Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 4



THÀ LÀM HẢI TẶC CÒN HƠN GIA NHẬP HẢI QUÂN
Những người bình thường đi theo con đường truyền thống để đảm bảo vị trí và sự an toàn. Steve coi thường điều đó. Với Steve, thà làm một kẻ nổi loạn để thay đổi cuộc sống còn hơn bằng lòng với những gì cũ mòn đã không còn giá trị với hiện tại và tương lai.

MACINTOSH SINH RA TỪ HẢI TẶC

THÀ LÀM HẢI TẶC CÒN HƠN GIA NHẬP HẢI QUÂN
Steve Jobs nhanh chóng để lại dấu ấn trong nhóm Macintosh. Động lực của anh ở đây có thể kể đến: 1. Có một chiếc máy tính thành công của riêng mình, khác với chiếc Apple II, sản phẩm trí óc của Woz; 2. Trả thù ban lãnh đạo Apple vì trước kia đã đẩy anh ra khỏi dự án Lisa. Khi anh trở lại, nhóm Mac chỉ gồm có một số ít các kỹ sư: Brian Howard, Burrell Smith và Bud Tribble, cùng với một phụ nữ làm tiếp thị, Joanna Hoffman. Anh lập tức tuyển thêm một số nhân sự mới như Andy Hertzfeld, Chris Espinosa, George Crow, Steve Capps và Mike Boich, để xây dựng lực lượng hạt nhân của nhóm. Những nhân vật chủ chốt khác gia nhập sau như nhà thiết kế phần mềm tài năng Bill Atkinson từ nhóm Lisa, Mike Murray của bộ phận tiếp thị, hay Susan Kare, người thiết kế biểu tượng và một số phông chữ cho hệ thống. Về thiết kế vỏ máy, anh thuê hãng thiết kế Frogdesign của Harmut Esslinger, người đi tiên phong trong cái gọi là ngôn ngữ thiết kế “Snow White”, một phong cách đã có ảnh hưởng lớn đến ngành thiết kế máy tính thập niên sau này.

Với Steve, dự án Macintosh sẽ cứu Apple thoát khỏi dự án lãng xẹt Lisa và bộ máy hành chính rối rắm của công ty. Anh cố gắng thổi vào nhóm của mình các giá trị kinh doanh, tự gọi nhóm là những kẻ nổi loạn và những nghệ sĩ, còn các bộ phận nhân sự khác của Apple là những kẻ không đâu. Nhóm thậm chí còn thuê hẳn một tòa nhà riêng biệt ở Bandley Drive, nơi Steve treo một lá cờ của những tên cướp biển: “Thà làm hải tặc còn hơn gia nhập Hải quân”, anh phát biểu, ý nói Hải quân là phần còn lại của Apple.

Đến đầu năm 1982, Macintosh bắt đầu được công nhận là dự án quan trọng của Apple, không còn là một nỗ lực kỳ quặc nữa, nhưng nó vẫn là thứ gì đó khá gây tranh cãi. Bởi vì Mac có một chút gì đó giống Lisa, sản phẩm được đánh giá như Apple II, nên bị coi là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng từ cả hai nhóm. Hơn nữa, lãnh đạo của chúng tôi Steve Jobs lại có thói quen nói quá về tính ưu việt của nhóm Mac nên khiến người khác có xu hướng mất dần thiện cảm.

Lập trình viên Andy Hertzfeld của nhóm Mac nói trên trang Folklore.org

HỌA TỪ BÁO MÀ RA

Chính trong năm1982 trọng đại, một sự kiện quan trọng xảy ra đã quyết định mối quan hệ giữa Steve với giới truyền thông. Tháng Hai, ở tuổi 27, anh xuất hiện trên trang bìa của tờ Tạp chí Time (có người nói chủ tịch Microsoft Bill Gates đã tức điên khi Steve được “lên” trước – phải hai năm sau ông mới xuất hiện trên trang bìa của tờ Time). Anh được mệnh danh là biểu tượng của giới doanh nhân trẻ ở Mỹ.

Steve rất hài lòng và đồng ý cho phép phóng viên Mike Moritz của tờ Time được toàn quyền viết một cuốn sách về lịch sử của Apple nói chung và Macintosh nói riêng.

Đến cuối năm, lại có những cuộc tranh luận gay gắt về việc đề cử Steve Jobs là Nhân vật của năm 1982. Mike Moritz, người vừa được bổ nhiệm làm Trưởng ban phụ trách San Francisco của tờ Time, bắt đầu tiến hành cuộc phỏng vấn dài kỳ để rộng đường dư luận. Nhưng trước sự ngỡ ngàng của công chúng, tờ

Time quyết định bầu chọn “máy tính cá nhân là chiếc máy của năm 1982”.

Không có Nhân vật tiêu biểu nào của năm! Thay vào đó Moritz viết một tác
phẩm có tựa đề “Cuốn sách cập nhật về Jobs”, trong đó Jef Raskin nói Steve “có đủ tố chất để trở thành một ông vua nước Pháp khó tính”. Steve tỏ ra vô cùng bực tức. Anh đã gọi Jef Raskin và Dan Kottke, người bạn của anh ở Reed nói với Moritz rằng “điều gì đó đang xảy ra đối với Steve, xấu xa và không mấy tốt đẹp, điều gì đó liên quan đến tiền bạc, quyền lực và sự cô đơn. Anh đã ít nhạy cảm hơn với cảm xúc của mọi người. Anh thờ ơ và dửng dưng trước họ”. Nghe đồn sau vụ này Steve không bao giờ nói chuyện với Dan một lần nào nữa.

Steve thường cảnh giác với giới truyền thông hơn từ đó trở đi. Anh cũng thận trọng hơn với những chuyện riêng tư của mình, sau khi tờ Time đem cả chuyện đứa con ngoài giá thú Lisa của anh lên mặt báo.

MUỐN BÁN NƯỚC NGỌT SUỐT ĐỜI HAY ĐỔI THAY THẾ GIỚI?
Tháng Giêng 1983, Steve tới East Coast để dự buổi ra mắt của Lisa. Đây quả là chuyện thật lạ, bởi trái tim của vị chủ tịch này rõ ràng giờ chỉ thuộc về Macintosh. Và anh không thể ngăn mình phát ngôn công khai điều đó. Sau đó vài tháng, anh đã tuyên bố, một chiếc máy tính GUI tốt hơn sắp ra đời, với phần mềm vượt trội mà giá chỉ bằng một phần nhỏ Lisa. Hơn nữa, phần mềm của Lisa sẽ không chạy được trên Macintosh. Thái độ này chỉ càng làm xấu thêm phản ứng phê phán vốn đã rất tiêu cực, chưa kể cái giá ngất ngưởng 10.000 đôla của chiếc máy.

Trong khi Steve đang ở New York City, anh đã gặp giám đốc PepsiCo John Sculley. Hãy nhớ, Apple vẫn đang tìm kiếm một CEO, từ sau sự ra đi của Mike Scott. Ban lãnh đạo sẽ không để một anh chàng Steve Jobs 28 tuổi điều hành công ty bởi anh còn quá non kinh nghiệm. Steve lôi kéo Sculley tới California làm CEO của Apple và giúp ông trở thành một giám đốc thành công. Lời lẽ anh dùng để thuyết phục John Sculley đã trở thành truyền thuyết trong lịch sử kinh doanh:

“Anh muốn dành phần đời còn lại của mình để bán nước ngọt, hay muốn có một cơ hội thay đổi thế giới?”

Trích trong Triumph of the Nerds

Trong những tháng ngày đầu tiên của Sculley tại Apple, mối quan hệ của ông với Steve Jobs giống như đang trong kỳ trăng mật. Họ thường nói trên các phương tiện truyền thông về việc cả hai hiểu nhau đến mức có thể nói đúng tiếp câu của người kia đang nói dở. Steve thực sự coi Sculley như một người bạn, và thường dẫn ông đi dạo quanh khu đồi Stanford.

Quan trọng hơn, Sculley cũng đồng ý với tầm nhìn của Steve về việc đưa Macintosh trở thành ưu tiên số một tại Apple. Trong suốt năm 1983, Lisa hóa ra lại là thứ bom xịt trên thị trường, giống như Apple III trước đó. Apple vẫn phải sống dựa vào chiếc máy tính đã 6 năm tuổi – mà thị phần lại đang co hẹp trước sự bánh trướng của máy tính cá nhân IBM. Macintosh phải thành công, nếu không, công ty sẽ bị bật khỏi thương trường rất nhanh chóng.

CUỘC TRÌNH LÀNG MACINTOSH

Sau khi Lisa ra mắt vào tháng Giêng năm 1983, cả nhóm Lisa đã gia nhập nhóm Steve và đội của anh chuẩn bị sẵn sàng đưa Macintosh ra thị trường. Nhóm nhanh chóng phát triển lên vài chục người – những ngày sống nổi loạn dường như đã qua lâu rồi.

Nhưng mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ: tất cả các nhóm đều bị chậm tiến độ, và ban quản lý cuối cùng phải ấn định một ngày phải hoàn thiện sản phẩm để kịp ra mắt. Họ chọn ngày đại hội cổ đông của Apple năm 1984, ngày 24 tháng Giêng. Áp lực phát triển phần mềm cho nền tảng mới để kịp buổi ra mắt cũng rất lớn. Một số nhà phát triển phần mềm đăng ký tham gia, trong đó có hãng đứng đầu thị trường Microsoft của Lotus và Bill Gates, những người đang kinh doanh là hệ điều hành cho máy tính cá nhân IBM, DOS. Nhưng một trong những vấn đề nóng nhất là thái độ chống đối của Steve Jobs. Anh thường xuyên phê phán các bộ phận khác: anh từng gọi nhóm kỹ sư của Apple II (những người duy nhất đem tiền về cho công ty) là “bộ phận sản xuất tối dạ và nhàm chán”. Sau khi Lisa được tung ra thị trường, anh cũng nói trước cả nhóm phát triển, trong đó có những người sắp bị cho thôi việc: “Tôi chỉ thấy toàn hạng B và C ở đây. Tất cả những người hạng A đều đã tham gia với tôi ở nhóm Mac”.

Về chuyện tiếp thị, Steve đã cùng Mike Murray đi tới Chiat/Day để thảo luận với Lee Clow làm một đoạn quảng cáo đặc biệt cho Macintosh, quảng cáo 1984. Họ thuê một giám đốc trẻ, Ridley Scott, để quay đoạn quảng cáo mô tả máy tính của Apple như một nữ vận động viên điền kinh California tóc vàng khỏe khoắn ném thẳng chiếc búa vào mặt của Big Brother (ám chỉ IBM) trên một màn hình lớn. Quảng cáo kết thúc với dòng chữ, 1984 này sẽ không giống như “1984” của George Orwell. Đoạn quảng cáo táo tợn đến mức suýt bị hủy làm lại, nhưng cuối cùng ban lãnh đạo vẫn tán thành. Giờ đây không ít người thừa nhận, đó là một trong những đoạn quảng cáo truyền hình hay nhất từng được quay. Nó được phát sóng trong chương trình Super Bowl XVIII, ngày 22/1/1984, và gây nên một cơn sốt truyền thông xung quanh sự kiện ra mắt của Macintosh hai ngày sau đó.

Khi ngày hạn cuối cùng đến, Steve một lần nữa chứng tỏ tài năng bậc thầy về quảng cáo truyền hình của mình. Anh giới thiệu Macintosh là một cuộc cách mạng trước đám đông đang hết sức cuồng nhiệt tại khán phòng Flint Center của Cupertino. Khi xuống khỏi sân khấu, anh nói:

Đó là khoảnh khắc hãnh diện nhất và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.

Trích dẫn trong Triumph of the Nerds

Sau những gì Apple trải qua trong vòng ba năm ấy, mọi hy vọng giải cứu công ty đều được đặt vào chiếc Macintosh của Steve.

Đây quả là một sự đánh cược mạo hiểm…

NHỮNG NỖI THẤT VỌNG

Ban đầu, Mac tưởng chừng sẽ là một thành công lớn. Vài tháng sau ngày ra mắt, Steve Jobs và đội phát triển đã xuất hiện trong vô vàn bức ảnh, trả lời hơn 200 cuộc phỏng vấn, và cuối cùng xuất hiện trên trang bìa của một số tạp chí.

Tình hình bán hàng tại các trường đại học của Mỹ cũng khá mỹ mãn. Trước khi giới thiệu, nhóm kinh doanh của Apple đứng đầu là Dan’l Lewin đã thuyết phục 24 tổ chức thuộc Liên đoàn Ivy đăng ký cái gọi là Chương trình Liên kết Đại học Apple: họ sẽ trở thành những trung gian của Apple, mua Macintosh giá sỉ và bán lại giá lẻ cho sinh viên. Trong cả năm 1984, Macintosh trở thành chiếc máy đầu tiên được sùng bái trong giới sinh viên đại học Mỹ.

Nhưng sau làn sóng mua hàng đáng phấn khởi ban đầu ấy, doanh số của Mac bắt đầu đi xuống. Một số băn khoăn về máy tính của Apple bắt đầu nảy sinh: thứ nhất, máy quá chậm bởi khả năng xử lý kém các Giao diện đồ họa người dùng phức tạp. Giá thành của máy cũng quá đắt, 2.500 đôla, cao hơn 1.000 đôla so với máy tính của IBM được coi là đối thủ cạnh tranh. Nhưng điểm yếu lớn nhất của máy là phần mềm: Macintosh là một nền tảng hoàn toàn mới, gần như không chương trình nào có thể chạy trên đó ở thời điểm chiếc máy mới xuất hiện, trong khi vô số các ứng dụng đã có sẵn trên nền tảng IBM PC. Mọi người đều cảm nhận Macintosh thân thiện và dễ sử dụng hơn, công nghệ sử dụng tối ưu hơn nhiều máy tính IBM; nhưng lại rất vô ích. Nhóm tiếp thị của Mike Murray bị chỉ trích quảng cáo không đúng về sản phẩm: các nhà kinh doanh đồng ý là chiếc máy rất đẹp, nhưng chỉ phù hợp cho giới trẻ và con cái họ, và đây không phải là chiếc máy tính giúp cải thiện năng suất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.