TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Chương 111: Ðặng Ngãi Dụng Mưu Địch Khương Duy Gia Cát Ðản Nghĩa Thảo Tư Mã Chiêu



Đặng Sĩ Tái mẹo phá Khương Bá Ước

Gia Cát Đản khởi nghĩa đánh Tư Mã Chiêu

Khương Duy rút quân về đóng ở Chung Đê. Quân Ngụy đóng ở ngoài thành Địch Đạo, Vương Kinh ra tiếp Trần Thái, Đặng Ngải vào, tạ ơn đánh giải vây, mở yến tiệc khoản đãi, khao thưởng ba quân.

Trần Thái đem công Đặng Ngải, dâng sớ về tấu với Ngụy chủ Tào Mao. Mao phong cho Ngải làm An tây tướng quân, ban cờ tiết, lĩnh chức hộ Đông Khương hiệu úy, cùng với Trần Thái đóng binh ở các xứ Ung Châu và Lương Châu.

Đặng Ngải dâng biểu tạ ơn. Trần Thái mở tiệc mừng Đặng Ngải rồi nói:

– Khương Duy phải trốn về đêm, sức lực đã kiệt, hẳn không dám ra nữa.

Ngải cười, nói:

– Ta đoán quân Thục có năm lẽ lại ra.

Thái hỏi năm lẽ gì, Ngải nói:

– Quân Thục dẫu rút lui nhưng vẫn đứng trên thế thừa thắng, quân ta kỳ thực vẫn là thua, lẽ ấy nên ra là một. Quân Thục toàn là quân của Khổng Minh luyện tập đã tinh thông rồi, dễ dàng sai khiến, còn tướng của ta thì đổi luôn, quân lại rèn dạy chưa kỹ, lẽ ấy nên ra là hai. Quân Thục đi thuyền, quân ta đi bộ, nhàn hạ vất vả khác nhau, lẽ ấy nên ra là ba. Địch Đạo, Lũng Tây, Nam An, Kỳ Sơn, bốn xứ ấy, cùng là đất chiến thủ. Quân Thục hoặc dương đông kích tây, hoặc trỏ nam đánh bắc; quân ta phải chia ra giữ các mặt, quân Thục thì hợp lại một đường kéo đến, lấy sức hợp nhất mà đương với sức chia tư của ta; lẽ ấy nên ra là bốn. Quân Thục ra mặt Nam An, Lũng Tây, thì có sẵn thóc gạo người Khương mà ăn, ra mặt Kỳ Sơn, lại sẵn có lúa chiêm vừa chín; lẽ ấy nên ra là năm.

Trần Thái chịu là phải nói:

– Ông liệu giặc như thần, lo gì quân Thục nữa?

Bởi thế Đặng Ngải cùng với Trần Thái, kết làm anh em không kể tuổi.

Đặng Ngải ngày ngày thao luyện quân các xứ Ung Lương, lại lập dinh trại ở các cửa ải, đề phòng sự bất trắc.

Khương Duy ở Chung Đê mở tiệc to, hội cả các tướng, bàn việc sang đánh Ngụy.

Lệnh sử là Phàn Kiến can rằng:

– Tướng quân mấy phen ra quân chưa được thành công; mới rồi đánh được trận Thao Tây, Người Ngụy đã phục uy danh của tướng quân rồi, việc gì còn lại ra nữa? Vạn nhất xảy điều bất lợi, thì công trước mất phí cả.

Duy nói:

– Các ngươi chỉ biết nước Ngụy đất rộng nhiều người, khó lòng lấy được. Nhưng không biết ta đánh Ngụy có năm lẽ thắng.

Các tướng hỏi tại sao, Duy đáp rằng:

– Ta đánh một trận Thao Tây, đè bẹp hết nhuệ khí của quân Ngụy. Quân ta rút về không tổn hại chút nào, nay bằng tiến binh sang có cơ đánh được, là một lẽ. Quân ta đi thuyền, không vất vả gì, quân kia đi bộ mệt nhọc; đó là hai lẽ. Quân ta rèn tập đã lâu, quân kia chẳng qua là ô hợp, không có phép tắc gì, đó là ba lẽ. Quân ta ra Kỳ Sơn có sẵn thóc chiêm của giặc, đó là bốn lẽ. Quân kia chia ra giữ các mặt, sức lực cản mất; quân ta hợp nhất kéo đến, quân kia cứu sao cho kịp; đó là năm lẽ. Không nhân dịp này đánh Ngụy, còn đợi đến bao giờ?

Hạ Hầu Bá nói:

– Đặng Ngải tuy còn ít tuổi, nhưng cơ mưu sâu sắc. Nay y được phong chức An tây tướng quân, tất đã phòng bị các xứ cả rồi, không như ngày trước nữa đâu.

Duy lớn tiếng mắng rằng:

– Ta sợ gì hắn! Các ông đừng tâng bốc nhuệ khí của người ta mà làm nhục oai phong của mình! Ý ta đã quyết rồi, ta hãy đánh lấy Lũng Tây trước.

Chúng không ai dám can nữa. Duy tự dẫn quân đi trước, sai các tướng kéo theo sau. Quân Thục bỏ Chung Đê tiến ra Kỳ Sơn.

Tiễu mã về báo rằng:

– Quân Ngụy đã lập chín ngọn trại ở núi Kỳ Sơn rồi.

Duy không tin, dẫn vài tên quân lên núi cao xem. Quả nhiên thấy ở trên núi có chín ngọn trại, mỗi dãy dài như hình con rắn, trước sau nhìn ngó lẫn nhau.

Duy ngoảnh lại bảo tả hữu rằng:

– Hạ Hầu Bá nói quả như thế thực! Trại này hình thế hay lắm, chỉ thấy ta và Gia Cát thừa tướng mới lập được. Nay Đặng Ngải cũng lập nổi, thật không kém thầy ta mấy nổi!

Bèn trở về trại bảo với các tướng rằng:

– Người Ngụy đã có phòng bị, biết rằng ta kéo đến. Ta chắc Đặng Ngải tất cũng ở đấy. Các ngươi nên mang cờ hiệu của ta, cắm trại ở ngay giữa hang này. Mỗi ngày cho hơn trăm kỵ ra tiễu, mỗi lần ra phải đổi một sắc cờ áo, xanh, đỏ, vàng, trắng, và cờ ngũ phương, cứ lần lượt mà thay. Ta cầm đại binh lẻn ra đường Đổng Đình đến tắt lấy Nam An.

Liền sai Bào Tố đóng ở của hang núi Kỳ Sơn. Duy mang đại quân kéo sang quận Nam An.

Đặng Ngải biết quân Thục tất ra Kỳ Sơn, đã cùng với Trần Thái hạ trại giữ gìn. Nay thấy quân Thục mấy không đến khiêu chiến, mà trong một ngày năm phen tiễu mã ra trại, hoặc mười dặm, hoặc mười lăm dặm trở về.

Ngải đứng trên cao ngắm nghía một hồi, rồi về trước nói với Trần Thái rằng:

– Khương Duy chắc không ở trong đám này, tất lẻn ra Đổng Đình chụp lấy Nam An. Quân tiễu mã ra trại, chỉ có mấy đứa thay đổi cờ áo ra vào đấy thôi; ngựa đi ra dáng mỏi mệt cả, chủ tướng tất không phải là tay giỏi. Trần tướng quân nên dẫn quân đến mà đánh, tất phá được trại ấy. Phá xong trại, tướng quân dẫn quân ra đường Đổng Đình, để chặn đường về của Khương Duy. Tôi dẫn quân đi trước đến cứu Nam An, chiếm lấy núi Võ Thành. Nếu được ngọn núi ấy, Khương Duy tất lại xoay ra lấy thành Thượng Nhai. Ở Thượng Nhai có một cái hang gọi là Đoạn Cốc, đất hẹp núi hiểm, vừa hay được chỗ mai phục rất tốt. Tôi phục sẵn hai toán quân ở đấy, đợi Khương Duy đến núi Võ Thành, đổ ra đánh chắc phá được.

Thái nói:

– Tôi giữ Lũng Tây hai ba mươi năm nay, cũng không biết tường địa lý như thế. Ông thật là người tính kế như thần! Ông nên đi ngay cho, để tôi đánh trại này.

Đặng Ngải dẫn quân sớm khuya gấp đường kéo đi, đến tắt núi Võ Thành hạ trại. Bấy giờ quân Thục vẫn chưa đến nơi. Ngải sai con là Đặng Trung và tướng tiền hiệu úy là Sư Toản, mỗi người dẫn năm ngàn quân phục sẵn trong hang Đoạn Cốc, dặn dò mẹo mặt cho đi.

Hai người lĩnh kế đi luôn. Ngải sai ngả cờ im trống để đợi quân Thục đến.

Khương Duy noi theo con đường Đổng Đình, kéo đến Nam An. Đến trước núi Võ Thành, Duy bảo với Hạ Hầu Bá rằng:

– Gần quân Nam An có núi Võ Thành, nếu chiếm trước được núi ấy, thì có thể đoạn được Nam An. Nhưng chỉ ngại Đặng Ngải đa mưu, tất có phòng bị trước.

Còn đang ngần ngại, bỗng nhiên trên núi nổ pháo hiệu, rồi tiếng hò reo ầm ầm, còi trống vang động, tinh kỳ bay ra phấp phới, Ngụy quân đứng đặc như kiến. Giữa đám đông có một lá cờ vàng to, đề tên Đặng Ngải. Quân Thục thấy vậy kinh hãi quá chừng. Quân Ngụy ở trên núi chia làm mấy ngả đổ xuống, thế mạnh không sao đương nổi. Cánh tiên quân của Thục thua to. Khương Duy thúc trung quân đến cứu, quân Ngụy lại rút lên cả trên núi. Duy đến thẳng dưới chân núi, thách Đặng Ngải xuống đánh, quân Ngụy nhất định không ai xuống. Duy sai quân sĩ chửi mắng sỉ nhục, mãi đến chiều tối. Duy vừa sắp thu quân về, thì trên núi lại đánh trống thổi còi, mà vẫn không thấy quân Ngụy xuống. Duy muốn đánh thốc lên, nhưng đá đạn từ trên ném xuống, không sao lên được. Duy chầu trực mãi đến canh ba, toan trở về thì trên núi còi trống lại vang động. Duy rút quân xuống mé dưới, sai quân khiêng vận đá gỗ, muốn cắm trại giữ nhau. Bấy giờ quân Ngụy mới ầm ầm kéo đến. Quân Thục xôn xao, dày xéo lẫn nhau chạy về cho đến trại cũ.

Hôm sau Khương Duy lại sai quân sĩ đem những xe lương dàn bày dưới núi Võ Thành, muốn lập trại đóng quân. Canh hai đêm hôm ấy, Đặng Ngải dẫn năm trăm quân, mỗi người cầm một bó đuốc, chia làm hai đường xuống núi, phóng hỏa đốt xe. Quân hai bên đánh nhau xô xát một đêm, Duy không sao lập được doanh trại.

Duy dẫn quân lui về, bàn với Hạ Hầu Bá rằng:

– Nam An chưa sao lấy được, không bằng hãy lấy Thượng Nhai trước. Thượng Nhai là chỗ chứa lương của quân Nam An, lấy được chỗ ấy, thì Nam An tự nhiên phải nguy.

Bèn để Hạ Hầu Bá đóng ở dưới núi Võ Thành. Duy dẫn tinh binh mãnh tướng đến tắt lấy Thượng Nhai. Đi suốt đêm gần đến sáng, toàn thị núi non hẹp hòi, đường xá gặp ghềnh lắm. Duy hỏi quan hướng đạo rằng:

– Đây là xứ gì?

Hướng đạo nói:

– Đây gọi là hang Đoạn Cốc.

Duy thất kinh, nói:

– Tên ấy gở lắm! Đoạn Cốc nghĩa là chặn hang. Nếu có người chặn mất cửa hang này thì làm thế nào?

Đương khi Duy do dự chưa biết nghĩ sao, chợt có tiếng quân chạy về báo rằng:

– Mé sau núi, bụi bay mù mịt, tất có quân mai phục.

Duy vội vàng sai thu quân về, thì đã thấy hai toán quân của Sư Toản, Đặng Trung đổ ra. Duy vừa đánh vừa chạy. Bỗng tiếng reo hò lại nỗi, té ra Đặng Ngải kéo quân đến. Ba mặt đánh dồn vào, quân Thục thua to. May có Hạ Hầu Bá dẫn quân đến cứu, Ngụy mới lui.

Khương Duy được thoát, muốn lại ra Kỳ Sơn.

Hạ Hầu Bá can rằng:

– Trại Kỳ Sơn đã bị Trần Thái đánh vỡ. Bào Tố chết trận quân mã rút hết về Hán Trung cả rồi.

Duy thấy vậy, không dám đi theo đường Đổng Đình phải lẻn về qua đường tắt. Ngải dẫn quân đuổi theo. Duy cho quân đi trước, mình đón chặn mặt sau. Đang đi, bỗng có một toán quân ở trong núi đổ ra, là tướng Ngụy Trần Thái. Quân Ngụy reo ầm một tiếng, vây bọc ngay Khương Duy vào ngay giữa trận.

Duy bấy giờ người ngựa mệt mỏi cả, xông xáo mãi cũng không ra được. Trương Ngực nghe tin Khương Duy bị vây, dẫn vài trăm kỵ đánh thốc vào cứu. Duy thừa thế phá được trùng vây. Trương Ngực bị quân Ngụy loạn xạ bắn chết. Duy thoát nạn về đến Hán Trung, cảm lòng trung dũng của Trương Ngực bỏ mình vì việc nước, mới dâng biểu xin phong tặng cho con cháu ông ta.

Tướng sĩ trong Thục lắm người chết trận đều đổ tội cho Khương Duy. Duy chiếu lệ cũ ở Nhai Đình của Võ hầu, xin tự giáng chức làm hậu tướng quân mà coi việc đại tướng.

Đặng Ngải thấy quân Thục lui hết cả rồi mới cùng Trần Thái mở tiệc ăn mừng, khao thưởng ba quân. Thái dâng biểu tâu công Đặng Ngải. Tư Mã Chiêu sai sứ cầm cờ tiết ra phong thêm quan tước cho Đặng Ngải, ban đầu cho ấn thụ và phong cho con Đặng Ngải là Đặng Trung làm Đính hầu.

Ngụy chủ Tào Mao cải niên hiệu Chính Nguyên thứ ba làm năm Cam Lộ thứ nhất. Tư Mã Chiêu tự phong mình làm thiên hạ binh mã đại đô đốc; khi ra vào thường có ba nghìn quân thiết giáp và kiêu tướng đi hộ vệ trước sau. Nhất thiết công việc, không tâu gì đến triều đình, tự tiện xử đoán ngay ở tướng phủ. Từ đó Chiêu thường có ý muốn cướp ngôi nhà Ngụy.

Chiêu có một người tâm phúc, họ Giả tên Sung, tự là Công Lư, con quan Kiến oai tướng quân Giả Quỳ thuở trước, hiện đang làm trưởng sử trong phủ.

Sung nói với Chiêu rằng:

– Nay chúa công cầm quyền to, lòng người bốn phương vị tất đã tuân theo; nên cho dò hỏi mà trừ dần đi, mới toan được việc lớn.

Chiêu nói:

– Ta cũng muốn thế, ngươi nên giúp ta đi sang mặt đông, giả tiếng làm an ủy quân sĩ đi đánh giặc về, liệu mà dò xét tình ý họ xem sao.

Giả Sung lĩnh mệnh, đến tắt Hoài Nam, vào ra mắt quan chấn đông đại tướng quân là Gia Cát Đản.

Đản tên tự là Công Hưu, người ở Nam Dương, quận Lang Nha, tức em họ Gia Cát Võ Hầu. Trước vẫn làm quan ở Ngụy, nhân Võ hầu làm tướng trong Thục, cho nên không được trọng dụng. Về sau, Võ hầu mất, Đản mới được nhắc lên làm quan to, phong là Cao Bình hầu, tổng nhiếp quân mã hai xứ Hoài Đông và Hoài Nam. Khi ấy Giả Sung đến ủy đạo quân sĩ. Đản mở tiệc khoãn đãi. Rượu uống ngà ngà say, Sung nói khơi lên rằng:

– Gần nay các bậc hiền lương ở Lạc Dương, ai cũng cho chúa thượng hèn yếu, làm vua không nổi. Có đại tướng quân họ là Tư Mã, ba đời giúp nước, công đức tầy trời, nên thay vào ngôi nhà Ngụy, chưa biết ý ngài nghĩ thế nào?

Đản nổi giận nói:

– Mày là con Giả Dụ Châu, đời đời ăn lộc nhà Ngụy, sao dám nói càn thế?

Sung nói tảng ra rằng:

– Tôi đem lời người ta nói với ông đấy thôi!

Đản nói:

– Triều đình nếu có nạn gì, ta sẽ liều chết để báo ơn!

Sung nín lặng, từ trở ra, về thuật hết đầu đuôi với Tư Mã Chiêu.

Chiêu giận, nói:

– Đàn chuột sao dám hỗn thế?

Sung nói:

– Đản ở Hoài Nam được lòng người đã nhiều, để lâu rất sinh vạ, nên trừ ngay đi.

Chiêu một mặt đưa mật thư cho thứ sử Dương Châu là Nhạc Lâm, một mặt sai sứ mang chiếu ra vời Đản về triều, phong làm chức tư không. Đản được chiếu, biết là Giả Sung cáo biến, mới bắt sứ giả vào tra hỏi.

Sứ giả nói:

– Việc này hỏi Nhạc Lâm thì biết.

Đản nói:

– Tư Mã tướng quân đã sai người đến Dương Châu đưa mật thư cho Nhạc Lâm.

Đản nổi giận, sai tả hữu chém sứ giả, rồi cất nghìn quân bộ hạ kéo đến Dương Châu. Khi đến cửa Nam thì thành đã đóng, mà cầu treo đã cất về bên kia rồi, Đản đứng dưới thành gọi cửa, nhưng không có người nào đáp lại.

Đản nỗi giận mà rằng:

– Nhạc Lâm sất phu, sao dám láo thế?

Liền sai tướng sĩ đánh thành. Thủ hạ của Đản có hơn mười người kiện tướng, xuống ngựa lội qua hào, nhảy vót lên cả mặt thành, đánh tan quân canh, mở toang cửa thành cho quân vào.

Gia Cát Đản dẫn quân vào thành, theo chiều gió phóng hỏa, đánh mãi đến nhà Nhạc Lâm. Nhạc Lâm túng thế, vội vàng trốn chạy lên nhà lầu. Đản cầm gươm trèo thẳng lên quát rằng:

– Cha mày là Nhạc Tiến khi xưa chịu ân to nước Ngụy, không biết nghĩ mà đền báo, lại muốn giúp quân phản nghịch Tư Mã Chiêu à?

Lâm chưa kịp đáp lại đã bị Đản giết mất. Một mặt Đản viết biểu kể tội Tư Mã Chiêu sai người dâng về Lạc Dương. Một mặt Đản tụ hợp quân mã hai xứ Hoài Đông, Hoài Nam cả thảy hơn mười vạn, và bốn vạn quân Dương Châu mới hàng, chứa cỏ tụ lương, dự bị việc tiến quân. Lại sai trưởng sử Ngô Cương đưa con là Gia Cát Thịnh sang làm con tin bên Ngô, xin Ngô cất quân sang cùng đánh Tư Mã Chiêu.

Bấy giờ thừa tướng Đông Ngô là Tôn Tuấn đã mất, em là Tôn Lâm phụ chính. Lâm tự là Tử Không, tính khí hung bạo, giết bọn đại tư mã Đằng Dận, và tướng quân Lã Cứ, Vương Đôn, vì thế bao nhiêu quyền chính về cả trong tay mình. Ngô chủ Tôn Lượng tuy thông minh, nhưng cũng không làm sao được.

Ngô Cương đem Gia Cát Thịnh đến thành Thạch Đầu, vào lạy Tôn Lâm. Lâm hỏi tại sao, Cương thưa rằng:

– Gia Cát Đản là em họ Gia Cát Võ hầu bên Thục, trước thờ nước Ngụy, nay thấy Tư Mã Chiêu khinh vua lừa trên, bỏ chúa, lộng quyền, muốn cất quân vào đánh, nhưng sợ địch không nổi, nên đến xin hàng, sợ không có gì làm tin, nên cho con là Gia Cát Thịnh sang hầu. Vậy xin ngài đem quân sang giúp cho.

Lâm ứng lời, sai đại tướng là Toàn Dịch, Toàn Đoan làm chủ tướng, Vu Thuyên làm hợp hậu, Chu Dị, Đường Tư làm tiên phong, Văn Khâm làm hướng đạo, cất bảy vạn quân, chia làm ba đội kéo sang Ngụy.

Ngô Cương về Thọ Xuân báo với Gia Cát Đản. Đản mừng lắm, mới dàn binh dự sẵn cả đâu vào đấy.

Lại nói, văn biểu của Gia Cát Đản đưa đến Lạc Dương. Tư Mã Chiêu trông thấy nổi giận, muốn tự cất quân đi đánh.

Giả Sung can rằng:

– Chúa công thừa cơ nghiệp của cha anh, ân đức chưa ra đến bốn bể. Nay để thiên tử ở nhà mà đi, nếu một mai sinh biến, thì hối sao cho kịp? Chi bằng tâu với Thái Hậu, thiên tử cùng đi một thể, thì mới không lo gì.

Chiêu mừng, nói:

– Lời ấy hợp ý ta lắm!

Bèn vào tâu với Thái Hậu rằng:

– Gia Cát Đản mưu phản, tôi đã bàn với các quan văn võ, xin mời Thái Hậu, thiên tử cùng ngự giá thân chinh, để nối chí của tiên đế khi xưa.

Thái Hậu sợ, phải nghe.

Hôm sau, Chiêu mời Ngụy chủ Tào Mao khởi trình.

Mao nói:

– Đại tướng quân đô đốc quân mã cả thiên hạ, mặc ý tướng quân sai khiến thế nào cho được việc thì thôi, can gì trẫm phải thân hành nữa?

Chiêu nói:

– Ngày xưa Võ tổ tung hoành bốn bể, Văn Đế có chí bao trùm cả bờ cõi, có bụng thôn tính cả tám phương. Phàm gặp đám giặc to nào, tất thân chinh ra đánh. Bệ hạ cũng nên theo đòi tiên quân, quét sạch quân phản tặc, can gì mà sợ?

Mao sợ uy quyền Tư Mã Chiêu, đành phải theo lời. Chiêu cất hai mươi sáu vạn quân ở kinh đô, sai chinh nam tướng quân Vương Cơ làm chánh tiên phong, giám quân Thạch Bào làm tả quân, bả hộ xa giá, kéo sang Hoài Nam.

Tiên phong Đông Ngô là Chu Dị dẫn quân ra địch với quân Ngụy. Vương Cơ đánh nhau với Chu Dị, chưa được ba hiệp cũng chạy. Đường Tư ra đánh được vài hiệp cũng chạy nốt. Vương Cơ thúc quân tràn sang, quân Ngô thua to, lui năm mươi dặm hạ trại. Tin báo vào thành Thọ Xuân.

Gia Cát Đản ở trong thành, dẫn quân ra hội với Văn Khâm và hai con là Văn Ương, Văn Hổ, đem vài vạn hùng binh, lại chống Tư Mã Chiêu.

Ấy là:

Vừa thấy quân Ngô thua nháo nhác.

Sẽ xem tướng Ngụy lại tung hoành.

Chưa biết được thua thế nào, xem đến hồi sau phân giải.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.