Sông Đông êm đềm

Chương 226



Cùng với Kirin Gromov, cả Arvatkin lẫn gã Cô-dắc lạ mặt mà Miska trông thấy hôm đến nhà Gromov cũng mất tăm theo. Đêm hôm ấy, trong thôn lại biến đi thêm hãi gã Cô-dắc nữa. Một nhóm nhỏ thuộc Uỷ ban Treka sông Đông đã từ Vosenskaia đi ngựa tới thôn Tatarsky. Họ bắt bốn tên Cô-dắc bỏ đơn vị về không có giấy tờ và giải đi Vosenskaia, đưa vào đại đội trừng giới.

Miska ngồi suốt ngày ở Uỷ ban cách mạng, mãi đến hoàng hôn mới về nhà. Anh đặt khẩu súng trường lắp sẵn đạn bên cạnh giường, nhét khẩu súng Nagan xuống gối, nằm xuống ngủ mà quần áo cũng chẳng cởi. Đến ngày thứ ba sau chuyện xảy ra với Kirin, anh bảo Dunhiaska:

– Chúng ta ra phòng ngoài mà ngủ.

– Để làm gì cơ chứ? – Dunhiaska ngạc nhiên hỏi.

– Chúng nó có thể bắn qua cửa sổ đấy. Giường lại kê ngay bên cạnh cửa sổ.

Dunhiaska lặng thinh chuyển cái giường ra phòng ngoài, nhưng đến tối cô hỏi:

– Sao thế, chẳng nhẽ chúng ta cứ sống như những con thỏ thế nầy à? Rồi mùa đông vẫn còn chui rúc ở phòng ngoài hay sao?

– Còn chán mới đến mùa đông, nhưng tạm thời đành phải sống như thế nầy thôi.

– Nhưng “tạm thời” là đến bao giờ cơ?

– Cho đến khi anh bắn chết thằng Kirin.

– Như vậy là nó sẽ giơ trán ra cho anh bắn à?

– Sẽ có lúc nó giơ ra thôi. – Miska trả lời như đinh đóng cột.

Song những điều anh dự tính không được thực hiện. Kirin Gromov đã cùng hai thằng bạn nó lẩn trốn ở nơi nào đó bên kia sông Đông. Vừa nghe tin quân của Marno đang tràn gần đến nơi, hắn đã sang bờ bên phải, mò đến thị trấn Krasnokurskaia vì có tin đồn những chi đội tiên phong của Marno đã tiến tới đó. Một đêm hắn lần về thôn, ngẫu nhiên gặp Prokho Zykov ngoài phố, bèn bảo Prokho nói lại với Miska rằng, Kirin cung kính gửi lời chào Miska và xin Miska hãy chờ có khách đến chơi. Sáng hôm sau Prokho kể cho Miska nghe về cuộc gặp mặt và câu chuyện nói với Kirin.

– Không sao, nó cứ vác mặt về đây. Chuồn được một lần, nhưng lần sau đừng hòng mà thoát. Nó đã cho tôi một bài học là những thằng anh em với nó cần được đối xử như thế nào, và về chuyện ấy thì tôi cám ơn. – Miska nghe kể lại xong bèn nói.

Marno quả thật đã xuất hiện trong địa phận khu Đông Thượng. Trong một trận chiến đấu ngắn ngủi ở gần thôn Kolkov, hắn đã đánh tan một tiểu đoàn bộ binh được điều từ Vosenskaia đến đánh chặn hắn, nhưng hắn đã không tiến tới trung tâm của khu mà lại đi về hướng nhà ga Minlerovo, vượt qua đoạn đường sắt ở phía Bắc Minlerovo rồi di chuyển theo hướng Starobensk. Các phần tử Cô-dắc Bạch vệ hung hăng nhất đã đến nhập bọn với Marno, song phần lớn vẫn còn nằm ở nhà chờ xem tình hình sẽ ra sao.

Miska vẫn vừa sống vừa canh cánh đề phòng như trước, anh luôn luôn phải theo dõi tất cả các việc xảy ra trong thôn. Trong khi đó đời sống ở thôn Tatarsky chẳng tốt đẹp chút nào. Dân Cô-dắc ra sức chửi rủa Chính quyền Xô viết về tất cả những sự thiếu thốn mà họ phải chịu đựng. Hầu như chẳng có gì bán trong các cửa hàng nhỏ xíu của hợp tác xã cung tiêu thống nhất vừa thành lập. Xà phòng, đường, muối, dầu tây, diêm, thuốc lá hạng tồi, dầu bôi bánh xe, tất cả các mặt hàng tối cần thiết đều không có bán. Trên các giá hàng trống hoác chỉ thấy linh tinh vài bao thuốc lá Axmolov đắt tiền và vài thứ đồ sắt bày hàng tháng mà chẳng có ma nào mua.

Để thay dầu tây, đêm đêm người ta phải đổ mỡ bò hoặc mỡ lợn rán chảy vào đĩa mà đốt làm đèn. Thuốc lá nhà trồng lấy đã thay thế loại thuốc lá hạng tồi thường bán. Vì thiếu diêm cho nên đá lửa và những cái bật lửa mà thợ rèn làm quấy quá đã trở nên rất thịnh hành.

Để mồi thêm nhạy, người ta phải canh tro hướng dương trong nước sôi nhưng vì làm chưa quen cho nên vẫn rất khó đánh lửa. Nhiều lần buổi tối Miska ở Uỷ ban cách mạng về đã thấy những gã hút thuốc đứng quây lấy nhau trong ngõ để cùng đập đá đánh lửa. Họ khẽ chửi những câu rất tục tĩu và nói ác: “Chính quyền Xô viết cho xin ít lửa đây!”. Cuối cùng rồi cũng có một tia lửa toé ra trong tay một anh chàng nào đó làm nắm mồi khô cháy lên, thế là tất cả châu vào thổi to đóm lửa âm ỉ. Họ châm thuốc hút rồi lặng lẽ ngồi xổm, trao đổi tin tức. Đến giấy cuốn thuốc lá cũng không có. Người ta lấy đi tất cả các cuốn sổ khai sinh trong gian gác của nhà thờ, nhưng khi đã đem hút thuốc hết rồi thì nhà nào có bao nhiêu giấy má sách vở cũng lấy cuốn thuốc lá hết. Ngay đến những quyển sách giáo khoa cũ của trẻ con, cũng như những cuốn Kinh Thánh của các cụ già cũng bị lấy ra dùng.

Prokho Zykov lui tới ngôi nhà cổ của Melekhov khá nhiều lần để xin Miska giấy cuốn thuốc lá. Hắn nói một cách ảo não.

– Nắp cái rương của vợ tôi trước kia được dán bằng những tờ báo cũ, tôi đã bóc hết để hút thuốc. Có quyển Tân ước, một cuốn sách thiêng liêng như thế, cũng đem hút hết. Cả Cựu ước cũng hút hết. Các ông thánh viết các thứ “nước” ấy ít quá đấy. Vợ tôi có một quyển gia phả ghi tất tần tật những người trong họ cả người sống lẫn người chết, thế mà cũng đem thui nốt. Chẳng nhẽ bây giờ tôi lại phải hút thuốc bằng lá bắp cải, hay chẳng hạn phơi lá ngưu bàng để dùng thay giấy hay sao? Không, Miska ạ, anh muốn thế nào thì muốn, thế nào cũng phải cho tôi một tờ báo mới được. Tôi mà không được hút thuốc thì không thể nào chịu nổi đâu. Hồi trên mặt trận đánh nhau với Đức đã có lần tôi đem phần bánh mì của mình đổi lấy một dúm thuốc lá hạng bét đấy.

***

Mùa thu năm ấy cuộc sống ở thôn Tatarsky thật chẳng vui chút nào… Các bánh xe bò không được bôi mỡ rít rất to trong khi chạy. Vì không có nhựa chưng, các đồ thắng ngựa và giày ủng đều khô nứt. Nhưng buồn nhất là không có muối. Dân trong thôn Tatarsky phải đem những con cừu béo lên Vosenskaia mới đổi được nămphun-tơ muối và khi về nhà họ vừa đi vừa chửi rủa Chính quyền Xô viết và tình trạng hoảng loạn. Cái chất muối chết tiệt ấy đã gây cho Miska rất nhiều chuyện đau đầu… Một lần có vài lão già kéo nhau lên trụ sở Xô viết. Họ chào chủ tịch một cách đàng hoàng rồi bỏ mũ và ngồi xuống những chiếc ghế dài.

– Muối không có, thưa ngài chủ tịch. – Một lão nói.

– Bây gỉờ không còn có ngài nghiếc gì nữa đâu. – Miska sửa lại.

– Xin đồng chí thứ lỗi cho, đó cũng là do cái thói quen cũ… Không có các “ngài” thì còn sống được, chứ không có muối thì không thể nào sống được đâu.

– Thế các cụ muốn gì, thưa các cụ?

– Thưa đồng chí chủ tịch, đồng chí hãy chạy chọt để người ta đưa muối về đây. Chúng tôi không thể đánh bò đi đến sông Manyt để lấy về được đâu – Tôi đã báo cáo lên khu về việc nầy rồi. Trên ấy đã có biết. Có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ chở đến thôi.

– Chờ được mạ thì má đã sưng(333) – Một lão già nhìn xuống đất nói.

Miska nổi nóng, đứng phắt dậy sau cái bàn. Mặt đỏ bừng bừng vì tức giận, anh lộn tất cả các túi mặt trong ra mặt ngoài.

– Tôi chẳng có hạt muối nào cả. Các cụ đã thấy chưa? Tôi không có muối mang theo mà cũng không mút được ngón tay ra muối cho các cụ đâu? Các cụ đã rõ chưa, thưa các cụ?

– Cái muối ấy không hiểu nó biến đi đâu mất cả? – Lão Trumakov độc nhỡn long nhìn một lượt tất cả mọi người bằng con mắt duy nhất đầy vẻ ngạc nhiên, nín lặng một lát rồi hỏi. – Xưa kia, dưới chính quyền cũ ấy, có ai thèm nói đến nó bao giờ đâu, chỗ nào cũng chất thành gò thành đống, thế mà bây giờ một dúm cũng không kiếm được ra.

– Trong việc nầy chính quyền của chúng tôi không phải chịu trách nhiệm gì đâu. – Miska nói bằng một giọng đã bình tĩnh. – Chỉ một chính quyền có tội trong việc nầy là cái chính quyền Kadet cũ của các cụ thôi! Chính nó đã gây ra tình trạng rối loạn tan hoang nầy, đến nỗi ngay muối cũng không thể có gì mà chở! Bao nhiêu đường sắt đều bị phá hoại hết, các toa xe cũng thế…

(333)  Nguyên văn: Chờ được mặt trời mọc thì sương đã ăn vào mắt rồi. (N.D)

Miska kể rất lâu cho bọn bô lão nghe chuyện quân Trắng phá hoại các tài sản quốc gia, làm nổ các nhà máy, đốt các kho tàng trong khi rút lui. Có những điều anh đã được chính mắt trông thấy trong thời kỳ chiến tranh, có những điều anh được nghe kể lại, còn thì đều là do anh cảm hứng bịa ra với mục đích duy nhất là giảm bớt tâm trạng bất mãn đối với Chính quyền Xô viết yêu dấu của mình. Để ngăn chặn những lời chê trách đối với chính quyền nầy, anh đã bịa đặt một cách vô hại, đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục, trong khi đó anh nghĩ thầm: “Mình nói thêm cho cái bọn khốn nạn ấy ít nhiều thì cũng chẳng tai hại gì lắm. Dù sao chúng nó cũng đã là những thằng khốn nạn rồi, mình làm như thế thì chúng nó cũng không bị giảm mất giá trị chút nào mà chúng ta lại có lợi…”

– Các cụ tưởng cái bọn tư sản ấy, chúng nó là những thằng yên phận chịu chết đấy phải không? Chúng nó đâu phải là những thằng ngu xuẩn! Chúng nó đã tập trung toàn bộ số đường và muối dự trữ trong toàn nước Nga, hàng ngàn vạn pút chở trước đi Krym, và từ đó lại bốc xếp lên những chiếc tàu biển đem đi các nước khác bán. – Miska nói, hai con mắt anh long lanh.

– Chẳng nhẽ dầu ma-dút chúng nó cũng đem hết đi rồi hay sao? – Lão chột Trumakov hỏi ra ý không tin.

– Thế bố tưởng chúng nó để lại cho bố đấy phải không bố già? Cũng như toàn thể nhân dân lao động, bố chẳng cần thiết gì đối với chúng nó đâu. Cả đến dầu ma-dút chúng nó cũng sẽ kiếm được người mua để mà bán? Nếu có thể được, thì bất kỳ cái gì chúng nó cũng đã mang theo hết để nhân dân ở đây chết đói.

– Việc ấy thì tất nhiên là như thế rồi! – Một lão già đồng ý. – Cái bọn nhà giàu ấy, tất cả chúng nó đều là những thằng ăn bẩn. Từ xưa tới nay, ai chẳng biết rằng con người ta càng giàu thì lại càng tham. Ở Vosenskaia có một thằng lái buôn, hồi rút lui lần đầu, nó đem tất cả của cải chất lên những chiếc xe tải, cho đến cái kim sợi chỉ cũng không để lại. Hồng quân đã tiến tới gần lắm rồi mà nó vẫn chưa cho xe chạy ra khỏi cổng, cứ chạy khắp nhà trong cái áo choàng bằng lông, lấy kìm nhổ những cái đinh trên tường. Nó nói: “Tôi không muốn để lại cho chúng nó, cho cái quân đáng nguyền rủa ấy một cái đinh nào cả!” Vì thế cái chuyện chúng nó mang cả dầu ma-dút đi theo thì cũng dễ hiểu thôi.

– Như vậy là chúng ta vẫn không có muối à? – Đến cuối cuộc trao đổi lão già Marsaev nói giọng ôn tồn.

– Muối của chúng ta thì không bao lâu nữa anh em công nhân sẽ đào được mỏ mới. Nhưng lạm thời có thể đem xe tải đến vùng sông Manyt mà kiếm cũng được. – Miska khuyên một cách dè dặt.

– Bà con không muốn đi đến đấy chút nào cả. Ở đằng ấy, bọn Kalmys hoành hành dữ lắm, chúng nó không cho lấy muối ở các hồ, bò cũng sẽ bị chúng cướp mất thôi. Một người quen của tôi ở đằng ấy về chỉ còn giữ được độc một cái roi. Một đêm từ phía Velikonhiagietskaia có ba thằng Kalmys đem vũ khí phóng ngựa tới chúng nó đánh những con bò đi rồi chỉ vào họng anh ta mà bảo: “Câm cái mồm, đồ chó, nếu không mày sẽ chết mất xác…” Như vậy thì cứ thử mò đến đấy mà xem. Cũng đành phải chờ thôi. – Lão Trumakov thở dài.

Đối với bọn bô lão thì đại khái Miska cũng có thể nói cho qua chuyện, nhưng khi anh về đến nhà, một cuộc đối khẩu lớn đã nổ ra giữa Miska và Dunhiaska cũng lại vì cái chuyện muối ấy. Nói chung là trong quan hệ giữa hai người đã có một cái gì không êm thấm lắm…

Tình hình nầy đã nảy sinh từ cái ngày đáng ghi nhớ, hôm Miska nói chuyện về Grigori trước mặt Prokho, song chuyện bất hoà nhỏ ấy đã không được quên đi. Một hôm trong khi đi ăn bữa tối Miska nói:

– Bà chủ nhà ơi, xúp bắp cải của bà quên không cho muối đấy. Có phải vì nấu nhạt còn thêm được muối, nấu mặn rồi dội xuống lưng hay không?

– Dưới cái chính quyền nầy thì không thể có chuyện cho muối quá tay đâu. Anh có biết nhà ta còn được bao nhiêu muối không?

– Bao nhiêu?

– Hai vốc.

– Thế thì gay đấy. – Miska thở dài.

– Những người biết tính toán thì từ mùa hạ họ đã tới vùng sông Manyt để kiếm muối, mà anh thì chẳng có được lúc nào để nghĩ tới chuyện ấy. – Dunhiaska nói có vẻ trách móc.

– Nhưng anh đi bằng cái gì bây giờ? Mới lấy nhau năm đầu đã thắng em vào cái xe thì cũng không tiện, mà hai con bò mộng thì chỉ ăn hại…

– Anh nên để lúc khác hãy nói đùa! Bao giờ phải ăn nhạt thì lúc ấy tha hồ mà đùa?

– Nhưng có gì mà em trách mắng anh như thế? Nói cho đúng thì anh kiếm đâu ra muối để đem về cho em được? Cái bọn đàn bà các em toàn như thế cả… Nếu người ta ợ ra muối thì anh cũng ợ ra cho các em ngay. Nhưng nếu không còn cách nào để có muối nữa thì bảo anh làm thế nào bây giờ?

– Các nhà khác người ta đã thắng bò đánh xe đi sông Manyt. Bây giờ họ có cả muối lẫn mọi thứ khác, còn nhà mình thì chỉ được ăn nhạt và ăn chua…

– Chúng mình vẫn sống qua quít được thôi, Dunhiaska ạ. Không bao lâu nữa họ cũng phải chở muối đến. Nước ta thiếu gì cái thứ ấy?

– Anh và họ thì cái gì cũng nhiều.

– Họ là ai hử?

– Là bọn Đỏ ấy.

– Còn em là người như thế nào?

– Anh thấy là người như thế nào thì là người như thế. Toàn là những điều nói nhăng nói cuội. “Rồi cái gì chúng ta cũng sẽ có nhiều, tất cả mọi người rồi sẽ sống bình đẳng và giàu có…” Đấy, cái giàu có của anh đây nầy, xúp bắp cải cũng chẳng lấy đâu ra muối mà cho vào?

Miska hốt hoảng nhìn vợ, anh tái mặt đi:

– Em làm sao thế, Dunhiaska? Em nói gì vậy? Chẳng nhẽ có thể nói năng như thế được hay sao?

Nhưng Dunhiaska đã điên tiết lên rồi: phẫn nộ và tức tối làm mặt cô tái nhợt đi. Cô nói tiếp giọng như gào lên:

– Sống cứ như thế nầy thì cũng được hay sao? Làm gì mà anh trợn trừng trợn trạo lên như thế hử? Ông chủ tịch, ông có biết rằng vì không có muối người ta đã sưng răng sưng lợi lên rồi hay không? Ông có biết người ta đang phải ăn gì thay muối không? Người ta đi đào đất mặn, người ta tới phía sau nấm kurgan Netraev lấy đất ở đấy rồi cho cái đất ấy vào xúp bắp cải… ông đã nghe nói đến chuyện ấy chưa?

– Hượm đã, đừng làm rầm lên, nghe thấy rồi… Và còn những gì nữa?

Dunhiaska vỗ tay đánh đét một cái.

– “Còn những gì nữa” và sẽ còn đi tới đâu nữa?

– Chẳng nhẽ không cần tìm cách cố gắng chịu đựng cho qua lúc nầy hay sao?

– Hừ, anh đi mà chịu đựng?

– Tôi thì tôi sẽ chịu đựng, còn như cô… Còn như cô thì toàn bộ cái tông giống Melekhov nhà cô đã được phơi bày ra hết rồi đấy…

– Cái tông cái giống ấy làm sao?

– Phản động, cái tông giống ấy nó như thế đấy? – Miska nói giọng khàn hằn đi rồi đứng lên, rời khỏi bàn ăn. Anh cứ dán mắt xuống đất không ngước lên nhìn vợ, và môi anh run run khi anh nói tiếp – Nếu em còn nói như vừa nãy lần nữa, anh sẽ không ở với em nữa đâu, em phải biết rõ như thế? Những lời em nói là giọng điệu của kẻ thù…

Dunhiaska vẫn còn muốn cãi lại thêm gì nữa, nhưng Miska đã lườm cô một cái rồi giơ bàn tay nắm chặt:

– Thôi im đi! – Anh trầm giọng xuống nói.

Không chút sợ hãi, Dunhiaska nhìn chồng với một vẻ tò mò không giấu giếm, và chỉ lát sau cô đã nói bằng một giọng bình thản và vui vẻ:

– Thôi được rồi, có quái gì đâu mà phải phí lời… Không cỏ muối chúng ta cũng vẫn sống được? – Dunhiaska nín lặng một lát rồi nói thêm với nụ cười nhè nhẹ mà Miska rất yêu – Thôi đừng bực mình nữa anh Miska ạ! Nếu đối với bọn đàn bà chúng em mà chuyện gì cũng bực mình thì không thể nào có đủ lòng dạ mà bực mình hết được đâu. Đầu óc hồ đồ thì nói ra thiếu gì những chuyện lung tung… Anh uống nước mứt hoa quả hay đề em mang sữa chua ra cho anh?

Tuy còn trẻ nhưng Dunhiaska đã rất khôn ngoan nhờ có được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Cô biết rõ rằng những khi điều qua tiếng lại thì lúc nào có thể làm già, còn lúc nào thì phải đấu dịu và chịu thua…

***

Chừng hai tuần sau khi xảy ra chuyện trên đây. Grigori có thư gửi về. Chàng cho biết rằng mình đã bị thương trên mặt trận chống Vrăngghen và sau khi lấy lại sức khoẻ, rất có thể chàng sẽ giải ngũ.

Dunhiaska cho chồng biết những điều viết trong thư rồi hỏi một cách dè dặt:

– Anh Miska ạ, anh ấy sẽ về bên nhà và chỗ ăn ở của chúng ta sẽ như thế nào?

– Chúng mình sẽ dọn về bên nhà anh. Để Grigori ở đây một mình. Tài sản thì chia.

– Cũng không cùng sống vớí nhau được thật. Xem ra thì thế nào anh ấy cũng đưa chị Acxinhia về.

– Dù có thể ở chung, anh cũng không thể nào sống dưới cùng một mái nhà với ông anh của em được. – Miska nói dứt khoát, giọng gay gắt.

Dunhiaska ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày.

– Vì sao thế, anh Miska?

– Chính em cũng biết rồi đấy.

– Đó là vì anh ấy đi lính cho bọn Trắng phải không?

– Đúng đấy, đúng như thế đấy.

– Anh không thích anh ấy… Trước kia hai anh là bạn với nhau cơ mà?

– Hắn là cái quái gì với anh mà anh thích hắn? Xưa kia cũng có là bạn đấy, nhưng tình bạn giữa hai bên đã không còn nữa rồi.

Dunhiaska ngồi vào cái guồng quay sợi. Vòng xe kêu vo vo đều đều. Sợi chỉ trên bó sợi bị đứt. Dunhiaska đưa tay gỡ cái vành bánh xe, vừa se chỉ vừa hỏi nhưng không nhìn chồng.

– Anh ấy về thì sẽ bị như thế nào về cái chuyện đã đi theo bọn Cô-dắc?

– Sẽ bị đem ra xét xử. Ra toà.

– Như anh ấy thì có thể bị kết án như thế nào?

– Chà, cái chuyện ấy thì anh không biết được, anh không phải là quan toà.

– Người ta có thể kết án xử bắn không?

Miska đưa mắt nhìn lên giường, chỗ thằng Misatka và con Poliuska đang ngủ, lắng nghe tiếng thở đều đều của hai đứa trẻ rồi hạ thấp giọng trả lời:

– Có thể đấy.

Dunhiaska không hỏi thêm nữa. Sáng hôm sau, cô vắt sữa bò xong rồi sang nhà Acxinhia:

– Anh Grigori sắp về rồi, em sang nói cho chị mừng.

Acxinhia nín lặng đặt cái nồi gang đầy nước lên đống than đỏ vun ở miệng bếp lò, áp hai bàn tay lên ngực. Dunhiaska nhìn khuôn mặt đỏ ửng của Acxinhia và hỏi:

– Song chị đừng vội mừng. Nhà em nói rằng anh ấy không tránh khỏi bị đưa ra toà đâu. Còn cái chuyện kết án như thế nào thì có trời biết.

Hai con mắt đẫm nước mắt và sáng ngời của Acxinhia thoáng có vẻ sợ hãi trong một giây:

– Vì sao thế? – Nàng hỏi giọng ngắt ra nhưng vẫn không làm thế nào xua hết nụ cười đọng lại quá lâu trên môi.

– Vì cuộc bạo động. Vì tất cả mọi chuyện.

– Nói láo đấy! Anh ấy sẽ không bị đưa ra toà đâu. Cái anh chàng Miska nhà cô nó chẳng biết gì cả mà cũng làm ra bộ hiểu biết.

– May ra cũng không bị đưa ra toà đâu. – Dunhiaska lặng đi một lát rồi cố nén tiếng thở dài nói – Chồng em căm thù anh trai em… Chuyện ấy làm em đau lòng quá, mà lại không nói ra được? Em thương anh trai em một cách ghê gớm? Anh ấy lại mới bị thương… Cuộc đời anh ấy thật là trắc trở.

– Chỉ cần anh ấy được về thôi: chị và anh ấy sẽ đem hai cháu đi lẩn tránh ở nơi nào đó. -Acxinhia nói sôi nổi.

Rồi không hiểu sao nàng tháo chiếc khăn bịt đầu ra và lại chít vào, sau đó cứ xê dịch bát đĩa trên chiếc ghế dài từ chỗ nọ sang chỗ kia một cách hoàn toàn vô duyên cớ, mãi không làm thế nào nén được niềm xúc động mạnh mẽ tràn ngập trong lòng mình.

Đunhiasca thấy hai tay Acxinhia run bần bật khi nàng ngồi xuống ghế dài, vuốt những nếp vải của chiếc tạp dề cũ nát phủ trên đầu gối.

Có cái gì lên cổ họng Dunhiaska. Cô chỉ muốn được khóc một mình.

– Mẹ đã không chờ được đến khi anh ấy về. – Cô khẽ nói. – Thôi em về đây. Còn phải nhóm lò.

Ra đến phòng ngoài, Acxinhia vội vã hôn cổ Dunhiaska một cách ngượng nghịu rồi nắm lấy tay Dunhiaska đưa lên hôn.

– Chị có mừng không? – Dunhiaska thở hổn hển hỏi rất khẽ.

– Có có, chỉ chút xíu thôi… -Acxinhia trả lời và cố dùng câu pha trò và nụ cười run run trên môi để giấu những giọt nước mắt đang trào ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.