Tại Sao Lo Lắng? Hãy Vui Lên!

Chương 1



“Sống để làm việc hay làm việc để sống? Dù thế nào thì điều quan trọng là phải cảm thấy hạnh phúc trong công việc của mình.”

– Khuyết danh

WORRY
Coping With School Work
LO LẮNG KHI PHẢI ĐỐI MẶT VỚI VIỆC HỌC HÀNH

“Việc học hành = nhiệm vụ của học sinh.”

Áp lực học hành
Công việc là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Hàng ngày, mọi người đều tất bật với công việc của mình – từ người nhân viên trong văn phòng đến người bán hàng ở cửa hiệu, trong nhà hàng, đến người làm chủ điều hành công việc kinh doanh của mình. Các bạn trẻ cũng bận rộn với công việc ở trường. Họ phải chiến đấu với những bài học, bài tập trong và ngoài lớp học, thêm những hoạt động ngoại khóa,… Chẳng có ngày nào là buồn tẻ với họ.

Từ thú vị, hào hứng đến căng thẳng là một khoảng cách khá gần. Áp lực phải học cho thật tốt từ phía phụ huynh và xã hội khiến các bạn trẻ cảm thấy sức ép dồn lên họ. Chỉ cần nhìn những chiếc cặp nặng trĩu trên lưng các em học sinh tiểu học, chúng ta cũng có thể hình dung được những khổ nhọc mà các em đang phải đối mặt!
Điểm số
Dường như ngày càng có nhiều bạn trẻ đạt được điểm tối ưu trong các kỳ thi. Trước đây, có bằng Cử nhân thôi cũng đã là vinh dự cho cả gia đình và họ hàng. Còn ngày nay Cử nhân chỉ là mức đại trà, và ngày càng nhiều người nhắm tới học vị Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ. Điểm số được coi trọng, nên các bạn trẻ phải dành nhiều thời gian hơn để vùi đầu vào sách vở. Bên cạnh việc học ở trường, họ còn phải tham gia các lớp học kèm, học thêm với nhiều môn khác nhau. Điều này có thể khiến các bạn cảm thấy kiệt sức và căng thẳng.
Hoạt động ngoại khóa

Hoạt động ngoại khóa là những hoạt động làm tăng kinh nghiệm học hành của bạn ở trường. Đó có thể là tham gia vào các nhóm hoạt động xã hội, câu lạc bộ thể thao,… Có rất nhiều hoạt động ngoại khóa cho bạn trẻ lựa chọn tùy theo sở thích và ý muốn.

Dù mục đích của những hoạt động này là rất đáng khen ngợi, nhưng nhiều bạn trẻ lại không xác định được rằng việc học mới là mục tiêu chính của mình. Họ dành thời gian cho nó nhiều hơn là cho việc học hành vì thường phải đại diện cho trường của mình tham gia vào các cuộc thi lớn bé khác nhau. Những cuộc thi vô địch thể thao quốc gia, thi nhóm, thi đoàn đội, cũng như các cuộc thi tài, thi đố vui có thể thấy được xếp lịch suốt cả năm học. Với tình trạng như vậy, nhiều bạn trẻ phải dành nhiều thời gian để luyện tập và phải đối mặt với nỗi lo không có thời gian ôn tập bài học chính khóa.

Những đòi hỏi mới

Trong khi các báo cáo truyền thông chỉ ra rằng, nhìn chung học sinh sinh viên ngày càng học hành giỏi giang hơn trước, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng việc học hành chẳng chút nào dễ dàng hơn cả.

Lấy ví dụ, việc chuyển cấp từ trường tiểu học lên trung học có thể nói là một gánh nặng khá lớn cho học sinh. Các em phải tiếp cận với khá nhiều môn học mới trong chương trình trung học. Các môn học này đều thử thách hơn và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Các bạn học sinh phải vất vả xoay xở khi đối mặt với những đòi hỏi lớn lao từ các môn học này, trong khi tiếp tục được thử thách với các môn học mới và khó hơn nữa.

Vì vậy, việc chuyển cấp có thể là một kinh nghiệm mới mẻ và đầy hào hứng, nhưng những đòi hỏi mới cũng thật là phiền phức và thử thách!
Những kỳ vọng
Những đòi hỏi mới dẫn đến những kỳ vọng mới, và những kỳ vọng này có thể còn cao hơn trước. Trong một ngôi trường mới hoặc một môi trường mà mọi người đều bắt đầu ở vạch xuất phát, thì sự kỳ vọng để đạt được thành tích cao hơn trước thường có dịp xuất hiện. Luôn có một đỉnh núi khác cao hơn đòi hỏi phải vượt qua:

– Khi chúng ta đạt điểm 8 cho bài thi, thì luôn kỳ vọng được điểm 9.

– Khi điểm 9 đã đạt được, thì sự kỳ vọng điểm 10 đã chờ sẵn ở đó.

– Khi đã đạt điểm 10, thì kỳ vọng giữ vững được phong độ.

– Và nếu không đạt điểm 10 ở bài thi tiếp theo, thì thứ hạng được đánh giá là giảm sút.

Dù có cố gắng thế nào đi nữa thì cũng khó mà đáp ứng được hết các kỳ vọng, do đó các bạn học sinh luôn cảm thấy mình bị áp lực nặng nề.

Áp lực thứ hạng

Sam là một học sinh bình thường ở một trường học bình thường. Cậu đối mặt không đến nỗi tệ với việc học hành ở trường. Trong lớp, cậu xếp thứ hạng trung bình và có những kỳ vọng của riêng mình. Nhưng mọi thứ thay đổi kể từ khi ba mẹ bắt đầu yêu cầu ngày càng nhiều hơn ở cậu. Họ so sánh cậu với những bạn đồng trang lứa đang học hành ở các trường điểm. Cảm thấy căng thẳng, Sam bắt đầu lo lắng về điểm số và thành tích học tập của mình. Nhưng dù có cố gắng thế nào đi nữa, cậu cũng không thể học hành tốt hơn. Điều này ảnh hưởng xấu đến cậu tới nỗi cậu rơi vào trạng thái trầm cảm. Thầy cô giáo và ba mẹ Sam phải đưa cậu đến bác sĩ tâm lý để giúp cậu lấy lại sự tự tin.

Câu chuyện của Sam cho chúng ta thấy những kỳ vọng cũng có khả năng gây hại như thế nào. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ cần giẫm chân tại chỗ. Chúng ta cần không ngừng nỗ lực để phát huy hết tiềm năng và khám phá sự tiến bộ của bản thân. Vấn đề quan trọng ở đây là sự cố gắng đó phải hợp lý, điều độ.
Làm việc điều độ
Khi một sợi dây thun không được sử dụng, nó chỉ nằm im đó mà chảy giãn ra. Nhưng nếu luôn bị kéo căng thì chẳng mấy chốc nó sẽ đứt phựt. Não của chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta không sử dụng đầu óc của mình, nó sẽ luôn ở trạng thái trì trệ. Nhưng nếu ta lúc nào cũng cứ kéo căng đầu óc mà chẳng cho nó một phút nghỉ ngơi phù hợp, không sớm thì muộn điểm đến của chúng ta sẽ là viện tâm thần. Đúng vậy đấy, bộ não sẽ chấm dứt hoạt động và chúng ta trở nên điên loạn.

Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta biết khi nào cần kéo căng bản thân. Điều chỉnh qua lại giữa gắng sức và nghỉ ngơi một cách hợp lý sẽ giúp cơ thể và trí tuệ của chúng ta luôn ở trạng thái tốt nhất. Đây là điều cốt yếu để bắt kịp guồng phát triển không ngừng của một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay.
Những khó khăn khi thay đổi

“Thay đổi là thứ duy nhất bất biến.”

Dù câu nói này có vẻ khá lý thuyết, chúng ta vẫn nên để tâm tới nó một chút. Bởi vì, dù muốn hay không, nhiều bạn trẻ phải thay đổi môn học của mình, một số bạn khác thay đổi ngành học. Đôi khi, họ thậm chí thay đổi giáo viên. Bất cứ khi nào có sự thay đổi xảy ra, thì luôn có một giai đoạn điều chỉnh và lo âu về việc không thể đối mặt tốt với tình huống mới. Khi bạn trẻ thay đổi trường lớp, thì cả một môi trường hoàn toàn mới đang chờ đợi họ. Với những bạn có thể thích nghi tốt, môi trường mới đó là một điều chẳng đáng bận tâm. Còn với những bạn cần phải có thời gian để thích ứng, thì họ có thể đối mặt với một số khó khăn.

Ai lấy miếng pho mát của tôi?

Tiến sĩ Spencer Johnson đã viết một quyển sách rất nổi tiếng và dễ thương với nhan đề “Ai lấy miếng pho mát của tôi?”. Đây là một câu chuyện tuyệt vời về hai chú chuột nhắt, Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn, và hai người tí hon mang tên Chậm Chạp và Ù Lì, cùng với cuộc truy tìm pho mát bên trong một mê cung rộng lớn. (Pho mát ở đây được dùng như một hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho những gì chúng ta mong muốn trong cuộc sống, dù là tiền bạc, địa vị, thành công, hay sự bình yên trong tâm hồn).

Đánh Hơi luôn cảm nhận được những thay đổi từ rất sớm, trong khi Nhanh Nhẹn luôn rất nhanh trong mọi hành động. Chậm Chạp luôn có xu hướng chống lại mọi sự thay đổi vì anh luôn lo sợ thay đổi chỉ dẫn đến những rắc rối, trong khi Ù Lì lại là người thích ứng nhanh mỗi khi thấy được lợi ích của việc đổi thay.

Với những tính cách sống động như vậy trong một môi trường thú vị, chúng ta có thể hình dung được mỗi nhân vật sẽ phản ứng thế nào khi một ngày kia, kho pho mát bỗng nhiên biến mất, và điều này thực tế đã xảy ra thật. Bạn nghĩ ai sẽ là nhân vật có thể thích ứng tốt hơn với sự thay đổi này? Hãy đọc quyển sách này để tìm ra câu trả lời nhé.

Thay đổi là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Đừng chỉ bận tâm lo lắng về những đổi thay mà chẳng làm gì để giải quyết nó, và cũng đừng chạy trốn thực tại bằng cách trốn tránh sự thay đổi. Tại sao chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng từ trước để đón nhận sự thay đổi? Lấy ví dụ, nếu chúng ta chuẩn bị chuyển sang trường mới, thì thay vì lo âu, sợ hãi, hãy làm điều gì đó tích cực hơn như thu thập thông tin trên mạng về trường, tìm hiểu về số môn học và chương trình học sắp tới, mua trước sách vở và lướt sơ qua để có sự chuẩn bị tốt hơn, v.v.
Người nghệ sĩ tung hứng

Trong một rạp xiếc nọ, có một nghệ sĩ tung hứng là ngôi sao thu hút khách. Anh thu hút khán giả trên toàn thế giới bởi anh có khả năng tung hứng tất tật mọi thứ. Đúng vậy đấy, tất cả mọi thứ! Anh tung hứng quả bóng, kiếm, chai bowling, ti – vi,… và bất kỳ thứ gì mà người ta có thể nghĩ ra trên đời. Một trong những điểm hấp dẫn của màn trình diễn là bất kỳ ai cũng có thể đề nghị vật để anh tung hứng. Và bất kỳ thứ gì được nêu ra cũng chẳng thành vấn đề đối với anh.

Trong buổi biểu diễn ở một tối nọ, một bé gái nhỏ có cơ hội được đề nghị vật tung húng với anh.

– Bé cưng, cháu thích chú tung hứng gì nào? – Anh hỏi.

– Chú có thể tung hứng thời gian được không? – Cô bé thắc mắc.

– Thời gian ư? – Người nghệ sĩ bất ngờ.

– Dạ, cháu thấy chú thường đến trễ giờ diễn của mình. Chú gặp rắc rối với việc tung hứng thời gian hở chú?

Chàng nghệ sĩ kinh ngạc không thốt nên lời.

Đúng là người nghệ sĩ này luôn tung hứng thành công mọi thứ được yêu cầu. Tuy nhiên, anh lại không tung hứng nhịp nhàng được thời gian của mình.
Quản lý thời gian không tốt

Có 24 tiếng đồng hồ một ngày, và có 1.440 phút trong 24 tiếng đó. Một phút lãng phí trôi qua sẽ ra đi mãi và không bao giờ có thể lấy lại được. Trong quyển sách đầu tiên của tôi, Tại sao lại chần chừ?, tôi phân tích rất rõ việc quản lý thời gian và những kỹ thuật để quản lý thời gian.

Điều cốt yếu trong quản lý thời gian là lên kế hoạch cho mình. Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng rất nhiều người lại chẳng bao giờ làm được. Bạn có thường thấy có những người luôn đi học trễ, đến các lớp ngoại khóa lúc đã quá giờ, chẳng bao giờ kịp thời hạn nộp bài luận, thậm chí cả đi thi cũng đến trễ?
Phần lớn chúng ta đều có đồng hồ đeo tay, đồng hồ báo thức, sổ kế hoạch,… một số người còn có cả điện thoại thông minh có chức năng nhắc nhở sự kiện. Nhưng tại sao họ vẫn bị trễ? Câu trả lời là: phần lớn họ có đồng hồ, nhưng họ không theo kịp thời gian.
Một số người thức khuya để xem chương trình ti- vi, lướt net hoặc chat chit với bạn bè qua điện thoại, qua các trang mạng xã hội. Rồi đến sáng, khi đồng hồ báo thức reo, họ liên tục bấm nút “Báo lại” trên đồng hồ hết lần này đến lần khác bởi không thể nhấc tấm thân nặng nề của mình ra khỏi giường.

Và thế là những nỗi lo của họ bắt đầu. Họ cuống lên vì sợ trễ xe buýt hay tàu điện. Họ lo lắng vì có thể bị trễ giờ học. Họ phát hoảng vì sợ thầy cô sẽ đánh dấu vắng mặt. Họ cũng lo việc bỏ lỡ phần đầu của bài học sẽ khiến họ chẳng thể theo kịp bài giảng. Rồi họ cũng băn khoăn vì e rằng mình sẽ khó mà thấu suốt kiến thức nếu phải tự học lại bài học đã bị bỏ lỡ.

Lời khuyên dành cho những người thường xuyên đi trễ: xem đồng hồ, đặt báo thức và dự phòng ít nhất 15 phút đồng hồ cho những tình huống không lường trước được, ví dụ như kẹt xe hay xe buýt đến trễ vì mưa to gió lớn.
Thứ tự ưu tiên không hợp lý
Lý do khác cho việc nhiều bạn trẻ luôn ngập đầu trong công việc học hành là bởi họ thiếu sắp xếp thứ tự ưu tiên. Với lượng thời gian hạn chế của một ngày, chúng ta chỉ có thể làm một số công việc nhất định mà thôi. Vì vậy, thay vì hy vọng có thể hoàn thành hết mọi thứ, chúng ta chỉ nên đặt một số mục tiêu cụ thể. Chúng ta cần hiểu rõ mình có thể hoàn thành bao nhiêu việc mỗi ngày và dựa vào đó mà lên kế hoạch làm việc cho mình.

Chúng ta cũng cần hiểu rõ danh sách ưu tiên của mình. Là học sinh sinh viên, thì kết quả học tập tốt là ưu tiên số một. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bỏ lơ bạn bè và trở thành con mọt sách cô đơn trong thư viện. Điều cần thiết là chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn cho việc ôn tập và bớt lại thời gian dung dăng dung dẻ với bạn bè khi kỳ thi đã cận kề trước mặt. Hãy tập trung ưu tiên cho những điều quan trọng nhất!

Tổng kết

Học hành là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các bạn trẻ. Dù việc học thật sự không dễ dàng gì, nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta không thể vui vẻ hạnh phúc khi thực hiện nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.