Sống Và Khát Vọng

Khát vọng tạo nên sự khác biệt



Bị từ chối

“Tương lai thuộc về những người tin vào vẻ đẹp của ước mơ,”

– Eleanor Roosevelt

Như đã chia sẻ với bạn ở phần trước, trong khi công việc kinh doanh của tôi ở Singapore hoàn toàn đi vào ngõ cụt thì quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! lại bắt đầu “làm mưa, làm gió” ở Việt Nam. Từ một dự án vì xã hội nhiều hơn là vì kinh doanh, quyển sách lại vô tình trở thành dự án kinh doanh thành công nhất của tôi. Thành công này thật sự ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy kinh doanh của tôi và TGM sau này. Bởi vì sau thành công của quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế !, tôi tin một cách sâu sắc vào triết lý:

Nếu bạn nỗ lực hết sức để tạo giá trị cho xã hội, cống hiến vì xã hội, thì xã hội cũng sẽ luôn sẵn sàng đền đáp bạn xứng đáng.

Triết lý này không chỉ là nền tảng cho cách tôi và các đồng đội của tôi lãnh đạo và xây dựng TGM sau này, mà với triết lý đó, tôi bắt đầu khởi động một dự án lớn hơn nữa cho người Việt Nam chúng ta với tên gọi VSEN – Làm Giàu Bền Vững.

Nhưng đó là một câu chuyện khác và tôi sẽ chia sẻ với bạn vào lúc khác. Còn bây giờ, hãy cùng một lần nữa quay về những ngày tháng mà tôi vẫn còn đang bế tắc ở Singapore…

Mặc dù đã quyết định sẽ quay về và rất muốn được trở về Việt Nam ngay, nhưng sự thành công của một quyển sách không đủ để giúp tôi thực hiện ước mơ “ra đi để trở về” của mình ngay được.

Cách tốt nhất để tôi có thể cống hiến cho đất nước ngay khi vừa quay về Việt Nam là phải mang bằng được khóa học I Am Gifted ! (Tôi Tài Giỏi !) về cùng. Mặc dù đây là một khóa học được thiết kế cho giới trẻ Singapore và các quốc gia châu Á, nhưng nếu được thiết kế lại cho phù hợp với truyền thống văn hóa và nền giáo dục Việt Nam, thì khóa học chắc chắn sẽ góp phần ý nghĩa vào sự nghiệp giáo dục giới trẻ – thế hệ tương lai của đất nước – nhất là khi nền giáo dục nước ta đang cần lắm những sáng tạo có thể mang đến những kết quả thật sự khác biệt.

Vấn đề ở chỗ là, nếu như thuyết phục Adam và Patrick bán bản quyền và cho phép tôi sửa đổi 20% nội dung sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! đã khó, thì thuyết phục họ nhượng quyền khóa học I Am Gifted ! cũng như cho phép tôi chuyển ngữ và cải tiến nội dung cho phù hợp với Việt Nam lại càng khó hơn gấp chục lần.

DÙ rằng quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! đã lọt vào danh sách bán chạy nhắt ở Việt Nam, nhưng khi tôi đề nghị mua bản quyền khóa học I Am Gifted ! thì vẫn bị từ chối thẳng thừng, chứ không phải là từ chối khéo. Lý do Adam và Patrick đưa ra là tôi không có tiền, và họ không muốn thị trường Việt Nam là một “bài học Thái Lan” thứ hai của họ. Bởi lẽ trước đó, họ đã đổ rất nhiều tiền vào Thái Lan, thậm chí ở Thái Lan, họ cũng có một đối tác giàu có cùng đổ tiền vào, vậy mà rốt cuộc họ vẫn thất bại. Thế mạnh của khóa học I Am Gifted ! có lẽ chỉ phát huy được ở những nước nói tiếng Anh tương đối tốt như Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Hồng Kông,… nhưng ở một nước như Thái Lan thì việc không thể bản địa hóa nội dung khóa học mang đến một thất bại nặng nề cho Adam và Patrick.

Thái Lan cũng không phải là thất bại duy nhất. Adam và Patrick còn gặp thất bại ở Trung Quốc trong việc nỗ lực bản địa hóa nội dung khóa học I Am Gifted ! tại nước này. Cả hai tin rằng, thị trường Trung Quốc đủ rộng lớn để xứng đáng có được một khóa học I Am Gifted ! phiên bản tiếng Trung. Tuy nhiên, sau khi đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để chuyển ngữ khóa học I Am Gifted ! sang tiếng Trung, họ cũng chỉ tổ chức được một vài khóa học mà thôi.

Thất bại ban đầu ở thị trường Thái Lan và Trung Quốc vào thời điểm ấy thật sự làm cho Adam và Patrick khá mất tự tin. Trong khi đó, họ đang có cái nôi cực kỳ an toàn của những thị trường như là:

• Singapore (nơi họ là tập đoàn dẫn đầu, huấn luyện cho 1/3 học sinh, sinh viên)

• Malaysia (người hàng xóm cũng “tương đối khá giả” lân cận của Singapore)

• Hong Kong (một thành phố giàu có, thịnh vượng rất giống với Singapore)

• Indonesia (với dân số gấp 3 lần Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi)

• Ấn Độ (với dân số 1,2 tỉ và thu nhập bình quân đầu người cao gấp 4 lần Việt Nam)

Đã tương đối thành công và nắm trong tay những thị trường màu mỡ hàng đầu châu Á, cộng với thất bại ở hai thị trường không mấy chuộng việc học bằng tiếng Anh như Thái Lan và Trung Quốc, xét về mặt kinh doanh, chẳng có lý gì Adam và Patrick muốn đổ tiền vào Việt Nam.

Về phần mình, tôi buồn và thất vọng nhưng không hề giận Adam và Patrick. Nói cho cùng thì họ là người Singapore chứ không phải là người Việt, nên mọi quyết định liên quan đến Việt Nam họ đều phải đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, và đó cũng là cách hành xử bình thường của một tổ chức nước ngoài. Một lần nữa, áp dụng châm ngôn “không thể – chỉ là một từ”, tôi lại bắt đầu con đường tìm kiếm giải pháp để biến điều không thể thành có thể.

Lần thứ hai tôi đề nghị Adam và Patrick hợp tác đưa khóa học I Am Gifted ! về Việt Nam là sau khi tôi đã dành thời gian ngồi tính toán và lên một kế hoạch kinh doanh tỉ mỉ để khiến họ yên lòng hơn về khả năng thành công và triển vọng của thị trường Việt Nam.

Với một kế hoạch được dày công tính toán như thế, tôi rất tự tin rằng lần này sẽ thuyết phục được Adam và Patrick. Nhưng ngay cả sau khi tôi trình bày kế hoạch ấy, họ vẫn không cảm thấy đủ tin tưởng và vẫn từ chối.

Dù lại bị từ chối, nhưng cũng nhờ vậy, tôi dần đoán ra được những gì mà họ mong muốn.

Bị từ chối lần thứ ba

Không lâu sau, có một doanh nhân cũng khá tên tuổi ở Việt Nam, cũng là một đàn anh mà tôi mến trọng – sang Singapore tìm kiếm cơ hội hợp tác với Adam và Patrick. Họ giới thiệu tôi với anh ấy và các đồng nghiệp của anh. Lần này, tôi rất hy vọng vì đã có thêm đồng minh. Nhưng lúc ấy, công ty về đào tạo của anh ấy dù được tổ chức khá bài bản nhưng cũng còn mới nên Adam và Patrick cũng không cảm thấy yên tâm lắm, cộng thêm việc các thủ tục pháp lý quá rắc rối và khó khăn càng khiến cho họ mất niềm tin vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Chưa kể, sau hai lần thua lỗ ở Thái Lan và Trung Quốc, họ lại càng lưỡng lự hơn khi phải đổ tiền vào Việt Nam, nhất là khi kinh tế cũng đang trong giai đoạn khó khăn.

Thật sự, sau khi bị từ chối 3 lần như vậy, tôi bắt đầu cảm thấy hơi nản. Dĩ nhiên, tôi cũng không giận gì Adam và Patrick. Tôi chỉ mệt mỏi vì cố gắng mãi mà vẫn chưa đưa ra được một phương án đủ thuyết phục họ. Nhưng tôi vẫn tự động viên mình, xem như những lần từ chối này là họ đang thử thách quyết tâm và tài năng của tôi. Thế nên một lần nữa, tôi lại nỗ lực tìm một hướng đi khác…

Bị từ chối lần thứ tư

Khi tôi còn chưa kịp mở lời đề nghị hợp tác thêm một lần nữa, thì bỗng dưng Patrick gọi điện rất lịch sự mời tôi đến gặp mặt. Trong buổi gặp gỡ, anh ta báo cho tôi biết rằng họ đã quyết định hợp tác với con gái của một đại gia ở Việt Nam, một người có nguồn tài chính rất dồi dào, để mở công ty đào tạo đưa các khóa học về Việt Nam.

Lúc mới nghe tin này, tôi cảm giác như mình bị phản bội. Trong lòng đau đớn hết sức nhưng vẫn phải cố giữ vẻ mặt bình thản. Lúc đầu trong lòng tôi giận Adam và Patrick lắm. Nhưng sau khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi thấy họ cũng chẳng làm gì sai cả. Thứ nhất là họ chưa bao giờ hứa hẹn gì với tôi cả nên không thể coi là thất hứa hay phản bội. Thứ hai, là chủ doanh nghiệp, họ chỉ đơn giản là họ mong muốn công việc kinh doanh của mình được an toàn. Nếu tôi ở trong vị trí của họ thì có lẽ tôi cũng sẽ làm như vậy, chọn phương án an toàn nhất có thể. Chính vì suy nghĩ ấy, tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng và quý trọng Adam – Patrick.

Nhưng cũng sau sự kiện này, không còn lựa chọn nào khác, tôi phải tạm gác mơ ước mang khóa học I Am Gifted ! về Việt Nam để tìm một hướng đi mới ở Singapore.

Chưa đạt được ước mơ của mình không phải là thất bại. Không dám đi tìm ước mơ, hoặc đã biết ước mơ của mình nhưng không dám sống vì ước mơ của mình, mới chính là thất bại. Cơ hội luôn ở quanh bạn nhưng ẩn nấp đâu đó, nên nếu bạn chịu khó tìm thì chắc chắn sẽ thấy.

Vietnam2020 và Vietnam Enterprise

Khi tôi đang loay hoay tìm kiếm một hướng đi khác thì một cơ hội lại đến. Một người bạn giới thiệu tôi tham gia vào hội VN2020 do bác Võ Tá Hân thành lập. Hội được chia thành nhiều nhánh nhỏ tập hợp những chuyên gia trong các lãnh vực gần giống nhau. Ví dụ: Engineering Family tập hợp những chuyên gia trẻ trong lãnh vực kỹ thuật, IT Family tập hợp những chuyên gia trẻ trong lãnh vực công nghệ thông tin, Finance Family tập hợp những chuyên gia trẻ trong lãnh vực tài chính – ngân hàng,…

Sau một thời gian, nhờ sự năng động, tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình của mình, tôi được bác Hân tin tưởng giao cho trọng trách lãnh đạo một nhánh mới của hội được gọi là Enterprise Family tập hợp những chuyên gia mong muốn trở thành doanh nhân thực thụ. Nhờ có Enterprise Family, tôi được quen biết những người bạn cùng chung chí hướng và mơ ước trở thành doanh nhân như Nguyễn Việt Trung, Nguyễn Phú Hải, Bùi Hải An, Nguyễn Thế Luân, Đỗ Trần Bình Minh,… và nhiều người khác nữa.

Chúng tôi cùng nhau thành lập nên công ty Vietnam Enterprise Pte. Ltd. (trụ sở tại Singapore) – gọi tắt là VE. Cũng may là đúng lúc ấy Adam Khoo vừa hoàn thành quyển sách Bí Quyết Gây Dựng Nghiệp Bạc Tỷ – một quyển sách hướng dẫn khá chi tiết về khởi nghiệp và kinh doanh – nên dựa vào quyển sách này, chúng tôi nhanh chóng tổ chức VE một cách hợp lý và bắt đầu đi vào hoạt động.

Tổng số vốn ban đầu của VE chỉ có vỏn vẹn 6.000 đô Singapore (khoảng 100 triệu đồng). Vậy mà ngay từ dự án đầu tiên, chúng tôi đã lỗ đến gần 2.000 đô. Nhưng sau đó, chúng tôi thành công trong một dự án khác, bù lỗ lại cho dự án trước và kiếm được một khoả lợi nhuận gần 2.500 đô. VE cũng chính là tiền thân của TGM sau này. Cho nên, khi viết bài về TGM với tiêu đề “Những chàng trai vươn tới thành công” đăng trên báo Tuổi Trẻ, hai nhà báo Trần Nguyên và Lưu Trang vẫn dành một góc trong bài báo để nói về dự án này của VE. Bài báo viết:

Khởi nghiệp bao giờ cũng là một hành trình chông gai. Có những đêm cả nhóm VE ngồi ngoài phố, hí hoáy thử nghiệm việc gọi điện thoại di động theo nhóm (một người nói, tất cả các máy đều nghe) khi phát hiện dịch vụ điện thoại này đang có khuyến mãi tại

Singapore. Thì ra họ đang chuẩn bị cho việc dịch đuổi tại một hội nghị có khách tham gia người Việt để không phải thuê hệ thống máy móc cabin với giá cắt cổ. Anh Hồ Thế Sơn, chủ thương hiệu thời trang Foci, nhìn thấy và lắc đầu: “Đúng là chỉ có những người trẻ mới dám nghĩ dám làm một chuyện khó tin như vậy”. Thế mà họ thành công.

Với dự án ấy, chúng tôi không kiếm được nhiều tiền nếu xét về khía cạnh kinh doanh, nhưng lại là một cú huých tinh thần rất lớn cho chúng tôi, và cũng là cơ hội để chúng tôi được quen biết, thậm chí cùng ngồi ăn với những doanh nhân đàn anh rất thành đạt như anh Lý Quý Trung (Phở 24), anh Trần Minh Tâm (TTT Corporation), anh Hồ Thế Sơn (FOCI),… được làm việc trực tiếp với những người phụ nữ vừa tài năng vừa yêu nước như cô Phạm Chi Lan (một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam), cô Vũ Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao),… Cơ hội được quen biết và gặp gỡ những con người như thế mang lại cho chúng tôi niềm cảm hứng tuyệt vời trên con đường góp phần xây dựng Tổ quốc bằng kinh tế.

Sau dự án thành công rực rỡ về mặt tinh thần ấy, chúng tôi lại tìm được một dự án nhỏ khác giúp chúng tôi kiếm được thêm tí tiền chia nhau. Nhưng sau đó, VE cũng bắt đầu rơi vào tình cảnh bế tắc, không lối ra… Khởi nghiệp đúng thật bao giờ cũng là một hành trình hết sức chông gai.

Đam mê chia sẻ

Đam mê không phải là thứ có thể đến với bạn, cũng không phải là thứ bạn có thể nghĩ ra, mà đam mê là điều bạn phải dấn thân, tìm kiếm và quan trọng hơn hết là lựa chọn cho mình.

Trong khi VE ở Singapore đang đi vào bế tắc thì càng ngày sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế ! càng trở nên nổi tiếng tại Việt Nam. Hàng ngày tôi nhận được rất nhiều email từ độc giả kể về những thành công của họ sau khi đọc và thực hành theo quyển sách, hay chỉ đơn giản là một vài lời cảm ơn. Đọc những email ấy, dù ngắn hay dài, tôi đều cảm thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Cuối cùng thì những nỗ lực của tôi không những mang lại cho tôi lợi ích về kinh tế, mà quan trọng hơn hết, còn giúp được rất nhiều người khác, đặc biệt là các bạn trẻ.

Với tư cách dịch giả của quyển sách đã trở thành hiện tượng sách giáo dục tại Việt Nam – tôi được một số trường trung học và đại học mời về Việt Nam diễn thuyết và giới thiệu quyển sách. Cũng như những lúc làm huấn luyện viên ở Singapore và được học viên ôm mình nói lời cảm ơn, mỗi lần được đứng trước các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam chia sẻ về bí quyết thành công, làm chủ cuộc đời và tiếp thêm cho các em động lực sống, tôi thực sự cảm thấy mình đang sống rất có ý nghĩa. Nhiều khi tôi nghĩ, không phải tôi truyền động lực cho các em mà chính các em đã truyền động lực cho tôi. Tôi đến với nghề diễn giả cũng từ niềm đam mê chia sẻ ấy.

Có người nói rằng, làm diễn giả chuyên nghiệp là để kiếm bạc tỉ dễ dàng, để được nổi tiếng, hoặc để trở thành anh hùng của công chúng,… Nhưng thật sự, cái ngày bước chân vào nghề, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm bạc tỉ hay nổi tiếng, chứ đừng nói đến là anh hùng gì đó. Tôi bước vào nghề diễn giả đơn giản chỉ để thỏa mãn cái khao khát được sống xứng đáng của chính bản thân mình, và truyền cảm hứng sống cho nhiều người mà thôi.

Ngày ấy, tôi bước lên bục diễn thuyết chỉ với một suy nghĩ trong đầu: “Làm cách nào để mang lại những giá trị to lớn cho những người đang ngồi nghe dưới kia? Họ đã dành thời gian quý báu của họ cho mình, mình không được phép làm họ thất vọng”. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, mặc dù đã được xã hội công nhận và trả công một cách xứng đáng cho mỗi lần diễn thuyết vì những gì mà tôi đã và đang thật sự cống hiến cho xã hội, nhưng mỗi lần bước lên bục diễn thuyết, tôi đều quên hết chuyện cơm áo gạo tiền mà chỉ tập trung vào việc chia sẻ và lan tỏa càng nhiều giá trị càng tốt.

“Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương.” – Nam Cao

Trong nghề diễn giả, hay bất cứ một nghề chính đáng nào, một người muốn thành công thì phải hội đủ 3T, đó là TÂM – TẦM -TÀI.

Chữ TÂM

Người diễn giả muốn tạo cảm hứng phải làm việc xuất phát từ một chữ TÂM. Đa số mọi người đi làm để kiếm tiền và nghĩ rằng mình cần tiền để sống. Nhưng thật ra trong đa số trường hợp, chúng ta kiếm tiền thường vì những mục đích cao cả hơn: mong muốn tự lập, lo cho gia đình, lo cho con cái, giúp đỡ người khác,… Cho nên, tiền có thể là một động lực nhưng không bao giờ là một mục đích. Hay nói cách khác, tiền là một nhu cầu nhưng không bao giờ là một niềm cảm hứng. Chính vì thế, tiền không thể được xem là một lý tưởng để trở thành diễn giả.

Một diễn giả được quyền coi trọng giá trị lao động của mình thông qua việc yêu cầu mức thù lao xứng đáng cho mỗi lần diễn thuyết. Tuy nhiên, khi một diễn giả chỉ quan tâm đến việc kiếm được bao nhiêu tiền mỗi giờ hay mỗi buổi diễn thuyết, thì làm cách nào họ có thể tạo cảm hứng thật sự cho người khác một cách lâu dài? Người diễn giả phải thật sự mong muốn tạo nên sự khác biệt và giá trị cho những khán thính giả của mình, và thật sự mong muốn những khán thính giả của mình sau khi nghe những gì mình chia sẻ, sẽ bắt đầu thực sự áp dụng những điều đó vào cuộc sống và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn.

Mục đích cao nhất của người diễn giả là tạo cảm hứng cho khán thính giả sử dụng những kiến thức có được để hành động và thay đổi cuộc đời mình. Chính vì thế, một diễn giả thật sự chỉ có một lựa chọn duy nhất là nói từ chính trái tim mình. Làm diễn giả trước hết cần lắm một chữ TÂM.

Chữ TÀI

Người diễn giả muốn chia sẻ những điều giá trị phải có một chữ TÀI. Người diễn giả không nên bước lên sân khấu để thể hiện mình biết gì, vì cho dù anh biết nhiều bao nhiêu thì cũng không thể biết hết mọi thứ. Người diễn giả bước lên diễn thuyết là để chia sẻ những gì trong giới hạn hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Chính vì thế, người diễn giả phải có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng tầm kiến thức của mình, và quan trọng hơn là phải không ngừng áp dụng kiến thức vào cuộc sống để nâng tầm trải nghiệm và kinh nghiệm của mình. Một người không thể huấn luyện người khác nếu như anh ta trước hết không thể tự huấn luyện mình.

vốn sống của một người phụ thuộc ba yếu tố. Thứ nhất, người đó đọc bao nhiêu sách, đọc những quyển sách nào và rút ra được những gì từ sách. Thứ hai, người đó có những người thầy như thế nào và học được gì từ những người thầy ấy. Cuối cùng, quan trọng nhất là người đó đã và đang sống cuộc sống của mình như thế nào với tất cả hiểu biết có được từ sách, từ thầy.

Sống với những gì mình chia sẻ, hành động và trải nghiệm giúp người diễn giả lan tỏa những kiến thức của mình thông qua những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, chứ không thể chỉ là một cái máy đọc sách, đơn giản đọc lại những gì trong sách đã chia sẻ.

Để đầu tư vào bản thân mình như vậy đòi hỏi người diễn giả không chỉ rất tâm huyết với nghề và cũng phải rất khiêm tốn. Nếu một diễn giả tự cho mình là số 1 rồi thì chính anh ta giới hạn tài năng và sự phát triển của mình. Cho nên, những diễn giả tài năng nhất là những diễn giả khiêm nhường nhất, biết nói về mình khi phù hợp nhưng cũng càng phải biết im lặng khi cần thiết. Làm diễn giả cũng cần lắm một chữ TÀI.

Có thể bạn sẽ không có thời gian để nói hết những gì mình biết, nhưng bao giờ bạn cũng phải biết những gì mình nói.

Chữ TẦM

Đỉnh cao của nghề diễn giả là có thể truyền cảm hứng cho người khác ngay cả khi không cần phải… nói. Điều này chỉ làm được khi người diễn giả có được một chữ TẦM. Khi ấy, người diễn giả sẽ là một niềm cảm hứng không chỉ trong diễn thuyết mà còn trong cuộc sống. Ở đẳng cấp đó, người diễn giả không còn chỉ một hình ảnh đứng trên sân khấu nói về thành công hay động viên tinh thần người khác, mà trở thành một người bạn tinh thần đồng hành cùng hàng triệu triệu người, như là: George

Washington, Abraham Lincoln, Mohandas Gandhi, Winston Churchill, Martin Luther King, Aung San Suu Kyi, Nelson Mandela, Barack Obama, Kofi Annan, Bill Clinton, Nick Vujicic, Stephen Covey, Deepak Chopra, Jim Rohn, Oprah Winfrey, Eckhart Tolle, Tony Robbins,… Trong số họ, có những người là diễn giả chuyên nghiệp nhưng đa số thì không. Tuy nhiên, họ có cùng điểm chung là đều có nhiều bài diễn thuyết đầy cảm hứng làm rung động hàng triệu con tim. Có điều đối với họ diễn thuyết không phải là một nghề, mà diễn thuyết là một công cụ giúp họ góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.

“Người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.”

– William Arthur Ward

Để làm được điều đó, người diễn giả phải thật sự có một lý tưởng và một khát vọng đủ ý nghĩa để không chỉ chia sẻ mà còn lan tỏa, làm cho người khác xem đó thật sự là niềm cảm hứng trong cuộc sống của họ. Lý tưởng sống của người diễn giả không phụ thuộc vào những gì anh ta chia sẻ, nhưng lý tưởng sống của người diễn giả quyết định mục đích sâu xa của việc anh ta đứng lên chia sẻ. Nếu một người làm diễn giả chỉ vì kiếm được nhiều tiền, thì tiền là lý tưởng của anh ta. Nếu một người làm diễn giả chỉ vì danh, thì danh là lý tưởng của anh ta. Không có lý tưởng đúng hay sai, tốt hay xấu, miễn là không vi phạm đạo đức, pháp luật, nhưng lý tưởng của người diễn giả sẽ quyết định cái TẦM của anh ta.

Tất nhiên, không phải diễn giả nào cũng đạt được đến tầm cao như những tên tuổi mà tôi liệt kê ở trên. Nhưng dù ít hay nhiều, người diễn giả cũng nên ý thức được rằng mình cần phải luôn nỗ lực phấn đấu để nâng cao cái TẦM của mình.

Nếu bạn làm việc chỉ để kiếm tiền, bạn chỉ kiếm được tiền. Nhưng nếu bạn làm việc để tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, bạn sẽ tìm được ý nghĩa của cuộc sống và có thể cả rất nhiều tiền.

Cho nên, đối với bất kỳ ai mong muốn kiếm tiền bằng nghề diễn giả thì hãy suy nghĩ kỹ xem mình có dám đối diện với vô vàn những khó khăn và thử thách của nghề diễn giả hay không. Tôi đã tự nói với bản thân mình và người xung quanh rất nhiều lần rằng: “Nếu làm diễn giả chỉ để kiếm tiền, thì tôi chắc chắn đã bỏ nghề vì… quá nhiều thử thách.”

Nghề diễn giả không chỉ có ánh hào quang mà còn có cả những thách thức như: bị nghi ngờ, bị phê phán, bị chỉ trích, bị đánh giá, bị bới móc đời tư,… chưa kể công việc cũng rất cực và còn phải đi nhiều nơi, đôi khi không đủ thời gian dành cho gia đình và bản thân. Chỉ có những người thật sự ti vào bản thân và giá trị của những gì mình làm thì mới có thể đứng vững lâu dài được trong nghề. Và sự tự tin cũng như giá trị ấy tuyệt đối không thể tạo ra bằng tiền hay bằng danh được.

Nếu bạn muốn sống bằng nghề diễn giả và thậm chí làm giàu bằng nghề diễn giả, điều đó rất tốt. Ai cũng cần phải kiếm sống bằng một nghề nào đó. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ nghề nào khác, để kiếm được bạc tỉ, bạn phải là một trong những người giỏi nhất (có TÀI). Để là một trong những người giỏi nhất, bạn phải có một đam mê (có TÂM). Để có một đam mê, bạn phải có một lý tưởng và mục đích cao đẹp (có TẦM). Khi bạn có đủ TẦM – TÂM – TÀI rồi thì thường bạn cũng chẳng còn mấy quan tâm đến tiền. Nhưng trước hết, để có tất cả những điều đó bạn phải tự trả lời được câu hỏi đầu tiên: “Tại sao bạn muốn trở thành diễn giả?”.

Nói tóm lại, nếu bạn thật sự muốn trở thành một diễn giả, đừng nghĩ rằng mình sẽ kiếm bạc tỉ hay nổi danh từ nghề diễn giả. Diễn giả chuyên nghiệp là một nghề ý nghĩa. Nếu bạn muốn làm diễn giả, bạn phải học cách trân trọng cái ý nghĩa của công việc mình làm để tránh bôi nhọ nghề nghiệp của mình và bôi nhọ chính mình.

Hãy nghĩ mình sẽ tạo sự khác biệt cho cuộc sống này như thế nào thông qua công việc làm diễn giả. sống vì ước mơ đó. Và rồi, xã hội sẽ biết cách trân trọng bạn và trả công cho bạn xứng đáng. Khi đó, tự nhiên bạn sẽ kiếm được bạc tỉ, sẽ được nổi danh thật sự. Thậm chí, còn nhiều hơn bạc tỉ rất nhiều vì bạn được nhiều người yêu quý và trân trọng. Nhưng một lần nữa, khi bạn bắt đầu, hãy đơn giản xuất phát từ trái tim và lòng đam mê của mình. Bởi vì, người diễn giả bắt đầu từ một chữ TÂM.

“Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”

– Đại thi hào Nguyễn Du
Hỏi – đáp về nghề diễn giả

Nhân nói về nghề diễn giả, tôi xin được dừng câu chuyện lại một chút để trả lời một số câu hỏi mà rất nhiều bạn có đam mê trở thành diễn giả từng hỏi tôi.

Hỏi: Anh có phải là một diễn giả có đủ cả 3T?

Đáp: Không! Tôi chỉ có một chữ TÂM mà thôi. Nói thẳng ra làm diễn giả mà không có chữ TÂM thì không những đáng vứt vào sọt rác, mà còn nguy hiểm cho xã hội. Nếu buộc phải tự mình đánh giá thì tôi ti chắc mình có một chữ TÂM. Còn TÀI và TẦM thì tôi vẫn còn phải nỗ lực học hỏi thêm rất nhiều, trải nghiệm thêm rất nhiều và khao khát hơn rất nhiều.

Hỏi: Nếu muốn trở thành diễn giả, tôi phải bắt đầu từ đâu?

Đáp: Có 3 bước đơn giản để bạn dễ hình dung, học hỏi – trải nghiệm – chia sẻ. Bước đầu tiên luôn phải là học. Học những gì? Học những gì bạn muốn tập trung vào. Nếu bạn muốn trở thành một diễn giả chuyên về nghệ thuật bán hàng, học nghệ thuật bán hàng. Nếu bạn muốn trở thành diễn giả về Lập Trình Ngô Ngữ Tư Duy, học Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy. Nếu bạn muốn trở thành một diễn giả về khởi nghiệp, học khởi nghiệp. Dĩ nhiên học không chưa đủ, học xong rồi phải hỏi. Hỏi để biết khiêm nhường lắng nghe. Học hỏi xong rồi phải hành. Hành để có trải nghiệm. Trải nghiệm để nếm cả thất bại lẫn thành công. Khi bạn thành công, bạn chia sẻ thì tự nhiên mọi người sẽ muốn lắng nghe.

Hỏi: Học diễn thuyết mất bao lâu?

Đáp: Tùy vào bản thân bạn và khả năng của bạn. Có người chỉ cần học vài ngày, có người học và luyện tập mãi mà vẫn không làm được. Nhưng quan trọng vẫn là nỗ lực của bạn. Ở TGM, tôi đã chứng kiến những người tưởng chừng như không thể trở thành diễn giả hoặc chuyên gia đào tạo vì khả năng nói trước đám đông của họ khá thấp. Nhưng với quyết tâm và rèn luyện, cuối cùng họ đạt được ước mơ của mình. Trong trường hợp bạn thắc mắc tôi học diễn thuyết mất bao lâu thì sự thật là tôi học diễn thuyết chỉ mất 2 ngày, với 2 người thầy là Adam Khoo và Stuart Tan. Nhưng sau đó là một quá trình dài tự nghiên cứu sách và tự luyện tập để không ngừng nâng cao kiến thức, trải nghiệm và các kỹ năng liên quan đến diễn thuyết.

Đó mới là quá trình học thật sự, và quá trình này sẽ không bao giờ chấm dứt. Bạn sẽ không bao giờ có thể “tốt nghiệp” khi học để trở thành diễn giả, nhưng bạn luôn có thể vươn lên không ngừng.

Hỏi: Học diễn thuyết ở đâu? Có trường đại học nào dạy cách trở thành diễn giả?

Đáp: Kỹ năng diễn thuyết thì ở Việt Nam cũng có một số người có mở lớp. Nhưng đi học một lớp, thậm chí mười lớp về diễn thuyết, cũng không thể biến bạn thành diễn

giả. Thật ra về lý thuyết không khó (tôi chỉ học trong 2 ngày), chủ yếu là bạn có được hướng dẫn thực hành và theo sát không mà thôi. Sách dạy diễn thuyết và nói chuyện trước đám đông cũng không thiếu. Nhưng kỹ năng diễn thuyết chỉ là cái bề nổi rất nhỏ của nghề diễn giả.

Quan trọng và khó nhất vẫn là TÂM-TÀI-TẦM, những thứ đó thì chỉ có trường đời mới dạy được bạn. Cách học tốt nhất là dám dấn thân để trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn và rút ra những bài học sâu sắc từ những thất bại và thành công của mình. Chú ý là bạn có thất bại cũng chẳng sao, nhưng bạn muốn trở thành diễn giả thì bạn phải có đôi chút thành công thì lời nói của bạn mới thuyết phục. Cho nên, nếu thất bại thì phải bằng mọi giá đứng dậy cho đến khi đạt được thành công. Lúc ấy hãy nghĩ đến việc trở thành một diễn giả.

Dĩ nhiên nếu muốn, bạn vẫn có thể tự vỗ ngực xưng danh “diễn giả chuyên nghiệp” ngay bây giờ. Thật ra chẳng ai có thể cấm bạn làm điều đó. Nhưng liệu đó có phải là cách để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp thực thụ hay không? Chắc bạn cũng biết rằng, người khác bỏ thời gian đến nghe bạn chia sẻ không chỉ đơn giản vì bạn tự gọi mình là “diễn giả chuyên nghiệp”. Cho nên, câu trả lời và lựa chọn xin nhường lại cho bạn suy ngẫm.

Hỏi: TGM có dạy diễn thuyết không?

Đáp: Có và không. Có là thỉnh thoảng TGM vẫn mở một khóa học nhỏ về kỹ năng thuyết trình và diễn thuyết để đáp ứng nhu cầu nói tốt hơn trước đám đông của một số học viên. Tuy nhiên, đó chỉ là những kỹ năng diễn thuyết đơn giản mà ai muốn trở nên hấp dẫn hơn trước đám đông cũng có thể học. Còn đối với TGM, diễn giả là một nghề ý nghĩa, nên chúng tôi không chủ trương dạy nghề cho những người xem diễn giả là một nghề để kiếm tiền hoặc kiếm danh, cũng như không dạy cho những người thiếu sự khiêm nhường.

Trong TGM chúng tôi cũng không dùng từ “diễn giả” hay “chuyên gia đào tạo”, những cách gọi ấy chỉ được dùng ra bên ngoài để cho công chúng dễ hiểu việc chúng tôi làm.

Trong nội bộ TGM, chúng tôi gọi nhau một cách nhẹ nhàng và thoải mái – đó là “trainer” (vì nhiều người trong chúng tôi được đào tạo ở nước ngoài nên cũng quen dùng từ này). Vả lại đây là một từ bình dị và gần gũi hơn “diễn giả” hay “chuyên gia đào tạo” rất nhiều, chứ không phải là chúng tôi sính ngoại. Ngay cả bản thân tôi là người Việt Nam duy nhất được AKLTG chứng nhận là Master Trainer, nhưng trong nội bộ cũng chỉ được gọi đơn giản là trainer.

Thường thì các trainer ở TGM chỉ truyền lại nghề cho những người đã qua sàng lọc, đã chứng tỏ bản thân mình và có một khao khát tạo nên sự khác biệt cho người Việt Nam, ngay cả khi mình phải hy sinh một chút lợi ích của bản thân.

Ở TGM, tôi dạy cho Triều, rồi sau này Triều thay tôi dạy lại cho những trainer khác. Khi có thể, tôi cũng chia sẻ thêm kiến thức và kinh nghiệm của mình cho anh em. Nhưng tôi chẳng bao giờ tự nhận là thầy của họ, bởi vì chúng tôi bao giờ cũng cần học hỏi lẫn nhau. Bản thân tôi cũng học được nhiều điều từ các trainer khác, và mỗi người trong chúng tôi đều phải biết khiêm nhường học hỏi nếu không muốn bị đào thải.

Không những vậy, mỗi trainer của TGM đều phải tự học, tự rèn luyện, tự tìm cơ hội trải nghiệm. Cho nên mặc dù chúng tôi dạy lẫn nhau để tiết kiệm thời gian tìm tòi, nhưng thành công của mỗi trainer đều phần lớn nhờ chính bản thân họ tự nỗ lực – như vậy mới là một thành công xứng đáng. Đó là cái khó và cũng là niềm tự hào của nghề diễn giả.

Nếu bạn muốn học để trở thành trainer ở TGM, hãy bắt đầu từ chữ TÂM và nỗ lực rèn luyện chữ TÀI. Khi bạn có hai điều đó và vượt qua những thử thách của TGM, chúng tôi sẽ giúp bạn không chỉ tỏa sáng mà còn có thể tạo nên sự khác biệt. Còn chữ TẦM thì chỉ có bạn có thể giúp chính mình mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.