Tâm lý học căn bản

Chương 11 – Phần 6



B. HỌC ÔN

1/… là tính nhất quán của công cụ đánh giá, trong khi… là khả năng đánh giá được trên thực tế những đặc điểm mà công cụ ấy có nhiệm vụ thẩm định.

2/… là các tiêu chuẩn được dùng để so sánh điểm số của những người khác nhau cùng tham dự một loại trắc nghiệm.

3/ Các trắc nghiệm như MMPI–2, trong đó một số ít hành vi mẫu được đánh giá để xác định các xung hướng rộng rãi hơn, là thí dụ cho:

a. Các trắc nghiệm tiết diện (cross–sectional tests).

b. Các trắc nghiệm phóng ngoại nội tâm (projective tests).

c. Các trắc nghiệm thành đạt (achievement tests).

d. Các trắc nghiệm tự báo cáo (self–report tests).

4/ Một người được cho xem một bức tranh và được yêu cầu sáng tác một câu chuyện về bức tranh ấy đã tham dự một trắc nghiệm… nhân cách hay cá tính.

5/ Trắc nghiệm nhân cách Rorschach là một biện pháp khách quan ít đòi hỏi người tổ chức trắc nghiệm ra sức lý giải để đề ra quyết định về kết quả trắc nghiệm. Đúng hay Sai?…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Có nên dùng các trắc nghiệm nhân cách hay cá tính cho các quyết định về nhân sự không? Nếu được yêu cầu tham dự một trắc nghiệm như thế, thì những nghi vấn quan trọng liên quan đến việc xây dựng và giá trị của trắc nghiệm đối với bạn sẽ là gì? Nếu bạn là người đang soạn thảo một trắc nghiệm như thế, thì các quan tâm ấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến bạn?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

– Các nhà tâm lý định nghĩa và sử dụng khái niệm nhân cách ra sao?

1. Trong chương này chúng ta tìm hiểu các đặc điểm và hành vi khiến cho con người khác biệt với nhau, những hành vi mà các nhà tâm lý xem là cốt lõi của nhân cách hay cá tính. Thực tế, thuật ngữ nhân cách hay cá tính (personality) tuy có hai nghĩa khác nhau nhưng lại liên hệ với nhau. Thứ nhất, nó liên hệ đến các đặc điểm nhờ đó phân biệt được người này với người khác. Thứ hai, nó đưa ra một phương tiện giải thích tính bền vững trong hành vi ứng xử khiến họ hành động nhất quán cả trong các tình huống khác nhau và qua các thời kỳ kéo dài.

– Theo Freud và những hành vi kế thừa, nhân cách được hình thành theo cấu trúc nào và phát trển ra sao?

2. Theo các nhà phân tâm, hành vi phát sinh phần lớn do các thành phần nhân cách thuộc tầng vô thức mà chúng ta không hề biết đến gây ra. Lý thuyết của Freud cho rằng nhân cách (personality) bao gồm bản năng nguyên thủy (id), bản ngã (ego) và siêu ngã (super ego). Bản năng nguyên thủy là phần nhân cách bẩm sinh và thiếu tổ chức, mục đích của nó là thúc đẩy người ta tức thời tìm cách làm giảm bớt các tình trạng căng thẳng liên quan đến cơn đói, cơn khát tình dục, tính gây hấn, và các xung đột nguyên thủy khác. Trong khi đó, bản ngã giới hạn năng lực có tính bản năng nhằm duy trì sự an toàn cho con người và giúp cho họ đủ tư cách làm thành viên của xã hội. Còn siêu ngã biểu trưng cho quan điểm đúng sai của xã hội, nó bao gồm lương tâm (conscience) và bản ngã lý tưởng (ego – ideal).

3. Lý thuyết phân tâm của Freud cho rằng nhân cách hình thành qua một số giai đoạn, và mỗi giai đoạn ấy gắn với một chức năng sinh vật chủ yếu. Giai đoạn miệng (oral stage) là thời kỳ đầu tiên, diễn ra trong năm đầu tiên của cuộc đời. Kế đến là giai đoạn hậu môn (anal stage), kéo dài từ khoảng 1 tuổi đến 3 tuổi. Giai đoạn sùng bái dương vật (phalic stage) nối tiếp theo đó, với sự quan tâm tập trung vào bộ phận sinh dục. Ở tuổi lên 5 hoặc 6, gần cuối giai đoạn sùng bái dương vật, trẻ trải qua cuộc xung đột do mặc cảm Oedipus, một tiến trình qua đó chúng học cách đồng hóa với bậc cha mẹ đồng giới tính băng cách hành động càng giống với bậc cha mẹ ấy càng nhiều càng tốt. Theo sau là giai đoạn tiềm phục (latency stage) kéo dài cho đến tuổi dậy thì, sau đó người ta tiến vào giai đoạn sinh dục (genital stage) là thời kỳ tình dục trưởng thành.

4. Các cơ chế phòng vệ (defense mechanisms) được vận dụng để đối phó với tình trạng lo âu (anxiety) liên quan đến xung động phát sinh từ bản năng nguyên thủy, đem đến cho người ta những kế hoạch vô thức nhằm giảm bớt tình trạng lo âu ấy. Các cơ chế phòng vệ thường thấy nhất là dồn nén (repression), hồi quy (regression), chuyển dịch (displacement), hợp lý hóa (ratlonalizatinon), phủ nhận (denial), phóng ngoại nội tâm (projection) và thăng hoa (sublimation).

5. Lý thuyết phân tâm của Freud đã bị rất nhiều phê phán. Các phê phán này bao gồm tình trạng thiếu dữ kiện khoa học hậu thuẫn, lý thuyết không đưa ra được các dự đoán chính xác, và các giới hạn do việc xây dựng lý thuyết căn cứ vào một số đối tượng nghiên cứu quá hạn chế. Dù vậy, lý thuyết này vẫn còn là một lý thuyết then chốt. Chẳng hạn, các lý thuyết gia phân tâm thuộc phái tân – Freud xây dựng lý thuyết của họ căn cứ vào công trình nghiên cứu của Freud, mặc dù họ nhấn mạnh nhiều hơn đến vai trò của bản ngã và quan tâm nhiều hơn đến các nhân tố xã hội trong việc quy định hành vi ứng xử.

– Các lý thuyết nét nhân cách, tiến tình học tập, và nhân bản về nhân cách hay cá tính có những khía cạnh chủ yếu nào?

6. Các lý thuyết nét nhân cách (trait theories) đã nỗ lực nhận diện được các chiều kích căn bản nhất và tương đối bền vững nhờ đó con người khác biệt lẫn nhau – các chiều kích ấy gọi là các nét nhân cách (traits). Allport cho rằng có đến ba loại nét nhân cách – nét chủ yếu (cardinal traits), nét trung tâm (central traits), và nét thứ yếu (secondary traits). Các lý thuyết gia sau này dùng một kỹ thuật thống kê gọi là phân tích thừa số để nhận diện các nét nhân cách chủ yếu nhất. Vận dụng phương pháp này, Cattell đã nhận diện được 16 nét căn bản, còn Eysenck đã khám phá được hai chiều kích chủ yếu: chiều kích hướng nội – hướng ngoại (introversion–extroversion dimension) và chiều kích dao động – ổn định (neurotidsm – stability dimension).

7. Các lý thuyết dùng tiến trình học tập để giải thích nhân cách hay cá tính (learning theories of personality) chú trọng đến loại hành vi quan sát được. Đối với các lý thuyết gia nghiêm thủ tiến trình học tập, nhân cách hay cá tính là tổng cộng các phản ứng học tập được đối với hoàn cảnh bên ngoài. Ngược lại lý thuyết học tập xã hội tính (social learning theory) lại chú trọng đến vai trò của các tiến trình trí tuệ trong việc quy định nhân cách. Lý thuyết này đặc biệt quan tâm đến lòng tự tin (self–effi– cacy) và quan điểm quy định hỗ tương (reciprocal determinism) trong việc quy định nhân cách.

8. Còn lý thuyết nhân bản (humanistic theory) thì nhấn mạnh đến tính bản thiện của con người (basic goodness of people). Lý thuyết này xem khả năng biến đổi và cải thiện của con người là cốt lõi của nhân cách hay cá tính của họ. Khái niệm của Rogers về nhu cầu được quan tâm tích cực của con người cho rằng nhu cầu được yêu thương và tôn trọng mà ai cũng có là nền tảng của nhân cách hay cá tính.

9. Các lý thuyết nhân cách chủ yếu khác biệt nhau về một số chiều kích quan trọng, bao gồm vai trò của vô thức ngược lại ý thức, bẩm sinh ngược lại dưỡng dục, tự do ngược lại quy định, tính bền vững ngược lại tính dễ cải biến của các đặc điểm nhân cách, và khảo hướng đặc điểm phổ biến (chú trọng đến các điểm đồng nhất phổ biến qua các hành vi) ngược lại khảo hướng đặc điểm cá biệt (nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa người này với người khác).

– Làm thế nào để đánh giá nhân cách chính xác nhất, và các biện pháp đánh giá nhân cách hay cá tính chủ yếu là các biện pháp nào?

10. Trắc nghiệm tâm lý (psychological tests) là các công cụ tiêu chuẩn nhằm đánh giá hành vi ứng xử của con người. Chúng phải đáng tin ấy, tức là đánh giá nhất quán những đặc điểm mà chúng nỗ lực thẩm định và phải hữu hiệu hay có giá trị, tức là chúng đánh giá được các đặc điểm mà chúng có nhiệm vụ thẩm định.

11. Biện pháp tự báo cáo (self–report measures) yêu cầu đối tượng trả lời một số câu hỏi lấy mẫu về hành vi ứng xử của họ. Các báo cáo này dùng để suy đoán các điểm biểu trưng nhân cách hay cá tính đặc biệt. Biện pháp tự báo cáo thường dùng nhất là kiểm điểm Nhân cách Nhiều giai đoạn của Viện đại học Minnesota (viết tắt là MMPI–2), nhằm phân biệt những người bị các dạng rối loạn tâm lý đặc biệt với người bình thường.

12. Trắc nghiệm nhân cách phóng ngoại (projective personality tests) xuất trình một kích thích mơ hồ, các câu trả lời của đối tượng sau đó được dùng để suy đoán các thông tin về nhân cách hay cá tính của họ. Hai loại trắc nghiệm phóng ngoại nội tâm thường dùng nhất là trắc nghiệm Rorschach dùng các phản ứng đối với các vệt mực để xếp loại nhân cách hay cá tính; và trắc nghiệm năng lực nhận thức chủ đề tổng quát (TAT) dùng các câu chuyện do đối tượng sáng tác về các tranh ảnh mơ hồ để suy đoán nhân cách hay cá tính của họ.

13. Đánh giá hành vi ứng xử (behavioral assessment) căn cứ vào các nguyên tắc của tiến trình học tập. Nó sử dụng các đánh giá trực tiếp về hành vi của cá nhân để xác định các đặc điểm nhân cách hay cá tính của người ấy.

PHỤ LỤC

SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH THEO QUAN ĐIỂM CỦA FREUD

(trích tác phẩm Unconscious And Psychoanalysis của J.P. Chartres)

A. LÝ THUYẾT CÁC GIAI ĐOẠN VÀ VÙNG NHẠY CẢM

Sự khám phá và thăm dò vô thức khiến Freud cho rằng trong số những thúc đẩy bản năng bị các phạm trù xã hội và văn hóa hạn chế, các thúc đẩy tình dục có tầm quan trọng trội hơn cả. Ngoài ra, Freud còn khẳng định rằng tình dục ảnh hưởng mạnh mẽ suốt đời chúng ta, và đặc biệt trong thời thơ ấu của chúng ta.

Khẳng định này của Freud về đời sống tình dục của trẻ khiến cho dư luận thời bấy giờ xôn xao phản đối. Nhưng, muốn hiểu rõ hơn về tư tưởng của Freud và khám phá mới mẻ của ông (đối với thời đại ông), chúng ta cần phân biệt rõ hai khía cạnh: tình dục và sinh dục. Tình dục (sexuality) là một cấu trúc tình cảm toàn diện, hiện diện trong chúng ta từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi chết. Còn sinh dục (reproductivity) chỉ là một nhiệm vụ thuộc cấu trúc này. Sinh dục chỉ là nhiệm vụ sinh con đẻ cháu, tức là truyền chủng mà thôi. Tình dục có ý nghĩa bao quát hơn nhiều: “Nó là toàn bộ các xúc cảm và cảm nhận, có thể đạt đến tột đỉnh trong hành vi truyền chủng, nhưng lại có nhiều biểu hiện rất khác biệt nhau.” (J.F. Bayen).

Trong chiều hướng này, Freud đã viết: Tình dục có thể được tách biệt khỏi quan hệ quá chặt chẽ giữa nó với các cơ quan sinh dục (genital organs). Tình dục được quan niệm như một xu thế hành động xác thân bao trùm con người chúng ta, và hướng về nguyên tắc khoái lạc (pleasure prlnciple). Xu thế này đôi khi phục vụ cho chức năng truyền chủng, nhưng hiện tượng này chỉ có tầm quan trọng thứ yếu mà thôi.

Giả thuyết của Freud là toàn bộ các thúc đẩy tình dục (mà ông gọi là libido) sẽ chuyển biến suốt thời thơ ấu của con người. Và một lúc lại hướng về một vùng nhất định trên cơ thể con người. Mãi đến khi trưởng thành, tình dục và sinh dục mới hòa nhập vào nhau.

Như vậy, đời sống tình dục không khởi đầu vào lúc dậy thì, mà bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. Giống như một khuynh hướng khác, khuynh hướng tình dục hiện diện từ khi chúng ta mới lọt lòng mẹ, chứ không xuất hiện đột ngột vào tuổi dậy thì mà không có dấu hiệu nào báo trước. Tuổi dậy thì chỉ là một giai đoạn tâm sinh lý mà thôi; ở giai đoạn ấy khuynh hướng tình dục nhắm đến một mục tiêu mới mẻ.

Chính vì vậy mà Freud đã cố gắng phác họa sự hình thành toàn bộ các giai đoạn phát triển mà thông thường hầu hết mọi người đều phải trải qua. Khám phá căn bản của ông là có những vùng nhạy cảm. Đó là những vùng trên cơ thể chúng ta, ở đó vào một giai đoạn nhất định trong tiến trình phát triển chúng ta cảm thấy khoái lạc khi được kích thích. Toàn bộ cơ thể chúng ta đều có thể giúp chúng ta có cảm giác sung sướng, nhưng một vài vùng nhất định nhạy cảm hơn khiến chúng ta có cảm giác khoái lạc hơn nhiều.

Freud cho rằng tình dục tiến triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai được liên hệ chặt chẽ với một vùng nhạy cảm nhất định; và tất cả các giai đoạn này đều là những bước chuyển tiếp, tương tự như các giai đoạn thay trình đổi dạng từ con sâu hóa thành bướm vậy.

Các giai đoạn này có thể ngắn hay dài, trong đó xu thế tình dục thể hiện qua vận động và tình cảm, hình thành các động thái luyến ái gần liền với những vùng quy tụ năng lực tình dục khác nhau, cho đến khi chúng ta trưởng thành.

Bao quát các giai đoạn phát triển này, tình dục và tình cảm của trẻ nói chung trải qua hai thời kỳ quan trọng. Trong thời kỳ thứ nhất, gọi là thời kỳ tự thõa mãn (auto–erotism), trẻ hướng về bản thân để tìm thỏa mãn (bú ngón tay, lắc lư thân mình, thủ dâm, v.v…). Sang thời kỳ thứ hai, trẻ dần dần hướng về người khác để tìm thỏa mãn (hetero–erotism); trong các giai đoạn thuộc thời kỳ này, hành vì tình dục và tình cảm của trẻ hướng về người khác. Qua đó, tre biết từ bỏ một số hành vi và ham thích nhằm chinh phục, đối phó và cũng để cảm thông người khác.

B. THỜI KỲ TỰ THỎA MÃN

Thời kỳ này bao gồm 2 giai đoạn: miệng và hậu môn.

1. Giai đoạn miệng (oral stage): Giai đoạn miệng khởi thủy phù hợp với 6 tháng đầu đời của trẻ. Trong giai đoạn này, miệng là vùng khoái cảm quan trọng nhất, đồng thời cũng là phương tiện đầu tiên giúp trẻ tiếp cận và liên lạc với ngoại giới. Liên lạc bằng cách đem vào bên trong thân xác của chúng. Bú là một hành vi khiến trẻ cảm thấy khoái lạc. Trẻ bú vú mẹ, bú ngón tay, và bú bất cứ thứ gì cho được vào miệng. Thật vậy, trong khi thiếu thốn và chờ đợi vú mẹ hay bình sữa, trẻ bú ngón tay cai hay đôi khi bú ngón chân của chúng, và làm như thế chúng cảm thấy khuây khỏa và thỏa mãn. Giai đoạn miệng có thể kéo dài thêm khoảng 6 hay 8 tháng. Bởi vì răng bắt đầu mọc, nên trẻ khi thì bú lúc thì ăn. Trẻ thích ăn vì chúng cảm thấy khoái lạc khi cắn một cái gì đó. Những động tác giác quan và vận động phát triển khiến cho trẻ ngày càng “cắn” vào thực tại nhiều hơn. Nhưng cũng chính vào khởi điểm này. Trẻ bắt đầu gặp phải các hoàn cảnh thực tại phủ phàng đầu tiên cũng như những cấm đoán đầu tiên: những kinh nghiệm đau đớn đầu tiên như phỏng tay, té chẳng hạn, và lời la mắng đầu tiên. Như vậy, nguyên tắc thực tế (reality principle) bắt đầu xuất hiện trong thế giới tâm lý của chúng, buộc chúng phải thích nghi với các đòi hỏi thực tế. Vào lúc này, trẻ bắt đầu học cách hoãn lại sự thỏa mãn một nhu cầu nhất định, hoặc nếu cần từ bỏ một khoái cảm tức thời nào đó, để tránh đau khổ sau đó hoặc để được cha mẹ hài lòng khen ngợi. Liên hệ với người khác bắt đầu thiết lập. Các biến cố như dứt sữa, thay thế thức ăn lỏng bằng thức ăn cứng, những cơn đau răng đầu tiên chẳng hạn đều góp phần tác động đến đời sống tình cảm của trẻ.

Chúng ta lưu ý thêm rằng trong giai đoạn này, sự hiện diện của người mẹ, hình ảnh mà trẻ có thể thấy được và xúc chạm được. Sự hiện diện này thực cần thiết cho sự phát triển trọn vẹn của trẻ. Đối với chúng, bà mẹ là nguồn gốc của cảm giác no nê, thỏa mãn, và an toàn. Nhưng nếu giai đoạn này keo dài quá lâu (như trường hợp dứt sữa qua trễ), trẻ sẽ bị ngưng kết (fixation) trong giai đoạn miệng này, khiến cho đến trình phát triển tâm lý của chúng bị chậm lại.

2. Giai đoạn hậu môn (anal stage) Giai đoạn này kéo dài từ khi trẻ xấp xỉ lên 2 cho đến khi lên 3 hay 4 tuổi. Vào tuổi lên 2, thức ăn cho trẻ thay đổi dần khiến cho trẻ phù hợp với một loạt những kinh nghiệm tự thỏa mãn, quy tụ năng lực của trẻ vào bộ phận đi ngoài của chúng. Trẻ lại càng chú trọng nhiều hơn đến bộ phận này, bởi vì cha mẹ chúng muốn chúng, khuyến khích chúng kiểm soát được vấn đề đi ngoài để được sạch sẽ hơn. Chính vì thế mà giai đoạn này được gọi là giai đoạn hậu môn.

Tình trạng áp chế của thực tế ngày càng hiển nhiên và cứng rắn hơn. Nhân dịp những nỗ lực giáo dục ban đầu này, trẻ chợt khám phá được trò chơi tự thỏa mãn bằng cách giữ phân lại một thời gian và qua hành vi này chúng cảm thấy khoái lạc. Về mặt tình cảm, việc làm chủ được hành động của mình khiến cho trẻ có dịp lựa chọn một trong hai lối cư xử: hoặc thỏa mãn người lớn, bằng cách tuân thủ mệnh lệnh của họ về vệ sinh thân thể, hoặc chống đối người lớn, bằng cách cố tình giữ phân lại để rồi làm bẩn quần áo và giường chiếu.

Ngay trong giai đoạn này, chúng ta thấy được các biểu hiện tính gây hấn (aggresion) đầu tiên của trẻ. Giữ vệ sinh thân thể là nhượng bộ đầu tiên của trẻ đối với các bậc cha mẹ, nhưng chúng vẫn cứ sẵn sàng từ bỏ nhượng bộ nếu như chúng cảm thấy thất vọng vì mất mát (như khi chúng có em nhỏ chẳng hạn) để cho các vị ấy quan tâm chăm sóc chúng lại như trước đây. Như vậy, đây là thời kỳ chống đối mà trẻ phải trải qua, và thái độ chóng đối lì lợm của chúng giải thích tại sao người ta còn gọi giai đoạn này là giai đoạn sadism – hậu môn. Thái độ chống đối này góp phần giúp cho trẻ ý thức được khả năng tự chủ của chúng, cho nên lúc này can thiệp giáo dục của bậc cha mẹ phải nhẹ nhàng và tế nhị, bởi vì chống đối gây hấn là hiện tượng bình thường trong sự phát triển tâm lý và tình cảm của trẻ. Trong giai đoạn này, bởi vì trẻ cần được hoàn cảnh sống nhìn nhận cái tôi cá biệt của chúng, nên chúng chống đối để tự khẳng định, và để được nhìn nhận. Sau này, thanh thiếu niên sẽ quay lại hành vì chống đối này, nhưng lại được định hướng bội ước muốn khẳng định tình trạng độc lập của họ. Sự chống đối này thể hiện qua tác phong nối loạn, hành vi vô kỷ luật và thái độ lì lợm. Nếu thuộc loại đa cảm, thanh thiếu niên sẽ đau khổ nhiều vị cho rằng không ai hiểu họ, vì vậy họ có thể bỏ nhà đi hoang. Hành động này chẳng qua chỉ để thể hiện ước muốn vô thức xem các bậc cha mẹ có thật tâm yêu thương chúng không.

Giai đoạn hậu môn cũng là thời kỳ xuất hiện những cơ chế thay thế (mechanism of substitution) gần liền với sự vật hữu hình. Nếu chúng ta cấm đoán trẻ, không cho chúng quan tâm quá nhiều đến phận của chúng, như không được phép vọc phân chẳng hạn. Trẻ sẽ cố tìm những vật khác đế thay thế. Thí dụ, chúng sẽ chơi đất cát hay những đồ chơi dơ bẩn khác. Hiện tượng thèm muốn sờ mó, vọc phá và cất giữ ích kỷ của chúng (thú sưu tập dường như biểu tượng cho hành vi giữ phân lại hồi còn bé của chúng ta) phù hợp với sự phát triển các khả năng vận động và trí tuệ của trẻ. Sự vật dường như vừa là đối tượng của óc tò mò của chúng, vừa là đối tượng của những tình cảm mất mát khiến cho chúng thất vọng. Chính cảm giác bị tổn thương khiến chúng phóng rọi nội tâm lên sự vật vồ tri để chúng có cảm tưởng các vật này có linh hồn tương tự như chúng vậy. Nếu bị trừng phạt hay đau lòng, chúng sẽ chơi với các vật này, như con gấu hay con búp bê chẳng hạn, để tự an ủi. Nhưng vì những đồ chơi này không biểu tượng cho con người, nên chúng có thể phóng rọi tính gây hấn bị dồn nén bằng cách đập bể đồ chơi đi. Những hành động thay thế (substitution và bù đắp (compensation) tuy được thể hiện cố ý, nhưng lại không được ý thức chấp nhận và cảm thông. Tuy chúng tiêu pha năng lực của trẻ, nhưng chúng không hủy diệt được nhu cầu được yêu thương mà trẻ đòi hỏi ở bối cảnh sống, và đặc biệt ở người mẹ, để bù đắp những mất mát của trẻ. Do đó, cần phải tạo cho trẻ một bầu không khí an toàn, và thỉnh thoảng để mặc cho trẻ giải tỏa tinh gây hấn bằng những hành động đập phá và chiếm hữu.

Tuy nhiên, nếu bầu không khí gia đình quá dễ dãi, nếu gia định đồng lõa với các hành vi vô kỷ luật và gây hấn của trẻ, tình trạng này sẽ đưa đến hiểm họa làm đình trệ tiến trình phát triển tâm lý của chúng, và làm cho chúng ngưng kết trong các thái độ chống đối với một người nào đó (như người cha chẳng hạn). Sau này khi trẻ lớn lên, những tác phong chống đối mù quáng như thế có thể lan tỏa ra, bao gồm các hành vì chống đối những người thuộc thành phần lãnh đạo trong xã hội, hay chống đối cả đến một giai cấp xã hội, và thậm dù chống lại toàn thể xã hội nữa. Như vậy chúng ta không nên quên lãng vào tuổi này, trẻ không thích vâng lời. Muốn trẻ vâng lời, chúng ta buộc phải cưỡng chế chúng. Nhưng để tránh gây chấn thương tâm lý (psychological traumas) có thể có do các biện pháp can thiệp nhưng mục đích giáo dục, chúng ta nên bù đắp những yêu cầu của chúng ta đối với trẻ bằng thái độ khoan dung. Như đã nói, trẻ có nhu cầu được yêu thương ngang bằng với nhu cầu được người lớn dạy dỗ, nhu cầu bị buộc phải tuân thủ kỷ luật. Trong tác phẩm La Personnalite de I’enfant, Mucchielli có viết như sau: “Bản ngã có nhu cầu chống đối để ý thức cũng như để khắng định chính mình. Nhưng bản ngã cũng có nhu cầu gặp phải sức kháng cự để thử thách chính mình, và để thử thách sức đề kháng thuộc hoàn cảnh sống của nó. Nếu hoàn cảnh luôn luôn nhượng bộ trẻ thì bản ngã của chúng không thể vững mạnh được, và đến sau này gặp phải những trở ngại thật sự chúng sẽ không đủ sức vượt qua các trở ngại ấy. Ngược lại, nếu hoàn cảnh quá trói buộc trẻ, và nếu chúng ta ra tay đập tan cái bản ngã đang phát sinh, chúng ta sẽ làm cho trẻ thiếu tự tin, và không có cảm giác an toàn cần thiết cho đời sống bình thường.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.