Tâm lý học căn bản

Chương 9 – Phần 7



V. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

– Động lực chi phối và tiếp sức cho hình vi bằng cách nào?

1. Chủ đề động lực (motivation) tìm hiểu các nhân tố chi phối và tiếp sức cho hành vi ứng xử. Thúc đẩy (drive) là tình trạng căng thẳng do động lực tác động để tiếp sức cho hành vi ứng xử nhằm thỏa mãn một nhu cầu. Các thúc đẩy sơ đẳng hay nguyên thủy (primary drives) liên hệ đến các nhu cầu sinh vật căn bản. Còn các thúc đẩy thứ cấp (secondaly drives) là những thúc đẩy không nhằm thỏa mãn một nhu cầu sinh vật cụ thể nào. Các thúc đẩy hậu thuẫn bởi động lực (motivation drives) thường tác động theo nguyên tắc hằng định nội môi (principcle of homeostasis), nhờ đó một sinh vật nỗ lực duy trì mức hoạt động sinh hóa tối ưu bên trong cơ thể bằng cách bù đắp bất kỳ khoản chênh lệch nào so với tình trạng bình thường của nó.

2. Một số lý thuyết tổng quát về động lực vượt ra khỏi cách giải thích căn cứ vào bản năng (instincts). Các lý thuyết giảm bớt thúc đẩy (drive – reduction theories), tuy hữu ích đối với các thúc đẩy sơ đẳng, nhưng lại không chính xác trong việc giải thích các loại hành vi không nhằm mục đích giảm bớt sức thúc đẩy mà lại nhằm duy trì hoặc thậm chí nhằm tăng thêm tình trạng kích động hay cảnh giác (arousal) nữa. Lý thuyết tình trạng cảnh giác (arousal theory) cho rằng chúng ta cố gắng duy trì một mức độ kích thích và hoạt động đặc biệt. Quy luật Yerkes – Dodson, liên hệ đến mối tương quan giữa mức độ khó khăn của công việc phải làm với mức độ động lực tối ưu phù hợp với lý thuyết tình trạng cảnh giác.

3. Một lối giải thích khác về động lực lý thuyết khích lệ (incentive theory) chú trọng đến các khía cạnh tích cực của hoàn cảnh đã chi phối và tiếp sức cho hành vi ứng xử. Ngược lại, lý thuyết tiến trình đối nghịch (opponent – process theory) cho rằng các lực lượng đối nghịch trong hệ thần kinh phát sinh khi tình trạng cảnh giác ban đầu là hậu quả do một kích thích nào đó gây ra. Nếu như tình trạng cảnh giác ban đầu có tính tích cực thì lực lượng đối nghịch sẽ có tính tiêu cực, và ngược lại.

4. Các lý thuyết dùng hoạt động trí tuệ để giải thích động lực (cognitive theories of motivation) chú trọng đến vai trò của tư tưởng, kỳ vọng, và kiến thức về thế giới chung quanh. Lý thuyết kỳ vọng – giá trị (expectancy – value theory) chủ trương niềm hy vọng rằng hành vi sẽ hoàn thành một mục tiêu nhất định cũng như ý thức của chúng ta về giá trị của mục tiêu ấy làm nền tảng cho hành vi ứng xử của chúng ta.

5. Quan điểm hệ cấp nhu cầu của Maslow cho rằng con người có đến năm loại nhu cầu (sinh lý, an toàn, tình thương và ràng buộc, danh dự, và hiện thực bản thân). Chỉ sau khi các nhu cầu căn bản hơn được thỏa mãn rồi người ta mới nghĩ đến các nhu cầu cao cấp hơn.

– Các nhân tố sinh vật và xã hội nào làm nền tảng cho cơn khát và cơn đói?

6. Những kích thích thúc đẩy hành vi uống nước phần lớn đều phát sinh ở bên trong cơ thể. Nồng độ muối ở các tế bào cơ thể chuyển hóa dưới dạng một hàm số của lượng dịch bên trong cơ thể (a function of the amount of internal fluid). Ngoài ra, sự giảm bớt tổng khối lượng dịch trong hệ tuần hoàn có thể gây ra cơn khát. Sự gia tăng thân nhiệt hay tình trạng tiêu hao năng lượng cơ thể cũng có thể làm tăng cơn khát.

7. Hành vi ẩm thực (eating behavior) lệ thuộc vào tình trạng hằng định nội môi, bởi vì thể trọng của hầu hết mọi người đều nằm trong một phạm vi tương đối ổn định. Các loài sinh vật có khuynh hướng nhạy cảm đối với giá trị dinh dưỡng của thực phẩm ăn vào do cấu tạo dưới đồi (hypothalamus) có quan hệ chặt chẽ với thực phẩm ăn vào. Ngoài các nhân tố sinh học tác động đến hành vi ăn, các nhân tố xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, giờ giấc các buổi ăn, khẩu vị ẩm thực phổ biến trong nền văn hóa, tính hấp dẫn của các món ăn, và các thói quen khác sẽ xác định thời điểm và lượng lương thực ăn vào. Tình trạng quá nhạy cảm đối với các gợi ý xã hội và tình trạng vô cảm đối với các dấu hiệu đòi hỏi bên trong cơ thể cũng liên hệ đến chứng béo phì (obesity).

– Tại sao, và trong hoàn cảnh nào, chúng ta bị thúc đẩy về mặt tình dục?

8. Mặc dù các nhân tố sinh học, như sự hiện diện của androgen (kích thích tố tình dục nam) và oestrogen (kích thích tố tình dục nữ), thúc đẩy người ta có hành vi tình dục, nhưng hầu như bất kỳ loại kích thích nào cũng có thể gây ra tình trạng thức tỉnh tình dục (sexual arousal), tùy thuộc vào kinh nghiệm trước đây của mỗi người.

9. Thủ dâm (masturbation) là hành vi tự kích thích tình dục. Mức đồ mắc phải chứng này rất cao, đặc biệt đối với nam giới. Tuy thái độ của mọi người đối với chứng thủ dâm đã cởi mở hơn, nhưng cũng vẫn còn hơi tiêu cực – dù rằng người ta chưa khám phá được hành vi này có hậu quả xấu xa gì.

10. Tình dục dị tính (heterosexuality), hay tình trạng bị lôi cuốn tình dục bởi những người khác giới tính là định hướng tình dục thường thấy nhất. Tỷ lệ số người có hành vi giao hợp tiền hôn nhân đã gia tăng đối với cả nam lẫn nữ giới, mặc dù mức độ gia tăng đáng kể hơn nhiều đối với nữ giới.

11. Những người đồng tính luyến ái (homosexuals) bị lôi cuốn tình dục bởi những người cùng giới tính với họ; còn những người định hướng tình dục lưỡng tính (bisexuals) bị lôi cuốn tình dục bởi cả những người cùng giới tính lẫn những người khác giới tính với họ. Khoảng 25% nam giới và 15% nữ giới ít ra đã từng có một lần giao hợp đồng tính, và khoảng từ 1 đến 10% nam giới lẫn nữ giới chuyên sinh hoạt tình dục đồng tính trong nhiều thời kỳ kéo dài trong cuộc đời họ. Chưa có lời giải thích nào về nguyên nhân khiến cho người ta có định hướng tình dục đồng tính được mọi người cũng thừa nhận. Các nguyên nhân có thể là do các nhân tố di truyền hoặc sinh học, do thời thơ ấu và ảnh hưởng của gia đình, do kinh nghiệm quá khứ và tiêm nhiễm theo lối tạo điều kiện. Dù sao, điều hiển nhiên là không có một tương quan nào giữa việc chữa trị tâm lý với định hướng tình dục cả.

– Các nhu cầu thành đạt, kết đoàn, và quyền lực được biểu lộ ra sao?

12. Nhu cầu thành đạt (need for achievement) là một đặc điểm bền vững và do tiêm nhiễm mà có, nhờ đó con người nỗ lực phát huy tiềm năng của mình đến mức tối cao. Những người có cao vọng thành đạt thường tìm kiếm các công việc khó khăn vừa phải, trong khi những người ít khao khát thành đạt chỉ tìm đến các công việc thật dễ dàng cũng như các công việc khó khăn quá mức. Nhu cầu thành đạt thường được đánh giá qua Trắc nghiệm Khả năng Nhận thức Chủ đề Tổng quát (Thematic Appercep–tion Test – viết tắt là TAT), gồm một số tranh ảnh để thí sinh căn cứ vào mà viết ra một câu chuyện.

– Xúc cảm là gì, chúng ta làm sao để cảm nhận được chúng, và chúng có chức năng gì?

13. Một định nghĩa bao quát về xúc cảm cho rằng xúc cảm (emotions) là trạng thái tình cảm có thể ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của chúng ta, và nói chung bao gồm cả yếu tố sinh lý lẫn yếu tố nhận thức trí tuệ. Định nghĩa này không đề cập đến vấn đề liệu có các hệ thống riêng biệt chi phối phản ứng trí tuệ và phản ứng cảm xúc hay không, cũng như đến vấn đề liệu hệ thống này có chiếm ưu thế hơn hệ thông kia không.

14. Các chức năng của xúc cảm là chuẩn bị cho hành động của chúng ta, uốn nắn hành vi tương lai thông qua tiến trình học hỏi, và góp phần quy định sự tương tác xã hội.

15. Các phản ứng sinh lý tổng quát đối với xúc cảm mạnh bao gồm con ngươi mở lớn, miệng khô, mồ hôi toát ra, nhịp tim tăng lên, hơi thở gấp rút, và huyết áp cao. Bởi vì các biến đổi sinh lý này không phải là cách giải thích đầy đủ cho hiện tượng xúc cảm, nên người ta đã xây dựng một số lý thuyết khác nhau để giải thích hiện tượng này.

16. Thuyết James – Lange cho rằng hiện tượng xúc cảm là phản ứng đối với các biến đổi sinh lý bên trong cơ thể hay biến đổi nội tạng (visceral chanses); và các biến đổi này phát minh như một đáp ứng với sự việc xảy ra trong môi trường sống. Các kinh nghiệm nội tạng này được giải thích là phản ứng xúc cảm. Ngược lại, lý thuyết Cannon – Bard khẳng định rằng các biến động nội tạng diễn ra quá chậm nên không thể giải thích được hiện tượng xúc cảm vốn thường xảy ra rất nhanh chóng. Do đó, lý thuyết này cho rằng cả tình trạng cảnh giác sinh lý (physiological arousal) lẫn kinh nghiệm xúc cảm đều phát sinh đồng thời do cùng một xung lực thần kinh gây ra. Cho nên, bản thân kinh nghiệm nội tạng không nhất thiết khác biệt đối với các dạng xúc cảm khác nhau.

17. Lời giải thích thứ ba chính là lý thuyết Schachter – Singer. Lý thuyết này bác bỏ quan niệm cho rằng phản ứng sinh lý và phản ứng tình cảm xảy ra đồng thời. Thay vì thế, thuyết này cho rằng xúc cảm được phối hợp xác định bởi tình trạng cảnh giác sinh lý tương đối không đặc thù và cách gọi tên tình trạng cảnh giác ấy tiếp sau đó. Tiến trình đặt tên này vận dụng các gợi ý từ môi trường bên ngoài nhằm xác định cách cư xử của những người khác trong tình huống tương tự.

VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Động cơ.

2/ Bản năng.

3/ Lý thuyết giảm bớt thúc đẩy.

4/ Thúc đấy sơ đẳng; thúc đẩy thứ cấp.

5/ Hằng định nội môi.

6/ Tình trạng tỉnh thức.

7/ Sai; mức tỉnh táo tối ưu được xác định bởi mức độ khó khăn của công việc phải thực hiện.

8/ Lý thuyết khích lệ.

9/ Kỳ vọng rằng hành vi sẽ giúp chúng ta đạt được một mục tiêu; giá trị của mục tiêu ấy đối với chúng ta.

10/ Động lực nội tại; động lực ngoại lai.

11/ Sai; các nhu cầu cấp thấp phải được thỏa mãn trước đã, sau đó người ta mới nghĩ đến vấn đề tự thể hiện bản thân.

III.

1/ Sai; xúc cảm có thể phát sinh không cần đến phản ứng trí tuệ.

2/ James – Lange.

3/ Nội tạng.

4/ Sai; rất nhiều loại xúc cảm có các phản ứng sinh lý cơ thể giống nhau.

5/ Cannon – Bard; đồi não (thalamus).

6/ Schachter – Singer.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.