Sông Đông êm đềm

Chương 71 phần 2



Trecnoiasky đã vượt lên trước họ, tiến tới cái cầu bắc qua sông Stokhot. Một tiểu đội mạnh có trọng liên của một trong các trung đoàn trịch đạn binh bảo vệ cầu nầy. Tên quản báo cáo tình hình với tiểu đoàn trưởng, rồi tiểu đoàn vượt qua cầu và được phân công như sau: hai đại đội tiến về bên phải, một đại đội tiến về bên trái, còn đại đội cuối cùng thì đi cùng viên tiểu đoàn trưởng, làm nhiệm vụ hậu bị. Các đại đội tản khai thành đội hình chiến đấu và tiến lên. Khu rừng thưa thớt đã bị đạn nổ làm thủng lỗ chỗ. Bọn lính bộ binh vừa đi vừa đưa chân dò cẩn thận mặt đất. Chốc chốc lại có một anh chàng ngã và khẽ văng tục. “Bồi” tiến trong đại đội ở đầu sườn bên phải và là người thứ sáu tính từ đầu tuyến tản khai. Nghe thấy lệnh “chuẩn bị chiến đấu” “Bồi” bật chốt an toàn trên khẩu súng trường, chĩa mũi súng về phía trước, mũi lưỡi lê chạm vào các bụi rậm, làm sướt thân những cây thông. Hai viên sĩ quan đi qua bên cạnh “Bồi” dọc theo đội hình chiến đấu, vừa đi vừa nén giọng nói chuyện với nhau. Viên đạị đội trưởng than vãn bằng một giọng nam trung già dặn, ngọt ngào.
– Vết thương cũ của tôi lại mở miệng rồi. Sao ma quỷ không lôi cái gốc cây ấy đi! Ngài có biết không, ngài Ivan Ivanovich, đêm tối như bưng thế nầy, tôi đã vấp chân vào một gốc cây. Kết quả là vết thương lại toác miệng không thể đi được nữa đâu, phải quay trở lại đây – Giọng nam trung của viên đại đội trưởng lắng đi một phút rồi lại vẳng tới, xa dần, mỗi lúc một nhỏ. – Ngài sẽ nắm quyền chỉ huy nửa đại đội thứ nhất. Bordanov sẽ chỉ huy nửa đại đội thứ hai, còn tôi tôi thú thực là không thể gắng gượng được nữa rồi. Tôi bắt buộc phải quay trở lại.
Viên chuẩn uý Belikov trả lời bằng giọng nam cao khàn khàn; oăng oẳng như chó sủa:
– Kỳ quặc thật! Cứ sắp chiến đấu là những vết thương cũ của ngài lại mở miệng.
– Ngài chuẩn uý, tôi đề nghị ngài im đi! – Viên đại đội trưởng cất cao giọng.
– Xin ngài làm ơn đừng nói như thế! Ngài có thể quay trở lại cũng được?
“Bồi” lắng nghe những tiếng bước chân của mình và của người khác thấy sau lưng có những tiếng dẫm loạt soạt, vội vã, biết rằng viên đại đội trưởng đã chuồn. Một phút sau, Belikov cùng tên quản chuyển sang cánh bên trái của đại đội, hắn vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Quân đê tiện, chúng nó đánh hơi biết trước rồi mà! Hễ tình hình sắp gay go là lăn ra ốm, là các vết thương cũ mở miệng. Còn những thằng lớ ngớ chưa biết gì lại phải dẫn nửa đại đội tiến lên… Quân đểu cáng! Tao thì đem bọn lính nầy…
Tiếng nói bỗng lặng đi, “Bồi” chỉ còn nghe thấy tiếng chân mình dẫm lõm bõm và tiếng ù ù trong tai.
– Nầy, người anh em đồng hương? – Chợt bên trái có người thì thầm giọng khàn khàn:
– Gì thế?
– Cậu vẫn tiến đấy à?
– Vẫn tiến. – “Bồi” vừa trả lời vừa ngã phệt xuống một hố đạn đầy nước.
– Trời tối quá… – Lại có tiếng người bên trái.
Hai người cứ đi như thế chừng một phút: chẳng ai trông thấy ai, nhưng bất thình lình cái giọng khàn khàn lúc nầy lại vang lên ngay bên tai “Bồi”:
– Chúng mình cùng đi với nhau nhá! Như thế sẽ đỡ sợ…
Cả hai lại lặng thinh dẫm đôi ủng sũng nước trên mặt đất ẩm ướt. Vành trăng lưỡi liềm vẩn đục bỗng ló ra từ sau mép một đám mây, lấp loáng vài giây như một cái vẩy cá vàng vàng, rồi lại ngẩn như con cá giếc vàơ những đám mây trôi cuồn cuộn như những đợt sóng, cuối cùng ngoi ra được một khoảng trời quang và dội xuống dưới một thứ ánh sáng ảm đạm. Lá thông ướt lấp lánh như lân tinh. Có cảm tưởng như dưới ánh trăng, mùi lá thông xông ra mạnh hơn, hơi đất ẩm bốc lên lạnh hơn. “Bồi” đưa mắt nhìn người đi bên cạnh.
Bỗng nhiên anh ta đứng sững lại, miệng há hốc, đầu lảo đảo như vừa bị ăn một đòn.
– Cậu xem kìa! – Anh ta thều thào.
Cách hai người chừng ba bước, có một anh chàng dạng rộng hai chân, đứng dựa lưng vào một cây thông.
– Có một người, – “Bồi” không biết rằng mình đã nói hay mới định nói.
– Ai? – Người lính đi bên cạnh “Bồi” bỗng giương súng lên vai quát lên – Anh là ai hử? Nó không tôi bắn!
Anh chàng đứng dưới gốc thông vẫn ngậm tăm. Đầu hắn gục xuống, vẹo sang bên, như một bông hướng dương.
– Nó đang ngủ! – “Bồi” cười khàn khàn. Anh chàng cười gượng gạo để lấy can đảm và run run bước tới.
Hai người đi tới mặt kẻ đứng ở gốc cây. “Bồi” vươn cổ ra nhìn.
Người bạn mới của “Bồi” lấy báng súng khẽ đụng vào cái hình người xam xám đứng không động đậy.
– Nầy, cái cậu dân Penza(1) nầy! Ngủ đấy à? Người anh em đồng hương! – Anh ta nói giọng giễu cợt.
– Kỳ quặc thật: làm sao thế nầy hử? Rồi anh ta bỗng tắc họng, – Một xác chết! – Anh ta kêu lên, nhảy lùi lại.
“Bồi” cũng nhảy vọt về phía sau, hai hàm răng thi nhau tranh trưởng. Ở ngay chỗ trước đây một giây hai người còn đặt chân, anh chàng đứng dưới gốc thông đã lăn đùng ra như cái cây bị cưa ngang.
Hai người lật ngửa cái xác lên xem và lúc nầy mới đoán được rằng đây là một người lính bộ binh thuộc một trong ba tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh 256. Anh ta bị trúng độc, cố chạy trốn thần chết, nhưng hơi độc đã ngấm vào tới phổi nên đã tìm thấy chỗ nghỉ chân cuối cùng ở gốc thông nầy. Còn trẻ, cao lớn, vai rất rộng, anh ta nằm ngật hẳn đầu ra sau, bún dính nhớp bám bê bết vào mặt trong lúc anh ta ngã xuống, hai con mắt bị hơi độc ăn mọng lên, cái lưỡi to đần đẫn, những thịt là thịt, thòi ra qua hai hàm răng nghiến chặt, thoạt nhìn không biết là một cục gì vừa đen vừa bóng.
– Thôi đi đi! Đi đi thôi, lạy Chúa tôi! Cứ mặc hắn nằm lại đây, – Người cùng đi kéo tay “Bồi”, khẽ nói.
Hai người vừa bỏ đi thì vấp ngay phải cái xác thứ hai. Các xác chết gặp thấy mỗi lúc một nhiều. Ở vài chỗ, những người bị trúng hơi độc nằm chống chất thành đống, có người đang ngồi xổm thì chết cứng, có người nom như đang bò lổm ngổm ăn cỏ. Ở ngay cửa cái hào giao thông dẫn tởi tuyến chiến hào thứ hai, có một người nằm co quắp, nắm tay bị cắn nát trong khi quằn quại vẫn còn đút trong miệng.
“Bồi” và anh lính cùng đi chạy đuổi theo đội hình chiến đấu, rồi vượt lên trước, và vẫn đi bên cạnh nhau. Hai người cùng nhảy vào một đường chiến hào đen ngòm chạy chữ chi vào sân trong bóng tối.
Cuối cùng hai người đi theo hai ngả khác nhau.
– Phải sục các hầm mới được. May ra còn có gì mà nhai. Anh lính kia ngập ngừng một lát rồi bàn với “Bồi”.
– Ừ, thì sục.
– Cậu rẽ sang phải, mình rẽ sang trái. Chúng mình thử lục soát cho đến lúc chúng nó lên tới đây.
“Bồi” đánh que diêm, thấy cửa căn hầm thứ nhất mở toang bèn bước vào, nhưng lại nhảy phắt ra ngay như bị một chiếc lò xo hất bật ra: trong đó có hai cái xác nằm chồng lên nhau, chéo chữ thập.
“Bồi” sục liền trong ba căn hầm, nhưng lần nào cũng ra tay không. Anh chàng vừa đưa chân đạp cửa cãn hầm thứ tư thì thiếu chút nữa ngã ngừa vì từ bên trong vang ra một giọng choang choang như tiếng kim khí:
– Wer ist das?(Ai đấy? – tiếng Đức trong nguyên văn).
Như phải bỏng, “Bồi” chẳng nói chẳng rằng, nhảy lùi lại.
– Cậu đấy à, Otô? Sao cậu tới muộn thế? (Tiếng Đức trong nguyên văn. – Một tên Đức hỏi. Hắn bước trong căn hầm ra vừa lười nhác hất vai xốc lại chiếc áo ca-pôt khoác trên lưng.
– Giơ tay lên! Giơ tay lên! Đầu hàng đi? – “Bồi” quát lên, giọng khàn khàn, rồi ngồi thụp xuống như khi có lệnh “Chuẩn bị bắn”.
Kinh ngạc đến cứng cả lưỡi: tên Đức từ từ vươn hai tay, rồi xoay người sang bên. hai con mắt ngây dại dán vào mũi lưỡi lê nhọn hoắt lấp loáng chĩa vào mình. Cái áo ca-pôt tụt khỏi vai để lộ chiếc áo quân phục xanh xám chỉ có một hàng cúc giữa, nách áo nhăn nhúm: hai bàn tay thợ to bè giơ lên run lẩy bẩy, những ngón tay nẩy bần bật như đang bấm những phím đàn vô hình. “Bồi” vẫn ngồi không động đậy, anh chàng đưa mắt nhìn khắp cái thân hình cao lớn, vạm vỡ của tên Đức: hàng khuy bằng kim khí trên áo quân phục, đôi ủng thấp có đường khâu bên cạnh, cái mũi không có lưỡi trai đội hơi lệch. Rồi bóng nhiên “Bồi” chuyển sang thế ngồi khác, người lảo đảo ngọ nguậy như muốn giũ bỏ cái áo ca-pôt xấu xí vướng víu. Từ trong họng “Bồi” phát ra một thứ tiếng lạ lùng, không ra ho, cũng không ra nấc. “Bồi” bước tới gần tên Đức:
– Chạy đi! – “Bồi” nói thều thào, giọng vỡ ra. – Chạy đi, anh người Đức? Tôi không có thù oán gì với anh. Tôi sẽ không bắn anh đâu.
“Bồi” dựa cây súng vào vách chiến hào, kiễng chân dướn người, nắm lấy bàn tay phải của người Đức. Những cử chỉ không có gì đáng lo ngại của “Bồi” đã chinh phục được người tù binh. Anh ta buông tay, lắng nghe những âm thanh kỳ dị của thứ tiếng nước ngoài.
“Bồi” không do dự gì cả, đưa luôn bàn tay rán chai, đầy những vết sẹo ngang dọc vì hai mươi năm lao động, nắm lấy những ngón tay lạnh buốt, mất hết khí lực của anh chàng người Đức và kéo bàn tay anh ta lên. Ánh trăng lưỡi liềm như những cánh hoa tử đinh hương toả xuống bàn tay nhỏ, vàng vàng, trên đó những chỗ thành chai không biết từ bao giờ nổi lên thành những núm nâu nâu.
– Tôi là một người thợ, – “Bồi” nói, người run run như lên cơn sốt. Tôi giết anh làm gì? Thôi chạy đi? – Nói xong “Bồi” khẽ đưa tay phải đẩy vai người lính Đức và chỉ về phía dải rừng đen ngòm. – Chạy đi, đồ ngớ ngẩn nếu không chẳng mấy chốc quân bên tôi…
Người lính Đức vẫn nhìn chằm chằm bàn tay lật ngửa của “Bồi” người hơi ngả về phía trước. Anh ta vừa nhìn vừa căng óc cố hiểu ý nghĩa thầm kín của những lời mà anh ta không hiểu. Cứ như thế chừng một hai giây rồi khi mắt anh ta bắt gặp hai con mắt của “Bồi” thì trong đó bỗng nhiên thấy rung rung một nét cười sung sướng.
Anh ta lùi một bước. mở rộng hai bàn tay nắm chặt lấy tay “Bồi” mà lắc, hai hàm răng trắng loá trong một nụ cười cảm động. Anh ta cúi xuống nhìn vào mắt “Bồi”.
– Anh thả cho tôi đi à? Ồ, bây giờ thì tôi hiểu rồi. Anh là một công nhân Nga à? Đảng viên Đảng xã hội dân chủ như tôi à? Đúng thế à? Ồ! ồ! Thật cứ như trong mộng… Người anh em của tôi, tôi quên làm sao được? Tôi không tìm ra lời mà nói được nữa. Anh thật là một thanh niên hiếm có, một thanh niên dũng cảm… Tôi… (nguyên văn bằng tiếng Đức)
Trong tất cả cái dòng cuồn cuộn những lời nói bằng tiếng nước ngoài đó. “Bồi” chỉ nghe được mấy tiếng quen thuộc, nói với giọng có ý hỏi “Soizial Demokrat”(3)
– Ừ phải, tôi là đảng viên Đảng xã hội dân chủ. Còn anh thì chạy ngay đi… Tạm biệt người anh em. Đưa tay tôi bắt cái nào! Hiểu nhau nhờ linh cảm, hai người nhìn vào mắt nhau, một bên là anh chàng người Bavaria cao lớn, cân đối, và một bên là anh lính bộ binh Nga bé loắt choắt. Anh chàng người Bavaria khẽ nói:
– Trong cuộc đấu tranh giai cấp sau nầy chúng ta sẽ cùng đứng trong một chiến hào, có phải không, đồng chí? (Tiếng Đức trong nguyên văn)
Nói xong anh ta nhảy lên ụ chiến hào như một con thú lông xám không lồ.
Trong rừng đã vang lên tiếng những bước chân dẫm lõm trên bùn của đội hình chiến đấu tiến tới gần. Đi đầu là đội trinh sát Tiệp Khắc do một viên sĩ quan chỉ huy. Thiếu chút nữa thì họ nổi súng vào người lính mò cái ăn vừa chui ra khỏi một căn hầm.
– Người mình đây mà! Không trông thấy sao… đang đi kiếm cái bỏ miệng đây! – “Bồi” trông thấy con mắt đen ngòm của cái miệng súng trường chĩa vào mình sợ cuống cuồng kêu lên.
– Người mình đây mà – Anh ta vừa nhắc lại vừa ghì một ổ bánh mì đen vào ngực nom cứ như người bế con.
Tên hạ sĩ nhận ra “Bồi”, bèn nhảy qua chiến hào, ra sức nện cho “Bồi” một báng súng vào lưng.
– Ông thì đánh cho què lê què liệt? Ông thì đánh cho mày bật máu mũi! Mày đi đâu từ nãy đến giờ hử?
“Bồi” cảm thấy mình bủn rủn cả người, không còn chút sức lực gì nữa, ngay cái báng súng nện vào lưng cũng không có được tác động cần thiết. Anh chàng lảo đảo, làm cho tên hạ sĩ hết sức ngạc nhiên bằng một câu trả lời hiền lành ngoan ngoãn chưa từng nghe thấy ở “Bồi” bao giờ.
– Tiến lên phía trước chứ còn gì? Còn anh thì chớ đánh người ta như thế.
– Còn mày thì vẫy cái đuôi chó vừa chứ! Lúc thì tụt lại đằng sau, lúc lại vượt lên trước. Mày không thuộc điều lệnh quân đội à? Mới vào lính năm đầu hay sao? – Hắn nín lặng một lát rồi hỏi – Có thuốc lá không?
– Phải cái vụn quá.
– Dốc cho mình một ít.
Tên hạ sĩ cuốn thuốc hút rồi bỏ đi về phía cuối trung đội.
Mãi lúc trời sắp hửng bọn trinh sát Tiệp Khắc mới chạm trán với một bốt quan sát Đức. Quân Đức phá tan bầu không khí yên lặng bằng một loạt súng. Rồi chúng nã thêm hai loạt nữa với khoảng cách bằng nhau. Một quả đạn líu chíu đỏ bay vọt lên trên những dãy chiến hào. Vẳng ra tiếng người nhốn nháo. Những tia đỏ tía của quả đạn tín hiệu còn chưa kịp tắt trên không thì pháo binh địch bắt đầu nhả đạn.
– Đoàng Đoàng? – Rồi tiếp theo hai tiếng nổ đầu tiên rất vang, lại có hai tiếng nữa: Đoàng! Đoàng!
Các-các-các các vi-i-iu. Các quả đạn pháo bay vùn vụt qua đầu bọn lính nửa đại đội thứ nhất với những tiếng rú mỗi lúc một mạnh, không khí như bị những lưỡi khoan xuyên quan. Lặng đi một khoảnh khắc, rồi đằng xa địa điểm vượt sông Stokhot, vẳng tới những tiếng nổ nghe yếu đi: Bụp! Bụp!
Đội hình chiến đấu tiến sau bọn trinh sát Tiệp Khắc chừng bốn mươi xa-gien. Ngay sau loạt đạn thứ nhất, họ đã nằm rạp xuống.
Quả đạn tín hiệu làm bừng lên một vùng đỏ loé. Dưới làn ánh sáng, “Bồi” nhìn thấy bọn lính bò như những con kiến giữa những bụi rậm và những gốc cây, bùn bẩn cũng chẳng sợ, chỉ cốt sao áp thật sát người xuống đất, kiếm được một vật che thân. Cái rãnh nào cũng lúc nhúc những người, mặt đất hơi nhô lên một chút là có anh chàng phủ phục bên cạnh, mỗi cái hố đều có người rúc đầu vào. Nhưng đến khi hoả lực súng máy bắn quét vù vù, đạn nảy tung toé, làm nát cả cánh rừng như trận mưa rào tháng năm thì quân Nga không còn chịu đựng được nữa. Họ bò lộn trở lại, đầu hết sức rụt vào vai, người áp xuống đất như những con sâu, tay không dám co, chân không dám nhổm lên cứ trườn như những con rắn, kéo lê phía sau những vệt dài trên bùn… Một số người nhảy chồm lên chạy bán sống bán chết. Những phát đạn nô trong rừng, làm rụng hết lá, xé loạc thán những cây thông, cắm xuyên xuống đất với những tiếng rít như những con rắn, bật lên và nổ như những tiếng chép môi.
Nửa đại đội thứ nhất quay về với tuyến chiến hào thứ hai thì đếm thiếu mười bảy người. Ở một chỗ gẩn đó, bọn Cô-dắc thuộc đại đội đặc biệt chỉnh đốn đội hình. Vừa rồi họ đã tiến bên phải nửa đại đội thứ nhất, tiến rất thận trọng và chưa biết chừng họ đã bất ngờ đánh úp được quân Đức sau khi tiéu diệt trước những tên lính gác, nhưng đến khi địch nã một loạt đạn vào bọn trinh sát Tiệp Khắc thì quân Đức náo động trên toàn khu vực. Chúng bắn vu vơ giết hai tên lính Cô-dắc và làm bị thương một. Bọn Cô-dắc mang về được cả tên bị thương lẫn hai xác chết. Chúng vừa chỉnh đốn hàng ngũ vừa bàn nhau:
– Phải tự tay chôn lẩy anh em mình mới được.
– Mình chẳng chôn nó cũng chôn.
– Ở đây thì cần phải nghĩ tới người sống, chứ người chết thì cần gì mấy.
Nửa giờ sau thì nhận được lệnh từ trên trung đoàn bộ: “Tôi ra lệnh sau khi pháo binh bắn chuẩn bị xong, tiểu đoàn phải phối hợp với đại đội Cô-dắc đặc biệt, tấn công địch và đánh bật chúng ra khỏi tuyến chiến hào thứ nhất”.
Pháo binh bắn chuẩn bị thưa thớt kéo dài tới mười hai giờ trưa. Cô-dắc cũng như lính bộ binh đều đặt vọng tiêu canh gác rồi vào nghỉ trong những căn hầm. Đến giữa trưa họ lên tấn công. Đạn pháo nổ ầm ầm bên trái, trên khu chủ công. Phía ấy đã lại xuất kích.
Ở cuối cánh bên phải là những người Cô-dắc vùng Zabaikan, bên trái là trung đoàn Trecnoiasky và đại đội Cô-dắc đặc biệt, sau đó là trung đoàn trịch đạn binh Fanagorinsky, trung đoàn bộ binh 208, trung đoàn bộ binh 211, trung đoàn Pavlogradsky trung đoàn Vengrovsky; các trung đoàn thuộc sư đoàn 53 triển khai tấn công ở khu giữa; sư đoàn khinh binh Turkestan số 2 phụ trách tất cả cánh bên trái. Súng nổ ầm ầm trên khắp khu vực: quân Nga tấn công ở khãp các nơi Đại đội Cô-dắc đặc biệt tiến trong một đội hình tấn công thưa thớt. Sườn bên trái của họ sát với sườn bên phải của trung đoàn Trecnoiasky. Họ vừa nhìn thấy đỉnh các ụ đất trên chiến hào của địch thì quân Đức đã nhả đạn như giông bão. Đại đội tiến một đoạn, không một tiếng kêu, rồi nắm xuống, bắn kỳ hết các hộp đạn súng trường, rồi lại xông lên. Cuối cùng họ nằm xuống cách các chiến hào chừng năm mươi bước: tay bắn mà đầu không ngẩng lên. Suốt dọc tuyến chiến hào, quân Đức đã đặt những vật cản kiểu sừng hươu và hàng rào dây thép gai, Afonka Ozerov ném hai trái lựu đạn, cả hai đều trúng dây thép, bật trở lại rồi mới nổ. Hắn vừa nhổm dậy một chút, định ném trái thứ ba thì trúng ngay một viên đạn dưới vai trái.
Viên đạn ra khỏi người hắn ở chỗ xương cùng. Kotliarov nằm ngay gần đây chỉ thấy Afonka hơi co hai chân lại rồi không động cựa gì nữa. Prokho Samin, em gã cụt tay Aliuska, cũng bị giết. Người thứ ba nằm lại trên chiến trường là Manytkov, trước là ataman thôn.
Rồi ngay sau đó gã Evlanchi Kalinin chân vòng kiềng, có cái bờm tóc dài trước trán, láng giềng của anh em nhà Samin, cũng trúng đạn.
Chỉ nửa tiếng đồng hồ, riêng trung đội hai đã toi mất tám mạng. Viên đại uý đại đội trưởng và hai viên sĩ quan chỉ huy trung đội cũng chết trận. Thế là đại đội Cô-dắc như rắn không đầu, phải bò trở lại.
Sau khi ra khỏi phạm vi hoả lực địch hoành hành, bọn lính Cô-dắc dần dần tập trung vào một chỗ, quân số vợi hẳn một nửa. Những tên trong trung đoàn Trecnoiasky cũng chạy lui. Tiều đoàn một thương vong còn nhiều hơn, tuy vậy trung đoàn bộ vẫn ra lệnh: “Lập tức tấn công lại, đánh bật quân địch ra khỏi tuyến chiến hào thứ nhất bằng bất cứ giá nào. Kết quả chỉ việc khôi phục tình thế đầu tiên sẽ quyết định thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh trên toàn trận tuyến”.
Đại đội Cô-dắc tản ra thành đội hình chiến đấu loãng như mắt ma. Họ lại tiến lên. Hoả lực quân Đức bắn tiêu điệt quá dữ, vì thế họ phải nắm xuống cách các chiến hào chưng trăm bước. Quân số của các đơn vị lại bắt đầu giảm thêm. Những con người trở nên điên dại nằm áp má xuống đất như mọc rễ, họ nằm lì ra, đầu khòng ngóc lên, tay chân không động đậy, chìm trong nỗi kinh hoàng trước thảm cảnh chết chóc.
Lúc sắp hoàng hôn nửa thứ hai của đại đội lính trung đoàn Trecnoiasky dao động bỏ chạy. Tiếng kêu “bị vu hồi rồi” vang đến tai bọn lính Cô-dắc. Đại đội Cô-dắc cũng nhổm lên, chuồn về phía sau, họ vừa chạy vừa ngã làm nát cả những bụi cây mất cả súng.
Vừa chạy tới một nơi an toàn, Kotliarov ngã ngay xuống gốc một cây thông đã bị đạn pháo bắn gẫy, lấy lại hơi giữa lúc ấy anh thấy Gavrila Likhovidov ngất ngưởng bước tới. Hắn lăn hai chân như thằng say rượu, mắt dán xuống đất, một tay bắt chuồn chuồn trong không khí, còn tay kia cứ như đang gỡ một mạng nhện vô hình trên mặt, súng chẳng có, gươm thì không, những món tóc mướt đẫm mồ hôi mầu nâu xẫm lủng lẳng trước mặt. Sau khi lang thang trên khoảng rừng trống Likhovidov bước tới trước mặt Kotliarov. Hắn đứng lại, hai mắt luôn luôn đưa đi đưa lại, nhìn hiêng hiếng, vẫn không rời mặt đất. Đầu gối hắn run run, hai chân khuỵu dần, Kotliarov có cảm tưởng như Likhovidov nhún người để sắp sửa bay vụt lên:
– Kìa… sao cậu lại thế nầy… – Kotliarov vừa bắt đầu nói thì mặt Likhovidov giật giật.
– Đứng lại! – Likhovidov quát to rồi thụp xuống, mười ngón tay xoè ra, hai mắt lơ láo nhìn quanh, đầy kinh hoàng – Vểnh tai mà nghe nhé? Mình sắp hát một bài đây. Chàng phượng hoàng bay đến nhà chị cú hát rằng:
Nầy nầy chị cú
Kupreanovka
Chức trọng quyền cao
Ai oai hơn cú.
Đại bàng làm chúa,
Thiếu tá diều hâu
Cô-dắc bồ cu
Đại uý chim ó
Ngự lâm đã có
Gấu nhà đảm đang
Thường bị quạ khoang,
Kalmys sáo đá,
Ác là trí trá
Là gái Di-gan.
Quý tộc phu nhân,
Là chị sáo sậu,
Vịt xám lùn xấu
Đăng vào bộ binh,
Vịt trời linh tinh
Đàn bà Moldav,
– Hượm cái đã! – Kotliarov nói, mặt lái đi, – Likhovidov, cậu làm sao thế? Cậu ốm à? Hả?
– Đừng quấy rầy! – Likhovidov đỏ mặt tía tai trả lời và lại dành cặp môi ra cười, một nụ cười hết sức ngớ ngẩn. Cái giọng kể lể nghe rợn cả người lại vang lên:
Vịt trời linh tinh
Đàn bà Moldav,
Le nước ba láp
Ngỗng thích cãi nhau.
Quạ trắng pháo thao,
Quạ đen cố đạo,
Rái cá kéo nhị…
Kotliarov đứng chồm dậy:
– Thôi ta cùng đi đi, về với anh em đi, kẻo lại bị bọn Đức tóm cổ bây giờ! Cậu nghe thấy mình nói gì không?
Likhovidov giằng tay ra nước rớt nước rãi chảy ròng ròng bên mép và vẫn liến thoắng gào lên:
Hoàng anh nhạc binh
Nhạn “khổng lồ binh”
Bạc má thu thuế.
Sẻ sẻ hạ sĩ…
Nhưng bất thình lình cái giọng kể lể ấy bắt đi nhường chỗ cho những tiếng hát ê a, khàn khàn. Rồi không phải là tiếng hát nữa, mà là tiếng chó sói hú mỗi lúc một to bật ra từ cái miệng nhe hết răng lợi. Những giọt nước rãi long lanh chảy ròng ròng dưới hàm răng nanh nhọt hoắt. Kotliarov kinh hoàng nhìn cặp mắt lác xệch điên dại, những món tóc dính bết trên đầu và hai cái tai như nặn bằng sáp ong của người bạn mà anh mới quen không bao lâu. Likhovidov gầm lên, giọng tức giận:
Vinh quang lang rền, kèn trận thổi.
Ta vượt sông Đanúp.
Chiến thắng Subtan(3) Thổ Nhĩ Kỳ
Giải phóng con chiên cho Chúa
Như hoàng trùng, ta sà xuống núi đôi.
Súng béc-đan- ca(4) nào ta bắn,
Toàn thể anh em Cô-dắc sông Đông.
Bọn Thổ chúng lui, như đàn gà,
Có bao lông ta vặt trụi.
Vợ con chúng mi!
Lốc nhốc trở thành tôi mọi!
– Marchin? Marchin! Lại đây với mình đã! – Kotliarov chợt trông thấy Marchin Samin khập khiễng đi qua khoảng rừng trống, vội kêu lên.
Marchin chống khẩu súng trường thay gậy bước tới.
– Cậu thấy chưa? Giúp mình xốc nó về nhé. – Kotliarov đưa mắt nhìn về phía người lính hoá dại. – Nó chịu đựng quá mức rồi. máu xông cả lên óc.
Marchin xé tay áo sơ mi lót băng lại chân bị thương, rồi cnẳng buồn đưa mắt nhìn Likhovidov tới xốc một bên nách hẳn bên kia là Kotliarov lôi hắn đi.
Như hoàng trùng, ta sà xuống núi đôi.
Giọng Likhovidov đã nhỏ hơn. Marchin đau đớn nhăn mặt, cố van hắn:
– Thôi cậu đừng làm ầm lên như thế nữa? Cậu hãy vì Chúa mà im đi. Bây giờ cậu đã được bay bổng đủ rồi đấy. Thôi im đi!
Bọn Thổ chúng lui, như đàn gà,
Có bao lông ta vặt trụi.
Người lính điên vùng chạy khỏi tay hai anh chàng Cô-dắc và vẫn hát không ngơi miệng. Thỉnh thoảng hắn đứng lại, đưa hai tay lên ấn mạnh vào thái dương, răng nghiến ken két, gò má trễ xuống rung rung. Cơn điên làm máu xông lên đầu hắn, nóng như lửa đốt.
Chú thích:
(1) Một thành phố công nghiệp ở Nga (ND).
(3) Đảng viên Đảng xã hội dân chủ. (Tiếng Đức trong nguyên văn).
(3) Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ (ND).
(4) Một thứ súng trường bắn phát một, nạp đạn từ phía sau lấy tên người chế tạo (Mỹ). (ND).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.