Tâm lý học căn bản

Chương 5 – Phần 4



5. Tóm tắt và học ôn II/ 1–4

A. TÓM TẮT:

– Tạo điều kiện tác động (operant conditioning) là một hình thức học hỏi trong đó một phản ứng có chủ ý được tăng thêm hoặc giảm bớt khả năng tái diễn, tùy thuộc vào các hậu quả tích cực hoặc tiêu cực của nó.

– Tác nhân khích lệ (reinforcer) là bất kỳ kích thích nào làm tăng thêm xác suất tái diễn một phản ứng đã xảy ra trước đây.

– Các tác nhân khích lệ chủ yếu (primary reinforcer) là các kích thích thỏa mãn một nhu cầu sinh lý và do đó hiệu quả không cần đến kinh nghiệm từng trải; còn tác nhân khích lệ thứ yếu (second reinrorcer) là các kích thích nhờ kết hợp trước đây với tác nhân chủ yếu, gây ra các phản ứng tương tự với tác nhân khích lệ chủ yếu.

– Tác nhân khích lệ tích cực (positive reinforcer) là kích thích thêm vào môi trường nhằm gia tăng thêm xác suất tái diễn một phản ứng. Còn tác nhân khích lệ tiêu cực (negative reinforcer) là một kích thích mà sự tiêu trừ của nó làm tăng thêm xác suất tái diễn một phản ứng đã xảy ra trước đây.

– Trừng phạt (punishment) là sự thực thi một kích thích gây chán ghét tiếp theo sau một phản ứng nhằm làm giảm bớt hoặc trấn áp hành vi ấy. Nó cũng có thể bao gồm sự tiêu trừ một tác nhân khích lệ tích cực.

– Sự phân biệt giữa trừng phạt và khích lệ tiêu cực là tối cần thiết. Mục đích của trừng phạt là làm giảm hoặc trấn áp một hành vi không mong muốn bằng cách thực thi một kích thích; còn mục đích của khích lệ tiêu cực là làm tăng thêm xác suất tái diễn một hành vi mong muôn bằng cách tiêu trừ một kích thích.

B. HỌC ÔN

1/ Tạo điều kiện… là đặc điểm của tiến trình học tập diễn ra do hậu quả của khích lệ.

2/ Thomdike đã khám phá ra rằng các hành vi được khen thưởng rất có thể được tái diễn, còn các hành vi bị trừng phạt sẻ không được lặp lại. Ông gọi hiện tượng này là gì?

3/ Một đứa trẻ được thưởng một chiếc bánh vì đã làm vệ sinh căn phòng. Chiếc bánh trong tình huống này đóng vai trò một…

4/ Người đói sẽ thấy thức ăn là một tác nhân khích lệ…, còn tờ giấy bạc 10 đô la là tác nhân khích lệ… bởi vì nó cho phép anh ta mua được thức ăn.

5/ Các nhà khoa học đã khám phá ra được một loạt gồm 10 tác nhân khích lệ căn bản hữu hiệu đối với bất kỳ một người nào. Đúng hay Sai?…

6/ Cặp đôi loại học hỏi thông qua tiến trình tạo điều kiện tác động với định nghĩa của nó:

a… Khích lệ tích cực

b… khích lệ tiêu cực

c… trừng phạt

(1). Thực hiện một kích thích gây khó chịu để làm giảm bớt khả năng tái diễn một hành vi.

(2). Tiêu trừ một kích thích gây khó chịu để làm tăng thêm khả năng tái diễn một hành vi.

(3). Thực hiện một kích thích thoải mái nhằm làm tăng thêm khả năng tái diễn một hành vi.

7/ Biện pháp trừng phạt phải được thực hiện trong vòng từ 12 đến 24 giờ đồng hồ sau khi hành vì không mong muốn đã diễn ra, để cho các hậu quả tự nhiên của hành vi ấy có thời gian lắng xuống. Đúng hay Sai?…

8/ Sandy đã trải qua một ngày cam go, mà con trai anh làm ồn không để anh được thư giãn. Không muốn dùng biện pháp trách phạt, Sandy đã hạ thấp giọng nói xuống và ra dáng nghiêm khắc bảo cậu con rằng anh rất mệt và muốn cậu bé im lặng chơi trong thời gian 1 giờ đồng hồ. Biện pháp này hữu hiệu. Đối với Sandy, sự cải biến hành vi của con anh là:

a. Học hỏi nhờ khích lệ tích cực (positively reinforcing).

b. Học hỏi nhờ khích lệ bằng tác nhân thứ yếu (secondarily reinforcing).

c. Học hỏi nhờ trừng phạt (punishing).

d. Học hỏi nhờ khích lệ tiêu cực (negatively reinforcing).

9/ Sandy rất phấn khởi. Anh đã không hài lòng với chính mình một tuần lễ trước đó khi anh lớn tiếng trách mắng cậu con trai. Lúc ấy anh đã ngăn chặn sự ồn ào quá mức của cậu con bằng biện pháp.

a. Tiêu trừ một tác nhân khích lệ (removal of a reinforcer)

b. Trừng phạt (punishment)

c. Khích lệ tiêu cực (negative reinforcement)

d. Giải trừ (extinction)

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

B.F. Skinner tin tưởng rằng toàn bộ cuộc sống con người được hình thành theo các nguyên tắc thuộc tiến trình tạo điều kiện tác động (operant conditioning principles). Bạn có chấp nhận quan điểm này không? Quan điểm này đưa đến những kết quả có lợi và có hại nào?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

6. Lịch khen thưởng: ấn định thời gian khen thưởng

Thế gian này có lẽ sẽ khác đi nếu như con bạc chịu thúc thủ ngay lần thua bạc đầu tiên, người đánh cá chịu quay vào bờ ngay lần quăng lưới bị thất bại, hoặc người bán hàng rong thôi bán ngay lúc quay lưng khỏi ngôi nhà đầu tiên anh ta đến bán. Sự kiện các hành vi dù chưa được khích lệ như thế vẫn cứ tiếp tục diễn ra, thường lại rất nhiều lần, minh chứng rằng không cần phải liên tục nhận được khích lệ người ta vẫn học hỏi được và duy trì hành vi mong muốn. Trên thực tế, hành vi chỉ thỉnh thoảng mới được khích lệ cuối cùng sẽ giúp người ta học hỏi khả quan hơn so với hành vi luôn luôn được khen thưởng.

Khi đề cập đến tần số và thời gian khích lệ tiếp sau hành vi mong muốn, chúng ta muốn nói đến lịch khen thưởng (schedules of reinforcement). Một hành vi được khen thưởng mỗi khi xảy ra được gọi là khích lệ theo lịch khen thưởng liên tục (a continuous reinforcement schedule); còn nếu như thỉnh thoảng chứ không phải lúc nào cũng được khen thưởng, thì người ta nói hành vi ấy được khích lệ theo lịch khen thưởng từng phần (a partial reinforcement schedule). Mặc dù tiến trình học hỏi sẽ diễn ra nhanh chóng hơn khi áp dụng lịch khen thưởng liên tục, nhưng hành vi học hỏi được lại kéo dài lâu hơn sau khi chấm dứt khích lệ nếu như hành vi ấy được học hỏi theo lịch khen thưởng từng phần.

Tạo sao lịch khen thưởng từng phần khiến cho kết quả học tập vững chắc hơn và lâu dài hơn so với lịch khen thưởng liên tục? Chúng ta có thể giải đáp được câu hỏi này bằng cách so sánh lối cư xử của chúng ta khi sử dụng một máy bán soda với lúc đứng trước một máy đánh bạc ở Las Vesgas. Khi sử dụng một máy bán hàng, kinh ngiệm trước đây cho chúng ta biết rằng lịch khen thưởng của nó có tính liên tục – cứ mỗi lần nhét 75 cents vào máy là chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng soda. Còn máy đánh bạc lại cho một lịch khen thưởng từng phần: chúng ta đều biết rằng sau khi nhét 75 cents vào khe máy thì đa số lần chúng ta sẽ chẳng được đền bù thứ gì cả. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng biết rằng đôi khi cũng thắng to.

Bây giờ giả sử chúng ta đều không biết rằng cả hai máy bán soda và máy đánh bạc đều bị hỏng cả nên chúng đều không thể đền bù thứ gì cả cho hành vi nhét tiền vào khe máy. Chúng ta sẽ ngưng ngay việc nhét tiền vào máy bán soda; trên thực tế, có lẽ nhiều nhất chúng ta sẽ thử lại hai hoặc ba lần rồi bực tức bỏ đi. Nhưng sự việc sẽ hoàn toàn khác đối với chiếc máy đánh bạc bị hỏng. Ở đây, chúng ta sẽ nhét tiền vào máy khá nhiều lần mặc dù chiếc máy đánh bạc cứ trơ ra, không chịu phản ứng chi cả.

Sử dụng loại máy ghi lũy tích (a cumulative recorder), một công cụ tự động ghi nhận và vẽ biểu đồ cho khuôn mẫu phản ứng (pattem of responses) xảy ra đối với từng loại lịch khen thưởng cụ thể (xem Hình 5–5), các nhà tâm lý chuyên về vấn đề học hỏi đã khám phá ra được một số lịch khen thưởng từng phần có hiệu quả gây phản ứng mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn so với các lịch khen thưởng khác. Người ta đã tiến hành khảo sát rất nhiều loại lịch khen thưởng từng phần, và hầu hết chúng đều được xếp vào hai loại: loại lịch chú trọng đến tần số phản ứng (number of responses) xảy ra trước khi được khen thưởng, gọi là lịch khen thưởng theo tỷ lệ cố định và theo tỷ lệ biến độngt và loại lịch chú trọng đến thời lượng (amount of time) đã trôi qua trước khi được khen thưởng, gọi là lịch khen thưởng cách quãng cố tình và cách quãng biến động.

Hình 5–5: Máy ghi luỹ tích. Trong khi giấy từ từ bung ra, lúc nào một phản ứng xảy ra thì bút ghi trên giấy một vạch theo dạng chứ V hướng lên trên. Phản ứng dừng lại được hiển thị bằng vạch nằm ngang, không hướng lên trên. Nhưng trong trường hợp thí dụ này, biểu đồ phản ảnh khoảng thời gian mà các phản ứng giảm bớt đi trong khi sinh vật học cách phản ứng.

a) Lịch khen thưởng theo tỷ lệ cố định và tỷ lệ biến động. Đối với lịch khen thưởng theo tỷ lệ cố định (fixed ratio schedule), sự khích lệ chỉ được thực hiện sau khi một số phản ứng nhất định đã diễn ra. Thí dụ, chú bồ câu chỉ nhận được hạt ngũ cốc vào lần mổ khoen thứ mười; ở đây, tỷ lệ khen thưởng là 1: 10. Tương tự, các công nhân may mặc thường được trả lương theo lịch cố định, cứ may xong 10 áo choàng họ sẽ được lãnh X đôla. Năng xuất tăng lên thì khích lệ nhiều hơn, nên người ta sẽ làm việc ngày càng nhanh hơn. Ngay khi khen thưởng không còn nữa, phán ứng vẫn cứ tuồn ra – dù các quãng đứng giữa các đợt phản ứng ngày càng kéo dài hơn cho đến khi phản ứng hoàn toàn kết thúc (xem Hình 5–6).

Hình 5–6: Kết quả điển hình của các loại lịch khen thưởng khác nhau: (a) Đối với loại lịch khen thưởng theo tỉ lệ cố định, có những quãng dừng ngắn sau mỗi phản ứng. Bởi vì phản ứng càng nhiều thì càng được khen thưởng nhiều, nên loại lịch khen thưởng này khiến cho tần số phản ứng khá cao. (b) Đối với lịch khen thưởng theo tỉ lệ biến động, phản ứng cũng diễn ra theo tỉ lệ khá cao. (c) Lịch khen thưởng cách quãng cố định hạ thấp tần số phản ứng, nhất là sau khi được khích lệ, bởi vì sinh vật học hỏi biết được rằng một quãng thời gian nhất định phải trôi qua giữa các lần khen thưởng. (d) Còn lịch khen thưởng cách quãng biến động lại khiến cho các loại phản ứng xảy ra khá đều đặn.

Đối với loại lịch khen thưởng theo tỷ lệ biến động (variable – ratio schedule), sự khích lệ được thực hiện không căn cứ theo số lần phản ứng nhất định nào cả. Dù không nhất thiết phải giống nhau mới được khen thưởng, tần số phản ứng diễn ra thường biến động quanh một tần số trung bình đặc biệt. Có lẽ thí dụ dễ hiểu nhất về loại lịch khen thưởng này là trường hợp người bán hàng rong đến gõ cửa từng nhà. Người này có thể bán được hàng ở nhà thứ 3, thứ 8, thứ 9, và thứ 20, còn ở những nhà khác không bán được gì cả. Dù số lần gõ cửa có biến đổi, nhưng tỷ lệ thành công chiếm khoảng 20%. Trong tình huống này, bạn thấy người bán hàng sẽ thực hiện càng nhiều lần gõ cửa càng tốt trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Đây là trường hợp điển hình cho mọi loại lịch khen thưởng theo tỷ lệ biến động; chúng khích lệ phản ứng xảy ra theo tần số khá cao và có sức đề kháng khá mạnh mẽ đối với hiện tượng giải trừ.

b) Lịch khen thưởng cách quãng cố định và cách quãng biến động: Khích lệ theo thời gian

Ngược lại loại lịch khen thưởng theo tỉ lệ phản ứng nói trên – trong đó yếu tố tối quan trọng là tần số phản ứng – các lịch khen thưởng cách quãng cố định và biến động chú trọng đến thứ lượng (amount of time) đã trôi qua giữa hai lần khen thưởng. Một thí dụ về lịch khen thưởng cách quãng cố định là các phiếu chi trả lương hàng tuần. Đối với các công nhân thường xuyên nhận được tiền lương hàng tuần, sản lượng ít biến động giữa các tuần làm việc – cho đến khi họ chứng tỏ thành tích vượt trội nhằm mục đích riêng tư nào đó.

Bởi vì lịch khen thưởng cách quãng cố định (fixed – intelval schedule) chỉ cống hiến khích lệ sau một thời hạn nhất định đã trôi qua, nên nói chung các phản ứng thường khá thấp. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp thời hạn giữa hai khích lệ kéo dài khá lâu. Thói quen học tập của sinh viên chứng minh cho ý niệm này: Nếu thời gian giữa các các kỳ thi tương đối kéo dài (có nghĩa là cơ hội được khen thưởng vi thành tích học tập khả quan khá bất thường), sinh viên thường học rất ít hay không học gì cả cho đến khi ngày thi gần kề. Chỉ ngay trước ngày thì họ mới bắt đầu ra sức học gạo, cho thấy sự gia tăng nhanh chóng tần số phản ứng học tập của họ. Như bạn biết, ngay sau kỳ thi tần số phản ứng hạ thấp rất nhanh và chúng ta thấy rất ít sinh viên chịu mở sách ra học sau ngày thi.

Một phương thức làm giảm tình trạng trì hoãn phản ứng xảy ra ngay sau khi khen thưởng và nhằm duy trì hành vi mong muốn xảy ra thường xuyên hơn trong quãng cách khích lệ là sử dụng lịch khen thưởng cách quãng biến động. Theo lịch khen thưởng cách quãng biến động (variable – interval schedule), thời gian giữa các lần khích lệ biến đổi quanh một thời hạn trung bình chứ không có tính cố định. Thí dụ, một giáo sư muốn gây bất ngờ cho sinh viên bằng cách ra bài kiểm tra bất thường, cách quãng từ ba ngày một bài kiểm đến ba tuần một bài kiểm, miễn sao bình quân cứ hai tuần sinh viên phải làm một bài kiểm tra. Vị giáo sư này áp dụng lịch cách quãng biến động. Thói quen học tập của sinh viên sẽ rất khác biệt do một lịch cách quãng khó lường trước như thế so với trường hợp đã quan sát về lịch cách quãng cố tình ở trên: sinh viên sẽ học tập thường xuyên hơn bởi vì họ không hề biết được khi nào bài kiểm tra bất ngờ kế tiếp xảy ra. Nói chung, các lịch khen thưởng cách quãng biến động thường khiến cho tần số phản ứng tương đối đều đặn hơn các lịch các quãng cố định, và sau khi kết thúc khích lệ các phản ứng kéo dài lâu hơn mới chịu giải trừ.

7. Hiện tượng phân biệt và tổng quát hóa trong tiến trình tạo điều kiện tác động

Một đứa trẻ không mất bao nhiêu thời gian mới có thể biết được đèn đỏ ở giao lộ báo hiệu phải dừng xe, và đèn xanh báo hiệu xe cộ được phép tiếp tục chạy. Như vậy, giống như trường hợp tạo điều kiện hạn chế, tiến trình tạo điều kiện tác động cũng bao gồm các hiện tượng phân biệt và tổng quát hóa kích thích.

Tiến trình học hỏi cách phân biệt các kích thích được gọi là rèn luyện kiểm soát kích thích. Trong tiến trình rèn luyện kiểm soát kích thích (stimulus control training), một hành vi được khích lệ tái diễn bằng sự hiện diện của một kích thích đặc biệt, và không được khích lệ khi không có kích thích ấy. Thí dụ, một trong các phân biệt khó thực hiện nhất mà nhiều người gặp phải là xác định xem khi nào hành vi thân mật của một người nào đó không đơn thuần là hành vi thân mật, mà chính là dấu hiệu luyến ái. Người ta học được cách phân biệt nhờ quan sát sự hiện diện của một số ám hiệu vô ngôn cực kỳ tế nhị – như tiếp xúc ánh mắt và va chạm cơ thể tăng lên – biểu hiện sự luyến ái. Khi không có các ám hiệu ấy, họ hiểu rằng không có biểu hiện luyến ái. Trong trường hợp này, ám hiệu vô ngôn (nonverbal cue) đóng vai trò một kích thích có hiệu quả phân biệt, một loại kích thích mà sinh vật học được các phản ứng trong tiến trình rèn luyện kiểm soát kích thích. Kích thích có hiệu quả phân biệt (a discriminative stimulus) báo hiệu khả năng khích lệ sẽ được thực hiện tiếp theo sau phản ứng. Thí dụ, khi bạn chờ cho đến lúc người bạn cùng phòng có tâm trạng vui vẻ mới hỏi mượn đĩa nhạc ưa thích của cô ấy, thì hành vi của bạn có thể nói rằng đang ở trong trạng thái kiểm soát kích thích.

Cũng giống như trong tiến trình tạo điều kiện hạn chế, hiện tượng tổng quát hóa kích thích, trong đó sinh vật học cách phản ứng đối với một kích thích rồi áp dụng cho các kích thích khác, cũng được khám phá thấy trong tiến trình tạo điều kiện tác động. Nếu đã biết rằng lễ độ đưa đến khích lệ là thành công trong một tình huống nhất định, bạn thường sẽ tổng quát hóa phản ứng của mình vào các tình huống khác. Dù vậy, đôi khi hiện tượng tổng quát hóa có thể đưa đến các hậu quả bất hạnh, như trường hợp người ta cư xử không tốt đối với mọi thành viên thuộc một nhóm chủng tộc bởi vì họ đã từng trải kinh nghiệm đối với một thành viên nào đó trong nhóm chủng tộc ấy.

8. Hành vi mê tín (superstitious behavior)

Wade Boggs, một cầu thủ thuộc đội bóng chày New York Yankees, thực hiện một loạt nghi thức phức tạp trước và trong trận đấu suốt mùa bóng. Theo một bài tường thuật của báo chí: “Anh dùng thức ăn đặc biệt trong những ngày nhất định, đến sân bóng vào giờ giấc nhất định mỗi ngày, tập luyện đúng một số động tác do cùng một huấn luyện viên chỉ dạy, chạy nước rút vào đúng thời khắc nhất định, chạy đến vị trí của mình theo đúng các vết chân đã để lại, và vạch biểu tượng “chai” của dân Do Thái (nghĩa là “cuộc sống”) trên mặt đất mỗi khi anh chạy về đến sân nhà.” Boggs tin tưởng rằng anh phải thực hiện đúng các nghi thức ấy mới chơi thành công trong các trận tranh tài.

Trong khi dễ dàng bác bỏ những nghi thức phiền toái của Wade Boggs, các nhà tâm lý chuyên về vấn đề học hỏi lại xem chúng là thí dụ về một nhóm biểu hiện các phản ứng được gọi là hành vi mê tín. Thực ra, nhiều người trong chúng ta cũng có riêng một số hành vi mê tín như mặc chiếc áo đặc biệt mỗi lần đi thi hoặc đi dự phỏng vấn xin việc làm, tự nhủ nếu qua trót lọt tất cả các đèn giao thông trên một con đường nhất định chúng ta sẽ gặp may mắn trong ngày, hoặc giả – một tập tục lâu đời tránh gặp con mèo đen trên đường đi chẳng hạn.

Các hành vi mê tín như thế xuất phát từ đâu? Theo các nhà tâm lý chuyên về vấn đề học hỏi thì chúng xuất xứ từ các nguyên tắc khích lệ. Như chúng ta đã từng thảo luận, hành vi thường có khả năng tái diễn nhiều hơn sau khi được khích lệ. Nhưng đôi khi hành vi diễn ra trước khi được khích lệ cũng khá ngẫu nhiên. Thí dụ, một cầu thủ bóng chày vô tình đập gậy xuống đất ba lần trước mỗi khi đánh trúng bóng rồi chạy về bên sân nhà. Dĩ nhiên, cú đánh trúng bóng là ngẫu nhiên đối với hành vi đập gậy xuồng đất, nhưng đối với cầu thủ thì dường như giữa hai sự kiện đó có đôi chút quan hệ. Bởi vì sự liên kết đã hình thành trong tâm trí của cầu thủ, nên sau này anh ta sẽ đập gậy xuống đất ba lần mỗi khi chuẩn bị đánh bóng. Và bởi vì ít nhất định sẽ được tưởng thưởng phần nào cho hành vi này – các cầu thủ thường đánh trúng bóng theo xác suất 25% – nên hành vi đập gậy xuống đất có lẽ sẽ được duy trì. Các nghi thức mê tín thực sự có ảnh hưởng đến hành vi tiếp theo sau chúng không? Thực ra là có. Theo một số nhà tâm lý, hành vi mê tín giúp cho người ta đối phó với nỗi lo âu nhờ cống hiến các thói quen hoặc nghi thức cho phép họ tự chủ trước tình huống gặp phải. Theo lối giải thích này, mặc chiếc áo “may mắn” giúp cho người ta bình tĩnh – thực tế có thể gặt hái được thành quả khả quan hơn khi dự thi hoặc trải qua cuộc phỏng vấn đầy cam go. Do đó, như bạn biết các hành vi mê tín có thể uốn nắn hành vi kế tiếp sau đó của bạn.

9. Uốn nắn: Khích lệ các hành vi không xảy ra tự nhiên

Hãy xét xem phải khó khăn đến mức nào khi vận dụng tiến trình tạo điều kiện tác động để huấn luyện người ta sửa chữa bộ truyền động ô tô. Nếu bạn chờ cho đến khi họ sửa chữa hoàn hảo mới khích lệ, thì có lẽ đến khi kiểu xe Model T đã lỗi thời họ cũng chưa thành thạo quy trình sửa chữa được.

Nhiều hành vi phức tạp, từ sửa chữa ô tô đến đi săn ngựa vằn, không xảy ra tự nhiên giống như các hành vi tự phát của mọi người. Trong các trường hợp như thế, có lẽ không có cơ hội để khen thưởng một hành vi đặc biệt (bởi vì nó không bao giờ xảy ra lần đầu), người ta sử dụng một kỹ thuật gọi là uốn nắn. Uốn nắn (shaping) là tiến trình huấn luyện một hành vi phức tạp bằng cách khen thưởng cho các hành vi bắt chước ngày càng giống với hành vi mong muốn. Theo kỹ thuật uốn nắn, thoạt đầu bất cứ hành vi nào tương tự với loại hành vi bạn mong muốn người ta học hỏi đều được khích lệ. Sau đó, bạn chỉ khen thưởng các phản ứng nào thật giống với loại hành vi mà cuối cùng bạn muốn truyền dạy. Sau cùng, bạn chỉ khích lệ loại phản ứng mong muốn mà thôi. Như vậy, một bước uốn nắn chỉ vược xa hơn đôi chút so với hành vi đã học hỏi được trước đó nhằm giúp cho người học tập có thể kết hợp bước mới ấy với hành vi đã học hỏi được từ trước đến nay.

Kỹ thuật uốn nắn có thể giúp cả đến những con vật hạ đẳng học được các phản ứng phức tạp có lẽ trong tự nhiên chúng chưa hề hành động nổi, từ việc huấn luyện sư tử nhảy xuyên qua các vòng tròn đến việc huấn luyện cá heo cứu nạn thợ lặn ở biển khơi (như chúng ta đã thấy ở đoạn ứng Dụng Tâm Lý Học trên đây). Kỹ thuật uốn nắn cũng làm cơ sở cho việc học hỏi nhiều loại kỹ năng phức tạp của con người. Thí dụ, cách trình bày nội dung của hầu hết các cuốn sách giáo khoa đều căn cứ vào các nguyên tắc uốn nắn. Thông thường, các thông tin được trình bày sao cho các tài liệu mới mẻ được xây dựng trên các khái niệm hay kỹ năng đã học hỏi được trước đây. Như vậy, khái niệm uốn nắn sẽ không thể trình bày được trong chương sách này nếu như chúng ta chưa bàn đến các nguyên tắc còn căn bản hơn thuộc tiến trình tạo điều kiện tác động.

10. Vấn đề sử dụng phương pháp giảng huấn theo chương lập sẵn ở các trường đại học: Các chương trình lập sẵn đóng vai trò giáo sư giảng dạy

Sinh viên hóa học có thể pha các loại hóa chất tùy thích mà không sợ rủi ro gây cháy nổ. Sinh viên y khoa có thể tự mình thực hiện các ca phẫu thuật không có nguy cơ làm mất mạng bệnh nhân. Sinh viên vật lý có thể nhìn thấy chuyển động của các hạt electron để đáp ứng với các lực tác động khác nhau.

Cơ hội để thực hiện mọi hoạt động này không xuất phát từ một vị giáo sư thông thái, mà từ một vật thể thay thế tẻ nhạt là chiếc máy điện toán. Theo những người đề nghị sử dụng máy điện toán để giảng dạy cho sinh viên đại học, tình hình phổ biến máy điện toán và trình độ am hiểu kỹ năng điện toán ngày càng tăng ở nhiều trường đại học sẽ dẫn đến cuộc cách mạng trong lãnh vực giảng huấn. Theo quan điểm này, máy điện toán sẽ được thường xuyên sử dụng để bổ sung cho công tác giáng dạy của các vị giáo sư, thậm chí chúng có thể đảm nhiệm giảng dạy toàn bộ các môn học thay cho người đứng lớp trong một tương lai không xa lắm.

Việc sử dụng máy điện toán ở các trường đại học căn cứ vào một kỹ thuật được xây dựng đầu tiên khoảng 6 năm trước đây. Được gọi là phương pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn (programmed instruction) hay phương pháp giảng huấn nhờ máy điện toán hỗ trợ, nó là một ứng dụng phổ biến nhất của kỹ thuật uốn nắn. Công khai sử dụng các tài liệu học tập như thế thoạt đầu được yêu cầu đánh chữ vào những phản ứng rất đơn giản sẽ được hiển thị lên màn hình; sau đó sinh viên tiến lên giải những bài toán ngày càng phức tạp hơn. Các phản ứng chính xác được khen ngợi ngay tức khắc, còn các sai lầm buộc sinh viên phải học ôn lại tài liệu trước. Khen thưởng đối với các phản ứng chính xác có thể công khai dưới hình thức khích lệ hiển thị lên màn hình (như “tốt”, “tuyệt vời, Lau ra”., “Hãy cứ thế”, và đại loại như thế), hoặc giả người sử dụng máy điện toán đơn giản được phép tiến đến phần kế tiếp của bài học, bản thân việc này cũng là một tác nhân khích lệ hữu hiệu. Mỗi câu trả lời chính xác sẽ uốn nắn hành vi của sinh viên nhằm dẫn dụ người đó tiến gần hơn đến hành vi mong muốn tối hậu – tức là hiểu rõ toàn bộ tài liệu khá phức tạp.

Việc sử dụng phương pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn có nhiều ưu điểm. Máy điện toán không bao giờ biết mệt mỏi, chúng luôn luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào sinh viên cần đến. Một ưu điểm rất quan trọng là các chương trình tinh vi có khả năng phân tích được các dạng sai lầm của sinh viên và trình bày tài liệu đặc biệt phù hợp với khả năng học tập của từng sinh viên. Ngoài ra, máy điện toán còn có khả năng đưa ra các cảnh giả giúp cho sinh viên kinh qua các tình huống mà thực tế không thể thực hiện được hoặc rất tốn kém. Các máy điện toán lắp ráp theo kỹ thuật cao nhất sử dụng loại đĩa quang học (optical disks) – các phiên bản mới của đĩa CD đã được sử dụng vào lãnh vực âm nhạc – để cống hiến âm thanh nổi, hình ảnh, và hình di động, cùng với các bản văn đủ để chất đầy một thư viện nhỏ.

Tiềm năng của phương pháp giảng huấn hỗ trợ bởi máy điện toán (computer – assisted instruction) rất lớn lao. Thí dụ, máy điện toán cung cấp cơ hội cho các sinh viên khoa tâm lý đang nghiên cứu vấn đề học hỏi chẳng hạn, có thể tuyển chọn trên màn hình các công trình thí nghiệm về các nguyên tắc thuộc tiến trình tạo điều kiện hạn chế. Khi ấy, sinh viên có thể quyết định tham gia thực tập cách tạo điều kiện trong đó công cụ thí nghiệm của Pavlov đã được thu vào băng hình để hiển thị lên màn hình. Kế tiếp, sinh viên có thể chọn lọc thêm về Pavlov, đi sâu vào các thông tin về nước Nga hồi thế kỷ 19 và bối cảnh làm việc của các nhà khoa học Nga thời bấy giờ. Từ đó, sinh viên có thể quyết định đi sâu vào tài liệu về các phương pháp khoa học hồi thế kỷ 19; hoặc giả có thể chọn quyết định tìm hiểu các cơ sở sinh học của hiện tượng chảy nước bọt ở loại chó, tùy theo lãnh vực quan tâm của mình. Hiển nhiên, tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng với phương pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn. (Muốn biết thí dụ về phương Pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn hiện hành, hãy xem Hình 5–7).

Hình 5–7: Thí dụ về phương pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn trên máy điện toán này xuất xứ ở Maclaboratory, một chương trình trình bày các thí nghiệm tâm lý học (Courtesy of Douglas L. Chute, MacLaboratory, 1992)

Tuy nhiên, phương pháp giảng huấn theo chương trình lập sẵn cũng bị một vài phê phán. Một số người cho rằng việc sử dụng thực tập quá nhiều trên máy sẽ không giúp cho sinh viên am tường điều gì thực sự diễn ra trong thế giới thực tại, như trường hợp các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm bị sai lầm chẳng hạn. Những người khác thì nghĩ rằng sinh viên không thể nêu ra các câu hỏi vượt ngoài phạm vi những vấn đề quá hạn chế đã được lập trình sẵn.

Thế nhưng, hầu hết các dữ kiện đều cho thấy phương pháp giảng huấn lập trình tỉ mỉ là một kỹ thuật giảng dạy có hiệu quả. Máy điện toán cũng giúp soi sáng các tiến trình học hỏi căn bản, như chúng ta sẽ thấy trong đoạn Trích Dẫn Thời Sự dưới đây.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.