Tại Sao Phải Hành Động? Tại Sao Phải Hành Động?

Chương 1 :Đặt mục tiêu



“Ý tưởng là những thứ nhỏ bé vui nhộn nhưng nó sẽ không chịu làm việc nếu bạn không hành động.”

“Mục tiêu = Một đích đến hay ý định mà bạn dự định đạt được.”

1.1. Ai cần đến mục tiêu

Hãy tưởng tượng 1 người thợ săn đang bắn hạ những con vịt trời. Với khẩu súng trong tay, anh ta nhìn lên và chẳng thấy gì trên trời cả.

Để hành động, chúng ta cần phải xác định rõ mục tiêu của mình là gì. Nếu không có mục tiêu, người thợ săn sẽ chẳng biết mình nên bắn vào đâu. Anh ta không thể chỉ bắn lên trời và cầu mong sẽ bắn trúng được 1 con chim. Tương tự, nếu không có mục tiêu rõ ràng, chúng ta sẽ không biết mình muốn đạt được điều gì ở trường cũng như trong cuộc sống. Đúng là chúng ta vẫn có thể hành động và cố gắng đấy, nhưng những hành động của ta sẽ chẳng đi đến đâu cả.

Vậy nên, mục tiêu là điều thiết yếu. Đó là điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến trước khi bắt tay vào hành động.

1.2. Tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu

Hãy hình dung chúng ta không có bất kỳ 1 mục tiêu nào cả. Vậy cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Vâng, chắc chắn là ta sẽ vô tư hơn và chẳng phải lo nghĩ gì cả. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng này kéo dài? Chúng ta sẽ dần trở nên chậm chạp và mất động lực. Có thể cuộc sống lúc đó của ta diễn ra rất êm đềm, nhưng sẽ chẳng có thứ gì đáng cho ta trông chờ cả.

Chúng ta đặt ra mục tiêu vì nhiều lý do khác nhau. Khi còn là thanh thiếu niên, bạn có thể nhắm đến việc đạt điểm cao trong các kỳ thi, cố gắng về nhất trong cuộc đua xuyên quốc gia hoặc cố gắng sụt vài cân. Dù đó là gì đi chằng nữa thì việc đặt ra mục tiêu vẫn rất quan trọng vì những lý do sau :

1. Mục tiêu chỉ cho ta đường đi đến đích

Mục tiêu cũng giống như mũi tên chỉ đến 1 hướng nhất định. Nó đóng vai trò dẫn đường cho chúng ta, để ta biết mình đang đi về đâu. Nó như là bàn cho ta thấy điều gì quan trọng cần đạt được trong cuộc sống. Nếu không có mục tiêu, ta sẽ chẳng đạt được điều gì cả. Những người thành công thường đạt được điều họ mong muốn bằng cách xác định rõ mục tiêu cho bản thân. Chẳng hạn, những nhà khoa học vĩ đại như Thomas Edison – phát minh ra bóng đèn – và Alexander Graham Bell – phát minh ra điện thoại – đã đặt cho mình mục tiêu sáng chế ra những thứ có thể cải thiện cuộc sống con người.

Cố gắng đạt mục tiêu cũng đồng thời giúp ta giữ vững thành công của mình. Điều này có nghĩa là một khi đã đạt mục tiêu, ta sẽ có 1 điều gì đó để trông chờ.

2. Mục tiêu cho phép ta thúc đẩy bản thân

Việc có được mục tiêu cũng giúp ta liên tục tiến về phía trước. Thường thì quá trình thực hiện mục tiêu đem lại cho ta nhiều điều hơn là kết quả cuối cùng. Quá trình đó giúp ta nhận ra tiềm năng đích thực của mình và vươn tới tầm cao hơn. Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu ta làm 1 bài kiểm tra mà không đặt ra mục tiêu cụ thể cho mình? Chúng ta hầu như sẽ chỉ đạt được điểm trung bình mà thôi, thậm chí còn bị điểm kém nữa. Nhưng nếu chúng ta đặt mục tiêu cụ thể cho mình, có thể là 90/100 điểm chẳng hạn, thì ta sẽ cố gắng hết sức để đạt được điều đó. Ngay cả khi ta không đạt được số điểm đó như mong muốn thì kết quả của ta cũng ở mức gần đó.

3. Tập trung vào những điều quan trọng

Ngoài ra, mục tiêu cũng giúp ta tập trung vào những điều quan trọng với bản thân mình va gạt bỏ những điều gây xao lãng. Chẳng hạn, nếu có 1 số công việc cần làm, ta cần xếp loại chúng theo thứ tự ưu tiên và chú ý đến chúng nhiều hơn. Theo cách đó, chúng ta sẽ không đi chệch hướng vì những việc kém quan trọng hơn.

4. Tạo sự tự tin

Và cuối cùng, khi đạt được mục tiêu đã đề ra, sự tự tin của ta sẽ tăng lên. Khi đó, chúng ta có thể nhắm đến những mục tiêu lớn hơn và đạt được thành công lớn hơn.

1.3. Các loại mục tiêu

Sau khi hiểu rõ tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu, câu hỏi tiếp theo là : chúng ta nên đặt loại mục tiêu nào cho mình? Câu trả lời là : chúng ta có thể đặt mục tiêu theo hạng mục. Chẳng hạn :

• Mục tiêu học vấn

• Mục tiêu sức khỏe

• Mục tiêu mối quan hệ

• Mục tiêu gia đình

• Mục tiêu sự nghiệp

• Mục tiêu tài chính

Ngoài cách phân loại này, chúng ta cũng có thể đặt mục tiêu theo khung thời gian, như :

• Mục tiêu ngắn hạn – từ 1 năm trở xuống

• Mục tiêu trung bình – từ 1-5 năm

• Mục tiêu dài hạn – từ 5 năm trở lên

Mỗi người đều có 1 mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn, 1 học sinh sẽ đặt mục tiêu học vấn của mình là xếp hạng nhất toàn trường. 1 bạn trẻ khác đang đi làm có thể đặt mục tiêu sự nghiệp của mình là trở thành người quản lý trong 2 năm. Dù thuộc trường hợp nào đi chăng nữa thì việc có được 1 mục tiêu trong đầu chính là bước đầu tiên để chúng ta đi đến thành công.

1.4. Viết ra giấy

Đến đây, hẳn bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu và các loại mục tiêu. Vậy thì bước tiếp theo sẽ là gì? Câu châm ngôn : “Đừng nghĩ, hãy viết ra” thật đúng. Nếu những mục tiêu đó chỉ nằm trong suy nghĩ của bạn, chúng sẽ mãi là suy nghĩ. Nhưng một khi đã viết ra giấy, mục tiêu của bạn sẽ trở nên cụ thể hơn và bạn sẽ dần nhìn thấy được chúng.

Câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đặt ra mục tiêu và đạt được nó.

Câu chuyện ở Đại học Harvard

Vào năm 1979, 1 cuộc nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Harvard. Các học viên trong lớp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh được hỏi về mục tiêu của họ trong tương lai cũng như kế hoạch và cách thực hiện chúng. Đáp lại, chỉ có 3% học viên viết ra mục tiêu và kế hoạch của mình, 13% có mục tiêu nhưng không viết ra và 84% còn lại không có mục tiêu rõ ràng nào cả.

10 năm sau, năm 1989, lớp học viên đó được tập hợp lại. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng nhóm 3% có ghi rõ ràng mục tiêu cho mình có thu nhập cao gấp 10 lần nhom 97% những người không viết ra mục tiêu.

Câu chuyện trên cho thấy tác dụng to lớn của việc viết ra mục tiêu. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu viết ra mục tiêu của bạn ngay từ hôm nay.

1.5. Hãy nhắm đến mặt trăng, nhưng cũng phải biết giới hạn của mình

Bạn đã nghe câu danh ngôn : “Chúng ta nên nhắm đến mặt trăng, để nếu có thất bại thì chúng ta cũng ở đâu đó giữa các vì sao”. Đây là 1 quan niệm tốt. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng dù mục tiêu mà bạn đặt ra cho mình có thể lớn lao nhưng điều quan trọng là nó phải nằm trong khả năng của bạn. Vậy, nếu mục tiêu của bạn là xuất xắc trong 1 môn thể thao nào đó thì bạn cần ước lượng trình độ hiện tại của mình và tập luyện dần lên. Chẳng hạn, nếu muốn đá bóng và sút phạt hay như David Beckham, bạn không thể mong nó xảy ra chỉ sau vài buổi luyện tập được. Beckham đã phải trải qua nhiều năm vất vả tập luyện để có thành tích như hôm nay. Vì thế, bạn cần phải nổ lực thực sự nếu muốn được như Beckham. Việc lấy David Beckham làm hình mẫu là điều tốt nhưng chúng ta cần phải tập luyện cật lực để đạt được tầm như anh ấy. Ngay cả khi không đạt được mục tiêu đó thì nổ lực mà bạn bỏ ra cũng sẽ giúp bạn thi đấu tốt hơn.

Những mục tiêu đầy tham vọng nhưng có tính khả thi sẽ giúp bạn nâng cao năng lực bản thân. Dù chưa thành công thì bạn cũng đừng bỏ cuộc, vì chắc chắn cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu ấy bằng sự chăm chỉ và nổ lực hết mình.

1.6. Hãy chắc rằng bạn đã đặt mục tiêu cho mình

Cha mẹ và thầy cô thường kỳ vọng rất cao ở chúng ta, và đôi khi họ còn đặt ra mục tiêu cho ta nữa. Họ thật lòng quan tâm đến ta nên mới làm như vậy. tuy nhiên, bản thân chúng ta cũng cần phải hiểu và tin vào những mục tiêu đó, nếu không, ta sẽ không có được niềm đam mê và động lực để đạt được nó.

Bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu ai đó đặt ra mục tiêu cho bạn nhưng đó lại không phải là điều bạn muốn? Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ chẳng cảm thấy dễ chịu gì kho phải thực hiện những giấc mơ hay hoài bão của người khác. Vì thế, bạn nên tự đặt ra mục tiêu cho mình. Khi bạn không làm điều đó, những người thân quanh bạn có thể sẽ áp đặt kỳ vọng của họ lên bạn.

Vì vậy, việc tự đặt mục tiêu cho bản thân là điều rất quan trọng. Hơn nữa, quá trình đặt mục tiêu này cũng giúp ta xác định điều gì là quan trọng với mình.

1. Quá nhiều mục tiêu?

Dù việc nhắm đến mục tiêu là điều rất quan trọng nhưng việc có quá nhiều mục tiêu lại không tốt chút nào. Hãy tưởng tượng 1 người thợ săn đang săn vịt trời. Nếu không tập trung vào 1 mục tiêu cụ thể, anh ta sẽ không bắn trúng con vịt nào cả và chắc chắn sẽ về nhà tay không. Do đó, chúng ta cần biết và xác định những mục tiêu ưu tiên của mình.

2. Làm sao để tìm ra mục tiêu?

Việc đề ra mục tiêu đòi hỏi ta phải suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận. Nhiều người đề ra mục tiêu nhưng lại không suy xét xem liệu mục tiêu đó có thực tế hoặc có khả năng đạt được hay không. Khi mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ, họ sẽ làm gì? Họ sẽ đổi mục tiêu hoặc từ bỏ hoàn toàn. Mặc dầu linh hoạt là điều đáng khích lệ, đặc biệt khi chúng ta vấp phải khó khăn, nhưng chúng ta không nên quá linh hoạt đến nổi liên tục thay đổi mục tiêu của mình. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến được đích.

3. Chuyện viết cuốn sách đầu tiên của tôi

Khi tôi viết cuốn sách đầu tiên – Tại sao lại chần chừ? – tôi đã tự đặt ra mục tiêu cho mình là sẽ viết, vẽ minh họa và xuất bản nó trong vòng 1 năm. Mặc dù quá trình đó rất dài và khó khăn khiến tôi phải nhiều đêm thức khuya dậy sớm nhưng nhờ có mục tiêu rõ ràng nên tôi tiếp tục thực hiện nó.

Khi viết xong cuốn sách, tôi lại phải đối mặt với 1 khó khăn khác là tìm nhà xuất bản. Đây không phải là việc dễ dàng bởi hầu hết các nhà xuất bản đều không muốn ký hợp đồng với 1 tác phẩm đầu tay. Sau vài tháng bị từ chối và trả lại, cuối cùng cũng có 1 nhà xuất bản nhận ra tiềm năng của cuốn sách, và thế là nó đã được xuất bản.

Vậy mục tiêu mà tôi đặt ra đã tiếp sức cho tôi thực hiện được ước mơ viết và xuất bản cuốn sách của tôi.

1.7. Mục tiêu thông minh – SMART

Điều quan trọng trong việc đặt ra mục tiêu là xác định các yếu tố SMART của nó. SMART có rất nhiều mức độ, nhưng nhìn chung nó đề cập đến những yếu tố sau :

• Cụ thể – Specific : Hãy chắc chắn rằng các mục tiêu mà bạn đề ra đều rõ ràng để bạn có thể hướng đến. Mục tiêu mơ hồ là điều không thể chấp nhận được.

• Có thể đánh giá – Measurable : Hãy chắc chắn rằng bạn có thể đánh giá được mục tiêu của mình. Nếu không, bạn sẽ khó xác định được nó.

• Có thể đạt được – Achievable : Đây là điều rất quan trọng bởi những mục tiêu mà bạn không thể đạt được sẽ cản trở bươc tiến của bạn.

• Thực tế – Realistic : Bạn có thể nhắm đến những mục tiêu cao nhưng hãy chắc chắn rằng mục tiêu đó thực tế và có thể đạt được.

• Có thời hạn – Time-based : Những mục tiêu không có thời hạn khiến bạn mất rất nhiều thời gian mới có thể đạt được nó, và thậm chí chẳng bao giờ đạt được bởi bạn chẳng biết khi nào cần phải hoàn tất nó cả.

Dưới đây là ví dụ về cách 1 bạn trẻ đặt ra và đạt được mục tiêu thông minh.

1. Vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh

Jamie là 1 du học sinh và cô thường gặp khó khăn với môn tiếng Anh. Cô thường bị điểm thấp trong các bài kiểm tra và bài thi, nhưng cô quyết tâm sẽ học tập thật tốt. Vậy nên cô đặt ra mục tiêu Thông minh cho mình như sau :

• Cụ thể : Vượt qua được kỳ thi cuối học kỳ.

• Đánh giá : Đạt ít nhất 50/100 điểm trong kỳ thi.

• Có thể đạt được : Vượt qua kỳ thi là điều có thể đạt được.

• Thực tế : Theo khả năng, Jamie tin rằng mục tiêu đó không vượt quá tầm tay nên rất thực tế.

• Thời hạn thực hiện : Jamie có khoảng 4 tháng để đạt mục tiêu của mình.

Sau khi đặt ra mục tiêu là vượt qua kỳ thi cuối học kỳ, Jamie chăm chỉ học tập để đạt được nó. Nhờ vào sự kiên trì và nỗ lực của mình, lần đầu tiên cô vượt qua được bài thi tiếng Anh. Giờ đây, khi đã tràn đầy tự tin, cô đặt 1 mục tiêu Thông minh khác, đó là đạt điểm ưu trong học kỳ quốc gia. Với mục tiêu rõ ràng như vậy, Jamie lại học hành cật lực và cuối cùng đạt điểm A2 (Singapore : điểm A1 cao nhất và F9 thấp nhất) trong kỳ thi tiếng Anh. Đó là một kết quả tuyệt vời đối với Jamie – người phải đánh vật với môn này từ lúc đầu.

Câu chuyện của Jamie cho thấy rằng, khi chúng ta đặt ra những Mục tiêu Thông minh cho mình thì ta đang bước từng bước nhỏ trên con đường đạt được nó. Những mục tiêu Thông minh cũng cho ta thấy bức tranh toàn cảnh về mục tiêu cũng như nhận định về sự tiến triển của mình. Sự tiến triển này sẽ rất rõ ràng nếu ta thực sự nổ lực để gặt hái được thành quả. Một khi đã đạt được mục tiêu Thông minh, chúng ta có thể đặt ra nhiều mục tiêu lớn hơn để vươn lên những đích cao hơn.

2. Hãy thử cách làm sau

Hãy nghĩ ra danh sách những mục tiêu mà bạn hy vọng sẽ đạt được. Bạn có thể xếp chúng vào các nhóm mục tiêu Ngắn hạn, Trung bình và Dài hạn. Bạn cũng có thể phân nhóm thep loại mục tiêu. Hãy ghi nhớ là càng cụ thể càng tốt.

Sau đây là 1 số ví dụ :

Mục tiêu Học vấn ngắn hạn của tôi là cải thiện điểm môn tiếng Anh của mình từ 50 lên 70 điểm từ bây giờ cho đến kỳ thi giữa kỳ.

Mục tiêu Sự nghiệp dài hạn của tôi là trở thành nhân viên kế toán sau khi tốt nghiệp đại học.

• Mục tiêu Ngắn hạn của tôi là (trong vòng 1 năm)

• Mục tiêu Trung bình của tôi là (1 – 5 năm) 

• Mục tiêu Dài hạn của tôi là (hơn 5 năm)

Kết luận : Chúng ta sẽ lạc lối nếu không có 1 khái niệm rõ ràng về điều mà ta mong muốn. Vậy nên hãy đặt ra mục tiêu cho mình và nhắm đến nó!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.