Sông Đông êm đềm

Chương 49 phần 1



Trong những ngày cuối tháng sáu, trung đoàn chuyển sang diễn tập Theo mệnh lệnh của ban tham mưu sư đoàn, trung đoàn tiến tới thành phố Rovno(1) theo đội hình hành quân. Hai sư đoàn bộ binh và các đơn vị kỵ binh triển khai chung quanh thành phố. Đại đội bốn đến đóng trong các nhà dân ở làng Vladislavka.
Chừng hai tuần sau, khi đại đội đã mệt lử vì cuộc thao diễn kéo dài, đến đóng tại một thị trấn nhỏ tên là Daborol, viên đại đội trưởng, thượng uý Polkonikov phóng ngựa từ trung đoàn bộ về.
Grigori cùng bọn Cô-dắc trong trung đội của chàng đang nằm nghỉ trong chiếc nhà bạt, thì thấy viên thượng uý cho con ngựa mồ hôi như tắm phi theo dãy phố hẹp.
Binh lính trong sân nháo cả lên.
– Hay lại xuất phát? – Prokho Zykov nói lên điều hắn dự đoán rồi lắng nghe có vẻ chờ đợi.
Tên hạ sĩ của trung đội gài cái kim vào lần lót của chiếc mũ cát-két (hắn đang vá cái quần rách).
– Còn gì nữa, đúng là xuất phát rồi.
– Không để cho người ta nghỉ ngơi một chút, cái bọn quỷ dữ!
– Lão quản nói rằng lữ đoàn trưởng sắp tới đây.
Tò-tò-tò… te-te-tò-tí-tò!” – Gã lính kèn nổi kèn báo động.
Bọn lính Cô-dắc đứng chồm cả lên.
– Cái túi thuốc của mình bỏ đâu mất rồi? – Prokho Zykov tìm nhặng cả lên.
– Đóng yên!
– Cái túi thuốc của cậu, cho nó mất mẹ nó đi! – Grigori vừa chạy ra vừa nói to.
Lão quản chạy vào trong sân. Lão tới chỗ cọc buộc ngựa, một tay giữ đốc gươm. Mọi người thắng ngựa xong đúng thời gian quy định trong điều lệnh. Grigori nhổ các cọc nhà bạt. Tên hạ sĩ kịp rỉ tai chàng:
– Chiến tranh đấy, chú mầy ạ!
– Không nói bậy đấy chứ?
– Nói thật mà lị, lão quản cho biết đấy.
Các nhà bạt đã được nhổ hết. Đại đội tập họp trên đường phố.
Viên đại đội trưởng cưỡi con ngựa chạy còn đang hăng, đi đi lại lại trước hàng quân.
– Các trung đội thành hàng dọc! – Giọng hắn hô oang oang trên các hàng lính.
Vó ngựa đập lộp cộp. Đại đội tiến nước kiệu, rời khỏi thị trấn nhỏ ra đường cái. Đại đội một và đại đội năm rời khỏi làng Kukhten tiến về một nhà ga xép, thỉnh thoảng lại cho ngựa đổi nước chạy.
Một ngày sau, trung đoàn xuống xe lửa ở ga Vorba, cách biên giới ba mươi nhăm vec-xta. Ánh bình minh bừng lên sau rặng bạch dương bên nhà ga hứa hẹn một buổi ban mai trong sáng. Chiếc đầu máy trên đường ray rúc còi inh tai nhức óc. Sương phủ lấp loáng trên các đường rầy. Trên những tấm ván bắc cầu, những con ngựa hí ầm ĩ trong khi xuống xe. Sau két nước có những tiếng gọi nhau ơi ới, và những tiếng ra lệnh ồm ồm.
Các binh sĩ Cô-dắc thuộc đại đội bốn dắt ngựa tới chỗ vượt qua đường sắt. Những giọng nói buồn ngủ chập chờn trong bóng tối tứn bềnh bệch. Những mặt người nom chỉ lờ mờ xanh xanh, hình những con ngựa nhoà đi, không còn rõ ràng nữa.
– Đại đội nào?
– Còn cậu ở đại đội nào mà đi quàng đi quấy thế?
– Đồ khốn nạn, tao lại cho một trận bây giờ? Mày nói năng với sĩ quan như thế nào hử?
– Bẩm quan lớn, tôi có lỗi! Tôi đã nhầm.
– Qua đường sắt đi, qua đường sắt đi!
– Tại sao để đứt quãng thế nầy? Đầu máy sắp chạy tới kia kìa, rảo bước lên.
– Chánh quản, trung đội ba của anh đâu?
– Đại đội nhanh nhanh lên!
Nhưng trong hàng quân có những tiếng thì thầm rất khẽ:
– Lại còn nhanh nhanh nữa, mẹ nó chứ, hai đêm không ngủ rồi còn gì?
– Semka, cho mình kéo một hơi, từ tối chẳng được khói nào.
– Lôi con ngựa đực đi…
– Gặm cả đai bụng, đồ quỷ sứ.
– Còn con của mình thì mất một móng sắt chân trước rồi.
Một đại đội khác rẽ sang bên ngáng mất đường đại đội bốn. Hình những người cưỡi ngựa nổi rõ như vẽ bằng mực tàu trên nền trời xanh xanh xám xám. Họ đi hàng bốn. Những ngọn giáo lắc lư như những thân cây hướng dương rụng hết hoa lá. Thỉnh thoảng có tiếng bàn đạp lách cách, tiếng yên ọt ẹt.
– Nầy, những người anh em, các cậu đi đâu thế?
– Lại nhà thằng con đỡ đầu ăn lễ rửa tội sơ sinh đây.
– Hà-hà-hà-hà!
– Câm ngay! Ai cho nói chuyện?
Prokho Zykov nắm lấy cái mũi yên bọc sắt, nhìn vào mặt Grigori, khẽ hỏi:
– Grigori nầy, cậu có sợ không?
– Nhưng sợ cái gì cơ chứ?
– Còn sao nữa, có thể là hôm nay chúng mình ra trận đấy.
– Ra trận thì ra.
– Còn mình thì sợ lắm? – Prokho thú nhận, những ngón tay của hắn cứ gióng lại mãi những đoạn dây cương sương thấm lầy nhầy, lộ rõ cả một tâm trạng hoang mang lo lắng. – Suốt đêm trên tàu mình chẳng chợp mắt được lúc nào. Giết chết mình, mình cũng không ngủ được.
Trên đầu đại đội rung chuyển rồi từ từ trườn đi. Một lát sau trung đội ba cất bước theo. Những con ngựa bước đều đặn. Những ngọn giáo cắm vào bên cạnh chân ngật ngưỡng, chập chờn.
Grigori buông cương, thiu thiu ngủ. Chàng có cảm tưởng như không phải hai chân trước của con ngựa bước nhịp nhàng làm chàng lắc lư trên yên mà là chính chàng đang đi bộ tới một nơi nào đó trên một con đường tối đen, ấm ấm, với những bước đi hết sức nhẹ nhàng, sảng khoái.
Prokho vẫn nói không biết những gì bên tai chàng. Nhưng hoà trong tiếng yên ọt ẹt và tiếng vó ngựa lộp cộp, giọng hắn nói không trở ngại gì những ảo giác không vẩn chút lo âu đang tràn ngập tâm hồn chàng.
Đơn vị đi theo con đường nhỏ. Không khí lặng tờ rung lên trong tai như ru ngủ. Lúa yến mạch chín dọc theo con đường bốc hơi trong sương. Những con ngựa cứ chúi đầu xuống những bông lúa thấp lè tè, làm dây cương tuột khỏi tay những anh chàng Cô-dắc. Một ánh sáng dịu dàng luồn vào kẽ hai mí mắt sưng mọng vì mất ngủ của Grigori. Chàng ngửng đầu, vẫn nghe thấy Prokho nói đều đều như tiếng bánh xe bò.
Chợt một tiếng nổ rền truyền nặng nề từ xa tới qua cánh đồng yến mạch làm Grigori tỉnh hẳn.
– Chúng nó bắn rồi! – Prokho gần như kêu lên.
Niềm kinh hoàng làm đục ngầu cặp mắt bò non của hắn. Grigori ngửng đầu lên: trước mắt chàng, chiếc áo ca-pôt màu xám của tên hạ sĩ trung đội lên xuống đều đều theo nhịp lưng con ngựa. Cánh đồng hai bên đờ đẫn mơ màng với những mảnh lúa chưa gặt, với con sơn ca bay chập chờn như nhảy múa ngang tầm các cột dây thép.
Không khí đại đội sôi nổi hẳn lên, tiếng rền như rên rỉ của phát đại bác truyền lan khắp hàng quân như luồng điện. Viên thượng uý Polkonikov thì như bị phát đạn quật cho một roi vào người. Hắn dẫn đại đội tiến nước kiệu. Đi qua chỗ mấy con đường làng gặp nhau gần một cái quán bỏ không, bắt đầu gặp xe cộ của dân chúng chạy giặc. Một đại đội long kỵ binh (2) ăn bận diêm dúa phi như bay qua đại đội Cô-dắc. Tên đại đội trưởng long kỵ binh cưỡi một con ngựa hồng thuần giống và có chòm râu quai nón hung hung. Hắn đưa mắt nhìn đoàn lính Cô-dắc một cách nhạo báng rồi dùng chân thúc ngựa. Một đại đội lựu pháo bị sa lầy ở một khoảng trũng nông sình lầy. Những tên lính dắt ngựa đánh những con ngựa không tiếc tay. Bọn lính pháo binh chạy bấn lên chung quanh. Một gã pháo binh khác, cao lớn, mặt rỗ, mang từ trong cái quán ra một ôm gỗ ván, có lẽ dỡ ở hàng rào.
Một trung đoàn bộ binh đuổi kịp đại đội Cô-dắc. Những người lính bộ binh mặc áo ca-pôtvén tà rảo bước hành quân. Ánh nắng lấp loáng trên những chiếc mũ sắt đánh sạch sẽ, chảy từ trên mũi lưỡi lê xuống. Trong đại đội bộ binh cuối cùng có một gã binh nhất người nhỏ bé, nhưng rất nghịch ngợm. Gã ném cho Grigori một nắm bùn.
– Cậu bắt lấy mà ném bọn Áo!
– Đồ ngựa cái, đừng giở trò khỉ. – Grigori dùng roi ngựa quật rơi nắm bùn đang bay tới.
– Anh em Cô-dắc ơi, gửi dùm chúng nó lời chào của bọn mình nhé!
– Rồi chính các cậu cũng gặp mặt chúng nó thôi!
Toán binh sĩ trên đầu đội hình lải nhải hát mãi một bài tục tĩu.
Một tên lính mông to như mông đàn bà đi giật lùi bên hàng quân, vừa đi vừa đập tay vào ống đôi ủng ngắn. Bọn sĩ quan phá lên cười. Những việc nguy hiểm không còn xa xôi nữa, mùi chết chóc đã xông lên nồng nặc, vì thế hình như họ cũng trở nên gần gụi với binh sĩ hơn, có vẻ rộng lượng hơn.
Những đơn vị bộ binh, những đoàn xe vận tải, những đại đội pháo, những bộ phận quân y nối nhau suốt trên đường từ quán rượu đến làng Gorovisug. Ai nấy đều đã cảm thấy hơi thở đầy chết chóc của những trận chiến đấu sắp nổ ra.
Đến làng Bereteko thì trung đoàn trưởng Kaledin đuổi kịp đại đội bốn. Một trung tá Cô-dắc cưỡi ngựa đi bên cạnh hắn. Grigori nhìn theo cái thân hình đều đặn của viên đại tá, nghe thấy viên trung tá nói giọng đầy lo lắng:
– Thưa ngài Vasili Maximovich, trên bản đồ ba vec-xta (3) không thấy ghi thôn nhỏ nầy. Chúng ta có thể rơi vào tình thế bất lợi.
Grigori không nghe thấy viên đại tá trả lời ra sao. Một viên phó quan đuổi kịp hai tên kia rồi vượt lên trước. Con ngựa hắn cưỡi hơi núng mông trái. Theo thói quen Grigori đánh giá ngay là con ngựa của rất tốt.
Xa xa, dưới chân mặt dốc thoai thoải của cánh đồng thấy hiện ra những túp nhà mái tranh của một thôn nhỏ. Trung đoàn tiến với những nước ngựa chạy khi nhanh khi chậm, song ngựa đã đổ mồ hôi khá nhiều. Grigori đưa tay nắn nắn cái cổ đã sẫm màu con Hạt Dẻ, quay nhìn khắp chung quanh. Phía sau thôn nhìn thấy phần trên của một rừng, những ngọn cây đâm lên bầu trời xanh nhạt như những mũi nhọn xanh lá cây. Tiếng pháo nổ ầm ầm sau dải rừng. Đến lúc nầy tiếng nổ của pháo binh đã làm các chàng kỵ bỉnh inh tai nhức óc bắt họ phải để ý đến ngựa hơn. Giữa những đợt đại bác những loạt súng trường mỗi lúc một nhiều. Khói của những phát trái phá nổ xa tan dần sau khu rừng. Các loạt súng trường đã chập chờn chuyển sang nơi nào đó chếch nhiều hơn sang bên phải cánh rừng lúc thì lắng đi, lúc lại dội lên.
Grigori đánh giá cẩn thận từng tiếng động, thần kinh của chàng mỗi lúc một căng thẳng. Prokho Zykov thì cứ ngọ nguậy trên yên, nói không ngơi miệng.
– Grigori nầy, chúng nó bắn cứ y như trẻ con lấy cái gậy bật vào lan can ấy nhỉ. Có phải thế không?
– Thôi im đi, sao lắm mồm thế?
Đại đội Cô-dắc tiến vào thôn. Binh lính lố nhố trong các sân nhà. Nhà nào cũng nhốn nháo tíu tít: các chủ nhà hối hả, sửa soạn chạy giặc. Bất cứ chỗ nào mặt của những người dân cũng in dấu hoảng hốt, lo lắng. Grigori đi qua một cái sân, thấy mấy tên lính nhóm lửa ngay dưới mái nhà kho, nhưng chủ nhà, một ông lão Belorussia cao lớn, râu tóc bạc phơ, đang bị đè nặng dưới cái tai hoạ bất ngờ vừa ập tới cứ bước qua mà chẳng để ý gì cả. Grigori thấy gia đình ông ném lên chiếc xe tải những cái gối bọc áo gối đổ cùng những đồ vứt đi khác, còn chủ nhà thì mang rất cẩn thận một cái đai bánh xe đã hỏng, chẳng dùng được việc gì nữa. Có lẽ của nợ ấy đã nằm trong nơi xếp đồ cũ hàng chục năm rồi.
Grigori rất ngạc nhiên trước đầu óc ngu si đần độn của cánh đàn bà. Họ lôi lên xe những chậu hoa, những bức hình thánh, nhưng để lại trong nhà những vật cần thiết và có giá trị. Một người không biết là ai tháo tung một cái gối làm lông bên trong bay mù mịt khắp phố như một trận bão tuyết. Nồng nặc mùi bồ hóng cháy khét và mùi mốc meo xông ra từ các hầm nhà. Grigori đi đến chỗ ra khỏi thôn thì có một người Do Thái chạy tới trước mặt chàng. Tiếng kêu làm miệng người đó mở hoác giữa cặp môi mỏng dính, hệt như một vết gươm chém.
– Ngài Cô-dắc ơi! Ngài Cô-dắc ơi! Chao ôi, trời đất ơi!
Một gã Cô-dắc nhỏ bé, đầu tròn xoe vung roi, chạy nước kiệu, mặc người đó kêu.
– Đứng lại! – Viên thượng uý chỉ huy đại đội hai quát gọi gã Cô-dắc.
Gã Cô-dắc cúi rạp xuống mũi yên, chuồn vào một cái ngõ.
– Đứng lại, quân khốn kiếp! Trung đoàn nào?
Cái đầu tròn xoe của gã Cô-dắc áp sát cổ con ngựa. Như trong một cuộc đua, gã cho ngựa phi một nước đại điên rồ. Khi đến bên một dãy hàng rào cao, gã kéo cương cho con ngựa chồm lên, nhẹ nhàng nhảy tót sang bên kia.
– Bẩm quan lớn, bên ấy là trung đoàn Chín. Thằng nầy đúng là thuộc trung đoàn ấy đấy. – Lão quản báo cáo với viên thượng uý.
– Mặc mẹ nó, – Viên thượng uý cau mày nói rồi quay về phía người Do Thái đang đứng sát bàn đạp – Nó lấy của anh cái gì hử?
– Thưa ngài sĩ quan… đồng hồ, thưa ngài sĩ quan! – Người Do thái quay khuôn mặt rất đẹp nhìn mấy sĩ quan vừa đi ngựa tới, hai con mắt hấp háy mãi.
Viên thượng uý lấy chân đưa bàn đạp sang bên, cho con ngựa tiến lên.
– Bọn Đức đến thì chúng nó cũng lấy thôi. – Hắn vừa nói vừa mỉm cười sau hàng ria rồi bỏ đi.
Người Do Thái vẫn ngơ ngác đứng sững giữa đường, da mặt giật giật như chuột rút.
– Lánh ra, ngài Do Thái! – Viên đại đội trưởng hất roi lên, giọng nghiêm khắc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.