Tâm lý học căn bản

Chương 15 – Phần 3



B. HỌC ÔN

1/… được định nghĩa như là một phản ứng đối với các biến cố thách đố hoặc đe dọa cuộc sống.

2/ Cặp đôi mỗi giai đoạn của GAS với định nghĩa của nó.

a. Báo động (Alarm)

b. Kiệt sức (Exhanstion)

c. Đề kháng (Resistance)

1. Khả năng thích ứng với stress đã giảm đi các triệu chứng bệnh xuất hiện

2. Phát động phân hệ thần kinh giao cảm

3. Rất nhiều biện pháp được vận dụng để khắc phục tác nhân gây stress.

3/… xảy ra khi các tình cảm liên quan đến các biến cố căng thẳng sống lại sau khi biến cố kết thúc.

4/ Các tác nhân gây stress ảnh hưởng đến một cá nhân duy nhất và gây ra một phản ứng quan trọng tức thời được gọi là:

a. Các tác nhân gây căng thẳng cho cá nhân (personal stressors).

b. Các tác nhân gây căng thẳng tâm lý (psychic stressors).

c. Các tác nhân gây thảm họa tho nhiều người (cataclysmic stressors)

d. Các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống thường ngày (daily stressors).

5/ Ngược lại các tác nhân gây căng thẳng là các… Giống như các tác nhân gây căng thẳng (stressors), các kích trình này có khuynh hướng tích lũy, nhưng chúng có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng liên hệ đến stress.

6/ Các nỗ lực nhằm làm giảm bớt hay tiểu trừ stress được gọi là…

7/ Trong các tình huống có thể cải sửa được, kiểu khắc phục nào dưới đây được sử dụng thường xuyên và hiệu quả nhất.

a. Biện pháp khắc phục nhằm vào rắc rồi (problem–focused coping).

b. Biện pháp khắc phục nhằm vào tác nhân gây stress (stressois–focused coping).

c. Biện pháp khắc phục nhằm vào xúc cảm (emotion–focused coping).

d. Biện pháp khắc phục nhằm vào hành động (action–focused coping).

8/ Những người có đặc điểm nhân cách… dường như có nhiều khả năng thành công hơn trong cuộc đối đầu với stress.

9/ Các tổ chức phụng sự xã hội đã tỏ ra khá vô hiệu trong nỗ lực giúp đỡ con người khắc phục nhiều loại tác nhân gây stress trong cuộc sống. Đúng hay Sai?…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Giả sứ bạn đã biết các biện pháp khắc phục stress, bạn sẽ làm cách nào để khởi sự truyền dạy cho một người biện pháp tránh né stress thành công trong cuộc sống thường ngày của họ? Bạn sẽ sử dụng thông tin này ra sao với nhóm thương binh trong chiến tranh VN mắc phải rối loạn stress hậu chấn thương?

(Giải đáp câu hỏi học ôn cuối chương)

II. THÀNH KIẾN VÀ KỲ THỊ

Bạn nghĩ gì khi có ai đó nói rằng: “Hắn là người da đen”, hoặc “Cô ấy là người Tàu”, hoặc “là tài xế nữ”? Nếu giống như hầu hết mọi người, có lẽ bạn sẽ nhanh chóng nảy sinh ấn tượng về cá nhân ấy.

Sự kiện bạn có khuynh hương phạm trù hóa con người quá dễ dàng như thế minh chứng một điểm quan trọng: Con người dễ chiều theo cái thành kiến (stereotypes), tức là các niềm tin và kỳ vọng hình thành đối với các thành viên của một tập thể đơn giản chỉ vì tư cách thành viên của họ trong tập thể ấy.

Một số thành kiến thịnh hành nhất gắn liền với việc phạm trù hóa các khái niệm về chủng tộc, tôn giáo, và sắc tộc thiểu số. Trong nhiều năm, rất nhiều nhóm người đã bị gọi là “lười giếng”, “ma lanh” hay “dã man” chẳng hạn ít nhiều bởi những người ngoài các nhóm ấy. Thậm chí hiện nay, tuy đã có tiến bộ đáng kế nhằm giảm bớt tình trạng kỳ thị được pháp luật thừa nhận, nhưng bất hạnh thay các thành kiến ấy vẫn còn tồn tại khá vững chắc. Thí dụ, một cuộc điều tra rộng lớn tiến hành ở 300 cộng đồng trên khắp nước Mỹ đã khám phá rằng biểu hiện thành kiến là chuyện thông thường.

Cuộc điều tra ấy đã sử dụng một kỹ thuật thẩm định thận trọng và sáng tạo nhằm đánh giá tệ nạn thành kiến. Bởi vì con người nói chung thường không muốn bộc lộ thành kiến thực sự của mình do những thái độ như thế phương hại đến các chuẩn mực lễ độ trong xã hội, cho nên các đánh giá gián tiếp về thành kiến lại tỏ ra cần thiết. Trong cuộc điều tra này, các đối tượng tham dự được yêu cầu phát triển xem liệu các thành viên thuộc một tập thể trong số vài tập thể đang được tìm hiểu đạt đến cực điểm nào trong một loạt các thang đánh giá 7 điểm. Thí dụ, các đối tượng được yêu cầu phát biểu xem liệu một tập thể chủng tộc ấy đạt gần đến cực điểm “siêng năng” hay gần đến cực điểm “lười biếng”. Nhờ so sánh các đánh giá về tập thể này với tập thể khác, người ta có thể xác định được tập thể nào bị thành kiến nặng nề nhất.

Như bạn thấy ở Hình 15–3 trình bày một số kết quả gặt hái được từ cuộc điều tra này, chứng tỏ rằng tệ nạn thành kiến vẫn còn hoành hành khá mạnh mẽ. Chẳng hạn, 75% đối tượng phỏng vấn tin rằng so với người da trắng thì người Mỹ gốc châu Phi “thích sống nhờ vào phúc lợi xã hội hơn. Nói chung, người Mỹ da đen, dân Hyspanics và người Mỹ gốc Á châu đều bị cho là lười biếng, có khuynh hướng bạo hành, kém thông minh và kém yêu nước (Mỹ) hơn người da trắng.

Hình 15–3: Tỷ lệ số đối tượng phỏng vấn trong cuộc điều tra đã đánh giá các thành viên thuộc các nhóm chủng tộc thiểu số thấp hơn người da trắng về một số đặc điểm (xuất xứ: T.W. Smith, 1990)

Ngoài ra, các thành viên thuộc các nhóm thiểu số thậm chí còn có thành kiến đối với nhóm của mình nữa. Thí dụ, khoảng 1/3 dân Mỹ da đen và dân Hyspanics cho rằng các thành viên trong nhóm của họ kém thông minh hơn người da trắng.

Như các kết quả này cho thấy, bất kể các tiến bộ về dân quyền trong 25 năm qua, hiển nhiên tệ nạn thành kiến vẫn còn phổ biến. Dân Hyspanics, người Mỹ gốc Á châu, và đặc biệt người Mỹ da đen đều bị dân da trắng xem thường. Nhưng thành kiến tuyệt nhiên không hạn chế vào các nhóm chủng tộc và sắc tộc thiểu số. Thậm chí bất kỳ tầng lớp xã hội nào cũng có thành kiến chung, được gọi là thiên kiến phân biệt giai tầng xã hội (ingroup–outgroup bias). Chúng ta thường có quan điểm bất lợi cho các thành viên thuộc tầng lớp xã hội khác mình và có quan điểm thuận lợi cho các thành viên thuộc tầng lớp của mình.

Mặc dù ít có chứng cứ xác minh tính chính xác của chúng, nhưng hầu hết các thành kiến đều gây ra hậu quả tai hại. Khi các thành kiến xấu tác động, chúng sẽ gây ra hậu quả kỳ thị (discrimination) – lối cư xử tệ hại dành cho các thành viên của một nhóm chủng tộc hay tầng lớp xã hội nhất định. Tệ nạn kỳ thị có thể dẫn đến tình trạng độc quyền việc làm, khu dân cư, hoặc cơ hội thụ hưởng nền giáo dục, và có thể khiến cho các thành viên thuộc các nhóm bị kỳ thị chỉ được hưởng tiền lương và quyền lợi thấp kém.

Thành kiến không chỉ làm nảy sinh tình trạng kỳ thị công khai; thực ra chúng còn có thể khiến cho các thành viên thuộc các nhóm bị thành kiến cư xử theo những khuôn mẫu phản ảnh thành kiến thông qua một hiện tượng gọi là tiên đoán để tự an ủi (self fulfilling prophecy). Các tiên đoán này là các kỳ vọng về một biến cố hay cách cư xử nhất định tác động nhằm gia tăng xác suất diễn ra biến cố hay cách cư xử ấy trong tương lai. Thí dụ, nếu cho rằng các thành viên thuộc một nhóm chủng tộc nào đó lười biếng, thì người ta sẽ cư xử với nhóm người này theo một cung cách khiến cho họ thực sự tỏ ra lười biếng. Tương tự, những người có thành kiến có thể được “trang bị đầy đủ” để giải thích lối cư xử của nhóm dân bị thành kiến như là đặc trưng cho thành kiến ấy, ngay cả khi lối cư xử ấy phản ảnh một đều gì đó hoàn toàn khác hẳn.

Ngoài ra, khi biết rằng người khác có thành kiến đối với bạn, thì nhận thức này có thể khiến cho bạn cố tình cư xử đúng theo thành kiến ấy – cho dù lối cư xử này không tiêu biểu cho cách cư xử điển hình của bạn – nếu như bạn có ý định tạo một ấn tượng tốt nơi họ. Chẳng hạn, trong một thí nghiệm các nhà nghiên cứu đã dàn xếp để cho các đối tượng thuộc nữ giới tương tác hoặc với một người đàn ông quyến rũ mà mọi phụ nữ đều ao ước hoặc với một người đàn ông không hấp dẫn. Khi các đối tượng ấy cho rằng người đàn ông quyến rũ có thành kiến nữ giới nên thụ động và nhu thuận, họ có khuynh hướng cư xử ra vẻ khá thụ động và nhu thuận. Mặt khác, khi nghĩ rằng người đàn ông quyến rũ ấy có quan điểm tiến bộ về nữ giới, thì các đối tượng có khuynh hướng cư xử ra vẻ không cổ lỗ lắm. Ngược lại, đối với người đàn ông kém hấp dẫn lối cư xử của các đối tượng nữ giới ấy không bị tác động bởi bản chất của thành kiến mà họ gán cho người đàn ông ấy. Tóm lại, chỉ khi nào người ta cảm thấy có động cơ tạo ấn tượng tốt thì họ mới cư xử đúng theo thành kiến gán cho họ.

Hiển nhiên, thành kiến của chúng ta cũng như của người khác đều tác động đáng kể đến cách cư xử của chúng ta. Giờ đây chúng ta tiến đến tìm hiểu một số thành kiến vững chắc và thường thấy nhất trong xã hội chúng ta: các thành kiến liên quan đến giới tính.

1. Các thành kiến về giới tính

“A, bé trai!”

“A, bé gái!”

Những tiếng reo mừng đầu tiên vào lúc đứa trẻ chào đời hầu như luôn luôn là những âm thanh này hay những âm thanh nào đó tương tự như vậy. Cách chúng ta nghĩ về người khác, và thậm chí đến cách chúng ta nghĩ về bản thân, đều căn cứ phần lớn vào sự kiện chúng ta là nam giới hay nữ giới. Nhưng ảnh hưởng của giới tính còn vượt xa hơn nhiều sự kiện sinh học đơn thuần về một cơ thể mang các bộ phận sinh dục nam hay nữ. Kết luận của chúng ta về lối cư xử nào “thích hợp” hay không cho người khác và cho chính chúng ta đều căn cứ vào vai trò giới tính (gender roles) – tức là căn cứ vào một loại kỳ vọng do xã hội ấn định nhằm nêu rõ lối cư xử nào thích hợp cho nam giới và lối nào cho nữ giới.

Nếu như các kỳ vọng liên quan đến vai trò giới tính của nam giới và của nữ giới tương đồng với nhau, có lẽ chúng sẽ chỉ gây ảnh hưởng không đáng kể đến cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, các kỳ vọng này không chỉ khác biệt nhau, mà trong nhiều trường hợp chúng còn gây hậu quả ưu đãi giới tính này hay giới tính kia, dẫn đến tệ nạn thành kiến. Tệ nạn thành kiến (stereotyping) là sự hình thành các niềm tin và kỳ vọng đối với các thành viên thuộc một nhóm hay tầng lớp người căn cứ vào tư cách thành viên của họ trong nhóm hay tầng lớp ấy. Các thành kiến về vai trò giới tính gây ra tình trạng kỳ thị giới tính (sexism), tức là thái độ và cách cư xử thiếu tôn trọng đối với một cá nhân do giới tính của người ấy.

Xã hội chúng ta có những thành kiến lâu đời đối với nam giới và nữ giới và các thành kiến này rất thịnh hành bất kể tuổi tác, tình trạng kinh tế xã hội, và trình độ giáo dục. Thí dụ, để kiểm tra các thành kiến truyền thống về giới tính, người ta đã thực hiện một khảo cứu vào đầu thập niên 1970 phỏng vấn một nhóm sinh viên (gồm 74 nam và 80 nữ) để kiểm tra một loạt các nét nhân cách nhằm nhận diện nét nhân cách nào tiêu biểu nhất cho nam giới hoặc cho nữ giới.

Bảng 15–2 trình bày những nét nhân cách được xem là tiêu biểu cho giới tính này hơn giới tính kia căn cứ vào ít nhất 75% số đối tượng phỏng vấn. Theo cách quy tụ các nét nhân cách ấy, bạn có thể thấy nam giới được xem là có những nét nhân cách liên quan đến năng lực; ngược lại, nữ giới được xem là có các nét nhân cách liên quan đến nhiệt tình và biểu hiện nhân ái. Bởi vì xã hội chúng ta có truyền thống xem trọng tài cán hơn nhiệt tình và biểu hiện nhân ái, nên các dị biệt nhận thức giữa hai giới tính nghiêng về phía tôn trọng nam giới.

BẢNG 15–2

Các thành kiến giới tính thường thấy

Các nét nhân cách được xem là đặc trưng cho nam giới

Các nét nhân cách được xem là tiên biểu cho nữ giới

Gây hấn, hiếu chiến

Lắm lời

Độc lập

Cư xử khéo

Vô cảm

Thanh nhã

Tự tin

Mộ đạo (tin vào tôn giáo)

Rất khách quan

Thông cảm với người khác

Ưa thích toán học và khoa học

Chú trọng đến dung nhan của mình

Cao vọng

Chỉnh tề, ngăn nắp

Năng động

Trầm lặng

Ganh đua

Nhu cầu an ninh cao

Duy lý

Yêu thích nghệ thuật và văn học

Trần tục (wordly)

Dễ bộc lộ tình cảm

Thẳng thừng

Không dùng ngôn ngữ thô bạo

Mạo hiểm

Lệ thuộc, nhu thuận

Dĩ nhiên, nghiên cứu của Broverman đã được thực hiện hơn ba thập niên trước đây, nên người ta có thể cho rằng thời thế – và các thành kiến – đã đổi dời. Nhưng không may, sự thật không phải như vậy; và nam giới vẫn cứ được xem là có các nét nhân cách liên quan đến năng lực, còn nữ giới cứ tiếp tục bị xem là thiên về nhiệt tình và biểu hiện nhân ái. Bởi vì xã hội vẫn còn có khuynh hướng xem trọng tài cán hơn nhiệt tình và biểu hiện nhân ái, nên dị biệt nhận thức này – và hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về nhận định của con người, chứ không nhất thiết là các dị biệt thực tế – vẫn cứ hàm ý kỳ thị giới tính.

Ngoài ra, các dị biệt quan trọng còn thể hiện qua loại nghề nghiệp nào được xem là thích hợp cho nam giới hay cho nữ giới nữa; và chính các thành viên thuộc mỗi giới tính cũng kỳ vọng thành công hơn khi chọn nghề nghiệp bị cho là thích hợp với giới tính của mình. Ngày nay tuy nữ giới đã gia nhập vào lực lượng lao động trong xã hội đông đảo hơn trước đây, nhưng họ vẫn tiếp tục bị xem là phù hợp với các nghề nghiệp truyền thống của nữ giới như: thư ký, y tá, kế toán, thủ quỹ, và các nghề nghiệp đặc biệt dành cho nữ giới khác đặc trưng bởi tiền lương và địa vị thấp. Ngay trong trường hợp nữ giới đặt chân được vào các nghề nghiệp địa vị cao, họ cũng gặp phải thái độ kỳ thị từ phía các đồng nghiệp. Chẳng hạn, nhiều phụ nữ thấy mình bị quấy rối tình dục (sexual harassment) trong công tác, như chúng ta sẽ bàn đến trong đoạn Trích Dẫn Thời Sự dưới đây.

Mức độ thành kiến phân biệt giới tính cũng được minh chứng qua các khám phá của một số cuộc điều tra. Thí dụ, khi các sinh viên năm thứ nhất đại học được yêu cầu phát biểu chọn nghề. Nữ sinh viên ít khi chọn các nghề nghiệp theo truyền thống ưu đãi cho nam giới, như kỹ thuật hay lập trình điện toán chẳng hạn. Cuối cùng, nữ giới cũng rất ít kỳ vọng được tuyển dụng vào các chức vụ được hưởng các mức lương cao nhất như nam giới.

Tóm lại, các thành kiến về giới tính dường như ưu đãi nam giới hơn nữ giới. Dĩ nhiên, các thành kiến này phản ảnh nhận định của con người chứ không phản ảnh thực tế cuộc sống. Thế nhưng, bởi vì con người thường hành động theo kỳ vọng của mình, nên các thành kiến này có thể đưa đến hậu quả bất hạnh là trọng nam khinh nữ.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ

TỆ NẠN QUẤY RỐI TÌNH DỤC

Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được sự thật về Quan tòa Tối cao Pháp viện Clarence Thomas và Luật sư Anita Hill. Chắc bạn còn nhớ Hill đã tố cáo quan tòa Thomas có hành vi quấy rối tình dục hồi cô còn phục vụ dưới quyền ông này ở hai chức vụ cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ. Thomas đã phủ nhận tất cả các lời cáo buộc ấy, và cuối cùng ông vẫn được Quốc Hội phê chuẩn chức vụ Thẩm phán Tối cao Pháp Viện.

Tuy không ai có thể khẳng định sự thật ra sao, nhưng các lời cáo buộc cũng như các phản bác ấy đã đưa vấn đề quấy rối tình dục ra ánh sáng công luận mà trước đây chưa từng xảy ra. Đối với nhiều người, vấn đề này không thuộc phạm vi học thuật: 1/5 nữ giới trong cuộc điều tra toàn quốc nói rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ở sở làm. Ngoài ra, 42% nữ giới và 37% nam giới được phỏng vấn nói rằng họ biết ai đã từng là nạn nhân bị quấy rối tình dục.

Các yếu tố nào cấu thành hành vi quấy rối tình dục? Các tòa án đã phán xử rằng một số hành vi sau đây có thể bi xem là quấy rối tình dục:

Đề nghị tình dục ngoài ý muốn, trong đó một nhân viên bị dẫn dụ nhiều lần để phải dính vào quan hệ tình dục.

Cưỡng bức (coercion), trong đó một nhân viên bị dẫn dụ tham gia quan hệ tình dục với hàm ý rằng nhân viên ấy sẽ nhận được ân huệ nhờ thiết lập mối quan hệ này hoặc sẽ bị trừng phạt vì từ chối quan hệ.

Hành vi cụ thể, trong đó một nhân viên bị sờ mó hoặc phải chấp nhận các cử chỉ đe dọa hay thô bỉ.

Quấy rối thị giác (visual harassment), qua đó các tài liệu khiêu dâm được trưng bày hoặc hình vẽ các nhân viên nào đó bị người ta vẽ lên tường.

Dĩ nhiên, hành vi quấy rối tình dục không chỉ xảy ra ở nơi làm việc. Một khảo cứu cho thấy 30% nữ giới tốt nghiệp tại Viện Đại học California ở thành phố Berkeley báo cáo đã phải chấp nhận một hình thức quấy rối tình dục nào đó. Hình thức quấy rối từ các đề nghị hẹn hò cho đến hối lộ tình dục, trong đó một vị giáo sư cho điểm cao để đánh đổi một lần tiếp xúc.

Một nhà tâm lý cho rằng hành vi quấy rối tình dục ít liên hệ đến tình dục so với quyền lực (tương tự như động cơ trong nhiều vụ cưỡng dâm). Theo quan điểm này, những người địa vị cao dính líu đến tội quấy rối tình dục có lẽ ít quan tâm đến vấn để thỏa mãn tình dục hơn việc chứng tỏ quyền lực của họ đối với nạn nhân.

Cho dù động cơ ẩn sau hành vi quấy rối tình dục có là gì đi nữa, thì hậu quả đối với nạn nhân cũng rõ ràng. Cảm thấy xấu hổ và bối rối là chuyện hiển nhiên rồi. Bởi vì nói chung là những người có chức vị thấp, các nạn nhân bị quấy rối cũng có thể mắc phải tâm trạng thất vọng và bất lực. Họ thường phải gánh chịu hậu quả về mặt tâm lý cũng như về cơ thể, và phẩm chất lao động của họ có thể giảm sút đi.

Tệ nạn quấy rối tình dục gây hậu quả tai hại hơn nhiều chứ không chỉ là một thói xấu khiến cho người ta bực mình. Nó có thể ảnh hưởng đến sự thăng tiến nghề nghiệp và trong một số trường hợp nó còn làm cho người ta bị mất việc làm. Đối với những người đã từng gánh chịu, nó quả là một tác nhân làm băng hoại cuộc sống của họ vậy.

2. Các dị biệt giới tính: Tương đồng nhiều hơn khác biệt

Tuy tình trạng thịnh hành và tính minh bạch của các thành kiến về giới tính có thể khiến cho chúng ta nghĩ rằng các dị biệt thực tế giữa cách cư xử của nam giới và nữ giới rất đáng kể, thế nhưng sự thực hoàn toàn khác hẳn. Khi tìm hiểu các dị biệt giới tính này dù đã được minh chứng vững chắc, điều quan trọng phải nhớ là về nhiều phương diện nam và nữ giới có nhiều điểm giống nhau hơn là khác biệt nhau.

Hơn nữa, dù có khác biệt thì mức độ khác biệt cũng thường không đáng kể. Như vậy, khi so sánh nam và nữ giới hãy nhớ rằng giữa hai giới tính có số đặc điểm trùng lắp nhiều hơn khác biệt về mặt hành vi ứng xử cũng như về mặt tâm lý. Những dị biệt khám phá được chỉ phản ảnh các điểm khác biệt nói chung giữa hai giới tính chứ không nói lên điều gì cụ thể cho chúng ta về bất kỳ cá nhân nam hay nữ nào cả. Ngay trong trường hợp chúng ta khám phá được rằng nói chung nam giới có khuynh hướng gây hấn hơn nữ giới (sự thật là như vậy), thì cũng có nhiều cá nhân nam giới ít gây hấn hơn đa số phụ nữ, cũng như có nhiều cá nhân nữ giới có hành động gây hấn hơn đa số nam giới.

a. Dị biệt nhân cách. Như đã đề cập, một dị biệt rõ rệt nhất giữa nam giới và nữ giới phản ảnh qua mức độ cư xử gây hấn. Vào khoảng tuổi lên hai các bé trai đã biểu hiện gây hấn nhiều hơn các bé gái, và mức gây hấn cao hơn này kéo dài suốt đời. Tuy dị biệt lớn nhất về mặt gây hấn thể chất, giữa nam và nữ giới cũng có khác biệt gây hấn dưới dạng làm tổn thương tâm lý cho người khác. Ngoài ra, so với nam giới thì nữ giới cảm thấy lo âu và tội lỗi vì tính gây hấn của họ hơn, họ cũng quan tâm nhiều hơn đến hậu quả mà nạn nhân của họ phải gánh chịu.

Nam giới và nữ giới cũng khác biệt nhau về mức độ tự ái nói chung. Tính trung bình, nữ giới ít tự ái hơn nam giới. Ngoài ra, nữ giới không chỉ có khuynh hướng đánh giá bản thân thấp hơn nam giới; mà mặc cảm tự ti của họ còn thể hiện dưới hình thức ít có lòng tin vào khả năng thành công trong các công việc tương lai của mình. Thí dụ, một điều tra mới đây tiến hành với các sinh viên năm thứ nhất đại học nhằm so sánh quan điểm của sinh viên thuộc hai giới tính về vấn đề liệu họ có khả năng trên hay dưới mức trung bình về một số năng khiếu và nét nhân cách. Như bạn sẽ thấy ở Hình 15–4, nam giới cho rằng họ trên trung bình về một số năng khiếu và nét nhân cách như khả năng học tập và toán học, tính ganh đua, và sự lành mạnh về mặt tình cảm hơn hẳn nữ giới. Ngoài ra, các cuộc nghiên cứu khác cho thấy nữ giới đánh giá bản thân nghiêm khắc hơn cách đánh giá bản thân của nam giới.

Hình 15–4: Các nam sinh viên đại học năm thứ nhất chiếm tỷ lệ cao hơn nữ sinh viên khi đánh giá bản thân trên mức trung bình về khả năng học tập, năng khiếu toán học, tính ganh đua, và sự lành mạnh về tình cảm (Xuất xứ: The American Freshman: National Norms for Fall 1990, Austin, Korn, & Bertz, Higher Education Research Institute, UCLA)

Dĩ nhiên, tình trạng tự ái thấp hơn của nữ giới đặc biệt không đáng ngạc nhiên, bởi vì thông điệp về tinh trạng kém năng lực mà thành kiến xã hội truyền đạt cho họ. Thực tế, khi vấn đề được soi sáng qua khuynh hướng kém gây hấn của họ, lòng tự ái thấp hơn của nữ giới có thể góp phần giải thích thái độ miễn cưỡng khi họ bước vào các nghề nghiệp danh vọng cao vốn do nam giới ngự trị, trong đó tính năng nổ và lòng tự tin có lẽ là điều kiện tiên quyết để thành công.

Hai giới tính cũng khác biệt nhau về phong cách truyền đạt ngôn ngữ lẫn vô ngôn. Trước hết, có sự khác biệt về mức độ chuyện trò nhưng không phải như thành kiến mà chúng ta tin tưởng: Nam giới có khuynh hướng lắm lời hơn nữ giới.

Nội dung chuyện trò của nam giới và nữ giới cũng khác biệt nhau, và cách nói chuyện của nữ giới cũng chính xác hơn. Đồng thời, lời nói của nữ giới cũng khiến cho người khác xem họ có tính lưỡng lự và kém quyết đoán hơn; họ thường cất cao giọng ở cuối câu hơn, và thường thêm các “câu hỏi đuôi vào cuối câu phát biểu ý kiến hơn nói toạc ra ý kiến của mình: thay vì nói “Hôm nay nóng khủng khiếp” phụ nữ hay nói “Hôm nay nóng khủng khiếp phải không ạ?”, do đó có vẻ kém khẳng định ý kiến của họ. Khi nữ giới dùng lối nói lưỡng lự như thế, họ bị đánh giá kém năng lực và kiến thức hơn khi dùng lối nói quyết đoán.

Lối cư xử vô ngôn của hai giới tính cũng khác biệt nhau về vài khía cạnh quan trọng. Trong các cuộc đối thoại giữa nam và nữ giới, phụ nữ thường nhìn thẳng vào người đối thoại khá nhiều khi lắng nghe hơn lúc nói, còn nam giới biểu hiện sự cân bằng của ánh mắt lúc nói cũng như khi nghe. Tác dụng của kiểu cư xử này của nam giới nhằm thông đạt quyền lực và ưu thế, trong khi kiểu cư xử của nữ giới biểu hiện quyền lực thấp hơn. Nam giới cũng dễ làm người khác phật lòng hơn, còn nữ giới lại dễ bị phật lòng hơn. Ngược lại, nữ giới giỏi hơn nam giới trong việc ám chỉ bằng các biểu hiện nét mặt. Ngoài ra, phụ nữ tươi cười được đánh giá có năng lực hơn các phụ nữ có nét mặt u sầu, trong khi không có khác biệt gì đối với nam giới.

b. Dị biệt về năng lực trí tuệ. Mặc dù không có khác biệt gì giữa hai giới tính về điểm số IQ, khả năng học tập, ký ức, giải quyết vấn đề, và khả năng hình thành khái niệm nói chung, nhưng người ta cũng nhận diện được một vài dị biệt trong các lĩnh vực trí tuệ đặc biệt. Tuy vậy, bản chất đích thực của các dị biệt này – và ngay cho dù có khác biệt đi nữa – cũng bị nghi vấn bởi các nghiên cứu mới đây.

Khi Eleanor Maccoby và Carol Jacklin thực hiện một điều tra tiên phong về các dị biệt giới tính vào năm 1974, họ đã kết luận rằng các bé gái trội hơn bé trai về khả năng ngôn ngữ, và các bé trai được ưu đãi hơn về khả năng số học và không gian. Kết luận này được công nhận rộng rãi như là một trong những sự kiện đương nhiên trong các tác phẩm tâm lý.

Tuy vậy, các phân tích mới đây và tinh vi hơn đã tỏ ra nghi ngờ bản chất và mức độ của các dị biệt đặc thù này. Chẳng hạn, nhà tâm lý Janet Shiblery Hyde và các đồng sự đã khảo xét thành tíchc toán học của hai giới tính căn cứ vào 100 khảo cứu, bao gồm khoảng bốn triệu đối tượng. Ngược lại, tri thức truyền thống, nữ sinh trội hơn nam sinh về toán học ở các lớp tiểu học và trung học, dù chỉ trội hơn chút đỉnh thôi. Nhưng lên đến cấp III, tình thế đã đảo ngược: nam sinh đạt điểm số cao hơn về khả năng giải toán. Tuy vậy, sự khác biệt ở mọi lứa tuổi nói chung rất nhỏ, và càng không đáng kể khi xét đến điểm số tổng quát. Tóm lại, dị biệt về thành tích toán học giữa hai giới tính không đáng kể, và nếu có thì dị biệt ấy cũng đang giảm bớt đi.

Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với năng khiếu ngôn ngữ, là dù quan điểm trước đây cho rằng nữ giới có năng khiếu ngôn ngữ hơn hẳn nam giới, nhưng một phân tích mới đây căn cứ vào 165 khảo cứu về dị biệt khả năng ngôn ngữ cho giới tính, trắc nghiệm gần 1,5 triệu đối tượng, đã đi đến kết luận rằng khác biệt về năng khiếu ngôn ngữ giữa hai giới tính thực ra không đáng kể.

Như vậy, các chứng cứ mới đây đều cho thấy các dị biệt về năng lực trí tuệ giữa hai giới tính rất nhỏ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có khác biệt gì về thành tích của các trắc nghiệm đặc biệt về toán học và khả năng ngôn ngữ. Thí dụ, nam giới thường được điểm cao hơn ở phần toán học trong trắc nghiệm – đánh giá – năng lực – học tập. Do đó, nhận diện bản chất các dị biệt trí tuệ giữa hai giới tính không phải là việc làm đơn giản, và người ta cần phải dốc sức nghiên cứu tìm hiểu thêm nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.