Tâm lý học căn bản

Chương 13 – Phần 5



* Phẫu thuật tâm thần(psychosurgery): Phẫu thuật não để (giảm bớt các triệu chứng tâm lý. Thao tác thường được thực hiện nhất là mổ thùy não (lacotomy/locotomy), nhưng đôi khi người ta cũng dùng cách cắt bỏ amydan. Đây là liệu pháp hoàn toàn không thể vãn hồi được, vì vậy chỉ dành cho các triệu chứng nghiêm trọng nhất và không thể kiểm soát được, nhất là chứng lo âu và trầm cảm mạn tính nặng và cơn đau không chữa được. Tác dụng phụ có thể nghiêm trọng nhưng ít khi xảy ra với các phẫu thuật chọn lọc ngày nay (theo Từ điển Y học).

Phẫu thuật tâm thần tuy cải thiện được lối cư xử của bệnh nhân, nhưng không phải không gây ra các tác dụng phụ mãnh liệt. Bởi vì cùng với sự thuyên giảm các triệu chứng rối loạn tâm trí, người bệnh đôi khi bị biến đổi nhân cách, trở nên thờ ơ, nhạt nhẽo, và vô cảm. Trong các trường hợp khác, người bệnh trở nên hung tợn và không thể kiềm chế được các xung động của mình. Trong các trường hợp tệ hại nhất, bệnh nhân đã bị tử vong.

Mặc dù các nhược đệm này – và các nghi vấn hiển nhiên về mặt đạo đức ở tầm quan trọng của việc thay đổi vĩnh viễn nhân cách của một con người – phẫu thuật tâm thần đã được sử dụng trong hàng ngàn trường hợp trong các thập niên 1930 và 1940. Lối trị liệu này hồi ấy đã trở thành phổ biến đến mức ở một số bệnh viện mỗi ngày có đến 50 bệnh nhân được phẫu thuật tâm thần.

Với sự ra đời các liệu pháp dược phẩm hiệu nghiệm, phẫu thuật tâm thần trên thực tế đã tỏ ra lỗi thời. Dù vậy, liệu pháp này vẫn còn được sử dụng dưới hình thức bị cải biến đi trong các trường hợp rất hiếm khi tất cả các liệu pháp đã thất bại và lối cư xử của người bệnh gây nguy hiểm rất nhiều cho bản thân và người khác hoặc khi người bệnh bị cơn đau dữ dội không thế khống chế được, trong trường hợp bệnh thập tử nhất sinh. Hiện nay, khi sử dụng phẫu thuật tâm thần người ta vận dụng nhiều kỹ thuật chính xác hơn trước đây, và chỉ những mô não cực kỳ nhỏ bị cắt bỏ đi mà thôi. Dù vậy, ngay trong các trường hợp này các vấn đề đạo đức cũng được nêu lên, và phẫu thuật tâm thần vẫn là liệu pháp gây rất nhiều tranh luận.

4. Triển vọng của liệu pháp sinh học: Có thể chữa lành tác phong cư xử bất bình thường không?

Về một số khía cạnh, không có cuộc cách mạng nào trong lãnh vực sức khỏe tâm thân to lớn hơn sự ra đời liệu pháp sinh học. Các bệnh viện tâm thần có thể tập trung nỗ lực nhiều hơn vào việc giúp đỡ thực tế cho người bệnh, đồng thời không còn là nơi giam giữ những kẻ điên cuồng. Bởi vì các bệnh nhân trước đây hung bạo và không kiểm soát được nay đã trầm tỉnh hơn nhờ dùng thuốc. Tương tự, các bệnh nhân có cuộc sống bị đổ vỡ do chứng trầm cảm hoặc các cơn hưng cảm – trầm cảm nay đã có thể sinh hoạt bình thường, và những hình thức liệu pháp dược phẩm khác cũng gặt hái được thành quả rất khả quan.

Ngược lại, liệu pháp sinh học cũng bị phê phán. Một mặt, trong nhiều trường hợp các liệu pháp chỉ làm giảm bớt các triệu chứng rối loạn tâm trí mà thôi, và khi ngưng dùng thuốc thì các triệu chứng ấy lại tái phát ngay. Dù được xem là một bước đi quan trọng theo hướng đúng đắn, liệu pháp sinh học không giải quyết được khó khăn căn bản có thể còn tiếp tục ám ảnh người bệnh ngay cả khi họ đang được chữa trị. Ngoài ra, các liệu pháp sinh học có nhiều tác dụng phụ, từ các phản ứng thể xác cho đến tình trạng phát triển các triệu chứng cư xử bất bình thường mới lạ nữa. Vì các lý do này, liệu pháp sinh học không được xem là một biện pháp trị lành tất cả các dạng rối loạn tâm lý.

5. Phong trào tâm lý cộng đồng: nhằm mục tiêu ngừa bệnh

Các lối chữa trị mà chúng ta đã duyệt qua trong chương này đều có chung một đặc điểm là: Chúng đều là các lối chữa trị “hồi phục”, nhằm mục đích giảm bớt các rối loạn tâm lý hiện hữu. Nhưng một phong trào tương đối mới mẻ, mệnh danh là phong trào tâm lý cộng đồng (community psychology) lại nhằm vào mục tiêu khác hẳn: ngăn ngừa hay tối thiểu hóa các dạng rối loạn tâm lý.

Phong trào này xuất hiện vào thập niên 1960 khi người ta phát động kế hoạch nhằm xây dựng một mạng lưới các trung tâm sức khỏe tâm thần ở các cộng đồng trên toàn quốc. Các trung tâm này có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ít tốn kém, bao gồm liệu pháp ngắn hạn và các chương trình giáo dục cộng đồng. Ngoài ra, trong suốt 30 năm gần đây số người điều trị nội trú ở các bệnh viện tâm thần đã giảm xuống đáng kể, bởi vì các liệu pháp dược phẩm đã khiến cho việc giam giữ bệnh nhân không còn cần thiết nữa. Làn sóng những người bị bệnh tâm thần trước đây đã tràn vào các cộng đồng, gọi là hiện tượng giải thể (deinstitutlonalization), đã thúc đẩy phong trào tâm lý cộng đồng tiến xa hơn, liên quan đến việc bảo đảm sao cho những bệnh nhân xuất viện không chỉ tiếp nhận được sự chữa trị đúng mức mà còn bảo vệ được quyền công dân của họ nữa.

Không may thay, các mục tiêu ban đầu của phong trào này không đạt được. Thí dụ, tỷ lệ người bị rối loạn tâm trí vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Nhiều người cần được chữa trị lại không được điều trị đúng mức, và trong một số trường hợp việc chăm sóc dành cho người bị rối loạn tâm lý chỉ đơn giản là chuyển đổi một môi trưởng chữa trị này sang một hoàn cảnh khác mà thôi.

Tuy vậy, phong trào này đã cho thấy một vài kết quả đáng khích lệ. Một trong số đó là việc lắp đặt các “đường dây diện thoại nóng” ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Người bị căng thẳng trầm trọng có thể gọi điện vào bất kỳ giờ giấc nào dù ngày hay đêm để nói chuyện với một viên chức nhiệt tình và chuyên môn, người này có thể đề nghị lập tức cách chữa trị – mặc dù rõ ràng là rất hạn chế.

Trung tâm giải quyết khủng hoảng tâm lý ở các trường đại học là một cải tiến khác phát sinh từ phong trào tâm lý cộng đồng. Mô phỏng các trung tâm đường dây nóng ngăn chặn tệ nạn tự sát (các nơi dành cho các nạn nhân định tự sát gọi điện để bày tỏ với ai đó về các khó khăn của họ), các trung tâm giải quyết khủng hoảng tâm lý trong khuôn viên đại học giúp cho người gặp rắc rối có cơ hội gọi điện tâm sự về các khủng hoảng trong cuộc sống của họ với người sẵn lòng cảm thông với họ. Người này thường là một sinh viên công tác tình nguyện.

Tuy không phải là nhà chuyên môn, những người tình nguyện này được huấn luyện cẩn thận về cách khuyên bảo qua điện thoại. Trong cuộc huấn luyện, họ đóng vai những người gặp phải vấn đề khó khăn đặc biệt và được chỉ dẫn cách trả lời những trường hợp mà họ sẽ phải ứng phó với người gọi điện. Những người tình nguyện này cũng tổ chức họp nhóm để thảo luận về các khó khăn mà họ đang gặp phải và để chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp đối phó hữu hiệu nhất.

Bởi vì không phải là nhà chuyên môn, nên dĩ nhiên người tình nguyện này không thể đề nghị được liệu pháp lâu dài cho những người gọi điện tiếp xúc với họ, nhưng họ có thể đem đến cho người gọi điện câu trả lời xây dựng và khích lệ – thường là trong thời điểm cấp thiết nhất. Họ cũng có thể chuyển giao người gọi điện đến những cơ quan thích hợp ngay tại trường đại học hay ở bên ngoài để người này được giúp đỡ lâu dài theo nhu cầu của họ.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC: CHỌN ĐÚNG THẦY ĐÚNG THUỐC

Giả sử anh bạn Ben, người nhờ bạn khuyên bảo về loại liệu pháp nào hiệu nghiệm nhất, đã quyết định chọn được liệu pháp và bắt đầu xúc tiến chữa trị. Anh ấy làm thế nào để biết mình đã chọn đúng thầy thuốc?

Một lần nữa, câu trả lời thật không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, có một số điểm mà những người cần đến các dịch vụ tâm lý có thể và nên quan tâm đến để biết chắc rằng liệu họ đã chọn lựa đúng hay không.

– Mối quan hệ giữa người bệnh với thầy thuốc phải là mối quan hệ dễ chịu. Người bệnh không nên sợ hãi hoặc không cần phải kinh sợ thầy thuốc, mà phải tin cậy thầy thuốc để có thể tự do thảo luận các vấn đề riêng tư nhất mà không e ngại gặp phải phản ứng khó chịu.

– Thầy thuốc phải được huấn luyện thích hợp và có năng lực về loại liệu pháp áp dụng, và phải có giấy phép hành nghề do các cơ quan có thẩm quyền cấp.

Không có gì vi phạm quy ước hành nghề nếu như trong lần thăm bệnh đầu tiên người bệnh yêu cầu thầy thuốc cho biết một số thông tin về khả năng chuyên môn của vị ấy, bởi vì phải là khách hàng khôn ngoan mới nêu ra được câu hỏi ấy.

– Người bệnh phải thấy mình đang tiến bộ trong việc giải quyết các khó khăn tâm lý sau khi bắt đầu chữa trị, dù đôi khi không được như ý. Tuy không có thời khóa biểu nhất định, các biến chuyển hiển nhiên nhất nhờ chữa trị thường xuất hiện khá sớm trong thời gian điều trị (Nhưng sau đó diễn biến có thể chậm hơn trong trường hợp các rắc rối có nguyên nhân sâu xa). Nếu người bệnh không thấy có tiến bộ sau nhiều lần đến chữa trị, vấn đề này phải được thảo luận trung thực để có thể xét đến khả năng thay đổi cách chữa trị. Hiện nay hầu hết các liệu pháp đều không kéo dài thời gian chữa trị, nhất là đối với các sinh viên đại học – trung bình chỉ cần năm buổi chữa trị là đủ.

– Người bệnh cần biết rõ rằng họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc chữa trị. Mặc dù nền văn hóa của chúng ta hứa hẹn các phương thuốc nhanh chóng trị lành bất kỳ loại rối loạn nào – như bất kỳ người nào ưa thích đọc sách đều biết nhưng trên thực tế việc giải quyết các khó khăn này không phải là công việc dễ thực hiện. Người bệnh phải dốc sức thực hiện các yêu cầu chữa trị và phải biết rằng chính bản thân họ, chứ không phải thầy thuốc, mới là người phải làm mọi cách để giải quyết vấn đề riêng tư của mình. Tương lai sẽ đền bù xứng đáng cho công sức đã bỏ ra – khi người bệnh cảm nhận được cuộc sống vui tươi, mỹ mãn, và đầy ý nghĩa.

6. Tóm tắt và học ôn III

A. TÓM TẮT

– Các liệu pháp sinh học gồm có liệu pháp dược phẩm (drug therapy), liệu pháp giật điện (electric–shock therapy), và phẫu thuật tâm thần (psychosurgely).

– Liệu pháp dược phẩm đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong việc làm giảm bớt các triệu chứng rối loạn tâm trí. Các phương thuốc được sử dụng là thuốc ức chế tâm thần (antipsychotic drugs), thuốc chống trầm cảm (antideprenant drugs), và thuốc trị lo âu (antianxiety drugs)

– Liệu pháp co giật điện (electro convulsive therapy – ECT) yêu cầu cho dòng điện đi qua não bộ bệnh nhân mắc phải các dạng rối loạn tâm lý nghiêm trọng, nhất là chứng tâm thần phân liệt và chứng trầm cảm.

– Loại liệu pháp sinh học cực đoan nhất là phẫu thuật tâm thần. Trong đó người bệnh phải chịu phẫu thuật não. Dù hiện nay hiếm được dùng đến, nhưng thao tác phẫu thuật cắt bỏ chất trắng ở thùy não trước trán (prefronta/ lobotomy) là hình thức chữa trị thông dụng trước đây.

– Phong trào tâm lý cộng đồng (community psychology) nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa các trường hợp rối loạn tâm lý.

B. HỌC ÔN

1/ Giông như penicillin, thuốc ức chế tâm thần là phương thuốc hiệu nghiệm, lâu dài và hoàn hảo đối với chứng tâm thần phân liệt. Đúng hay Sai?

2/ Một trong các phương thuốc hiệu nghiệm nhất thuộc liệu pháp sinh học chữa trị các dạng rối loạn tâm lý, được sử dụng chủ yếu nhằm chặn đứng và ngăn ngừa các cơn hưng cảm – trầm cảm là:

a. Chiorpromazine

b. Lithium

c. Librium

d. Valium

3/ Khởi thủy biện pháp chữa trị chứng tâm thần phân liệt, tức là… yêu cầu cho dòng điện đi qua đầu bệnh nhân.

4/ Phẫu thuật tâm thần đã trở thành một biện pháp chữa trị phổ biến khi các kỹ thuật giải phẫu tiến đến mức chính xác hơn. Đúng hay sai?…

5/ Xu hướng giải phóng nhiều bệnh nhân ra khỏi các bệnh viện tâm thần trả về các cộng đồng dân cư được gọi là hiện tượng…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Phải chăng kỹ thuật ECT và phẫu thuật tâm thần là các liệu pháp hợp đạo đức?

Phải chăng có những trường hợp không bao giờ cần phải dùng đến các liệu pháp này?

Phải chăng sự kiện không ai biết được lý do tại sao ECT lại hiệu nghiệm có nghĩa là nên tránh dùng đến liệu pháp này? Nói chung, có nên dùng đến các liệu pháp tỏ ra hiệu nghiệm dù không biết rõ lý do?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

III. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

– Các liệu pháp tâm lý và sinh học nhằm vào các mục tiêu nào?

1. Tuy gồm có nhiều biện pháp chữa trị khác nhau, nhưng liệu pháp tâm lý (Psychological therapy) và liệu pháp sinh học (biologically based therapy) đều nhằm mục tiêu chung là giải quyết các rối loạn tâm lý nhờ cải sửa ý nghĩ, tình cảm, kỳ vọng, cách đánh giá, và sau cùng lề lối ứng xử của người bệnh.

– Liệu pháp tâm lý gồm có các liệu pháp căn bản nào?

2. Liệu pháp phân tâm (psycho analytic therapy) căn cứ vào lý thuyết động lực tâm lý của Sigmund Freud. Liệu pháp này tìm cách đưa các xung đột chưa giải quyết được trong quá khứ và các xung động không chấp nhận được từ vô thức lên tầng ý thức, nơi đó các khó khăn sẽ được giải quyết hữu hiệu hơn. Để làm điều này, người bệnh thường xuyên gặp thầy thuốc và sử dụng các kỹ thuật như liên kết tự do (free association) và giải thích giấc mơ (dream interpretation). Tiến trình chữa trị có thể gặp khó khăn do các hiện tượng đề kháng (resistance) và chuyển di thái độ (transference) phát sinh từ phía bệnh nhân, và không có chứng cứ xác nhận tiến trình này hiệu nghiệm.

3. Các liệu pháp theo quan điểm tác phong (behavioral approaches to treatment – còn gọi là liệu pháp hành vi) xem bản thân hành vi ứng xử bất bình thường là vấn đề phải giải quyết, chứ không xem hành vi ấy là triệu chứng phát sinh do một nguyên nhân căn bản nào đó. Quan điểm này cho rằng muốn “lành bệnh” người bệnh phải được giúp đỡ cải sửa biểu hiện hành vi ứng xử của họ. Theo kỹ thuật tạo điều kiện gây ác cảm (aversive conditioning), người ta kết hợp các kích thích khó chịu với lối ứng xử ưa thích mà bệnh nhân muốn từ bỏ. Kỹ thuật giảm cảm thụ dần dần (systematic desensitization) sử dụng thao tác ngược lại. Một kích thích gây cảm giác dễ chịu cặp đôi với một kích thích gây tâm trạng lo âu được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm mục đích làm giảm tâm trạng lo âu ấy. Còn học tập theo quan sát (observational learning) là một liệu pháp hành vi khác nhằm chỉ dẫn cho bệnh nhân lối ứng xử mới mẻ và thích hợp hơn, sử dụng các kỹ thuật như hệ thống thẻ khen thưởng (token system) chẳng hạn.

4. Các liệu pháp theo quan điểm tiến trình trí tuệ (cognitive approaches to treatment), thường gọi là liệu pháp hành vi trí tuệ (cognitive–behavioral therapy), cho rằng mục tiêu chữa trị là phải tái xây dựng niềm tin để người bệnh có một quan điểm thực tiễn và hợp lý hơn về thế giới xung quanh. Hai thí dụ về các liệu pháp này là liệu pháp xúc cảm hợp lý (rational–emotive therapy) của Ellis và liệu pháp trí tuệ (cognitive therapy) của Beck.

5. Liệu pháp nhân bản (humanistic therapy) căn cứ vào tiền đề cho rằng con người có khả năng kiểm soát cách cư xử của mình, rằng con người có thể chọn lựa cuộc sống cho mình, và rằng con người có bổn phận giải quyết các vấn đề riêng tư của mình. Thầy thuốc theo liệu pháp nhân bản sử dụng biện pháp không chi phối, hành động như là người hướng dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giúp người bệnh tìm ra giải pháp cho bản thân họ. Một thí dụ về liệu pháp nhân bản là liệu pháp tập trung – vào – người bệnh (client–centered therapy) của Carl Rogers nhằm giúp cho bệnh nhân vươn đến bản chất lương thiện vốn được xem là bản chất độc đáo của nhân loại. Liệu pháp khẳng định tính hiện sinh (existential therapy) giúp cho người bệnh thích nghi với bản chất tự do và tiềm năng độc đáo mà con người sở đắc nhờ tình trạng hiện sinh của mình, trong khi liệu pháp tổng thể (gestalt therapy) nhằm giúp đỡ người bệnh hợp nhất được ý nghĩ, tình cảm, và cách cư xử của họ.

– Liệu pháp tâm lý nói chung hiệu nghiệm đến mức nào, và loại liệu pháp nào hiệu nghiệm nhất trong một tình huống nhất định?

6. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều cho rằng nói chung người bệnh được chữa trị theo bất kỳ liệu pháp nào cũng khả quan hơn trường hợp không được chữa trị, mặc dù không biết rõ mức khả quan hơn bao nhiêu. Câu trả lời còn kém sáng tỏ hơn nữa đối với một nghi vấn khó giải đáp hơn là liệu phương pháp chữa trị nào hiệu nghiệm nhất, phần nào bởi vì các liệu pháp đều rất khác biệt nhau về mặt tính chất, và phần nào bởi vì định nghĩa thuật ngữ – “chữa lành bệnh” rất mù mờ. Dù vậy, điều không ai có thể nghi ngờ được là đối với một vài dạng rối loạn tâm lý một số liệu pháp đặc biệt thích hợp hơn các liệu pháp khác.

– Hiện nay các liệu pháp sinh học như liệu pháp dược phẩm, kỹ thuật co giật điện, và phẫu thuật tâm thần được sử dụng ra sao trong việc chữa trị các rối loạn tâm thần?

7. Các phương pháp chữa trị theo quan điểm sinh học chủ trương rằng liệu pháp phải chú trọng đến các nguyên nhân sinh lý gây ra hành vi ứng xử bất bình thường, chứ không xem xét đến các nhân tố tâm lý. Điển hình nhất cho các liệu pháp sinh học, liệu pháp dược phẩm (drug therapy) hiệu nghiệm đáng kể trong việc làm giảm bớt các triệu chứng rối loạn nghiêm trọng.

8. Thuốc ức chế tâm thần (antipsychotic drugs) như chiorpromazine rất hiệu nghiệm để giảm bớt các triệu chứng loạn trí, mặc dù gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc chống trầm cảm (anti depressant drugs) giúp người bệnh giảm bớt tâm trạng trầm cảm. Thuốc trị lo âu (anti anxiety drugs) hoặc thuốc an thần nhẹ là các phương thuốc được kê toa thông thường nhất so với bất kỳ loại thuốc nào, tác động nhằm làm giảm tình trạng lo âu.

9. Liệu pháp co giật điện (electro–convulsive therapy – viết tắt là ECT) yêu cầu cho dòng điện từ 70 đến 150 volts đi qua đầu người bệnh, làm cho bệnh nhân bất tỉnh và co giật dữ dội. Liệu pháp này là lời chữa trị hiệu nghiệm đối với các trưởng hợp tâm thần phân liệt và trầm cảm nghiêm trọng. Một liệu pháp sinh học khác là phẫu thuật tâm thần (psychosurgery). Thao tác điển hình là phẫu thuật cắt bỏ một số mô trong não bộ bệnh nhân ở một cuộc giải phẫu gọi là phẫu thuật cắt bỏ chất trắng ở thùy não trước trán (prefrontal lobotomy). Do các vấn đề đạo đức quan trọng và các tác dụng phụ nguy hại có thể xảy ra, hiện nay biện pháp này hiếm khi được sử dụng.

10. Phong trào tâm lý cộng đồng (community psychology) nhằm phòng ngừa và giảm thiểu đến tối đa các trường hợp rối loạn tâm lý. Phong trào này được thúc đẩy phần nào bởi hiện tượng giải thể (deinstitutionalization), trong đó các bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú trước đây được xuất viện đã tràn vào các cộng đồng dân cư. Một hiệu quả nổi tiếng của phong trào này là việc lắp đặt các đường dây điện thoại nóng và các trung tâm giải quyết khủng hoảng tâm lý ở các trường đại học trên khắp nước Mỹ.

IV. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Liệu pháp tâm lý

2/ 1 –c; 2–a; 3–d; 4–b

3/ Các cơ chế phòng vệ

4/ Kỹ thuật liên kết tự do

5/ Công khai, tiềm ẩn

6/ a

II.

1/ 1 c; 2–b; 3–c; 4–d; 5–a

2/ nhân bản

3/ tổng thể

4/ a

5/ tự động thuyên giảm

6/ Đúng

7/ Chiết trung

III.

1/ sai; chứng tâm thần phân liệt có thể kiểm soát được chứ không chữa lành bằng thuốc được.

2/ b

3/ Liệu pháp co giật điện (ECT)

4/ Sai; phẫu thuật tâm thần hiện nay chỉ được sử dụng như là một biện pháp sau cùng 5/ hiện tượng giải thể.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.