Tâm Lý Học Đám Đông

Chương 2: Những động lực trực tiếp của các quan điểm của đám đông



Chúng ta đã xác định ra những động lực gián tiếp và những động lực có tác dụng chuẩn bị, những tác động đã trang bị cho đám đông một khả năng tiếp thụ đặc biệt, bằng cách chúng tạo điều kiện cho các tình cảm và ý tưởng nảy nở. Bây giờ chúng ta sẽ phải nghiên cứu về các động lực có thể tác động trực tiếp đến hành động. Trong chương tiếp theo chúng ta sẽ thấy các động lực này đã được sử dụng như thế nào để có thể phát huy hết tác dụng của chúng. Phần đầu tiên của tác phẩm này bàn về tình cảm, các ý tưởng và niềm tin của một tập thể (collectivités). Từ nhận thức về chúng, rõ ràng bằng những cách thức thông thường người ta có thể xác định ra các phương tiện để tác động vào tâm hồn đám đông. Chúng ta đã từng biết, cái gì tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông, chúng ta đã làm quen với sức mạnh của sự truyền nhiễm của các tác động, đặc biệt là những tác động nào xuất hiện dưới dạng hình ảnh. Nhưng bởi các tác động có thể xảy ra có những nguồn gốc hoàn toàn khác nhau, cho nên cũng có thể các yếu tố có khả năng tác động được vào đám đông cũng rất là khác biệt; do vậy người ta cần phải khảo sát chúng một cách riêng rẽ. Đám đông giống như con Sphinx trong huyền thoại cổ: những câu hỏi mà các nhà tâm lý học của chúng đặt ra cho chúng ta, hoặc chúng ta phải trả lời hoặc tự để cho chúng nuốt chửng mình.

§1. Hình ảnh, ngôn từ và các khẩu hiệu

Trong khi nghiên cứu về trí tưởng tượng của đám đông chúng ta đã tìm ra, rằng họ bị kích động thông qua các hình ảnh. Những hình ảnh này không phải lúc nào cũng có sẵn để sử dụng, nhưng người ta có thể tạo ra chúng bằng cách vận dụng một cách khéo léo những ngôn từ hoặc các khẩu hiệu. Nếu chúng được dùng một cách nghệ thuật, có thể nói rằng chúng thực sự có một sức mạnh huyền bí, giống như sức mạnh xưa nay thường được gắn cho những người tinh thông về ảo thuật. Nó khơi dậy trong đám đông những cơn bão tố khủng khiếp và cũng có thể xoa dịu chúng. Bằng xương của những người đã từng là nạn nhân của sức mạnh ngôn từ và khẩu hiệu, người ta có thể làm nên những kim tự tháp cao hơn kim tự tháp của thời đại Cheop khi xưa. Sức mạnh của ngôn từ gắn liền với hình ảnh mà nó gợi lên và hoàn toàn không phụ thuộc vào ý nghĩa thật của nó. Những ngôn từ khó có thể cắt nghĩa thường là những ngôn từ có tác động mạnh mẽ nhất. Ví dụ như khái niệm dân chủ, chủ nghĩa xã hội, bình đẳng, tự do… mà ý nghĩa của chúng rất không xác định, cho dù sử dụng đến cả tập giấy dày cũng không luận hết ý nghĩa của chúng. Song đi liền với những âm tiết ngắn gọn của chúng là một sức mạnh huyền bí thực sự, cứ như là nó chứa đựng giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Ở trong nó là sự tóm lược một cách sống động những hoài bão vô thức khác nhau và niềm hy vọng chúng sẽ trở thành hiện thực.

Với lý trí và những luận chứng người ta không thể chống lại được những ngôn từ và khẩu hiệu nào đó. Người ta thành tâm phát ngôn chúng trước đám đông và đồng thời với một thái độ hoàn toàn tôn kính, một tư thế đầu hơi cúi xuống. Nhiều người sẽ cảm nhận thấy được ở chúng những sức mạnh tự nhiên hoặc những quyền lực siêu phàm. Nó khơi dậy bên trong các tâm hồn những hình ảnh vĩ đại và không xác định, nhưng chính cái không xác định này đã làm cho nó trở nên mờ ảo và tăng thêm sức mạnh huyền bí. Chúng có thể so sánh được với mọi thánh thần khủng khiếp khuất mình sau những điện thờ mà tất cả những kẻ sùng tín đều run sợ khi tiến lại gần.

Bởi vì những hình ảnh được gợi nên qua ngôn từ không phụ thuộc vào ý nghĩa của chúng, cho nên chúng biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác, từ dân tộc này sang dân tộc khác mà vẫn giữ nguyên hình dạng của chúng. Gắn với một ngôn từ nhất định thường là một hình ảnh: ngôn từ chỉ là cái nút bấm chuông để gọi nó ra.

Không phải ngôn từ và khẩu hiệu nào cũng chứa đựng một sức mạnh để gợi nên hình ảnh, và cũng có những ngôn từ bị hao mòn khi sử dụng và sau đó chúng không còn sức để gợi nên một cái gì. Chúng chỉ còn là tiếng vọng trống rỗng, và ích lợi duy nhất là làm cho tất cả những ai sử dụng nó đỡ phải mất công suy nghĩ. Với một kho dự trữ nhỏ những khẩu hiệu và những điều sáo rỗng học được lúc còn trẻ, chúng ta có tất cả những gì cần thiết để không cần phải mất công suy nghĩ mà vẫn đi suốt cả cuộc đời.

Nếu quan sát một ngôn ngữ nào đó, ta sẽ thấy, rằng các ngôn từ hợp nên ngôn ngữ đó biến đổi tương đối chậm theo thời gian; nhưng những hình ảnh nó gợi lên hoặc những ý nghĩa người ta đặt đằng sau nó lại biến đổi không ngừng. Và ở một công trình khác tôi cũng đã đi đến kết luận, rằng việc dịch chính xác một ngôn ngữ, đặc biệt là những ngôn ngữ đã chết, hoàn toàn là điều không thể được. Thực tế chúng ta đã làm gì, khi chúng ta muốn chuyển một sự diễn đạt từ tiếng Pháp sang tiếng Latinh, tiếng Hylạp hoặc tiếng Sankrit, hoặc ngay cả khi chúng ta chỉ thử hiểu một cuốn sách đã được viết cách đây hàng thế kỷ bằng chính ngôn ngữ của chúng ta? Chúng ta đã đơn giản gắn những hình ảnh và những tưởng tượng mà cuộc sống hiện đại tạo nên trong trí óc của chúng ta vào những khái niệm những hình ảnh hoàn toàn khác, là những cái được cuộc sống thời xưa phản ánh vào tâm hồn của chủng tộc, mà điều kiện sống của họ thời đó chẳng có gì giống với của chúng ta hiện nay. Những người sống ở thời đại cách mạng đã tin vào việc bắt chước những người Hy lạp và La mã, nên chỉ gắn cho những ngôn từ cũ những ý nghĩa mà chúng chưa bao giờ có. Có sự giống nhau nào giữa các thể chế thời Hylạp và những thể chế hiện tại với cùng một tên gọi không sai một chữ? Một thể chế cộng hòa thời đó khác về cái gì so với một thể chế, về cơ bản mang tính quý tộc, dựa trên liên minh của nhiều bạo chúa nhỏ, thống trị một đám đông nô lệ và hoàn toàn phụ thuộc? Những tầng lớp quý tộc địa phương này được xây dựng trên sự chiếm hữu nô lệ và sẽ không thể tồn tại được nổi một giây nếu không có nó.

Và làm thế nào hai chữ “tự do” lại có thể có được cùng một ý nghĩa như trong thời đại của chúng ta, khi mà ở thời đại ngày đó, chưa hề dám nghĩ đến tự do tư tưởng và cũng chưa hề biết về sự phạm thượng nào lớn hơn và thậm chí hiếm khi là những cuộc tranh cãi về về thánh thần, về các điều luật và đạo đức công dân? Từ “tổ quốc” trong tâm hồn của người Athen hoặc Sparta có ý nghĩa là tình yêu đối với Athen và Sparta, nhưng không thể là như vậy đối với người Hy lạp, một đất nước gồm nhiều nước nhỏ hợp lại liên tục đánh chiếm và tranh giành lẫn nhau. Cùng một từ sẽ có một ý nghĩa như thế nào ở những bộ lạc cạnh tranh lẫn nhau ở vùng Gallie khi xưa, khác nhau về chủng tộc, tiếng nói và tôn giáo, nơi đã bị Ceasar chiếm đoạt một cách dễ dàng bởi vì ông ta luôn có sự liên minh với họ? Rôm, mình nó đã trao cho Galie một tổ quốc bằng cách làm cho vùng này có một sự thống nhất về chính trị và tôn giáo. Song ta cũng không cần phải quay ngược trở lại quá khứ quá xa, chỉ cần xấp xỉ hai thế kỉ về trước cũng đã đủ: liệu người ta có tin rằng từ “tổ quốc” của những hoàng tử nước Pháp, những người giống như dòng dõi Condé vĩ đại đã liên kết với kẻ thù để chống lại chính những ông chủ của mình, lại có cùng một ý nghĩa như chúng ta thường hiểu ngày nay? Và cùng một tên gọi “người nhập cư” chắc phải có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn bây giờ? (Dịch sai, câu này có nghĩa là “Rồi nữa, không phải là cùng một chữ “tổ quốc” đó lại cũng có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn tiếng Pháp hiện đại đối với những người di tản bảo hoàng Pháp?”) Họ đã tin rằng phải biết trọng quy tắc danh dự, nếu như họ kháng chiến chống Pháp, và họ tuân theo điều đó để quả thực ở đâu ông chủ sống, ở đó đích thực là tổ quốc, vì cách nhìn của họ dựa vào luật nông nô, là điều luật ràng buộc họ vào với chủ nô chứ không phải với đất nước. (Chữ “nông nô” ở đây cũng không đúng, phải là, luật giành cho thần dân phong kiến, ràng buộc họ với lãnh chúa chứ không phải đất nước).

Không thể nào kể hết số từ ngữ theo thời gian đã thay đổi một cách căn bản ý nghĩa của chúng như vậy. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều mới có thể hiểu được ý nghĩa của chúng trước đây. Người ta phải đọc nhiều, và thực sự là như vậy, chỉ duy để có thể hiểu được chữ “ông Vua” và “gia đình vua chúa” mang ý nghĩa gì trong con mắt của ông cha chúng ta. Cho nên đối với những khái niệm khó hơn thì phải biết rằng nó sẽ như thế nào!

Các ngôn từ như thế chỉ có những ý nghĩa mang tính thay đổi và nhất thời. Những ý nghĩa này biến đổi cùng với các thời đại và các dân tộc. Nếu muốn chúng tác động được vào đám đông, thì chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của chúng ngay tại thời điểm nó được giành cho họ, chứ không phải một ý nghĩa nào đó của nó trước đây hoặc là ý nghĩa chỉ để giành cho những cá nhân có nhận thức hoàn toàn đặc biệt. Ngôn từ cũng sống động tựa như ý tưởng.

Như vậy nếu một khi đám đông do những biến đổi về chính trị hoặc do sự thay đổi tín ngưỡng dẫn đến sự ghê tởm sâu sắc những hình ảnh được gợi nên bởi một ngôn từ nào đó, thì lúc đó nhiệm vụ đầu tiên của người lãnh đạo nhà nước chân chính là phải thay đổi các quan hệ, mà không – nhớ chú ý điều này – động chạm đến bản thân sự vật, bởi vì những cái đó có quan hệ với một trạng thái tinh thần được di truyền lại và khăng khít đến đến mức rất khó có thể thay đổi chúng. Ông Tocqueville thông thái đã nhắc nhở, rằng công việc của tổng tài và của triều đình trước hết là phải đặt cho phần lớn các thể chế của quá khứ những cái tên gọi mới, sau đó là những khái niệm đã từng gợi nên trong trí tưởng tượng của đám đông những hình ảnh đáng căm ghét phải được thay thế bằng những khái niệm khác, mà sự mới mẻ của chúng làm cho những hình ảnh kia không thể xuất hiện trở lại được nữa. Khái niệm “Taille” sẽ được thay bằng thuế cơ bản, khái niệm “Gabelle “ được gọi là thuế muối, thuế tiêu thụ thì được gọi là thuế gián tiếp và thuế hải quan, thay vì thuế thợ cả, thuế người làm sẽ trở thành thuế doanh nghiệp v.v…

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo nhà nước là những thứ mà tên gọi cũ của chúng làm đám đông ghê tởm phải được thay thế bằng những cái tên gần gũi với dân chúng hoặc ít nhất cũng không mang một ý nghĩa gì. Quyền lực của ngôn từ mạnh đến nỗi, chỉ cần khéo chọn những cái tên cũng đủ để có thể làm cho đám đông chấp nhận cả những sự việc đáng căm ghét nhất. Taine đã chỉ ra rất chí lý, rằng những người Jacobin nghe theo tiếng gọi của những từ ngữ rất phổ biến thời đó như “tự do” “bác ái” đã bắt một chế độ chuyên chế – từ này lẽ ra chỉ xứng đáng để giành cho chế độ của vương quyền Dahomey – phải chịu một cảnh xét xử công khai như tòa dị giáo và chịu cảnh hành quyết hàng loạt giống như thời xưa ở Mexico. Nghệ thuật lãnh đạo của chính quyền giống như nghệ thuật của các luật sư ở chỗ là phải hiểu cách làm chủ các ngôn từ. Đó là một nghệ thuật khó, bởi trong cùng một xã hội, những ngôn từ giống nhau đối với các thành phần xã hội khác nhau thường mang những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Họ có vẻ sử dụng cùng một từ, nhưng nói ra không cùng một thứ tiếng.

Trong các ví dụ trên đây chúng ta đã đặc biệt quan sát riêng rẽ yếu tố thời gian là nguyên nhân chính làm thay đổi ý nghĩa của các ngôn từ. Nếu chúng ta chú ý thêm yếu tố chủng tộc, chúng ta sẽ thấy, rằng trong cùng một thời gian ở các dân tộc có cùng văn hóa, nhưng khác chủng tộc, những từ giống nhau thường tương ứng với những hình dung hoàn toàn khác nhau. Những sự khác nhau này nếu người ta không đi đây đi đó, đến nhiều chỗ khác nhau, sẽ không thể biết đến và hiểu được, và bởi vậy tôi cũng không có ý nhấn mạnh về chúng. Tôi chỉ giới hạn ở sự nhắc nhở, rằng chính ở ngay những từ thông thường nhất, ở những dân tộc khác nhau, chúng có ý nghĩa khác biệt nhất. Ví dụ như các khái niệm “dân chủ” và “chủ nghĩa xã hội” thường được sử dụng nhiều hiện nay.

Trong thực tế ở các dân tộc Latinh và Anglo-Saxon chúng tương ứng với những hình dung hoàn toàn trái ngược về nội dung và hình ảnh. Ở các dân tộc Latinh khái niệm “dân chủ” trước hết mang ý nghĩa loại bỏ những ý chí và quyết tâm của cá nhân trước nhà nước. Nhà nước ngày càng phải tải nặng hơn, nó phải lãnh đạo, phải tập trung hóa, phải độc quyền hóa, phải sản xuất. Tất cả mọi thành phần đều phải phụ thuộc vào nhà nước và không có ngoại lệ, ngay cả đối với những kẻ quá khích, những phần tử xã hội chủ nghĩa, những kẻ theo chủ nghĩa quân chủ. Ở các dân tộc Anglo-Saxon cụ thể là nước Mỹ, cũng chính khái niệm ấy nhưng ngược lại nó mang ý nghĩa của một sự khuếch trương nồng nhiệt nhất về ước vọng và nhân cách cá nhân, về sự rút lui của nhà nước đến mức có thể, người ta không để cho nhà nước lãnh đạo một cái gì ngoại trừ công an, quân đội và ngoại giao, thậm chí giáo dục cũng không chịu sự lãnh đạo của nhà nước. Cùng một từ ở hai dân tộc này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác nhau như thế đấy[14].

§2. Ảo tưởng

Ngay từ buổi bình minh của văn hóa, các dân tộc luôn luôn phải chịu ảnh hưởng của các ảo tưởng . Họ đã tạo nên cho các đấng sáng tạo ra những ảo tưởng các đền đài, các tác phẩm hội họa và điện thờ nhiều nhất. Xưa kia là những ảo tưởng tôn giáo, ngày nay là những ảo tưởng triết học – tuy nhiên bao giờ người ta cũng tìm thấy những kẻ thống trị kinh khủng này ở đỉnh cao của tất cả các nền văn hóa, chúng lần lượt nối tiếp nhau nảy nở trên hành tinh của chúng ta. Nhân danh chúng, đền đài ở Chaldäas và Aicập, các nhà thờ thời trung cổ đã mọc lên sừng sững, nhân danh chúng khắp châu Âu trước đây một thế kỷ đã bị đảo lộn. Không có một quan điểm chính trị, nghệ thuật, xã hội nào của chúng ta lại không mang trên mình dấu ấn quyền thế của chúng. Thường con người vứt bỏ nó xuống với một cái giá của những cuộc đảo lộn khủng khiếp, nhưng rồi có vẻ như là định mệnh họ lại dựng nó lên trở lại. Không có nó có lẽ con người không thể để lại đằng sau mình những cái tàn bạo nguyên thủy, và không có nó con người chẳng bao lâu sẽ lại quay trở lại với cái tàn bạo đó. Không nghi ngờ gì nữa đó là những cái bóng trống rỗng, nhưng những người con gái của những giấc mơ của chúng ta đó đã ép buộc các dân tộc làm nên tất cả những gì rạng rỡ của nghệ thuật và những gì vĩ đại của văn hóa.

“Nếu người ta có thể đem tất cả các tác phẩm nghệ thuật, các tượng đài trong các viện bảo tàng và trong các thư viện, những thứ mà sự tồn tại của chúng là nhờ có ảnh hưởng của tôn giáo, đập tan và phá nát rồi đem chất đống trước sân nhà thờ, thử hỏi sẽ còn lại những gì từ những giấc mơ vĩ đại của loài người?” một tác giả khi tổng kết các kiến thức của chúng ta đã viết như vậy. “Quyền tồn tại của các thánh thần, của những anh hùng và nhà thơ nằm ở chỗ, tất cả họ đã cho con người dự phần vào những hy vọng và những ảo tưởng, không có chúng con người không thể nào sống nổi. Có một thời gian dài có vẻ như các nhà khoa học đã đảm nhiệm công việc này. Họ đã tự tước bỏ uy tín của mình đối với những tâm hồn đói ý tưởng, bởi vì họ không đủ can đảm để hứa hẹn và không giỏi lừa dối.”

Nhiều triết gia của thế kỷ trước đã chú tâm một cách nhiệt tình trong vấn đề xóa bỏ những ảo ảnh của tôn giáo, chính trị và xã hội, những ảo ảnh mà ông cha ta đã từng sống chung trong nhiều thế kỷ. Sự xóa bỏ này làm tắc nghẽn những cội nguồn của hy vọng và dâng hiến. Đằng sau quái vật Chimeras được cúng tế họ tìm thấy những thế lực tự nhiên mù quáng, chúng chống lại sự yếu đuối một cách không mệt mỏi và không hề biết đến một chút thương hại.

Mặc dù với tất cả các tiến bộ của mình, triết học vẫn không có khả năng trưng ra cho đám đông một ý tưởng để có thể mê hoặc họ. Bởi đám đông không thể thiếu được những ảo tưởng nên, như những con thiêu thân lao vào lửa, họ tình nguyện hiến dâng mình cho những thuyết gia, những người đã cung cấp cho họ các ảo tưởng. Sự thật không bao giờ là động lực to lớn đối với sự phát triển của các dân tộc, mà là sự lầm lẫn. Và ngày nay nếu chủ nghĩa xã hội nhìn thấy sức lực của nó lớn mạnh, điều đó được giải thích, rằng nó thể hiện cái ảo tưởng duy nhất vẫn còn đang tiếp tục sống. Những luận chứng khoa học không thể ngăn cản sự phát triển của nó. Sức mạnh chủ yếu của nó nằm ở chỗ, nó được những cái đầu có đủ nhầm lẫn về hiện thực bảo vệ, để dám hứa hẹn môt cách lạnh lùng với họ về hạnh phúc. Những ảo tưởng xã hội ngày nay đang thống trị trên tất cả những đổ nát được quá khứ tích tụ lại, và tương lai sẽ thuộc về chúng. Đám đông không bao giờ khao khát sự thật. Họ quay lưng lại với thực tế mà họ không thích và ưa thần tượng hóa những sai lầm nếu như chúng có thể quyến rũ được họ. Ai biết cách lừa dối họ, kẻ đó dễ trở thành ông chủ của họ, ai định khai sáng họ, kẻ đó sẽ luôn trở thành nạn nhân của họ.

§3. Kinh nghiệm

Kinh nghiệm gần như là phương tiện có hiệu quả duy nhất để có thể gieo cấy sự thật vào tâm hồn đám đông và phá vỡ những ảo tưởng đang dần trở nên nguy hiểm. Để được như vậy kinh nghiệm phải dựa trên một nền tảng rộng và thường cần phải được nhắc lại liên tục. Những kinh nghiệm mà một thế hệ thu thập được đối với thế hệ tiếp theo thường là vô giá trị, chính vì thế việc lấy những sự kiện lịch sử ra làm minh chứng không đem lại tác dụng gì. Ích lợi duy nhất của chúng là chỉ ra, rằng các kinh nghiệm ở mỗi một thời đại phải cần được nhắc lại ở mức độ nào, để có thể đạt được một ảnh hưởng nào đó và đem đến kết quả, cho dù cũng chỉ là việc xóa bỏ một sai lầm đã nảy sinh trong tâm hồn đám đông.

Thế kỷ của chúng ta và thế kỷ trước đây không nghi ngờ gì nữa, chúng sẽ được các nhà sử học của tương lai gọi là thời đại của những kinh nghiệm kỳ quặc. Không có một thời đại nào lại có thể có được nhiều như vậy.

Một kinh nghiệm vĩ đại nhất đó là cuộc cách mạng Pháp. Để có thể phát hiện ra, rằng người ta không thể cải tạo một xã hội một cách triệt để với những phương tiện của lý trí thuần túy, đã cần phải có đến hàng triệu con người bị giết hại và cả châu Âu đã bị cào xới trong suốt hai chục năm trời. Để có thể chứng minh cho chúng ta thấy bằng kinh nghiệm, rằng Caesar lên ngôi với một cái giá đắt chừng nào đối với những người dân đã từng tung hô ông, đã phải cần đến những kinh nghiệm tàn phá trong vòng hai chục năm, những kinh nghiệm, mặc dù chúng rất dễ hiểu nhưng dường như không đủ để làm cho người ta tin. Mặc cho cái kinh nghiệm thứ nhất đã phải trả giá bằng hai triệu mạng sống và một cuộc xâm lăng của kẻ thù, kinh nghiệm thứ hai vẫn tiếp tục xảy ra với sự tan hoang của đất nước và dẫn đến sự cần thiết phải có một đội quân thường trực. Kinh nghiệm thứ ba suýt nữa xảy ra sau đó không lâu và chắc chắn sẽ xảy ra vào một ngày nào đó. Để có thể chứng minh cho chúng ta, rằng đội quân Đức đông đảo không phải, như người ta đã dạy chúng ta hồi trước năm 1870, là đội quân cận vệ quốc gia hiền lành[15], đã cần phải có một cuộc chiến khủng khiếp, làm chúng ta thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Để có thể nhận thức được, rằng một hệ thống bảo hộ thuế quan đã làm cho những dân tộc vận dụng nó tàn tạ như thế nào, sẽ cần thiết phải có nhiều kinh nghiệm đau đớn nữa. Những thí dụ kiểu như vậy có thể kể ra không bao giờ hết.

§4. Lý trí

Khi điểm lại các yếu tố có khả năng làm kích thích được đám đông, chúng ta có thể hạn chế không nhắc tới lý trí, nếu như không phải bắt buộc phải chỉ ra mặt tiêu cực trong các ảnh hưởng của nó.

Từ lâu ta đã xác định, rằng đám đông không thể bị tác động bởi những bằng chứng lôgic và khả năng của nó chỉ có thể hiểu những ý tưởng được liên kết với nhau một cách thô thiển. Chính vì thế những diễn thuyết gia, biết cách tác động vào họ, đều nhằm tới tình cảm chứ không hề nhằm vào lý trí của họ. Các quy luật về lô gíc chẳng có chút tác động nào vào đám đông[16]. Để có thể làm cho đám đông tin, đầu tiên ta phải phân tích một cách tỷ mỷ những tình cảm đã thỏa mãn tâm hồn họ, phải tạo nên được cái cảm giác là ta đang chia sẻ tình cảm đó với họ, sau đó mới tìm cách thay đổi họ, bằng cách sử dụng những liên kết ý tưởng được ám chỉ để gợi nên những hình ảnh có một sức thuyết phục nào đó; hơn nữa nếu cần thiết ta có thể phải từ bỏ ý định của mình và điều cơ bản ở đây là phải đoán nhận ra được tức khắc những phản ứng tình cảm mà ta gợi nên ở họ. Sự cần thiết rằng ta phải thay đổi cách thức thể hiện một cách nhanh chóng tùy theo kết quả thu được, là lời tuyên án cho sự thất bại ngay từ đầu của những bài diễn văn chuẩn bị trước và được học thuộc lòng. Diễn giả nào chỉ đi theo luồng suy nghĩ của mình, chứ không phải của người nghe, chỉ riêng việc đó thôi cũng sẽ dẫn tới việc bị mất đi bất kỳ các ảnh hưởng nào.

Những bộ óc lôgic, quen với sự rút ra những kết luận tương đối ngắn gọn một cách tuần tự của lý trí, sẽ không thể tự kiềm chế lòng mong muốn của mình vào việc vận dụng kiểu thuyết phục như vậy khi tiếp xúc với đám đông, và do đó họ đã phải luôn luôn ngạc nhiên về những thất bại của những luận cứ của mình. “Những kết luận toán học thông thường dựa trên sự suy luận, có nghĩa là xây dựng trên chuỗi các sự tương đồng, là điều cần thiết”, một nhà lô gic học viết… “Sự cần thiết của chúng có thể ép buộc ngay cả một khối vô cơ cũng phải thừa nhận, nếu như nó có thể hiểu được chuỗi các sự tương đồng”, chắc chắn là như vậy; nhưng đám đông không thể nào có đủ khả năng lĩnh hội điều đó hoặc thậm chí có thể hiểu được nó giống như là khối vô cơ. Ví dụ, ta thử thuyết phục một người nguyên thủy, một người hoang dã hoặc một đứa trẻ con bằng những lập luận lôgic, lúc đó ta sẽ nhận thấy rằng những kiểu cách thuyết phục như vậy mang lại kết quả rất ít như thế nào.

Người ta không cần đến một lần hạ thấp mình xuống như một người nguyên thủy để mới có thể hiểu được sự bất lực của lôgic trong cuộc chiến chống lại tình cảm. Chúng ta hãy chỉ cần nhớ lại những định kiến tôn giáo, những kiểu định kiến trái ngược hẳn với tính lôgic đơn giản nhất, đã tự bảo tồn một cách ngoan cố trong suốt bao thế kỷ ra sao. Gần suốt hai ngàn năm những bộ óc sáng lạn nhất đã phải chịu khuất phục trước những luật lệ của chúng, và chỉ mãi đến thời hiện đại họ mới dường như có thể dám nghi ngờ về tính trung thực của chúng.Thời trung cổ và thời phục hưng cũng không thiếu những bộ óc thông mình, nhưng không hề có một ai trong số đó mà lý trí vạch ra được cho nó những khía cạnh trẻ con trong những điều mê tín của nó, và khơi dậy, cho dù chỉ một chút, nghi ngờ vào sự độc ác của ma quỷ hoặc vào sự cần thiết phải tiến hành hỏa thiêu những người bị coi là phù thủy.

Có phải đám đông không bao giờ được dẫn dắt bởi lý trí là một điều đáng tiếc? Chúng tôi không dám khẳng định cái điều như vậy. Lý trí của con người dường như không thể đạt được đến việc dẫn dắt loài người, với cùng một nhiệt huyết và với cùng một sự lạnh lùng, đi trên những qũy đạo của văn hóa, trong đó các hình ảnh giả tạo của chúng đã lôi cuốn nó. Những hình ảnh giả tạo là các sản phẩm của sự vô thức, là những cái đã dẫn dắt chúng ta, và chúng có lẽ là những cái cần thiết phải có. Mỗi một giống nòi giấu kín trong trạng thái tinh thần của nó các quy luật về số phận của mình, và có thể nó tuân theo quy luật đó do bởi một bản năng không thể nhầm lẫn được ngay cả khi nếu như những biểu lộ không hợp lý của chúng xuất hiện. Dường như thỉnh thoảng các dân tộc có vẻ như phải chịu khuất phục các sức mạnh thần bí nào đó, giống như những sức mạnh đã làm cho quả đấu trở thành cây sồi hoặc bắt các sao chổi phải bay theo quỹ đạo của nó.

Một chút ít ỏi mà chúng ta có thể nghiên cứu về những sức mạnh đó, cần phải được tìm trong tiến trình phát triển chung của các dân tộc và không phải trong các sự việc riêng biệt, mà ở đó sự phát triển như vậy có vẻ như đã thể hiện ra. Nếu giả sử người ta chỉ quan sát những hiện tượng riêng lẻ đó, thì có vẻ như lịch sử chủ yếu là do những sự tình cờ ngớ ngẩn tạo nên. Khó mà tin được rằng, một người thợ mộc kém hiểu biết ở vùng Galiäa trong suốt hai nghìn năm lại có thể trở thành một vị thánh quyền lực vô biên, nhân danh ông ta những nền văn hóa tiêu biểu nhất đã được tạo dựng; cũng khó có thể tin được, một vài bầy người Ả rập rời bỏ vùng sa mạc lại có thể chiếm được phần lớn thế giới Hy lạp-La mã cổ; và cuối cùng là khó có thể nào tin được, rằng ở châu Âu già cỗi và đã có một trật tự ổn định, một trung úy pháo binh bình thường lại có thể làm được cái việc chế ngự một số lớn các dân tộc và triều đại. Vậy cho nên chúng ta hãy nhường lý trí lại cho các nhà triết học, nhưng chúng ta cũng không đòi hỏi ở họ phải không nên can thiệp quá nhiều vào sự điều hành những con người. Không phải nhờ có, mà thường là mặc cho lý trí, những tình cảm như danh dự, hy sinh, niềm tin tôn giáo, niềm kiêu hãnh và tình yêu tổ quốc, là những cái cho mãi đến hôm nay vẫn là những lực đẩy vĩ đại của tất cả các nền văn hóa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.