Sức Mạnh Tiềm Thức

CHƯƠNG 13: TIỀM THỨC VÀ NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU ĐẾN TỪ GIẤC NGỦ



Tiềm thức của bạn không bao giờ ngủ. Tiềm thức luôn luôn làm việc và điều khiển toàn bộ hoạt động sống trong bạn.
Mỗi người chúng ta đã dành ra tám trong mỗi hai mươi bốn giờ, tương đương một phần ba cuộc đời mình để ngủ. Đây là quy luật thiết yếu của đời sống. Ngủ là một quy luật thiêng liêng, hơn nữa nhiều câu trả lời cho các vấn đề khó khăn đã xuất hiện ngay trong giấc ngủ của chúng ta.
Nhiều người nghĩ rằng sau một ngày dài mệt mỏi và kiệt sức, chúng ta đi ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi, và sẽ có một tiến trình hồi phục diễn ra khi chúng ta ngủ say; nhưng đây là một cách hiểu hoàn toàn sai lầm. Thực tế, chẳng có cái gì nghỉ ngơi trong giấc ngủ cả. Tim, phổi và tất cả các cơ quan vận hành sự sống của bạn vẫn hoạt động liên tục trong khi bạn say giấc. Nếu bạn ăn ngay trước giờ ngủ thì khi bạn đã ngủ rồi, những thức ăn đó vẫn tiếp tục được tiêu hóa và hấp thụ. Da bạn vẫn bài tiết mồ hôi. Móng tay, móng chân và tóc của bạn vẫn không ngừng mọc dài thêm.
Tiềm thức của bạn cũng vậy, nó không bao giờ nghỉ ngơi. Tiềm thức luôn hoạt động và chi phối mọi nguồn sống trong bạn. Nhờ vậy khi bạn đang ngủ, tiến trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh hơn do không bị tác động từ ý thức gây trở ngại. Chính vì vậy mà đã có những giải đáp đáng ngạc nhiên xuất hiện ngay trong khi bạn đang ngon giấc.
Vì sao chúng ta ngủ?
Một trong những nhà nghiên cứu khoa học đầu tiên tiến hành những khảo sát nghiêm túc về giấc ngủ là tiến sĩ John Bigelow. Ông có thể chứng minh rằng ban đêm, khi đang ngủ, bạn vẫn không ngừng tiếp nhận các thông tin thông qua mạng lưới dây thần kinh cảm giác kết nối với mắt, tai, mũi và làn da. Đồng thời, hệ thống thần kinh trong não bộ cũng hoạt động liên tục.
Nghiên cứu của tiến sĩ Bigelow đã đưa ra một kết luận có liên hệ mật thiết với những nội dung được trình bày trong quyển sách này. Ông cho rằng lý do chủ yếu mà chúng ta ngủ là để “phần cao nhã hơn trong tâm hồn hợp nhất một cách trừu tượng với bản ngã cao thượng của chúng ta rồi hòa vào sự minh triết của đấng sáng tạo.”
Cầu nguyện và thiền định cũng là những cách nghỉ ngơi
Ý thức của bạn luôn bị quấy nhiễu bởi những phiền toái, xung đột và ganh đua. Bởi thế, thỉnh thoảng cần phải tách nó ra khỏi mối liên hệ với các giác quan và thế giới khách quan để thầm lặng hòa nhập vào nguồn minh triết ẩn sâu trong tiềm thức của bạn. Bạn sẽ luôn vượt qua được tất cả những khó khăn, trắc trở đồng thời giải quyết ổn thỏa các vấn đề hàng ngày của mình bằng cách thỉnh cầu sự định hướng, sức mạnh và trí tuệ sâu sắc trong mọi phương diện đời sống.
Việc ý thức tách rời khỏi mối liên hệ với các giác quan và những ồn ào, hỗn loạn của đời sống thường nhật như thế cũng là một dạng thức của giấc ngủ. Nghĩa là khi đó, bạn đang ngủ say đối với thế giới của các giác quan thông thường nhưng lại đang thức tỉnh trước sự minh triết và sức mạnh của tiềm thức của bạn.
Hậu quả không ngờ khi bị thiếu ngủ
Khi ngủ không đủ giấc, bạn sẽ trở nên dễ cáu kỉnh, hay buồn rầu và thường xuyên suy nhược. Mỗi người cần phải ngủ tối thiểu sáu giờ đồng hồ mỗi ngày, nhưng đa phần chúng ta cần được ngủ nhiều hơn thế để đảm bảo sức khỏe. Nếu bạn cho rằng bạn vẫn ổn ngay cả khi phải ngủ ít hơn bình thường thì bạn chỉ đang tự lừa dối mình mà thôi.
Qua những nghiên cứu về tiến trình của giấc ngủ và những ảnh hưởng của sự thiếu ngủ, các nhà nghiên cứu y học đã nhấn mạnh rằng trong một số trường hợp, chứng mất ngủ trầm trọng chính là dấu hiệu của sự suy nhược thần kinh.
Hãy nhớ rằng trong giấc ngủ, tinh thần của bạn sẽ được hồi phục. Vì vậy, ngủ đủ giấc là yếu tố cần thiết để tạo ra niềm lạc quan và sinh lực trong cuộc sống.
Bạn cần được ngủ nhiều hơn
Muốn biết tại sao chúng ta cần phải ngủ đủ giấc, hãy xem chuyện gì xảy ra khi chúng ta thiếu ngủ. Vào năm 1964, chàng trai mười bảy tuổi tên Randy Gardner đã quyết tâm ghi tên mình vào sách Kỷ lục Guinness thế giới. Anh đã thức liên tục trong suốt 264 giờ đồng hồ, tương đương với mười một ngày dài ròng rã. Những cuộc xét nghiệm sau đó xác nhận anh không hề bị bất kỳ tổn thương lâu dài nào. Tuy nhiên, do anh ép bản thân không được ngủ, nên khả năng tư duy của anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giọng nói của anh trở nên ngọng nghịu, còn trí nhớ thì sa sút. Vài giờ sau khoảng thời gian thức trắng đó, anh bắt đầu bị ảo giác.
Hầu hết những người bị mất ngủ kinh niên không đến mức rơi vào trạng thái tồi tệ như vậy. Tuy nhiên, họ cũng phải gánh chịu một số tác động nghiêm trọng. Theo Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia – Mỹ, mỗi năm có đến 200.000 vụ tai nạn giao thông liên quan đến những vấn đề về giấc ngủ. Cứ năm tài xế thì có ít nhất một người thỉnh thoảng ngủ gật sau tay lái, và càng về khuya thì số ca tai nạn giao thông càng tăng, cao gấp năm đến mười lần so với ban ngày.
Một số thí nghiệm với những tình nguyện viên cho thấy một bộ óc mỏi mệt sẽ rất thèm ngủ, đến độ nó sẽ hy sinh bất kỳ điều gì để được ngủ. Chỉ sau vài giờ mất ngủ, những đối tượng tham gia cuộc thí nghiệm bắt đầu rơi vào các lượt thiếp ngủ cực ngắn, còn gọi là tình trạng lơ mơ, chập chờn. Tình trạng này xảy ra khoảng ba đến bốn lần mỗi giờ. Trạng thái đó cũng giống như một giấc ngủ ‘thật’: mắt của họ sẽ khép lại và sóng não trở nên chậm hơn.
Thoạt đầu, mỗi lượt thiếp ngủ cực ngắn như vậy chỉ kéo dài một phần giây, nhưng khi số giờ mất ngủ cứ tăng lên, thì những lượt ngủ ngắn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài lâu hơn, trong hai đến ba giây. Ngay cả khi người đó đang điều khiển một chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn giữa một cơn bão nguy hiểm thì họ vẫn không thể kháng cự lại những lượt thiếp ngủ cực ngắn trong vài giây đó.
Lời khuyên sẽ đến trong giấc ngủ
Sandra F. là một phụ nữ trẻ sống ở Los Angeles, cô vẫn thường nghe những buổi nói chuyện của tôi trên đài phát thanh. Một lần, cô ấy kể cho tôi nghe việc cô nhận được lời đề nghị đến làm việc ở New York với mức lương gấp đôi cô nhận được hiện tại. Cô phân vân không biết có nên đồng ý nhận công việc mới đó hay không. Vậy là trước khi đi ngủ, cô cầu nguyện:
Trí tuệ sáng tạo trong tiềm thức của tôi biết điều gì là tốt nhất đối với tôi. Nó luôn có xu hướng giữ gìn và bảo vệ sự sống, và nó mách bảo cho tôi biết những quyết định đúng đắn có thể mang lại hạnh phúc cho tôi và mọi người xung quanh. Tôi hàm ơn những lời giải đáp mà tôi biết chắc chúng sẽ tìm đến với tôi.
Cô đã lặp đi lặp lại lời cầu nguyện chân thành này nhiều lần cứ như đang tự hát ru mình trước khi chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, cô thức giấc và cảm giác dằng dai rằng mình không nên chấp nhận lời đề nghị. Thế là cô quyết định từ chối. Những biến cố xảy ra sau này đã chứng thực cho tuệ giác nội tâm của cô. Một vài tháng sau lời đề nghị hợp tác đó, công ty kia đã bị phá sản.
Ý thức của cô ấy có khả năng nhận định đúng đắn những sự kiện được nhận biết khách quan. Tuy nhiên, chính năng lực trực cảm của tiềm thức mới nhận ra được những vấn đề tồn tại ở công ty đó và tác động đến cô.
Thoát khỏi tai họa
Minh triết của tiềm thức có thể chỉ dẫn và bảo vệ bạn nếu trước khi đi ngủ, bạn yêu cầu nó chỉ cho bạn những hành động đúng đắn.
Nhiều năm trước, tôi từng được đề nghị làm một công việc hấp dẫn ở vùng Viễn Đông. Khi ấy, tôi đã cầu nguyện được hướng dẫn và giúp đỡ để đưa ra quyết định đúng đắn như thế này:
Trí huệ Vô lượng trong tôi biết mọi thứ và sẽ tiết lộ cho tôi đâu là quyết định đúng đắn. Tôi sẵn sàng đón nhận câu trả lời khi nó xuất hiện.
Tôi đã lặp đi lặp lại lời cầu nguyện rõ ràng ấy như thầm ru mình vào giấc ngủ. Đêm đó, tôi đã mơ thấy một người bạn cũ. Anh ấy đưa cho tôi một tờ báo và bảo: “Hãy đọc những dòng tít này! Đừng đi nhé!.” Những dòng tít trên báo đề cập đến những vấn đề bạo lực, bất ổn, chiến tranh… và rồi không lâu sau, tất cả những điều đó đều đã xảy ra ở khu vực tôi được mời đến làm việc.
Hãy tin rằng tiềm thức của bạn là toàn trí toàn thức và biết được mọi sự. Giấc mơ tôi vừa kể chắc chắn đã bảo vệ tôi khỏi việc tự đưa mình vào một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Trong giấc mơ ấy, tiềm thức của tôi đã phóng chiếu đến tôi lời cảnh báo của nó qua hình dạng của một người bạn mà tôi tin tưởng và tôn trọng.
Một vài người cũng từng nhận được lời cảnh báo kiểu như vậy thông qua hình ảnh của mẹ mình trong giấc mơ. Bà tha thiết bảo người ấy đừng đi đến nơi này hay nơi kia và cũng cho biết lý do tại sao. Đôi khi tiềm thức sẽ gửi đến bạn lời khuyên ngay cả khi bạn đang thức. Có lúc bạn cảm giác mình nghe được một giọng nói nào đó có vẻ giống như của mẹ bạn hoặc một người thân yêu nào đó. Bạn dừng bước và quay lại, xem thử tiếng nói đó phát ra từ đâu. Liền ngay đó, bạn mới vỡ lẽ rằng nếu không nhờ dừng lại do nghe tiếng của người thân, hẳn bạn đã bị vật lạ rơi từ cửa sổ va vào đầu.
Hãy giao cho tiềm thức nhiệm vụ tìm ra lời giải cho bất kỳ vấn đề quan trọng nào trước khi đi ngủ và câu trả lời sẽ được tìm ra.
Tiềm thức là kho lưu trữ ký ức của bạn, tất cả những trải nghiệm từ thời thơ ấu của bạn đều đã được ghi lại và cất giữ trong đó.
Tiềm thức cũng chính là tương lai của bạn
Hãy luôn nhớ rằng tương lai được tạo ra từ chính những suy nghĩ thường ngày của bạn. Tương lai dần dần hình thành trong tâm thức của bạn và nó chỉ thay đổi khi bạn cầu nguyện cho nó thay đổi. Tương tự như vậy, tương lai của một quốc gia đã được xây dựng từ trong chính tiềm thức chung của các công dân của quốc gia đó. Không có gì kỳ lạ trong việc tôi được đọc trong giấc mơ những dòng tít trên báo đề cập đến những biến cố mà lâu sau đó mới thực sự xảy ra. Thực chất, những biến cố đó đã dần dần diễn tiến trong tâm thức những người sẽ gây ra chúng. Và mọi ý đồ của họ tất thảy đều được ghi khắc vào tiềm thức chung của tâm thức phổ quát. Vì thế, những biến cố của ngày mai tự nhiên hiện diện trong tiềm thức của chính bạn. Những biến cố của tuần tới và tháng tới cũng thế. Đặc biệt, những điều đó sẽ được các nhà ngoại cảm tài ba hoặc những nhà tiên tri thấu thị nắm bắt và cảm nhận được.
Bạn hãy tin rằng không có gì là định mệnh hoặc không thể thay đổi cả. Chính thái độ tinh thần của bạn, cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và tin tưởng sẽ quyết định vận mệnh của bạn. Thông qua cầu nguyện có khoa học, bạn có thể nhào nặn, định hình và tạo ra tương lai của chính mình. Nhớ rằng, bạn gieo gì thì sẽ gặt nấy.
15 ngàn đô-la từ một thoáng chợp mắt
Nhiều năm trước, một sinh viên của tôi gửi cho tôi xem bài báo viết về người đàn ông tên Ray Hammerstrom – một người thợ cán trong một nhà máy thép ở Pittsburgh. Thời gian ấy, nhà máy đã cho lắp đặt một hệ thống máy móc mới dùng để phân phối và đưa những thanh thép mới luyện xong vào sàn làm nguội. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của những người lắp đặt, cỗ máy vẫn không thể nào vận hành trôi chảy được. Các kỹ sư đã miệt mài với nó trong mấy ngày liền, nhưng tất cả đều vô ích.
Hammerstrom đã nghĩ rất nhiều về vấn đề đó. Anh đã cố suy nghĩ về một thiết kế mới có thể hoạt động hữu hiệu nhưng chẳng nghĩ được gì. Một buổi trưa, khi đang thiu thiu ngủ, anh lại nghĩ đến vấn đề còn đang tồn đọng. Và rồi ngay trong lần chợp mắt ấy, anh đã mơ thấy một bản thiết kế hoàn hảo cho bộ phận phân phối khiếm khuyết kia. Khi thức dậy, anh phác họa lại bản thiết kế mới của mình dựa theo những đường nét chính mà anh đã nhìn thấy trong giấc mơ.
Thị kiến trong một thoáng chợp mắt này đã mang lại cho Hammerstrom một tấm séc trị giá đến 15.000 đô-la. Đó là phần thưởng lớn nhất mà nhà máy của anh từng trao tặng cho những công nhân đưa ra được ý tưởng sản xuất mới và hữu ích.
Khả năng giải quyết vấn đề trong giấc ngủ
Tiến sĩ H. V. Helprecht là một giáo sư hàng đầu trong ngành nghiên cứu Assyria ở Đại học Pennsylvania. Trong hồi ký của mình, ông đã kể lại một trải nghiệm đáng kinh ngạc:
Một buổi tối thứ Bảy, tôi đang mệt mỏi rã rời vì đã cố hết sức nhưng vẫn chưa giải mã được hai mảnh đá mã não nhỏ, vốn được phỏng đoán là mảnh vỡ từ những chiếc nhẫn đeo tay của người Babylon.
Khoảng nửa đêm, cảm thấy chán nản và kiệt sức, tôi quyết định đi ngủ và tôi đã mơ một giấc mơ thật lạ lùng: một giáo sĩ cao, gầy, chừng bốn mươi tuổi ở thành phố thánh Nippur đã dẫn tôi đi vào hầm chứa kho báu của một ngôi đền… Đó là một gian phòng nhỏ, trần thấp và không có cửa sổ, những mảnh đá mã não và đá da trời nằm rải rác trên sàn. Ngay tại đó, ông nói với tôi: “Hai mảnh đá ông đã mô tả riêng rẽ ở trang 22 và 26 không phải là đá cẩn trên nhẫn đeo tay đâu. Trước kia có hai chiếc vòng được dùng làm khuyên tai của tượng thần; hai mảnh đá [ông đang giữ] này là những mảnh vỡ từ đôi khuyên tai đó. Khi gắn chúng lại với nhau, ông sẽ chứng thực được lời ta nói.” Tôi bừng tỉnh ngay lập tức. Tôi vội vã kiểm tra lại những mảnh đá và kinh ngạc vô cùng khi thấy giấc mơ của mình được xác thực. Vấn đề tôi đang trăn trở rốt cuộc đã được giải quyết bằng một cách quá đỗi lạ kỳ.
Câu chuyện này quả là một minh chứng rõ ràng cho thấy hiện thể sáng tạo của tiềm thức vốn luôn biết câu trả lời cho mọi vấn đề.
Tiềm thức trong giấc ngủ của một nhà văn nổi tiếng
Trong cuốn sách Across the Plains (Băng qua đồng bằng), Robert Louis Stevenson đã dành hẳn một chương để viết về đề tài giấc mơ. Ông vốn là một người mơ mộng mãnh liệt. Thói quen bền bỉ của ông là truyền đạt đến tiềm thức những chỉ thị cụ thể hằng đêm, trước khi đi ngủ. Bằng cách đó ông yêu cầu tiềm thức giúp ông hư cấu nên những câu chuyện ngay trong giấc ngủ của mình.
Stevenson thuật lại:
[Những phúc thần bé nhỏ này [trí tuệ và sức mạnh từ tiềm thức của ông] có thể kể cho tôi biết từng phần, từng phần của một câu chuyện cứ như tôi đang đọc một loạt truyện dài kỳ vậy; và từ đầu tới cuối, sức sáng tạo ấy không hề cho tôi biết đâu là kết thúc mà câu chuyện sẽ hướng tới.
Vậy là phần việc tôi làm khi thức dậy [khi ý thức của ông tỉnh táo và có thể nhận biết] không có chút gì là của tôi cả, vì những gì diễn ra đều cho thấy rằng những phúc thần ấy đã can thiệp vào. ]1
Ngủ trong thanh thản – thức dậy trong hân hoan
Nếu bạn bị mất ngủ thì lời cầu nguyện dưới đây sẽ rất hiệu nghiệm. Hãy lặp đi lặp lại thật chậm rãi, lặng lẽ và chân thành trước khi ngủ.
Những ngón chân tôi thư giãn, mắt cá chân tôi thư giãn, các cơ bụng tôi thư giãn, tim và phổi tôi thư giãn, bàn tay và cánh tay tôi thư giãn, cổ tôi thư giãn, trí óc tôi thư giãn, khuôn mặt tôi thư giãn, đôi mắt tôi thư giãn, toàn bộ tâm hồn và thể xác tôi cùng thư giãn.
Tôi thực lòng tha thứ cho mọi người, tôi thành tâm cầu mong mọi người hòa thuận, khỏe mạnh, an bình và nhận được mọi phúc lành của đời sống. Tôi đang được yên ổn, cân bằng, thanh thản và điềm tĩnh. Tôi nghỉ ngơi trong an lành và bình yên. Sự tĩnh tại tuyệt đối truyền lan khắp người tôi và sự yên tĩnh kỳ diệu vỗ về thân thể tôi khi tôi nhận ra Hiện hữu Linh thánh tồn tại trong tôi. Tôi biết sự thấu tỏ đời sống và tình yêu sẽ ấp ủ và vun vén cho tôi.
Tôi cuộn mình trong tấm chăn tình yêu rồi chìm sâu vào giấc ngủ chứa đầy những suy nghĩ tốt đẹp về tất cả mọi điều. Suốt đêm, tôi ngủ trong an bình và sáng ra tôi thức giấc tràn đầy sức sống và tin yêu. Một vòng tròn yêu thương bao bọc xung quanh tôi, nhờ vậy tôi không sợ hãi bất cứ điều xấu xa nào. Tôi đi ngủ trong thanh thản, tỉnh giấc trong hân hoan, và cứ thế trong đời sống này tôi sống, hoạt động và là chính tôi.
Điểm lại những ý cần nhớ
1. Nếu bạn lo sẽ không thức dậy đúng giờ được thì trước khi đi ngủ, hãy cho tiềm thức của bạn biết thời điểm chính xác bạn muốn tỉnh dậy và tiềm thức sẽ đánh thức bạn. Hãy áp dụng tương tự đối với các vấn đề khác và bạn sẽ có được kết quả như ý, vì đối với tiềm thức thì không có gì là quá khó khăn.
2. Trước khi đi ngủ, hãy tha thứ cho chính bạn và mọi người để sự hồi phục diễn ra chóng vánh hơn.
3. Sự mách bảo đến với bạn trong giấc ngủ, thỉnh thoảng qua một giấc mơ. Trong khi bạn ngủ, những nguồn suối chữa lành cũng tuôn chảy dạt dào để khi bạn thức giấc và bắt đầu một ngày mới, bạn sẽ cảm thấy mình luôn khỏe khoắn và tràn đầy sức sống.
4. Khi những phiền toái và xung đột của cuộc sống thường ngày khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức, hãy trấn tĩnh và xoa dịu tâm trí đang quay cuồng của bạn, hãy nghĩ đến nguồn minh triết và trí tuệ đang nằm sâu trong tiềm thức, lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ và trợ giúp bạn. Điều này sẽ mang lại cho bạn cảm giác an bình, sức mạnh và niềm tin.
5. Giấc ngủ là cần thiết để đem đến sự thanh thản cho tâm hồn và sự khỏe khoắn của cơ thể. Thiếu ngủ có thể khiến cho chúng ta dễ cáu giận, suy nhược và rối loạn thần kinh. Bạn cần phải ngủ đủ ít nhất tám tiếng mỗi ngày.
6. Các học giả nghiên cứu y khoa đã chứng minh rằng chứng mất ngủ đôi khi là dấu hiệu báo trước những sự suy sụp thần kinh ở chúng ta.
7. Trong giấc ngủ, bạn sẽ được hồi phục về mặt tinh thần một cách kỳ diệu. Ngủ đủ giấc là yếu tố cần thiết để có một cuộc sống đầy niềm vui và sinh lực.
8. Khi trí óc mệt mỏi, nó sẽ rất thèm ngủ đến mức sẵn sàng hy sinh bất kỳ thứ gì để được ngủ. Bạn có thể thấy được điều này qua việc nhiều người đã thiếp ngủ ngay cả khi họ đang cầm lái.
9. Thiếu ngủ sẽ làm cho trí nhớ trở nên sút kém và các hoạt động phối hợp thiếu chính xác. Nhiều người thiếu ngủ trở nên mụ mị, lẫn lộn, và mất phương hướng.
10. Những lời khuyên giải có thể đến trong giấc ngủ. Trước khi ngủ, hãy tin tưởng rằng Trí huệ Vô lượng của tiềm thức đang định hướng và dẫn dắt bạn. Tiếp theo, bạn chỉ cần chờ đợi sự mách bảo đến với bạn, có thể là khi bạn tỉnh giấc vào buổi sáng hôm sau.
11. Hãy tin tưởng triệt để tiềm thức của chính bạn. Hãy biết rằng tiềm thức luôn có khuynh hướng duy trì và bảo vệ sự sống. Thỉnh thoảng, tiềm thức có thể đáp ứng cho bạn qua một giấc mơ rất sống động hay một thị kiến trong đêm. Bạn có thể cũng được tiên báo bằng một giấc mơ giống như tác giả cuốn sách này đã từng trải nghiệm.
12. Tương lai của bạn hiện đã ở trong tâm thức của chính bạn, nó đang hình thành từ những suy nghĩ thường ngày và niềm tin của bạn. Hãy thỉnh cầu Trí huệ Vô lượng chỉ đạo và dẫn dắt bạn rồi tất cả những điều tốt đẹp sẽ thuộc về bạn trong một tương lai xán lạn. Hãy tin tưởng và đón nhận nó. Hãy trông đợi điều tốt đẹp nhất, và điều tốt đẹp nhất sẽ luôn đến với bạn.
13. Nếu bạn đang viết tiểu thuyết, kịch, sách hoặc đang nghiên cứu để sáng chế, hãy trò chuyện với tiềm thức vào mỗi đêm và quả quyết chân thành rằng sự minh triết, trí tuệ và sức mạnh của tiềm thức đang ở bên cạnh dẫn dắt, chỉ đạo và tiết lộ với bạn những giải pháp hoàn hảo. Những điều kỳ diệu không thể ngờ tới có thể sẽ xảy đến khi bạn cầu nguyện theo cách thức này.
Hãy gửi ước mong có được một giải pháp đến tiềm thức của bạn trước khi đi ngủ. Hãy kỳ vọng và tin tưởng vào nó, và câu trả lời sẽ đến với bạn. Tiềm thức biết tất cả và thấy tất cả, và tiềm thức sẽ giúp bạn khi bạn thực sự không hồ nghi sức mạnh của nó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.