Tâm lý học căn bản

Chương 1 – Phần 2



TRÍCH DẪN THỜI SỰ

TÂM LÍ HỌC TRONG LÃNH VỰC KHÔNG GIAN

Các nhà viết truyện phim “Star trek: The Next Generation” đã đi đúng hướng khi họ đưa một chuyên gia tâm lý vào phi hành đoàn của con tàu vũ trụ Enterprise. Khi các chuyến bay vào vũ trụ trở thành sự kiện bình thường (vào đầu thế kỷ tới khoảng 1.000 người sẽ được đưa lên không gian) và các chuyến bay vũ trụ kéo dài ngày hơn, thì các ưu tư tâm lý của các nhà du hành sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Một vài khía cạnh, từ các yếu tố sinh lý đến xã hội, trong nỗ lực thám hiểm vũ trụ bên ngoài đã phát sinh các vấn đế thuộc lãnh vực tâm lý. Dưới đây là các yếu tố quan trọng nhất.

– Các chuyến du hành vũ trụ dự định sẽ kéo dài hơn – chẳng hạn, sứ mệnh đáp xuống sao Hỏa trong tương lai dự kiến sẽ kéo dài đến 3 năm. Ngoài ra, phi hành đoàn dự kiến ngày càng đa dạng hơn về mặt tuổi tác, giới tính, và sắc tộc. Vì thời gian du hành và tính phức tạp của phi hành đoàn tăng lên, nên khả năng xảy ra xung đột do sự chung đụng trong một nơi chật hẹp cũng tăng lên. Hậu quả là cần phải nghiêm ngặt theo dõi các phi hành gia về mặt tâm lý để loại trừ những người nào dễ bị tổn thương nhất.

– Chứng bệnh sau chuyến bay (space sickness), gần giống chứng bệnh do đi ô tô (motion sickness), là dạng bệnh thường thấy ở các nhà du hành vũ trụ. Các triệu chứng xuất hiện dưới dạng một pha trộn kỳ quặc gồm các tình trạng như bợn dạ, nôn mửa, nửa mê nửa tỉnh, và các cơn nhức đầu; chúng tấn công khoảng phân nửa tổng số các nhà du hành. Mặc dù các triệu chứng này thường tan biến đi sau vài ba ngày. Nhưng lạc quan mà nói, cơn bệnh sau chuyến bay khiến người ta không thích bay vào không gian; và bi quan mà nói, nó gây trở ngại cho việc hoàn thành sứ mệnh của chuyến bay. Tuy nhiên, các nhà tâm lý đã xây dựng được một phương pháp huấn luyện các phi hành gia tương lai khống chế được phản ứng sinh lý của họ. Nhờ sử dụng các kỹ thuật phản hồi sinh học (biofeedback techniques) mà chúng ta sẽ bàn ở chương 2, theo đó người ta học cách khống chế các phản ứng cơ thể, giúp cho 2/3 các nhà du hành vũ trụ có đủ sức tránh khỏi các triệu chứng của cơn bệnh này.

– Các nghiên cứu trong ngành tâm lý môi trường đã chứng minh rằng một trong những phương cách nhờ do phi hành đoàn đối phó được với stress là nhìn ra bên ngoài và quan sát mặt đất phía dưới. Hiện nay các thành viên trong phi hành đoàn chỉ mới được nhìn ra bên ngoài con tàu vũ trụ mà thôi. Ngoài ra, nhà tâm lý môi trường Yvonne Clearwater đang phụ trách một đội ngũ chuyên gia tìm cách tạo thêm điều kiện sinh hoạt ở các trạm không gian trong tương lai (Clearwater, 1985). Cho đến nay, nghiên cứu của bà đã khám phá rằng cách bố trí bên trong các phi thuyền hoặc trạm không gian rộng rãi thoáng về chiều cao – và giúp cho con người nhìn ra ngoài dễ dàng – là điều kiện tối cần thiết. Bà khẳng định rằng cách phối hợp màu sắc bên trong con tàu cũng quan trọng không kém, không phải một màu sắc nào đó tốt hơn màu sắc khác, mà điều cần thiết là phối hợp hài hòa màu sắc.

– Các nhóm người sống trong hoàn cảnh cô lập có thể không tránh khỏi tình trạng đưa ra các quyết định thiếu sáng suốt, một hiện tượng gọi là “tư duy tập thể, (group think) làm giảm khả năng tư duy sắc bén. Do đó, các quyết định từ các phi hành gia đưa ra trong chuyến bay phải được theo dõi thật sát để bảo đảm tính hữu hiệu của chúng.

– Cuối cùng là vấn để tình dục (sex): một phi hành đoàn gồm thành phần giới tính phức tạp rất dễ phát sinh các rắc rối về tình dục cần phải được quan tâm. Trên những chuyến bay dài ngày, các căng thẳng và thậm chí các liên hệ tình dục có thể xảy ra, và như chúng ta sẽ khảo xét ở chương 15, các nhà tâm lý có thể góp phần giải quyết các trường hợp này.

– Các vấn đề nêu trên cho thấy các nhà tâm lý sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian. Thực ra, người ta có thể mạnh dạn nói rằng các sách giáo khoa tâm lý học trong tương lai sẽ liệt “ngành tâm lý không gian” (space psychology) vào số các chuyên ngành thuộc bộ môn tâm lý học.

7. Bối cảnh làm việc của các nhà tâm lý

Nhà tâm lý có thể làm được rất nhiều việc, nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các nhà tâm lý được tuyển dụng ở rất nhiều môi trường làm việc khác nhau. Nhiều nhà tâm lý làm việc ở các viện đại học, các trường cao đẳng, và các trường y khoa, hoặc làm việc với tư cách các bác sĩ tâm lý công tác độc lập, hoặc làm việc tại các bệnh viện, các dưỡng đường chuyên khoa, các trung tâm y tế tâm thần của cộng đồng, và các trung tâm tư vấn. Các môi trường làm việc khác bao gồm các tổ chức nhân đạo, các công ty nghiên cứu và tư vấn, các doanh nghiệp, và các công ty sản xuất thuộc mọi ngành nghề.

Tại sao rất nhiều nhà tâm lý phục vụ ở các tổ chức giáo dục? Câu trả lời là ba nghề chủ yếu mà nhà tâm lý đảm nhận trong xã hội – giáo sư, khoa học gia, và bác sĩ – khiến họ dễ dàng cống hiến công sức cho lãnh vực giáo dục. Rất nhiều vị giáo sư tâm lý đóng góp vào các công trình nghiên cứu hay phục vụ khách hàng. Nhưng dù ở chức vụ nào, các nhà tâm lý cũng đều giúp cho cá nhân cũng như xã hội nói chung có đời sống tốt đẹp hơn.

8. Tóm tắt và học ôn I

A. TÓM TẮT:

– Tâm lý học là bộ môn nghiên cứu khoa học về hành vi ứng xử (behavior) và các tiến trình tâm trí (mental processes).

– Các nhà tâm lý thuộc các chuyên ngành chủ yếu là: nhà tâm sinh lý (biopsychologigts), nhà tâm lý thực nghiệm; nhà tâm lý về hoạt động trí tuệ; nhà tâm lý phát triển và nhà tâm lý cá nhân; nhà tâm lý y tế, điều dưỡng, và tư vấn; nhà tâm lý giáo dục và học đường, và nhà tâm lý giao lưu văn hóa.

– Nhiều nhà tâm lý được tuyển dụng phục vụ ở các ngành, trường giáo dục cao cấp và hầu hết số còn lại phục vụ ở các bệnh viện, các dưỡng đường chuyên khoa, và các trung tâm y tế cộng đồng hoặc ngành nghề độc lập.

B. HỌC ÔN:

1). Nền tảng của tâm lý học hiện đại là:

a. Trực giác (intuition)

b. Quan sát và thực nghiệm (observation and experimentation)

c. Thử thách và sai lầm (trial and error)

d. Siêu hình (metaphysics)

2). Việt xem xét hành vi của loài vật khi bạn quan tâm tìm hiểu hành vi ứng xử của con người quả là vô ích. Đúng hay sai?

3). Phần lớn các nhà tâm lý phục vụ ở các ngành, trường giáo dục bởi vì đó là môi trường giúp họ dễ dàng đảm nhiệm các vai trò như… và…

4). Cặp đôi mỗi chuyên ngành tâm lý với các vấn đề hoặc câu hỏi nêu ra dưới đây.

a. Tâm sinh lý (biopsychology)

b. Tâm lý thực nghiệm (experimental psychology)

c. Tâm lý về hoạt động trí tuệ (cognitive psychology)

d. Tâm lý phát triển (developmental psychology)

e. Tâm lý cá tính (personality psychology)

f. Tâm lý y tế (health psychology)

g. Tâm lý điều dưỡng (clinical psychology)

h. Tâm lý tư vấn (counselling psychology)

i. Tâm lý giáo dục (educational psychology)

j. Tâm lý học đường (school psychology)

k. Tâm lý xã hội (social psychology)

l. Tâm lý công nghiệp (industrial psychology)

m. Tâm lý khách hàng (consumer psychology)

1. Joan, một sinh viên năm thứ nhất đại học, đang hoảng lên. Cô muôn biết kỹ năng sắp xếp giờ giấc và thói quen học tập hữu hiệu hơn để thích nghi được các yêu cầu ở bậc đại học.

2. Thông thường ở độ tuổi nào trẻ mới bắt đầu có hành vi cố chiếm trọn vẹn tình cảm của cha chúng?

3. Người ta cho rằng các phim khiêu dâm (pomographich films) phát họa các cảnh bạo lực đối với phụ nữ có thể khơi dậy hành vi gây hấn (aggressive behavior) ở một số nam giới.

4. Loại hóa chất nào sản sinh trong cơ thể con người do hậu quả của một biến cố đầy căng thẳng? Chúng có tác dụng gì đối với hành vi ứng xử?

5. John có cử chỉ khá bất bình thường khi phải đối phó với các tình huống khẩn trương, thậm chí với một tâm trạng bình thản và một quan điểm tích cực.

6. Công chúng rất dễ mua sắm các mặt sản phẩm nào được quảng cáo bởi các diễn viên quyến rũ và thành đạt.

7. Các giáo viên của bé Jack 8 tuổi đểu lo lắng rằng mới đây em đã bắt đầu xa lánh người chung quanh và tỏ ra ít quan tâm đến việc học tập.

8. Công việc của Janet đòi hỏi rất nhiều công sức và căng thẳng. Cô băn khoăn rằng liệu lối sống này có khiến cho cô dễ mắc một số bệnh như ung thư và đau tim không.

9. Nhà tâm lý bị hấp dẫn bởi sự kiện một người có tính nhạy cảm đối với kích thích gây đau đớn nhiều hơn so với những người khác.

10. Tâm trạng quá sợ hãi đám đông khiến người phụ nữ trẻ tuổi đi tìm biện pháp chữa trị rối loạn tâm lý của bà ấy.

11. Cần phải có kế hạch tâm trí nào hữu hiệu nhất để giải quyết các khó khăn do ngôn ngữ phức tạp gây ra?

12. Các phương pháp giảng dạy nào hữu hiệu nhất để khích lệ các em học sinh tiểu học hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở học đường?

13. Jessica được yêu cầu xây dựng một chiến lược quản trị nhằm khích lệ các tập quán lao động an toàn hơn ở một nhà máy sản xuất hàng loạt.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Hãy tưởng tượng bạn có một đứa con 7 tuổi đang gặp khó khăn trong việc học đọc. Ngoài ra, giả sử bạn muốn nhờ bao nhiêu nhà tâm lý tư vấn cũng được. Mỗi loại chuyên viên tâm lý sẽ dùng hướng nào để giúp bạn giải quyết vấn đề ấy?

Trực giác và kiến thức tổng quát có đủ sức giúp người ta tìm hiểu động cơ tại sao con người hành động theo cách thức họ thường làm hay không? Tại sao phương pháp khoa học lại thích hợp để nghiên cứu các hành vi ứng xứ của con người.

(Giải đáp câu hỏi học ôn cuối chương)

II. NGÀNH KHOA HỌC ĐANG TIẾN TRIỂN – TÂM LÝ HỌC TRONG QUÁ KHỨ VÀ TRONG TƯƠNG LAI

Khoảng nửa triệu năm trước đây, người cổ sơ cho rằng các rối loạn tâm lý do ma quỉ gây ra. Muốn xua những hồn ma này đi người ta thực hiện một dạng phẫu thuật gọi là khoan lỗ (trephining). Phẫu thuật khoan lỗ gồm thao tác đục lỗ trên xương sọ với các dụng cụ bằng đá rất thô sơ. Bởi vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy các xương sọ có dấu hiệu vết thương hàn gắn, nên chúng ta có thể nghĩ rằng đôi khi các bệnh nhân ấy vẫn còn sống sau cuộc chữa trị.

Vị thầy thuốc nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại là Hippocrates cho rằng cá tính mỗi người hình thành do phối hợp gồm 4 tâm trạng: yêu đời (sourgulne – vui tính và tích cực), ưu sầu (melancholic), hay cáu gắt (choleric – phẫn nộ và gây hấn), và lãnh cảm (phlegmatic – điềm tĩnh và thụ động). Các tâm trạng này phát sinh bởi sự hiện hữu các “chất dịch (humors) trong cơ thể. Thí dụ, người ta cho một người yêu đời là người có nhiều máu hơn những người khác.

Franz Josef Gall, một nhà khoa học sống vào thế kỷ 18, lập luận rằng một nhà quan sát được huấn luyện có thể phân biệt được các nét độc đáo về trí tuệ tâm hồn lương thiện, và những cá tính khác do hình dạng và số lượng các khối u trên xương sọ của mỗi người. Học thuyết của ông làm nảy sinh “khoa” não tướng học (science of phrenology) được nhiều người áp dụng để hành nghề xem tướng trong thế kỷ 19. Theo triết gia Descartes, dây thần kinh là các ống rỗng, qua đó các “ý chí động vật” (animal spirits) điều khiển các xung lực giống như nước truyền qua một đường ống. Khi người ta để ngón chân chạm vào ngọn lửa, sức nóng được truyền đi theo ý chí đó qua ống rỗng thẳng đến não bộ.

Mặc dù các kiến giải “khoa học” này có thể không hợp lý đối với chúng ta ngày nay, nhưng đã một thời chúng đại biểu cho tư duy tiến bộ nhất về lãnh vực có thể gọi là tâm lý học của thời đại. Dù không am tường lắm về tâm lý học hiện đại, bạn cũng có thể đoán biết rằng công cuộc tìm hiểu hành vi ứng xử đến nay đã tiến bộ rất nhiều kể từ khi các quan điểm đầu tiên này hình thành. Thế mà hầu hết các bước tiến bộ này chỉ mới đạt được gần đây, bởi vì khi các bộ môn khoa học thịnh hành thì tâm lý học chỉ mới là một trong các bộ môn non trẻ.

Mặc dù nguồn gốc của nó có thể truy nguyên ở các dân tộc Hy Lạp và La Mã cổ đại, và mặc dù các triết gia đã tranh luận trong vài trăm năm về cùng những vấn đề mà các nhà tâm lý ngày nay đang vật lộn, nhưng nói chung mọi người đều thừa nhận rằng môn tâm lý học chính thức khai sinh vào năm 1879. Trong năm đó, phòng thí nghiệm đầu tiên dành riêng cho nghiên cứu thực nghiệm về các hiện tượng tâm lý được Wilhelm Wundt thiết lập ở Đức. Gần như cùng lúc ấy, William lames ở Mỹ đã lập một phòng thí nghiệm ở thành phố Cambridge thuộc tiểu bang Massachusetts.

Trong suốt khoảng 11 thập niên hiện hữu chính thức, môn tâm lý học đã không ngừng tiến bộ, phát triển thành một bộ môn khoa học thực sự. Trong cuộc tiến hóa này xuất hiện một số mô hình nhận thức (conceptual models), đó là các hệ thống gồm những ý tưởng và khái niệm liên hệ hỗ tương được dùng để lý giải các hiện tượng, định hướng công cuộc nghiên cứu. Một số mô hình ấy đã bị loại bỏ như quan điểm của Hyppocrates và Descartes chẳng hạn – còn các mô hình khác đã phát triển thành lý thuyết của một bộ bản đồ hướng dẫn cho các nhà tâm lý học.

Mỗi mô hình đóng góp một phương hướng nhận thức riêng biệt, chú trọng đến các yếu tố khác biệt nhau. Cũng giống như chúng ta dùng nhiều loại bản đồ để tìm con đường đi đến một vùng đất nào đó – một bản đồ chỉ đường, một bản ghi rõ các gốc ranh giới chính, và một bản vẽ lại các đồi núi và thung lũng – các nhà tâm lý cũng nhận thấy nhiều khảo hướng sẽ hữu ích cho việc tìm hiểu hành vi ứng xử của con người. Vì phạm vi và tính phức tạp như thế của hành vi ứng xử, không một mô hình riêng lẻ nào nhất định sẽ đưa ra được lời giải thích tối ưu – nhưng phối hợp lại các mô hình có thể giúp cho chúng ta một phương tiện để giải thích tính bao quát cực kỳ của hành vi ứng xử.

1. Nguồn gốc của tâm lý học

Khi Wilhelm Wundt thiết lập phòng thí nghiệm tâm lý đầu tiên vào năm 1879, ông quan tâm nghiên cứu các khối cấu trúc của trí tuệ. Chính thức định nghĩa tâm lý học là bộ môn nghiên cứu kinh nghiệm hữu thức (conscious experience), ông xây dựng một mô hình nhận thức được mệnh danh là lý thuyết kết cấu. Lý thuyết kết cấu (structurism) chú trọng đến các yếu tố căn bản làm nền tảng cho tư duy, ý thức, tình cảm, và các trạng thái cùng các hoạt động tâm trí khác.

Muốn biết các cảm giác căn bản phối hợp với nhau ra sao để giúp chúng ta nhận thức được thế giới chung quanh, Wundt và các lý thuyết gia khác đã dùng phương pháp nội quan (introspection) để nghiên cứu cấu trúc tâm trí. Theo phương pháp này, con người tiếp nhận một kích thích – như một vật màu xanh lá cây tươi hoặc một câu nói in sẵn trên thiệp chẳng hạn – sau đó anh ta được yêu cầu dùng lời lẽ riêng và theo các chi tiết mà anh ta nhận thức được để miêu tả kinh nghiệm xảy ra khi anh ta tiếp nhận kích thích ấy. Wundt cho rằng các nhà tâm lý có thể hiểu rõ được cấu trúc tâm trí của một người thông qua các báo cáo của người ấy về phản ứng của mình.

Nhưng lý thuyết kết cấu của Wundt không đứng vững được trước thử thách của thời gian, bởi vì ngày càng có nhiều nhà tâm lý không chấp nhận giả thuyết phương pháp nội quan vốn có thể khám phá được các yếu tố căn bản của tâm trí. Một mặt, người ta gặp khó khăn trong việc miêu tả một số kinh nghiệm nội tâm, như các phản ứng tình cảm (thí dụ, sau này khi nổi giận bạn hãy cố gắng phân tích và giải thích các yêu tố của loại tình cảm bạn đang cảm nhận được). Mặt khác, chia cắt các đối tượng quan sát thành các đơn vị tâm trí căn bản nhất đôi khi có vẻ là việc làm khá kỳ quặc. Chẳng hạn, một cuốn sách không thể được miêu tả như là một cuốn sách đơn thuần, thay vào đó nó được chia cắt ra nhiều thành tố khác nhau như chất liệu bìa sách, màu sắc, các kiểu chữ in, và vân vân. Cuối cùng, phương pháp nội quan không phải là một kỹ thuật thực sự có tính khoa học; quan sát viên khó lòng chứng minh tính chính xác của các nhận thức nội quan từ đối tượng thí nghiệm. Các nhược điểm đó đã thúc đẩy người ta đi tìm các mô hình nhận thức mới để thay thế cho thuyết kết cấu.

Tuy vậy, điều thú vị là các thành quả quan trọng của lý thuyết kết cấu vẫn còn tồn tại. Như chúng ta sẽ thấy ở chương 7, hai mươi năm qua người ta đã chứng kiến sự hồi sinh của quan điểm chú trọng đến cách diễn đạt các kinh nghiệm nội tâm của con người. Tập trung vào các tiến trình tâm trí cao cấp như tư duy, ký ức, và giải quyết bài toán chẳng hạn, các nhà tâm lý chuyên về hoạt động trí tuệ (Cognitive psychologists) đã xây dựng được các kỹ thuật tiên tiến để tìm hiểu kinh nghiệm hữu thức của con người. Các kỹ thuật này đã khắc phục được những nhược điểm vốn có của phương pháp nội quan.

Mô hình thay thế gần như hoàn toàn cho lý thuyết kết cấu trong quá trình tiến hóa của bộ môn tâm lý học là lý thuyết chức năng. Thay vì chú trọng đến các thành tố của tâm trí, lý thuyết chức năng (functionalism) tập trung nghiên cứu các nhiệm vụ do tâm trí thực hiện – các chức năng hoạt động tâm trí. Các lý thuyết gia phái chức năng, mà mô hình của họ bắt đầu nổi tiếng vang dội vào đầu những năm 1900, nêu ra câu hỏi rằng hành vi hoặc tác phong cư xử đóng vai trò gì để giúp con người thích nghi hữu hiệu hơn với hoàn cảnh sống của mình. Dẫn đầu bởi nhà tâm lý Mỹ William James, thay vì nêu ra các câu hỏi trừu tượng hơn về các tiến trình hành vi tâm trí, các lý thuyết gia phái chức năng đã khảo xét những hành vi ứng xử giúp cho con người đáp ứng nhu cầu của mình. Nhà giáo dục Mỹ nổi tiếng John Dewey đã vận dụng khảo hướng chức năng để xây dựng ngành tâm lý học đường, đề xướng lý thuyết phương thức đáp ứng tối ưu nhu cầu của sinh viên thông qua hệ thống giáo dục.

Một phản ứng khác đối với lý thuyết kết cấu là sự phát triển ngành tâm lý Gestalt vào đầu những năm 1990. Tâm lý học Gestalt (Gestalt psychology) là một mô hình nhận thức trong tâm lý học chú trọng am hiểu cách thức hình thành nhận thức (perception). Thay vì khảo xét riêng các thành phần tạo nên hoạt động tư duy (thinking), các nhà tâm lý Gestalt chọn con đường ngược lại, tập trung tìm hiểu cách thức con người xem các yếu tố riêng ấy như là các đơn vị hoặc các toàn thể. Tín điều “Cái toàn thể lớn hơn so với tổng các thành phần của nó” của họ có nghĩa là khi xem xét gộp chung lại thì các thành phần căn bản hình thành nhận thức của chúng ta về các sự vật nảy sinh một sự vật gì đó to lớn hơn và có ý nghĩa hơn so với tổng cộng các thành tố riêng ấy. Như chúng ta sẽ thấy khi thảo luận vấn đề nhận thức ở chương 3, đóng góp của các nhà tâm lý Gestalt vào việc tìm hiểu tiến trình nhận thức quả thực to lớn.

2. Nữ giới trong lãnh vực tâm lý: các bà mẹ sáng lập

Mặc dù các ràng buộc xã hội đã hạn chế nữ giới tham gia vào nhiều loại nghề nghiệp – và lãnh vực tâm lý cũng không có ngoại lệ – một số phụ nữ đã đóng góp lớn lao cho môn tâm lý học trong những năm đầu. Chẳng hạn, hồi đầu thế kỷ này Lete Stetter Holling Worth đặt ra thuật ngữ “được thiên phú” (gifted) để nói về những đứa trẻ thông minh kỳ lạ, và cuốn sách của bà về tuổi thiếu niên đã trở thành một tác phẩm kinh điển. Bà cũng là một trong những nhà tâm lý đầu tiên chú trọng đặc biệt đến các vấn đề của nữ giới. Thí dụ, bà đã tập trung dữ kiện để bác bỏ quan điểm phổ biến vào đầu những năm 1900 cho rằng năng lực của nữ giới thường giảm đi trong suốt phần lớn chu kỳ kinh nguyệt.

Một nhân vật có ảnh hưởng lớn khác là June Etta Downey, bà là người phát động công cuộc nghiên cứu về các nét đặc trưng cho cá tính con người vào những năm 1900. Bà cũng đã xây dựng được một trắc nghiệm về cá tính được phổ biến rộng rãi, và trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo phân khoa tâm lý ở một viện đại học tiểu bang.

Dù có nhiều đóng góp của phụ nữ, nói chung tâm lý học vẫn là một lãnh vực do nam giới ngự trị trong những năm đầu. Ngoài ra, tuy con số phụ nữ tham gia không nhiều lắm, nhưng tỷ lệ số phụ nữ nổi danh trong lãnh vực tâm lý lớn hơn nhiều so với các lãnh vực khoa học khác. Hơn nữa, lịch sử đã trải qua một bước ngoặt đầy ấn tượng trong thập niên vừa qua, và như chúng ta đã đề cập trên đây, số phụ nữ tham dự vào bộ môn này đã tăng lên nhanh chóng trong mấy năm qua. Do đó, khi các sử gia tương lai viết về lịch sử tâm lý học trong thập niên 1990, rất có thể họ sẽ ghi lại lịch sử ấy là lịch sử của nam giới và nữ giới vậy.

3. Các mô hình nhận thức đương đại

Nguồn gốc ban sơ của tâm lý học phức tạp và đa dạng như thế, nên người ta không ngạc nhiên rằng ngày nay lãnh vực này quá ư phong phú và đa dạng. Song le, người ta vẫn có thể bao quát toàn diện bộ môn tâm lý học chỉ với một vài mô hình căn bản làm công cụ nhận định mà thôi. Mỗi mô hình nhận thức khái quát ấy, dù vẫn còn tiến triển, chú trọng đến những khía cạnh khác biệt nhau về hành vi ứng xử và các tiến trình tâm trí, nên sẽ lèo lái tư duy của các nhà tâm lý về các phương hướng hơi khác nhau chút ít.

Năm mô hình nhận thức chủ yếu góp phần hình thành lãnh vực tâm lý là mô hình sinh vật, động cơ tâm lý, hoạt động trí tuệ, tác phong và nhân bản. Chúng ta sẽ lần lượt thảo luận qua về từng mô hình.

a. Mô hình sinh học: Máu, mồ hôi, và các cơn sợ hãi. Xét về mặt các điểm căn bản nguyên sơ thì hành vi được thực hiện bởi các sinh vật có cấu trúc da thịt và nội tạng. Theo mô hình sinh học (biological model), hành vi ứng xử của con người cũng như của các loài động vật phải được xem xét từ góc độ thực thi chức năng sinh vật của chúng: các tế bào thần kinh nối kết với nhau ra sao, sự thừa hưởng một số đặc điểm di truyền của cha mẹ và tổ tiên ảnh hưởng thế nào đến hành vi ứng xử, tình trạng sinh lý có thể ảnh hưởng ra sao đối với các niềm hy vọng và các nỗi sợ hãi trong cuộc sống, và loại hành vi nào phát sinh do bản năng, và vân vân. Cả đến những loại hành vi phức tạp hơn – các phản ứng tình cảm như lo âu chẳng hạn – cũng được các nhà tâm lý vận dụng mô hình sinh học xem như là có các nhân tố sinh học quyết định.

Bởi vì ở một mức độ nào đó, một hành vi đều có thể bị chia cắt thành các yếu tố sinh học nên mô hình này có sức lôi cuốn mãnh liệt. Các nhà tâm lý tán thành mô hình nhận thức này đã đóng góp lớn vào công cuộc tìm hiểu và cải thiện cuộc sống nhân loại, từ việc xây dựng các biện pháp chữa trị một vài dạng bệnh điếc cho đến việc khám phá được các loại dược phẩm chữa trị các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng.

b. Mô hình động cơ tâm lý: tìm hiểu con người nội tâm. Đối với nhiều người chưa từng học qua một khóa học tâm lý nào, thì tâm lý học khởi đầu và kết thúc bằng mô hình cộng cơ tâm lý (psycho–dynamic model). Những người đề xướng mô hình này tin tưởng rằng hành vi hay tác phong cư xử bị thôi thúc bởi các lực lượng nội tâm (inner forces) mà cá nhân khó lòng kiểm soát hay khống chế được. Các giấc mơ và các trường hợp nói nhỡ lời được xem là các dấu hiệu về những điều mà con người thực sự đang cảm nhận bên trong bối cảnh sôi sục của hoạt động tâm lý thuộc tầng tiềm thức (subconscious psychic activity).

Quan điểm động cơ tâm lý liên hệ mật thiết đến một nhân vật, Sigmund Freud. Freud là một bác sĩ điều trị ở thành Vienna vào đầu những năm 1900. Những khái niệm về các nhân tố thuộc tầng vô thức (unconscious deteminnants) quyết định hành vi cư xử đã gây ảnh hưởng làm đảo lộn tư tưởng trong thế kỷ 20, không chỉ trong lãnh vực tâm lý học mà cả trong các lãnh vực liên hệ nữa. Tuy nhiều nguyên tắc căn bản thuộc quan điểm động cơ tâm lý đã bị chỉ trích toàn diện, nhưng mô hình nhận thức phát sinh từ công trình nghiên cứu của Freud đã cống hiến một phương tiện phục vụ không chỉ cho công cuộc chữa trị các chứng rối loạn tâm thần mà còn cho việc tìm hiểu các hiện tượng thường ngày như định kiến (prejudice) và tính gây hấn (agsression) chẳng hạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.