Sử Ký Tư Mã Thiên

LƯU HẦU THẾ GIA



T ổ tiên Lưu Hầu Trương Lương là người nước Hàn. Người ông là Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu Hầu, Tuyên Huệ Vương, Tương Ai Vương; cha là Bình làm tướng quốc của Ly Vương, Điệu Huệ Vương. Năm thứ hai mươi ba đời Điệu Huệ Vương. Bình chết (250 trước công nguyên). Lương còn ít tuổi, chưa từng làm quan nước Hàn. Khi nước Hàn bị phá tan, Lương có ba trăm người tôi tớ trong nhà. Em Lương chết, Lương không lo chôn cất, đem tất cả gia tài tìm thích khách giết vua Tần để báo thù cho nước Hàn, bởi vì cha và ông làm tướng quốc năm đời vua Hàn. Lương thường học lễ ở đất Hoài Dương, đi về đông yết kiến Thương Hải Quân (người ẩn sĩ lúc bấy giờ), tìm được một lực sĩ làm một cái chuỳ sắt, nặng một trăm hai mươi cân. Tần Thuỷ Hoàng đi chơi ở miền đông, Lương và người khách rình đánh Tần Thuỷ Hoàng ở bãi cát Bác Lãng, đánh nhầm phải xe tuỳ tùng. Tần Thuỷ Hoàng nổi giận sai lùng khắp thiên hạ , tìm người thích khách rất gấp, cốt lùng cho được Trương Lương. Lương bèn đổi tên họ, trốn tránh ở Hạ Bì. Một hôm dạo chơi ở trên cầu Hạ Bì, Lương thấy một cụ gìa, mặc áo cộc đến chỗ mình, để chiếc giầy rơi tõm xuống cầu. Cụ quay lại bảo Lương :

– Thằng bé ! Xuống lấy giầy !

Lương ngạc nhiên muốn đánh. Nhưng thấy ông cụ già cả nên cố nhịn, xuống lấy giầy lên.

Ông cụ nói :

– Xỏ giày cho ta !

Lương trót đã lấy giầy, nên cũng luôn tiện quỳ xuống xỏ giầy cho ông cụ. Cụ già đút chân vào giầy, cười rồi bỏ đi. Lương hết sức kinh ngạc, đưa mắt nhìn theo. Ông cụ đi khỏi một dặm, lại quay lại nói :

– Thằng bé dạy được đấy ! Năm ngày sau, sáng tinh mơ, ngươi sẽ gặp ta ở đây !

Lương lấy làm lạ, quỳ xuống nói :

– Dạ !

Năm hôm sau, sáng tinh mơ, Lương đến thì cụ già đã ở đấy từ trước . Cụ giận , nói :

Đã hẹn với người già cả , lại đến sau là cớ gì ? Cụ ra đi, nói :

Năm ngày nữa, sẽ gặp ở đây cho sớm .

Năm ngày sau , vào lúc gà gáy , Lương đến nơi họp, thì cụ già đã đến trước. Cụ lại giận , nói :

Tại sao lại đến sau ? Cụ ra đi , nói :

Năm ngày sau, đến cho sớm .

Năm ngày sau, chưa đến nửa đêm, Lương đã đi. Một lát sau, cụ già cũng đến .

Cụ vui mừng nói :

– Thế mới phải chứ !

Cụ đưa ra một quyển sách nói :

Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả. Mười năm sau, sẽ ứng nghiệm. Mười ba năm sau, con đến gặp ta. Hòn đá màu vàng dưới chân núi Cốc Thành ở phiá bắc sông Tế là ta đó.

Cụ già liền đi , không nói gì và Lương không gặp lại nữa. Sáng hôm sau, Lương xem quyển sách thì đó là quyển “Thái Công binh pháp”. Lương vì vậy rất quí quyển này , thường đem ra học tập nghiền ngẫm. Lương ở Hạ Bì làm người nghĩa hiệp. Hạng Bá giết người, được Lương che chở (Đoạn 1 – Trương Lương trước khi theo Lưu Bang).

2. Mười năm sau (209 trước công nguyên), bọn Trần Thiệp khởi nghĩa, Lương cũng tụ họp hơn trăm trai tráng. Cảnh Câu ở đất Lưu tự lập làm Giả Vương (“Vua tạm thời”, lập vua tạm thời để hiệu triệu dân chúng cho tiện) nước Sở. Lương muốn đi theo. Giữa đường, Lương gặp Bái Công. Bái Công đem mấy nghìn người cướp được đất ở phía tây Hạ Bì . Lương bèn theo Bái Công. Bái Công cho Lương làm tướng coi về việc ngựa của quân. Lương mấy lần đem binh pháp của Thái Công ra trình bày với Bái Công. Bái Công khen, thường dùng sách lược ấy. Lương nói cho người khác nghe thì họ đều không hiểu. Lương nói :

– Bái Công là người nhà trời chăng !

Vì vậy, Lương theo Bái Công, không đến yết kiến Cảnh Câu nữa.

Bái Công đến đất Tiết, yết kiến Hạng Lương, Hạng Lương lập Sở Hoài Vương. Lương bèn nói với Hạng Lương :

Ngài đã lập con cháu vua Sở; trong các công tử nước Hàn, Hành Dương Quân tên là Thành là người hiền, có thể lập làm vương để tăng thêm vây cánh.

Hạng Lương sai Trương Lương tìm Hàn Thành, lập làm vua Hàn, cho Lương làm tư đồ nước Hàn, cho Hàn Vương cầm hơn nghìn quân đi về hướng tây lấy đất Hàn. Quân Hàn lấy được mấy thành, nhưng quân Tần cướp lại ngay. Quân Hàn đi lại đánh quanh quẩn ở miền Dĩnh Xuyên. Khi Bái Công đi từ miền nam Lạc Dương ra khỏi núi Hoàn Viên, Lương dẫn quân theo Bái Công, lấy được hơn mười thành của Hàn, đánh phá quân của Dương Hùng. Bái Công bèn sai Hàn Vương Thành ở lại giữ huyện Dương Định, còn mình cùng Trương Lương đi về hướng nam, đánh lấy được đất Uyển, rồi quay sang hướng tây vào Vũ Quan. Bái Công muốn đem hai vạn quân đánh quân Tần ở gần đất Nghiên. Lương nói :

Quân Tần vẫn còn mạnh, chưa có thể coi thường. Thần nghe nói tướng Tần là con nhà hàng thịt. Là con nhà buôn, thì dễ lấy lợi mà lôi cuốn họ. Xin Bái Công hãy tạm thời ở lại giữ thành, sai người đi trước dự bị lương thực cho năm vạn người ăn, lại cắm thêm cờ xí ở trên núi để làm nghi binh, sai Lịch Tự Cơ mang của quý đút lót cho tướng Tần.

Qủa nhiên tướng Tần làm phản, muốn liên kết với Bái Công cùng đem binh về hướng Tây đánh úp Hàm Dương. Bái Công nghe theo, Lương nói :

Đây chỉ có viên tướng của nó là muốn làm phản thôi , sợ bọn quân lính không nghe theo. Nếu họ không nghe theo thì nguy, chi bằng ta nhân lúc nó trễ nãi mà đánh nó . Bái Công liền đem quân đánh quân Tần, phá tan quân Tần. Bèn đi về hướng bắc đến Lam Điền. Đánh trận thứ hai, quân Tần thua to. Bái Công bèn đến Hàm Dương , vua Tần là Tử Anh ra hàng.

Bái Công vào cung nhà Tần, thấy nhà cửa, màn trướng, chó ngựa, vật quí, đàn bà con gái đến hàng ngàn, ý muốn ở lại đấy. Phàn Khoái can Bái Công nên ra ngoài. Bái Công không nghe. Lương nói :

Tần làm điều vô đạo cho nên Bái Công mới đến được đây. Đã cốt vì thiên hạ giết bọn giặc tàn ác, thì ta nên ăn ở theo lối mộc mạc, để tỏ cái nền nếp của mình. Nay ngài vừa mới vào nước Tần mà đã ham thích cái vui thú của nó, thì khác gì người ta nói, “Nối giáo cho giặc” vậy. Vả chăng, “lời nói ngay nghe chướng tai, nhưng có lợi cho việc làm, thuốc đắng, uống khó chịu nhung chữa được bệnh”, xin Bái Công nghe theo lời Phàn Khoái !

Bái Công bèn đem quân về Bá Thượng.

Hạng Vũ về đến Hồng Môn, muốn đánh Bái Công. Hạng Bá đang đêm ruỗi ngựa vào trong quân doanh của Bái Công hội kiến riêng với Trương Lương, muốn rủ Lương cùng đi với mình. Lương nói :

Tôi vì Hàn Vương mà tiễn Bái Công, nay có việc gấp bỏ trốn đi thì bất nghĩa.

Lương bèn đem tất cả những lời nói của Hạng Bá nói lại với Bái Công, Bái Công hoảng sợ nói :

Làm sao bây giờ ? Lương hỏi :

Bái Công có muốn chống lại Hạng Vũ không ? Bái Công nói :

Cái thằng khốn nạn kia khuyên ta giữ lấy Hàm Cốc Quan, không cho quân của chư hầu vào, thì có thể làm vương trên tất cả đất Tần, cho nên ta nghe theo !

Lương hỏi :

Bái Công tự lượng sức xem có thể đánh lui được Hạng Vũ không ? Bái Công yên lặng một lát rồi nói :

Cố nhiên là không được. Làm sao bây giờ ?

Lương bèn cố mời Hạng Bá vào. Hạng Bá yết kiến Bái Công. Bái Công mời Bá uống rượu chúc thọ kết làm thông gia, nhờ Hạng Bá nói lại đầu đuôi rằng, Bái Công không dám phản lại Hạng Vũ. Bái Công sở dĩ giữ lấy cửa ải là đề phòng bị bọn đạo tặc khác. Sau rồi Bái Công gặp Hạng Vũ mới được giải thoát, việc ấy đã nói trong truyện Hạng Vũ ( Xem Hạng Vũ bản kỷ).

Tháng giêng, năm thứ nhất nhà Hán (206). Bái Công làm Hán Vương, cai trị đất Ba, đất Thục. Hán Vương cho Lương hai nghìn lạng vàng, hai hộc châu báu, Lương đem hiến tất cả cho Hạng Bá. Hán Vương cũng nhân đó, sai Lương đem nhiều của quí cho Hạng Bá nhờ Hạng Bá xin đất Hán Trung cho mình. Hạng Vương ưng thuận, vì vậy Bái Công được đất Hán Trung. Hán Vương vào đất Ba, đất Thục, Lương tiễn đến đất Bao Trung. Hán Vương sai Lương về nước Hàn. Lương nhân đó nói với Hán Vương :

Sao vương không đốt quách các đường sạn đạo (Xem chú thích ở Cao Tổ bản kỷ) đã đi qua, để nói với thiên hạ rằng mình không có ý muốn quay lại, làm cho Hạng Vương yên lòng !

Hán Vương bèn sai Trương Lương quay lại. Hán Vương đi qua đốt tất cả đường sạn đạo.

Lương đến nước Hàn. Vì Hàn Vương Thành đã cho Lương theo Hán Vương, nên Hạng Vươngkhông cho Thành về nước Hàn, bắt Thành theo mình sang đông. Lương nói với Hạng Vương :

Hán Vương đã đốt đường sạn đạo, tức là không muốn quay lại nữa.

Lương bèn lấy thư của Tề Vương là Điền Vinh làm phản đưa cho Hạng Vương. Vì vậy

Hạng Vương không lo đến Hán Vương đang ở phía tay; trái lại, đem binh về phương bắc đánh Tề. Sau đó Hạng Vương không chịu cho Hàn Vương về, giáng xuống làm hầu, rồi giết ở Bành Thành. Lương bỏ trốn, lẻn theo về với Hán Vương. Hán Vương cũng đã lấy được Tam Tần, cho Lương làm Thành Tín Hầu, đi về hướng đông đánh Sở.

Quân Hán tới Bành Thành, bị đánh bại quay về. Hán Vương đến Hạ Ấp xuống ngựa, ngồi xổm trên yên ngựa (chi tiết dường như không quan trọng nhưng rất điển hình) mà hỏi Trương Lương :

Ta muốn bỏ tất cả đất đai từ Hàm Cốc Quan sang phía đông. Bây giờ giao cho ai thì có thể cùng ta lo nghiệp lớn.

Lương nói :

Cửu Giang Vương Kình Bố là viên mãnh tướng của Sở, có hiềm khích với Hạng Vương. Bành Việt theo Tề Vương là Điền Vinh làm phản ở đất Lương, hai người này nên dùng ngay. Trong số các tướng của Hán Vương, chỉ có một mình Hàn Tín là có thể giao được việc lớn, chống giữ được một mặt. Nếu muốn bỏ đất đai cứ giao cho ba người ấy thì có thể phá được nước Sở.

Hán Vương bèn sai Tuỳ Hà , nói với Cửu Giang Vương Kình Bố , lại sai sứ giả kết liên với Bành Việt. Đến khi Nguỵ Vương là Báo làm phản, Hán Vương sai Hàn Tín đem binh đánh Báo, nhờ vậy lấy được các nước Yên, Đại, Tề, Triệu. Cuối cùng phá được nước Sở, là do sức của ba người này.

Trương Lương hay ốm, chưa từng làm tướng một mình, thường làm kẻ bày mưu kế, và luôn luôn đi theo Hán Vương.

Năm thứ ba nhà Hán (204 trước công nguyên), Hạng Vũ vây Hán Vương ở Huỳnh Dương rất gấp. Hán Vương lo lắng, cùng Lịch Tư Cơ bàn cách làm yếu lực lượng của Sở. Tự Cơ nói :

Ngày xưa, vua Thang đánh Kiệt, phong cho con cháu Kiệt ở đất Kỷ. Vua Vũ Vương đánh Trụ, phong cho con cháu Trụ ở đất Tống. Nay nhà Tần bỏ điều đức nghĩa, lấn đánh các nước chư hầu, tiêu diệt con cháu sáu nước, khiến cho họ không có tấc đất cắm dùi. Nếu bệ hạ quả thực lập lại được con cháu sáu nước, họ nhận được ấn rồi thì vua tôi, trăm họ tất cả đều mang ơn đức, không ai không nô nức hâm mộ đạo nghĩa của bệ hạ, tình nguyện làm thần thiếp. Nếu đã thi hành đức nghĩa, thì bệ hạ quay mặt về hướng nam mà xưng bá, nước Sở nhất định phải khép áo đến chầu. Hán Vương nói :

Phải ! Mau mau khắc ấn ! Tiên sinh nhân tiện đi mang theo luôn. Tự Cơ chưa đi, Trương Lương ở ngoài vào yết kiến.

Hán Vương đang ăn, nói :

Tử Phòng lại đây ! Có người khách bàn giúp ta cách làm giảm quyền lực nước Sở. Hán Vương đem lời Lịch Sinh kể lại đầu đuôi, và hỏi :

Tử Phòng thấy thế nào ?

Ai bày cho bệ hạ kế này ? Công việc của bệ hạ thế là hỏng rồi. Hán Vương nói :

Tại sao thế ?

Thần xin mượn nắm đũa trước mâm mà trù tính cho đại vương nghe. Xưa, vua Thang đánh Kiệt, nhưng phong con cháu Kiệt ở đất Kỷ, là biết chắc mình có thể nắm được cái chết của Kiệt. Nay bệ hạ có thể nắm được tính mạng của Hạng Tịch không ?

Chưa nắm được.

Đó là điều thứ nhất chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương đánh Trụ, phong con cháu nhà Thương ở Tống, là chắc lấy được đầu Trụ, nay bệ hạ có thể lấy được đầu Hạng Tịch không ?

Hán Vương nói :

Chưa thể được. Lương nói :

Đó là điều thứ hai chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương vào đất Ân, nêu tỏ quê hương của Thương Dung, tha tù cho Cơ Tử, đắp mộ cho Tỷ Can (Thương Dung, người hiền đi ẩn ở núi Thái Hàng. Cơ Tử can Trụ không được bị Trụ bắt giam. Tỷ Can can Trụ bị Trụ giết). Nay bệ hạ có thể đắp được mộ cho thánh nhân, nếu lo quê hương của bậc hiền nhân, cúi đầu trước cửa người trí giả không ?

Hán Vương nói :

Chưa làm được .

Đó là điều thứ ba, chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương phát thóc ở kho Cự Kiều, tung tiền ở nhà Lộc Đài cấp cho dân nghèo. Nay bệ hạ có thể lấy của kho ra phân phát cho người nghèo được không ?

Hán Vương nói :

Chưa làm được.

Đó là điều thứ tư, chứng tỏ không thể làm thế. Sau khi đánh nhà Ân xong, Vũ Vương đổi xe trận làm xe thường, đặt ngược giáo mác, lấy da hổ bọc bên ngoài, để báo với thiên hạ rằng không dùng binh nữa. Nay bệ hạ có thể xếp việc võ để lo việc văn, không dụng binh nữa không ? Hán Vương nói :

Chưa làm được .

Lương nói :

– Đó là điều thứ năm chứng tỏ không thể làm thế. Vũ Vương cho ngựa nghỉ ở phía nam núi Hoa Sơn để chứng tỏ rằng không dùng ngựa chiến nữa. Nay bệ hạ có thể cho chiến mã nghỉ ngơi không dùng nó nữa không ? Hán Vương nói :

Chưa làm được như vậy. Lương nói :

Đó là điều thứ sáu chứng tỏ không thể làm thế. Vua Vũ Vương thả trâu ở phía bắc cánh đồng Đào Lâm để chứng tỏ rằng không dùng nó vào việc chuyên chở nữa. Nay bệ hạ có thể thả trâu nghỉ ngơi không dùng nó vào việc chuyên chở nữa không ?

Hán Vương nói :

Chưa có thể làm được.

Đó là điều thứ bảy, chứng tỏ không thể làm thế. Những kẻ du sĩ trong thiên hạ bỏ thân thích, xa lìa mồ mả ông cha, rời những người quen thuộc đi theo bệ hạ, chỉ là ngày đêm mong được một thước , một tấc đất đai. Nay bệ hạ lại khôi phục sáu nước, lập lại con cháu Hàn, Nguỵ, Yên, Triệu, Tề, Sở thì những kẻ du sĩ trong thiên hạ đều trở về thờ vua của họ, theo thân thích của họ, quay về với những người quen thuộc của họ, với mồ mả ông cha của họ, vậy bệ hạ còn nhờ ai mà lấy được thiên hạ nữa ? Đó là điều thứ tám chứng tỏ không thể làm thế. Vả chăng, nếu nước Sở mà mạnh nhất thì sáu nước được lập lên sẽ lại chịu khuất mà theo Sở. Như vậy bệ hạ làm sao mà bắt họ thần phục mình được ? Nếu bệ hạ dùng mưu của người khách thì sự nghiệp của bệ hạ hỏng mất (Trương Lương đưa ra 8 điều, nhưng thực ra chỉ có điều thứ 8 là quan trọng. Những điều kia chỉ có tính chất hổ trợ) .

Hán Vương liền dừng ăn, nhả cơm ra mà mắng :

Cái thằng hủ nho ! Suýt nữa mày làm hỏng cả việc của ông (Miêu tả Hán Vương rất sinh động).

Liền sai tiêu huỷ ngay các ấn.

Năm thứ tư nhà Hán (203), Hàn Tín phá quân nước Tề, muốn tự lập làm Tề Vương. Hán Vương giận. Trương Lương bàn với Hán Vương. Hán Vương sai Lương trao ấn Tề Vương cho Tín. Việc này chép trong chuyện Hoài Âm Hầu (Xem Truyện Hoài Âm Hầu). Mùa thu năm ấy, Hán Vương đuổi theo Sở đến miền nam Dương Hạ, đánh không lại, phải đóng giữ ở Cố Lăng. Chư hầu hẹn nhưng không đến. Lương bàn với Hán Vương. Hán Vương dùng mưu kế của Lương, chư hầu đều đến, việc này chép trong chuyện Hạng Tịch (Xem Hạng Vũ bản kỷ).

Tháng giêng, năm thứ sáu nhà Hán (200), Hán Vương phong cho các công thần.

Lương chưa hề có công về chiến trận. Cao Đế nói :

Bàn mưu kế ở trong màn, trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, đó là công của Tử Phòng ! Cho tự chọn lấy ba vạn hộ ở đất Tề.

Lương nói :

Xưa kia thần khởi nghĩa ở Hạ Bì, tới đất Lưu thì gặp bệ hạ. Đó là trời đem thần giao cho bệ hạ ! Bệ hạ dùng mưu kế của thần, may mà có lúc trúng, thần xin được phong ở Lưu là đủ rồi, không dám nhận ba vạn hộ.

Cao Đế bèn phong Trương Lương làm Lưu Hầu, cùng được phong với bọn Tiêu Hà. Năm thứ sáu, vua đã phong hơn hai mươi người đại công thần, còn những người khác thì ngày đêm tranh công nhau, không quyết định được, cho nên chưa làm việc phong tước. Vua ở cung Nam thành Lạc Dương, từ con đường trên gác nhìn các tướng, thấy họ cùng nhau ngồi trên bãi cát nói chuyện.

Vua nói :

Họ nói gì thế ?

Bệ hạ không biết sao ? Đó là họ bàn việc làm phản đấy thôi ! Vua nói :

Thiên hạ đã gần được yên rồi ! Vì cớ gì họ lại làm phản ?

Lương nói :

Bệ hạ vốn từ áo vải xuất thân, nhờ bọn họ mà lấy được thiên hạ. Nay bệ hạ làm thiên tử, mà người được phong lại là những người bạn cũ, hoặc người thân yêu như là Tiêu Hà, Tào Tham; còn những người bị giết lại là những người bình sinh bệ hạ thù oán. Nay quân lại (nha môn coi về việc quân chính) tính công trạng cho rằng lấy cả thiên hạ cũng không đủ để phong cho khắp cả mọi người, bọn này sợ bệ hạ không thể phong cho tất cả, lại ngờ rằng mình sẽ bị giết vì những lỗi lầm ngày trước, cho nên họp nhau mưu làm phản đó thôi.

Vua lo lắng hỏi :

Bây giờ làm thế nào ?

Trong số những người ngày thường bệ hạ vẫn ghét mà các quan đều biết thì ai là bị ghét hơn cả ?

Nhà vua nói :

Ung Xỉ với ta là chỗ quen biết cũ, thường làm ta khốn khổ, nhục nhã. Ta muốn giết hắn nhưng vì hắn lập được nhiều công cho nên không nỡ.

Lương nói :

Nay mau mau phong cho Ung Xỉ trước, để tỏ cho các quan biết . Các quan thấy Ung Xỉ được phong thì người nào cũng sẽ yên tâm.

Vua bèn đặt tiệc rượu, phong Ung Xỉ làm Thập Phương Hầu, và giục gấp thừa tướng, ngự sử phải lo việc định công lao, phong đất đai. Tiệc rượu tan, các quan đều mừng rỡ nói :

Ung Xỉ mà còn được phong hầu, thì bọn ta chẳng phải lo nữa.

Lưu Kính nói với Cao Đế :

– Nên đóng đô ở Quan Trung.

Vua đang phân vân. Các quan đại thần xung quanh đều là người Sơn Đông (Sơn Đông ở đây dùng để chỉ tất cả các nước ở phía đông nước Tần), phần nhiều khuyên nhà vua đóng đô ở Lạc Dương, nói :

Lạc Dương phía đông có Thánh Cao, phía tây có Hào Sơn, Dẫn Trì, sau lưng là Hoàng Hà, quay mặt sang các sông Y, sông Lạc. Có thể tin cậy vào sự hiểm trở của nó. Lưu Hầu nói :

Tuy Lạc Dương có những hiểm trở ấy, nhưng đất hẹp không quá vài trăm dặm, ruộng đất xấu lại phải đương đầu với kẻ địch cả bốn mặt, độ không phải là nước dụng võ. Trái lại, Quan Trung bên trái có Hào Sơn, Hàm Cốc Quan; bên phải có đất Lũng, đất Thục, đồng ruộng phì nhiêu ngàn dặm; phía nam có của cải của đất Ba, đất Thục; phía bắc có cái lợi đồng cỏ đất Hồ, cả ba mặt đều có thiên nhiên hiểm trở phòng giữ, chỉ dùng một mặt đông để khống chế chư hầu. Khi chư hầu yên ổn, thì sông Hoàng Hà, Vị Thuỷ có thể dùng để chuyên chở của cải của thiên hạ đem về cấp cho Kinh Đô. Nếu chư hầu có biến, thì cứ thuận dòng sông đi xuống, có thể tiện việc chuyên chở. Đó mới là thành vàng ngàn dặm, một kho báu trời cho vậy. Lời của Lưu Kính là phải đấy.

Cao Đế liền chuẩn bị xe ngựa ngay hôm ấy sang hướng tây đóng đô ở Quan Trung. Lưu Hầu theo vua vào Quan Trung, Lưu Hầu vốn hay ốm, thường học phép “đạo dẫn” (phép tu luyện của người theo đạo Lão, mục đích tập thở và luyện gân cốt để sống lâu), không ăn cơm, đóng cửa không ra ngoài hơn một năm (Đoạn 2 – Trương Lương bày mưu cho Lưu Bang lấy thiên hạ).

3. Vua muốn bỏ thái tử, lập con của Thích Phu Nhân là Triệu Vương Như Ý lên làm thái tử, các quan đại thần phần nhiều đều can ngăn, nhưng không thấy vua quyết định hẳn. Lữ Hậu sợ, không biết làm thế nào. Có người nói với Lữ Hậu :

Lưu Hầu khéo bày mưu tính kế, vua tin dùng ông ta !

Ngài thường làm mưu thần cho hoàng thượng, nay hoàng thượng muốn đổi thái tử, ngài nằm khểnh điềm nhiên thế sao được.

Lưu Hầu nói :

Xưa kia hoàng thượng thường ở trong cảnh nguy khốn cấp bách, nhờ đó mà có dùng mưu kế của tôi. Nay thiên hạ đã yên ổn rồi, hoàng thượng vì cớ yêu thương, muốn thay đổi thái tử, đó là việc ở trong gia đình, cốt nhục, tuy có hơn trăm người như tôi cũng không ăn thua.

Lữ Trạch cố nài :

Việc này khó lòng lấy miệng lưỡi mà can ngăn. Thế nhưng trong thiên hạ có bốn người, hoàng thượng không sao mời nổi. Bốn người này đã già, họ đều cho rằng nhà vua khinh người, nên bỏ trốn vào ở ẩn trong núi, giữ nghĩa không làm tôi nhà Hán, nhưng hoàng thượng rất tôn trọng bốn người này. Nay nếu ông không tiếc vàng, ngọc, lụa là; bảo thái tử viết thư, dùng lời lẽ nhũn nhặn, sắp xe êm, sai người biện sĩ cố mời, thì họ sẽ đến. Họ đến, cho họ làm khách, thường cho vào triều để cho hoàng thượng trông thấy, thì thế nào hoàng thượng cũng lấy làm lạ và hỏi. Khi hoàng thượng hỏi, biết bốn người kia là người hiền, thì chính là một cách giúp đỡ đó !

Lữ Hậu liền sai Lữ Trạch cho người mang thư của thái tử, dùng lời lẽ khiêm nhường, lấy lễ, lạt hậu, để đón bốn người kia. Bốn người đến làm khách ở nhà Kiến Thành Hầu.

Năm thứ mười một nhà Hán (196 trước công nguyên), Kình Bố làm phản. Vua ốm muốn sai thái tử cầm quân đi đánh. Bốn người bàn nhau :

Chúng ta đến đây là cốt để bảo hộ địa vị của thái tử. Thái tử cầm quân thì việc nguy mất !

Bèn nói với Kiến Thành Hầu :

Nếu thái tử cầm quân, có công thì địa vị cũng không thêm hơn được nữa, nhưng nếu không có công quay về thì sẽ vì đó mà mang vạ. Vả chăng, các tướng cùng đi với thái tử, đều là những mãnh tướng thường cùng hoàng thượng bình định thiên hạ cả. Nay cho thái tử điều khiển họ, thì chẳng khác gì sai dê điều khiển sói, chẳng ai chịu ra sức, nhất định sẽ không có kết quả. Tôi nghe nói, “Mẹ được yêu thì con được bế”, nay Thích Phu Nhân ngày đêm chầu chực, Triệu Vương Như Ý thường được bế ở trước mặt, hoàng thượng nói, “Thế nào cũng không để đứa con hư ở trên đứa con yêu”, như thế thì rõ ràng định thay thế thái tử. Tại sao ông không nói với Lữ Thần mau mau tìm cơ hội khác mà can nhã vua rằng, “Kình Bố là một mãnh tướng trong thiên hạ, giỏi về việc dùng binh. Nay các tướng đều là hạng ngang vai vế với hoàng thượng , thế mà lại sai thái tử điều khiển bọn họ thì khác nào cho dê điều khiển sói, chẳng ai chịu ra sức. Vả lại, nếu Kình Bố nghe điều đó, thì hắn sẽ gióng trống kéo quân sang hướng tây mất Hoàng thượng tuy bệnh, cũng xin gượng trở lên xe, để nằm mà điều khiển. Như vậy các tướng sẽ không ai không dám hết sức. Hoàng thượng tuy khổ, nhưng xin vì vợ con mà gắng gượng ( Xem Kình Bố liệt truyện) .

Lữ Trạch ngay đêm ấy vào yết kiến Lữ Hậu. Lữ Hậu nhân lúc rảnh khóc lóc nói với nhà vua theo như ý bốn người nói. Vua nói :

– Ông thấy có sai thằng bé cũng chẳng làm nên gì, thôi ông phải làm lấy thôi.

Vua liền thân hành cầm quân đi về hướng đông, các quan ở lại đều tiễn đến Bái Thượng. Lưu Hầu ốm cũng gắng gượng dậy đi đến Khúc Bưu, ra mắt nhà vua và nói : – Đáng lý thần phải theo, nhưng thần ốm nặng. Quân Sở hung tợn, xin bệ hạ chớ có giao chiến với chúng ( Trận ấy Hán Cao Tổ không nghe lời Trương Lương, bị tên bắn trúng).

Nhân lại nói với nhà vua :

– Nên cho thái tử làm tướng quân coi quân ở Quan Trung. Vua nói :

– Tử Phòng tuy ốm, hãy cố gắng nằm mà giúp thái tử.

Bấy giờ Thúc Tôn Thông làm thái phó, Lưu Hầu làm thiếu phó.

Năm thứ mười hai, nhà Hán (195 trước công nguyên), sau khi đánh phá quân Kình Bố về, vua ốm càng nặng, muốn thay thái tử. Lưu Hầu can, vua không nghe, mượn cớ ốm xin nghỉ việc. Thúc Tôn Thông dẫn chuyện xưa nay, cố chết bảo toàn ngôi cho thái tử, vua giả vờ nhận lời, nhưng vẫn muốn thay thái tử. Đến khi ăn tiệc, rót rượu thái tử đứng chầu. Bốn người theo thái tử tuổi đều ngoài tám mươi, mày râu bạc phơ, áo mũ rất đẹp. Vua lấy làm lạ hỏi :

– Họ làm gì thế ?

Bốn người tiến đến thưa, kể họ tên, là Đông Viên Công, Gíac Lý tiên sinh, Ỷ Lý tiên sinh, Hạ Thạch Công. Nhà vua hoảng kinh :

Ta tìm các ông mấy năm nay, các ông trốn tránh ta. Nay tại sao các ông lại từ đâu đến chơi với con ta như vậy ?

Bệ hạ khinh kẻ sĩ, hay mắng người, bọn thần nghĩa khí không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn tránh. Nay trộm nghe thái tử là người nhân đức hiếu thảo, cung kính, thương yêu kẻ sĩ, trong thiên hạ không ai không vươn cổ muốn vì thái tử mà chết, vì vậy chúng tôi đến đây.

Vua nói :

Phiền các ông nhờ giúp đỡ thái tử cho trót.

Bốn người chúc thọ xong, đứng dậy đi ra. Vua đưa mắt tiễn, cho gọi Thích Phu Nhân vào, chỉ bốn người kia bảo rằng :

Ta muốn đổi nó, nhưng bốn người kia giúp nó. Lông cánh nó đã thành, khó mà lay chuyển được. Lữ Hậu là chủ của ngươi rồi đấy !

Thích Phu Nhân khóc, vua nói :

Nàng hãy múa lối Sở cho ta xem ! Ta sẽ hát lối Sở cho nàng nghe .

Rồi hát :

Chim hồng hộc by cao

Một cất cánh ngàn dặm

Lông cánh đã đầy đủ

Bốn bể bay xa thẳm

Bốn bể bay xa thẳm :

Bây giờ biết làm sao ?

Tên dây (đời xưa rập chim, lấy dây tơ cột vào cái tên ngắn mà bắn) tuy có đó Biết đặt ở nơi nao ?

Hát mấy lần, Thích Phu Nhân nức nở chảy nước mắt. Vua đứng dậy, quay đi, bãi tiệc rượu. Cuối cùng vua không thay đổi thái tử, đó là nhờ công Lưu Hầu mời bốn người kia.

Lưu Hầu theo nhà vua đánh đất Đại, bày kế lạ ở miền Mã Ấp, và lập Tiêu Hà làm tướng quốc, Lương thung dung bàn việc thiên hạ với vua rất nhiều, nhưng không liên quan đến việc mất còn của thiên hạ, cho nên không chép. Khi bấy giờ Lưu Hầu nói :

Gia đình tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng vàng, đối phó với nước Tần mạnh, để báo thù cho nước Hàn, làm cho thiên hạ đều rung động. Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải được thế là tột bậc, đối với Lương thế là đủ rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du với Xích Tùng Tử (tương truyền là một vị tiên đời xưa) mà thôi.

Bèn học cách nhịn cơm, học lối đạo dẫn cho nhẹ mình. Gặp lúc Cao Đế băng hà, Lữ Hậu cảm ơn đức của Lưu Hầu ép ông ta phải ăn , nói :

Người ta sinh ra trong đời như bóng bạch câu đi qua cửa sổ (Đoạn 3 – Trương Lương bày mưu cho Lữ Hậu khiến nhà vua không thay đổi thái tử); cần gì phải làm khổ mình như thế ?

Lưu Hầu bất đắc dĩ phải gượng nghe mà ăn (Trang Tử, thiên “Đạo chích” : Trời và đất vô cùng, người ta chết có hạn, nắm cái có hạn mà gửi vào cái vô cùng chẳng khác gì ngựa Kỳ, ngựa Ký chạy qua cửa sổ).

4. Tám năm sau, Lương chết, tên thuỵ là Văn Thành Hầu. Con là Bất Nghi thay cha làm hầu. Lúc đầu Tử Phòng gặp ông già ở Hạ Bì trao cho quyển “Thái Công thư”. Mười ba năm sau, Tử Phòng theo Cao Đế qua phía bắc sông Tế, quả thấy viên đá màu vàng ở dưới chân núi Cốc Thành, bèn lấy về mà thờ. Khi Lưu Hầu chết, người ta chôn luôn viên đá vàng. Mỗi khi tảo mộ và lễ lạt lại cúng viên đá vàng. Bất Nghi tập tước Lưu Hầu, năm thứ năm đời Hiếu Văn Đế (175) phạm tội bất kính, nước bị tước bỏ.

Thái Sử Công nói, “Các học giả phần nhiều nói rằng không có quỷ thần. Nhưng lại nói rằng có tính quái, đến như cụ già cho sách mà Lưu Hầu gặp thì cũng thực lạ. Cao Tổ nhiều lần bị nguy khốn, thường nhờ ở công sức của Lưu Hầu, có thể nói không có trời sao ! Nhà vua nói, “Bày mưu kế ở trong màn trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, ta không bằng Tử Phòng.”

Tôi cho ông ta phải là người khôi ngô, lạ lùng lắm !

Đến khi nhìn tranh, thấy ông ta mặt mũi như một người con gái đẹp ! Khổng Tử nói, “Xét người bằng nét mặt thì sẽ lầm Tử Vũ” (Tử Vũ học trò Khổng Tử, dáng người xấu xí nhưng hiền đức). Lưu Hầu cũng thế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.