Tại Sao Không Là Evans

Chương 15



Bobby buồn đến chết được, chán nản vì sự rỗi rãi bất động.

Georges Arbuthnot có trao đổi với anh vài câu ngắn gọn qua điện thoại là mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Hai ngày sau người hầu phòng của Frankie có đưa cho anh một lá thư của cô gái.

Rồi từ đó bặt tin.

– Một lá thư của anh này! – Badger gọi anh.

Bobby chạy đến. Nhưng trên phong bì anh nhận ra chữ viết của cha và con tem đống dấu bưu điện vùng Marchbolt.

Tuy nhiên cũng ngay lúc đó, anh nhìn thấy người hầu gái của Frankie đi tới ga ra. Và anh nhận lấy lá thư thứ hai của cô gái.

“Bobby thân – Frankie viết – tôi cho rằng đã tới lúc anh có thể đến được rồi đấy. Tôi đã viết thư về nhà để anh có thể được giao cho chiếc Bentley khi anh đến nhận. Anh phải sắm lấy một bộ quần áo tài xế. Những người giúp việc ở nhà chúng tôi luôn mặc quần áo màu xanh sẫm. Hãy để cha tôi biết mọi chuyện và tốt nhất là nói hết với cụ. Phải luôn chăm sóc bộ râu của anh đấy nhé; siêng năng vào, nó sẽ giúp anh hoàn toàn biến đổi được diện mạo.

Đến đây và xin gặp tôi. Anh có thể công khai cầm một lá thư của cha tôi ở tay. Báo cho tôi biết là xe đã được sửa và chạy tốt. Gara ở đây chỉ để được hai xe, chiếc Limousine của gia đình và chiếc xe nhỏ của Roger Bassington-ffrench, bởi vậy anh phải tìm chỗ trọ và chỗ để xe luôn ở Staverley.

Ở đấy, anh phải dò hỏi để biết kỹ về bác sỹ Nicholson hiện đang cai quản một trung tâm điều dưỡng chữa trị cho những người nghiện moóc phin. Tôi khám phá ra được nhiều điều nghi vấn về người bác sỹ này: ông ta đi chiếc xe Talbot màu xanh sẫm và vắng mặt ở trại điều dưỡng vào ngày 16 là ngày mà chai bia của anh đã bị hoà moóc phin; hơn nữa đối tượng nghi vấn này hiểu quá rõ về các chi tiết tai nạn của tôi.

Và tôi đã tìm ra manh mối về người chết!!!

Tạm biệt, người cộng tác yêu quý!

Hãy nhận lấy tình bạn của cô tiểu thư bị tai nạn, nay rất khoẻ.

Frankie.

“Tái bút – Tôi gửi thư này theo đường bưu điện qua tay người hầu phòng đem tới cho anh.”

Nội dung lá thư làm cho Bobby rất vui.

Chẳng hề chậm trễ, anh trút bỏ bộ quần áo dầu mỡ và nói cho Badger biết ngày lên đường. Trong lúc vội vàng, anh quên chưa đọc lá thư của cha mình. Chợt nhớ tới anh vội bóc phong bì. Lá thư của mục sư nhắc nhở người con trai gìn giữ đức tin vào Thiên Chúa, không được suy sút tinh thần.

Mục sư cho biết những tin tức về cuộc sống hàng ngày ở Marchbolt, phàn nàn về người chơi đàn oóc gan và sự trễ nải việc thờ phụng Chúa của những người trông giữ nhà thờ. Ông ước ao con trai của ông yêu cuộc sống làm ăn lương thiện, biết cư xử như một người ngoan đạo và luôn giữ được lòng yêu kính cha.

Dưới thư có thêm vài dòng tái bút:

“Có một người đến hỏi địa chỉ của con ở Londres. Cha đi vắng không gặp ông ta, và ông ta cũng không để lại địa chỉ. Chị Robert có kể lại đó là một người đàn ông to lớn, lưng hơi còng, đeo kính cặp mũi. Ông ta có vẻ thất vọng vì không gặp được con và mong được gặp con càng sớm càng tốt.”

Một người to lớn, còng, mang kính cặp mũi!

Bobby điểm lại trong óc tất cả những người quen cũ của mình nhưng chẳng thấy người quen nào có những đặc điểm như thế. Những kẻ thù lén lút cũ của anh lại đang muốn tìm lại anh chăng?

Trong trường hợp này nếu như chị Roberts đã cho chúng biết địa chỉ của anh, thì có thể chúng đã bố trí rình rập anh quanh xưởng. Anh đi đâu, chúng sẽ bám theo… và như vậy sẽ cực kỳ nguy hiểm.

– Badger! – Bobby gọi bạn.

– Chuyện gì thế, anh bạn?

– Lại gần đây!

Bobby dành tới năm phút nhắc nhở bạn mình các phương án cảnh giác, cho tới lúc Badger thuộc lòng những điều căn dặn.

Tiếp sau đó, Bobby trèo lên chiếc Fiat 1902 hai chỗ ngồi, phóng với tốc độ cao trên đại lộ.

Anh đỗ chiếc Fiat trên quảng trường Saint James và từ đó đi bộ tới câu lạc bộ của mình, nơi mà anh gọi điện thoại tới một vài chỗ khác. Hai tiếng sau có nhiều bọc hành lý được mang tới. Bọc nào cũng ghi tên anh là người nhận. Khoảng ba rưỡi có một tài xế mặc quần áo màu xanh sẫm, từ câu lạc bộ đi thẳng đến chiếc xe Bentley đậu trên quảng trường Saint James từ lúc một rưỡi. Người giữ xe chào người tài xế, và giao chiếc xe cho anh sau khi đã kiểm tra giấy tờ mà anh đã được người gửi xe có giọng nói lắp dặn trước.

Bobby lái chiếc Bentley rời khỏi quảng trường còn chiếc Fiat thì do Badger lái về xưởng. Mặc dù môi trên của anh bị bộ râu giả làm cho vướng víu một chút nhưng trong lòng anh tràn ngập niềm vui. Anh không lái xe đi thẳng theo hướng nam ngay, mà lái theo hướng ngược lại. Sau khi đã thận trọng kiểm tra lại và chắc chắn là không bị chiếc xe nào bám đuôi, anh rẽ trái và lái theo đường đi Hampshire.

Tại lâu đài Merroway, vào lúc mà mọi người vừa uống trà xong thì một chiếc Bentley lớn lao vào con đường nhỏ trong khuôn viên. Một tài xế ăn mặc nghiêm chỉnh và lái xe thành thạo đúng cách.

– Kìa! – Frankie nói – Xe của tôi!

Tiểu thư ra đón xe ở cổng vào.

– Chào Hawkins, khoẻ chứ?

Người tài xế đưa tay lên mũ lưỡi trai chào:

– Thưa tiểu thư. Xe đã được tu sửa lại nghiêm chỉnh!

– Tốt lắm!

Người tài xế đưa một phong thư cho Frankie.

– Đấy là thư của ngài Hầu tước, thưa tiểu thư.

Frankie cầm lấy lá thư:

– Anh hãy thuê một phòng trọ… Ở nhà trọ Pêcheurs à la Ligne ở Staverley. Ngày mai nếu cần xe, tôi sẽ gọi điện thoại cho anh.

– Xin vâng, thưa tiểu thư!

Bobby chào, quay sau và đi tới chỗ đỗ xe.

– Rất tiếc là ga-ra của chúng tôi thiếu chỗ đỗ – Sylvia nói – Chiếc xe mới đẹp làm sao!

– Loại xe này chạy với tốc độ cao – Roger nhận xét.

Rõ ràng Roger không hề nhận ra Bobby. Chính Frankie cũng vậy. Nếu tình cờ gặp anh thì cô cũng chẳng nhận ra. Bộ râu của anh trông rất tự nhiên, lại thêm cái dáng vẻ cứng đờ, khác với bình thường, làm cho sự cải dạng của anh thêm phần hoàn hảo. Hơn nữa Bobby còn thay đổi tiếng nói và lần đầu tiên, Frankie nhận ra là anh đã nhiều tài hơn là cô vẫn tưởng.

Bobby đã tới trọ ở nhà trọ Pêcheurs de la Ligne và anh đã ung dung trong vỏ bọc Edouard Hawkins tài xế của tiểu thư Frances Derwent.

Thực ra Bobby cũng không hiểu lắm về cách cư xử, lời ăn tiếng nói của tài xế cho lắm. Tuy vậy anh cũng nhạy bén ứng xử cho hợp với bối cảnh giao tiếp. Chẳng hạn cũng hiểu được là một tài xế của một gia đình quí tộc thì cũng phải có một thái độ kiêu căng nhất định. Những ánh mắt đầy vẻ khâm phục của các cô hầu gái trong nhà trọ đã làm cho anh tự tin hơn vào thái độ cư xử của mình. Anh mau chóng khám phá ra rằng vào lúc này, tai nạn ôtô do tiểu thư Frankie gây nên đã trở thành chủ đề hấp dẫn trong các câu chuyện hàng ngày.

Đối với người chủ nhà trọ thì Bobby lại có thái độ thân mật gần gũi chứ không kiêu căng để anh ta giúp đỡ cung cấp cho những thông tin cần thiết ở địa phương.

– Anh chàng đưa thư có tên là Beaves đã có mặt trong khi xảy ra tai nạn – ông chủ nhà trọ Askew kể với Bobby.

Bobby chăm chú lắng nghe thậm chí khuyến khích chàng trẻ tuổi nọ tô vẽ thêm những chi tiết ly kì về cái tai nạn làm xôn xao dư luận ấy. Một nhân chứng mục kích kể lại thì ai mà chẳng tin.

– Cậu bé đưa thư lúc đó tưởng chết đến nơi. Chiếc ôtô lao xuống dốc nhằm thẳng vào hắn ta nhưng thật may là đã húc vào tường vỡ ra từng mảnh chứ không cán chết cậu bé. Cô tiểu thư cũng đã rất may không bị chết tại chỗ.

– Ồ! Chẳng phải là lần đầu tiểu thư thoát chết.

– Có lẽ nào lại thế? Vậy thì tiểu thư đã nhiều lần bị tai nạn rồi sao?

– Lần nào xảy ra, tiểu thư cũng thoát chết! Anh Askew này! Anh có biết tôi sợ hãi như thế nào mỗi khi tiểu thư cầm tay lái? Ngồi trên chiếc xe do tiểu thư lái tôi cứ cầm chắc là mình đang đi sang thế giới bên kia.

Những người ngồi nghe chuyện gật đầu tán thưởng và có vẻ thích thú lắm.

– Anh Askew này! Nhà trọ của anh thật là tuyệt! – Bobby ca ngợi lòng mến khách của chủ trọ – Phòng trọ vừa đẹp vừa sạch sẽ!

Askew hài lòng, cười rạng rỡ:

– Có phải trong vùng ta, lâu đài Merroway là lớn nhất? – Bobby hỏi.

– Còn một nơi nữa là “La Grauge” cũng lớn. Nhưng “La Grauge” hiện nay chẳng phải là một nhà riêng. Trước đây nó đã từng bỏ không, chẳng ai ở, cho tới khi có một thầy thuốc Mỹ đến…

– Một thầy thuốc Mỹ?

– Vâng… Ngài Nicholson, Ông Hawkins này, tôi chẳng hề bịa đặt… có rất nhiều chuyện lạ trong ngôi nhà này. Một người đầy tớ gái kể rằng ông bác sỹ này đã làm cô ta sợ đến nổi gai ốc…

– Anh Askew! Anh nói là ngôi nhà “La Grauge” có nhiều chuyện lạ lắm sao? Hãy kể cho tôi nghe…

Askew hạ thấp giọng:

– Có nhiều bệnh nhân bị cưỡng ép vào đấy và bị giam giữ như tù… Những người bị gia đình họ ruồng bỏ. Tôi không hề bịa đặt chút nào… chính tai tôi nghe thấy những tiếng than khóc rên rỉ của những người sống nội trú trong cái trung tâm điều dưỡng ấy.

– Tại sao cảnh sát không can thiệp?

– Hình như nhà đều dưỡng được phép mở hợp pháp. Ông bác sĩ người Mỹ này điều trị các căn bệnh thần kinh, những người điên không còn khả năng tự vệ…

– Ồ! Nếu như công luận biết được sự thật đang diễn ra trong cái cơ sở y tế mờ ám đó! – Bobby thốt lên giọng nói đầy vẻ bất bình.

Một người hầu gái mang lên cho anh một vại bia cũng góp ý kiến riêng của mình.

– Đó cũng là ý kiến của tôi, thưa ông Hawkins. Có khá nhiều phụ nữ xinh đẹp bị giam giữ ở trong khu nhà đó! Một đêm, một trong những người đàn bà khốn khổ đó mặc quần áo ngủ bỏ trốn ra ngoài… Người thầy thuốc và hai người nữ y tá lùng tìm. “Hãy cứu tôi! Đừng để họ bắt lại tôi!” người đàn bà đó gào khóc. Gia đình chị ta đã gửi nhốt chị ta ở trong đó nhằm tướt đoạt của cải của chị . Khi người ta dẫn chị trở lại nhà điều dưỡng, bác sĩ Nicholson đã nói với mọi người là chị ta đang mắc bệnh hoang tưởng bị truy hại…

– Chà! – ông Askew kêu lên – thật là một thủ đoạn vô lương tâm khi gán sai bệnh cho người ta. Dư luận còn lên án phương pháp triều trị ác độc của người thầy thuốc ở đây, coi đó là một sự hổ thẹn của ngành y tế.

Bobby có ý định đi dạo một vòng trước khi đi ngủ. “La Grauge” ở cuối làng, bên sườn đồi đối diện với lâu đài Merroway. Anh lững thững đi về hướng đó. Những mẩu chuyện mà anh nghe được đáng để cho anh mở một cuộc điều tra. Mọi lời đồn đại về cái trạm điều dưỡng này cần được xem xét thực hư. Nếu Nicholson cai quản một cơ sở cai nghiện bên trong có những người tiêm chích ma túy thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người ta nghe thấy những tiếng rên rỉ than khóc, tuy nhiên câu chuyện về một người phụ nữ xinh đẹp bỏ trốn đã thực sự gây ra một ấn tượng mạnh mẽ cho Bobby.

“La Giauge” có thực là một nơi người ta cưỡng bức, giam giữ những người hiền lành không có bệnh tật? Và sự có mặt của một số những bệnh nhân đích thực thì chỉ là để che mắt.

Đang mải miết vừa đi vừa nghĩ ngợi thì đã thấy một bức tường rất cao bên trên có gắn cọc và lưới sắt. Có thể trèo qua được không nhỉ? Tường cao lại trát phẳng lỳ, chẳng có chỗ nào rạn nứt để bấu víu, cũng khó mà leo qua nổi. Anh tới cổng chính thấy cửa đóng im ỉm lại khoá y hệt như cửa nhà tù.

Đi vòng quanh bất chợt anh nhận ra một cái cửa nhỏ. Anh thử đẩy xem sao thì chợt hai cánh cửa mở ra. “Có lẽ họ quên đóng”, Bobby thầm nghĩ như vậy.

Anh lẻn vào bên trong khu nhà và nhẹ nhàng khép hai cánh cửa lại .

Anh đi dọc theo một con đường nhỏ khúc khuỷu băng qua một lùm cây và bỗng thấy mở ra một khoảng đất trống ở đầu dãy nhà. Đó là một đêm trăng đẹp và dưới ánh trăng tỏ, Bobby đi sâu vào bên trong khu nhà.

Có bóng một người phụ nữ xuất hiện ở góc một ngôi nhà. Người đàn bà bước đi với điệu bộ rụt rè, nhìn quanh mãi rồi mới lại bước tiếp chẳng khác gì một con vật vừa xổng khỏi bẫy. Bất chợt người đàn bà đó lảo đảo đứng không vững như muốn ngã xuống.

Bobby nhảy vội tới đỡ chị ta trong vòng tay của anh. Chị ta mặt nhợt ra, dáng vẻ rất sợ hãi.

Bobby nhẹ nhàng an ủi:

– Đừng sợ gì cả. Tôi đỡ chị…

Người phụ nữ trẻ thở dài rồi thì thào:

– Tôi sợ.

– Chị sợ gì vậy? – Bobby hỏi.

– Tôi sợ…. tôi sợ… – Chị ta cứ nói đi nói lại câu nói hoảng hốt.

Bất chợt, như nghe thấy tiếng chân, chị rời xa Bobby.

– Hãy đi ngay! Đi nhanh lên!

– Tôi muốn cứu giúp chị.

– Thật không?

Rồi chị ta lắc đầu.

– Chẳng ai có thể cứu nổi tôi đâu!

– Tôi thực lòng mà. Hãy cho tôi biết phải làm gì. Tại sao chị lại sợ hãi đến như thế?

– Tôi không thể trả lời anh được vào lúc này. Hãy đi mau! Họ đến kìa! Nếu anh muốn giúp tôi, hãy cứ khỏi đây ngay!

Bobby đành phải làm theo lời của người phụ nữ đang quá sợ hãi.

– Tôi ở nhà trọ “Pêcheurs da la Ligne” – Bobby nói địa chỉ của mình trước khi anh rời đi theo con đường nhỏ.

Anh nghe thấy tiếng chân phía trước anh. Có ai đó đang đi từ phía cổng phụ đi vào. Bobby ẩn mình sau lùm cây. Một người đàn ông đi lướt qua chỗ anh núp, nhưng lối đi bị bóng cây che tối sẫm lại; anh chẳng nhận rõ được hình dạng người vừa đi qua.

Thấy đã yên ổn Bobby liền theo con đường nhỏ đi ra khỏi khu nhà. Trong phạm vi một buổi tối, anh chẳng thể làm thêm được việc gì khác nữa.

Tư tưởng anh như bị sửng sốt đến quay cuồng.

Anh đã nhận ra người đàn bà… và chẳng còn hoài nghi gì nữa…

Đó chính là người đàn bà mà anh đã nhìn thấy ảnh trong túi người bị nạn ở vách đá!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.