Tâm lý học căn bản

Chương 4 – Phần 4



III. SỬ DỤNG MA TUÝ: CÁC TRẠNG THÁI Ý THỨC SẢNG KHOÁI VÀ TRẦM CẢM

Khi ngọn nến tẩm chất butan làm cho cocaine bốc hơi trong phần bầu thủy tinh của que hút, Amir Vikkiv hút một mạch thật sâu, hãm khói trong lồng ngực nở rộng của anh, sau đó thở ra một hơi thật dài. Bỗng nhiên, đôi mắt anh ta lồi hẳn lên và hai bàn tay run giật liên hồi. Những hạt mồ hôi thi nhau túa ra trên trán anh và những vệt mồ hôi đọng lại dưới hai cánh tay.

Mấy phút trước đó… người cựu quay phim truyền hình này đã “nấu” một gam cocaine tinh chế trong bếp ở căn chung cư của anh. Sử dụng một công thức đơn giản gồm nước cất và soda nung lên, anh đã biến chất bột trắng ấy thành một dạng thuốc tuy gây hại chậm cho cơ thể nhưng đem lại cảm giác thực mãnh liệt gọi là “crack” (nghĩa là tên đào tường, khoét vách).

Trong vòng một giờ đồng hồ anh ta đã “đốt” hết khoảng 100 đô la vào ma túy, nhưng cảm giác phát sinh trong hệ thần kinh của anh ta chỉ đúng 7 giây sau cú hít lần đầu thật chẳng khác gì một tiếng sét nổ vậy. Dù cả ngày chẳng ăn chút gì vào bụng hay đã nhiều tháng không sinh hoạt tình dục, anh cũng chẳng còn thèm khác thứ gì cả…

Điều gì sẽ xảy ra sau khi cơn khoái cảm tê mê đã qua đi lại là một chuyện khác. Trước lúc đó Vikkiv đã bò lê quanh sàn bếp điên cuồng tìm kiếm những mẫu cocaine để xem có rơi rớt chút nào không: Hễ gặp thứ gì trăng trắng là anh vồ lấy và trét vội vào lưỡi bất cứ thứ gì từ các mẫu vụn bánh mì đến các hạt trứng cá đang thối rửa.

Không kể một số người lỡ bước sa chân vào tình cảnh có hành vi cực đoan như thế, hầu như tất cả chúng ta đều đã từng dùng qua một trong các dạng ma túy. Từ hồi còn bé đến nay, hầu hết mọi người đều thường dùng đến các viên thuốc aspirin, vitamin, thuốc giảm sốt, và các loại thuốc tương tự. Các loại thuốc này đều gây ảnh hưởng rất ít đối với ý thức của chúng ta, tác dụng chủ yếu của chúng chủ yếu nhằm vào các chức năng sinh lý của chúng ta. Khi nói về các loại dược phẩm gây ảnh hưởng đến ý thức, chúng ta muốn nói đến các loại thuốc tác động tâm lý (psychoactive drugs), các loại thuốc ảnh hưởng đến tình cảm, nhận thức, và hành vi ứng xử của con người. Ngay những loại thuốc này cũng phổ biến trong cuộc sống của hầu hết mọi người: nếu như bạn đã từng uống một tách cà phê hoặc hớp một ngụm bia, thế là bạn đã dùng đến một loại thuốc tác động tâm lý rồi vậy.

Rất nhiều người sử dụng các loại dược phẩm tác động tâm lý mạnh hơn – và nguy hiểm hơn – so với cà phê và rượu bia (xem Hình 4 – 8). Ngược lại, tình hình sử dụng ma túy trong giới học sinh trung học đã giảm đi trong thập niên qua. Một điều tra cho thấy rằng 48% học sinh trung học đã từng dùng qua một loại thuốc bất hợp pháp ít nhất một lần trong đời học sinh. Các con số thống kê này cho thấy sự sụt giảm đáng kể so với hồi đầu thập niên 1980, tức là giảm đi từ 25% đến 35% (Natioanal lnstitute of Drug Abuse, 1991).

Hình 4–8: Bao nhiêu người dùng ma tuý? Các kết quả trong một cuộc điều tra toàn diện mới đây gồm 17.000 học sinh THPT khắp nước Mỹ cho thấy tỷ lệ số đối tượng trả lời phỏng vấn đã từng sử dụng ít nhất một lần một trong các loại hóa chất không nhằm mục đích chữa bệnh.

Hiển nhiên, các loại thuốc khác biệt nhau vầ bản chất công hiệu đối với người dùng. Loại dược phẩm nguy hiểm nhất là dược phẩm gây nghiện. Dược phẩm gây nghiện (addictive drugs) khiến cho người dùng lâm vào tình trạng lệ thuộc về mặt sinh lý hoặc tâm lý, và nếu ngưng dùng sẽ gây cơn thèm thuốc đến mức gần như không thể cưỡng lại trong một số trường hợp. Tình trạng nghiện ngập có thể có bản chất sinh lý. Trong trường hợp này, cơ thể con người quen thuộc hoạt động với sự hiện diện của dược phẩm đến mức không thể nào hoạt động được khi thiếu thuốc. Hoặc giả tình trạng nghiện ngập có bản chất tâm lý, trong đó người nghiện tin rằng họ cần đến loại dược phẩm ấy để đối phó với các stress trong cuộc sống thường ngày. Mặc dù thông thường hễ nói đến vấn đề nghiện ngập là chúng ta liên tưởng ngay đến các loại ma túy như heroin, nhưng các loại hóa chất sử dụng thường ngày như caffeine (trong cà phê) và nicotine (trong thuốc lá) cũng đều là các loại thuốc gây nghiện.

Chúng ta biết tương đối ít về các nguyên nhân đưa đến tình trạng nghiện ngập.

Một trong các khó khăn trong việc nhận diện các nguyên nhân ấy là các loại hóa chất khác nhau (như rượu và cocaine chẳng hạn) tác động đến não bộ theo những cách thức khác nhau – thế mà lại gây ra hậu quả nghiện ngập như nhau. Ngoài ra, muốn nghiện ngập phải mất thời gian sử dụng loại thuốc này lâu dài hơn so với loại thuốc khác, dù rằng hậu quả sau cùng của trình trạng nghiện ngập có thể trầm trọng ngang nhau.

Tại sao người ta dùng ma túy lần đầu? Có rất nhiều nguyên nhân, từ thái độ đơn giản là chỉ muốn trải qua kinh nghiệm khoái lạc, đến tâm lý chạy trốn các áp lực trong cuộc sống thực tại hàng ngày bằng cảm giác sảng khoái, cho đến cố gắng đạt được trạng thái xuất thần có tính chất tôn giáo. Còn có các nguyên nhân khác, tuy dính líu rất ít đến ước muốn nếm trải kinh nghiệm khoái lạc, cũng khiến người ta thử dùng qua ma túy. Trong một số trường hợp, động cơ đơn giản là khoái cảm gây ra bởi hành động dám nếm qua thứ gì đó mới lạ và có lẽ bất hợp pháp. Cuối cùng, tâm trạng vô vọng của một số người thất nghiệp khốn khố cảm thấy mình bất lực để bị rơi vào hoàn cảnh nghèo đói cũng có thể dùng ma túy như là một phương cách thoát khỏi thảm cảnh ấy. Bất kể động lực nào thúc đẩy con người lao vào ma túy, tình trạng nghiện ngập vẫn cứ là một dạng hành vi ứng xử khó lòng cải sửa dù đã được chữa trị tận tình.

1. Các loại thuốc kích thích

Đồng hồ đã điểm một giờ sáng mà bạn vẫn chưa học xong chương cuối của môn học mà bạn sẽ thi sáng nay. Cảm thấy mệt mỏi rã rời, bạn bèn nhờ đến một thứ có thể giúp bạn tỉnh táo trong hai giờ đồng hồ nữa: một tách cà phê đen đậm đặc.

Nếu đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế, tức là bạn đã trông cậy vào một loại thuốc kích thích (stimulant)* chính là caffeine? để được tỉnh táo. Caffeine là một trong nhiều loại thuốc kích thích tác động vào hệ thần kinh trung ương khiến cho nhịp tim, huyết áp, và cường cơ (muscular tension) tăng lên. Caffeine không chỉ có trong cà phê, nó còn là một thành phần trong trà, một số nước giải khát, và chocolat (xem Hình 4 – 9). Công hiệu chủ yếu của caffeine là làm tăng mức độ chú ý nhưng lại làm giảm khả năng phản ứng. Caffeine cũng làm cho tâm trạng được vui hơn, gần như hiệu quả của loại hóa chất tự nhiên adenosine trong hệ thần kinh.

* Thuốc kích thích (stimulant) Một tác nhân kích thích hoạt động của một hệ thống hay chức năng cơ thể. Amphetamine và Caffeine là các chất kích động hệ thần kinh trung ương (theo Từ điển Y học)

Hình 4–9: Bạn đang dùng bao nhiêu caffeine? Biểu đồ này trình bày mức caffeine tìm thấy ở các thức ăn và thức uống thông dụng. Một người Mỹ thông dụng tiêu thụ khoảng 200mg caffeine mỗi ngày

Nhưng dùng quá nhiều caffeine có thể gây ra tâm trạng bồn chồn và chứng mất ngủ. Dùng lâu ngày gây ra tình trạng lệ thuộc về mặt sinh lý: nếu đột nhiên ngưng uống người ta có thể bị nhức đầu hay chứng trầm cảm (depression). Nhiều người uống quá nhiều trong tuần sẽ bị nhức đầu vào ngày cuối tuần vì lý do đột nhiên uống ít đi.

Một chất kích thích thông dụng khác là nicotine, tìm thấy trong thuốc lá. Chính tác dụng xoa dịu của nicotine giải thích lý do người ta thích hút thuốc, và nhiều người vẫn cứ tiếp tục hút dù biết rằng về lâu dài rất có hại cho sức khỏe. Hút thuốc có thể dẫn đến tình trạng nghiện ngập; người hút thuốc ngày càng lệ thuộc vào chất nicotlne, và nếu đột nhiên ngưng hút sẽ bị hành hạ bởi những cơn thèm thuốc mạnh mẽ. Theo vị tướng quân y Hoa Kỳ C. Everett Koop người đề xướng đổi cách gọi tật hút thuốc lá từ “thói quen” sang “tật nghiện” vào năm 1988, người dùng nicotine bị “chi phối bởi các thôi thúc mạnh mẽ, thường xuyên, không thể cưỡng lại được và cứ dai dẳng không bỏ được dù cho người ta… đã nhiều lần nỗ lực từ bỏ”. (Koop, 1988).

Cocaine*: ít người nghi ngờ rằng loại dược phẩm bất hợp pháp gây ra những vấn đề nghiêm trọng nhất trong suốt thập niên vừa qua đến nay chính là loại thuốc kích thích cocaine, và chất dẫn xuất của nó là crak. Cocaine được “rít” vào hay “hít” vào qua đường mũi, thuốc lá, hoặc tiêm thẳng vào mạch máu. Nó ngấm thật nhanh vào cơ thể gây ra hiệu quả rõ rệt gần như tức thời.

Dùng với số lượng tương đối ít, cocaine gây ra cảm giác sảng khoái sâu sắc làm tăng niềm tin và mức tỉnh táo (tóm tắt các hiệu quả của cocaine và các loại dược phẩm khác, xem bảng 4 –3)

Cocaine gây ra cảm giác “bốc” này nhờ chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Như bạn còn nhớ ở chương 2; dopamine là một loại hóa chất dẫn truyền tín hiệu các nơron liên hệ đến cảm giác khoái lạc thông thường của cơ thể. Bình thường, khi dopamine được phóng thích quá mức thì chất dẫn truyền này sẽ được các nơron phóng thích tái hấp thu. Nhưng khi cocaine xâm nhập vào hệ thần kinh, nó phong tỏa không cho các nơron ấy tái hấp thu chất dopamine còn thừa. Hậu quả là não bộ bị tràn ngập bởi dopamine gây ra cảm giác khoái lạc.

* Cocaine là một chất alkaloid, trích từ lá cây coca (Erythroxyloncoca) hoặc được điều chế bằng phương pháp tổng hợp. Đôi khi được sử dụng đế gây tê cục bộ (a local anaesthetic) trong giãi phẫu mắt, tai, mũi, họng. Nó làm co các mạch máu nhỏ ở chỗ có bôi thuốc nên không cần phải dùng chung với adrenalin. Vì thuốc gây cảm giác phấn chấn (feeling of exhilaration) và có thể dẫn tới lệ thuộc tâm lý vào thuốc, nên cocaine đã được thay thế bằng các loại thuốc gây tê an toàn hơn (theo Từ điển Y học).

Tuy nhiên, cái giá phải trả để có được cảm giác khoái lạc ấy quả là khóc liệt. Cocaine là loại ma tuý gây nghiện về mặt tâm lý cũng như sinh lý, khiến cho người dùng ngày càng bị ám ảnh phải sử dụng nhiều hơn, đến mức cứ cách từ 10 đến 30 phút phải dùng một lần nếu có sẵn. Giữa những lần đắm mình vào cơn khoái lạc này, họ chẳng thể nghĩ đến thứ gì khác ngoài cocaine; còn ăn uống, ngủ nghê, tiền của, bạn bè, gia đình và đến cả sinh mạng đều chẳng đáng kể gì nữa. Cuộc đời họ đã bị cột chặt vào ma túy; họ bị suy sụp từ thể xác đến tinh thần, ngày càng sụt cân và tăng thêm lòng nghi ngờ đối với kẻ khác. Trong các trường hợp nghiêm trọng, cocaine có thể gây ra ảo giác. Một cảm giác thông thường là cảm thấy như có đủ loại côn trùng bò trên khắp cơ thể. Cuối cùng dùng quá liều lượng có thể gây ra cái chết.

Khi không có sẵn cocaine, những người lạm dụng thuốc trải qua ba giai đoạn rõ rệt (xem hình 4–10). Ở giai đoạn thứ nhất, họ lâm vào tình trạng “đổ vỡ”. Họ thèm khát cocaine, cảm thấy u uất và khích động, và nỗi lo âu của họ tăng lên. Trong giai đoạn thứ hai, khởi đầu từ 9 giờ đến bốn ngày sau đó, người ấy khởi đầu tiến trình “từ bỏ”. Trong suốt giai đoạn này, lúc đầu họ ít thèm thuốc hơn, cảm thấy buồn chán và không còn muốn hưởng thụ khoái lạc nữa, nhưng lại bớt lo âu hơn.

Nhưng sau đó, người lạm dụng cocaine rất nhạy cảm đối với bất cứ gợi ý nào về việc dùng thuốc trước đây – một người, sự kiện, vị trí, hoặc công cụ dùng thuốc như ống hút thủy tinh chẳng hạn; khi gặp phải gợi ý như thế, họ dễ dàng quay lại đường cũ nếu như ma túy có sẵn. Nhưng nếu có thể vượt qua được giai đoạn từ bỏ, người này tiến vào giai đoạn thứ ba. Trong giai đoạn này, cơn thèm thuốc giảm đi rất nhiều và tinh khí tương đối bình thường hơn. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhạy cảm đối với các gợi ý liên hệ đến ma túy, và tình trạng ngựa quen đường cũ vẫn thường xảy ra. Như vậy, tình trạng lạm dụng cocaine gây ra hậu quả mãnh liệt và dai dẳng.

Gần như cứ hai người Mỹ ở độ tuổi từ 25 đến 30 có một người đã thử qua cocaine và ước tính có khoảng từ 1 đến 3 triệu người nghiện cocaine cần được chữa trị. Dù tình trạng sử dụng trong giới học sinh trung học đã giảm đi trong mấy năm qua, nhưng ma túy vẫn còn là một trở ngại lớn lao (Gawin, 1991; National lnstitute on Drug Abuse, 1991).

Amphetamines*: Biệt danh “giết nhanh” trở nên phổ biến vào cuối thập niên 1970 khi phong trào dùng các loại Amphetamines – các loại thuốc kích thích mạnh như Dexedrine và Benzedrine (thường gọi là Speed) – rộ lên. Mặc dù sau đỉnh cao thời cuối thập niên 1970 người ta đã bớt đùng, nhưng nhiều chuyên gia về ma tuý cho rằng loại thuốc này sẽ nhanh chóng xuất hiện rầm rộ trở lại nếu như các nguồn cung cấp cocaine bị gián đoạn.

* Amphetamines: loại thuốc có tác dụng giống như thần kinh giao cảm. Gây tác động khá mạnh đối với hệ thần kinh trung tâm. Nó làm giảm bớt tình trạng mệt mỏi và tạo ra cảm giác tỉnh táo và hạnh phúc. Thuốc được dùng để chữa trị các cơn buồn ngủ kịch phát (narcolepsy), bệnh thần kinh trầm cảm nhẹ (mild depressive nearoses), và chứng béo phì (obesity). Phục dược bằng cách uống. Tác dụng phụ gồm mất ngủ (insomia) và bồn chồn (restlessness). Tình trạng dung nạp thuốc phát triển nhanh, và nếu dùng lâu dài có thể dẫn đến nghiện thuốc (theo Từ điển Y học).

Dùng ít, Amphetamine gây ra cảm xúc sung mãn và tỉnh táo, nói huyên thuyên, tăng niềm tin, và tính khí “bốc lên”. Tình trạng mệt mỏi giảm đi, và mức tập trung tăng lên. Amphetamines cũng gây chứng ăn mất ngon, tăng sự lo âu và dễ bị kích động hơn. Dùng lâu ngày, Amphetamines có thể khiến người ta có cảm giác lo sợ người khác ngược đãi nên sinh ra tâm trạng nghi ngờ mọi người mọi việc. Nếu dùng quá liều lượng, Amphetamines kích thích hệ thần kinh trung ương quá độ đến mức cơ thể gây ra các cơn co giật và đưa đến tử vong – vì vậy mà chúng được mệnh danh là giết nhanh”.

Bảng 4–3.

Các loại ma tuý và tác dụng của nó

Ma tuý

Tác dụng

Triệu chứng xảy ra khi ngưng dùng

Phản ứng ngược/ khi dùng quá liều lượng

Kích thích Cocaine Amphetamines Benzedrine Dexedrine Caffeine

Tăng thêm lòng tin và tâm trạng phấn khởi, cảm thấy tràn đầy sinh lực và tỉnh táo, ăn mất ngon, lo âu, dễ kích động, mất ngủ, uể oải tạm thời, kéo dài tình trạng cực khoái khi giao hợp.

Thờ ơ lãnh đạm, mệt mỏi toàn diện, ngủ li bì, trầm cảm, mất định hường, có ý nghĩ tự sát, dễ kích động, hay cáu gắt, có nhiều giấc mơ kỳ lạ.

Áp huyết vọt lên, thân nhiệt tăng, sợ bị ngược đãi, đa nghi, hành vi kỳ quặc và cố chấp, ảo giác sinh động, các cơn co giật, có thể đưa đến tử vong.

Gây trầm cảm: Barbituralis Nembutal Seconal Phenobarbital Quaalude. Rượu (alcohol)

Bốc đồng, tính khí cực kỳ dao động, ý nghĩ kỳ quặc, hành vi tự sát, nói líu lưỡi, mất định hướng, hoạt động tâm trí và thể xác chậm đi, mức chú ý bị hạn chế.

Suy nhược, bồn chồn, nôn mửa, nhức đầu, ác mộng, dễ cáu gắt, trầm uất, lo âu ghê gớm, ảo giác, co giật, có thể đưa đến tử vong.

Nhầm lẫn, giảm phản ứng đối với cảm giác đau đớn, thở nông, đồng tử mở rộng, mạch đập nhanh và yếu ớt, hôn mê và có thể đưa đến tử vong.

Gây ngủ hoặc gây mê: Heroin

Morphine

Thờ ơ, khó tập trung chú ý, nói chậm lại, hoạt động cơ thể giảm đi, chảy nước dãi, ngứa ngáy, sảng khoái, buồn nôn.

Lo âu, nôn mửa, hắt hơi, tiêu chảy, bị đau vùng dưới lưng, chảy nước mắt, nước mũi, dễ cáu gắt, ngáp, run rẩy, hoang mang, rùng mình, toát mồ hôi, chuột rút.

Làm giảm hoặc hoàn toàn mất ý thức, huyết áp hạ thấp, nhịp tim đập nhanh, thở nông, co giật, hôn mê, có thể gây tử vong.

Gây ảo giác: đại ma cần sa Hashhish. Hash oil

Cảm giác sảng khoái, giải trừ cấm kỵ, ăn ngon hơn, hành vi mất định hường.

Hoạt động tăng quá mức, mất ngủ, ăn mất ngon, lo âu.

Hiếm khi có phản ứng nghiêm trọng nhưng lại hoang mang. hoang tưởng, mệt nhọc, hành vi quái lạ và nguy hiểm, dùng lâu làm giảm đi mức sản sinh chất testoterone, gây tình trạng bất lực tạm thời; tác dụng đến hệ miễn dịch.

LSD

Bị hấp dẫn bởi các sự vật bình thường; tăng các phản ứng thẩm mỹ đối với màu sắc, chất liệu, hình dáng, đường nét, âm nhạc, cảm nhận lệch lạc về thị giác và chiều sâu; nghe dược màu sắc và thấy được âm nhạc; thời gian chậm lại; tăng nhạy cảm đối với các khuôn mặt và dáng dấp; khuếch đại cảm giác về yêu đương, đam mê, thù hận, lạc thú, thất vọng; hoang tưởng, hoang mang, sảng khoái; hạnh phúc.

Chưa được báo cáo

Buồn nôn và rùng mình; mạch, thân nhiệt và huyết áp tăng; run rẩy; hơi thở chậm và sâu; biếng ăn; mất ngủ; nhận thức lệch lạc lâu hơn và nhiều hơn; hành vi quái đản và nguy hiểm có thể đưa đến tổn thương hoặc tử vong.

Phencyclidine

Tăng huyết áp và nhịp tim, đổ mồ hôi, buồn nôn, tê liệt, cảm giác bồng bềnh, phản xạ chậm lại, hình ảnh về con người bị biến dạng, nhận thức lệch lạc về thời gian và không gian, mất đi ký ức hiện thời và vừa qua, giảm tập trung, hoang tưởng và ảo tường.

Chưa được báo cáo

Khác biệt rất nhiều và có lẽ tùy thuộc liều lượng; mất định hướng, mất ký ức vừa qua, hôn mê/ngây dại, hành vi quái lạ và bạo lực, cứng 1 hiện thời và bất động, câm lặng, nhìn trừng trừng, ảo giác và ảo tưởng, bất tỉnh nhân sự.

2. Dược phẩm gây trầm cảm: Thuốc gây tâm trạng trầm uất

Ngược lại với tác dụng ban đầu của các loại thuốc kích thích làm tăng mức tỉnh táo. Tác dụng của các loại thuốc gây trầm cảm** (depressants) gây trở ngại cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương bằng cách khiến cho các nơron chậm khởi động hơn. Dùng liều lượng thấp, ít nhất đưa đến tình trạng có cảm giác ngộ độc (feelings of intoxication) tạm thời – như tình trạng say rượu – cùng với tâm trạng sảng khoái và vui vẻ, nhưng dùng nhiều sẽ gây ra tình trạng nói líu lưỡi, sự kiểm soát hoạt động của cơ bắp trở nên rời rạc khiến cho người ta khó di chuyển (đi lảo đảo hoặc đứng không vững) và cuối cùng bị bất tỉnh nhân sự.

** Thuốc gây trầm cảm (depressants) tác nhân làm giảm hoạt động của bất cứ hệ thống chức năng cơ thể nào. Các loại thuốc như thuốc gây mê toàn thân (general anaesthetics), bar biturates, và thuốc phiện (opiates) đều là thuốc gây ra trạng thái trầm cảm có tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương và hệ hô hấp. Các loại thuốc gây độc tế bào (cytoxic drugs) như azathioprine là loại thuốc gây trầm cảm ở mức độ bạch cầu.

Chất gây trầm cảm thông thường nhất là rượu (alcohol) được nhiều người dùng nhất so với bất kỳ loại dược phẩm gây nghiện nào khác. Căn cứ vào tình hình mua bán rượu hiện nay, một người trung bình trên lứa tuổi 14 uống đến 2,5 galông (khoảng 10 lít) rượu nguyên chất trong thời gian một năm – tính ra mỗi người uống hơn 200 chai rượu mỗi năm.

Mặc dù khối lượng rượu tiêu thụ đã giảm dần trong thập niên qua, các cuộc điều tra cho thấy hơn 3/4 sinh viên đại học thú nhận đã có uống một chai rượu, trong vòng 30 ngày trước cuộc điều tra. Và gần 42% số sinh viên được phỏng vấn thú nhận đã uống đến 5 chai hoặc hơn trong vòng hai tuần lễ trước điều tra (NAAA, 1990; Carmody, 1990).

Tình hình tiêu thụ rượu tùy về cá nhân, giới tính, và văn hóa. Thí dụ, nữ giới thường ít bị nghiện rượu hơn và nếu có bị nghiện cũng có khuynh hướng nghiện nhẹ hơn so với nam giới. Dù vậy, nữ giới dễ bị ảnh hưởng bởi rượu hơn bởi vì dạ dày của họ khó trung hòa được chất thuốc nên lượng rượu đi thẳng vào máu nhiều hơn.

Trạng thái trầm cảm (depression): một tình trạng tâm thần có đặc trưng là buồn cực độ. Các hoạt động có thể bị kích động và không ngừng nghỉ hoặc chậm chạp và trễ nải. Tác phong cư xử bị chi phối bởi cảm giác bi quan hay tuyệt vọng, và các hoạt động ăn ngủ và tập trung chú ý đều bị rối loạn. Có rất nhiều nguyên nhân, loạn tâm thần thao – cuống – trầm – cảm (manic – de – pressive psychosis) gây trầm cảm nặng. Trong đó có thể có hoang tưởng (dellusions) cho rằng mình vô dụng, bệnh hoạn, độc ác, hay nghèo khổ, và có ảo giác (hallucinations) đang nghe lời phán tội. Mất mát hay vỡ mộng cũng gây ra trầm cảm, thứ trầm cảm này có thể kéo dài và không tương xứng với loạn tâm thần trầm cảm (depressive neurosis). Chữa trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm (anti–depressant drugs) và/hoặc liệu pháp tâm lý (psycho therapy). Ca nặng có thể cần đến liệu pháp co giật điện (electro covulsive therapy) (trích Từ điển Y học).

Về mặt chủng tộc, tình hình tiêu thụ rượu cũng khác biệt lớn. Thí dụ, các công dân Hoa Kỳ gốc Đông Á thường uống ít rượu hơn nhiều so với dân da trắng hoặc da đen, và số tai nạn liên quan đến rượu thấp hơn. Nguyên nhân dường như là các phản ứng cơ thể đối với rượu như đổ mồ hôi, nhịp tim tăng, và đỏ mặt, khiến những người gốc Đông Á bực bội hơn so với các nhóm dân khác.

Mặc dù rượu là một loại hóa chất gây trầm cảm, nhưng đa số mọi người lại đổ thừa rằng nó giúp họ tăng ý thức chan hòa về mặt xã hội và có cảm giác hạnh phúc. Sự khác biệt giữa tác dụng thực tế và tác dụng gán ép của rượu do ở tác dụng ban đầu của nó: giải tỏa căng thẳng, cảm giác hạnh phúc, và giảm bớt thái độ kiêng kỵ. Nhưng khi lượng tiêu thụ tăng lên thì tác dụng gây trầm cảm lộ rõ ra. (Xem Hình 4 – 11). Người ta có thể cảm thấy bất ổn về mặt tình cảm và cơ thể; khả năng phán đoán kém đi; ký ức sút giảm; nói líu lưỡi và kém mạch lạc; và cuối cùng có thể rơi vào tình trạng ngây dại và mê man bất tỉnh. Nếu uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn, người uống có thể chết vì ngộ độc rượu [Xem đoạn ứng Dụng Tâm Lý Học dưới đây].

Hình 4–11: Tác dụng của rượu:

Số chai uống trong vòng 2 giờ

Phần trăm lượng rượu trong máu

Tác dụng điển hình đối với một người thành niên có thể trọng trung bình

2

0.05

Phán đoán, ý nghĩ, và kiêng kỵ giảm di; giải tỏa căng thẳng; có cảm giác tự do tự tại.

3

0.08

Các căng thẳng và cấm kỵ thường ngày giảm hẳn đi; vui tươi hẳn lên.

4

0.10

Hành động tự chủ bị ảnh hưởng, hoa tay múa chân, đi đứng và nói năng vụng về.

7

0.20

Suy nhược trầm trọng – đi đứng lảo đảo, gây ồn ào, nói năng thiếu mạch lạc, tình cảm dao động; nguy cơ bị tai nạn giao thông tăng gấp 100 lần; khuynh hướng cởi mở và gây hấn tăng lên nhiều.

9

0.30

Các khu vực sâu hơn trong não bộ bị ảnh hưởng khiến cho phản ứng và nhận thức bị sai lạc; ngây dại; thị giác bị nhòe đi.

12

0.40

Mất khả năng tự chủ, buồn ngủ, khó tỉnh táo lại; tương tự tình trạng bi gây mê trong phẫu thuật.

15

0.40

Hôn mê; các trung tâm kiểm soát hô hấp và nhịp tim bị gây mê, dễ đi đến tình trạng tử vong.

Ghi chú: Một chai rượu ở đây ám chỉ 01 chai bia dung tích 12 ounce, 01 ly rượu mạnh 1.5 ounce, hay một ly rượu pha sô đa 5 ounce.

Mặc dù đa số đều thuộc nhóm người gặp dịp mặt dùng rượu, song hiện nay ở Hoa Kỳ có khoảng 18 triệu người nghiện rượu. Người nghiện rượu* (Alcoholic) là người lạm dụng rượu, những người này lệ thuộc vào rượu đến mức cứ tiếp tục uống dù biết rằng rượu gây cho họ nhiều khó khăn nghiêm trọng. Ngoài ra, họ ngày càng miễn dịch đối với các tác dụng của rượu. Hậu quả là, dần dà người nghiện rượu phải uống nhiều hơn mới có thể có cảm giác sảng khoái do rượu gây ra như lúc ban đầu.

* Chứng nghiện rượu (Alcoholism): Hội chứng do lệ thuộc thể chất đối với rượu đến mức nếu thiếu rượu đột ngột có thể gây ra các triệu chứng như run rẩy (tremors), lo âu, ảo giác (hallu cinations), và ảo tưởng (delusions). Sự nguy hiểm của rượu đối với một cá nhân và ảnh hưởng của nó đối với xã hội tùy thuộc vào số lượng rượu uống. Nhiều nước như Pháp chẳng hạn, thói quen uống rượu được xã hội chấp nhận. Gặp rất nhiều nguy cơ do tệ nạn rượu chè gây ra. Thường phải mất nhiều năm uống nhiều rượu mới thành tật nghiện rượu, nhưng phạm vi nghiện từ 1 đến 40 năm. Chứng nghiện rượu làm hư hại chức năng tri thức, kỹ năng thể chất, ký ức và khả năng phán đoán. Còn các kỹ năng xã hội như truyện trò chẳng hạn thuộc về giai đoạn sau. Uống quá nhiều rượu cũng gây bệnh tim (cardiomyopathy), viêm thần kinh ngoại biên (periepheral neuritis), xơ gan (cirrhosis of the liver), và viêm ruột (enteritis). Việc điều trị thường được thực hiện ở bệnh viện tâm thần, ở đó người nghiện rượu trước tiên được cho ngưng uống và sau đó được giúp đỡ để tìm hiểu các áp lực tâm lý khiến cho họ phải uống rượu nhiều. Các loại thuốc như disulfiram (antiabuse) khiến cho người nghiện rượu phải ói mửa khi uống rượu có thể dùng trong việc điều trị.

Có một số trường hợp người nghiện rượu phải uống liên tục mới cảm thấy đủ sức sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật. Trong vài trường hợp khác, tuy không uống thường xuyên nhưng hễ có dịp chè chén là người nghiện rượu sẽ uống thật nhiều.

Không rõ lý do tại sao một số người dung nạp được rượu và trở thành người nghiện rượu, trong khi những người khác thì không. Một số chứng cứ cho rằng do nguyên nhân di truyền, nhưng câu hỏi liệu có một loại gene di truyền đặc biệt nào gây ra chứng nghiện rượu không lại là một câu hỏi gây rất nhiều tranh cãi. Điều rõ ràng là cơ hội bị nghiện rượu sẽ khá cao nếu như người ta sinh ra trong một gia đình có những người nghiện rượu thuộc thế hệ trước. Ngược lại, chính trong các trường hợp này không phải tất cả những người nghiện ấy đều có liên hệ huyết thống gần gũi với nhau. Người ta nghi ngờ rằng các áp lực của hoàn cảnh cuộc sống đóng một vai trò khá quan trọng trong việc gây nghiện.

* Barbiturates: Bất cứ loại nào trong nhóm thuốc dẫn xuất từ barbituric acid đều làm giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Hầu hết các barbiturates kể cả amylobarbitone và pentobar–bitone đều được dùng làm thuốc ngủ. Các barbiturates tác động rất chậm (như phenobarbitone) được dùng như thuốc xoa dịu để khống chế các cơn động kinh, còn các barbiturates có tác động nhanh và hiệu quả ngắn (như thiopentone) được tiêm vào người có công dụng làm thuốc gây mê (anaesthetic). Vì các barbiturates gây ra hiện tượng dung nạp (tolerance) và gây nghiện về tâm lý và cơ thể, cũng như có tác dụng phụ nghiêm trọng (Xem trong chú thích ngộ độc barbiturate dưới đây) có thể gây tử vong khi dùng liều quá cao, nên các barbiturate đã được thay thế trong lâm sàng bằng các loại thuốc an toàn hơn. Phải tránh dùng barbiturate chung với rượu vì hai chất này làm tăng sức mạnh lẫn nhau gây ra các hậu quả nghiêm trọng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.