Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt

Khác biệt 6



KHÔNG CÓ CHI TIẾT NÀO DÙ NHỎ NHẤT LÀ TẦM THƯỜNG
Những doanh nhân khác thích tỏ ra là có tầm nhìn bằng việc luôn nghĩ lớn và coi thường những chuyện nhỏ nhặt. Steve thì khác, ông coi những thứ nhỏ nhặt và đơn giản lại là yếu tố quyết định cho thành công của một sản phẩm và cả con đường kinh doanh.

ĐI TÌM SỰ HOÀN HẢO

Có lẽ không có sản phẩm nào trong sự nghiệp của Steve bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cầu toàn của anh hơn chiếc máy tính NeXT Cube. Tưởng như không một chi tiết nào, dù là rất nhỏ, bị bỏ qua, Mọi thứ đối với NeXT phải là hoàn hảo.

Đầu tiên là về phần mềm. Khi Steve tìm tòi khắp nơi một hệ điều hành máy tính được cho là tiên tiến nhất, anh phát hiện phần mềm ổn định và hiện đại nhất có tên UNIX. Đó là một hệ điều hành khá phức tạp nhưng hết sức mạnh mẽ, được sử dụng trong máy chủ của các trường đại học hay các công ty. Công nghệ UNIX hiện đại nhất này đang được phát triển tại trường Carnegie-Mellon, nơi Steve tìm thuê được một số lập trình viên giỏi nhất, như Avie Tevanian.

Anh cũng được nghe kể về lập trình hướng đối tượng, một sản phẩm đột phá của Xerox PARC, giúp cho việc phát triển phần mềm nhanh và hiệu quả hơn.

Đây là cách dễ dàng nhất và hiệu quả nhất để xây dựng phần mềm, và lại là một phát minh quan trọng nữa của Xerox PARC. Vì thế, Steve biết lựa chọn ưu tiên của anh cho hệ điều hành NeXT sẽ là hệ định hướng đối tượng UNIX – cộng thêm với giao diện đồ họa người dùng, để giúp nó thân thiện với người dùng hơn. Đây là những nền tảng đầy tham vọng của NeXTSTEP, tham vọng đến mức phải mất vài năm họ mới cho ra đời được một hệ điều hành ổn định.

Thứ hai, dĩ nhiên là phần cứng. Steve vẫn rất ấn tượng với nhà máy từng được sử dụng để sản xuất Macintosh – lần này anh còn muốn làm tốt hơn thế với NeXT. Anh quyết tâm xây dựng một nhà máy tự động hiện đại bậc nhất thế giới, ở Fremont, nơi cũng cách không xa chính nhà máy Mac đó. Máy tính NeXT sẽ được xây dựng không cần bàn tay con người, mà dùng những con robot điều khiển bởi chính các máy tính NeXT khác. Công ty được thiết kế để sản xuất hàng loạt các máy tính NeXT Cube và sẽ giảm thiểu chi phí nhờ sản xuất số lượng lớn… một lựa chọn tai hại cho tương lai.

Và cuối cùng, thiết kế của chiếc máy tất nhiên cũng phải thật bắt mắt. Steve lại thuê Frogdesign, công ty đã thiết kế nên chiếc Macintosh, và họ đã nghĩ đến một khối lập phương màu đen hoàn hảo bằng magiê. Cho dù Cube xứng đáng có một vị trí trong SF MOMA (Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco), nhiều đặc điểm của nó khiến các kỹ sư rất khó xây dựng: từ một góc phải hoàn hảo cho tới nguyên liệu và màu sắc, vô cùng phức tạp – và tốn kém – nếu kết hợp với nhau. Hơn nữa, Steve còn đòi hỏi bo mạch cho Cube cũng phải thiết kế thật đẹp. Toàn bộ linh kiện điện tử, thường gắn trên các miếng nhựa khác nhau, được đính vào một tấm bảng hinh vuông duy nhất mà ngài chủ tịch thấy cũng phải đẹp như vỏ máy vậy. Tuy nhiên, đó cũng là vấn đề đòi hỏi nỗ lực giải quyết lớn của các kỹ sư.

Một vấn đề khác liên quan đến hệ thống lưu trữ của máy tính: Steve không thích đĩa mềm, vì thế khi anh biết đến một công nghệ do Canon phát triển có tên ổ đĩa quang, anh lập tức mang vào thử nghiệm. Đây là cách thức lưu trữ dữ liệu rất mới, nhưng chưa được đưa ra thị trường và giá cả cũng rất trên trời. Steve đặt cược vào đó và biến nó thành tiêu chuẩn cho máy tính NeXT.

CHIẾC MÁY TÍNH QUÝ TỘC

Bởi tất cả đều là những phát minh quan trọng, trong cả phần cứng và phần mềm, nên ngày ra mắt của máy tính NeXT cũng liên tục bị lùi lại. Ban đầu, công ty dự kiến giới thiệu vào mùa xuân năm 1987, bởi hầu hết các trường chuẩn bị mua sắm cho năm học mới vào thời gian mùa xuân. Nhưng chiếc máy vẫn chưa thể sẵn sàng cho thời điểm đó. Lịch trình lại phải hoãn tới mùa thu năm 1987, rồi mùa xuân 1988, và cuối cùng lại mùa thu 1988 – rồi mãi tới 12/10 mới là ngày chính thức.

***

Tôi nghĩ tôi có thể đại diện cho mọi người ở NeXT, để nói rằng thật tuyệt khi trở lại. […] Tôi nghĩ chúng ta sẽ cùng nhau trải qua một trong những giai đoạn chỉ diễn ra một đôi lần trong kỷ nguyên máy tính, một thời điểm mà khi một cấu trúc mới được đưa ra, nó sẽ thực sự làm thay đổi tương lai ngành máy tính. Và chúng tôi đã triển khai dự án này trong ba năm. Kết quả đạt được tuyệt vời ngoài sức mong đợi…

Trích Steve Jobs trong bài viết Steve Jobs and the NeXT Big Thing của Randal E. Stross

***

Hoạt động quảng cáo “phóng đại” cũng hết sức rầm rộ. Steve đứng trên sân khấu Nhà hát giao hưởng Davies của San Francisco trong suốt ba tiếng đồng hồ, kết thúc bài thuyết trình của mình với một bản nhạc của một nghệ sĩ violin và một máy tính NeXT Cube cùng chơi để chứng minh khả năng âm thanh tuyệt hảo của chiếc máy tính.

Khán giả bên dưới bị cuốn hút đến mức gần như không ai nhận ra anh đã thả hai quả bom tấn vào trong bài phát biểu của mình. Đầu tiên, NeXTSTEP, hệ điều hành của chiếc máy tính, vẫn chưa sẵn sàng sau hơn hai năm phát triển. Đây vẫn là phiên bản thử nghiệm và sẽ không thể hoàn thiện trong vòng sáu tháng nữa. Thứ hai, giá một chiếc Cube đắt không tưởng, 6.500 đôla, cao hơn gấp đôi mức giá 3.000 đôla các trường sẵn sàng trả cho chiếc máy 3M. Và đó là còn chưa kể chiếc máy in laser 2.000 đôla hay ổ cứng 3.000 đôla vô cùng cần thiết bởi ổ đĩa quang chạy quá chậm… Cube thực sự là một món hời với mọi thứ bên trong nó: riêng ổ đĩa Canon đã có giá 6.000 đôla trên thị trường, chưa kể các phần mềm cách mạng của NeXT – nhưng chẳng ai có tiền đầu tư vào một chiếc máy hiện đại như thế.

RA ĐỜI MÁY TÍNH ĐỒ HỌA

Trong khi đó, cái được gọi là “thú vui” của Steve, Pixar, cũng đang có những tiến bộ. Hãy nhớ nó được Lucas giới thiệu là một nhóm sản xuất đồ họa máy tính. Năm 1986, ngay sau khi được hợp nhất, công ty đã đưa ra thị trường chiếc máy tính đồ họa chuyên dụng: Pixar Image Computer, hay PIC. Nhưng ngay cả với thị trường doanh nghiệp mà hãng này đang nhắm đến, cái giá 125.000 đôla, đòi hỏi phải có thêm máy trạm đi kèm, và lại thiếu gần như toàn bộ phần mềm, PIC trở thành giải pháp rất bất khả thi. Nó cơ bản chỉ nhắm đến các trường đại học lớn và các phòng thí nghiệm hiện đại trong các ngành nhỏ. Doanh thu thất vọng đến mức, năm 1988, công ty quyết định sản xuất một hệ thống rẻ hơn, chiếc PIC II, bán với giá 29.500 đôla, trong khi giá PIC đã hạ xuống còn 49.000 đôla.

Họ cũng xuất xưởng một ngôn ngữ máy tính đồ họa đột phá có tên RenderMan. Ý tưởng đằng sau RenderMan là phát triển đồ họa 3D như những gì PostScript đã làm với phông chữ và đồ họa 2D nói chung: viết một ngôn ngữ thống nhất mà bất cứ máy nào cũng có thể sử dụng để kết xuất đồ họa 3D. Tuy nhiên, khái niệm đó quá phức tạp và đi trước thời đại quá xa. RenderMan gần như chỉ sử dụng được trong phần mềm kết xuất của Pixar, PhotoRealistic RenderMan.

TỪ CUNG TRĂNG XUỐNG MẶT ĐẤT KỲ VỌNG Ở NEXT
Có một số sự kiện diễn ra khiến các giám đốc NeXT nhìn nhận sai lầm rằng họ đang đi đúng hướng, thay vì nhận ra họ đang lao đầu vào bức tường.

Đầu tiên là thương vụ lớn với IBM được ký tháng 9/1988, chỉ một tháng trước buổi ra mắt của Cube. Như đã giải thích, hệ điều hành của NeXT, NeXTSTEP, là một cuộc cách mạng trong phần mềm. UNIX là phần mềm đầu tiên hỗ trợ giao diện đồ họa người dùng, giúp cho những phần mềm tưởng chừng bí ẩn trở nên gần gũi hơn với giới bình dân. Chúng tôi cũng đã nói rằng UNIX được sử dụng trên một số máy trạm, đa số đều cho máy do IBM sản xuất.

Đó là lý do tại sao Big Blue lại thể hiện sự quan tâm lớn như vậy đối với hệ điều hành của NeXT: ý định của hãng này là mua bản quyền đăng ký NeXTSTEP trên hệ thống máy trạm, để bổ sung giao diện đồ họa người dùng vào các máy tính UNIX. Hơn nữa, IBM đang cố gắng tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của nhà phát triển phần mềm Microsoft.

MÁY TÍNH CÁ NHÂN NĂM 1988

Khi Steve lần đầu tiên giới thiệu máy tính NeXT năm 1988, bối cảnh của ngành đã khác xa so với tình hình năm 1985, năm anh rời khỏi Apple.

Thành công của Macintosh

Ban đầu, Macintosh, với doanh thu thảm họa trong hai năm đầu, đã bắt đầu tăng mạnh trên thị trường. Tất cả đều nhờ vào một thứ: PostScript.

PostScript là ngôn ngữ máy tính do hai nhà nghiên cứu cũng của Xerox PARC phát triển, John Warnock và Charles Geschke. Trước khi nó xuất hiện, việc in ấn văn bản từ máy tính là cả một công việc khó nhọc. Không có chuẩn mực nào, do đó mỗi chương trình phải làm sao tương thích với mỗi máy in khác nhau, và ngược lại. PostScript trở thành chuẩn mực: mọi người biên tập văn bản bắt đầu nói về PostScript, và mọi máy in cũng bắt đầu quen với PostScript, vì thế tất cả đều bắt đầu kết hợp với nhau dễ dàng hơn. Warnock và Geschke thành lập Adobe Systems năm 1982 để xây dựng những chiếc máy in laze cao cấp (lại một phát minh nữa của họ ở PARC), loại duy nhất có thể sử dụng PostScript. Chính Steve Jobs là người đã thuyết phục họ phát triển nó trở thành chuẩn ngôn ngữ máy tính: anh ký thỏa thuận với Adobe để được sử dụng phần mềm của họ và Apple được mua 20% công ty mới này.

Tầm nhìn của anh đã đúng: một năm sau khi anh rời đi, doanh số của Macintosh tăng vọt nhờ cách mạng in màn hình. In màn hình là một thuật ngữ chuyên ngành để chỉ khả năng thiết kế những văn bản và hình ảnh minh họa đẹp trên máy tính sau đó in ra giống hệt như những gì xuất hiện trên màn hình (với cái được gọi là phần mềm WYSIWYG, tức là What You See Is What You Get (những gì bạn thấy là những gì bạn có)). Công nghệ này chỉ hoạt động trên máy tính Mac trong nhiều năm, khiến cho Apple trở nên giàu có hơn bao giờ hết…

Người khổng lồ ra đời

Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất trong bối cảnh máy tính cá nhân đó không phải đến từ Apple mà đến từ một trong những đối tác đầu tiên của nó là Microsoft, công ty có trụ sở tại Redmond.

Năm 1981, Microsoft ký thỏa thuận với IBM trở thành nhà cung cấp độc quyền hệ điều hành chạy trên các máy tính của hãng này, phần mềm có tên DOS. Thỏa thuận cũng bao gồm Microsoft được quyền bán hệ thống cho các nhà sản xuất máy tính khác. IBM nhất trí, ở thời điểm mà phổ biến giới kinh doanh máy tính đều nghĩ rằng sẽ không thể kiếm ra tiền từ phần mềm, mà chỉ có phần cứng mà thôi.

Thật là một sai sót quá lớn của Big Blue! Ngay sau khi máy tính cá nhân IBM xuất hiện, thị trường đã tràn đầy những thứ gọi là bản sao của PC: những chiếc máy tính rẻ hơn từ các công ty khác cũng chạy phần mềm tương thích với máy tính của IBM. Một trong những hãng nổi tiếng nhất là Compaq, công ty thành lập năm 1982 với chiếc PC “di động” đầu tiên.

Vì thế, suốt những năm 80, IBM chứng kiến cảnh thị phần máy tính cá nhân của mình sụt giảm nghiêm trọng, trong khi Microsoft trở thành một công ty phần mềm khổng lồ, bán DOS cho những người dùng máy tính cơ bản nhất đang không sử dụng sản phẩm của Apple. Công ty từ Redmond này cũng trở nên ngày càng độc lập với IBM và cũng bất khả đối phó. Giải pháp nào? Big Blue định tung ra một tiêu chuẩn mới cho các sản phẩm của mình trong tương lai, những sản phẩm sẽ không liên quan gì tới Microsoft nữa, qua đó gạt họ ra khỏi thị trường.

NeXT có cơ hội trở thành Microsoft thứ hai: nếu thương vụ với IBM thành công, phần mềm đột phá của họ sẽ chạy trên mọi máy tính IBM tương thích trong tương lai.

Hơn nữa, tháng 6/1989, NeXT ký thỏa thuận với Canon, nhà sản xuất ổ đĩa quang từ của Nhật Bản để sử dụng cho Cube. Đổi lại độc quyền phân phối máy tính NeXT tại châu Á, họ đồng ý đầu tư 100 triệu đôla để có 15,67% công ty – do đánh giá công ty có giá trị tới 600 triệu đôla!

CHUYỂN HƯỚNG NEXT STATION GIÁ RẺ

Bất chấp những dấu hiệu lạc quan như vậy, NeXT Cube vẫn là một thất bại rõ ràng trên thị trường. Đơn giản, sản phẩm không thể bán được: các trường đại học và sinh viên kêu quá đắt. Đầu tiên, vào năm 1988, việc mỗi sinh viên thường có một chiếc Macintosh trong phòng ký túc là chuyện bình thường. Những ngày mà bạn phải đi tới phòng thực nghiệm máy tính để được sử dụng một chiếc máy như Cube đã qua lâu rồi. Cũng có một vấn đề nữa liên quan tới việc trao tặng – các trường thường được tặng, chứ không phải bán mua, các máy tính với hy vọng sinh viên sẽ sử dụng loại máy tính tương tự trong công việc tương lai. Cuối cùng, Cube không hiện đại như người ta tưởng vào một năm trước: nó vẫn chỉ có một màu ở thời điểm mà màu sắc bắt đầu xuất hiện, ổ đĩa quang của nó cũng khó sử dụng, và trên hết, nó có rất ít phần mềm.

Nhà máy NeXT, với khả năng sản xuất 10.000 Cube một tháng, chỉ cho ra 400 chiếc mỗi tháng vào năm 1989. Ở tốc độ như vậy, lợi thế cạnh tranh của việc nhà máy có thể chạy tự động đang trở thành yếu thế – chi phí vận hành tốn kém hơn, và khối lượng sản xuất thấp, khiến nó càng không thể giảm giá thành xuống thấp.

Steve Jobs cố gắng điều chỉnh bằng cách thay đổi đáng kể chiến lược của NeXT:

***

Đối thủ cạnh tranh nhỏ nhất của chúng tôi có trị giá 1,75 tỷ đôla những ngày đó. […] Chúng tôi phải đạt đến một mức độ nào đó nếu chúng tôi muốn ở lại cuộc chơi.

Bình chọn Doanh nhân thập niên tiêu biểu của Inc, tháng 4/1989

***

Công ty ngừng bán hàng dành riêng cho thị trường giáo dục, và cố gắng mở đường sang thị trường doanh nghiệp Mỹ. Môi trường phát triển hướng đối tượng của NeXTSTEP là lợi thế quan trọng trên thị trường khi đó: nó cho phép các công ty viết các phần mềm tùy theo nhu cầu trong một thời gian nhanh kỷ lục. Để làm như vậy, tháng 3/1989, NeXT phối hợp cùng với Businessland, nhà bán lẻ máy tính lớn nhất của Mỹ khi đó, phân phối máy tính Cube trong toàn bộ các cửa hàng của hãng – với mức giá 9.994 đôla. Dĩ nhiên, điều này vẫn không mấy hiệu quả.

Song song với đó, hoạt động sản xuất một chiếc máy tính mới rẻ hơn cũng đang bắt đầu diễn ra. NeXT Station hay “Slab” (bởi trông giống hình hộp chiếc bánh pizza) cuối cùng cũng ra mắt tháng 9/1990, cùng với những chiếc Cube rẻ hơn có màu và khả năng video cực tốt. Station rẻ nhất có giá 5.000 đôla, dù vẫn cao nhưng chỉ bằng nửa Cube. Sân khấu còn xuất hiện hãng phần mềm Lotus, với tuyên bố rằng phần mềm bảng tính cách mạng nữa của họ có tên Lotus Improv ra mắt tới đây sẽ chỉ chạy trên nền tảng NeXT, và sẽ được cài sẵn với mọi máy tính NeXT. Mục tiêu của hãng là biến đây trở thành ứng dụng sát thủ của NeXT (một ứng dụng mà chỉ riêng nó đã đủ thuyết phục khách hàng mua chiếc máy).

VẬT LỘN VỚI PIXAR

Về Pixar, nó vẫn ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn cho tới đầu những năm 90.

Trước tiên, bộ phận hoạt họa máy tính, do John Lasseter đứng đầu, luôn phải chật vật tồn tại. Steve Jobs suýt phải đóng cửa Pixar mấy lần trong năm 1987 và 1988, cho tới khi nhóm có ý tưởng làm phim hoạt hình cho các chương trình quảng cáo truyền hình. Họ có thể tồn tại theo cách đó và giữ lại toàn bộ những nhân tài mà họ đã phải mất bao năm trời mới quy tụ được, và kiếm thêm được một số tiền. Và cũng như vậy, các tác phẩm phim “nghệ thuật” cũng liên tục được ra mắt: phim Câu chuyện ồ chơi của nhóm giành Giải thưởng hàn lâm cho Phim hoạt hình ngắn hay nhất năm 1988, và năm sau, Lasseter nhận được lời khen ngợi của giới phê bình cho bộ phim ngắn Luxo Jr. tại hội thảo thưởng niên về ngành đồ họa SIGGRAPH.

Steve cho phép bộ phận hoạt hình tiếp tục công việc này vì danh tiếng của các bộ phim có thể giúp ích cho việc bán thêm nhiều hơn những chiếc máy PIC – mặc dù, thật trớ trêu, Pixar chỉ sản xuất một bộ phim ngắn bằng máy tính của mình trong cả lịch sử: Red’s Dream (năm 1987).

Tuy vậy, doanh số của Pixar Image Computer vẫn hết sức thất vọng. Ngày 30/4/1990, Steve Jobs tuyên bố anh sẽ đóng cửa toàn bộ bộ phận sản xuất phần cứng của công ty, và đội ngũ nhân sự làm việc tại đây sẽ rời dinh thự của Lucasfilm sang văn phòng mới ở Point Richmond – cách nhà máy lọc dầu Chevron không xa. Từ đó trở đi, họ chỉ phải tập trung vào kế hoạch mới của anh: Steve nghĩ rằng RenderMan sẽ trở thành PostScript tiếp theo, một tiêu chuẩn mở được chấp nhận bởi đại chúng để tạo kết xuất đồ họa 3D ngay tại nhà, giống như PostScript đã hiện thực hóa khả năng in màn hình. Anh không phủ nhận thực tế đầy khó khăn công cuộc làm chủ công nghệ hoạt họa 3D.

Nếu chi phí có thể giảm được chút ít từ hướng đi này, điều đó cũng không khiến Pixar thu lợi hơn. Công ty mới vẫn phụ thuộc vào dòng tín dụng của Steve Jobs, và chỉ riêng năm 1990, thua lỗ hoạt động ròng của nó đã lên tới hơn 8 triệu đôla.

Tháng 3/1991, Steve đưa ra một động thái quyết liệt hơn để giúp Pixar vượt qua khó khăn. Anh tuyên bố sẽ chỉ tiếp tục bơm thêm tiền khi anh được nhận lại toàn bộ cổ phần do công nhân viên nắm giữ. Kế hoạch này bao gồm việc đóng cửa công ty trên giấy tờ, và thành lập một Pixar mới, nơi anh là ông chủ duy nhất. Anh cũng sa thải gần một nửa nhân sự, chỉ giữ lại các nhà lập trình phần mềm cũng như bộ phận hoạt họa của Lasseter – bộ phận mà cho đến lúc đó vẫn là nơi duy nhất của công ty kiếm ra tiền nhờ công việc làm quảng cáo truyền hình.

***

Pixar thất bại chín lần theo tiêu chuẩn thông thường, nhưng Steve không muốn từ bỏ và bởi vậy anh vẫn tiếp tục ký séc. Có lúc anh suýt bán chúng tôi cho bất kỳ ai mua được, anh đã thực sự rất cố gắng, nhưng anh cũng muốn bù đắp khoản thua lỗ 50 triệu đôla của mình.

Đồng sáng lập Pixar Alvy Ray Smith trong The Second Coming of Steve Jobs

***

Nhiều người ở NeXT cùng chia sẻ quan điểm như vậy…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.