Tâm lý học căn bản

Chương 11 – Phần 8



3. Giai đoạn sinh dục (Genital stage):

Đây là giai đoạn sau cùng trước khi thanh thiếu niên hòa mình vào thế giới của người lớn về mặt lý thuyết. Giai đoạn này ăn khớp với tuổi dậy thì, tức là từ 11 hay 12 tuổi cho đến 15 hay 17 tuổi, tùy từng trường hợp.

Trong suốt giai đoạn này, nhiều biến đổi sâu sắc diễn ra, tạo nên một khuôn mặt mới cho cá tính của thanh thiếu niên. Những thúc đẩy bản năng hiện hành trở lại rất mãnh liệt và do sự kiện giờ đây chúng ý thức được những phán đoán và ràng buộc của xã hội và nền văn hóa, nên tình trạng ức chế và dồn nén hành động của thanh thiếu niên dường như được tăng cường hơn khiến cho những xung đột nội tâm của chúng sống lại rất mạnh mẽ.

Trước hết, trong thời kỳ này trẻ chịu nhiều tác động của những xáo trộn sinh lý lớn lao: Tất cả các hạch nội tiết được điều hòa và phù trợ nhau theo một cách vận hành mới mẻ, đôi khi rất khó khăn; não thùy, tuyến giáp, hạch thượng thận, hạch sinh dục, tất cả đều liên hệ chặt chẽ hơn với vùng cấu tạo dưới đồi não, là trung tâm điều hòa khí chất (hoặc phấn chấn hoặc suy nhược). Thế nhưng, sự điều hòa những bộ phận nội tiết khác nhau tùy thuộc vào mức độ trưởng thành sinh lý, đồng thời cũng lệ thuộc vào hoàn cảnh tâm lý. Trên nguyên tắc, hoàn cảnh tâm lý phải tạo thuận lợi cho những biến đổi sinh lý sâu sắc, qua việc tạo nên chung quanh thanh thiếu niên một bầu không khí thoải mái và tin cậy, một bầu không khí đối thoại tích thực. Ngoài ra, các bậc trưởng bối cũng cần phải hỗ trợ cho thanh thiếu niên trong thời kỳ khủng hoảng này. Tuy nhiên, thường thường tính nóng nảy, cáu kỉnh và dễ chán chường mệt mỏi của thanh thiếu niên càng trầm trọng thêm do đòi hỏi quá mức của học đường, do tình trạng kích thích trong nỗ lực ganh đua trí thức và thể thao với nhau, và đặc biệt do tình trạng gây hấn hỗ tương giữa cha mẹ và con cái. Thực vậy, trong giai đoạn này thanh thiếu niên bắt đầu nghi ngờ uy quyền của cha mẹ, nghi ngờ các ràng buộc và cưỡng chế của xã hội, mà cho đến nay chúng vẫn chấp nhận. Do đó, chúng có khuynh hướng co mình lại ẩn nấp trong vỏ ốc và khước từ mọi nhịp cầu cảm thông với tha nhân.

Dưới ảnh hưởng của các thúc đẩy bản năng, thanh thiếu niên cảm thấy lo âu và sợ hãi, nhất là khi chúng không hiểu rằng những khát vọng mới lạ này thực ra rất tự nhiên và bình thường. Mặc khác, lại bị xã hội ràng buộc phải sống trong tình cảnh vừa không phải là trẻ con vừa chưa phải là trưởng thành, thanh thiếu niên cảm thấy không làm chủ được trí tưởng tượng của mình, vì vậy trí tưởng tượng bày đặt ra đủ thứ để bù đắp cho những thất vọng và mất mát thường ngày. Lúc này, thái độ nghiêm khắc hay lạnh nhạt của các bậc cha mẹ có thể làm gia tăng khuynh hướng này, dồn thanh thiếu niên náu thân trong thế giới tưởng tượng riêng tư để trốn tránh thực tại. Thanh thiếu niên thích ngồi một mình để trầm ngâm suy tưởng, để tự thỏa mãn tình dục, thích sống với nội tâm đầy những hình ảnh tuy ảo tưởng nhưng lại khá hấp dẫn. Những hình ảnh này thỏa mãn thấp kém những khát vọng của chúng. Tình trạng này khiến cho thanh thiếu niên thích sống xa rời thực tế, trốn tránh đương đầu với thực tại cuộc sống. Nếu khuynh hướng này thật sự nghiêm trọng, thì sau này khi lớn lên chúng sẽ quen thói sống co rút trong tháp ngà của trí tưởng tượng, sống cho mình và với mình. Ngoài ra, chúng sẽ khép kín tâm hồn với tha nhân, và dấy lên mặc cảm tội lỗi vì đời sống tưởng tượng phóng khoáng và thiếu kỷ luật của mình. Cuối cùng, chúng còn cố gắng bù đắp những giới hạn và thất bại trong đời, bằng cách quay lại ẩn sâu vào thế giới ảo tưởng riêng tư để xoa dịu tâm hồn, thay vì chấp nhận để nỗ lực vượt qua mọi thất bại đau đớn của mình.

Khuynh hướng muốn lẩn trốn trong thế giới ảo tưởng riêng tư lại càng mãnh liệt hơn nếu các khao khát tình dục bị ngăn cấm, bởi vì nó làm hồi sinh mặc cảm tội lỗi vốn hình thành vào giai đoạn mặc cảm Oedipus. Chính vì thế, nếu hoàn cảnh sống của thanh thiếu niên tăng cường ý thức tội lỗi của chúng bằng thái độ nghiêm khắc quá mức, chúng sẽ phải sống trong thế giới nội tâm bệnh hoạn đầy mặc cảm tội lỗi. Thái độ tôn vinh sự trinh trắng thiên thần, sự trong trắng vượt ngoài thể xác, và làm ngơ trước những cám dỗ của xác thân, có thể làm cho thanh thiếu niên tiếp tục sống trong thế giới ảo tưởng, tìm kiếm những thỏa mãn tưởng tượng, sống với thế giới đầy cám dỗ của những mặc cảm tội lỗi. Vì vậy, chúng ta nên tìm cách đối thoại cảm thông tích thực với thanh thiếu niên. Nhờ đó, chúng ta giúp chúng vượt khỏi phạm vi ảnh hưởng của những tình cảm tội lỗi trong thời thơ ấu, để đảm nhận trách nhiệm giống như người trưởng thành. Thật vậy, đảm nhận trách nhiệm tức là phải hiểu rõ ràng đức hạnh không phải là trong trắng như thiên thần, mà cũng không phải là sự lựa chọn nghiệt ngã giữa thiên thần và ác quỷ. Đức hạnh biểu hiện qua kỳ vọng và quyết tâm dần dà làm chủ được bản thân. Thế nhưng, muốn vậy thanh thiếu niên phải từ bỏ hành vi tình dục trong tưởng tượng, bởi vì đó chỉ là sự trốn tránh trách nhiệm của ý chí. Cũng vậy, nhờ đối thoại tự do với người lớn, thanh thiếu niên có thể hiểu được rằng tình dục chỉ là một thứ ngôn ngữ yêu đương, nhờ đó hai người yêu nhau cảm thông được với nhau, chứ tình dục không phải là một kỹ thuật nhằm tự thỏa mãn ích kỷ, thiếu sự đồng điệu của đối tượng. Cuộc đối thoại này chỉ có thể thực hiện được nếu nhà giáo được trang bị đầy đủ những dữ kiện tâm lý của tuổi thanh thiếu niên. Vào tuổi này, thanh thiếu niên không còn muốn chấp nhận thân phận con nít của mình nữa. Chúng đối chọi, nhưng vì chưa đủ khả năng xây dựng nên chưa biết làm gì. Đó là cơn khủng hoảng lập dị của thanh thiếu niên, trong đó chúng bắt chước đủ thứ vai trò xã hội quan trọng nhất, mà dĩ nhiên chúng không thể giữ lấy vai trò nhất định nào.

Nhưng chính trong sự bắt chước thử này mà chúng tự tìm tòi và bắt đầu tự khám phá bản thân. Khi đóng vai trò người lớn, nhưng biết rằng mình đóng kịch, chúng không nhằm tìm cách đạt được tình trạng giải phóng khỏi những cưỡng chế của gia đinh, xã hội, hay đạo đức, mà chỉ muốn tạo những khoảng cách nào đó đói với các chuẩn mực văn hóa xã hội, để có thể phán đoán các chuẩn mực này. Chúng ta nên tạo thuận lợi cho thời kỳ tập sự và trưởng thành óc phán đoán này, bởi vì nó chuẩn bị cho thanh thiếu niên hội nhập vào đời sống xã hội, một đời sống đòi hỏi chúng một khi đã lựa chọn một vai trò nào đó cần phải kiên định trong sự lựa chọn ấy. Bước vào thế giới trưởng thành chinh là sự nhập cuộc lâu dài. Như vậy, tạo thuận lợi cho thanh thiếu niên trong thời kỳ khủng hoảng chính là mềm dẻo trong cách thức sử dụng uy quyền trong những quan hệ với thanh thiếu niên chứ không phải hủy bỏ uy quyền, chính là khoan dung chứ không phải khuyến khích xung đột.

Trên thực tế, trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên đặt lại vấn đề giá trị của những khuôn mẫu và huyền thoại mà họ vẫn chấp nhận cho đến nay. Vã lại, chính sự kiện đặt nghi vấn này giúp cho chúng thử thách những vai trò xã hội khác nhau, chứ không liên hệ mật thiết với bất kỳ vai trò nhất định nào. Các bé gái không còn đồng hóa hoàn toàn với mẹ của mình nữa: chúng tách rời khỏi bà mẹ và bắt đầu phê phán bà. Các bé trai cũng không còn xem người cha như tấm gương đầy uy quyền nữa, và bắt đâu chống chọi lại ông bằng cách bênh vực những ý tưởng (chính trị, tôn giáo, v.v…) thời trang, và hành vi thường thường trái ngược với những gì cho đến nay chúng vẫn ngưỡng mộ. Thanh thiếu niên đóng vai trò những người bất khuất, không chịu phục tòng, những người có giá trị nhưng không được ai hiểu mình (hành vi lãng mạn của tuổi trẻ).

Giai đoạn này cũng là thời kỳ hiếu kỳ tình dục và tự mê quá mức đối với bản thân (narcissisme), thời kỳ hỏi han thắc mắc và tâm tình. Chính trong thời kỳ này các bậc cha mẹ phải ngăn ngừa những phút tâm tình bệnh hoạn (morbid confidence) giữa thanh thiếu niên với nhau, và đáp ứng thẳng thắn tính hiếu kỳ của chúng về mặt tình dục. Cần tế nhị trong việc dẫn dụ thanh thiếu niên tâm sự với chúng ta, bởi vì trong giai đoạn này chúng không thích tâm sự với những người mà chúng không tin cậy, mà chỉ muốn sống trong vỏ óc để chiêm ngưỡng chính mình, đế nghiên cứu và thích thú với những nét độc đáo của mình. Thế nhưng, thái độ tháp ngà này có thể tác hại cho các mối quan hệ giữa thanh thiếu niên với tha nhân. Thái độ này thường chỉ là hậu quả của một tình cảm tức giận đối với bản ngã của chúng mà chúng cho là giống người khác quá. Do đó, chúng ta cần nỗ lực chống lại tình trạng “co rút xã hội tính này bằng cách thực sự cởi mở hơn với chúng; dĩ nhiên không có nghĩa là phải quá dễ dãi đến mức đồng hóa với họ. Và thái độ đối thoại cởi mở này đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải xét lại bản thân, để chấp nhận từ bỏ thái độ xa cách mà họ khư khư ôm giữ cho đến nay.

Tuổi thanh xuân còn là thời kỳ cao thượng trong đó bản ngã lý tưởng và lòng dũng cảm của thanh thiếu niên được vun bồi. Thanh thiếu niên mê say những gì toàn bích và vĩ đại. Không chỉ say mê mà còn yêu cầu mọi thứ phải mỹ mãn và tuyệt vời, tuổi thanh xuân là tuổi của những giá trị lý tưởng. Đây là thời kỳ lãng mạn, ngây thơ, và trữ tình, trong đó nhu cầu thương yêu khiến cho chúng thương yêu cả những ý tưởng của bản thân một cách cuồng nhiệt.

Tình bạn của chúng ngày càng gắn bó hơn, và đôi khi được màu sắc đồng tính luyến ái. Đây là tuổi nảy sinh tình trạng kết tinh (crystallization), trong đó thanh thiếu niên gán cho một con người bằng xương bằng thịt những ước mơ huyền thoại và những giá trị lý tưởng mà chúng hàng ấp ủ. Sở dĩ thanh thiếu niên hay tôn thờ thần tượng, hay thần thánh hóa nhân vật nào đó, bởi vì chúng ao ước nhiệt nồng rằng những giá trị ấy hiện hữu cho dù thực tế có phũ phàng. Chúng ta không nên quá thô bạo dập tắt những ước vọng cao thượng này của tuổi trẻ bằng một thái độ thờ ơ hay mỉa mai trịch thượng, bởi vì làm như thế chính là dập tắt niềm tin của chúng. Những kinh nghiệm quá sớm (dù về mặt tình dục, tình cảm, hay chính trị thay vì giúp cho thanh thiếu niên thích nghi với thực tại cuộc sống thường có khuynh hướng khiến cho chúng chán ngán, nổi loạn, hay cô độc.

Như vậy, sự chuyển tiếp từ tuổi thanh xuân sang cuộc sống trưởng thành thực là khó khăn và tế nhị. Đó là sự chuyển tiếp từ ảo tưởng đến thực tế, từ cuộc sống đầy khao khát sang cuộc sống của ý chí. Một mặt, chúng phủ nhận uy quyền của gia đình và xã hội, bởi vì trong vô thức chúng cảm thấy uy quyền này buộc phải từ bỏ quá nhiều thứ. Mặt khác, tình trạng bất trắc biểu hiện qua những biến cố trong cuộc sống người lớn mà chúng bắt đầu khám phá khiến cho chúng nảy sinh tâm trạng lo âu và sợ hãi. Giữa hai thái cực đó, thanh thiếu niên “đi dây giữa ảo tưởng và thực tế để tìm cho được con đường của mình”. (R. Mucchielli).

Luôn luôn xung đột với chính mình và với ngoại giới quanh mình, thanh thiếu niên trải qua một đoạn đời trong đó chúng phải đập tan các ảo tưởng, mà vẫn giữ được niềm tin nơi những giá trị tinh thần, di sản của nền văn hóa. Nếu không, chúng sẽ đánh mất lý tưởng hằng ấp ủ trước một thực tại phủ phàng và xấu xa, hay sẽ trốn tránh thực lại để náu thân vào thế giới ảo tưởng riêng tư. Trong cả hai trường hợp này, sự phát triển nhân cách của chúng sẽ bị ảnh hưởng tai hại.

Hiển nhiên, các bậc cha mẹ và giáo viên có nhiệm vụ giúp đỡ chúng chuyển từ thế giới chủ quan đầy mơ mộng và mặc cảm tội lỗi sang thế giới của trách nhiệm, của ý chí, và của thái độ nhập cuộc. Chúng ta phải chấp nhận thái độ lạnh lùng gàn dở của chúng, bởi vì thực ra thái độ này thường chỉ là chiếc mặt nạ che đậy tính hay mắc cỡ của chúng. Chúng ta phải chấp nhận thái độ bất tuân uy quyền mà cho đến nay chúng vẫn nhận chịu, điều này giúp cho chúng tự chủ và độc lập hơn. Chúng ta cũng nên khoan dung trước lời phê phán của chúng đối với bản thân chúng ta, đối với khuôn mẫu mà chúng ta thể hiện. Qua đó, chúng ta giúp thanh thiếu niên đối thoại bình đẳng với chúng ta, và giúp họ thực tập tác phong và cuộc sống của người trưởng thành. Đến một thời điểm nào đó, các bậc cha mẹ phải chấp nhận hy sinh vai trò bảo bọc đầy uy quyền mà họ vẫn giữ cho đến bấy giờ.

Sự hy sinh này thực cần thiết cho sự phát triển và trưởng thành nhân cách của thanh thiếu niên. Vả lại, bản thân người lớn chúng ta cũng không ngừng phát triển: chúng ta phải mất cả đời mình để “thành nhân”, qua đó nhân cách của chúng ta vẫn siêu vượt không ngừng trong mỗi giai đoạn cuộc đời của chúng ta.

V. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Phân tâm

2/ Sai; không thể quan sát trực tiếp vô thức được.

3/ 1–b; 2–c; 3–a.

4/ Bản ngã lý tưởng; lương tâm

5/ c

6/ Mặc cảm Oedipus

7/ Cơ chế phòng vệ

8/ Dồn nén; phủ nhận; hồi quy

9/ Thăng hoa

10/ Vô thức tập thể.

II.

1/ a. Chủ yếu; b. thứ yếu.

2/ d

3/ Lý thuyết của Eysenck cho rằng nhân cách có thể được miêu tả sáng tỏ nhất theo 2 chiều kích: hướng nội – hướng ngoại và dao động – ổn định.

4/ phân tích thừa số

5/ hướng ngoại

6/ b

7/ c

8/ Theo điều kiện quan sát

9/ Lòng tự tin

10/ a

III.

1/ tính tin cậy; hiệu quả/giá trị

2/ Chuẩn mực

3/ d

4/ Phóng ngoại nội tâm.

5/ Sai; trắc nghiệm này đã bị phê phán vì quá chủ quan.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.