Tâm lý học căn bản

Chương 4 – Phần 3



THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC: NGỦ AN GIẤC HƠN

May mắn thay, đa số chúng ta chỉ mắc phải chứng mất ngủ là chứng bệnh nghiêm trọng nhất trong số các loại rối loạn về giấc ngủ. Thế nhưng trên thực tế mọi việc có lẽ còn tệ hại hơn và không lấy gì làm an ủi cho những người bị chứng mất ngủ đáng buồn ấy. Tình trạng khó ngủ khiến họ cảm thấy kiết sức ngay cả lúc thức.

Đối với những người trong số chúng ta phải mất nhiều giờ lăn lộn, trăn trở trên giường, các nhà tâm lý chuyên nghiên cứu giấc ngủ đưa ra một số đề nghị nhằm khắc phục chứng mất ngủ như sau:

– Siêng năng tập thể dục. Điều này không lấy gì làm ngạc nhiên, bởi vì nó giúp chúng ta cảm thấy mệt mỏi trước giờ đi ngủ nên khi vào giường chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, am hiểu các kỹ thuật thư giãn có hệ thống và phản hồi sinh học (xem Chương 2) có thể giúp bạn xua tan mọi stress và căng thẳng trong ngày.

– Chọn giờ giấc đi ngủ lý tưởng. Tuân thủ một thời biểu có tính tập quán giúp cho cơ chế giờ giấc sinh học của bạn thực hiện việc điều chỉnh chính cơ thể của bạn tốt hơn.

– Không dùng chiếc giường của bạn vào bất cứ mục đích nào khác; các sinh hoạt như nghiên cứu, đọc sách, ăn uống, xem ti vi, và các sinh hoạt giải trí khác nên thực hiện ở các khu vực khác trong nhà. Nhờ tuân thủ lời khuyên này, chiếc giường của bạn sẽ là một điều kiện khơi dậy cơn thèm ngủ của bạn.

– Tránh dùng các thức uống có caffeine (như cà phê, trà, và một số nước giải khát) sau bữa cơm trưa; bởi vì hiệu quả của chúng có thể kéo dài từ 8 đến 12 giờ sau khi dùng.

– Hãy uống một cốc sữa trước khi đi ngủ. Người xưa quan niệm đúng dù có lẻ họ không biết rõ nguyên nhân (sữa có loại hóa chất tryptophan giúp người ta dễ ngủ).

– Tránh dùng các loại thuốc ngủ. Hàng năm ở Hoa Kỳ người ta phải mất hơn 100 triệu đô la để mua thuốc ngủ. Khoản chi tiêu này thật vô bổ. Thuốc ngủ chỉ có hiệu lực tạm thời, nhưng về lâu về dài gây tai hại nhiều hơn lợi ích bởi vì chúng sẽ gây nhiễu loạn chu kỳ ngủ bình thường của chúng ta.

– Không nên cố gắng vỗ giấc ngủ. Mới nghe qua lời khuyên này có vẻ kỳ lạ, thực ra nó có ý nghĩa lớn lao. Các nhà tâm lý đã phát hiện rằng phần lớn nguyên nhân khiến cho người ta khó ngủ chính là do họ cố gắng quá mức. Một phương pháp khôn khéo hơn do giáo sư Richard P. Bootzin thuộc viện đại học Arizona đề xướng dậy người ta điều chỉnh lại thói quen đi ngủ. Ông khuyên họ chỉ nên vào giường khi cảm thấy mỏi mệt. Nếu không ngủ được trong vòng 10 phút, thì nên rời khỏi giường phòng ngủ để làm việc gì đó, và chỉ quay lại giường khi cảm thấy mỏi mệt. Nên tiếp tục làm như thế dù phải mất suốt đêm cũng không sao. Nhưng đến sáng bệnh nhân cứ phải thức dậy vào giờ giấc thường lệ và không được ngủ bù trong ngày. Sau ba hoặc bốn tuần lễ tuân thủ phương pháp này, hầu hết mọi người đều thấy nhanh chóng rơi vào giấc ngủ khi nằm vào giường.

Dù cho các biện pháp này không hữu hiệu đối với bạn thì bạn cũng không nên xem tình trạng mất ngủ của mình là một vấn đề nan giải, vì thực ra nhiều người có thể nhầm lẫn khi cho rằng họ gặp phải khó khăn về giấc ngủ. Các quan sát viên thấy rằng các bệnh nhân vào viện điều dưỡng để được chữa trị thực ra ngủ nhiều hơn họ vẫn tưởng. Thí dụ, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một số người báo cáo thức trong đêm thực ra chỉ trong vòng 30 phút đã lăn ra ngủ và cứ thế ngủ suốt đêm. Ngoài ra, một số người bị chứng mất ngủ có thể nhớ lại chính xác các loại âm thanh đã nghe được trong khi ngủ, chính sự kiện này khiến họ có cảm tưởng bị mất ngủ cả đêm.

Như vậy, vấn đề khó khăn đối với nhiều người bị chứng mất ngủ không phải là thiếu ngủ thực sự, mà thực ra chỉ do họ nhận thức sai lạc về lối ngủ của họ mà thôi. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần biết rõ họ đã thực sự ngủ được bao lâu – và tìm hiểu sự kiện người già trở nên ít ngủ hơn nhu cầu – cũng đủ để “chữa trị” mặc cảm khó ngủ của những người ấy.

7. Tóm tắt và học ôn I

A. TÓM TẮT

– Ý thức liên hệ đến tình trạng nhận biết của con người về các cảm giác, ý tưởng, và tình cảm mà họ đang trải qua vào một thời điểm nhất định.

– Có bốn giai đoạn ngủ khác biệt nhau cũng như trạng thái ngủ REM (mắt chuyển động nhanh trong khi ngủ) ở giai đoạn 1 trong các chu kỳ sau. Các giai đoạn này diễn ra tuần hoàn suốt thời gian ngủ bình thường trong một đêm.

– Bốn cách giải thích chủ yếu về các giấc mơ là thuyết thỏa mãn ước mơ của Freud, thuyết học hỏi ngược chiều, thuyết phục vụ ước muốn tồn tại, và thuyết khởi động tổng hợp.

– Các rối loạn chính liên quan đến giấc ngủ là: chứng mất ngủ (insomia), chứng ngủ kịch phát (narcolepsy) và chứng ngừng thở trong khi ngủ (sleep apnea).

B. HỌC ÔN

1/… là thuật ngữ dùng để miêu tả tiến trình tìm hiểu thế giới bên ngoài cũng như thế giới nội tâm của chúng ta.

2/ Ngược lại quan điểm của mọi người, phần lớn hoạt động của hệ thần kinh diễn ra trong giấc ngủ: Đúng hay sai?…

3/ Các giấc mơ xảy ra trong giai đoạn ngủ nào?

4/… là các tiến trình sinh học bên trong cơ thể diễn ra theo chu kỳ kéo dài hết một ngày.

5/ Thuyết… vô thức của Freud cho rằng các ước mơ thực sự mà mỗi cá nhân biểu lộ trong các giấc mơ đã bị che đậy bởi vì chúng phương hại đến sự nhận biết thuộc tầng ý thức của người ấy.

6/ Cặp đôi rối loạn về giấc ngủ với định nghĩa của nó.

1. Chứng mất ngủ.

2. Chứng ngủ kịch phát.

3. Chứng ngừng thở trong khi ngủ

a. tình trạng khó thớ trong lúc ngủ.

b. khó ngủ.

c. cơn thèm ngủ không thể cưỡng trong khi ngủ lại xảy ra vào ban ngày.

7/ Cặp đôi thuyết giải thích giấc mơ với định nghĩa của nó.

1. Thuyết giấc mơ phục ước muốn tồn tại (dream for survival theory)

2. Thuyết học hỏi ngược chiều (reverse learning theory)

3. Thuyết khởi động tổng hợp (activation–synthesis theory).

a. Các giấc mơ cho phép các thông tin cần thiết được tái xử lý trong khi ngủ.

b. Năng lượng ngẫu nhiên sản sinh trong khi ngủ kích thích não bộ khiến cho não bộ dệt các ký ức được khởi động ấy thành một tình tiết.

c. Các giấc mơ “tẩy sạch” số thông tin thu thập trong ngày.

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Người ta vừa sáng chế được một “loại thuốc kỳ diệu” mà khi uống vào là thuốc này giúp cho người ta chỉ cần ngủ một giờ mỗi đêm là đủ. Nhờ thời gian ngủ ngắn đi, người dùng thuốc không bị nằm mơ. Đã biết rõ nhiệm vụ của giấc ngủ và giấc mơ, theo quan điểm cá nhân của bạn thì loại thuốc như thế có ưu điểm nào và nhược điểm nào? Trên lập trường xã hội loại thuốc này có ưu điểm nào và nhược điểm nào? Bạn sẽ dùng loại thuốc ấy không?

(Giải đáp câu hỏi học ôn cuối chương)

II. THÔI MIÊN VÀ QUÁN TƯỞNG: CÁC DẠNG Ý THỨC BỊ BIẾN ĐỔI TRẠNG THÁI

Bạn đang cảm thấy thư giãn và lười lĩnh. Bạn đang càng lúc càng buồn ngủ hơn, cơ thể bạn đang mềm rũ ra. Giờ đây cơ thể bạn đang bắt đầu ấm dần, bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Mí mắt bạn đang nặng dần, mắt bạn khép kín lại, không thể mở ra được nữa rồi. Bạn hoàn toàn thư giãn đấy.

Bây giờ bạn hãy lắng nghe để làm đúng theo lời tôi bảo. Đưa hai bàn tay lên phía trên đầu. Bạn sẽ thấy chúng càng lúc càng nặng hơn – nặng đến nỗi bạn không còn giữ chúng ở vị trí đó được. Thực tế, dù có ra sức cách mấy bạn cũng không làm cách nào cất tay như thế được nữa.

Quan sát viên chứng kiến cảnh tượng nói trên sẽ thấy một hiện tượng kỳ lạ đang diễn ra: nhiều người đang lắng nghe tiếng nói ấy lần lượt thả rơi hai cánh tay xuống hai bên người giống như họ đang ôm hai khối chì nặng nề vậy. Nguyên nhân gây ra hành vi này là họ đang bị thôi miên.

1. Trạng thái bị thôi miên

Người bị thôi miên* (hypnosis) ở trong trạng thái dễ tuân lệnh người khác. Về một số khía cạnh, bề ngoài người bị thôi miên có vẻ như đang ngủ (thực ra điện não đồ lúc ấy cho thấy họ không đang trong tình trạng ngủ). Nhưng các khía cạnh khác của hành vi này lại đi ngược lại bề ngoài như ngủ của họ, bởi vì những người ấy chăm chú tuân lệnh của người thôi miên. Và sẵn sàng thực hiện bất cứ lệnh lạc nào dù có kỳ quái hay ngu ngốc chăng nữa.

Đồng thời, người bị thôi miên vẫn không đánh mất hết ý chí của mình. Họ sẽ không thực hiện các hành vì chống lại xã hội cũng như các hành vi tự hủy hoạt bản thân. Họ sẽ không bộc lộ các sự thật muốn che đậy trong lòng, đã thế họ còn có thể nói dối nữa. Ngoài ra, người ta không thể bị thôi miên trái ngược ý muốn của họ – chứ không như quan điểm sai lầm thường nói.

Mọi người khác biệt nhau rất nhiều về phương diện dễ bị thôi miên. Khoảng từ 5 đến 20% dân số Hoa Kỳ hoàn toàn không thôi miên được, trong khi khoảng 15% dân số lại rất dễ bị thôi miên. Đa số người rơi vào đoạn lưng chừng. Ngoài ra, tình trạng dễ bị thôi miên liên hệ đến nhiều đặc tính khác. Những người dễ bị thôi miên thường cũng dễ bị lôi cuốn bởi các tình tiết trong tiểu thuyết hoặc trong bản nhạc đến mức quên hẳn thực tại đang diễn ra quanh họ, và những người này thường dành khá nhiều thời gian để đắm mình vào những cơn mơ mộng viển vông. Như vậy, nói chung họ tỏ ra có khả năng tập trung cao độ và hoàn toàn bị cuốn hút vào những việc đang làm.

* Thôi miên (Hypnosis) một tình trạng giống như đang ngủ do nhà thôi miên gây ra trên một cá nhân. Khi đó tâm trí sẽ sẵn sàng tiếp nhận các ám thị nhiều hơn bình thường và ký ức về các biến cố đã qua – rõ ràng đã quên hẳn đi – có thể hiện rõ lại khi dược gợi ý. Ám thị thôi miên dùng cho nhiều mục đích trong y học, thí dụ để chữa trị chứng nghiện thuốc lá hay các loại bệnh khác trong tâm lý liệu pháp (Psychotherapy) [theo Từ điển Y học].

2. Phải chăng thôi miên là một trạng thái ý thức khác hẳn bình thường?

Vấn đề liệu hiện tượng thôi miên có phải là một trạng thái ý thức về mặt tính chất khác hẳn trạng thái ý thức bình thường trong lúc tỉnh thức vốn từ lâu gây nhiều tranh cãi trong giới tâm lý.

Emest Hilgard (1975) đã lập luận đầy thuyết phục rằng hiện tượng thôi miên biểu trưng cho một trạng thái ý thức khác biệt rất đáng kể so với các trạng thái ý thức khác. Ông tin chắc rằng các đặc điểm về mặt hành vi khiến cho thôi miên khác hẳn với các trạng thái ý thức khác gồm có: mức độ dễ bị ám thị cao; khả năng hồi tưởng và tưởng tượng tăng lên; và tăng thêm khả năng chấp nhận các lời ám thị không có tính quyết định nhưng lại hiển nhiên ngược lại thực tế. Thí dụ, người bị thôi miên có thể bị ám thị rằng mình bị mù, và liền sau đó người ấy báo cáo rằng y không thấy được các đồ vật bày sờ sờ trước mắt. Ngoài ra, các cuộc nghiên cứu đã tìm thấy các biến chuyển về hoạt động xung điện bên trong não bộ trong lúc bị thôi miên. Phát hiện này củng cố quan điểm cho rằng trạng thái bị thôi miên là một trạng thái ý thức khác biệt hẳn trạng thái ý thức bình thường lúc tỉnh thức.

Vẫn còn một số lý thuyết gia bác bỏ quan điểm cho rằng hiện tượng bị thôi miên là một dạng ý thức bị biến đổi trạng thái. Họ cho rằng các dạng sóng não bộ bị biến đổi không đủ minh chứng rằng bị thôi miên về mặt tính chất khác với trạng thái ý thức bình thường trong lúc tỉnh thức, trong trường hợp không có những biến đổi tâm lý đặc biệt nào khác xảy ra khi con người ở trong tình trạng mê man xuất thần (trance).

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những người giả dạng bị thôi miên có các hành vi gần giống với những người bị thôi miên thực sự, và rằng mức dễ bị thôi miên có thể tăng lên nhờ các biện pháp tập luyện. Cũng ít có bằng cứ bênh vực khẳng định rằng những người trưởng thành có thể nhớ lại chính xác những ký ức về các biến cố ấu thời khi bị thôi miên. Những chứng cứ tập trung như thế cho thấy rằng về mặt tính chất cơn xuất thần thôi miên không có điểm gì đặc biệt cả.

Ngành tư pháp vẫn tỏ ra bàng quan đối với vấn đề liệu thôi miên có biểu trưng cho trạng thái ý thức chân thực độc đáo không. Ngược lại, mặc dù có bất đồng quan điểm về bản tính chân thực của trạng thái ý thức của người bị thôi miên, nhưng lại ít có tranh cãi về giá trị thực tiễn lớn lao của thôi miên trong rất nhiều lãnh vực khác nhau. Các nhà tâm lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đều cho rằng thôi miễn là một công cụ hữu hiệu và đáng tin cậy. Sau đây là một số ứng dụng của nó:

– Không chế cảm giác đau đớn: Các bệnh nhân mắc phải những cơn đau kéo dài có thể được ám thị trong thời gian bị thôi miên rằng cơn đau của họ đang bị tiêu trừ hay giảm đi. Họ có thể được ám thị để có cảm giác rằng vùng đau đang nóng lên, lạnh hơn, hoặc tê đi. Họ cũng có thể được huấn luyện để tự thôi miên nhằm mục đích xoa dịu cơn đau hay đạt được ý thức khống chế các triệu chứng đau. Thôi miên đã tỏ ra đặc biệt hữu ích trong việc sinh sản và các thủ thuật nha khoa.

– Cai nghiện thuốc lá: Dù chưa thành công trong việc chận đứng sự lạm dụng ma túy và rượu, đôi khi thôi miên thành công trong việc giúp đỡ người ta chấm dứt các thói quen phiền toái như nghiện thuốc lá chẳng hạn. Trong một số biện pháp, những người nghiện thuốc lá được thôi miên ám thị rằng thuốc lá có mùi vị khó chịu. Các kỹ thuật khác bao gồm huấn luyện tự thôi miên để đối phó với các cơn thèm thuốc hoặc ám thị trong lúc thôi miên rằng người nghiện thuốc có trách nhiệm bảo vệ cơ thể của chính mình chóng lại các tai hại do hút thuốc gây ra.

– Liệu pháp tâm lý: Đôi khi người ta sử dụng thôi miên trong việc chữa trị các chứng rối loạn tâm lý. Thí dụ, thôi miên có thể được vận dụng để nâng cao trạng thái thư giãn, gia tăng ước muốn thành công, hoặc cải biến các ý tưởng chủ bại. Nó cũng được sử dụng để làm giảm bớt mức độ lo lắng.

– Công dụng cưỡng hành về mặt luật pháp: Nhân chứng và nạn nhân đôi khi được thôi miên để nhớ lại đầy đủ các chi tiết về một vụ phạm pháp. Trong một vụ điều tra nổi tiếng, một nhân chứng trong vụ bắt cóc một số học sinh ở tiểu bang California được thôi miên và người này đã nhớ lại tất cả mọi chi tiết chỉ sai một con số trên bảng số ô tô của bọn bắt cóc (Tạp chí Time, 1976). Ngược lại, chứng cứ liên quan đến tính chính xác của các điều hồi tưởng gợi ra được nhờ thôi miên hiển nhiên khá phức tạp. Trong một số trường hợp, mức hồi tưởng chính xác về các thông tin đặc biệt tăng lên – nhưng con số sai lầm cũng không ít. Ngoài ra, niềm tin của người ta về các hồi ức gợi ra được nhờ thôi miên cũng tăng lên, ngay cả trong trường hợp ký ức ấy không chính xác. Đơn giản, trạng thái thôi miên có thể khiến người ta sẵn sàng hơn để báo cáo những điều mà họ chủ quan cho rằng họ ghi nhớ được. Do các nghi vấn này về công dụng của nó nên tình trạng pháp lý của thôi miên vẫn chưa được giải quyết.

– Trong lãnh vực thể thao nhà nghề. Đôi khi các vận động viên cũng nhờ đến thôi miên để nâng cao thành tích của họ. Thí dụ, võ sĩ vô địch Ken Norton dùng thôi miên để chuẩn bị tinh thần trước một cuộc so găng, và ngôi sao bóng chày Red Carew dùng thôi miên để tăng mức tập trung đánh bóng.

Như vậy, thôi miên có rất nhiều ứng dụng. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả mong muốn, bởi vì nó chẳng giúp ích gì nhiều cho những người không thể bị thôi miên được. Nhưng đối với những người dễ bị thôi miên nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích đáng kể.

3. Quán tưởng: Đều chỉnh trạng thái ý thức của riêng bạn

Các hành giả thuộc Phật giáo Thiền Tông ở Đông phương cổ đại muốn đạt đến cảnh giới trí tuệ bát nhã vô lượng phát nhờ đến một kỹ thuật được sử đụng trong nhiều thế kỷ để cải biến trạng thái ý thức của họ. Kỹ thuật này được gọi là thiền quán, gọi nôm na là quán tưởng hay tập trung tinh thần.

Quán tưởng hay tập trung tinh thần (meditation) là một kỹ thuật có thể luyện tập được nhằm tập trung chú ý để cải biến trạng thái ý thức. Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng các tôn giáo lớn – kể cả Kitô giáo và Do thái giáo – đều có một hình thức tập trung tinh thần gọi là tĩnh tâm. Ở Hoa Kỳ hiện nay, một số người khởi xướng thiền tính chủ yếu đều là môn đồ của đạo sư yoga vĩ đại Malesh. Vị đạo sư này thực hành một hình thức tập trung tinh thần gọi là quán tưởng để đạt cảnh giới xuất thần siêu nhiên (trascendental meditation, viết tắt là TM). Còn nhiều nhóm khác truyền bá nhiều hình thức tập trung tinh thần khác nhau.

Kỹ thuật quán tưởng đặc biệt vận dụng trong phương pháp TM bao gồm việc lặp đi lặp lại một câu thần chú* (mantra) – một âm thanh, một từ, hay một vần (syllable) – nhiều lần; còn theo các hình thức quán tưởng khác, điểm tập trung là một hình ảnh, một ngọn lửa, hay một bộ phận đặc biệt trong cơ thể (xem Hình 4 –7). Bất kể bản chất của kích thích ban đầu ra sao, trong hầu hết mọi hình thức tập trung tinh thần chìa khóa để thực hành là tập trung chú ý vào đối tượng, tập trung triệt để đến mức hành giả không còn nhận biết bất cứ một kích thích nào ngoài đối tượng ấy thì hành giả mới đạt được cảnh giới ý thức khác biệt hơn so với mọi trạng thái ý thức khác.

* Thần chú (mantra): Theo ấn độ giáo, mantra là một công thức thiêng liêng được xem là hiện thân của thần linh và có sức mạnh huyền bí. Được dùng trong cầu nguyện và ca ngợi thần linh, cũng được dùng làm đối tượng tập trung quán tưởng để đạt đến cảnh giới ý thức xuất thần siêu nhiên. (Chú của người dịch).

Các môn đồ thiền định đều nói rằng họ cảm thấy hoàn toàn thư giãn. Đôi khi còn thuật lại rằng họ đã đạt được các trí thức mới lạ sâu sắc về chính bản ngã nội tại và những vấn đề họ đang gặp phải. Thực hành thiền định lâu dài có thể cải thiện được cả tình trạng sức khỏe: một nghiên cứu về một nhóm người gồm các thành viên thuộc một nhóm gia tộc nổi tiếng lâu đời cho thấy những người thực hành phương pháp TM trong một thời kỳ kèo dài hơn ba năm đều có tuổi thọ rất cao.

Hình 4–7: Một mạn đà là (mandala)* thời xưa có thể được dùng làm đối tượng tập trung chú ý của hành giả trong khi thiền quán. Mandala được thiết kế nhằm thu hút chú ý vào tâm điểm của hình ảnh

Một số biến đổi sinh lý cơ thể xảy ra trong lúc tập trung tinh thần. Thí dụ, lượng oxy tiêu thụ giảm đi, nhịp tim và áp huyết hạ thấp, và các biểu đồ sóng não biến đổi hắn. Ngược lại, các biến đổi tương tự cũng xảy ra trong mọi hình thức thư giãn cho nên vấn đề liệu các biến đổi này có được xem là các dấu hiệu của biên cải thực sự về một bản chất của trạng thái ý thức hay không vốn còn là một câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.

Hiển nhiên, không cần phải dùng các biểu tượng kỳ lạ bạn cũng tập trung tinh thần được nhờ các kỹ thuật đơn giản do Herbert Benson đề nghị. Ông đã từng nghiên cứu rất nhiều phương pháp thiền định. Các điểm căn bản – về một số khía cạnh, tương tự với các phương pháp tu luyện của các tôn giáo phương đông nhưng lại khác hắn bởi vì không có bản chất tinh thân siêu nhiên – bao gồm ngồi trong một căn phòng yên lặng, hai mắt nhắm lại, hơi thở vừa sâu vừa đều đặn, và lặp đi lặp lại một từ hoặc một âm – như từ “một” chẳng hạn – nhiều lần. Mặc dù phương pháp tu luyện truyền thống có hơi phức tạp hơn đôi chút, nhưng hầu hết những người tập luyện qua phương pháp đơn giản này cũng cảm nhận được trạng thái thư giãn sâu sắc chỉ sau 20 phút mà thôi. Thực hành mỗi ngày hai lần các kỹ thuật tập trung tinh thần của Benson dường như cũng có hiệu quả đem lại trạng thái thư giãn ngang với các phương pháp thiền định thần bí.

* Mandala (chữ Hán Việt là mạn đà la, âm theo chữ mandala trong ngôn nghữ Sanscrit). Trong nghệ thuật và tôn giáo Ấn Độ, bất kỳ các dấu hiệu hình tròn thường rất đa dạng biểu trưng cho vũ trụ tâm linh. Phật giáo Mật tông Tây Tạng giải thích Mạn đà la là trú xứ của chư Phật. Còn Ấn Độ giáo thì gọi nó là thiên võng của vua trời Đế Thích (Indra). (Chú của người dịch)

4. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT

– Thôi miên (hypnosis) đặt người ta vào một trạng thái rất dễ tuân theo các ám thị của kẻ khác. Người ta không thể bị thôi miên sai khiến làm điều gì ngược lại ý chí của họ, và mọi người cũng rất khác biệt nhau về mức độ dễ bị thôi miên.

– Một nghi vấn chủ yếu về hiện tượng thôi miên là liệu thôi miên có phải là một trạng thái ý thức cá biệt hay không. Có nhiều chứng cứ biện minh cho cả hai mặt của vấn đề này.

– Thiền quán tĩnh tâm hay tập trung tinh thần (meditation) là một kỹ thuật có thể tập luyện được nhằm tập trung chú ý để làm nẩy sinh một trong thái ý thức cải biến.

B. HỌC ÔN

1/… là một trạng thái dễ tuân theo các ám thị của kẻ khác.

2/ Một người bạn bảo bạn rằng: “Tôi đã từng nghe có người bị thôi miên sai khiến nhảy từ cầu Kim Môn (Golden Gate Bridge) xuống tự vẫn.” Câu nói đó đúng hay sai? Tại sao đúng hoặc tại sao sai?…

3/… là một kỹ thuật có thể tập luyện được nhằm tập trung chú ý để làm nẩy sinh một trạng thái ý thức cải biến.

4/ Leslie lặp đi lặp lại nhiều lần một âm thanh duy nhất, gọi là… khi cô đắm mình vào trạng thái xuất thần siêu nhiên.

5/ Quán tưởng hay tập trung tinh thần (meditation) chỉ có thể tập luyện, học hỏi được nhờ tuân thủ các biện pháp gồm các yếu tố thần bí tôn giáo nào đó. Đúng hay sai?…

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Nếu quán tưởng hay tập trung tinh thần có các lợi ích về mặt tâm lý, thì phải chăng phương pháp này ngụ ý rằng về mặt tinh thần chúng ta đang bị đè nặng trong trạng thái ý thức bình thường của chúng ta?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.