Tâm lý học căn bản

Chương 15 – Phần 4



c. Nguyên nhân các dị biệt giới tính. Nếu như việc nhận diện các dị biệt giữa hai giới tính đã được đề ra cho các nhà nghiên cứu một vấn đề hóc búa và phức tạp, thì việc tìm kiếm nguyên nhân các dị biệt lại càng tỏ ra khó khăn và dễ gây tranh luận hơn. Giả sử sự kiện không thể bàn cãi rằng giới tính là một biến cố sinh học, thì việc tìm hiểu các nhân tố liên quan đến các dị biệt sinh học giữa hai giới tính dường như là việc làm hợp lý. Nhưng người ta cũng khó lòng gạt bỏ các nhân tố hoàn cảnh, bởi vì tầm quan trọng hiển nhiên của qúa trình trưởng thành trong một thế giới mà con người bị đối xử khác biệt nhau vì giới tính của họ ngay từ lúc chào đời.

Trước khi tìm hiểu cả hai loại nhân tố sinh học và hoàn cảnh góp phần giải thích các dị biệt giữa hai giới tính, chúng ta nên lưu ý rằng chỉ riêng nhân tố sinh học hoặc nhân tố hoàn cảnh đều không thể đưa ra được một giải thích trọn vẹn. Đúng ra, có lẽ một phối hợp nào đó gồm hai loại nhân tố tương tác lẫn nhau sẽ giúp chúng ta hiểu rõ các nguyên nhân gây ra các dị biệt giữa hai giới tính.

a. Các nguyên nhân sinh học: phải chăng khác biệt giữa cấu trúc não bộ của hai giới tính làm cơ sở cho các dị biệt ấy? Quan điểm khá thú vị này, đề cập ở chương 2, đã được nêu ra mấy năm gần đây bởi các nhà tâm lý chuyên nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của não bộ. Chẳng hạn, Jullan Stanley và Camilia Benbon (1987) đã khám phá được rằng những trẻ có năng khiêu toán học nổi bật đặc trưng bởi một số biểu hiện thể chất lạ thường, như thuận tay trái và rất dễ mắc phải dị ứng cũng như tật cận thị chẳng hạn. Hóa ra, những đặc điểm dường như không liên quan gì với nhau này có lẽ liên hệ với mức sản sinh kích thích tố androgen, loại hormone sinh dục nam, từ lúc còn trong bào thai mẹ. Loại hormone này có thể làm chậm đà phát triển bán cầu não bên trái. Theo một lý thuyết, bán cầu não bên phải – chuyên về năng khiếu toán học – sau đó sẽ bù đắp cho các thiếu sót của bán cầu não trái nhờ phát triển ngày càng vững chắc hơn, nhờ đó thành tích của nam giới trong một số lĩnh vực toán học ngày càng tăng thêm. Tương tự, chứng cứ từ ít nhất một khảo cứu cho rằng trong các công tác đòi hỏi năng khiếu ngôn ngữ và sự phối hợp các cơ bắp nữ giới sẽ thực hiện khéo léo hơn trong các thời kỳ mức sản sinh kích thích tố estrogen, tức là hormone sinh dục nữ, tương đối cao hơn so với thời kỳ mức sản sinh này thấp. Ngược lại, họ thực hiện các công tác liên quan đến năng khiếu không gian khả quan hơn khi mức sản sinh estrogen tương đối thấp.

Chúng ta chưa biết các nguyên nhân sinh học làm nền tảng cho các dị biệt giữa hai giới tính đến mức nào, nhưng ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy rằng ít ra các nhân tố này có thể giải thích phần nào dị biệt tác phong cư xử giữa hai giới tính. Tuy vậy, hiển nhiên rằng các nhân tố hoàn cảnh đóng vai trò quyết định làm nảy sinh các dị biệt giữa hai giới tính. Ngoài ra, bởi vì các nhân tố hoàn cảnh có thể cải thiện được, nên các ảnh hưởng cải biến ấy đem đến cho chúng ta một cơ hội giảm bớt hậu quả tai hại của thành kiến giới tính.

– Các nguyên nhân hoàn cảnh. Ngay từ lúc chúng chào đời, với chiếc chăn xanh cho bé trai và chiếc chăn hồng cho bé gái, hầu hết các bậc cha mẹ và các vị trưởng bối khác đã mang lại các hoàn cảnh khác biệt về nhiều khía cạnh quan trọng tùy theo giới tính của đứa trẻ. Chẳng hạn, các loại đồ chơi dành cho chúng khác biệt nhau, và các ông cha chơi đùa với bé trai mạnh bạo hơn so với các bé gái của họ. Các bà mẹ thuộc tầng lớp trung lưu có khuynh hướng trò chuyện với các bé gái nhiều hơn với các bé trai của họ. Mặc dù mức độ khác biệt giữa cách đối xử nói chung của các bậc cha mẹ đối với các bé trai so với các bé gái có lẽ không lớn lắm, nhưng rõ ràng các bậc trưởng bối khác thường đối xứ với trẻ khác biệt nhau do giới tính của chúng.

Các khác biệt cư xử như thế, và còn nhiều thí dụ khác nữa, khiến cho nam giới và nữ giới trải qua tiến trình xã hội hóa khác biệt nhau. Xã hội hóa (socialization) là một tiến trình nhờ đó một cá nhân học hỏi được các quy luật và chuẩn mực cư xử thích hợp. Trong trường hợp này, có liên quan đến việc học hỏi những quy luật và chuẩn mực nào mà xã hội cho là cách cư xử thích hợp cho nam giới hay cho nữ giới. Theo các tiến trình thuộc lý thuyết học tập xã hội tính (đã bàn ở chương 5), các bé trai và các bé gái được dạy dỗ và khích lệ vì đã thể hiện cách cư xử mà xã hội cho là phù hợp với giới tính của chúng.

Dĩ nhiên, không phải chỉ các bậc cha mẹ là những người duy nhất cống hiến cho trẻ các kinh nghiệm xã hội hóa. Toàn thể xã hội truyền đạt các thông điệp minh họa cho trẻ trong quá trình trưởng thành của chúng. Theo truyền thống xã hội, việc đọc sách của trẻ đã khuôn định các bé gái vào các vai trò theo thành kiến có tính dưỡng dục, trong khi các bé trai được định hướng nhiều hơn về thể chất và hành động. Cũng vậy, vô tuyến truyền hình tác động như là nguồn thông tin xã hội hóa có ảnh hưởng đặc biệt lớn lao. Mặc dù các chương trình như L.A Law và Murphy Brown phác họa nữ giới trong các vai chính, nhưng nói chung nam giới vẫn xuất hiện trên TV đông hơn nữ giới và nữ giới thường bị phân vào các vai diễn theo thành kiến như nội trợ, thư ký, y tá, và làm mẹ chẳng hạn. Hiệu lực của TV như là một lực lượng xã hội hóa được nêu rõ qua sự việc một số dữ kiện cho rằng thiếu nhi càng xem TV nhiều chừng nào thì chúng càng kỳ thị giới tính nhiều chừng ấy.

Hệ thống giáo dục của chúng ta cũng phân biệt đối xử với các bé trai và các bé gái. Chẳng hạn, các bé trai có lẽ được các thầy cô quan tâm nhiều gấp 5 lần các bé gái. Các bé trai nhận được lời khen, bị quở trách, và giúp đỡ cải sửa nhiều hơn các bé gái. Ngay ở các lớp trên đại học, nam sinh viên được các giáo sư để mắt nhiều hơn đến các nữ sinh viên, nam sinh viên được gọi lên bảng nhiều hơn, và họ cũng dễ được các giáo sư giúp đỡ ngoại khóa hơn.

Theo Sandra Bem (1987), tiến trình xã hội hóa tạo ra một lược đồ giới tính (gender schema) trong tâm trí; nó là một cơ cấu trí tuệ sắp xếp có hệ thống và hướng dẫn trẻ tìm hiểu các thông tin thích hợp cho giới tính. Trên cơ sở các thông tin mà lược đồ tâm trí của chúng cho là phù hợp hay không với giới tính của mình, trẻ bắt đầu cư xử theo các cung cách phản ảnh các vai trò giới tính mà xã hội áp đặt cho chúng. Do đó, một đứa trẻ đi trại hè và được tạo cơ hội may vá một bộ trang phục có thể đánh giá hành động ấy, không theo các thành tố bên trong tiến trình (như cách sử dụng kim chỉ chẳng hạn), mà theo cách thức liệu hành động đó có ăn khớp với lược đồ giới tính trong tâm trí của em hay không.

Theo Bem, các lược đồ giới tính có thể bị phá vớ bằng cách khuyến khích các em biểu hiện lưỡng tính (androgynous), tức là một trạng thái trong đó các vai trò giới tính bao quát các đặc điểm bị gán là tiêu biểu cho cả hai giới tính. Đặc biệt, một nam giới lưỡng tính không chỉ có thể năng nổ và sinh động (được xã hội xem là các đặc điểm tiêu biểu cho nam tính) trong một số tình huống, mà còn có thể biểu hiện lòng trắc ẩn và tao nhã (được xem là các đặc điểm tiêu biểu cho nữ tính) khi tình huống cần đến. Ngược lại, một phụ nữ lưỡng tính có thể biểu hiện lòng trắc ẩn và ăn nói dịu đàng, đồng thời khi cần cũng có thể tỏ ra quyết đoán và tự tin.

Khái niệm lưỡng tính không hàm ý rằng bắt buộc không có dị biệt gì giữa nam giới và nữ giới. Đúng ra, nó cho rằng các dị biệt nên căn cứ vào sự lựa chọn và ý chí tự do của mỗi người nhằm bao hàm các đặc điểm phản ảnh tính nhân bản nhiều nhất, chứ không nên căn cứ vào kho dự trữ hạn chế và giả tạo gồm các đặc điểm mà xã hội độc đoán cho là chỉ thích hợp cho nam giới hay cho nữ giới.

3. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT

– Thành kiến (stereotype) là các niềm tin và kỳ vọng hình thành đối với các thành viên thuộc một nhóm chủng tộc hay tầng lớp xã hội chỉ căn cứ vào tư cách thành viên của họ trong nhóm hay tầng lớp ấy.

– Thành kiến thường nhắm vào các thành viên thuộc các nhóm chủng tộc, sắc tộc thiểu số giới tính và tuổi tác. Mặc dù ít có hiệu lực, nhưng chúng có thể gây ra các hậu quả tai hại cho tương tác xã hội vì tệ nạn kỳ thị (discrimination) và tiên đoán để tự an ủi (self–fulfilling prophecy).

– Vai trò giới tính (gender role), tức là các kỳ vọng của xã hội về lối cư xử nào thích hợp cho nam giới và lối nào cho nữ giới, dẫn đến tệ nạn thành kiến giới tính và kỳ thị giới tính (sexism).

– Tuy có các khác biệt giữa hai giới tính về nhân cách lẫn về khả năng trí tuệ, nhưng các dị biệt ấy thường không đáng kể và các dị biệt đặc thù có thể thay đổi qua thời gian.

– Các dị biệt giữa hai giới tính gây ra bởi sự tương tác của các nhân tố sinh học và các nhân tố hoàn cảnh.

B. HỌC ÔN

1/Bất cứ kỳ vọng nào – dù tốt hay xấu – về một cá nhân chỉ căn cứ vào tư cách thành viên của người ấy trong một nhóm hay tầng lớp người đều là một thành kiến. Đúng hay Sai?…

2/ Khuynh hướng quan niệm dành đặc ân nhiều nhất cho các cộng đồng mà chúng ta là thành viên được gọi là:

a. Có thành kiến

b. Thiên kiến phân biệt tầng lớp xã hội

c. Tiên đoán để tự an ủi

d. Kỳ thị

3/ Paul là quản lý một cửa hàng ông ta không thích phụ nữ thành công trong công ty. Do đó, ông ta chỉ dành trách nhiệm quan trọng và độc quyền cho nam giới. Nếu như các nữ nhân viên không thăng tiên được trong công ty ông, thì đây có thể là thí dụ về một tiên đoán:…

4/… là một loạt các kỳ vọng của xã họ về lối cư xử nào thích hợp cho nam giới và lối nào cho nữ giới.

5/ Ngày nay thành kiến giới tính dường như đã kém thịnh hành hơn vài chục năm trước đây. Đúng hay sai?

6/ Phát biểu nào dưới đây đúng đối với khác biệt giữa hai giới tính về tính gây hấn?

a. Nam giới chỉ cư xử gây hân hơn nữ giới trong thời thơ ấu.

b. Khác biệt về tính gây hấn giữa hai giới tính khởi đầu hiện rõ vào tuổi thanh xuân.

c. Nam giới cư xử gây hấn hơn nữ giới suốt đời.

d. Hai giới tính đều cảm thấy lo âu ngang nhau về hành động gây hấn của họ.

7/ Tuy Lee thường hành động dịu dáng và nhân ái, nhưng đôi khi anh cũng hành động gây hấn. Theo thuật ngữ về vai trò giới tính, Lee có thể được xem là người có bản chất…

8/… là cơ cấu tâm trí tổ chức việc tìm hiểu các thông tin đặc biệt về giới tính.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Bạn được yêu cầu tham dự một thể nghiệm về vấn đề dưỡng dục thiếu nhi (child rearing). Người ta giao cho bạn một đứa trẻ và yêu cầu bạn dưỡng dục đứa bé có cách cư xử lưỡng tính càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ làm gì? Đứa trẻ ấy sẽ đối đầu với các khó khăn nào trong đời sống thực tế? Bạn có cho rằng đây là biện pháp dưỡng dục thiếu nhi hoàn hảo nhất trong xã hội hiện nay không?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

III. TÂM LÝ HỌC TRONG VIỄN TƯỢNG TOÀN CẦU

Một du khách đến một vùng đất Ả Rập vừa ngạc nhiên vừa khó chịu: Mỗi khi chuyện trò với một người dân bản xứ, ông ta đều nhận thấy người ấy nghiêng người kề sát vào ông đến mức má của hai người chỉ cách nhau vài phân. Ông ta cảm thấy vừa nhột nhạt vừa nồng nặc hơi thở của người đối thoại trong lúc nói chuyện. Tuy khó chịu, nhưng du khách này dường như không sao ngăn chặn được lối cư xứ này. Dù ông ta cố gắng tránh né đến mức nào, người đối thoại cứ dai dẳng gí sát vào ông hơn khiến ông rất khó chịu.

Bất kỳ ai đã từng du lịch ở nước ngoài đều biết phong tục và cách cư xử thường ngày của dân bản xứ nói chung rất khác biệt với mọi thứ mà chúng ta đã quen thuộc ở nước nhà. Trong trường hợp vừa miêu tả, các quy luật thường ngày chi phối cách cư xử của chúng ta so với các quy luật mà chúng ta thậm chí chưa hề biết đến ấy rất khác biệt nhau.

Ngay cả trong trường hợp hiểu rõ các quy luật của một nền văn hóa, thì tình trạng đó không nhất giúp cho người ta bớt cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với các quy luật ấy. Chẳng hạn trong trường hợp tác phong đối thoại, các chuẩn mực văn hóa trong xã hội Ả Rập quy định rằng ngay các cuộc đàm thoại sơ giao cũng phải giữ khoảng cách đúng một bộ (khoảng 3 phân) để cho những người đối thoại cảm nhận và ngửi được hơi thở của nhau khi trò chuyện. Ngược lại, ở các nền văn hóa phương Tây các quy định khác biệt hẳn: Các cuộc đàm thoại tình cờ với bạn bè sơ giao thưởng diễn ra ở khoảng cách tự 1,2 tấc đến gần 4 tấc và tình trạng để người khác cảm nhận và ngửi được hơi thở của mình là điều tối kỵ.

Ngoài ra, các dị biệt hiển nhiên về một văn hóa, như giữ khoảng cách giữa những người đối thoại, kiểu trang phục và cách ẩm thực chẳng hạn đều che giấu những điểm khác biệt căn bản còn lớn hơn và nhiều hơn thế nữa giữa các dân tộc thuộc các nền văn hóa khác nhau. Niềm tin, thang giá trị, và thậm chí đến quan điểm về cách vận hành thế giới cũng khác biệt nhau.

Bất kể tầm quan trọng của văn hóa, cho đến nay lãnh vực nghiên cứu của Bộ môn tâm lý học phần lớn nhắm vào các dân tộc Bắc Mỹ và Châu Âu. Như chúng ta đã thảo luận ở chương 1, đại đa số các cuộc nghiên cứu hiện hành đều xuất phát từ Hoa Kỳ, và sau đó là Châu Âu. Tình trạng thiếu tính đa dạng này gây trở ngại cho mục tiêu của bộ môn tâm lý nhằm giải thích tác phong cư xử của nhân loại nói chung, khiến cho nhiều người phê phán rằng bộ môn này chỉ cống hiến các lối giải thích đúng đắn cho lối cư xử diễn ra trong bối cảnh các nền văn hóa phương Tây.

Tuy vậy, trong những năm gần đây các nhà tâm lý ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các khảo hướng giao lưu văn hóa để giải thích hành vi ứng xử của con người. Tâm lý học giao lưu văn hóa (cross–cultural psychology), là chuyên ngành tâm lý tìm hiểu các điểm tương đồng và dị biệt về sinh hoạt tâm lý giữa nhiều nền văn hóa và nhóm chủng tộc khác nhau, đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong lãnh vực tâm lý.

Chẳng hạn, một số nhà tâm lý đã chú trọng đến các ảnh hưởng của văn hóa đối với hành vi ứng xử của nhân loại, so sánh các dị biệt về cách cư xử và cách tư duy giữa các dân tộc thuộc các nền văn hóa khác biệt nhau. Còn các nhà tâm lý khác nỗ lực phát minh các biện pháp ngăn chặn hành vi gây chiến và củng cố hòa bình giữa các xã hội và các nền văn hóa cực kỳ khác biệt nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu số đề tài này khi thảo luận về viễn tượng toàn cầu ngày càng được quan tâm hơn trong lãnh vực bộ môn tâm lý học.

1. Cá nhân chủ nghĩa và chủ nghĩa tập thể: Cá nhân ngược lại tập thể

Bạn cho rằng có nên quan tâm đến quan điểm của cha mẹ bạn trong việc chọn lựa nghề nghiệp không? Bạn có cho rằng mình phải giúp đỡ người láng giềng thoát khỏi cảnh khốn quẫn tài chánh không? Bạn có cho rằng mình có nghĩa vụ cho anh bạn học không đến lớp mượn tập ghi chép bài học của bạn không?

Nếu bạn trả lời “có” đối với tất cả các câu hỏi này, thì bạn vốn được định hướng giá trị tương tự như người dân ở nhiều nền văn hóa châu Á và các nền văn hóa khác ngoài phương Tây. Ngược lại, nếu như bạn trả lời “không”, thì cách trả lời của bạn tiêu biểu hơn cho các nền văn hóa phương Tây.

Hai định hướng đối chọi nhau này được mệnh danh là chủ nghĩa tập thể và cá nhân chủ nghĩa. Chủ nghĩa tập thể (collectivism) là quan điểm cho rằng hạnh phúc của tập thể quan trọng hơn hạnh phúc cá nhân, trong khi cá nhân chủ nghĩa (individualism) là quan điểm cho rằng sự khẳng định bản thân, tính độc đáo, tự do, và giá trị của cá nhân có tầm quan trọng chủ yếu.

Những người sống trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể chú trọng đến phúc lạc chung của toàn thể mọi thành viên trong xã hội và đặc biệt của những người cùng chung tập thể của họ. Đôi khi, hạnh phúc của tập thể còn quan trọng hơn hạnh phúc và thành tựu của cá nhân nữa.

Ngược lại, các nền văn hóa đặt nền tảng trên cá nhân chủ nghĩa chú trọng đến sự khẳng định bản thân, tính độc đáo, tự do, và giá trị của cá nhân. Những người sống trong các xã hội theo cá nhân chủ nghĩa (như Hoa Kỳ chẳng hạn) chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu cá nhân của họ so với mục tiêu của cộng đồng hoặc của xã hội họ đang sống.

Tình trạng ưu thắng của chủ nghĩa tập thể hay cá nhân chủ nghĩa trong một xã hội đặc biệt phát sinh một số hậu quả. Chẳng hạn, sự phát triển kinh tế và công nghiệp thành công thường gắn liền với hệ thống giá trị cá nhân chủ nghĩa. Ngược lại, thành quả công nghiệp hóa thường yếu kém hơn ở các xã hội theo chủ nghĩa tập thể, như Ấn Độ chẳng hạn.

Con người sống ở các xã hội theo chủ nghĩa dị biệt này cũng khác biệt nhau về cách phán đoán các nguyên nhân của hành vi ứng xử. Chẳng hạn, những người sống ở các nền văn hỏa Á Châu chủ yếu theo chủ nghĩa tập thể thường khác biệt rất nhiều so với người da trắng trong việc quy trách lý do cho thành quả học tập của mình. Thực tế các dị biệt này có thể rất đáng kể đến mức giải thích được thành tích cao hơn của sinh viên Châu Á, vượt trội hẳn sinh viên Mỹ trong các so sánh thành tích học tập của sinh viên trên bình diện Quốc tế.

Đặc biệt, cuộc nghiên cứu của nhà tâm lý giáo dục Harold Stevenson cho rằng sinh viên Nhật Bản thường quy trách thành tích học tập của họ cho các nhân tố hoàn cảnh nhất thời, và nhất là cho mức độ học tập chuyên cần của họ. Ngược lại, sinh viên Mỹ thường xem thành tích học tập của họ là hậu quả của các nguyên nhân bền vững, không thể cải biến được, và nhất là cho năng khiếu bẩm sinh của họ. Bởi vì sinh viên Nhật cho rằng thành công học vấn là kết quả của sự chuyên cần, nên họ thường có động cơ dốc hết nỗ lực vào việc học tập. Ngược lại, niềm tin vào năng khiếu bẩm sinh không thể cải biến được làm cơ sở vững chắc cho thành quả học tập của sinh viên Mỹ khiến cho họ ít dốc công sức vào việc học. Dù sao, nếu như sinh viên cho rằng năng khiêu vốn có của họ là nguyên nhân chủ yếu của thành quả học tập thì tại sao họ lại phải dốc nhiều công sức vào việc học kia chứ?.

Dù theo chủ nghĩa nào, nền văn hóa cũng phải tìm cách chia sẻ số tài nguyên khan hiếm cho mọi người trong xã hội. Chẳng hạn, người dân sống ở các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể chủ yếu sử dụng chuẩn mực bình đẳng (norm of equality) để xác định cách thức phân chia số tài nguyên có giới hạn ấy. Chuẩn mực bình đẳng quy định rằng tất cả mọi người phải được phân chia đồng đều, bất kể người được chia phần là ai hay năng lực và thành tích của họ đến mức nào. Thí dụ, theo quy luật bình đẳng mọi công dân trong một doanh nghiệp sẽ được trả lương đồng đều, bởi vì tất cả mọi người đều được xem là bình đẳng với nhau.

Ngược lại, người dân sống ở các xã hội theo cá nhân chủ nghĩa thường sử dụng chuẩn mực công bằng (norm of equlity), trong đó việc phân chia số tài nguyên có giới hạn ấy căn cứ vào công sức đóng góp của một người hoặc theo thành quả gặt hái được của họ. Người nhận được phần chia nhiều nhất là những cá nhân đã đóng góp nhiều nhất, còn người nhận được phần chia ít nhất là những cá nhân đã đóng góp ít nhất. Trong một xã hội theo cá nhân chủ nghĩa – như Hoa Kỳ chẳng hạn – công nhân được trả lương theo giá trị công sức của họ. Do đó, tiền công mỗi người nhận được chênh lệch nhau rất nhiều.

Tóm lại, định hướng giá trị tổng quát của người dân sống trong một nền văn hóa đặc biệt ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của họ theo rất nhiều chiều kích khác nhau. Nếu không chú ý đến các nhân tố này, chúng ta không thể hiểu thấu toàn diện chiều rộng cũng như chiều sâu của hành vi ứng xử của con người.

2. Chiến tranh, hòa bình, và thủ đoạn khủng bố

Tuy mối đe dọa xảy ra cuộc chiến tranh nguyên tử đã giảm đi sau khi kết thúc cuộc chiến tranh lạnh, nhưng nó vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng đồi với chính sự tồn tại của nhân loại. Các kho vũ khí hạt nhân lớn lao vẫn tiếp tục được duy trì bởi các cường quốc chủ yếu trên thế giới, ngay đến các nước nhỏ cũng đang chạy đua phát triển loại vũ khí giết người hàng loạt này.

Mặc dù mối đe dọa xảy ra chiến tranh nguyên tử là một vấn đề nổi cộm, nhưng chỉ mới gần đây các nhà tâm lý mới bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Các đề tài tâm lý quan trọng làm nền tảng cho cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử bao gồm cách nhận định về kẻ thù của chúng ta, các phản ứng đối với khả năng xảy ra chiến tranh nguyên tử và chủ nghĩa khủng bố, cùng các biện pháp tâm lý nhằm cổ vũ việc tài giảm binh bị.

a. Ngộ nhận kẻ thù. Cứ sáu mươi giây, các quốc gia trên thế giới chi tiêu khoảng một triệu đô la vào mục đích trang bị vũ khí cho mình. Trong thời gian một năm, các nước ấy chi tiêu hơn phân nửa tổng lợi tức của dân số toàn thế giới. Nhằm mục đích như chúng ta đã nói là để bảo vệ chúng ta trước kẻ thù.

Vậy mà quan niệm của chúng ta về các vấn đề như ai là kẻ thù của chúng ta, họ hành động ra sao, và tại sao họ cư xử như thế lại thường lệch lạc. Nhà tâm lý Ralph White đã lập luận rằng, trong nhiều trường hợp sự hiểu biết của chúng ta về kẻ thù quá sai lạc đến mức khiến cho chúng ta phạm sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược. Như là một trường hợp điển hình, White nêu ra một số sai lầm ảnh hưởng đến quyết định tham chiến ở VN của Hoa Kỳ bao gồm hình dung kẻ thù độc ác ghê tởm, bản thân oai hùng, cả tin vào khả năng của quân đội, thiếu cảm thông với kẻ thù, cố tình làm ngơ trước các sự kiện thực tế, và tự cho mình hành động hợp luân lý.

Các ngộ nhận như thế về kẻ thù (và về chính mình) không chỉ xảy ra trong cuộc chiến tranh ở VN; nhân dân và các vị lãnh đạo các cường quốc trên thế giới vẫn cứ hay ngộ nhận các tuyên ngôn của nhau, nên công việc giải đoán ý nghĩa lời nói của kẻ khác quả là một công việc rất đáng sợ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.