Tâm lý học căn bản

Chương 9 – Phần 5



A. ĐÁNH GIÁ ĐỘNG LỰC THÀNH ĐẠT

Làm sao đánh giá được nhu cầu thành đạt của một cá nhân? Kỹ thuật được sử dụng thường xuyên nhất là Trắc nghiệm khả năng nhận thức chủ đề tổng quát (Thematic Apperception Test, viết tắt là TAT). Theo trắc nghiệm TAT, thí sinh được xem một số tranh ảnh có ý nghĩa mơ hồ, như bức tranh ở Hình 9–4 chẳng hơn. Thí sinh được yêu cầu viết một câu truyện miêu tả điều đang xảy ra, những người trong hình là ai, đều gì dẫn đến tình huống trong tranh ảnh, những người này đang nghĩ gì hay đang muốn gì, và điều gì sẽ xảy ra sau đó. Một hệ thống cho điểm tiêu chuẩn sau đó được sử dụng để xác định mức độ mơ tưởng thành đạt trong câu chuyện của họ. Thí dụ, các câu chuyện miêu tả nhân vật chính đang cố gắng đánh bại một đối thủ, đang nỗ lực học tập để thực hiện hoàn hảo một công tác nào đó, hay đang làm việc siêng năng để được thăng chức đều cho thấy các dấu hiệu hiển nhiên về xu hướng thành đạt. Người ta cho rằng mơ tưởng trong câu chuyện của họ biểu lộ mối quan tâm mãnh liệt lạ thường về – và do đó một nhu cầu khá mạnh mẽ về – sự thành đạt.

Hình 9–4: Bức tranh mơ hồ này tương tự như các tranh ảnh sử dụng trong Trắc nghiệm khả năng nhận thức chủ đề tổng quát (TAT) để xác định động lực căn bản của con người

Các kỹ thuật khác đã được xây dựng để đánh giá động lực thành đạt của toàn thể xã hội. Thí dụ, người ta có thể phát hiện được dấu hiệu tốt về động lực thành đạt nói chung của một xã hội qua việc đánh giá sức mơ tưởng thành đạt biểu lộ trong các câu chuyện viết cho thiếu nhi hay các câu chuyện trong nhân gian. Các nhà khảo cứu tìm hiểu các sách tập đọc dành cho thiếu nhi phản ánh mơ tưởng thành đạt qua nhiều thời kỳ dài đã khám phá thấy có mối tương quan khá chặt chẽ giữa mức mơ tưởng trong các sách này với hoạt động kinh tế của dân tộc ấy trong mấy thập niên sau đó. Dĩ nhiên, dù các câu chuyện đầy mơ tưởng thành đạt có thực sự ảnh hưởng đến thiếu nhi hay chỉ đơn thuần phản ảnh các xu hướng phát triển kinh tế cũng là điều chưa thể xác quyết được. Dù vậy, hiển nhiên rằng thiếu nhi có thể học được nhiều điều hơn là chỉ học được cách đọc sách đơn thuần – có lẽ chúng sẽ thông cảm được mức khao khát thành đạt mà xã hội mong đợi ở chúng.

B. HỌC CÁCH THÀNH ĐẠT: XÂY DỰNG ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY THÀNH CÔNG

Làm thế nào để có cao vọng thành đạt. Muốn thế, dường như người ta phải hội đủ một vài nhân tố ngay từ hồi còn tấm bé. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ đặt tiêu chuẩn cao để con cái mình tập vươn đến (thậm chí ngay cả những sự việc bình thường, như ăn mặc hàng ngày chẳng hạn), các bậc cha mẹ đòi hỏi khá nhiều ở con cái và các bậc cha mẹ ra sức khuyến khích con cái có tinh thần tự lập, những người này đều ươm mầm cho con cái họ có cao vọng thành đạt. Mặt dù sự chi phối của cha mẹ đôi khi khiến cho chính bản thân họ không được hài lòng lắm, nhưng họ cũng không để tâm. Các bậc cha mẹ này thường vội vàng ca ngợi thành công của con cái và họ cũng nồng nhiệt khích lệ chúng nỗ lực trong một lãnh vực. Ngay trong trường hợp chúng bị lỡ có thất bại đi nữa, các bậc cha mẹ này cũng không đành lòng oán trách; ngược lại, họ còn thúc giục con cái tìm cho được lãnh vực nào chúng có khả năng thành công.

C. LUYỆN RÈN ĐỘNG LỰC THÀNH ĐẠT Ở TUỔI TRƯỞNG THÀNH

Chúng ta có thể huấn luyện con người tăng thêm động lực thành đạt không? Một câu hỏi như thế hiếm thấy ở bối cảnh học đường, bởi vì chúng ta đều biết rằng cao vọng thành đạt có liên hệ đến sự thành công về sự nghiệp sau này.

Để trả lời câu hỏi này, các nhà tâm lý David McCleliand và David Winler (1971) đã đến tận Ấn Độ, một quốc gia kém phát triển về kỹ thuật nhưng lại có nhu cầu kinh tế thật mãnh liệt, để thực hiện một chương trình huấn luyện gồm một số bước. Trước hết, họ đã dạy cho các học viên – những người này đều là chủ nhân các doanh nghiệp nhỏ – các điều mới lạ như tầm quan trọng của các việc đề ra được các mục tiêu vừa phải và dám nhận trách nhiệm cá nhân trong nỗ lực đáp ứng các mục tiêu ấy. Sau khi ôn lại tiểu sử của các doanh nhân thành đạt, các học viên được yêu cầu hình dung đến thành công của bản thân họ. Họ được yêu cầu lập kế hoạch từng bước cụ thể, và theo dõi tiến trình đạt đến mục tiêu của bản thân.

Thành quả của chương trình huấn luyện thật đầy ấn tượng. So sánh với một nhóm kiểm soát* (control giống) gồm các chủ doanh nghiệp không tham dự chương trình huấn luyện, các học viên đã gia tăng mức hoạt động kinh doanh của họ thật đáng kể. Họ đã tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội, đồng thời bành trướng cơ sở kinh doanh của họ. Một sự kiện còn quan trọng hơn nữa là các thành quả ấy kéo dài khá lâu. Thành đạt sự nghiệp của các học viên ấy còn to lớn hơn nhiều so với những người trong nhóm kiểm soát nói trên 10 năm dự chương trình huấn luyện ấy. Như vậy, không bao giờ quá trễ để học cách tăng thêm động lực thành đạt. Ngay những người trưởng thành cũng có thể tăng thêm khao khát thành đạt – để thành công sau đó vậy.

* Nhóm kiểm soát (control group): xin xem lại thuật ngữ này trong Chương 1

3. Nhu cầu kết đoàn: khao khát tình thân hữu

Rất ít người trong chúng ta chọn lối sống của các ẩn sĩ. Tại sao thế?

Một lý do là hầu hết mọi người đều có nhu cầu kết đoàn (need for affiliation), là mối quan tâm thiết lập và duy trì các tương quan với tha nhân. Những cá nhân có nhu cầu kết đoàn cao viết các câu chuyện trong trắc nghiệm TAT thường nhấn mạnh đến mong ước duy trì hoặc nối lại tình bằng hữu và biểu lộ sự lo âu bị bạn bè hất hủi.

Những người có nhu cầu kết đoàn cao đặc biệt nhạy cảm đối với các mối quan hệ với tha nhân. Họ mong muốn luôn luôn được hòa nhập với bè bạn, và so với những người ít có nhu cầu kết đoàn họ không muốn bị cô đơn. Đồng thời, xét về mặt thời lượng thực sự phải mất để sống với bè bạn thì động lực kết đoàn có lẽ đóng vai trò kém quan trọng hơn yếu tố giới tính. Theo kết quả của một cuộc khảo cứu, bất kể định hướng kết đoàn ra sao, các nữ sinh viên thường dành khá nhiều thời gian cho bạn bè và ít thời giờ sống cô đơn hơn nam sinh viên.

4. Nhu cầu quyền lực: khao khát gây ảnh hướng đối với tha nhân

Nếu bạn mơ ước được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ hay nắm cương vị điều hành công ty General Motors, thì các giấc mơ ấy phản ảnh cao vọng quyền lực. Nhu cầu quyền lực (need for power) là khuynh hướng tìm cách tác động, chi phối, hoặc gây ảnh hưởng đối với tha nhân, và để được xem là một con người đầy quyền uy. Nhu cầu này biểu thị một dạng động lực phụ tùy trong cuộc sống.

Như bạn biết, người có cao vọng quyền lực thường hay gia nhập vào các tổ chức và dễ tìm việc làm hơn những người ít có nhu cầu quyền lực. Họ cũng thường chọn các nghề nghiệp nào dễ thỏa mãn nhu cầu quyền lực của họ (như nghề quản trị kinh doanh và – có lẽ bạn không thấy ngạc nhiên – nghề dạy học chẳng hạn). Ngoài ra, họ cũng thường hay phô trương quyền lực: ngay từ thời còn học đại học, họ đã có khuynh hướng mua sắm các loại của cải phô trương, như dàn máy Stereo hay xe ôtô đua chẳng hạn.

Có một số dị biệt về mặt giới tính trong cách biểu lộ nhu cầu quyền lực. Nam giới quá ham muốn quyền lực có khuynh hướng biểu lộ qua mức hiếu chiến, đam mê rượu chè, say đắm tình dục, và tham dự thường xuyên hơn các cuộc tranh tài thể thao – các hành vi biểu trưng thái độ hơi ngông nghênh và khoa trương trước tập thể. Ngược lại, nữ giới biểu lộ nhu cầu quyền lực của họ bằng cử chỉ hạn chế hơn, phù hợp với các ràng buộc của truyền thống xã hội đối với hành vi của họ. Nữ giới quá ham muốn quyền lực thường hướng nhu cầu quyền lực của họ vào lĩnh vực phụng sự xã hội hơn nam giới (như bằng cách bày tỏ lòng quan tâm đến tha nhân hoặc có hành vi có tính dưỡng dục cao chẳng hạn).

Hiển nhiên, nhu cầu quyền lực có thể được thỏa mãn bằng nhiều cách. Giống như tất cả một động cơ khác, cách thức biểu lộ một nhu cầu phản ảnh một phối hợp bao gồm năng khiếu, quan điểm về thang giá trị và hơn cảnh đặc thù trong đó con người khám phá được bản thân mình.

5. Tóm tắt và học ôn II

A. TÓM TẮT

– Cơn khát (thirst) là một thúc đẩy sơ đẳng, tác động theo các nguyên tắc hằng định nội môi (principles of homeostasis).

– Cơn đói (hunger) bị ảnh hưởng bởi các đòi hỏi bên trong cơ thể, nhằm quy định số lượng và chủng loại thực phẩm ăn vào. Cấu tạo dưới đồi của não (hypothalamus) đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong việc quyết định số thực phẩm ăn vào.

– Các đặc điểm như mức thể trọng báo động (weight set point), tính nhạy cảm đối với cám dỗ từ xã hội bên ngoài, số lượng tề bào mỡ bên trong cơ thể, khả năng chuyển hóa (metabolism), và các nhân tố di truyền của con người đều ảnh hưởng đến tác phong ẩm thực của một người.

– Quan điểm về hành vi tình dục bình thường bị ảnh hưởng ba kỳ vọng đạo đức, thái độ sống, đọc tin, và tình trạng kiến thức y học của mọi người vào một thời kỳ nhất định.

– Thủ dâm (mastubartion, tự kích thích tình dục) là hành vi thường thấy ở cả nam lẫn nữ giới, mặc dù vẫn còn bị nhiều người xem là xấu xa.

– Thái độ khoan thứ đối với tình dục tiền hôn nhân (premantal sex) và tình hình thực tế của hiện tượng này đã gia tăng rất nhiều trong mấy thập niên qua.

– Những người đồng tính luyến ái (homosexuals) bị lôi cuốn về mặt tình dục với những cá nhân đồng giới tính với họ, còn những người định hướng tình dục lưỡng tính (bisexuals) bị lôi cuốn tình dục với cả đàn ông lẫn phụ nữ. Không có lý thuyết nào giải thích đầy đủ nguyên nhân tại sao con người hình thành một định hướng tình dục đặc biệt.

– Các thúc đẩy thứ cấp (secondary drives) quan trọng là nhu cầu thành đạt, kết đoàn và quyền lực.

B. HỌC ÔN

1/ Ba cơ chế chịu trách nhiệm đối với cơn khát là:…

2/ Cặp đôi các thuật ngữ dưới đây với định nghĩa của chúng:

a. Gây ra tình trạng không chịu ăn uống gì cả và dẫn đến chết đói.

b. Chịu trách nhiệm theo dõi số lượng và chủng loại thực phẩm ăn vào.

c. Gây ra chứng ăn uống quá độ

1… cấu tạo dưới đồi của não (hypothalamus)

2… tổn thương ở hai bên hông cấu tạo dưới đồi (lateral hypothalamic damage)

3… tổn thương ở phần bụng ở cấu tạo dưới đồi (ventromedlan hypothalamic damage)

3/… là mức trọng lượng đặc biệt mà cơ thể cô gắng duy trì

4/ Công trình nghiền cứu của Sthachter đã chứng minh rằng một số người bị chứng béo phì (obese people) có thể quá mức nhạy cảm đối với các đòi hỏi bên trong cơ thể. Đúng hay Sai?…

5/… là tốc độ sản sinh và tiêu thụ năng lượng của cơ thể.

6/… là dạng rối loạn ẩm thực đặc trưng bởi hành vi chè chén quá độ sau đó lại tẩy sạch cơ thể bằng cách chọc cho nôn mửa ra hết. Người bị dạng rối loạn… không chịu ăn uống cả trong khi cứ một mực phủ nhận rằng hành vi cũng như dáng dấp của họ là bất bình thường.

7/ Mặc dù tỉ lệ mắc phải chứng thủ dâm ở giới thanh thiếu niên khá cao, nhưng một khi người nam và người nữ bị lôi cuốn vào các quan hệ chung chăn gối với các người khác thể nói chung họ sẽ chấm dứt hành vi thủ dâm. Đúng hay Sai?

8/ Cả nam giới lẫn nữ giới đều có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ giao hợp tiền hôn nhân, mặc dù đối với nam giới mức gia tăng ấy không đáng kể. Đúng hay Sai?

9/ Các công trình nghiên cứu nhằm so sánh những người đồng tính luyến ái (hoterosexuals) và những người tình hướng tình dục dị tính (heterosexuals) đã chứng minh rõ rệt rằng giữa hai nhóm người này không có dị biệt gì về mức độ điều chỉnh và sinh hoạt tâm lý. Đúng hay sai?…

10/ Trong trắc nghiệm khả năng nhận thức chủ đề tổng quát (TAT), câu chuyện của Debbie miêu tả một thiếu nữ đã bị một trong các bạn đồng trang lứa ruồng rẫy, và cô này tìm cách nối lại tình bạn ấy. Debbie bày tỏ loại động lực chủ yếu gì trong câu chuyện của cô?

a. Nhu cầu thành đạt (need for achievement)

b. Nhu cầu động lực (need for motivation)

c. Nhu cầu kết đoàn (need for affliation)

d. Nhu cầu quyền lực (need for power)

C. CÂU HỎI TỰ VẤN

Phải chăng các đặc điểm như khao khát thành đạt, khao khát quyền lực, và khao khát kết đoàn có thể được sử dụng để tuyển dụng nhân viên? Sẽ phải cần đến các tiêu chuẩn nào khác, cả về mặt động cơ thúc đẩy và phẩm chất cá nhân, khi thực hiện việc tuyển chọn này không?

IV. TÌM HIỂU KINH NGHIỆM CẢM XÚC

Kim Andrews nắm chặt trong tay lá thư mà cậu hằng chờ đợi. Lá thư này có thể là chiếc vé lên chuyến tàu định mệnh của cậu: thông báo trúng tuyển đại học. Nhưng lá thư nói điều gì đây? Có lẽ nó không như ý nguyện của cậu. Tuy thành tích tốt nghiệp trung học của cậu thuộc loại khá, và cậu cũng đã học thêm một vài lớp ngoại khóa, nhưng nói cho cùng điểm số trắc nghiệm SAT của cậu thật không đáng tự hào cho lắm. Cậu cảm thấy căng thẳng đến run tay khi bóc lá thư mỏng dính (đây chắc hẳn không phải là điểm tốt, cậu nghĩ). Đây rồi, nội dung lá thư như sau: “Thưa ông Andrews, Viện trưởng và Hội đồng Viện Đại học hân hạnh tiếp nhận ông…” Đó là điều cậu muốn biết. Miệng reo hò, đôi chân nhảy tưng lên, cơn xúc động dâng cao khiến cho tâm hồn cậu ngây ngất. Thực sự cậu đã bắt đầu lên đường.

Đôi khi tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những tình cảm vui buồn mãnh liệt. Đại để như sung sướng được trúng tuyển vào đại học, hạnh phúc được yêu, đau buồn vì cái chết của người thân thương, hoặc khổ sở vì vô tình làm tổn thương người khác. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng thường nếm trải những thứ tình cảm nhẹ nhàng hơn nhiều như vui thú với bạn bè, thưởng thức một cuốn phim hay, hoặc ngượng ngùng vì làm hỏng một món đồ mượn của ai đó.

Bất luận các thứ tình cảm ấy khác biệt nhau ra sao, chúng đều biểu thị những mối xúc động trong tâm hồn chúng ta. Như đã thảo luận trên đây, các xúc động ấy đều là yếu tố quan trọng hình thành động lực thúc đẩy hành vi cư xử của chúng ta, và hành vi ấy sau khi đã hình thành do các nhu cầu thúc đẩy lại ảnh hưởng đến các xúc cảm của chúng ta.

Trong khi tất cả chúng ta đều biết xúc cảm là gì, thì việc khám phá một định nghĩa được một nhà tâm lý tán thành không phải là việc dễ dàng. Nguyên do là các lý thuyết khác nhau về xúc cảm – sẽ được đề cập dưới đây – nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau của hiện tượng xúc cảm, và do đó mỗi lý thuyết đều đưa ra một định nghĩa riêng. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể sử dụng một định nghĩa tổng quát: xúc cảm (emotion) là trạng thái tâm lý thông thường bao gồm các yếu tố sinh lý và tâm trí ảnh hưởng đến hành vi cư xử của con người.

Chẳng hạn, hãy tìm hiểu xem tâm trạng hạnh phúc diễn tiến ra sao. Trước hết, hiển nhiên bạn có thể phân biệt được tâm trạng này với các dạng cảm xúc khác. Rất có thể bạn cũng cảm nhận được cái biến chuyển giống nhau diễn ra trong cơ thể của bạn: như nhịp tim tăng lên, hay – như trong thí dụ trên đây – bạn thấy mình “nhảy tưng lên vì sung sướng”. Cuối cùng, xúc cảm có thể bao quát cả những yếu tố thuộc hoạt động trí tuệ, như tìm hiểu và đánh giá tầm quan trọng của sự việc đang xảy ra trong hoàn cảnh của bạn khiến cho bạn có cảm giác hạnh phúc ấy chẳng hạn.

Tuy nhiên, cũng có thể nẩy sinh xúc cảm mà tuyệt không có bóng dáng của các yếu tố trí tuệ. Thí dụ, chúng ta có thể phản ứng nẩy sinh cảm giác sợ hãi đối với một tình huống bất ngờ (như cảm giác phát sinh khi tiếp xúc với một nhân vật tính khí thất thường, không thể đoán biết trước được), hoặc chúng ta có thể cảm thấy khoái lạc do kích thích tình dục. Các thứ tình cảm này phát sinh bất ngờ, ngoài sự nhận biết hay tìm hiểu thuộc bình diện trí tuệ về tình huống phát sinh xúc cảm.

Trên thực tế, một số nhà tâm lý cho rằng có các hệ thống hoàn toàn khác biệt chi phối các phản ứng nhận thức và các phản ứng xúc cảm. Hiện nay người ta đang tranh luận với nhau về vấn đề liệu phản ứng tình cảm chiếm ưu thế so với phản ứng nhận thức, hay ngược lại. Một số lý thuyết gia chủ trương rằng trước hết chúng ta đối phó với tình huống gặp phải bằng một phản ứng tình cảm, rồi sau đó chúng ta mới tìm hiểu tình huống ấy. Thí dụ, thông thường chúng ta thưởng thức một bản nhạc giao hưởng mới được lưu hành mà không tìm hiểu nó hoặc không hiểu tại sao chúng ta ưa thích nó.

Ngược lại các lý thuyết gia khác cho rằng trước hết người ta tìm cách nhận thức tình huống ấy, rồi sau đó mới phản ứng theo tình cảm. Trường phái tư tưởng này lập luận rằng việc làm cần thiết đối với chúng ta là trước hết phải suy nghĩ để tìm hiểu một kích thích hay tình huống gặp phải, rồi liên hệ nó với những điều chúng ta đã biết, trước khi chúng ta có thể phản ứng trên bình diện tình cảm.

Cả hai phe phái trong cuộc tranh luận này đều được hậu thuẫn bởi các công trình nghiên cứu, và vấn đề này còn lâu mới được giải quyết thỏa đáng. Diễn biến có thể khác biệt nhau tùy từng tình huống trong một số trường hợp thì xúc cảm chiếm ưu thế còn ở các trường hợp khác thì các tiến trình nhận thức xảy ra trước, dù diễn biến sự việc có ra sao thì điều hiển nhiên vẫn là xúc cảm đóng vai trò chủ yếu tác động đến hành vi của chúng ta.

1. Chức năng của xúc cảm

Hãy tưởng tượng xem sự việc sẽ ra sao nếu bạn sống hoàn toàn chẳng có xúc cảm gì cả – không hề thất vọng sâu sắc, không u sầu, không hối hận, mà đồng thời lại chẳng có gì hạnh phúc, sung sướng, hoặc yêu đương. Hiển nhiên, cuộc sống sẽ kém phần thú vị rất nhiều, thậm chí trơ như gỗ đá vô tri, nếu như chúng ta không từng trải qua thứ cảm xúc gì cả.

Nhưng xúc cảm có phục vụ bất kỳ mục đích nào ngoài việc làm cho cuộc sống thú vị không? Các nhà tâm lý đã nhận diện được một số vai trò của xúc cảm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Các vai trò quan trọng nhất là:

Chuẩn bị cho hành động của chúng ta. Xúc cảm tác động như một mối liên hệ giữa các sự việc trong bối cảnh bên ngoài với các phản ứng thể hiện bằng hành vi của cá nhân trong bối cảnh ấy. Thí dụ, nếu chúng ta nhìn thấy một con chó hung tợn đâm bổ về phía chúng ta, thì phản ứng xúc cảm (cơn sợ hãi) sẽ khiến cho hệ thần kinh giao cảm (xem Chương 2) phát sinh tình trạng cảnh giác sinh lý. Vai trò của thần kinh giao cảm là chuẩn bị để cơ thể chúng ta có hành động khẩn cấp, chắc chắn sẽ khiến chúng ta nhanh chóng né tránh con chó ấy. Như vậy, xúc cảm là kích thích góp phần hình thành các phản ứng hữu hiệu đối với các tình huống khác nhau.

Uốn nắn hành vi trong tương lai của chúng ta. Xúc cảm đóng vai trò xúc tiến việc tìm hiểu các thông tin nhằm giúp chúng ta có phản ứng thích hợp trong tương lai. Thí dụ, phản ứng xúc cảm nẩy sinh khi người ta kinh qua một sự việc khó chịu – như bị một con chó hung dữ đe dọa – dạy người ta né tránh các trường hợp tương tự sau này. Tương tự, cảm giác hài lòng tác động như một khích lệ đối với hành vi trước đây sẽ khiến cho người ta tìm đến các tình huống tương tự trong tương lai. Do đó, cảm giác thư thái nẩy sinh sau khi hiến tặng cho một tổ chức từ thiện rất có thể khuyến khích hành vi từ thiện ấy dễ tái diễn trong tương lai.

Giúp chúng ta điều chỉnh tương tác xã hội. Như sẽ thảo luận chi tiết sau này, các xúc cảm mà chúng ta đang trải qua thường bộc lộ rõ rệt đối với người chứng kiến, bởi vì các xúc cảm này được thông đạt cho người ấy qua các hành vi ngôn ngữ và vô ngôn của chúng ta. Các hành vi này tác động như một dấu hiệu giúp cho người chứng kiến hiểu rõ hơn về những điều chúng ta đang trải qua và dự đoán được hành vi tương lai của chúng ta. Ngược lại, chính điều này thúc đẩy người chứng kiến tương tác hữu hiệu và phù hợp hơn. Thí dụ, một bà mẹ nhìn thấy cơn sợ hãi hiện trên nét mặt đứa con hai tuổi của bà khi nó chăm chú nhìn một bức tranh xấu xí trong một cuốn sách, bà sẽ xoa dịu để trấn an nó, nhờ đó giúp đứa bé đối phó với hoàn cảnh gặp phải hữu hiệu hơn trong tương lai.

2. Giải thích các xúc cảm của bản thân chúng ta

Trước đây tôi chưa bao giờ tức giận đến thế, tôi cảm thấy tim đập mạnh, và cả người run lên… Tôi không làm sao qua được buổi trình diễn này. Tôi cảm thấy dạ dày nôn nao… Tôi sai hoàn toàn! Mặt tôi chắc hẳn đỏ rực lên vì xấu hổ… Nghe thấy bước chân trong đêm, tôi sợ hãi đến nín thở.

Nếu tìm hiểu cách dùng ngôn ngữ, bạn sẽ thấy có đến hàng chục cách diễn tả xúc cảm đang nẩy sinh trong chúng ta, và bạn sẽ thấy ngôn ngữ diễn tả các cảm xúc ấy phần lớn đều căn cứ vào các triệu chứng sinh lý liên hệ đến một kinh nghiệm xúc cảm đặc biệt.

Chẳng hạn, hãy tìm hiểu kinh nghiệm sợ hãi. Giả sử vào cuối đêm ba mươi tết, bạn đang đi trên một con phố tối tăm thì nghe bước chân của một kẻ lạ càng lúc càng tiến gần đến sau lưng bạn. Rõ ràng hắn ta không vội vã gì nhưng cứ một mực tiến thắng đến gần bạn. Bạn nghĩ đến các việc phải làm nếu kẻ lạ ấy cướp giật của bạn – hay tệ hại hơn, hành hung bạn theo cách nào đó.

Trong khi các ý nghĩ này dồn dập hiện ra trong tâm trí, thể hiện như chắc chắn một hiện tượng khá đột ngột sẽ xảy ra cho cơ thể bạn. Các phản ứng sinh lý thường xảy ra nhất, gắn liền với sự phát động hệ thần kinh tự động (xem lại Chương 2), được liệt kê dưới đây:

– Hơi thở của bạn sẽ nhanh hơn và sâu hơn.

– Tim bạn sẽ đập nhanh hơn, bơm thêm máu vào động mạch.

– Con người của bạn sẽ mở to hơn, để nhiều ánh sáng hơn đi vào mắt giúp cho mức nhạy cảm của thị lực bạn tăng thêm.

– Miệng bạn sẽ bị khô đi do các tuyến nước bọt tiết ra không kịp, và thực ra toàn bộ hệ tiêu hóa của bạn ngưng hoạt động. Đồng thời, các tuyến mồ hôi toàn thân bạn sẽ tăng thêm hoạt động, bởi vì đổ mồ hồi giúp bạn dịu bớt hơi nóng quá độ phát sinh bởi bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào bạn đang lâm vào.

– Do các bắp thịt ngay dưới da co thắt lại, nên lông tóc của bạn sẽ dựng đứng lên.

Dĩ nhiên, tất cả các biến đổi sinh lý này rất có thể diễn ra ngoài sự nhận biết của bạn. Nhưng, kinh nghiệm xúc cảm song hành với các biến đổi ấy sẽ hiển nhiên đối với bạn: không nghi ngờ gì nữa, bạn đang sợ hãi.

Mặc dù miêu tả các phản ứng cơ thể tổng quát xảy ra đồng thời với cảm xúc là việc làm tương đối không phức tạp lắm, nhưng vai trò cụ thể của các phản ứng sinh lý này mới là thách đố quan trọng với các nhà tâm lý. Như sẽ thấy, một số lý thuyết gia cho rằng các phản ứng cơ thể là nguyên nhân khiến chúng ta cảm nhận một tình cảm đặc biệt đang xảy ra – thí dụ, chúng ta biết mình sợ hãi bởi vì tim chúng ta đập mạnh và chúng ta đang thở sâu chẳng hạn. Ngược lại, các lý thuyết gia khác chủ trương rằng phản ứng sinh lý là hậu quả của tình trạng nhận biết một dạng xúc cảm đang diễn ra. Theo quan điểm này, chúng ta biết mình đang sợ hãi; và chính sự nhận biết cảm xúc này khiến trái tim chúng ta đập mạnh và hơi thở sâu hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.