Sông Đông êm đềm

Chương 45 phần 2



Gã Marchin nhà Sumilin, em trai của gã cụt tay Aleksey, đến bên cạnh tường bao bãi tha ma, rình con chim chết tiệt ấy hai đêm liền. Nhưng con cú vô hình và thần bí đã bay qua đầu gã không một tiếng động, đến đậu trên cây thánh giá ở đầu kia bãi tha ma, và những tiếng kêu đáng sợ của nó lại vẳng xuống cái thôn đang mơ màng. Marchin chửi một câu tục tũi, nã bừa một phát về phía cái bụng sệ của một đám mây đen rồi bỏ về. Nhà gã ở ngay cạnh đấy. Vợ gã là một mụ ốm o, nhát như cáy, nhưng lại sòn sòn năm một, mắn đẻ như con thỏ cái. Thấy chồng về, mụ tru tréo:
– Đồ ngu xuẩn, ngu khổ ngu sở! Nó làm hại gì đến anh không hử, đồ hung thần? Làm thế mà bị Chúa phạt thì sao? Tôi lại đang bụng mang dạ chửa thế nầy. Nếu vì anh mà tôi đẻ non thì sao hả, đồ quỷ sứ?
– Thôi câm cái mồm đi! Mụ mà đẻ non được à? Đẻ quen cứ như con ngựa thằng đóng thùng, quen đường như thế mà còn! Chẳng nhẽ cứ để con chim khốn kiếp ấy nó đến đây làm người ta mất ăn mất ngủ hay sao? Con chim ma quái ấy, nó kêu toàn chuyện tai hoạ đấy. Nếu xảy ra chiến tranh, tôi bị bắt lính, còn mụ thì cho ra hàng lô con chó cái thế nầy thì làm thế nào? – Marchin vung tay về phía góc nhà, trong đó tiếng chuột kêu chi chí hoà lẫn với những tiếng ngáy của bầy trẻ nằm úp thìa.
Trong khi nói chuyện với các cụ già trên bãi họp việc làng, ông Panteley Prokofievich trịnh trọng tuyên bố:
– Thằng Grigori nhà tôi có viết thư về cho biết lão vua nước Áo đã tới biên giới, ra lệnh tập trung toàn bộ quân đội của lão vào một chỗ rồi tiến về phía Moskva và Peterburg.
Các cụ già hồi tưởng những cuộc chiến tranh xưa kia và cùng đoán già đoán non!
– Nhìn vào mùa màng thì không thể có chiến tranh đâu.
– Mùa màng thì có gì dính dáng tới chuyện nầy?
– Có lẽ sinh viên làm loạn đấy.
– Việc nầy chúng ta được biết quá muộn.
– Cũng như hồi chiến tranh với Nhật Bản.
– Ông sắm được ngựa cho cậu cả nhà ta chưa?
– Cần gì phải sắm trước…
– Toàn chuyện tầm bậy!
– Nhưng chiến tranh với ai cơ chứ?
– Với Thổ nhĩ kỳ để dành mặt biển. Biển thì dù sao cũng không thể chia được.
– Chuyện ấy có gì khó khăn đâu? Cứ phân ra từng khoảnh, từng khoảnh như chúng ta chia cỏ ấy, thế là xong thôi mà!
Câu chuyện chuyển theo hướng bông đùa, các cụ chia tay ra về.
Cỏ ngoài bãi đã sắp đến ngày phải cắt, mọi người đều nóng lòng chờ đợi. Các thứ cỏ bên kia sông Đông đều bắt đầu nở hoa, nhưng cỏ bên ấy yểu, không có mùi thơm, kém hẳn cỏ trên đồng. Cũng là đất cả nhưng mỗi nơi cỏ hút một chất mầu khác. Khoảng đồng cỏ sau ngọn gò là một chất đất đen thượng đẳng, sần sật như xương sụn: một đàn ngựa phóng thẳng qua cũng chẳng để lại vết móng nào; đất rắn thành thử cỏ mọc lên cứng cáp, khỏe khoắn, thơm phưng phức, cao đến bụng ngựa. Nhưng sát bờ sông và bên kia sông, đất vừa ẩm vừa nhão nên cỏ mọc lên nom ỉu xìu, vô tích sự, có năm bò ngựa chê không thèm ăn.
Khắp thôn chỗ nào cũng đập lại hái, bào lại răng cào, đàn bà chỉ đem nước kvas cho thợ cắt cỏ cũng đủ bở hơi tai. Nhưng bất thình lình xảy ra một chuyện làm chấn động từ đầu xóm đến cuối thôn.
Tên cảnh sát trưởng trên trấn tên dự thẩm về thôn, cùng đi còn có một gã sĩ quan hom hem, răng đen sì, xưa nay chưa có ai thấy mặt bao giờ. Chúng cho gọi lão ataman thôn, lôi mấy người làm chứng đến rồi kéo nhau tới thẳng nhà mục lác Lukeska.
Tên dự thẩm cầm cái mũ cát-két vải bạt đính phù hiệu. Cả bọn đi theo dãy hàng rào bên trái đường phố. Mặt trời điểm những vệt sáng lên con đường nhỏ. Tên dự thẩm vừa dẫm đôi giầy đầy bụi lên những vệt sáng đó, vừa hỏi lão ataman chạy lộc ngộc phía trước như con gà trống:
– Thằng ngụ cư Stokman có nhà không?
– Bẩm quan lớn có ạ.
– Nó làm nghề gì?
– Bà con thấy nó làm thợ nguội… lại làm cả thợ mộc nữa.
– Không nhận thấy nó có vấn đề gì à?
– Chẳng có vấn đề gì cả.
Tên cảnh sát trưởng vừa đi vừa nặn cái trứng cá mọc ngay giữa hai hàng lông mày. Hắn thở phì phì, mồ hôi tầm tã trong bộ đồng phục bằng dạ. Tên sĩ quan răng đen cầm một sợi rơm xỉa răng, hắn cau mặt làm hiện lên những vết nhăn đo đỏ, nhẽo nhợt chung quanh mắt.
– Những tên nào thường lui tới nhà nó? – Tên dự thẩm đưa tay kéo lão ataman đang chạy phía trước.
– Thưa vâng, đúng là có những tên đến nhà hắn đấy ạ. Có khi chúng nó đánh bài.
– Nhưng là những đứa nào?
– Tên thợ máy, tên đứng cân, tên thợ cán Davydka và trong dân Cô-dắc chúng tôi cũng có kẻ đến đó.
Tên dự thẩm đứng lại chờ tên sĩ quan đi tụt lại phía sau. Hắn nâng cái mũ cát-két lên chùi mồ hôi ở chỗ tinh mũi, rồi xoay xoay cái khuy trên áo quân phục của tên sĩ quan, nói không biết những gì với tên nầy và giơ một ngón tay vẫy lão ataman. Lão ataman nín thở rón rén chạy tới. Những đường gân xanh nhằng nhịt trên cổ lão phồng lên, run run.
– Anh đi lấy hai tuần đinh, bắt mấy thằng ấy. Giải tới nhà hội đồng, chúng tôi sẽ đến ngay. Rõ chưa?
Lão ataman ưỡn ngực đứng thẳng người, nửa thân trên đưa ra phía trước đến nỗi cái cổ đứng áo quân phục nằm hẳn lên đường gân to nhất như một sợi dây màu lam. Lão vâng một tiếng như gầm lên rồi đi ngược trở lại.
Stokman đang ngồi quay lưng ra cửa. Anh chỉ mặc sơ mi lót phanh cổ, dùng cưa tay cưa một đường cong trên mảnh gỗ dán.
– Mời ông đứng dậy. Ông đã bị bắt.
– Về việc gì vậy.
– Ông ở hai phòng à?
– Vâng.
– Chúng tôi đến khám nhà ông. – Viên sĩ quan bước tới gần chiếc bàn nhỏ, đinh thúc ngựa vướng vào tấm thảm nhỏ đặt ở ngưỡng cửa.
Hắn nheo mắt, nhìn thấy quyển sách bèn cầm lên xem.
– Ông làm ơn đưa tôi chìa khoá hòm nầy.
– Thưa ngài dự thẩm, vì sao tôi phải làm như thế?
– Chúng tôi sẽ có thì giờ nói cho ông biết rõ. Người làm chứng đâu lại đây!
Người vợ của Stokman ở trong căn phòng thứ hai ngó nhìn ra, cửa phòng không đóng hẳn. Tên dự thẩm, theo sau là tên văn thư, bước về phía đó.
– Cái gì đây? – Tên sĩ quan giơ một cuốn sách bìa vàng, khẽ hỏi.
– Một quyển sách. – Stokman nhún vai.
– Cái kiểu pha trò ấy, anh nên dành cho những lúc thích hợp hãy đem dùng. Tôi đề nghị anh trả lời những câu tôi hỏi bằng một giọng khác Stokman dựa lưng vào bếp lò, cố ghìm tiếng cười gằn. Viên dự thẩm nhìn qua vai tên sĩ quan rồi chuyển con mắt sang Stokman.
– Ông nghiên cứu à?
– Tôi cũng muốn hiểu biết, – Stokman trả lời gọn lỏn, tay vẫn cầm lược rẽ chòm râu đen làm hai món đều nhau.
– À ra thế!
Tên sĩ quan lật lật vài trang rồi ném cuốn sách lên bàn. Hắn xem qua cuốn thứ hai, đặt sang bên rồi đọc bìa cuốn thứ ba và quay về phía Stokman.
– Nhà mày còn giấu loại sách như thế nầy ở chỗ nào nữa?
Stokman nheo mắt bên trái như nhắm bắn.
– Có bao nhiêu đều ở đây cả.
– Mày nói láo! – Tên sĩ quan vung cuốn sách nói dằn từng tiếng.
– Tôi yêu cầu…
– Lục soát!
Tên cảnh sát trưởng tì tay vào đốc gươm bước tới gần chiếc hòm. Một người tuần Cô-dắc lục lọi trong đống đồ lót và quần áo ngoài. Xem ra những việc vừa xảy ra đã làm hắn hết hồn.
– Tôi yêu cầu nói với tôi cho có lễ độ, – Stokman nói nốt, anh nheo mắt nhìn thẳng vào chỗ tinh mũi tên sĩ quan.
– Ông im đi thì hơn, ông bạn thân mến ạ.
Trong gian Stokman ở với vợ, chỗ nào có thể đào bới được chúng đều không từ. Chúng khám cả trong gian làm việc. Tên cảnh sát trưởng ra vẻ mẫn cán, thậm chí cong ngón tay gõ vào mấy bức tường.
Stokman bị giải đến nhà hội đồng. Anh đi giữa phố, trước mặt người tuần, một tay đặt lên vạt chiếc áo vét-tông cũ, còn tay kia vẩy vẩy như muốn rũ những vết bùn trên ngón tay. Mấy tên kia đi sát dãy hàng rào bên lề con đường lốm đốm ánh nắng. Tên dự thẩm vẫn đặt từng chiếc giày da xanh xanh tì sát vào những cây thân lê lên những đốm nắng. Nhưng bây giờ hắn không cầm mũ ở tay nữa, mà đội chắc chắn lên đầu, bên trên hai vành tai trắng bệch.
Người cuối cùng bị thẩm vấn là Stokman. Những người đã bị hỏi cung xong đứng chen chúc ở phòng ngoài và bị tuần đinh canh gác:
Kotliarov chưa kịp rửa hai bàn tay bê bết dầu ma-dút, Davydka mỉm cười ngượng nghịu, “Bồi” với chiếc vét-tông khác trên vai và Miska Kosevoi. Tên dự thẩm vừa lục trong cặp tài liệu màu hồng vừa hỏi Stokman đứng bên kia cái bàn:
– Lần tôi hỏi cung ông về vụ án mạng xảy ra ở nhà máy xay, tại sao ông giấu không nói ông là đảng viên đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga?
Stokman nín lặng nhìn cao hơn đầu tên dự thẩm.
– Việc nầy đã được xác định. Ông sẽ phải chịu phần trách nhiệm xứng đáng về những việc ông đã làm. – Tức tối vì thấy Stokman chẳng nói chẳng rằng, tên dự thẩm cất cao giọng.
– Xin ông cứ bắt đầu hỏi, – Giọng Stokman đầy vẻ chán ngán. Anh đưa mắt về phía cái ghế bỏ không đề nghị cho phép ngồi.
Tên dự thẩm không trả lời, hắn lật loạt soạt những trang giấy, gườm gườm nhìn Stokman thản nhiên ngồi xuống.
– Ông đến đây từ bao giờ?
– Năm ngoái.
Theo nhiệm vụ tổ chức của ông trao cho phải không?
– Tôi không có nhiệm vụ gì cả.
– Ông đã là đảng viên của đảng ông từ hồi nào?
– Ý ông định hỏi gì?
– Tôi hỏi ông, – Tên dự thẩm nhấn mạnh tiếng “tôi”, – Ông đã trở thành đảng viên đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga từ bao giờ?
– Tôi nghĩ rằng…
– Tôi hoàn toàn không cần biết ông nghĩ gì. Ông hãy trả lời câu hỏi đi. Chối quanh chỉ vô ích, mà lại còn có hại là khác. – Tên dự thẩm để riêng ra một tờ giấy, rồi đưa ngón tay trỏ ấn tờ giấy đó xuống mặt bàn. – Đây là bản kết quả tìm hỏi gửi từ Rostov tới đây, tài liệu nầy xác định ông có tham gỉa đảng phái nói trên.
Stokman nheo hẳn mắt, đọc lướt qua tờ giấy trắng, nhìn chằm chằm một lát rồi xoa xoa đầu gối, trả lời bằng giọng rắn rỏi:
– Từ năm một nghìn chín trăm linh bảy.
– À ra vậy. Thế ông chối không nhận rằng ông đã được đảng ông phái đến đây à?
– Vâng.
– Nếu thế thì ông đến đây làm gì?
– Tôi thấy ở đây cần có người làm công việc thợ nguội.
– Vì sao ông đã chọn đúng khu nầy.
– Cũng với lý do trên.
– Hiện nay ông có quan hệ, hay trong thời gian ấy ông có liên hệ với tổ chức của ông không?
– Không.
– Họ có biết rằng ông đến đây không?
– Chắc hẳn là có.
Tên dự thẩm chẩu môi gọt bút chì bằng con dao chuôi sà cừ, mắ không nhìn Stokman.
– Ông có thư từ đi lại với ai trong số đồng đảng không?
– Không.
– Còn bức thư tìm thấy trong khi khám xét?
– Bức thư ấy là của một người bạn, người nầy, xin lỗi ông, chẳng có quan hệ gì với một tổ chức cách mạng nào cả.
– Ông có nhận được những chỉ thị nào ở Rostov không?
– Không.
– Mấy tên thợ nhà máy xay đến tụ tập ở nhà ông với mục đích gì?
Stokman nhún vai, có vẻ ngạc nhiên trước một câu hỏi vô nghĩ lý đến như thế.
– Chẳng qua chỉ là đến ngồi với nhau để giết thì giờ trong những buổi tối mùa đông… Đánh vài ván bài…
– Và đọc những sách mà pháp luật đã cấm đọc. – Tên dự thẩm nhắc.
– Không. Anh em toàn là những người rất ít chữ nghĩa.
– Thế mà tên thợ máy nhà máy xay cùng tất cả những tên khác đều không phủ nhận sự thật nầy.
– Không phải như vậy.
– Tôi có cảm tưởng như ông hoàn toàn không có một nhận thức sơ đẳng nào…
Nghe đến đây Stokman mỉm cười. Tên dự thẩm bất giác ngừng lại một lát, rồi hắn nói nốt với một vẻ bực tức cố nén:
– Thật quả ông không còn có đầu óc khôn ngoan thông thường nữa ông khăng khăng không nhận tội thì chỉ có hại cho mình thôi. Hoàn toàn dễ hiểu là ông đã được đảng của ông phái đến đây để làm công việc phân hoá dân Cô-dắc, để dành lấy họ khỏi tay chính phủ. Tôi không hiểu chúng ta cứ đánh bài mò như thế nầy làm gì? Đằng nào cũng không giảm bớt được tội cho ông chút nào cơ mà…
– Đó mới chỉ là ông ước đoán thôi. Ông cho phép hút thuốc? Cám ơn ông. Đó chỉ là ước đoán, hơn nữa chẳng có căn cứ gì.
– Xin ông cho biết ông có đọc cho bọn thợ đến nhà ông nghe cuốn sách nhỏ nầy không? – Tên dự thẩm đặt bàn tay lên một cuốn sách nhỏ, che mất đầu đề. Phía trên có dòng chữ đen trên nền trắng: “Plekhanov“.
– Chúng tôi đọc thơ, – Stokman thở dài, hít một hơi thuốc, mấy ngón tay bóp chặt cái bót xương có những vòng tròn.
Hôm sau, một buổi sáng rầu rĩ đầy sương mù, có chiếc xe thư thắng hai con ngựa chạy ra khỏi thôn, Stokman ngồi ngủ gà ngủ gật phía sau, chòm râu rúc hẳn vào trong cái cổ ngắn bê bết dầu mỡ của chiếc ghế bành tô. Vài người tuần đinh đeo gươm đứng chen chúc hai bên Stokman. Trong số đó có một tên mặt rỗ tóc xoăn. Những ngón tay sần sùi, bẩn thỉu của gã nắm chặt khuỷu tay Stokman, hai con mắt trắng đã đầy vẻ hoảng sợ nhìn anh trô trố, tay trái nắm khư khư chiếc vỏ gươm bạc màu.
Xe chạy long xòng xọc tung bụi mù mịt trên dãy phố. Một người đàn bà nhỏ bé, đầu trùm khăn, đứng tựa vào hàng rào sân đập lúa nhà Melekhov.
Chiếc xe cuốn bụi chạy qua. Người đàn bà đưa hai tay lên ôm ngực, chạy lao theo:
– Anh Oxia… Anh Yosif Davydyt! Trời ơi, sao lại thế nầy?
Stokman muốn giơ tay vẫy vợ, nhưng gã tuần đinh mặt rỗ chồm ngay dậy, kẹp chặt lấy tay anh trong những ngón tay bẩn thỉu, chắc như gọng kìm. Gã quát lên khàn khàn, giọng man rợ:
– Ngồi yên! Tao chém bây giờ!
Trong cả cuộc đời đơn giản của gã, đây là lần đầu gã thấy một người chống lại cả vua Nga.
Chú thích:
(1) Nguyên văn: “Phá vỡ luống cày” (ND)
(2) Một thượng đẳng thiên sứ (archange), theo truyền thuyết Do Thái làm nhiệm vụ chỉ huy “lực lượng vũ trang nhà trời” chống các hung thần ác quỷ. (ND)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.