Sông Đông êm đềm

Chương 67



Nhà thương chữa mắt của bác sĩ Snegirov có mảnh vườn nhỏ. Các ngõ ở ngoại ô Moskva có rất nhiều mảnh vườn không làm người ta thoải mái với những cây bị xén tỉa như thế nầy. Trong các vườn ấy con mắt không được nghỉ ngơi, không quên được cái chán ngán nặng tựa đá đeo của thành phố và càng nhìn lại càng nhớ một cách sâu sắc và đau khổ hơn cái cảnh tự do man rợ của núi rừng.

Mùa thu đang ngự trị trong mảnh vườn nhà thương: màu đồng thau của lá rụng đã phủ đầy con đường nhỏ; sương muối ban mai làm những bông hoa héo rũ; mầu xanh mọng nước tràn ngập các thảm cỏ Những ngày đẹp trời, người bệnh đi dạo trên những con đường nhỏ, lắng nghe những hồi chuông nhà thờ dóng dả trên thành phố
Moskva ngoan đạo. Những ngày xấu trời (mà năm ấy phần nhiều lại là những ngày xấu trời), họ láng cháng từ phòng nầy sang phòng khác hoặc nằm dài trên giường, chẳng nói chẳng rằng, tự mình làm mình chán ngấy, hoặc làm nhau chán ngấy.
Người bệnh trong nhà thương phần lớn là dân thường, binh lính bị thương ở chung một phòng, tất cả có năm người: Yan Vareykit, một anh chàng tóc đỏ cao lớn người Ladvia có chòm râu xén tỉa vừa rộng vừa rậm; Ivan Vrublevsky, một gã long kỵ binh đẹp trai hai mươi tám tuổi, quê ở tỉnh Vladimir, gã khinh binh Kosyk người Sibiri; Burdin, một gã bộ binh nhỏ bé, da vàng ệch, động đậy luôn chân luôn tay và Grigori Melekhov. Đến cuối tháng chín lại có thêm một người nữa được đưa đến. Mọi người đang uống trà buổi tối thì có tiếng chuông réo rắt rất lâu. Grigori nhìn ra hành lang.
Ba người bước vào phòng ngoài: một người nữ y tá và một người mặc áo tréc-két(1) cùng xốc nách một người thứ ba. Chắc hẳn vừa ở nhà ga tới đây: chứng cớ rành rành là chiếc áo va-rơi bộ binh bẩn thỉu trên ngực đầy những vết máu nâu nâu. Ngay tối hôm ấy anh ta phải lên bàn mổ. Sau những công việc sửa soạn ngắn ngủi (tiếng luộc đồ mổ lách cách vẳng tới các phòng), người mới đến được đưa vào phòng mổ. Vài phút sau, từ trong đó vang ra tiếng khe khẽ: trong khi người ta nạo nốt phần còn lại của con mắt bị mảnh đạn bắn lòi ra anh ta được đánh thuốc mê, nên hết cất tiếng hát lại ú ớ văng tục. Mổ xong, anh ta được đưa về phòng thương binh. Hai mươi bốn giờ sau, đầu óc anh ta thoát khỏi trạng thái mê mệt li bì vì thuốc mê, và anh ta kể lại rằng mình đã bị thương ở gần Verberg trên mặt trận Đức Anh ta vốn là một tay bắn súng máy, họ là Garangia, người tỉnh Trecnigov. Chỉ vài ngày Garangia đã đặc biệt chơi thân với Grigori vì giường hai người kê cạnh nhau. Sau giờ kiểm tra buổi tối, hai người còn thì thầm to nhỏ với nhau rất lâu.
– Thế nào, anh chàng Cô-dắc, tình hình cậu ra sao?
– Trắng như bồ hóng ấy.
– Còn con mắt: hiện giờ thế nào?
– Mình vẫn đi tiêm.
– Họ tiêm cho bao nhiêu mũi rồi?
– Mười tám.
– Có đau không?
– Không, dễ chịu lắm.
– Sao cậu không xin họ nạo quách đi cho xong.
– Đâu phải ai cũng có thể mang con mắt chột được?
– Ừ phải đấy.
Chàng láng giềng của Grigori vưa dễ cáu vừa ác khẩu. Garangia không vừa lòng về tất cả: anh ta chửi chính quyền, chửi chiến tranh, chửi số phận mình, chửi các món ăn của nhà thương, chửi gã nấu bếp, chửi các bác sĩ, chửi tất cả những cái gì vô phúc vướng phải cái lưỡi cay độc của anh ta.
– Mình với cậu, hai cái thằng hạng bét nầy, đánh nhau làm gì nhỉ?
– Tất cả mọi người đánh nhau vì cái gì thì chúng mình cũng vì cái ấy.
– Thế cậu hãy nói rõ cho mình nghe xem, nói thật rõ vào.
– Thôi cậu hãy để mình yên?
– Hà? Cái thằng đến là ngốc? Việc nầy còn phải xem xét thật kỹ mới được. Chúng mình đánh nhau cho bọn tư sản, cậu có thấy thế không? Mà tư sản là cái gì? Là một giống chim sống trong những đám cây đay.
Garangia giảng cho Grigori nghe những từ khó hiểu và luôn miệng đưa thêm vào lời nói của anh ta những câu chửi xói móc cay độc;
– Thôi đừng ba hoa thiên địa nữa! Mình nghe không hiểu cái giọng khô-khon của cậu đâu, – Grigori ngắt lời Garangia.
– Chà cái cậu nầy! Thế cậu, cái thằng moskan nầy, cậu không hiểu à?
– Cậu hãy nói chậm một chút.
– Nhưng mình có nói nhanh lắm đâu, người anh em thân mến.
– Cậu bảo vì nhà vua, nhưng nhà vua là cái gì hử? Nhà vua là một con sâu rượu, hoàng hậu là một con đĩ. Chiến tranh đổ thêm tiền bạc vào túi bọn “pan“, còn chúng mình thì chỉ được lồng vào cổ… một cái vòng thòng lọng. Cậu có hiểu không? Hử? Chủ nhà máy rượu nốc đến họng, binh lính rận giết chán tay, cả hai bên đều nhọc nhằn cả… Chủ nhà máy nhét tiền lãi đầy túi, còn thợ thuyền quần áo rách hở da hở thịt, cái trật tự hiện nay là như thế đấy… Cứ phục vụ đi, anh chàng Cô-dắc, cứ phục vụ đi! Rồi cậu sẽ được tặng thêm một chữ thập nữa, một chữ thập thật đẹp, bằng gỗ sồi… – Garangia vốn nói tiếng Ukraina, nhưng năm thì mười hoạ, trong những phút quá sôi nổi, anh ta chuyển sang nói tiếng Nga thì lại nói rất rõ ràng, cùng với những lời chửi rủa.
Ngày nầy qua ngày khác, Garangia đã dần dần đưa được vào đầu óc Grigori những điều chân lý mà cho đến nay chàng chưa từng biết tới. Anh ta vạch trần các nguyên nhân chân chính đã làm nổ ra chiến tranh và chế giễu một cách cay độc chính quyền độc tài Nga hoàng.
Grigori cũng tìm cách cãi lại, nhưng Garangia đã dồn chàng vào ngõ cụt bằng những câu hỏi đơn giản, đơn giản nhưng chết người, và Grigori bắt buộc phải đồng ý.
Điều đáng sợ nhất là trong thâm tâm Grigori cảm thấy Garangia nắm phần chân lý, còn mình thì hoàn toàn bất lực không thể đưa ra những lý lẽ cãi lại, cái lý lẽ ấy không có và không thể nào tìm ra được. Grigori kinh hoàng nhận thấy rằng anh chàng Ukraina thông minh và hung dữ nầy đã tuần tự, nhưng từng bước chắc chắn phá tan tất cả cái khái niệm xưa kia của chàng về nhà vua, về Tổ quốc và về nghĩa vụ đi lính của người Cô-dắc.
Một tháng sau khi Garangia đến nhà thương, tất cả những điều tưởng chừng vững chắc làm cơ sở cho ý thức của Grigori đều tan thành tro bụi. Các cơ sở ấy đã mục nát, tính chất ngu xuẩn quái đản của chiến tranh đã đục khoét nó như rỉ ăn sắt, và bây giờ chỉ cần có một cái gì đẩy mạnh. Cái gì đẩy mạnh ấy đã có rồi, tư duy đã bừng tỉnh, đã làm kiệt sức, đã đè bẹp cái đầu óc đơn giản và ngây thơ của Grigori. Chàng lăn lộn, cố tìm lối thoát, tìm cách giải bài toán vượt quá trí thông minh của chàng, và chàng đã thoả mãn tìm thấy cách giải bài toán ấy trong những câu trả lời của Garangia.
Có một đêm, đã khuya lắm Grigori đang nằm trên giường nhỏm dậy đánh thức Garangia. Chàng sang ngồi trên giường Garagia. Ánh trăng tháng chín hơi có màu xanh lá cây, chiếu vào cửa sổ qua tấm rèm hạ xuống một phần. Garangia tỉnh dậy, hai bên má anh ta hõm xuống, sẫm lại như màu cát, con mắt đen sâu hoắm long lanh ướt ướt. Anh ta ngáp một cái, rồi thấy lạnh, bèn lấy chăn quấn vào chân.
– Còn chưa ngủ à?
– Chẳng làm thế nào chợp được mắt. Cái ngủ nó chuồn khỏi người mình rồi. Cậu hãy giảng cho mình nghe cái chuyện nầy: chiến tranh làm lợi cho một số người, làm hại những người khác…
– Thế sao? A-ha-a-a… – Garangia lại ngáp.
– Để mình nói đã! – Grigori nổi xung lên khẽ nói. – Cậu bảo chính vì nhu cầu của bọn nhà giàu mà họ đẩy chúng mình đến chỗ chết, nhưng còn nhân dân thì sao? Chẳng nhẽ nhân dân không hiểu hay sao? Chẳng nhẽ không có những người có thể nói ra hay sao? Tất sẽ có người bước ra mà nói: “Anh em ơi, anh em phải đổ máu mà chết là vì thế nầy nầy”.
– Thế nào, bước ra mà nói ấy à? Cậu bảo sao, nói lên ấy à? Được, mình cũng muốn xem cậu bước ra nói như thế nào đấy. Trong lúc nầy hai chúng mình cứ phải thì thầm như hai con ngỗng trong bãi lau, và chỉ cần nói to lên một tiếng sẽ là có viên đạn bay tới ngay. Nhân dân đang sống trong cảnh ngu dốt đen tối. Chiến tranh sẽ làm cho họ thức tỉnh. Sấm nổ trong mây là mưa sắp đổ ào đến nơi…
– Thế thì phải làm gì bây giờ? Nói đi, đồ chó đẻ! Cậu đã làm cho lòng dạ mình rối bời bời đây nầy!
– Lòng dạ cậu cảm thấy thế nào?
– Mình cũng chẳng hiểu, – Grigori thú nhận.
– Kẻ nào muốn đẩy mình xuống vực thì mình sẽ đẩy nó xuống trước. Điều cần thiết là không ngại ngùng quay mũi súng trở lại. Cần phải nã một viên đạn vào đầu kẻ nào đẩy con nhà người ta vào lò sát sinh. Cậu phải biết rằng, bão to lên một trận là tất cả sẽ sạch quang.
Grigori nhỏm dậy, nghiến răng, vươn hai tay ra:
– Thế theo ý cậu thì… phải đặt lại tất cả đầu xuống đất chân lên trời hay sao?
– Đúng! Phải quẳng cái chính quyền nầy đi như một cái quần bẩn. Phải lột da bọn “pan” ra, phải vặn hết răng chúng nó, vì chính chúng nó đã cho nhân dân ăn quai hàm.
– Nhưng dưới chính quyền mới thì sẽ làm thế nào với chiến tranh? Con người ta vẫn cứ giết nhau, không chúng ta thì cũng con cái chúng ta… Dùng cái gì mà chặt ngắn được chiến tranh? Làm thế nào diệt hẳn được chiến tranh, mà con người thì đã đánh nhau từ đời xửa đời xưa rồi?
– Đúng thế, chiến tranh đã có từ đời xửa đời xưa và chiến tranh sẽ không thể bị diệt bỏ chừng nào trên thế giới nầy còn có những chính quyền ngu xuẩn. Thế đấy! Nếu nước nào cũng có chính quyền của thợ thuyền thì lúc đó người ta sẽ không đánh nhau nữa. Đó chính là điều cần phải có cho kỳ được. Còn bọn hiện nay thì phải tống mẹ chúng nó vào sáu tấm gỗ sồi! Mà rồi sẽ như thế đấy!
Người Đức cũng như người Pháp, ở mọi nước rồi sẽ lập nên chính quyền của thợ thuyền và dân cày. Đến lúc ấy thì chúng ta còn đánh nhau làm gì nữa! Biên giới, hết mẹ biên giới! Thù dân tộc, hết mẹ thù dân tộc! Trên khắp thế giới đều chỉ có một cuộc sống đẹp như vàng mười. Chà? – Garangia thở dài rồi nhai nhai hai đầu hàng ria, long lanh con mắt duy nhất còn lại, mỉm một nụ cười mơ mộng. – Grigori ạ, mình sẽ nhỏ dần từng giọt máu để được sống tới ngày ấy… Trong lòng mình cứ như lửa đốt ấy…
Hai người chuyện trò với nhau đến lúc trời hửng. Grigori thiếp đi trong bầu không khí tranh tối tranh sáng xám ngoét, giấc ngủ chẳng yên tĩnh chút nào.
Đến sáng có tiếng người lao xao và tiếng khóc làm chàng thức giấc. Ivan Vrublevsky đang nằm úp mặt xuống giường khóc nức nở.
Người nữ y sĩ, Yan Vareykit và Kosyk đứng chung quanh gã.
– Có gì mà cậu ấy sụt sịt thế? – Burdin thò đầu ra khỏi chăn hỏi giọng khàn khàn.
– Con mắt giả của cậu ấy vỡ mất rồi. Vừa lấy nó trong cái cốc ra thì đánh rơi ngay xuống sàn, – Kosyk trả lời, giọng nói có vẻ khoái trá một cách độc ác hơn là thương hại.
Có một lão người Đức vào làng Nga làm nghề bán mắt giả. Lão động lòng yêu nước, đem hàng của lão tặng cho binh sĩ không lấy tiền. Hôm qua người ta vừa mới chọn và lắp cho Vrublevsky một con mắt thuỷ tinh làm hết sức tinh vi, cũng màu xanh da trời và đẹp như mắt thật. Con mắt giả đã được chế tạo khéo đến nỗi dù để ý xem xét thật kỹ cũng không thể phân biệt con mắt thật với con mắt giả.
Vrublevsky sướng quá cười như con nít.
– Mình về nhà sẽ lừa được bất cứ con nào, – Hắn nói giọng vùng Vladimir. – Mình sẽ cưới xong xuôi rồi mới thú thực là có một con mắt thuỷ tinh.
– Sẽ lừa được đấy? – Burdin phá lên cười. Lúc nào gã cũng chỉ ê a một bài nói về Đunhia và con dán cắn mất chiếc áo dài không có tay của Đunhia. Nhưng chuyện bất ngờ không may vừa nãy đã xảy ra, thế là anh chàng đẹp trai nhà ta về làng vẫn chỉ có một con mắt.
– Thôi đừng khóc nữa, họ sẽ cho cậu con mắt khác, – Grigori dỗ gã.
Vrublépsky ngẩng bộ mặt khóc đến sưng vù, một cái lỗ ươn ướt đỏ lòm thay cho con mắt.
– Họ sẽ không cho đâu. Con mắt ấy, giá của nó là ba trăm rúp đấy. Họ sẽ không cho đâu.
– Thật là mắt ra mắt! Vẽ đủ không thiếu một mạch máu nào, – Kosyk trầm trồ kêu lên.
Sau bữa trà sáng, Vrublépsky cùng người nữ y sĩ đến cửa hiệu của lão người Đức, lão lại chọn ngay cho một con mắt khác.
– Người Đức họ tốt hơn người Nga! – Vrublépsky sướng như điên.
– Tìm đến một lão lái buôn Nga thì đừng hòng mà xin. Lão nầy thì cho ngay mà chẳng nói một lời.
 
***
 
Tháng chín đã trôi qua. Thời gian dè sẻn buông thả từng ngày. Ngày nọ nối ngày kia, dài tưởng không bao giờ hết, ngày nào cũng tràn ngập một nỗi buồn chết người. Sáng sáng, đến chín giờ thì uống trà. Mỗi người bệnh được phát một cái đĩa nhỏ trên có hai lát bánh mì nướng kiểu Pháp, cắt mỏng đến nhìn suốt qua được và một mẩu bơ bằng ngón tay út. Ăn bữa trưa xong, người bệnh ra về, bụng đói vẫn hoàn đói. Đến tối lại nước trà, muốn đổi món thì có thể đổ thêm nước lạnh vào. Hàng ngũ con bệnh cũng có thay đổi. Trong “phòng quân sự” (các người bệnh trong nhà thương gọi như vậy phòng của binh lính bị thương), người đầu tiên ra viện là gã Kosyk người Sibiri, rồi đến gã Vareykit người Ladvia. Và đến cuối tháng mười Grigori cũng được cấp giấy ra viện.
Viên bác sĩ chủ nhà thương. Snegirov là một người đẹp trai có chòm râu xén tỉa ngay ngắn. Hắn thử mắt cho Grigori xong, nói rằng sức nhìn của chàng là ở mức thoả mãn. Trong một căn phòng tối, người ta cho Grigori xem những chữ và con số to được chiếu sáng, đặt cách chàng một khoảng nhất định. Chàng được ra viện và chuyển đến nhà thương ở đường Tverkaia vì vết thương trên đầu đã chữa khỏi rồi lại bỗng nhiên há miệng và hơi có mủ. Lúc chia tay với Garangia, Grigori hỏi:
– Chúng ta còn gặp nhau nữa không?
– Núi thì có bao giờ gặp núi…
– Thôi cậu khô-khon, cám ơn cậu đã mở mắt cho mình. Bây giờ mình đã sáng mắt và đã… ác rồi!
– Cậu về trung đoàn sẽ nói các chuyện ấy với anh em Cô-dắc nhé.
– Được.
– Nếu cậu có dịp qua làng Gorokhovka vùng Trecnigov thì cứ hỏi nhà bác thợ đóng móng ngựa Andrey Garangia, ông cụ nhà mình sẽ rất sung sướng được gặp cậu. Thôi tạm biệt, người anh em!
Hai người ôm lấy nhau. Trí nhớ của Grigori còn ghi lại rất lâu hình ảnh của anh chàng Ukraina độc nhỡn long có con mắt nghiêm khắc những đường nét dịu dàng của cái miệng, và hai cái má xám như màu cát.
Grigori phải nằm nhà thương chừng mười ngày. Chàng ấp ủ trong lòng một quyết tâm chưa thành hình dứt khoát. Tinh thần phẫn nộ trong những lời giảng của Garangia truyền đi khắp người chàng.
Chàng rất ít chuyện trò với những người nằm cùng phòng bệnh. Mỗi cử chỉ cử động của chàng đều lộ rõ cả một tâm trạng bối rối băn khoăn. Lúc tiếp nhận người bệnh, lão giám đốc nhà thương nhìn qua mặt Grigori, một bộ mặt không phải của người Nga, đã nhận định chàng là “tâm thần không yên tĩnh”.
Mấy hôm đầu, Grigori bị sốt. Chàng nằm lì trên giường lắng nghe những tiếng vang như chuông không lúc nào ngớt trong tai. Chính trong những ngày ấy đã xảy ra chuyện dưới đây.
Một nhân vật trong hoàng tộc từ Voronez tới, rủ lòng thương cao cả đến thăm nhà thương. Được báo tin đó từ buổi sáng, các nhân viên y vụ anh nào anh náy chạy tới chạy lui rối rít như những con chuột trong một nhà kho đang cháy. Các binh lính bị thương được cho ăn mặc sạch sẽ, khăn trải giường chưa đến kỳ đã thay làm họ băn khoăn. Viên bác sĩ trợ lý thậm chí còn cố dạy cho mọi người biết cách trả lời nhân vật cao quý ấy, và khi nói năng với ngài thì tư thế phải như thế nào. Tâm trạng lo lắng lây sang cả các thương binh: một số đã bắt đầu chỉ nói thì thầm ngay trước cuộc viếng thăm. Đến giữa trưa thì nghe thấy tiếng còi ô tô bí bo ở cổng nhà thương. Vị hoàng thân bước vào giữa hai cánh cổng mở toang, theo sau là một đoàn tuỳ tùng với nhân số xứng đáng với địa vị của ngài. (Một thương binh tính vui nhộn và hay pha trò cam đoan với các bạn của anh ta rằng khi các vị khách trứ danh ấy đến nơi, lá cờ mang chữ thập đỏ của nhà thương đột nhiên đập phần phật tuy lúc đó trời rất quang và chẳng gợn một chút gió nào, đồng thời bên kia đường, anh chàng công tử bột tóc xoăn vẽ trên tấm biển chiêu hàng của hiệu thợ cạo cũng làm một cử động tựa như khuỵu đầu gối xuống chào).
Cuộc đi thăm các phòng bệnh bắt đầu. Nhân vật cao quý hỏi những câu kỳ quặc, vô nghĩa lý, thích hợp với địa vị và hoàn cảnh của ngài.
Theo lời dặn của viên bác sĩ trợ lý, anh em thương binh giương mắt to hơn cả mức quy định trong hàng ngũ trả lời: “Bẩm hoàng thân điện hạ, đúng như thế ạ” hoặc “Bẩm không ạ”, kèm theo cũng tước hiệu đó. Lão giám đốc nhà thương bình luận các câu trả lời, người oặn oẹo như con rắn nước bị mũi chàng nạng chặn xuống đất, đứng xa mà nhìn đến là đáng thương. Nhân vật trong hoàng tộc đi từ giường nọ sang giường kia, phân phát những bức tượng thánh nhỏ.
Đám người bận đồng phục choáng lộn đi tới gần Grigori giữa những làn sóng nước hoa đắt tiền xông ra nồng nặc như những làn sóng.
Chàng đứng bên giường của chàng, râu chưa cạo, mặt gấy rộc, mắt đỏ ngầu. Hai cái gò má nâu nhọn hơi run run lộ rõ cả một niềm phẫn nộ trong lòng.
“Chính chúng nó đây, chính vì sự sung sướng phè phỡn của bọn nầy mà chúng mình bị lôi cổkhỏi nhà, khỏi cửa và bị ném vào chỗ khác. Chà, cái lũ rắn độc! Những thằng đáng nguyền rủa! Quân ăn dơ! Chính cái lũ chấy rận hút máu trên sống lưng mình đây rồi! Chẳng phải vì cái bọn nầy mà chúng mình cho ngựa dẫm nát hoa mầu lúa má của người ngoài, mà chúng mình đi giết người hay sao? Còn chính mình phải bò trên những cuống rạ, mà kêu la, phải chịu những cơn kinh hồn khiếp đảm, phải rời bỏ gia đình, tới chịu cực chịu khổ trong trại lính, chẳng phải vì chúng nó hay sao? “Một mớ bòng bong những ý nghĩ sôi sục quay lộn trong đầu chàng. Cơn tức giận hung dữ làm miệng chàng méo xệch”. Tất cả chúng nó đều sao mà béo tốt thế, sao mà hào nhoáng thế. Cái quân ba lần chết tiệt nầy, phải cho chúng mày ra ngoài ấy mới được! Phải cho chúng mày lên ngựa, đeo súng, cho chúng mày chấy rận đầy người, phải nuôi chúng mày bằng bánh mốc, thịt giòi mới được!”
Grigori nhìn như xuyên thủng bọn sĩ quan tuỳ tùng ăn vận lộng lẫy rồi dừng hai con mắt đục ngầu trên cặp má lũng nhũng như hai cái túi của nhân vật trong hoàng tộc.
– Binh sĩ Cô-dắc sông Đông, đã được thưởng huân chương thánh Gióoc. – Lão giám đốc nhà thương khom người chỉ Grigori. Nghe giọng lão nói thì có thể tưởng như chính lão đã được thưởng huân chương.
– Trấn nào? – Nhân vật cao quý hỏi, tay cầm sẵn một bức tượng thánh.
– Bẩm hoàng thân điện hạ, trấn Vosenskaia.
– Được thưởng huân chương vì công lao gì?
Cặp mắt sáng của nhân vật cao quý nom trống rõng, đầy vẻ âu sầu chán ngán và phè phỡn thoả thuê. Hàng lông mày hung hung bên trái giương lên đúng như đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để gây ấn tượng, Grigori bất giác thấy lạnh nhói trong ngực, y như cảm giác lúc bắt đầu xung phong. Môi chàng không giữ được bình thường nữa, vẹo đi, run lên.
– Tôi muốn… Tôi cần phải đi… cần phải, bẩm điện hạ… đi tiểu tiện… – Grigori lảo đảo như người kiệt sức, khoác rộng tay chỉ xuống gầm giường.
Hàng lông mày bên trái của nhân vật cao quý dựng đứng lên, bàn tay cầm bức tượng thánh đưa ra đến nửa đường thì sững lại. Ngài ngạc nhiên trễ cái môi dưới của một người quen cằn nhằn, quay lại nói một câu tiếng Anh với viên tướng tóc bạc theo hầu. Đám tuỳ tùng chỉ hơi để lộ vẻ lúng túng: một viên sĩ quan cao lớn đeo dây ngù vai đưa bàn tay đeo chiếc găng trắng như tuyết lên mắt; viên thú hai cúi đầu, viên thứ ba nhìn vào mặt viên thứ tư như muốn hỏi gì…
Viên tướng tóc bạc cung kính mỉm cười, dùng tiếng Anh thưa với hoàng thân điện hạ không biết những gì, và nhân vật cao quý cũng gia ân nhét bức tượng thánh vào tay Grigori, thậm chí còn ban cho chàng một cái ơn tối cao nữa là khẽ chạm tay vào vai chàng.
Sau khi các vị khách cao quý đã ra về, Grigori nằm vật xuống giường. Chàng vùi đầu vào gối, nằm liền mấy phút, hai vai rung lên. Không thể nào biết được là chàng khóc hay cười, nhưng lúc chàng đứng dậy thì hai con mắt ráo hoảnh và sáng ra. Viên giám đốc nhà thương gọi ngay chàng lên bàn giấy.
– Mày là một thằng lưu manh! – Hắn đã mở miệng như thế, những ngón tay nắm chặt chòm râu màu lông thỏ.
– Đồ chó đẻ, tao không phải là một thằng lưu manh như mày nói đâu! – Grigori vừa nói vừa đi tới trước mặt viên bác sĩ. Hàm dưới trễ xuống, chàng cũng không kéo lên được. – Ngoài mặt trận có trông thấy mặt chúng mày đâu? – Rồi chàng tự chủ được, giọng nói đã trầm tĩnh – Cho tôi về nhà thôi!
Viên bác sĩ lùi lại tránh Grigori, lão bước ra sau bàn giấy và nói bằng một giọng nhẹ nhàng hơn:
– Chúng tôi sẽ cho về. Thôi xéo đi cho khuất mắt!
Grigori bước ra ngoài, miệng run run cười, mắt long lên vì điên tiết với hành động quái đản, không thể tha thứ được của Grigori trước mặt nhân vật cao quý, ban giám đốc nhà thương đã truất phần ăn của chàng ba ngày ba đêm liền. Nhưng các bạn cùng phòng và người nấu bếp tốt bụng mắc bệnh sa đì đã cho chàng ăn.
Chú thích:
(1) Một kiểu áo ngoài của đàn ông vùng Kavkaz bó sát người trên ngực có khâu nhiều lỗ mắc đạn. (ND)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.