Sông Đông êm đềm

Phần V – Chương 81



Ngày mồng sáu tháng tám, tướng Lucomsky, tổng thatn mưu trưởng Bộ tư lệnh tối cao được tướng Romanovsky, tư lệnh hậu cần thứ nhất của Đại bản doanh chuyển cho mệnh lệnh điều quân đoàn kỵ binh số ba cùng với sư đoàn Tuzemnaia(1) về tập trung ở khu rừng Neven – Sokolniki – Velikie Luki.
– Sao lại chọn đúng vào khu vực nầy? Các đơn vị nầy đang thuộc lực lượng dự bị trên mặt trận Rumani cơ mà? – Lucomsky thắc mắc hỏi.
– Thưa ngài Alexandr Sergeevich, tôi không được rõ. Tôi chỉ truyền đạt lại với ngài một cách chính xác lệnh của Tổng tư lệnh tối cao.
– Ngài đã nhận được lệnh nầy lúc nào.
– Hôm qua. Lúc mười một giờ đêm, Tổng tư lệnh tốt cao đã gọi tôi lên và ra lệnh báo cáo với ngài sáng hôm nay.
Romanovsky đi đi lại lại bên cửa sổ, những bước chân của lão đều đặt mũi bàn chân xuống trước. Rồi lão đứng lại trước tấm bản đồ chiến lược Trung Âu chiếm nửa bức tường trong phòng làm việc của Lucomsky. Quay lưng về phía Lucomsky, lão xem bản đồ một cách quá chăm chú và nói:
– Ngài nên tới hỏi Tổng tư lệnh tối cao cho rõ… Tổng tư lệnh tối cao đang có nhà đấy.
Lucomsky quơ mấy tờ giấy trên bàn, xô chiếc ghế bành sang bên, đi ra với những bước chân quá rắn rỏi thường thấy ở những quân nhân có tuổi đang phát phì. Ra đến cửa phòng, lão nhường cho Romanovsky ra trước và nói như tự mình trả lời các ý nghĩ của mình.
– Đúng đấy. Cũng phải thế.
Lão đến phòng Kornilov thì thấy một tên đại tá cao lênh khênh chân cẳng rất dài, bước trong đó ra. Tên nầy Lucomsky không quen. Hắn cung kính né ra nhường đường rồi đi dọc theo hành lang; chân rõ ràng khập khiễng, một bên vai bị thương nhô lên nom vừa buồn cười vừa đáng sợ.
Kornilov chống hai bàn tay đặt xiên xiên trên bàn, hơi ngả người về phía trước, nói với một sĩ quan có tuổi đứng trước mặt hắn.
– Cần có thời cơ đã. Ngài hiểu ý tôi chứ? Tôi đề nghị đến được Pskov thì báo tin cho tôi biết ngay. Ngài có thể ra được rồi.
Kornilov chờ viên sĩ quan kia ra xong, khép cửa lại rồi ngồi xuống một chiếc ghế bành, cử chỉ rắn rỏi, rất trẻ. Hắn đẩy cho Lucomsky một chiếc ghế rồi hỏi:
– Ngài đã nhận được qua Romanovsky mệnh lệnh của tôi về việc điều động Quân đoàn ba rồi chứ?
– Bẩm đã. Tôi cũng đến thưa với Tổng lư lệnh tối cao về vấn đề đó. Không hiểu sao ngài lại chọn khu vực đã được chỉ định làm nơi tập trung cho quân đoàn nầy?
Lucomsky chăm chú nhìn bộ mặt ngăm ngăm đen của Kornilov, bộ mặt bí hiểm, gan lì theo kiểu người châu Á, với những vết nhăn quen thuộc hằn chéo trên má và bộ ria thưa thớt chảy xễ từ mũi xuống hai bên mép rắn rỏi. Trái ngược với cái vẻ tàn nhẫn, nghiêm khắc chung của bộ mặt, chỉ có một món tóc nhỏ xoã xuống trán, nom có một cái gì của con nít.
Kornilov chống khuỷu tay, đưa một bàn tay nhỏ nhắn, xương xương lên đỡ cằm. Hắn nheo hai con mắt rất sáng, xếch như mắt người Mông cổ, sờ tay vào đầu gối Lucomsky và trả lời:
– Tôi muốn tập trung kỵ binh không phải chỉ đặc biệt dùng cho mặt trận miền Bắc, mà là thu gọn vào một khu vực để khi cần có thể dễ dàng ném lên mặt trận miền Bắc cũng được mà ném sang mặt trận miền Tây cũng được. Theo ý tôi thì khu vực đã chọn có nhiều điều kiện nhất để thoả mãn yêu cầu đó. Ngài có ý kiến khác à? Ý kiến của ngài như thế nào?
Lucomsky nhún vai không hiểu ý muốn nói gì.
– Chúng ta không có lý do gì để phải lo về phía mặt trận miền Tây. Tốt nhất là nên tập trung kỵ binh vào khu vực Pskov.
– Pskov à? – Kornilov ngả hẳn người về phía trước, hỏi lại rồi cau mày, he hé cặp môi nhợt nhạt mỏng đính, lắc đầu ra vẻ không đồng ý. – Không? Khu vực Pskov không thích hợp đâu.
Lucomsky đặt tay lên hai tay ghế bành, cử chỉ mệt mỏi, già nua. Lão thận trọng chọn từng tiếng, nói:
– Thưa ngài Larvơ Georgevich, tôi sẽ xin lập tức gửi ngay những mệnh lệnh cần thiết, nhưng tôi vẫn cảm thấy như ngài còn có điều gì chưa cho biết hết… Khu vực ngài chọn để tập trung kỵ binh rất tốt trong trường hợp cần thiết phải điều kỵ binh về Petrograd hay Moskva. Còn đối với mặt trận miền Bắc thì cách bố trí kỵ binh như thế không đảm bảo, với lý do duy nhất là sẽ khó vận động. Nếu tôi không nhầm và nếu thật quả ngài còn có điều gì chưa cho biết hết thì tôi xin đề nghị, một là ngài cho tôi ra mặt trận, hai là ngài cho tôi biết toàn bộ các giả thiết của ngài. Một người tổng tham mưu trưởng chỉ có thể ở lại cương vị của mình một khi được tổng tư lệnh hoàn toàn tin cậy.
Kornilov cúi đầu lắng nghe một cách căng thẳng. Cặp mắt sắc ngọt của hắn nhận thấy rằng tuy ngoài mặt Lucomsky vẫn lạnh như tiền, nhưng tâm trạng xao xuyến của lão vẫn còn hiện ra bằng một ánh chỉ hơi hồng hồng, phải nhìn kỹ lắm mới thấy được. Kornilov đắn đo vài giây rồi trả lời:
– Ngài nói đúng đấy, quả thật cũng có vài điều cân nhắc mà tôi còn chưa nói với ngài… Xin ngài cứ gửi đi những mệnh lệnh về việc điều động kỵ binh và hoả tốc triệu tập tướng quân Krymov, tư lệnh Quân đoàn ba đến đây. Rồi sau khi ở Petrograd về, tôi sẽ nói tường tận để ngài rõ. Ngài Alexandr Sergeevich ạ, ngài có thể tin rằng tôi không muốn giấu ngài điều gì đâu, – Kornilov nhấn mạnh mấy tiếng cuối cùng rồi chợt nghe tiếng gõ cửa, bèn quay phắt người lại.
– Cứ vào!
Phó chính uỷ Đại bản doanh(2) Phôn Vidin bước vào cùng một viên tướng người nhỏ bé, tóc hơi bạc. Lucomsky đứng dậy. Trong khi đi ra, lão nghe thấy Kornilov trả lời câu hỏi của Phôn Vidin bằng giọng gay gắt:
– Bây giờ tôi không có thì giờ để xét lại cái án của tướng Minlơ đâu. Cái gì? Phải, tôi đi ngay đây.
Sau khi ở chỗ Kornilov về, Lucomsky ngồi giờ lâu bên cửa sổ.
Lão vuốt vuốt chòm râu hoa râm nhọn như cái nêm, đăm chiêu suy nghĩ, mắt mơ màng nhìn làn gió liếm lên những bộ tóc bù xù của những cây dẻ mốc trong vườn và làm gợn sóng lớp cỏ nhấp nhô lấp loáng dưới nắng.
Một giờ sau bộ tư lệnh Quân đoàn kỵ binh số ba đã nhận được lệnh chuyển quân do tổng tham mưu trưởng Bộ tư lệnh thảo ra. Ngay hôm ấy, tướng Krymov cũng nhận được một bức điện mật mã triệu tập về Đại bản doanh. Trước đây, Krymov đã theo ý Kornilov từ chối không nhận lệnh đề bạt làm tư lệnh Tập đoàn quân số II.
Ngày mồng chín tháng tám, Kornilov đi một chuyến xe lửa đặc biệt tới Petrograd, có một đại đội kỵ binh Turkestan hộ vệ.
Hôm sau trong Đại bản doanh có tin đồn Tổng tư lệnh tối cao bị cách chức, thậm chí bị bắt, nhưng sáng ngày mười một, Kornilov lại trở về Mogilov. Vừa về tới nơi, hắn cho mời ngay Lucomsky tới gặp hắn. Sau khi đọc qua các bức điện và thông báo, hắn sửa lại rất cẩn thận cái cổ tay áo giả trắng bong nổi bật trên bàn tay nhỏ nhắn màu ôliu, rồi lại sờ lên cổ áo. Những cử chỉ hấp tấp ấy để lộ cả một tâm trạng hồi hộp chưa từng thấy ở hắn bao giờ.
– Bây giờ chúng ta đã có thể nói nốt câu chuyện bỏ dở hôm nọ được rồi, – Kornilov khẽ nói. – Tôi muốn trình bày lại các ý cân nhắc đã bắt tôi phải điều quân đoàn ba về Petrograd, các ý cân nhắc nầy tôi đã không nói được với ngài. Ngài cũng biết rằng hôm mồng ba tháng tám, khi tôi còn ở Petrograd dự cuộc họp của hội đồng Chính phủ, Kerensky và Savilkov(3) đã báo trước cho tôi biết rằng đừng nên đả động tới những vấn đề quốc phòng đặc biệt quan trọng vì theo lời họ trong số các Bộ trưởng có những con người không đáng tin cậy. Tôi là Tổng tư lệnh tối cao mà trong khi báo cáo trước Chính phủ lại không thể nói về các kế hoạch tác chiến, vì chẳng có gì đảm bảo rằng vài ngày sau bộ Tổng tư lệnh của quân Đức sẽ không được biết về những điều nói ra! Thế mà cũng Chính phủ đấy? Như thế chẳng nhẽ tôi dám tin rằng Chính phủ nầy sẽ cứu nước nhà qua cơn nguy biến hay sao? – Kornilov bước những bước rắn rỏi đi nhanh ra cửa, khoá chặt lại rồi quay vào đi đi lại lại trước bàn, nói giọng cảm động – Để cho những con sên con ốc ấy nắm quyền điều khiển đất nước thì thật là đau khổ, nhục nhã. Thiếu ý chí, bạc nhược, không có năng lực, do dự, nhiều khi chỉ là đê tiện, đó chính là các “đức tính” chi phối với các hành động của cái mà tôi xin phép cứ gọi là “chính phủ”. Với sự giúp đỡ hào hiệp của những ngài như Chernov(4)… bọn Bolsevich sẽ quét bay Kerensky đi… Đấy, ngài Alexandr Sergeevich xem, nước Nga đang lâm vào một tình thế như vậy đấy. Dựa theo những nguyên tắc mà chính ngài cũng biết, tôi muốn ngăn ngừa cho Tổ quốc khỏi những cuộc biến loạn mới. Tôi đã điều động Quân đoàn ba là để đến tháng tám kéo nó về gần Petrograd, và nếu bọn Bolsevich nổi dậy thì chúng ta sẽ trấn áp lũ phản quốc ấy một cách xứng đáng. Tôi đã trao cho tướng quân Krymov trách nhiệm trực tiếp chỉ huy cuộc hành binh. Tôi tin chắc rằng trong trường hợp cần thiết ông ta sẽ không ngần ngại treo cổ tất cả những kẻ trong Xô viết đại biểu công nhân và binh sĩ. Chính phủ lâm thời… Được, chúng ta hãy chờ xem… Tôi không có gì mưu toan cho mình đâu. Cứu lấy nước Nga… dù sao cũng phải cứu cho kỳ được bằng bất cứ giá nào?
Kornilov bỗng dừng lại trước mặt Lucomsky và bất thần hỏi độp một câu:
– Ngài có tin tưởng như tôi rằng chỉ những biện pháp như thế mới đảm bảo được tương lai cho đất nước và cho quân đội hay không? Ngài có đi với tôi đến cùng hay không?
Lucomsky đứng dậy, lão cảm động nắm lấy bàn tay khô gầy, nóng ran của Kornilov.
– Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của ngài? Tôi sẽ đi đến cùng. Cần phải suy nghĩ cân nhắc rồi ra đòn. Xin ngài cứ trao trách nhiệm cho tôi, ngài Lavrơ Georgievich.
– Tôi đã thảo ra kế hoạch. Đại tá Lebedev và đại uý Rozenko đang nghiên cứu các chi tiết. Còn ngài thì ngài Alexandr Sergeevich ạ công việc của ngài đã ngập đến tai rồi còn đâu. Ngài cứ tin ở tôi, chúng ta sẽ còn có thì giờ bàn bạc với nhau tất cả, và nếu cần sẽ có những chỗ uốn nắn cho thích hợp.
Mấy hôm đó, Đại bản doanh có một nhịp sống sôi sục. Ngày nào cũng có những tên sĩ quan mặt đen xạm vì nắng gió, trong những chiếc áo quân phục đầy bụi, từ các đơn vị ở các mặt trận đến dinh Tổng đốc Mogilov xin góp phần giúp đỡ. Cũng có những tên đại diện của Hội liên hiệp sĩ quan và của Hội đồng liên hiệp các quân nhân Cô-dắc quần áo bảnh bao, những tên sĩ quan liên lạc của Kaledin từ vùng sông Đông tới, Kaledin là viên ataman uỷ nhiệm của quân khu sông Đông. Ngoài ra còn có những kẻ không phải là quân nhân cùng đủ mọi thứ “khách” không thiếu gì những loài diều quạ chuyên ria thây thú chết, từ xa đã đánh hơi thấy mùi máu ngập ngụa, đã nhìn thấy trước cái bàn tay sắt sẽ thâu tóm mọi mạch máu trong nước, bèn đổ xô đến Mogilov với hy vọng kịp chộp được một miếng mồi nếu Kornilov chiếm được chính quyền. Trong Đại bản doanh, người ta thường nêu tên hai người; Zavoiko và Aladin, được coi như thân cận nhất với Tổng tư lệnh tối cao. Daivôcô là một tên lính hầu cũ của Kornilov, một địa chủ giàu có, một tay đầu cơ lớn, còn Aladin là một tên bảo hoàng đến chân lông kẽ tóc. Trong giới quân nhân có những tin đồn cho rằng Kornilov đã rơi vào vòng vây của những kẻ phiêu lưu. Nhưng trong những giới rộng rãi: sĩ quan, học sinh, quân võ bị, và các nhân vật bảo hoàng, ý kiến chiếm ưu thế cho rằng Kornilov là lá cờ đáng tin cậy trong sự nghiệp khôi phục nước Nga xưa, đã sụp đổ trong tháng hai. Vì thế từ khắp nơi những kẻ thiết tha mong mỏi phục hưng chế độ quân chủ đều đổ xô đứng dưới lá cờ đó.
Ngày mười ba tháng tám. Bầu trời như đúc bằng một chất nhôm xanh phớt. Ngay giữa đỉnh đầu có một đám mây đen lồm xồm với những đường viền màu tím ngắt. Từ đám mây ấy, một trận mưa tốt lành chiết xạ ánh sáng thành những sắc cầu vồng rực rỡ tạt chéo xuống đoàn tàu chạy ầm ầm trên đường sắt, xuống cánh rừng úa vàng đẹp như trong thần thoại, xuống những đường nét thanh thanh như tô bằng mầu nước viền quanh những cây bạch dương đằng xa, xuống khắp một mảnh đất đang phô những sắc màu ảm đạm của một ngày sắp sang thu.
Đoàn tầu ném loang loáng không gian về phía sau, kéo dài một dải khói đỏ, nom như một cái đuôi áo rất dài. Một viên tướng nhỏ nhắn, quân phục màu ka-ki, huân chương thánh Gioóc, đứng ở cửa sổ một toa xe. Viên tướng nheo cặp mắt lá dăm đen xếch, nhô đầu qua cửa sổ. Những giọt mưa bốc hơi rơi hào phóng xuống bộ mặt rám nắng từ lâu và bộ ria gió thổi phần phật hất ra sau đầu món tóc xoã trước trán như tóc con nít.
Chú thích:
(1) Dịch nghĩa là “sư đoàn địa phương” gồm toàn người thiểu số. (ND)
(2) Sau cách mạng tháng hai trong quân đội Nga đã có chế độ chỉnh uỷ, nhưng không giống bây giờ (ND)
(3) Savilkov (1879 – 1925) Một nhân vật đầu não của Đảng xã hội dân chủ Nga. Sau Cách mạng tháng hai, làm Thứ trưởng chiến tranh trong Chính phủ Kerensky. Theo đề nghị của hắn, ngoài mặt trận đã phục hồi án tử hinh. Sau Cách mạng tháng mười, trở thành một trong những kẻ thù hung hãn nhất của Chính quyền Xô viết cấu kết với Kaledin, Kornilov, Koltrak, Vrăngghen. (ND).
(4) Chernov (sinh 1875), một nhân vật đầu não của Đảng xã hội cách mạng, mùa hè năm 1918 chủ mưu vụ bạo động của bọn Bạch vệ của Đảng xã hội cách mạng Tiệp. Mùa thu năm 1918 trốn ra nước ngoài. Năm 1921 lãnh đạo âm mưu nổi loạn ở Kronstat (ND).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.