Tâm lý học căn bản

Chương 9 – Phần 4



* Tinh hoàn (testes) cặp cơ quan sinh dục nam sản sinh ra tinh trùng (spermatozoa) và tiết ra hormone sinh dục nam androgen dưới sự kiểm soát của các ginadotrophin não thùy. Tinh hoàn của thai nhi (fetus) hình thành trong bụng nhưng sẽ đi xuống bìu (scrotum) để có được nhiệt độ thấp hơn thuận lợi cho việc sản sinh và tàn trữ tinh trùng. Khối tinh hoàn do các tiểu quản sinh tinh (seminferous tubles) dài và uốn khúc tạo thành. Tinh trùng phát sinh trong các tiểu quản này. Các tiểu quản cũng chứa các tế bào Sertoli, có lẽ có nhiệm vụ nuôi dưỡng những tế bào tinh trùng đang phát triển. Tinh trùng đi từ tinh hoàn đến mào tinh hoàn (epididyms) để hoàn thành giai đoạn phát triển. Các tế bào gian khe (interstitial cells/Leydig cells) giữa các tiểu quản là nơi sản xuất chính androgen (theo Từ điển Y học).

Mặc dù các yếu tố sinh vật “châm ngòi” cho con người thực hiện hành vi tinh dục, nhưng phải hội đủ nhiều yếu tố khác ngoài hormone mới thúc đẩy phát sinh hành vì tình dục. Ở loài vật chính sự hiện diện của đối tượng cũng đủ để kích thích đánh thức tình dục dẫn đến hành vi giao hợp. Con người nhạy cảm hơn nhiều, không những chỉ sự hiện diện của đối tượng, mà hầu như chỉ cần một đồ vật, ánh mắt, mùi hương, giọng nói, hoặc một kích thích nào khác cũng có thể khởi động cơn động tình. Như vậy, nhờ liên tưởng con người có thể nổi cơn động tình do mùi nước hoa Chanel No.5 hay Brut, do thoáng nhìn cảnh bikini, do bản nhạc gợi tình ưa thích hoặc tiếng thì thầm bên tai.

Mơ tưởng tình dục cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh thức cơn động tình. Người ta không chỉ có các cơn mộng có bản chất tình dục trong các hoạt động thường ngày, mà đến khoảng 60% mọi người đều nảy sinh mơ mộng ngay trong lúc giao hợp. Điều thú vị là, các cơn mộng ấy thường là mơ tưởng đang làm tình với một người khác chữ không phải đối tượng đang giao hợp với họ.

Androgen (kích thích tố nam) một trong nhóm kích thích tố (hormone) steroid, gồm có testoterone và androsterone, nó kích thích sự phát triển của cơ quan sinh dục nam và có đặc tính sinh dục nam thứ cấp (như mọc râu, giọng nói trầm, và nổi cơ bắp). Nguồn gốc chính của các kích thích tố này là tinh hoàn (sự sản xuất được kích thích bởi hormone hoàn thể) nhưng nó cũng có thể tiết ra từ vỏ thượng thận (an–renal cortex) và buồng trứng (ovaries) với số lượng nhỏ. Ở nữ giới, tình trạng sản xuất quá nhiều androgen sẽ gây ra chứng nam tính hóa (masculinization).

A. CÁC TẬP QUÁN TÌNH DỤC

Rất nhiều tập quán tình dục của con người chưa được đưa ra ánh sáng mãi đến cuối thập niên 1930, khi một nhà sinh học đang thụ huấn Albert Kinsey khởi đầu một loạt điều tra về tập quán tình dục của dân Mỹ kéo dài trong 18 năm. Kết quả điều tra đã giúp một công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện các tập quán tình dục, được nêu rõ trong 2 tác phẩm đánh đấu bước ngoặc này là: Sexual behavior of the Human Male (Kinsey, Pomeroy & Martin, 1948) và Sexual Behavior of the Human Female (Kinsey, Pomeroy, Martin & Gabhard 1953).

* Tuổi dậy thì (puperty): Thời điểm bắt đầu trưởng thành về mặt tình dục và các cơ quan sinh dục (reproductive organs) bắt đầu hoạt động. Cả hai giới tính (sexes) khi dậy thì đều có xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ cấp (như giọng nói trầm ở em trai và vú phát triển ở các em gái), riêng các em gái bắt đầu có hành kinh (menstruation). Các thay đổi này xảy ra do hoạt động của các hormone tình dục tăng lên nhờ các hormone tuyến yên (purtuitary hormones) kích thích noãn sào và tinh hoàn (theo Từ Điển Y Học).

Công trình khảo cứu của Kinsey, cũng như các cuộc điều tra sau này (Booth, 1988, 1989; McDonald, 1988), đã cống hiến cho chúng ta một bức tranh hoàn chỉnh hợp lý về các tập quán tình dục đương đại mà chúng ta sẽ đề cập ngay dưới đây. Dù sao, đều phải ghi nhớ là một bức tranh như vậy cũng chỉ là một phản ánh nhất thời. Bởi vì các biến chuyển nhanh chóng và đột ngột về tập quán tình dục thường hay xảy ra. Thí dụ, nạn dịch AIDS đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi tính dục khiến người ta hướng đến tập quán “tình dục an toàn” khuyến cáo bởi các nhà giáo dục y tế.

** Noãn sào (ovary) Cơ quan sinh dục nữ chính sản sinh ra noãn (tế bào trứng – ova/egg cells) và các kích thích tố steroids theo một chu kỳ đều đặn (gọi là chu kỳ kinh nguyệt – menstrual circle) đáp ứng với các hormone từ tuyến tiền yên. Có hai noãn sào định vi ở bụng dưới, mỗi buồng ở một bên tử cung (womb), mỗi nõan sào chứa rất nhiều tiểu nang (follicles) trong đó có noãn phát triển, nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số này đạt tới mức trưởng thành. Các tiểu nang tiết ra Oestrogen và một dung lượng nhỏ androgen. Sau khi phóng noãn, một thể vàng bên trong tiểu nang bị vỡ ra và tiết ra progesterone. Oestrogen và progesterone điều hòa những thay đổi bên trong tử cung trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và thời kì mang thai.

B. THỦ DÂM: HÀNH VI TÌNH DỤC ĐƠN PHƯƠNG

Trước đây 50 năm nếu bạn từng được nghe các bác sĩ nói chuyện, hẳn họ bảo bạn rằng hành vì thủ dâm* (masturbation), tự kích thích tình dục, thường là hành vi dùng tay chà nắn bộ phận sinh dục, sẽ gây ra rất nhiều rối loạn thể chất và tâm trí, từ hiện tượng gang bàn tay mọc lông (hairy palms) cho đến tình trạng điên rồ hay mất trí (insanity). Nhưng dù họ nói đúng hay sai, đa số chúng ta đều đã mang găng tay để che giấu lòng bàn tay mọc lông – bởi vì thủ dâm là một trong các hành vi tình dục được thực hiện thường xuyên nhất. Khoảng 94% nam giới và 63% nữ giới đều đã thủ dâm ít nhất một lần trong đời, và trong giới sinh viên đại học thì số lần thủ dâm là “không bao giờ” đến “vài lần mỗi ngày”.

* Thủ dâm (masturbation): tự kích thích vật lý bộ phận sinh dục bên ngoài (external genitial orgasm) của ngườii nam hay người nữ để gây khoái cảm tình dục (sexual pleasure), có thể đưa đến tình trạng cực khoái (orgasm) (theo Từ điển Y học).

Mặc dù thủ dâm thường được xem là hành vi tính dục chỉ xảy ra trong trường hợp không có sẵn biện pháp nào khác để thỏa mãn tình dục, nhưng quan điểm này không thực tế lắm. Gần 3/4 số nam giới có gia đình (thuộc độ tuổi tử 20 trên 40) báo cáo có thủ dâm 24 lần trong năm, và 68% số nữ giới có gia đình trong cùng nhóm tuổi báo cáo thủ dâm trung bình 10 lần mỗi năm.

Dù tỷ lệ mắc phải thủ dâm khá cao, thái độ nói chung đối với hành vi này vẫn còn phản ảnh đôi chút quan điểm ghê tởm đối với nó trong thời quá khứ. Thí dụ, một cuộc điều tra cho thấy khoảng 10% số người thủ dâm có mặc cảm phạm tội, 5% nam giới và 1% nữ giới xem hành vi của họ là đồi trụy. Tuy nhiên, bất kể thái độ tiêu cực này hầu hết các chuyên viên về tình dục đều xem thủ dâm là hành vi tình dục không những mang tính lành mạnh, hợp pháp và vô hại, mà còn là một biện pháp giúp người ta tìm hiểu về tình dục của bản thân nữa.

C. TÌNH DỤC TIỀN HÔN NHÂN (PREMARITAL SEX)

Mãi đến thập niên 1960 đa số người Mỹ trưởng thành đều tin tưởng rằng hành vi tình dục tiền hôn nhân luôn luôn là hành vi sai trái, nhưng kể từ thời điểm ấy quan điểm quần chúng đã thay đổi đột ngột. Chẳng hạn, vào năm 1964 đa số mọi người đều cho rằng dù đối với nam giới hay nữ giới hành vi giao hợp trước hôn nhân đều là sai trái. Nhưng đến năm 1987, con số đó đã thay đổi; vào thời điểm ấy, số người cho rằng hành vi ấy được phép đã trội hơn số người phản đối.

Các biến chuyền về quan điểm chấp nhận tình dục tiền hôn nhân phù hợp với các số liệu thống kê thực tế về hành vi này vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Chẳng hạn trong một cuộc đều tra, gần 80% phụ nữ dưới 25 tuổi báo cáo đã từng giao hợp trước khi kết hôn, trong khi chỉ hơn 20% phụ nữ trên 55 tuổi báo cáo đã từng giao hợp trước hôn nhân.

*** Oestrogen (kích thích tố nữ) một trong các nhóm hormone steroid (bao gồm oestriol, oestrone và oestradiol) kiểm soát sự phát triển tình dục ở nữ giới, kích thích các cơ quan sinh dục tăng trưởng và hoạt động, đồng thời gây ra các đặc tính sinh dục thứ cấp (như phát triển vú). Các oestrogen chủ yếu do noãn sào tổng hợp, một lượng nhỏ cũng được sản sinh ở vỏ thượng thận, tinh hoàn, và nhau thai (placenta). Ở nam giới, tình trạng sản sinh quá nhiều oestrogen sẽ gây ra chứng nữ hóa (ferminization).

Oestrogen thiên nhiên và tổng hợp, dùng uống hay chích để chữa chứng vô kinh (amenorrhoea) rối loạn kinh nguyệt (menopausal disorders), các bệnh ung thư do androgen (như ung thư tuyến tiền liệt – protate) và để ức chế tuyến sữa (lactation). Các oestrogen gen tổng hợp là thành phần chính của thuốc ngừa thai dạng uống (oral contraceptive). Tác dụng phụ của liệu pháp oestrogen có thể gồm buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, choáng váng, xuất huyết âm đạo không đau, tồn đọng nước và muối, và gây nữ hóa ở nam giới. Oestrogen không được dùng cho bệnh nhân có tiền sử bệnh ung thư ở vú, tử cung, hay ở đường sinh sản (genital tract).

Các số liệu gần đây nhất cho thấy rằng hơn 1/2 số thiếu nữ trong lứa tuổi từ 15 đến 19 báo cáo đã từng giao hợp tiền hôn nhân. Số liệu này gần sắp hai lần số thiếu nữ cùng lứa tuổi báo cáo vào năm 1970. Hiển nhiên, trong mấy thập niên qua xu hướng cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ có hành vi tinh dục tiền hôn nhân (xem hình 9–3).

Hình 9–3: Tỷ lệ phần trăm cả nam lẫn nữ giới báo cáo từng có hành vi tình dục tiền hôn nhân đã tăng lên từ năm 1978 đến năm 1988. (CDC. 1991)

Về phía nam giới, tỷ lệ có hành vi tinh dục tiền hôn nhân cũng tăng lên, dù sự gia tăng này không đột ngột như nữ giới – có lẽ do hồi khởi đầu tỉ lệ phạm phải của nam giới cao hơn. Thí dụ, các cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện hồi thập niên 1940 cho thấy tỷ lệ này lên đến 84% cho nam giới thuộc mọi lứa tuổi. Các số liệu mới đây cho thấy tỷ lệ này đã lên đến 95%. Ngoài ra, số tuổi trung bình có kinh nghiệm tình dục của nam giới cũng giảm xuống đều đặn. Khoảng 60% nam học sinh trung học báo cáo đã từng có giao hợp; và đến khi lên tới tuổi đôi mươi, 80% số nam sinh viên này có đã có kinh nghiệm tình dục.

**** Sự phóng noãn (ovulation): tiến trình nhờ đó noãn (ovum/ egg cells/ vitalus) được phóng thích ra khỏi một tiểu nang Graaf trưởng thành. Tiểu nang đầy dịch làm căng bề mặt của noãn sào cho đến khi một điểm mỏng vỡ ra và noãn trôi ra ngoài rồi được bao bọc bởi một đám tế bào tiểu nang (gò trứng – cumulus oephoricus), sau đó bắt đầu đi xuống vòi Fallope để đến tử cung. Sự phóng noãn được kích thích do hormone hoàng thể hóa từ tuyến tiền yên tiết ra (theo Từ điển y học).

D. TÌNH DỤC TRONG HÔN NHÂN (MARITAL SEX)

Phán đoán theo nhiều bài báo nói về tình dục trong hôn nhân sẽ khiến người ta nghĩ rằng vấn đề tình dục là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá hạnh phúc hôn nhân, các cặp tân hôn thường ưu tư rằng sinh hoạt tình dục của họ quá ít, quá nhiều, hay phạm sai lầm trong cuộc sống chung.

Mặc dù vấn đề tình dục trong hôn nhân được đánh giá theo nhiều chiều kích khác nhau, nhưng có một chiều kích chắc chắn ai cũng quan tâm là số lần giao hợp. Tần số giao hợp tiêu biểu là bao nhiêu? Giống như hầu hết các khía cạnh khác của sinh hoạt tình dục, câu hỏi này không dễ gì có câu trả lời cụ thể bởi vì kiểu mẫu sinh hoạt của mỗi cá nhân rất khác biệt nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết chắc rằng tần số trung bình cho các cặp phối ngẫu xấp xỉ 6 lần mỗi tháng. Ngoài ra, các dị biệt phát sinh tùy thuộc khoảng thời gian chung sống: thời gian hôn nhân càng dài thì tần số này càng thấp.

Tần số giao hợp của các cặp phối ngẫu vào thời điểm hiện nay dường như cũng cao hơn so với các thời kỳ trước đây. Nhiều nhân tố lý giải cho hiện tượng này. Sự gia tăng các biện pháp kiểm soát sinh đẻ và ngừa thai đã khiến cho các cặp phối ngẫu bớt lo lắng bị mang thai ngoài ý muốn. Ngoài ra, một số chuyển biến về quan niệm xã hội rất có thế có ảnh hưởng đến hiện tượng gia tăng này. Bởi vì vấn để tình dục đã được bàn luận công khai hơn trên báo chí, sách vở và thậm chí trên các chương trình truyền hình, nên nhiều cặp phối ngẫu tin tưởng rằng tần số giao hợp là một chỉ số quyết định để đánh giá mức thành công trong hôn nhân. Hơn nữa, bởi vì vai trò của nữ giới đã thay đổi, nên xác suất người vợ có hành vi khởi động giao hợp chứ không thụ động chờ người chồng khai mào như trong hoàn cảnh sinh hoạt truyền thống, đã tăng lên.

Các hậu quả do hiện tượng gia tăng tần số giao hợp trong hôn nhân như thế thật khó đánh giá đúng mức được. Hiển nhiên mức độ thỏa mãn tính dục có liên quan đến sự thỏa mãn toàn diện về hôn nhân. Nhưng tần số giao hợp dường như không gắn liền với hạnh phúc hôn nhân. Do đó, sự gia tăng tần số giao hợp không hàm ý rằng sẽ có sự gia tăng song hành về mức độ hài lòng về cuộc hôn nhân.

E. TÌNH DỤC ĐỒNG TÍNH VÀ TÌNH DỤC LƯỠNG TÍNH

Chính vì dường như không phải do nguyên nhân di truyền hay sinh vật khiến cho các phụ nữ định hướng tình dục dị tính (heterosexual women) thấy cặp mông nam giới đặc biệt gợi tình đối với họ, cho nên người ta cho rằng con người không bẩm sinh bị lôi cuốn bởi các đặc điểm của người khác giới tính với mình. Do đó, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy có một số người đồng tính luyến ái (homosexuals), bị lôi cuốn tình dục bởi người đồng giới tính với họ; trong khi những người khác lại thuộc dạng tình dục lưỡng tích (bisexuals) bị lôi cuốn tình dục bởi người đồng giới tính lẫn người khác giới tính với họ.

* Tình dục dị tính: (hetero sexuality): Kiểu sinh hoạt tình dục có hành vi và suy nghĩ về tình dục hướng và một người khác giới tính. Kiểu sinh hoạt này bao gồm cả các dạng bình thường lẫn lệch lạc về hoạt động tình dục.

Số người chọn đối tượng làm tình đồng giới tính vào một thời điểm nào đó thật đáng kể. Các ước tính cho thấy khoảng 20 đến 25% nam giới và khoảng 15% nữ giới có kinh nghiệm tình dục đồng tính ít nhất một lần vào độ tuổi trưởng thành. Và người ta ước tính từ 1 đến 10% nam giới lẫn nữ giới chỉ chuyên sinh hoạt tình dục đồng tính trong những thời kỳ khá dài trong cuộc sống của họ.

Mặc dù người ta thường xem tình dục đồng tính và tình dục dị tính là hai tình huống tình dục hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Nhà khảo cứu tiên phong trong lĩnh vực tình dục Alfred Kinsey đã thừa nhận điều này khi ông khảo xét các tình huống tình dục theo một thang đánh giá, với tình huống chuyên tình dục đồng tính ở một đối cực và định hướng chuyên tình dục dị tính tại đối cực kia. Được cập nhật bởi nhà xã hội học Martin S. Weinberg và các đồng sự, khảo cứu của Kinsey cho rằng định hướng tình dục lệ thuộc vào cảm nhận và tập quán trong sinh hoạt tình dục, cũng như vào tình cảm lãng mạn của mỗi người.

** Tình dục đồng tính/Đồng tình luyến ái (Homosexuality): tình trạng bị lôi cuốn về mặt tình dục, kín đáo hay lộ liễu, với một cá nhân cùng giới tính. Hiện tượng này có thể xảy ra cho cả 2 giới tính. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa rõ, tuy nhiên các lối giải thích cho rằng nguyên nhân do sự lệch lạc trong cơ cấu gia đình hay do hoàn cảnh ít tạo điều kiện cho các tiếp xúc tình dục dị tính ngày càng được chấp nhận nhiều hơn. Tình dục đồng tính không còn coi là rối loạn tâm thần, nhưng những cá nhân muốn thay đổi khuynh hướng tình dục cũng sẽ được chữa trị. Không có loại thuốc nào có tác dụng thay đổi thác khuynh hướng tình dục, dù có thể giảm được xung động đòi hỏi tình dục. Điều trị gồm liệu pháp tâm lý hay liệu pháp cư xử đặc hiệu nhằm loại trừ những hành vi và ý nghĩ kỳ quặc về đồng tính luyến ái. Đồng thời gia tăng tình dục dị tính bình thường. Người ta đang tìm cách giúp đỡ những người này, bởi vì bị mắc phải đồng tính luyến ái sẽ có lợi hơn khi được khuyến cáo để giảm lo âu và mặc cảm tội lỗi hơn là cố gắng tìm cách thay đổi thái độ tình dục của họ.

Điều gì quyết định khuynh hướng tình dục của con người? Mặc dù có rất nhiều lý thuyết, nhưng không có thuyết nào đưa ra câu trả lời khiến người ta thỏa mãn hoàn toàn. Một số khảo hướng căn cứ vào bản chất sinh vật, cho rằng có thể có nguyên nhân di truyền hoặc hormone khiến người ta hình thành tình dục đồng tính. Chẳng hạn, các chứng cứ mới đây cho thấy có một dị biệt về cấu trúc của vùng phía trước trong cấu tạo dưới đồi (anterlor hypothalamus), vùng não bộ chi phối hành vi tình dục, giữa nam giới có tình dục đồng tính và dị tính.

*** Tình dục lưỡng tính (bisexual): Thuật ngữ này có 2 nghĩa.

1. Miêu tả tình trạng một cá nhân bị lôi cuốn tình dục với cả nam giới lẫn nữ giới.

2. Miêu tả một cá nhân có cả các tính chất của hai giới tính (theo Từ điển Y học).

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu lại cho rằng các nguyên nhân sinh vật căn bản nhất gây ra hiện tượng tình dục đồng tính vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Bởi vì hầu hết các khám phá chỉ dựa vào các mẫu nghiên cứu gồm ít đối tượng thí nghiệm.

Hơn nữa, một nhân tố di truyền hay sinh vật nào đó thực ra chỉ có thể khiến cho một cá nhân có định hướng tình dục đồng tính trong một số hoàn cảnh sinh hoạt nhất định mà thôi.

Các lý thuyết khác về tình dục đồng tính chú trọng đến thời thơ ấu và hoàn cảnh gia đình của những người đồng tính luyến ái. Chẳng hạn, Freud tin rằng định hướng tình dục đồng tính là hậu quả của hiện tượng đồng hóa sai lạc với bậc cha mẹ khác. Giới tính trong suất giai đoạn hình thành bản ngã của đứa trẻ. Tương tự, các nhà phân tâm khác cho rằng mối quan hệ cha mẹ – con cái có thể gây ra khuynh hướng tình dục đồng tính ở đứa trẻ; và rằng những người đồng tính nam thường có các bà mẹ đầy uy quyền và có xu hướng bảo vệ con cái quá đáng, trong khi ông cha lại thụ động và vô tích sự trong gia đinh.

Điểm rắc rối đối với các lý thuyết này là nhiều người đồng tính luyến ái lại không bị ảnh hưởng bởi các động lực gia đình như thế. Các chứng cứ không hậu thuẫn cho các lối giải thích căn cứ vào tập quán dưỡng dục con cái hay vào bản chất cơ cấu gia đình.

Một lối giải thích về hiện tượng tình dục đồng tính căn cứ vào lý thuyết học hỏi. Theo quan đệm này, định hướng tình dục được hình thành nhờ tưởng thưởng và trừng phạt rất giống như trường hợp chúng ta thích bơi hơn đánh quần vợt vậy. Thí dụ, một thiếu niên đã từng có kinh nghiệm khó chịu do hậu quả của quan hệ tình dục với người khác giới tính. Nếu sau đó cậu lại hài lòng trong hành vi tình dục đồng tính, thì khuynh hướng tình dục đồng tính có thể ám ảnh các cơn mơ mộng tình dục của cậu. Rồi nếu các cơn mơ mộng này lại được sử dụng vào các hoạt động tình dục sau đó – như thủ dâm chẳng hạn – chúng có thể được củng cố thêm thông qua cơn cực khoái, thì sự liên tưởng kết hợp hành vi tình dục đồng tính với khoái lạc tình dục sau cùng này có thể là nguyên nhân khiến cho tình dục đồng tình trở thành tập quán tình dục ưa thích của cậu ta.

Mặc dù lối giải thích căn cứ vào lý thuyết học hỏi có vẻ xem như hợp lý, nhưng cũng vấp phải một số trở ngại. Bởi vì xã hội chúng ta có khuynh hướng khinh bỉ lối tình dục đồng tính, nên người ta chắc chắn sẽ hy vọng bị trừng phạt (bị khinh bỉ) cho hành vi tình dục đồng tính hơn là được khen ngợi. Ngoài ra, các đứa trẻ lớn lên cùng với cha mẹ đồng tính luyến ái về mặt thống kê không nhất thiết sẽ trở thành người định hướng tình dục đồng tính, và như vậy đi ngược lại quan điểm cho rằng hành vi tình dục đồng tính có thể học hỏi ở người khác.

Trước tình hình khó khăn trong việc tìm kiếm một lối giải thích vững chắc, đa số các nhà nghiên cứu đều bác bỏ quan niệm khẳng định rằng bất kỳ một nhân tố duy nhất nào khiến cho người ta hướng đến tình dục đồng tính, và hầu hết đều cho rằng một phối hợp các nhân tố và hoàn cảnh cùng góp phần gây tác dụng. Mặc dù đến nay chúng ta không biết chắc nguyên nhân cụ thể khiến người ta hình thành một định hướng tình dục đặc biệt; nhưng có một điều hiển nhiên là việc điều chỉnh tâm lý không cải sửa được khuynh hướng tình dục của con người. Những người có tình dục lưỡng tính và đồng tính luyến ái cũng hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và tâm trí như những người định hướng tình dục dị tính, đồng thời họ cũng có quan điểm tương đồng về bản ngã bất kể tính hướng tình dục của họ thuộc dạng nào.

2. Nhu cầu thành đạt: khao khát thành công

Trong cơn đói, cơn khát, và tình dục là các thúc đẩy mãnh liệt nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thì chúng ta cũng bị thúc đẩy không kém phần mạnh mẽ bởi các động cơ thứ cấp tuy rằng các thúc đẩy này không có nền tảng sinh vật hiển nhiên. Nổi bật nhất trong số các thúc đẩy là nhu cầu thành đạt.

Nhu cầu thành đạt (need for achievement) là một thúc đẩy bền vững đặc trưng nhờ quá trình học hỏi mà có, trong đó sự thỏa mãn nhu cầu gặt hái được nhờ nỗ lực đạt được thành tích tối ưu. Những người nhiều khát vọng thành đạt thường tìm dịp ganh đua để đạt được một mục tiêu nào đó – có thể là thành tích học vấn, tiền của, hay chiến thắng ở một trận tranh tài – nhằm chứng minh thành tựu của họ. Nhưng họ khôn khéo lựa chọn thách đố tránh các trường hợp thành công quá dễ dàng (sẽ không đáng để tự hào) hoặc các trường hợp không chắc chắn thành công. Để an tâm, những người này hay chọn những công việc có mức khó khăn trung bình.

Ngược lại, người ít nhu cầu thành đạt thường chỉ mong tránh bị thất bại là được. Cho nên, họ thường tìm các công việc dễ dàng để bảo đảm không bị thất bại, hoặc tìm đến các công việc thật khó khăn mà sự thất bại không làm tổn thương họ bởi vì hầu như bất kỳ ai cũng sẽ thất bại. Còn những người quá sợ thất bại sẽ tránh xa các công việc làm có mức khó khăn trung bình, bởi vì họ e ngại bị thất bại trong khi những người khác lại thành công.

Thành quả của những người nhiều khát vọng thành đạt thường là tích cực, ít ra trong một xã hội định hướng bởi thành công như xã hội Hoa Kỳ. Thí dụ, những người có cao vọng thành đạt thường dễ vào đại học hơn những người có ít cao vọng và khi lên đại học họ có khuynh hướng đạt được điểm cao ở các môn học liên quan đến nghề nghiệp tương lai của họ. Hơn nữa, có nhiều khát vọng thành đạt thường giúp người ta dễ dàng thành công về tiền của và nghề nghiệp hơn trong tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.