Tâm lý học căn bản

Chương 6 – Phần 4



4. Ký ức tháng ngày: Phải chăng có khác biệt trong bối cảnh phòng thí nghiệm?

Các mặt hạn chế của ký ức tự truyện cho thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu ký ức trong phạm vi bối cảnh cuộc sống thực tế của con người. Nhiều nhà khảo cứu về ký ức đã lo ngại rằng đa số các cuộc nghiên cứu hiện hành về ký ức còn thiếu sót bởi vì chúng bị hạn chế quá nhiều từ bối cảnh thí nghiệm. Các quan điểm phê phán này cho rằng các cuộc thí nghiệm về ký ức nên được thực hiện trong các khung cảnh thực tế tự nhiên, sử dụng các hồi niệm về kinh nghiệm riêng tư của con người.

Thực tế một số nhà khảo cứu sử dụng thuật ngữ “ký ức thường ngày” (everyday memory) để phân biệt ký ức liên hệ đến cuộc sống thực tế của các đối tượng với ký ức của chính họ được gợi lại trong bối cảnh thí nghiệm. Thí dụ, một nhà khảo cứu về ký ức đã thực hiện một chuyến du hành xuyên qua Châu Âu trong 47 ngày bằng xe đạp với một bạn đồng hành vốn là một tay đua xe đạp sáng giá nhất, người này chấp nhận làm đối tượng thí nghiệm của nhà khảo cứu. Trong suốt cuộc hành trình, nhà khảo cứu đã ghi nhận được nhiều sự kiện khác nhau, như số bưu thiếp mà tay đua xe ấy đã gởi đi, và vân vân chẳng hạn. Ba tháng sau ngày kết thúc chuyến du hành, nhà khảo cứu yêu cầu tay đua làm một trắc nghiệm trí nhớ về số lần ức sự kiện khác nhau đã xảy ra trong chuyến đi ấy. Ông nhận thấy – không lấy gì làm lạ rằng – tay đua ấy nhớ lại các sự việc đã xảy ra hoàn hảo hơn so với một nhóm kiểm soát gồm các cá nhân chỉ đơn thuần phỏng đoán sự việc nào đã xảy ra. Điều quan trọng hơn nữa là nhà khảo cứu tìm hiểu được tiến trình nhờ đó tay đua ấy đã sử dụng để ước tính số lần xảy ra sự việc. Ông thấy tiến trình dùng để ước tình các sự việc ít xảy ra khác biệt với tiến trình dùng để ước tính các sự việc thường xuyên xảy ra hơn.

Đối với những người bênh vực khảo hướng “ký ức thường ngày”, chuyến du hành bằng xe đạp này tiêu biểu cho tầm quan trọng của sự việc sử dụng các tình tiết trong hoàn cảnh thực tế để nghiên cứu trí nhớ. Họ lập luận rằng không cuộc khảo cứu trong bối cảnh phòng thí nghiệm nào có thể sánh bằng chuyến du hành 47 ngày ấy, và do đó việc tìm hiểu trí nhớ về các sự việc thực tế, thường xuyên, và quan trọng không thể nào đoán quyết được từ các cuộc khảo cứu chỉ được thực hiện trong phạm vi phòng thí nghiệm.

Ngược lại, cũng có nhiều nhà khảo cứu đã phê phán quan điểm này. Họ cho rằng dù các cuộc nghiên cứu trong hoàn cảnh tự nhiên có gặt hái được kết quả thế nào đi nữa thì cũng uổng phí, bởi vì chúng ta không thể tổng quát hóa các kết quả ấy cho các tình huống cũng như cá nhân khác được. Họ nêu nghi vấn rằng người ta có thể học tập được đến mức nào từ các kinh nghiệm của một cá nhân duy nhất. Ngoài ra, họ còn nêu câu hỏi tại sao chúng ta lại mong chờ kết quả từ các cuộc khảo cứu trong hoàn cảnh tự nhiên như vậy sẽ có bất kỳ khác biệt nào với kết quả gặt hái được từ bối cảnh phòng thí nghiệm.

Mới đây đã xuất hiện một quan điểm chiết trung giữa hai khảo hướng. Những người phê phán công trình nghiên cứu trong hoàn cảnh tự nhiên đã chịu thừa nhận rằng một số cuộc nghiên cứu trí nhớ địa đưa đến kết quả sai lạc khi được thực hiện trong các điều kiện hạn chế của phòng thí nghiệm. Tương tự, các nhà nghiên cứu theo khảo hướng “ký ức thường ngày” cũng công nhận tầm quan trọng của các cuộc nghiên cứu trí nhớ được tổ chức thận trọng trong bối cảnh phòng thí nghiệm. Hầu như mọi người đều nhất trí về quan điểm cho rằng điều kiện quyết định trong cuộc khảo cứu ký ức là bối cảnh thực hiện nghiên cứu không quan trọng lắm so và mức độ thận trọng trong việc thực hiện nghiên cứu.

Hình 6–9: Chúng ta thường hay nhớ lại các sự việc đã xảy ra trong một số đoạn đời của mình. Ở độ tuổi thất thập, người ta thường nhớ lại nhiều sự việc đã xảy ra hồi họ vào quãng tuổi 20 hơn so với các quảng tuổi 40 và 50 của họ; trong khi những người ở độ tuổi ngũ thập thường hay nhớ lại nhiều sự việc đã xảy ra hồi họ ở quãng tuổi niên thiếu hơn (Rubin, 1986)

5. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT

– Hiện tượng khó nhớ lại (Hip–of–the–tongue–phenomena) liên hệ đến tình trạng không thể nhớ lại sự việc gì đó mà người ta biết chắc rằng mình đã từng biết qua.

– Các gợi ý để nhớ lại (retrieval cues) đặc biệt quan trọng trong trường hợp nhớ lại thông tin – ngược lại trường hợp nhận diện thông tin đã từng tiếp nhận.

– Kỷ niệm khó quên (fashbulb memories) là các kỷ niệm xoay quanh một biên cố quan trọng đặc biệt, và các kỷ niệm này rõ rệt đến mức giống như chụp hình biến cố ấy vậy.

– Ít ra ký ức phần nào phản ánh các tiến trình xây dựng trong đó ký ức bị ảnh hưởng bởi ý nghĩa mà chúng ta chủ quan gán cho các biến cố đã xảy ra. Thí dụ, ký ức tự truyện là dạng ký ức bị bóp méo.

B. HỌC ÔN

1/ Trong lúc họp mặt cùng bạn bè từ một buổi khiêu vũ, Mary ngẫu nhiên gặp lại một người đàn ông đã quen biết hồi tháng trước. Khi giới thiệu ông ta với các bạn, cô không thể nhớ lại được tên ông ấy dù cô khẳng định mình đã từng biết tên ấy. Hiện tượng này là gì?

2/ Một người được tiếp nhận một kích thích nhất định rồi được yêu câu trả lời liệu đã từng nhìn thấy qua kích thích ấy chưa. Người ta dùng loại trắc nghiệm ký ức nào đối với đối tượng này?

3/… được sử dụng khi một người được yêu cầu nhớ lại một sự việc đặc biệt trong ký ức.

4/ Một người bảo với bạn rằng: “Tôi biết đích xác tôi đang ở đâu và đang làm gì khi nghe tin ca sĩ Elvvis Presley qua đời.” Hiện tượng nào lý giải dạng hồi tưởng này?

5/ Người này cũng bảo với bạn ông bà ta có thể nhớ chính xác các chi tiết như lúc ấy vì đang mặc bộ quần áo nào, thậm chí đến cả màu sắc của dải dây trên đôi giày da của bà nữa. Đúng hay sai?…

6/ Chúng ta thường hay nhớ lại các kích thích độc đáo hơn so với các sự việc tầm thường. Hiện tượng này gọi là gì?

7/ Việc nhớ lại các kỷ niệm không chỉ liên quan đến sự thực khách quan mà còn liên hệ đến các tiến trình xây dựng các sự việc quá khứ trong tâm trí chúng ta nữa. Đúng hay sai?…

8/… là các “chủ đề” (themes), chứa đựng rất ít chi tiết đặc biệt, dùng để tổ chức, sắp xếp các thông tin trong ký ức.

9/ Các cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng việc nhớ lại các nội dung tự truyện thường hay xảy ra nhìn đó với các giai đoạn gần đây nhất trong cuộc đời của người ta. Đúng hay sai?…

C. CÂU HỎI NGHI VẤN

Căn cứ vào sự hiểu biết về các sai lầm và thành kiện mà ký ức hay mắc phải, có lẽ thủ tục xét xử của tòa án sẽ được cải tiến như thế nào? Nếu vậy, các bộ luật cũng cần có những thay đổi nào?

(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)

III. HIỆN TƯỢNG QUÊN: KHI KÝ ỨC BỊ BÓ TAY

Ông ta hoàn toàn không còn nhớ được điều gì cả. Hiện tượng này phát sinh do tổn thương ở các thùy thái dương và cấu tạo dưới đồi (hippocampus) trong não bộ của ông từ cuộc giải phẫu thí nghiệm nhằm giảm bớt các cơn co giật động kinh. Trước đó trí nhớ của ông hoàn toàn bình thường. Nhưng sau cuộc giải phẫu, ông ta không thể nhớ điều gì quá vài phút, rồi sau đó hầu như quên hẳn mọi thứ. Ông không còn nhớ địa chỉ của mình hoặc tên của người vừa mới nói chuyện với ông. Ông đọc đi đọc lại một cuốn tạp chí. Như ông tâm sự, cuộc sống của ông giống như vừa tỉnh giấc chiêm bao, không còn biết mình đang ở đâu học tại sao mình ở đây.

Những khó khăn mà người – mất – đi – trí – nhớ – bình – thường gặp phải thật rất nhiều, như trong trường hợp vừa nêu và trường hợp cô Pamilla Smith chúng ta đã bàn ở đoạn mở đầu chương này. Tất cả chúng ta đều đã trải qua các trường hợp quên thông thường – như không nhớ được tên người quen hoặc một vài điều đã học khi làm bài thi chẳng hạn – đều hiểu rõ các hậu quả nghiêm trọng của tình trạng mất trí nhớ.

Các nỗ lực đầu tiên nhằm nghiên cứu hiện tượng quên do nhà tâm lý người Đức là Hermann Ebbinghaus thực hiện khoảng một thế kỷ trước đây. Dùng bản thân chính ông làm đối tượng thí nghiệm duy nhất, ông ghi nhớ các bảng kê gồm các vần có ba mẫu tự không có ý nghĩa gì cả – các nhóm mẫu tự vô nghĩa gồm hai phụ âm ghép với một nguyên âm ở giữa, như FIW và BOZ chẳng hạn. Bằng cách đo lường mức độ dễ học lại một bảng kê các từ ấy khi thay đổi các thời gian cách quãng so với lần học thuộc ban đầu, ông nhận thấy hiện tượng quên đã xảy ra có quy củ như trình bày trong Hình 6–10. Theo hình vẽ, hiện tượng quên nhanh nhất xảy ra trong giai đoạn 9 giờ đầu tiên, và nhất là trong giờ đầu sau lần đầu học thuộc bảng kê. Sau giai đoạn 9 giờ ấy, mức độ quên giảm dần theo thời gian và hạ thấp còn rất ít thậm chí sau nhiều ngày trôi qua mới xảy ra hiện tượng quên.

Dù phương pháp thô sơ nhưng công trình khảo cứu của Ebbinghans đã ảnh hưởng quan trọng đến các công cuộc nghiên cứu sau này, và các kết luận văn bản của ông đến nay vẫn còn có giá trị. Hầu như luôn luôn trong những giờ đầu tiên mức độ quên xảy ra rất nhiều, nhưng tiếp sau đó mức độ này giảm dần đi theo thời gian. Ngoài ra, việc học lại những điều đã hiểu rõ trước đây hầu như luôn luôn gặt hái kết quả nhanh hơn so với lần học đầu tiên bất kể nội dung học tập là kiến thức thuộc lãnh vực học vấn hay là một kỹ năng vận động như cách giao một quả bóng quần vợt chẳng hạn.

Các nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân khiến cho chúng ta mắc phải hiện tượng quên đến nay đã gặt hái được hai cách lý giải quan trọng. Một lý thuyết giải thích hiện tượng quên theo một tiến trình gọi là phai nhạt (decay), hoặc tình trạng mất mát các thông tin ghi nhớ do không sử dụng đến chúng. Cách giải thích này giả sử rằng khi học tập một thông tin mới thì mở đầu và ký ức (a memory trace/ engram) – một thay đổi thực sự về cấu trúc vật chất trong não bộ – xuất hiện. Trong tiến trình phai nhạt, dấu vết ấy theo thời gian sẽ đơn thuần phai mờ dần đi đến mức không còn sót lại gì cả.

Hình 6–10. Trong một công trình khảo cứu kinh điển Ebbinghaus đã khám phá được rằng hiện tượng quên nhanh nhất xảy ra trong giai đoạn 9 giờ đầu tiên sau khi tiếp nhận các thông tin mới. Nhưng mức độ quên giảm dần theo thời gian và hạ thấp còn rất ít, thậm chí sau nhiều ngày trôi qua mới xảy ra hiện tượng quên (Ebbinghaus, 1885).

Mặc dù có chứng cứ xác nhận rằng hiện tượng phai nhạt quả thực có xảy ra, nhưng dường như hiện tượng này không phải là cách giải thích trọn vẹn về nguyên nhân gây ra hiện tượng quên. Thường thì giữa thời điểm phải nhớ lại với mức độ nhớ lại không có liên hệ gì cả. Nếu cho rằng hiện tượng phai nhạt do thời gian giải thích được toàn bộ hiện tượng quên, hóa ra chúng ta cho rằng khoảng thời gian từ lúc ban đầu tiếp nhận thông tin đến lúc cố gắng nhớ lại thông tin ấy, càng dài chừng nào thì thông tin ấy càng khó nhớ lại chừng ấy, bởi vì dấu vết ký ức có càng nhiều thời gian để phai nhạt đi. Thế mà những người tham dự liên tiếp mấy kỳ thi về cùng một nội dung thường trong mấy buổi thi sau cùng lại nhớ được nhiều thông tin ban đầu hơn so với những buổi thi trước đó. Nếu như hiện tượng phai nhạt có tác dụng tự sự việc ngược lại phải xảy ra mới đúng.

Bởi vì hiện tượng phai nhạt theo thời gian không thể nào giải thích trọn vẹn nguyên nhân gây ra hiện tượng quên, nên các chuyên viên về ký ức đã đề nghị một cơ chế bổ sung: đó là hiện tượng can thiệp (interference). Trong hiện tượng can thiệp thông tin đưa vào ký ức sẽ thế chỗ hoặc loại trừ thông tin ghi nhớ khác, ngăn chặn cố gắng nhớ lại của chúng ta.

Để phân biệt giữa hai hiện tượng phai nhạt và can thiệp, hãy hình dung một dãy các cuốn sách để trên giá sách trong thư viện. Trong hiện tượng phai nhạt, các cuốn sách cũ thường bi mục nát đi dành chỗ cho các cuốn sách mới mua vào. Còn trong hiện tượng can thiệp, các cuốn sách mới mua vào đẩy các sách cũ rơi ra khỏi giá sách khiến cho người ta không còn tìm thấy được chúng.

Hầu hết các công trình khảo cứu đều cho rằng hiện tượng can thiệp là tiến trình chủ yếu làm phát sinh tình trạng quên. Chúng ta thường quên đi ức sự việc không phải vì dấu vết ký ức bị phai nhạt đi mà bởi vì các ký ức mới gây trở ngại cho việc gợi lại ký ức cũ.

Mặc dù chúng ta có thể xem hiện tượng can thiệp có tác dụng tiêu cực, nhưng điều quan trọng phải ghi nhớ là thực ra nó giúp chúng ta tăng thêm khả năng tìm hiểu và tương tác với thế giới chung quanh. Hiện tượng can thiệp giúp chúng ta ghi nhớ một cách tổng quát và ngắn gọn các kinh nghiệm từng trải của chúng ta. Thí dụ, thay vì phải nhớ lại mọi chi tiết vụn vặt về một vị giáo sư, chúng ta thường nhớ lại các tình tiết quan trọng nhất và quên đi các chi tiết kém ý nghĩa hơn về vị thầy ấy. Khả năng này cho phép chúng ta phác họa được một hình ảnh tổng quát, dù không nhất thiết đầy đủ chi tiết hoặc hoàn toàn chính xác, về vị giáo sư ấy trong quá khứ. Ngoài ra, hiện tượng này còn giúp chúng ta dự đoán được diễn biến các tương tác trong tương lai nữa.

1. Hiện tượng can thiệp tác động và trước và về sau: quên về trước và quên về sau

Thực ra có hai loại can thiệp ảnh hưởng đến tình trạng quên là: can thiệp về trước và can thiệp về sau. Trong hiện tượng can thiệp về sau (proactive interference), các thông tin học hỏi được trước đây tác động gây trở ngại cho việc nhớ lại các thông tin mới tiếp nhận. Giả sử là một sinh viên ban ngoại ngữ, hồi lớp 10 bạn đã học Pháp ngữ và sau đó đến lớp 11 bạn học ngoại ngữ thứ hai là tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn. Đến khi thi tuyển vào đại học về môn ngoại ngữ Tây Ban Nha, bạn cảm thấy khó nhớ lại các từ ngữ Tây Ban Nha bởi vì tâm trí bạn có hiện ra những từ ngữ có ý nghĩa tương tự trong Pháp ngữ.

Ngược lại, hiện tượng can thiệp về trước (retroactive interference) khiến mo người ta khó nhớ lại các thông tin đã học hỏi được trước đây do sự tiếp nhận các thông tin khác sau này. Thí dụ, nếu bạn gặp khó khăn trong bài thi Pháp ngũ do mới học tiếng Tây Ban Nha, thì hiện tượng gây trở ngại về trước là thủ phạm (xem Hình 6–11). Một phương pháp để phân biệt giữa hai loại hiện tượng can thiệp về sau và về trước là hãy ghi nhớ rằng hiện tượng can thiệp về sau tác động thuận dòng thời gian – quá khứ tác động gây trở ngại đến hiện tại – còn hiện tượng can thiệp về trước tác động ngược dòng thời gian, là hiện tại tác động gây trở ngại ngược về quá khứ.

Hình 6–11: Hiện tượng can thiệp về sau xảy ra khi nội dung học hỏi được trước đây tác động gây trở ngại cho việc nhớ lại các thông tin mới ghi nhớ sau này. Trong thí dụ này, Pháp ngữ được tiếp nhận trước khi học tiếng TBN đã tác động gây trở ngại cho thành tích bài thi tiếng TBN. Ngược lại hiện tượng can thiệp về trước xảy ra khi nội dung học hỏi được sau này tác động gây trở ngại cho việc nhớ lại các thông tin đã ghi nhớ trước đây. Trong thí dụ này, hiện tượng can thiệp về trước xảy ra khi việc nhớ lại Pháp ngữ bị sút giảm đi vì tiếng TBN ghi nhớ sau này.

Mặc dù các khái niệm can thiệp về sau và về trước giải thích được nguyên nhân gây ra tình trạng quên, nhưng các hiện tượng này vẫn không giải thích được nghi vấn liệu tình trạng quên đó hiện tượng can thiệp có phải là tình trạng thực sự mất mát hay cải tiến thông tin, hoặc là hậu quả gây ra bởi các rắc rối trong việc nhớ lại thông tin hay không. Hầu hết các công trình khảo cứu đều cho rằng các thông tin nhất thời bị mất đi do hiện tượng can thiệp sau cùng có thể được nhớ lại nếu người ta được tiếp nhận loại kích thích phù hợp, nhưng vấn đề nêu trên vốn chưa được giải đáp thỏa đáng. Trong một nỗ lực giải quyết vấn đề này, một số nhà tâm lý đã khởi sự khảo cứu nền tảng sinh học của ký ức nhằm mục đích tìm hiểu sâu rộng hơn nữa và điều gì được nhớ lại và điều gì bị bỏ quên đi – một khảo hướng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tìm hiểu mà chúng ta sắp bàn đến.

2. Nền tảng sinh học của ký túc: Truy tìm dấu vết ký ức

Dấu vết ký ức (engram) – dấu vết vật chất ở mô thần kinh biểu thị sự ghi nhớ trong não bộ – thực ra nằm ở bộ phần nào trong não bộ con người?

Câu hỏi này đã gây nhiều bối rối cho các nhà tâm lý chuyên về ký ức và đà trở thành mục tiêu của rất nhiều công trình khảo cứu hiện hành. Công cuộc tìm hiểu đã khởi đầu từ những năm 1920. Khi nhà tâm lý Karl Lashley tổ chức một loạt thí nghiệm cắt bỏ đi từng phần vỏ não của loài chuột. Ông khám phá thấy khả năng học tập lại trong thí dụ chạy qua mê cung của các chú chuột bị giảm bớt đi theo tỷ lệ với mục tổn thương vỏ não của chúng. Vỏ não càng bị cắt bỏ đi nhiều chừng nào thì khả năng học tập lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhưng đáng lưu ý hơn là khám phá ấy còn cho thấy thời lượng cần thiết để học tập lại của chúng không liên quan gì đến vị trí tổn thương trong não bộ cả. Bất kể vùng não bộ nào bị cắt đi mức độ giảm sút khả năng học tập cũng tương tự nhau, điều này chứng tỏ rằng các dấu vết ký ức được phân bố khá đồng đều khắp cấu trúc não bộ. Kết quả công trình kháo cứu của Lashley – được tóm tắt trong một luận văn nói riêng có nhan đề là “In Search of the Engram” – đã dẫn đến một quan điểm có giá trị trong vài thập niên cho rằng các thông tin lưu trữ vào ký ức được phân bố rộng rãi và khá đong đều khắp cấu trúc não bộ.

Tuy nhiên, các công trình khảo cứu hiện đại dường như lại đi đến một kết luận khác hẳn. Các khảo cứu ấy xuất phát từ những khám phá về nền tảng sinh lý của tiến trình học tập cho thấy các vùng vỏ não khác biệt nhau đồng thời xử lý thông tin về các chiều kích khác biệt nhau của thế giới chung quanh, bao gồm các kích thích thị giác, thính giác, và các giác quan khác. Bởi vì các vùng khác nhau trong não bộ đồng thời tham gia vào việc xử lý thông tin về các khía cạnh khác nhau của một kích thích, nên dường như hợp lý khi nói rằng việc lưu trữ thông tin có liên hệ đến các hiện trường xử lý và do đó định vị ở các vùng vỏ não đặc biệt ấy. Tóm lại, vị trí của dấu vết ký ức tùy thuộc vào bản chất của thông tin học hỏi và hệ thần kinh nào chịu trách nhiệm xử lý thông tin ấy.

Làm sao chúng ta dung hòa được giữa quan điểm hiện đại ngày càng có nhiều ảnh hưởng cho rằng ký ức có liên hệ đến cách xử lý đặc biệt của hệ thần kinh được vận dụng trong quá trình học tập với các khám phá của Lashley cho rằng sự giảm sút trí nhớ không có liên quan gì đến vị trí tổn thương trong vỏ não? Một giải đáp cho rằng sự mâu thuẫn giữa hai quan điểm trên có tính biểu kiến hơn là thực sự. Thí dụ, thủ tục tiến hành thí nghiệm của Lashley buộc các chú chuột chạy qua một mê cung thực ra liên hệ đến một vài dạng thông tin cũng như một số tiến trình học tập – bao gồm thông tin thi giác, nhận thức hình thể không gian, cảm nhận mùi, và có lẽ cả đến cảm nhận âm thanh nữa. Giả sử đúng như vậy thì tiến trình học tập và xử lý thông tin ắt phải diễn ra đồng thời ở nhiều vùng khác nhau trong não bộ chi phối các giác quan ấy. Nếu việc xử lý thông tin của một giác quan để lại một dấu vết ký ức riêng biệt, thì dù cắt bỏ bất kỳ một phần vỏ não các dấu vết ký ức khác cũng còn nguyên vẹn – và dù có gây ra giảm sút biểu kiến cũng không ảnh hưởng gì đến khả năng ghi nhớ nói chung.

Tóm lại, dường như ký ức tập trung ở các vùng đặc biệt trong đó một dấu vết ký ức đặc thù liên hệ đến một hệ thống xử lý thông tin đặc biệt thuộc não bộ. Nhưng theo ý nghĩa bao quát hơn, các dấu vết được phân bố ở nhiều nơi bởi vì bất kỳ tình huống học tập nào cũng bao gồm một số hệ thống xử lý thông tin thuộc não bộ – dẫn đến tình trạng các dấu vết ký ức được phân bố đều khắp các vùng não bộ.

Các nhà khảo cứu khác đang vận dụng các khảo hướng khác nhau nhằm tìm hiểu nền tảng sinh học của ký ức. Thí dụ, cấu tạo dưới đồi (hippocampus) đóng vai trò trọng tâm trong việc chuyển hóa thông tin cảm giác mới tiếp nhận thành dạng lưu trữ được trong vỏ não. Ngoài ra, một số hóa chất và chất dẫn truyền thần kinh cũng có liên hệ đến sự hình thành, làm suy giảm, và cải thiện trí nhớ. Thí dụ, trong một công trình khảo cứu một nhóm trẻ em được dùng một loại dược phẩm ngăn chặn tiến trình tổng hợp protein có thành tích trong trắc nghiệm trí nhớ kém hơn những em không dùng loại thuốc đó.

Sau cùng, ngay đến nhiều loại thực phẩm cũng có liên quan đến trí nhớ. Thí dụ, một khảo cứu mới đây cho thấy một món thực phẩm hay thức uống đơn giản như một ly nước chanh chẳng hạn cũng có thể giúp chúng ta ghi nhớ dễ dàng hơn. Kết quả thí nghiệm của nhà nghiên cứu Paul Gold cùng các đồng sự đã chứng minh rằng mức đường glucose trong máu tăng lên – nhờ uống một ly nước chanh nhiều đường – giúp cho những người trưởng thành đạt được hiệu quả cao trong một số công việc đòi hỏi vận dụng trí nhớ. Mặc dù các khám phá này còn lâu mới đưa ra được kết luận dứt khoát, nhưng cũng cho thấy rằng một ngày kia ít ra chúng ta có thể chọn được một chế độ dinh dưỡng phần nào dựa trên cơ sở giúp chúng ta nâng cao khả năng vận dụng trí nhớ theo ý muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.