhìn thằng bé Misatka. Những tia thích thú và âu yếm bừng lên một giây trong cặp mắt ấy rồi lại tắt ngay nhưng hai bên mép vẫn còn lưu rất lâu một nét cười chỉ hơi thoáng hiện. Nhưng sau đó anh lại đưa mắt ra chỗ khác và một vẻ lãnh đạm đờ đẫn lại phủ lên mặt anh như một cái bóng.

Bà Ilinhitna bắt đầu nhìn kỹ Miska một cách kín đáo và mãi lúc nầy bà mới nhận thấy rằng anh gầy rộc đi ghê gớm như thế nào trong thời gian bệnh tật. Hai cái xương bả vai hình bán nguyệt lồi hẳn lên dưới cái áo quân phục cổ chui bụi bám xám xịt. Cặp vai rộng gầy quá nhọn hoắt ra, gù xuống, chỗ lộ hầu mọc đầy những sợi lông màu hung hung cứng như rễ tre nhô ra rất kỳ quặc trên cái cổ ngẳng như cổ con nít. Bà Ilinhitna càng nhìn kỹ cái thân hình gù gù và khuôn mặt vàng ệch như sáp ong của “tên sát nhân” thì trong lòng bà càng có một cảm giác ngượng ngùng bối rối cứ như bị tách làm hai. Và trong trái tim của bà Ilinhitna bỗng trỗi lên một niềm thương hại rất là bất ngờ đối với con người mà bà căm ghét, sự thương hại nhức nhối trong lòng một người mẹ nó chinh phục cả những người đàn bà cứng cỏi nhất. Không đủ sức cưỡng lại tình cảm mới mẻ ấy, bà đẩy cho Miska một cái đĩa đầy sữa và nói:

– Thôi ăn đi, lạy Chúa tôi, ăn nhiều vào! Gầy gì mà gầy hốc gầy hác, trông thấy mà buồn nôn… Cũng đòi làm chú rể?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.