Sức Mạnh Của Sự Khác Biệt
Khác biệt 7
THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ NHỮNG ĐIỂM TÌNH CỜ
Khi nhìn lại cuộc đời mình, những người thành đạt có xu hướng nhìn nhận nguyên nhân của thành công do những yếu tố cá nhân họ. Steve Jobs có thừa tài năng cá nhân nhưng chưa bao giờ ông phủ nhận có những thành công lớn là sự kết của những dấu mốc mang tính tình cờ.
NHỮNG NĂM THÁNG TIÊU ĐIỀU HÔN NHÂN VỚI “CHÂN DÀI”
Những năm 1991-1994 là thời điểm tồi tệ nhất trong sự nghiệp của Steve.
Nghịch lý thay, đây lại là những năm tháng hạnh phúc nhất trong đời sống riêng tư của anh. Năm 1990, ở tuổi 35, sau khi cô bạn gái Tina Redse từ chối lời cầu hôn, anh bắt đầu hẹn hò với một sinh viên MBA của trường Stanford, Laurene Powell. Laurene có mái tóc vàng, chân dài, đúng như tiêu chuẩn của Steve về phụ nữ, nhưng cô cũng rất thông minh và tự lập. Cô cũng là một người ăn chay. Theo Steve, đó là tình yêu sét đánh: anh đã hủy một cuộc gặp gỡ trao đổi công việc để đi ăn trưa cùng cô, và năm sau, ngày 18/3/1991, họ tổ chức lễ cưới tại Yosemitte. Steve chỉ mời mấy vị khách đến nhà nguyện, và lễ thành hôn không kiểu cách được tổ chức bởi vị thiền sư quen thân của anh, Kobun Chino. Vài tháng sau, Laurene sinh đứa con thứ hai cho Steve, một bé trai được đặt tên Reed Paul, lấy theo tên ngôi trường cũ (Cao đẳng Reed) và tên cha anh (Paul Jobs).
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ Ở NEXT
Trong suốt hai năm 1990 và 1991, ban quản trị NeXT nhận thấy rõ rằng có cái gì đó chưa ổn với những chiếc máy tính của công ty. Họ tin đây là một sai lầm chiến lược; rằng họ đáng ra phải ở vị trí của nhà sản xuất những chiếc máy tính, máy trạm cá nhân của thời đại… những chiếc máy mạnh mẽ như những máy trạm, nhưng lại dễ sử dụng như một chiếc máy tính cá nhân. Đối thủ cạnh tranh của họ không phải là Apple hay các nhãn hiệu máy tính khác nữa, mà là Sun, ông chủ trong ngành kinh doanh máy trạm.
Việc tái định vị này diễn ra quá muộn và nó không thể giúp cải thiện tình trạng tài chính bi đát của công ty. Họ vẫn ngốn tiền như điên, đơn cử là văn phòng mới đối diện với bến du thuyền ở Redwood City hay chiếc cầu thang không giá đỡ được thiết kế bởi công ty kiến trúc của I.M. Pei. Nhưng họ chẳng thể bán được hàng: doanh thu năm 1990 chỉ vỏn vẹn 28 triệu đôla (so với việc Sun đã kiếm về tới 2,5 tỷ đôla cùng năm đó). Hơn nữa, thương vụ của NeXT với IBM cũng đổ bể, bởi không thể có sự hợp tác nào giữa hai công ty quá khác biệt nhau. Steve cũng nghi ngờ Big Blue:
Làm sao tôi có thể ngốc nghếch trao cho anh tất cả mọi thứ trong tay, ngay cả khi anh có 27.000 nhân viên kinh doanh.
Trích trong Steve Jobs and the NeXT Big Thing của Randall E. Stross
Anh đang phản ánh tâm trạng chung ở công ty, rằng trao phần mềm của NeXT cho IBM chẳng khác nào hành động tự sát, bởi đó là tài sản giá trị nhất của công ty. Chưa hết, IBM còn đề nghị Steve Jobs từ bỏ phần cứng nếu anh muốn hợp tác với IBM, nhưng điều này chẳng phải là mối quan tâm của anh thời gian đó. Quyết định này dẫn tới sự rút lui của Bud Tribble, nhà phát triển thông minh, người lãnh đạo bộ phận phần mềm và cùng sáng lập NeXT với Steve năm 1985. Toàn bộ các nhà sáng lập khác, trừ George Crow, đều ra đi trong những năm tháng quan trọng của công ty những năm đầu thập niên 90.
Mối làm ăn chính khác của công ty, thỏa thuận phân phối với Businessland, cũng sụp đổ khi chuỗi phân phối này phá sản năm 1991. NeXT, khi đó mới vừa mở rộng sang thị trường châu Âu, phải quay sang các nhà buôn độc lập trên toàn thế giới, ngay cả khi đây là giải pháp ngày càng tốn kém hơn. Lợi nhuận tưởng như là một mục tiêu bất khả thi, và các nhà đầu tư bắt đầu giận dữ: Ross Perot cũng ra đi vào cuối năm 1991, sau khi doanh thu quý ba đã xuống tới vực thẳm. Công ty giờ đây chỉ còn biết trông cậy vào Steve và Canon, những người vẫn tiếp tục đổ tiền vào những mong không mất đi toàn bộ khoản đầu tư 100 triệu đôla bỏ ra ban đầu (và cả sự mất mặt vào thời điểm đó nữa). Với tư cách đối tác, công ty Nhật yêu cầu Steve thuê một giám đốc bên ngoài để giúp anh điều hành công ty. Người được lựa chọn là nhà quản trị giàu kinh nghiệm, Peter Van Cuylenburg, ông giữ chức giám đốc hoạt động từ đầu năm 1992.
CÁCH MẠNG PHIM HOẠT HÌNH LÀM BẰNG MÁY TÍNH
Khi mà Steve đang cố gắng biến NeXT trở thành một công ty thành công, một sự kiện quan trọng đã xảy ra tại một công ty khác của anh, “thú vui” của anh, Pixar. Hãy nhớ bộ phận làm phim hoạt hình vẫn cố gắng để tồn tại trong nhiều năm bằng cách làm quảng cáo truyền hình. Nhưng bộ phận này cũng nhận được một số giải thưởng cho thể loại phim ngắn, hầu hết trong các hội thảo hoạt hình SIGGRAPH mới, và thậm chí Giải thưởng Hàn lâm, cho phim Câu chuyện đồ chơi năm 1989. John Lasseter ngày càng được công nhận là một trong những nhà làm phim hoạt hình tài năng nhất trong ngành.
Bắt đầu năm 1989, ban quản trị mới của Disney (CEO Michale Eisner, nhưng chủ yếu là trợ lý cấp cao của ông, Jeffrey Katzenberg) đã cố gắng lôi kéo Lasseter trở lại Kinh đô điện ảnh. Tuy nhiên, mặc dù tình trạng bấp bênh của Pixar, ông vẫn tiếp tục từ chối lời đề nghị: ông nhận ra không ở nơi nào trên trái đất này ông có thể tìm thấy nhiều con người tài năng có cùng quan điểm về tương lai của phim hoạt hình máy tính như ở đây.
Vì thế Disney đành đồng ý ký vào bản hợp đồng với Pixar làm một bộ phim hoạt hình dài tập, hoàn toàn bằng máy tính. Đây là giấc mơ của Pixar từ bấy lâu, từ hồi cuối những năm 1970 với Ed Catmull và Alvy Ray Smith (những người đã rời công ty bởi không thể chịu đựng cảnh làm việc cùng với Steve Jobs). John Lasseter đề xuất một kịch bản phim nói về tình bạn, xoay quanh nhân vật các đồ chơi. Jeffrey Katzenberg chấp nhận và tháng 5/1991, hợp đồng được ký kết. Steve đã đàm phán để Pixar làm ba bộ phim và giữ 12,5% doanh thu từ tiền bán vé. Đó là một mức giá rẻ cho một bộ phim, nhưng Steve và phần còn lại của Pixar không biết rằng, đó là một khoản tiền khổng lồ cho một xưởng phim đang thời khốn đốn của họ! Tiền đầu tư của Steve Jobs cuối cùng cũng có triển vọng thu về.
TRƯỢT DỐC KHÔNG PHANH
Mọi thứ liên quan tới công việc tưởng như sụp đổ vào năm 1993, năm anh bước sang tuổi 38.
Bắt đầu với NeXT. Tháng 1/1992, anh chấp nhận sự thỏa hiệp rất lớn khi đồng ý cấp phép cho các hãng sử dụng hệ điều hành tiên tiến của công ty, NeXTSTEP. Nó sẽ không còn bị bó chặt trong những chiếc máy màu đen của NeXT nữa, mà sẽ chạy trên thế hệ bộ vi xử lý tương thích với IBM 486 của Intel. Với nhiều chuyên gia, anh có lẽ nên làm chuyện này ngay từ đầu, nhưng với Steve, đây là dấu hiệu của thất bại, bởi cá nhân anh luôn cảm thấy phải làm chủ phần cứng: anh luôn là người đam mê phần cứng, muốn thiết kế chiếc máy của mình thật tốt, và dành hàng giờ trong nhà máy NeXT quan sát các robot lắp ráp những chiếc máy thật đẹp.
Nhưng mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn vào năm sau đó. COO Van Cuylenburg, người được giao trách nhiệm làm hài lòng Canon đã phản bội Steve, trong một sự kiện tàn nhẫn như những gì đã xảy ra ở Apple bảy năm về trước. Ông đến gặp đối thủ Sun của NeXT, và đề nghị CEO Scott McNealy mua lại NeXT và bổ nhiệm ông làm giám đốc của công ty mới này. May mà McNealy là người có danh dự và đã báo với Steve về âm mưu nổi loạn này. Van Cuylenburg phải ra đi, nhưng Steve chẳng thể nguôi nỗi đau, đặc biệt bởi tất cả các đồng sáng lập của công ty, trừ George Crow, đều đã bỏ rơi anh.
Vài tháng sau, điều gì đến cũng đã đến, khi NeXT phải đối diện với thực tế và từ bỏ bộ phận sản xuất phần cứng. Quyết định được đưa ra ngày 11/2, một ngày tai họa khi 300 trong số 530 nhân viên của NeXT phải mất việc. Nhà máy tự động được chuyển nhượng cho nhà đầu tư Canon, công ty phải bán toàn bộ thiết bị của mình trong phiên đấu giá đáng nhớ hồi tháng 9 năm đó. Giấc mơ về một công ty nhiều tỷ đôla đành nhường lại cho một công ty phần mềm nhỏ mới ra đời, NeXT Software Inc., chuyên phát triển ứng dụng và công nghệ máy chủ cho nền tảng UNIX và Windows.
Như thể số phận đang chống lại anh, Steve còn phải chịu đựng những rắc rối của Pixar cùng trong cái năm 1993 kinh hoàng ấy. Trong khi công việc làm phim hoạt hình với Disney đáng ra chỉ bị đình trệ tạm thời, nhưng Katzenberg của Disney đã chấm dứt nó vĩnh viễn vào tháng 11/1993. Cùng với đa số nhân viên sáng tạo của Disney, ông thông báo với đối tác rằng các nhân vật là những kẻ ngớ ngẩn không chút hấp dẫn và lời thoại thiếu lễ phép không phù hợp với phim thiếu nhi (dù ông là người đã ủng hộ những nhân vật này lúc ban đầu). Pixar quay trở lại làm quảng cáo truyền hình để tồn tại – nhưng rõ ràng công ty sẽ biến mất nếu công việc với Disney không được nối lại.
Sự nghiệp của Steve xuống dốc không phanh. Nói theo cách của anh, anh đang phải lội trong “cái đống phân thối ngập đến đầu gối”. Anh thậm chí không còn đi làm đều đặn nữa và dành phần lớn thời gian ở nhà, chơi đùa với cậu con trai hai tuổi.
THOÁT NẠN NHỜ ĐỒ CHƠI KIẾM BỘN TIỀN TỪ TOY STORY
Nhưng cũng thật may mắn, cái chấm hết ở Hollywood lại không có cùng ý nghĩa với sự kết thúc ở Thung lũng Silicon. John Lasseter và các thành viên Pixar khác đã ra sức tập trung điều chỉnh kịch bản, và tháng 2/1994, họ hoàn thành một kịch bản mới, tốt hơn và được Jeffrey Katzenberg chấp nhận: hoạt động sản xuất được nối lại. Steve chẳng có chút cảm xúc gì, bởi cho tới cuối mùa thu năm 1994 anh vẫn đang muốn bán Pixar cho các nhà đầu tư khác. Lúc đó anh tiến rất gần đến việc bán xưởng phim hoạt hình này cho đối thủ chính của Apple, Microsoft.
Nhưng càng ngày anh càng cảm giác rằng Pixar sẽ quan trọng đối với sự nghiệp của anh hơn anh suy nghĩ rất nhiều. Theo nhiều người, anh đã nhận ra điều đó vào tháng 1/1995, khi anh được mời tới dự một sự kiện của Disney tại New York. Ngay tại Central Park, hãng phim này dựng một chiếc lều khổng lồ để đặt một màn hình bên trong. Và chiếu những đoạn duyệt trước của hai bộ phim sắp ra mắt Pocahontas, dự kiến công chiếu vào mùa hè, và Câu chuyện đồ chơi, vào dịp lễ Tạ ơn năm 1995.
Nhưng càng ngày anh càng cảm giác rằng Pixar sẽ quan trọng đối với sự nghiệp của anh hơn anh suy nghĩ rất nhiều. Theo nhiều người, anh đã nhận ra điều đó vào tháng 1/1995, khi anh được mời tới dự một sự kiện của Disney tại New York. Ngay tại Central Park, hãng phim này dựng một chiếc lều khổng lồ để đặt một màn hình bên trong. Và chiếu những đoạn duyệt trước của hai bộ phim sắp ra mắt Pocahontas, dự kiến công chiếu vào mùa hè, và Câu chuyện đồ chơi, vào dịp lễ Tạ ơn năm 1995.
Đó là khoảnh khắc Steve nhận ra thương vụ với Disney sẽ trở thành điều gì đó lớn hơn nhiều sức tưởng tượng của anh, và rằng Pixar đang dần đưa anh thoát khỏi vũng lầy với NeXT.
Lời Ralph Guggenheim, thành viên sáng lập Pixar trong The Second Coming of Steve Jobs của Alan Deutschman Steve bắt đầu tham gia nhiều hơn và công việc của Pixar, cho Ed Catmull thôi giữ chức vụ Chủ tịch và tự bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm CEO của công ty vào tháng 2/1995. Anh cũng thuê một giám đốc tài chính mới, Lawrence Levy, để tạo cho Pixar một hình ảnh đáng tin cậy tại Phố Wall, lường trước khả năng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Cuối cùng, Câu chuyện đồ chơi giới thiệu ngày 22/11 đã nhận được sự hưởng ứng vượt qua mọi mong đợi mà Pixar và Disney đã đặt vào đó. Nó đã giúp thu về 20 triệu đôla chỉ riêng trong ba ngày cuối tuần dịp lễ Phục sinh, và tổng cộng 160 triệu đôla tiền bán vé tại các rạp chiếu phim Mỹ – một con số quá lớn so với chi phí sản xuất 27 triệu đôla.
NGÀI TỶ PHÚ GẶP THỜI
Nhưng mọi chuyện bắt đầu vượt xa ra ngoài phạm vi phim ảnh.
Khi Steve bắt đầu mường tượng ra khả năng thành công của Câu chuyện đồ chơi, anh đã tính đến việc cổ phần hóa Pixar. Các nhà phân tích và chuyên gia Phố Wall cười nhạo anh bởi Pixar trước đó chẳng hề có lấy một chút lợi nhuận nào trong suốt 9 năm tồn tại. Nhưng, tháng 8/1995, một công ty nhỏ mới xuất hiện được chỉ một năm và cũng chưa làm ăn có lãi đã gây nên một cú sốc lớn khi tiến hành cổ phần hóa: đó là Netscape, công ty phát triển phần mềm của trình duyệt web được lấy theo tên của người đã sáng lập ra nó. Và thật bất ngờ, ý tưởng của Steve không còn bị chê cười nữa.
Tuy nhiên, cũng có một vấn đề pháp lý liên quan tới các thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với một vài trong số những thành viên cấp cao nhất của công ty: John Lasseter, Ed Catmull, và hai nhân sự tham gia công ty từ thời gian đầu là Ralph Guggenheim và Bill Reeves. Hợp đồng giữa họ quy định mỗi người được hưởng một phần doanh thu trong các bộ phim của công ty, một tình huống không có lợi cho việc cổ phần hóa. Steve Jobs dàn xếp thỏa thuận bằng cách trả một lượng cổ phiếu lớn cho bốn người họ, bên cạnh vị CFO mới đến Lawrence Levy. Nhưng anh vẫn nắm giữ 80% công ty, tương đương 30 triệu cổ phiếu.
Căng thẳng nảy sinh tại Point Richmond sau khi cuộc dàn xếp này bị lộ ra. Sau đợt IPO, Steve Jobs trở nên vô cùng giàu có, năm thành viên cấp cao cũng thế, những người khác bị gạt ra ngoài. Nhiều trong số họ dọa sẽ rời khỏi công ty, đặc biệt gây sốc nhất là thái độ của Levy, bởi ông chỉ mới chân ướt chân ráo vào đây và gần như chưa có đóng góp gì cho Pixar…
Tuy nhiên, ngày 29/11, đúng một tuần sau khi Câu chuyện đồ chơi công chiếu, nhận định của Steve đã chứng tỏ rất đúng đắn. Vụ IPO được lợi rất nhiều từ sự đưa tin của báo chí truyền thông về bộ phim, và ngày mở đầu, giá cổ phiếu đã tăng từ 22 đôla lên 49 đôla. Đây trở thành vụ IPO lớn nhất trong năm, đánh bại cả các con số của Netscape. Steve Jobs đã làm được điều đó: giờ đây anh là một tỉ phú, với số tài sản gần 1,5 tỷ đôla. Con số này lớn gấp 10 lần số tiền anh kiếm được ở Apple hồi đầu những năm 1980. Cuối cùng anh cũng được công nhận, và lại xuất hiện trở lại trên các trang bìa tạp chí.
Về phần mình, công ty Pixar đã thu về 123 triệu đôla trong lần IPO này, từ con số 47 triệu đôla thời kỳ khó khăn tăng thêm 76 triệu đôla thời bắt đầu phát đạt. Steve nhận thấy đã đủ mạnh để quay về Disney và đàm phán lại một thỏa thuận mà anh vẫn coi là mối quan hệ chủ – tớ.
CUỘC CHƠI VỚI GÃ KHỔNG LỒ
Lần này, Steve quyết không để Pixar bị Disney chèn ép nữa. Anh đến với những yêu cầu rất cao cho thỏa thuận mới này: quan hệ đối tác 50/50, chia đều chi phí sản xuất và chia đều doanh thu; toàn bộ phần sáng tạo cho bộ phim do Pixar đảm nhận; và chia đều chi phí kinh doanh… Disney có trách nhiệm trưng bày hình ảnh logo của Pixar lên màn hình và trên mọi công cụ tiếp thị nào lớn như vậy với thời gian xuất hiện bằng của logo Disney. Đó là lý do tại sao bạn thường thấy phim hoạt hình Pixar’s Luxo Jr. lúc bắt đầu mỗi bộ phim ở rạp chiếu. Cũng ở đây chúng ta có thể cảm nhận thấy sự tinh tế của Steve trong tiếp thị: anh hình dung rõ Pixar sẽ trở thành một nhãn hiệu mạnh trong lĩnh vực hoạt hình cũng chẳng kém như Apple trong lĩnh vực máy tính. Anh muốn nó trở nên không thua kém một Disney thứ hai.
Điều đáng bất ngờ là Jobs đã thành công khi áp đặt những điều khoản mới này – và đặc biệt hơn nữa, lại với Michael Eisner, một trong những nhà đám phán quyết liệt nhất của Hollywood! Disney không bao giờ đối xử với các nhà thầu của mình như cách đã đồng ý đối xử với Pixar. Cả Hollywood đều không khỏi kinh ngạc.
Steve đưa ra một lý do rất hóc: anh đe dọa quay sang các nhà phân phối phim khác ngay khi thỏa thuận làm ba bộ phim hoàn thành. Eisner hiểu rõ Pixar sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng và cũng đủ thông minh để không cho nó rời khỏi ổ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.