Tâm lý học căn bản

Chương 1 – Phần 3



c. Mô hình hoạt động trí tuệ:Quán triệt các nguồn gốc của tiến trình tìm hiểu. Con đường dẫn đến việc tìm hiểu hành vi ứng xứ khiến cho một số nhà tâm lý tiến thẳng đến lãnh vực tâm trí. Như chúng ta đã đề cập trên đây, tiến hóa phần nào từ lý thuyết kết cấu về vấn đề nhận diện các thành tố của tâm trí, mô hình hoạt động trí tuệ (cognitive model) chú trọng đến cách thức con người nhận biết, tìm hiểu, và tư duy về thế giới chung quanh: Mặc dù trọng tâm khảo cứu đã chuyển từ việc tìm hiểu kết cấu của bản thân trí tuệ sang việc tìm hiểu cách thức con người học hỏi để ý thức và biểu thị ngoại giới giữa họ với nhau và cách thức tìm hiểu này ảnh hưởng ra sao đến hành vi cư xử của họ.

Các nhà tâm lý tin tưởng vào mô hình này đã nêu lên nhiều vấn đề, từ câu hỏi liệu người ta có thể đồng thời vừa xem TV vừa nghiên cứu một cuốn sách được không (câu trả lời là “có lẽ không được”) cho đến câu hỏi con người làm cách nào để tự mình tìm hiểu được các nguyên nhân gây ra hành vi của tha nhân. Các khảo hướng vận dụng mô hình hoạt động trí tuệ đều có hai đặc điểm chung: thứ nhất, đều chú trọng vào cách thức con người tìm hiểu và tư duy về thế giới chung quanh; và thứ hai, việc diễn tả các mẫu mực và quy tắc chi phối hoạt động của tâm trí.

d. Mô hình tác phong:Quan sát con người ngoại điện. Trong khi các khảo sát tâm sinh lý, động cơ tâm lý, và hoạt động trí tuệ nhìn vào bên trong cơ thể sinh vật để xác định các nguyên nhân gây ra hành vi hoặc hành vi ứng xử, thì mô hình hành vi (behavioral model) chọn một khảo sát hoàn toàn khác hẳn. Mô hình hành vi nẩy sinh từ việc không thừa nhận rằng tâm lý học đặt trọng tâm chủ yếu vào các vận hành bên trong của tâm trí, mô hình này cho rằng hành vi ứng xử quan sát được mới là trọng tâm của môn học.

John B. Watson là nhà tâm lý Mỹ nổi tiếng, là người đầu tiên đề xướng khảo sát hành vi. Tiến hành nghiên cứu vào những năm 1920, Watson tin chắc rằng người ta có thể hoàn toàn hiểu rõ một hành vi nhờ tìm hiểu và cải biến hoàn cảnh sinh hoạt của con người. Thực ra, ông tin tưởng hơi lạc quan rằng nhờ khống chế đúng mức hoàn cảnh sinh hoạt của con người, người ta có thể tiếp nhận được bất kỳ loại hành vi ứng xử mong muốn, như chính lời nói ông minh chứng: “Hãy cho tôi một chục đứa trẻ khỏe mạnh, xinh đẹp, và một thế giới đặc biệt cho riêng tôi để nuôi dưỡng chúng, tôi bảo đảm sẽ chọn tình cờ một đứa bé để huấn luyện nó thành bất cứ loại chuyên viên nào theo ý muốn – bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, doanh nhân, và thậm chí đến kẻ đi xin hay tên trộm, bất kể thiên phú, thiên hướng, xu thế, năng lực, và chủng tộc của ông cha đứa bé ấy.” Trong thời gian gần đây, người dẫn đầu mô hình hành vi là B.F. Skinner. Cho đến lúc qua đời năm 1990, Skinner vẫn là nhà tâm lý đương đại nổi tiếng nhất. Nhiều kiến thức của chúng ta về cách thức con người học hỏi, rèn luyện hành vi ứng xử mới mẻ đều căn cứ vào mô hình hành vi.

Như chúng ta sẽ thấy, mô hình hành vi nảy sinh ở mọi lãnh vực chưa được thăm dò thuộc bộ môn tâm lý. Cùng với ảnh hưởng do nó gây ra trong lãnh vực các tiến trình học hỏi. Mô hình hành vi cũng đã đóng góp vào nhiều lãnh vực khác nhau như vấn đề chữa trị các chứng rối loạn tâm thần, biện pháp trấn áp tính gây hấn, giải pháp đối với các vấn đề tình dục, và cả đến biện pháp cai nghiện ma túy nữa.

e. Mô hình nhân bản:Các phẩm chất độc đáo của nhân loại. Mặc dù đã xuất hiện vài thập niên trước đây, mô hình nhân bản (humanistic model) vẫn được xem là nghiên cứu mới mẻ nhất trong các nghiên cứu tâm lý chủ yếu. Bác bỏ các quan điểm cho rằng hành vi ứng xử được quyết định phần lớn bởi các lực sinh học (biological forces) có tính tự động, bởi các tiến trình vô thức, hoặc chỉ đơn thuần bởi hoàn cảnh tác động, mô hình nhận thức này chủ trương rằng con người kiểm soát được cuộc sống của mình. Các nhà tâm lý theo quan điểm nhân bản cho rằng con người có khuynh hướng tự nhiên phát triển đến mức trưởng thành và thỏa mãn các ước vọng cao cả hơn; và nếu có cơ hội, con người nhất định sẽ vươn đến mức toàn bích. Như vậy, trọng tâm của mô hình nhận thức này là ý chí tự do (free will), là khả năng đề ra lý tưởng cuộc sống của bản thân con người.

Hơn bất cứ một nghiên cứu nào khác, mô hình nhân bản nhấn mạnh đến vai trò của bộ môn tâm lý trong việc phong phú hóa cuộc sống con người và giúp cho con người đạt đến tình trạng tự hoàn thiện bản thân. Dù không bao quát mọi vấn đề như một số mô hình nhận thức tổng quát khác, quan điểm nhân bản đã gây được ảnh hưởng quan trọng đối với các nhà tâm lý, nó nhắc nhở họ luôn luôn nhớ đến lời cam kết phục vụ cá nhân con người cũng như xã hội.

Điều quan trọng là không được để cho các tính chất trừu tượng của mô hình nhân bản, cũng như của các mô hình nhận thức mà chúng ta đã thảo luận, khiến cho bạn nghĩ rằng chúng chỉ thuần túy có tác dụng về mặt lý thuyết mà thôi. Các mô hình nhận thức này làm nền tảng cho các công trình nghiên cứu hiện hành thuộc lãnh vực tâm lý vốn có những nội dung rất thực tiễn; và các nội dung ấy sẽ là mối quan tâm của chúng ta trong suốt quyển sách này. Để khởi đầu, hãy xem xét đoạn ứng dụng tâm lý học dưới đây.

4. Các mối liên hệ giữa các chuyên ngành và các mô hình nhận thức thuộc bộ môn tâm lý

Khi khảo sát các lĩnh vực và mô hình nhận thức thuộc nhiều chủ đề khác nhau cấu thành bộ môn tâm lý, hẳn bạn thấy rằng dường như đó là một môn học phân ra nhiều ngành thiếu liền lạc nhau. Bạn có thể cho rằng lãnh vực nghiên cứu này bao gồm một loạt nhiều chủ đề rời rạc, không liên hệ mật thiết với nhau giống như sự liên hệ giữa môn vật lý với môn hóa học vậy. Thực ra, kết luận như thế không hợp lý mặc dù môn tâm lý học quả có bao quát quá nhiều lãnh vực, từ các chủ đề có trọng tâm nhỏ hẹp như ảnh hưởng sinh hóa vi thể đối với hành vi ứng xử chẳng hạn cho đến hành vi xã hội theo ý nghĩa rộng nhất của nó.

Tuy bề ngoài dường như dị biệt giữa các chủ đề và mô hình nhận thức như thế, nhưng các điểm khác biệt ở một số mức độ chỉ là biểu kiến chứ không phải là thực sự. Lãnh vực tâm lý trên thực tế có tính thống nhất bởi vì năm mô hình nhận thức ấy thực sự góp phần hợp nhất nhiều chuyên ngành khác nhau thuộc bộ môn. Do đó, một nhà tâm lý thuộc bất kỳ chuyên ngành nào cũng đều có thể chọn một hoặc nhiều mô hình nhận thức để làm công cụ nghiên cứu.

Chẳng hạn, nhà tâm lý phát triển có thể tán thành mô hình động cơ tâm lý hoặc mô hình hành vi hoặc bất kỳ một mô hình nhận thức nào khác. Tương tự, nhà tâm lý điều dưỡng có thể sử dụng mô hình hành vi hoặc mô hình hoạt động trí tuệ hoặc một trong số các mô hình nhận thức khác. Các nhà tâm lý có thể sử dụng các mô hình nhận thức ấy theo những phương thức khác nhau, nhưng với điều kiện là các giả thuyết của một mô hình nào đó sẽ không bị thay đổi dù cho mô hình ấy được áp dụng vào chuyên ngành nào cũng vậy.

Bảng 1–1 trình bày các mô hình nhận thức tâm lý chủ yếu nào được các nhà tâm lý thuộc chuyên ngành nào sử dụng. Nhưng, hãy nhớ rằng trên lý thuyết thì nhà tâm lý thuộc bất kỳ chuyên ngành nào có thể chọn dùng được bất cứ mô hình nào cũng được

BẢNG 1–1

CÁC MÔ HÌNH NHẬN THỨC CHỦ YẾU ĐƯỢC CHỌN DÙNG BỞI CÁC NHÀ TÂM LÝ THUỘC CÁC CHUYÊN NGÀNH KHÁC NHAU

Nhà tâm lý thuộc chuyên ngành

Mô hình a

Sinh học

Động cơ tâm lý

Hoạt động trí tuệ

Hành vi

Nhân bản

Tâm sinh lý

X

  

X

 

Tâm lý thực nghiệm

X

 

X

X

 

Hoạt động trí tuệ

  

X

  

Tâm lý phát triển

X

X

X

X

X

Tâm lý cá tính

X

X

X

X

X

Tâm lý y tế

X

 

X

X

 

Tâm lý điều dưỡng

X

X

X

X

X

Tâm lý tư vấn

 

X

X

X

X

Tâm lý giáo dục

  

X

X

X

Tâm lý học đường

  

X

X

X

Tâm lý xã hội

 

X

X

X

 

Tâm lý công nghiệp/tổ chức

  

X

X

 

Tâm lý khách hàng

  

X

X

 

Tâm lý giao lưu văn hóa

 

X

X

X

X

ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

TÂM LÍ HỌC VÀ VẤN ĐỀ NGĂN NGỪA BỆNH AIDS

Câu chuyện khởi đầu từ trường hợp một phụ nữ hay bị mệt và mẩn ngứa không dứt ở vùng bẹn. Bác sĩ đã khám cho bà thật cẩn và nói rằng không có gì là quá nghiêm trọng. Nguyên nhân do bà đã làm việc quá sức. Còn về chứng ngứa ngáy, thì vớ nylon và khí trời ẩm ướt không ngớt là nguyên nhân gây bệnh thông thường của thời tiết mùa hè. Song le, chứng mẩn ngứa khiến ông bực bội nhất, ông ra lệnh xét nghiệm máu cho bệnh nhân.

Ông bảo: “Vậy… hãy cho tôi biết về đời sống tình dục của bà.” Bà mất trinh hồi 20 tuổi, trễ nhất trong số bạn bè của bà, và kết hôn với người đàn ông đầu tiên mà bà có quan hệ tình dục, rồi li dị ông ta hai năm sau đó. Sự thất vọng đã thui chột mọi xúc cảm của bà, và bà đã “trở nên phóng túng” trong thời gian khoảng hai năm. Tuy sống độc thân trong chín tháng trước khi khám bệnh, nhưng trước đó bà đã từng chung sống lần lượt với 15 người đàn ông. Nói chung, họ là bạn bè rồi trở thành tình nhân hoặc là tình nhân rồi trở thành bạn bè. Và họ thấy không cần phải phòng ngừa bằng bao cao su. Đến nay, không có lý do gì để cho rằng bất kỳ ai trong số đó là đồng tính luyến ái, hoặc tiêm chích ma túy, hoặc thường xuyên mua dâm.

Vị bác sĩ đề nghị bà xét nghiệm HIV. Ông không có lý do gì để đề nghị như thế ngoài mối băn khoăn về thời cuộc.

Việc xét nghiệm được thực hiện hai lần trong vài tuần lễ sau đó, và lần nào kết quả cũng như nhau: người phụ nữ đó đã nhiễm HIV.

Câu chuyện này không phải là một trường hợp hiếm thấy. Hiện nay, cứ 500 sinh viên đại học có một người bị AIDS, và năm 2000 chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có đến một triệu trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nạn dịch AIDS không hẳn là không được đẩy lùi. Chứng cứ cho thấy tỉ lệ gia tăng các ca nhiễm bệnh đã bắt đầu hạ thấp khi các nhà khao học thuộc nhiều lãnh vực bắt đầu dốc hết năng lực nhằm đối đầu với tai họa này.

Đã đến lúc người ta tin rằng tâm lý học đóng một vai trò then chốt trong cuộc chiến chống lại nạn dịch AIDS. Các nhà tâm lý đã nỗ lực chặn đứng tình trạng lây lan và đối phó với hậu quả của loại bệnh nguy hiểm này. Người ta có thể chứng kiến việc làm của họ ở một số mặt trận:

– Tư vấn và chữa trị những bệnh nhân HIV. Những người biết mình nhiễm phải virus HIV sẽ đối đầu với các khó khăn tâm lý lớn lao ngoài các khó khăn về mặt y học. Họ phải quyết định nên thổ lộ cho ai biết kết qua xét nghiệm của mình, họ có thể đối diện với sự xua đuổi của người thân và mất đi mọi thứ bảo hiểm, và – căn bản nhất là – phải thích nghi với sự bất trắc của chứng bệnh và cái chết không thể tránh được trong tương lai cận kề. Muốn vượt qua được mọi hoàn cảnh khủng khiếp như thế, người bệnh buộc phải được điều trị quan trọng về mặt tâm lý, và các nhà tâm lý đang phát minh ra những kỹ thuật chữa trị hữu hiệu.

– Tìm hiểu cơ sở sinh học của chứng bệnh AIDS. Sử dụng mô hình sinh học, một số nhà tâm lý đang ra sức tìm hiểu sâu rộng hơn về các khía cạnh sinh lý của chứng bệnh này. Thí dụ, các bệnh nhân ở giai đoạn bệnh phát triển trầm trọng đôi khi biểu lộ các dấu hiệu não bộ bị huỷ hoại, đưa đến tình trạng mất năng lực tư duy. Việc lý giải cách thức các tiến trình phát triển bệnh ngày càng liên hệ đến não bộ có thể góp phần cải thiện các kế hoạch chữa trị và làm chậm đà phát triển của virus.

– Ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm HIV. Mặc dù thuật ngữ “tình dục an toàn” đang trở thành quen thuộc, nhưng người ta không muốn hành động như vậy. Các nhà tâm lý, đặc biệt những người vận dụng các mô hình hoạt động trí tuệ và mô hình hành vi, đã đi tiên phong trong việc xây dựng các biện pháp hướng dẫn mọi người cải sửa tập quán tình dục để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HIV. Ngoài ra, các nhà tâm lý đang nghiên cứu tìm hiểu các phương tiện lây truyền virus trên thực tế và khả năng chế tạo một loại vaccine miễn dịch đối với bệnh AIDS.

– Hỗ trợ quyết định hợp lý trong việc chấp nhận xét nghiệm bệnh AIDS. Những người cảm thấy mình có nguy cơ bị nhiễm bệnh có nên đi xét nghiệm không, hay họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với ý nghĩ mình chưa chắc thực sự bị nhiễm bệnh? Có nên cưỡng bách xét nghiệm đối với một số người như các công nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế không? Các câu hỏi đại loại như thế cần phải được sự trợ giúp của các nhà tâm lý nghiên cứu các vấn đề như quan hệ xã hội, tiến trình chọn quyết định, và vấn đề đạo đức. Các nhà tâm lý này chủ yếu được hướng dẫn bởi mô hình hoạt động trí tuệ.

Như bạn thấy, các nhà tâm lý đang đóng vai trò quan trọng và khá đa dạng trong cuộc chiến chống lại nạn dịch AIDS. Và đây không phải là vấn đề xã hội duy nhất mà khả năng chuyên môn của họ được động viên nhằm làm giảm bớt nỗi đau của nhân loại. Như chúng ta sẽ thấy ở các đoạn ứng dụng tâm lý học trong suốt cuốn sách này, các nguyên tắc căn bản thuộc bộ môn tâm lý được vận dụng để giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội.

5. Tương lai của môn tâm lý học

Chúng ta đã khảo sát qua các nền tảng xây đựng bộ môn tâm lý học. Nhưng tương lai của bộ môn này sẽ ra sao? Mặc dù ai cũng đều biết rằng khuynh hướng phát triển của bất kỳ bộ môn khoa học nào cũng đều khó lòng đoán biết trước được, nhưng trong một tương lai không xa dường như người ta có thể biết trước được một số xu thế như:

– Tâm lý học sẽ ngày càng chuyên biệt hóa hơn. Trong một lãnh vực mà những người phục trách phải là các chuyên viên về các đề tài đa dạng đến mức như các quan điểm phức tạp về sự dẫn truyền các xung lực điện hóa qua các đầu dây thần kinh và về các kiểu mẫu thông đạt giữa các công nhân trong các tổ chức có quy mô lớn, chẳng hạn, thì không ai có thể hy vọng am tường hết mọi khía cạnh trong lãnh vực ấy cả. Do đó, rất có thể hiện tượng chuyên biệt hóa sẽ tăng lên khi các nhà tâm lý mở ra các lĩnh vực mới mẻ.

– Các mô hình nhận thức mới sẽ nảy sinh. Là một bộ môn khoa học đang phát triển, các nhà tâm lý sẽ sáng tạo được các mô hình nhận thức mới nhằm thay thế cho các khảo hướng hiện hành. Ngoài ra, các mô hình cũ có thể pha trộn lẫn nhau để hình thành các mô hình nhận thức mới. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng khi các nhà tâm lý tích lũy được nhiều kiến thức hơn, thì càng ngày họ càng trở nên thành thạo hơn trong việc tìm hiểu hành vi ứng xử và các tiến trình tâm trí.

– Việc chữa trị các rắc rối tâm lý sẽ trở nên dễ dàng hơn khi số lượng chuyên viện tâm lý tăng lên. Ngoài ra, các nhà tâm lý ngày càng hoạt động năng nổ hơn với tư cách là cố vấn cho các đoàn thể tự nguyện và tự lực nhằm giúp cho đoàn viên tự mình giải quyết các khó khăn riêng tư ngày càng hữu hiệu hơn. Hiện tượng này đang trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội.

– Ảnh hưởng của môn tâm lý học đối với các vấn đề được công chúng quan tâm sẽ tăng lên. Mọi vấn đề lớn trong thời đại chúng ta – như vấn đề thành kiến chủng tộc và sắc tộc thiểu số, vấn đề nghèo đói, các tai họa do môi trường và tiến bộ kỹ thuật gây ra – đều mang đậm các sắc thái tâm lý. Tuy một mình môn tâm lý sẽ không đủ sức giải quyết các vấn đề ấy, nhưng thành tích to lớn của nó trong quá khứ (sẽ được dẫn chứng ở các chương sau) báo trước rằng các nhà tâm lý sẽ có nhiều đóng góp trong việc giải quyết chúng.

6. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT

– Người ta có thể thấy được dấu ấn của các lý thuyết kết cấu, chức năng, và Gestalt ngày xưa hiện diện trong các mô hình nhận thức chủ yếu được vận dụng bởi các nhà tâm lý hiện đại.

– Các mô hình nhận thức tâm lý ưu thắng bao gồm các khảo sát sinh học, động cơ tâm lý, hoạt động trí tuệ, hành vị và nhân bản.

– Các chiều hướng tương lai cho thấy rằng bộ môn tâm lý sẽ ngày càng chuyên biệt hóa hơn, công cuộc chữa trị tâm lý sẽ ngày càng thuận lợi hơn, và ảnh hưởng của tâm lý học đối với các vấn đề được công chúng quan tâm sẽ tăng lên.

B. HỌC ÔN:

1/ Wundt đã miêu tả tâm lý học là bộ môn nghiên cứu và kinh nghiệm hữu thức, và mô hình nhận thức do ông đề xướng được gọi là…

2/ Các nhà tâm lý ban đầu nghiên cứu tâm trí bằng cách yêu cầu người ta diễn tả lại kinh nghiệm trải qua khi tiếp nhận nhiều loại kích thích khác nhau. Kỹ thuật này được gọi là…

3/ Mô hình nhận thức trong tâm lý học thay thế hoàn toàn cho lý thuyết kết cấu (Structuralism) là…, mô hình này chú trọng đến các mục đích của hoạt động tâm trí.

4/ Câu phát biểu: “Muốn tìm hiểu hành vi ứng xử của con người, chúng ta phải xem xét nhận thức trên bình diện toàn thể chứ không xem xét các thành tố của nó.” do cá nhân tán thành mô hình nhận thức tâm lý nào nói?

5/ Bác sĩ điều trị yêu cầu Jeanne thuật lại một giấc mơ bạo lực cô vừa trải qua để ông tìm hiểu sâu hơn về các lực lượng vô thức tác động đến hành vi ứng xứ của cô. Thầy thuốc của Jeanne đang vận dụng mô hình…

6/ “Chính hành vi có thể quan sát được mới đáng được nghiên cứu tìm hiểu, chữ không phải các vận hành nội tâm đáng nghi ngờ”, rất có thể câu phát biểu của một cá nhân tán thành quan điểm của:

a. Mô hình hoạt động trí tuệ (cognitive model)

b. Mô hình sinh học (biological model)

c. Mô hình nhân bản (humanistic model)

d. Mô hình hành vi (behavioral model)

7/ Các công trình nghiên cứu mới đây về bệnh tâm thần phân liệt (Schizophrenia) đã nhận diện cách sắp xếp khác thường các tế bào não của bệnh nhân, có thể do di truyền, đáng ngờ là nguyên nhân gây ra loại bệnh tâm thần ấy. Nghiên cứu đại loại như vậy tiêu biểu cho mô hình…

8/ “Thầy thuốc của tôi thật tuyệt vời! Bà ấy luôn luôn khám phá các đặc điểm tích cực của tôi. Bà luôn luôn nhấn mạnh đến tính độc đáo và sức mạnh của cá nhân tôi. Tôi cảm thấy tin tưởng hơn vào bản thân – dường như tôi đang thực sự phát triển và sẽ vươn tới sự toàn bích của mình”. Vị thầy thuốc này đang vận dụng mô hình…

9/ Mỗi chuyên ngành tâm lý đều có một mô hình nhận thức đặc thù cho nó. Đúng hay sai?…

10/ Tâm lý học hiện nay đang có xu hướng ngày càng chuyên môn hóa hơn và cá biệt hóa hơn. Đúng hay sai?…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Các mô hình nhận thức tâm lý ngày nay liên quan như thế nào với các lý thuyết kết cấu, chức năng, và Gestalt ngày xưa?

(Giải đáp các câu hỏi học ôn ở cuối chương)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.