TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
Chương 68: Với Trăm Quân, Cam Ninh Cướp Trại Quăng Chén Rượu, Tả Từ Bỡn Chơi
Cam Ninh trăm kỵ cướp Ngụy doanh
Tả Từ quăng chén đùa Tào Tháo
Nói về Tôn Quyền ở Nhu Tu đang thu xếp quân mã, chợt có tin báo: Tào Tháo ở Hán Trung dẫn bốn mươi vạn quân về cứu Hợp Phì. Quyền bàn với các mưu sĩ, trước hết sai Đổng Tập, Từ Thịnh lĩnh năm mươi chiếc thuyền to, phục sẵn ở cửa Nhu Tu. Trần Vũ thì lĩnh quân mã đi lại tuần phòng ở bờ sông.
Trương Chiêu nói:
– Tào Tháo ở xa mới đến, ta phải đánh cho nhụt nhuệ khí của y đi.
Quyền hỏi các tướng ai dám ra đánh trước, thì Lăng Thống xin đi. Quyền hỏi:
– Ngươi đem độ bao nhiêu quân mã?
– Bẩm xin ba nghìn quân là đủ.
Cam Ninh nói:
– Chỉ cần một trăm quân kỵ là đủ phá được giặc, hà tất phải dùng đến ba nghìn?
Lăng Thống giận lắm, hai người cãi cọ nhau ở trước mặt Tôn Quyền. Quyền nói:
– Quân Tào thế to lắm, không nên khinh địch!
Bèn sai Lăng Thống dẫn ba nghìn quân ra do thám cửa Nhu Tu, hễ gặp giặc thì đánh. Thống lĩnh mệnh đi ra, vừa gặp Trương Liêu dẫn quân đến. Hai tướng đánh nhau, ước độ năm mươi hiệp, chưa phân thắng phụ. Quyền sợ Lăng Thống thua, sai Lã Mông ra tiếp ứng về trại.
Cam Ninh thấy Lăng Thống trở về, liền thưa với Tôn Quyền rằng:
– Đêm nay, tôi chỉ xin một trăm kỵ mã, đến cướp trại Tào Tháo. Nếu mất một người hay là một ngựa nào thì không dám tính công.
Tôn Quyền khen ngợi, cấp cho một trăm quân tinh nhuệ, và lấy năm mươi bình rượu, năm mươi cân thịt để thưởng cho quân sĩ.
Cam Ninh về đến trại, bảo một trăm người ngồi sắp hàng, lấy cốc bạc rót rượu, uống trước hai cốc, rồi bảo mọi người rằng:
– Đêm nay ta phụng mệnh đi cướp trại, mời các ông mỗi người uống một cốc đầy, để cùng gắng sức mà đánh giặc.
Quân sĩ người nào người nấy ngơ ngác nhìn nhau, có vẻ ngần ngại. Ninh rút gươm ra mắng rằng:
– Ta làm đại tướng còn chẳng tiếc thân, các người làm sao dám rụt rè!
Chúng thấy Cam Ninh phát giận, liền đứng cả dậy, nói:
– Chúng tôi xin cố sức.
Ninh mới đem rượu thịt cho mọi người ăn uống, rồi hẹn đến canh hai, lấy một trăm cái lông ngỗng cắm lên chỏm mũ quân sĩ làm hiệu, cùng mặc áo giáp lên ngựa, đến thẳng trại Tào Tháo, phá hàng rào ngoài, reo ầm kéo vào, xông thẳng tới trung quân đã dàn bày những cỗ xe chung quanh như hàng rào sắt, Cam Ninh không sao lọt vào được. Cam Ninh dẫn một trăm kỵ tả xung hữu đột. Quân Tào hoảng sợ, không biết giặc nhiều ít thế nào, giày xéo lẫn nhau. Quân Cam Ninh tung hoành trong trại, gặp đuốc sáng như sao sa. Cam Ninh từ cửa nam đánh ra, không ai dám địch. Tôn Quyền sai Chu Thái dẫn quân đến tiếp ứng. Cam Ninh mang đủ một trăm quân ky trở về Nhu Tu. Quân Tào sợ có mai phục, không dám đuổi theo.
Có thơ khen Cam Ninh rằng:
Vang lừng tiếng trống trước Tào dinh,
Sát khí ầm ầm giặc thất kinh,
Trăm kỵ tung hoành ai địch nổi?
Anh hùng đồn dậy tiếng Cam Ninh.
Cam Ninh dẫn quân về đủ cả, không mất một người nào. Khi gần đến cửa trại. Ninh sai quân đánh trống thổi sáo, miệng hô “Vạn tuế”, tiếng reo vui ầm ĩ. Quyền thân ra ngoài cửa tiếp vào. Cam Ninh xuống ngựa lạy phục dưới đất. Quyền dắt tay Ninh đỡ dậy và nói rằng:
– Tướng quân đi chuyến này, đủ khiến cho giặc Tháo phải khiếp sợ. Ta đây không phải bỏ ngươi đâu, chính muốn xem lòng can đảm của người đó thôi.
Liền thưởng cho một nghìn tấm lụa và một trăm thanh mã tấu thực sắc. Ninh lạy tạ, đem chia cả cho một trăm quân.
Quyền bảo các tướng rằng:
– Tào Tháo có Trương Liêu, ta có Cam Hưng Bá, đủ đối chọi với nhau.
Hôm sau, Trương Liêu dẫn quân đến khiêu chiến, Lăng Thống thấy Cam Ninh có công được thưởng, hăng hái nói:
– Tôi xin ra đánh nhau với Trương Liêu.
Quyền bằng lòng. Thống lĩnh năm nghìn quân ra cửa Nhu Tu. Quyền dẫn Cam Ninh ra trước trận đứng xem. Bên kia xông ra, tả có Trương Liêu, Lý Điển, hữu có Nhạc Tiến. Lăng Thống vác đao tế ngựa đến trận tiền. Trương Liêu sai Nhạc Tiến ra địch. Hai bên đánh nhau hơn năm mươi hiệp, chưa phân được thua. Tào Tháo nghe tin, cưỡi ngựa đến cửa cờ đứng xem, thấy hai tướng đánh nhau đang ham, bèn sai Tào Hưu bắn trộm một phát tên. Hưu bắn tin vào ngựa của Lăng Thống. Ngựa bị đau, nhảy chồm lên một cái, hất Lăng Thống ngã lăn xuống đất. Nhạc Tiến vội vàng vác giáo lại đâm. Nhưng ngọn giáo chưa phóng tới thì có tiếng dây cung tách một tiếng, một mũi tên trúng ngay vào giữa mặt Nhạc Tiến. Tiến cũng ngã lăn xuống ngựa. Quân đôi bên cùng ào cả ra, cứu tướng mình về trại, rồi khua chiêng thu quân.
Lăng Thống về đến trại, lạy tạ ơn Tôn Quyền. Quyền nói:
– Bắn tên cứu ngươi là Cam Ninh đấy!
Thống mới cúi đầu lạy Cam Ninh và nói:
– Không ngờ ông lại bỏ oán mà làm ơn cho tôi như thế!
Từ đó hai người kết bạn sống chết với nhau, không thù hằn gì nhau nữa.
Tào Tháo sai mang Nhạc Tiến về chữa thuốc. Hôm sau, chia quân làm năm đường lại đánh Nhu Tu. Tháo đi giữa, mặt tả thì Trương Liêu đội nhất, Lý Điển đội nhì, mặt hữu thì Từ Hoảng đội nhất, Bàng Đức đội nhì. Mỗi đội lính một vạn quân mã kéo ùa đến Nhu Tu. Bấy giờ Đổng Tập, Từ Thịnh hai tướng giữ mặt thuỷ, thấy năm đạo quân kéo đến, quân mình ai cũng có dáng khiếp sợ. Từ Thịnh nói:
– Đã ăn lộc chúa, thì phải hết lòng với chúa, việc gì mà sợ.
Nói đoạn, dẫn vài trăm tráng sĩ, đi thuyền nhỏ sang qua sông đánh vào giữa đám quân Lý Điển. Đổng Tập ở trên thuyền sai quân sĩ đánh trống hò reo để giúp oai. Bỗng nhiên trên mặt sông nổi cơn phong ba, sóng đánh lộn trời, nước sông cuồn cuộn. Quân sĩ thấy thuyền to nghiêng trành sắp lật, tranh nhau xuống xuồng trốn tránh.
Đổng Tập cầm gươm quát lên rằng:
– Tướng phụng mệnh của chúa, ở đây phòng giặc, sao dám bỏ thuyền mà đi?
Lập tức chém hơn chục tên quân chạy trốn xuống xuồng. Một lát, gió to quá, thuyền đắm, Đổng Tập và quân sĩ chết đuối cả dưới cửa sông. Từ Thịnh thì xông xáo trong đám quân của Lý Điển.
Trần Vũ nghe bên sông chém giết ầm rĩ, liền kéo một toán quân đến, vừa gặp Bàng Đức, hai bên ùa vào giao chiến.
Tôn Quyền ở trong ụ Nhu Tu, nghe quân Tào kéo đến bờ sông, mới cùng với Chu Thái dẫn quân ra đánh. Quyền trông thấy Lý Điển, Từ Thịnh đang đánh nhau túi bụi trong đám quân, liền thúc quân sấn vào tiếp ứng, lại bị Trương Liêu, Từ Hoảng hai cánh quân vây chặt. Tào Tháo đứng bên gò, thấy Tôn Quyền bị vây, kíp sai Hứa Chử tế ngựa cầm đao xông vào giữa trận, chia ngay quân Tôn Quyền ra làm hai đoạn, trước sau không cứu được nhau.
Chu Thái từ trong vòng vây đánh ra đến bờ sông không thấy Tôn Quyền bèn quay ngựa trở lại đánh vào trong trận, hỏi quân sĩ rằng:
– Chúa công ở đâu?
Quân sĩ trỏ vào chỗ quân vây xúm xít mà nói rằng:
– Chúa công đang bị vây gấp quá.
Chu Thái xông thẳng vào, tìm được Tôn Quyền. Thái nói:
– Xin chúa công theo tôi đánh ra!
Thế rồi, Thái đi trước, Quyền đi sau, cố sức xông xáo. Khi ra đến bờ sông, Thái ngoảnh lại, không thấy Tôn Quyền đâu, lại quay lại đánh vào trong vòng vây tìm được Tôn Quyền.
Quyền nói:
– Cung nỏ bắn ra ào ào, không sao ra được, thì làm thế nào?
Thái nói:
– Chúa công đi trước, để tôi đi sau thì mới thoát được.
Tôn Quyền bèn tế ngựa đi trước. Chu Thái đi kèm, che đỡ hai bên, mình bị đâm mấy nhát giáo, tên cắm suốt hai lần áo giáp, mới cứu được Tôn Quyền ra khỏi vòng vây. Đến bờ sông, may có Lã Mông vừa dẫn một toán quân thuỷ quân đến tiếp xuống thuyền.
Quyền nói:
– Ta may được Chu Thái, ba lần xông pha vào trận, cứu ra được khỏi trùng vây, nhưng Từ Thịnh còn mắc nghẽn trong ấy, làm thế nào thoát ra được?
Chu Thái nói:
– Tôi lại xin vào cứu.
Bèn múa đao lại đánh vào, cứu được Từ Thịnh đem ra. Hai tướng cũng bị trọng thương. Lã Mông sai quân bắn loạn xạ lên bờ, cứu được hai tướng xuống thuyền.
Trần Vũ đánh nhau to với Bàng Đức, sau lưng lại không có quân tiếp ứng, bị Bàng Đức đuổi mãi đến cửa hang, cây cối rậm rạp. Vũ định quay lại đánh nhau, nhưng vướng tay áo vào cành cây, không chống đỡ được, bị Bàng Đức giết chết.
Tào Tháo thấy Tôn Quyền chạy thoát rồi, thúc quân đuổi đến bờ sông, bắn nhau với quân Ngô. Quân Lã Mông bắn hết tên, đang lo không biết làm thế nào, may đâu có một tướng nguyên là con rể Tôn Sách, tên là Lục Tốn, dẫn một đoàn thuyền và mười vạn quân vừa đến, bắn ra một chập, đuổi lui quân Tào. Lục Tốn thừa thế lên bộ đuổi đánh, cướp lại được ngựa chiến vài nghìn đôi. Quân Tào bị thương không biết bao nhiêu mà kể. Trong đám loạn quân, tìm thấy thi hài Trần Vũ.
Tôn Quyền thấy Trần Vũ bị giết, Đổng Tập lại chết đuối, thương cảm vô cùng, sai người mò thây Đổng Tập, rồi hậu táng cho cả hai người.
Quyền lại cảm công lao Chu Thái cứu mình, mở tiệc yến để khoản đãi. Quyền cầm chén rượu, vỗ vào lưng Chu Thái nước mắt chứa chan, nói:
– Ngươi hai phen cứu ta, không tiếc gì tính mệnh, mình mảy bị thương, da thịt như băm như bổ. Ta còn bụng nào mà chẳng coi như cốt nhục, uỷ thác cho ngươi trọng quyền binh mã ru? Ngươi là công thần của ta, ta phải cùng với ngươi vinh phục, hay dở có nhau!
Nói xong, sai Chu Thái cởi áo cho các tướng xem, thấy mình mẩy Thái nham nhở như dao băm, Quyền trỏ tay vào các vết thương hỏi từng chỗ một. Thái thuật lại chuyện đánh nhau bị thương. Đến mỗi một vết thương, Quyền lại ban cho một cốc rượu. Hôm ấy Thái say quá. Quyền ban cho một cái tán vóc xanh, khi ra vào, đi lại, được giương lên cho thêm phần vinh hiển.
Quyền đóng ở Nhu Tu, cự nhau với Tào Tháo hơn một tháng nữa, vẫn không thắng nổi. Trương Chiêu, Cố Ung nói rằng:
– Thế Tào Tháo to lắm, không thể lấy sức mà đánh được. Nếu đánh nhau mãi thì hao binh tổn tướng lắm, chi bằng cầu hoà để yên dân là hơn.
Quyền nghe lời, sai Bộ Trắc sang trại Tháo cầu hoà, xin mỗi năm một lần vào nộp cống. Tháo xem chừng Giang Nam cũng chưa có thể lấy ngay được, ưng ý cho hoà, và bảo rằng:
– Tôn Quyền cứ rút quân về trước, ta sẽ thu quân về sau.
Bộ Trắc về thưa lại, Tôn Quyền chỉ để lại Chu Thái, Tưởng Khâm ở lại giữ Nhu Tu, còn mình thì triệt cả quân mã xuống thuyền về Mạt Lăng.
Tháo cũng để Tào Nhân, Trương Liêu ở lại giữ Hợp Phì, rồi rút quân về Hứa Đô. Các quan văn võ đều muốn Tào Tháo lên làm Nguỵ vương. Quan thượng thư là Thôi Diệm ra sức can ngăn. Các quan nói:
– Ngươi chẳng thấy Tuân Văn Nhược đó ư?
Thôi Diệm nổi giận, nói:
– Đến lúc rồi! Đến lúc rồi! Thế nào cũng có khi biến. Mặc ý, muốn làm gì thì làm!
Có người đem lời ấy bẩm với Tào Tháo. Tháo tức giận, bắt Diệm bỏ ngục tra hỏi. Diệm mắt hổ râu xồm, chỉ chửi mắng Tào Tháo là giặc dối vua. Quan đình uý bẩm với Tháo, Tháo sai đánh chết Diệm ở ngay trong ngục.
Đời sau có thơ khen:
Thôi Diệm Thanh Hà
Tính khí cứng cỏi
Mắt hổ râu xồm
Ruột gan đá sỏi
Gian tà xa tránh,
Danh tiết có thừa
Trung với vua Hán
Tiếng để nghìn xưa!
Năm Kiến An thứ 21 (216), tháng năm, mùa hạ, quần thần dâng biểu tâu với vua Hiến đế, ca tụng công đức của Nguỵ công Tào Tháo to như trời biển, dẫu Y, Chu ngày xưa cũng không bằng, xin phong Tháo lên tước vương.
Vua Hiến đế sai Chung Do thảo tờ chiếu phong cho Tào Tháo làm Nguỵ vương, Tháo giả đò dâng thư lên từ chối ba lượt, vua lại ba lần hạ chiếu không cho từ, Tháo mới phụng mệnh, chịu tước Nguỵ vương. Từ đó, được đội mũ miện mười hai dải, ngồi xe bịt vàng, có sáu ngựa kéo, đi đâu dùng nghi vệ thiên tử, khi ra quân đóng hàng cảnh, khi vào quân đóng hàng tất; lập ra cung Nguỵ vương ở Nghiệp Quận, bàn việc lập thế tử.
Vợ cả Tháo là Đinh thị không có con, vợ thứ Lưu thị sinh được Tào Ngang. Hồi đánh Trương Tú, Ngang chết trận ở Uyển Thành. Một vợ nữa là Biện thị sinh được bốn con: con cả là Phi, thứ hai Chương, thứ ba Thực, thứ tư Hùng. Vì thế Tháo bỏ Đinh phu nhân mà lập Biện thị làm Nguỵ vương phi.
Tào Thực, tên tự là Tử Kiến, tính thông minh lắm, đặt ngòi bút là thành câu văn. Tháo muốn lập làm thế tử. Tào Phi là con trưởng, sợ mình không được lập, bèn hỏi kế quan trung đại phu là Giả Hủ. Hủ xui Phi cứ làm như thế, như thế. Từ bấy giờ, hễ Tháo đi đánh chỗ nào, các con đều đi tiễn. Tào Thực thì chỉ ca tụng công đức, nói năng văn vẻ. Riêng Tào Phi chỉ khóc mà lạy bố thôi, tả hữu ai cũng cảm động. Bởi thế, Tháo nghi Thực là người xảo quyệt không thực bụng bằng Phi.
Phi lại nói lót với những người hầu cận để họ nói những sự nhân đức của mình. Tháo trong bụng phân vân, chưa biết lập người nào làm thế tử, mới hỏi Giả Hủ rằng:
– Ta muốn lập thế tử để nối nghiệp, nên lập ai là phải?
Giả Hủ không đáp. Tháo hỏi tại sao. Hủ nói:
– Tôi còn đang nghĩ, cho nên chưa đáp ngay được.
Tháo hỏi:
– Ngươi nghĩ gì?
– Tôi đang nghĩ việc cha con Viên Bản Sơ và Lưu Cảnh Thăng trước đây.
Tháo cười ầm lên, mới quyết lập con cả là Tào Phi làm vương thế tử.
Mùa đông tháng mười năm ấy, cung Nguỵ vương làm xong. Tháo sai người đi khắp nơi, tìm kiếm những hoa cỏ quý lạ để trồng vào vườn hoa đằng sau. Sứ giả đến Đông Ngô ra mắt Tôn Quyền, truyền lệnh chỉ của Nguỵ vương và ra Ôn Châu lấy cam. Bấy giờ Tôn Quyền đang có ý tôn trọng Tào Tháo, bèn sai người chọn thứ cam quý to quả ở trong thành hơn bốn mươi gánh, đem gấp đến Nghiệp Quận dâng Tào Tháo.
Phu gánh cam đi đến nửa đường, mỏi mệt ngồi nghỉ dưới chân núi. Bỗng thấy một ông lão chột một một mắt khiễng một chân, đầu đội nón mây, mình mặc áo vải, đến chào hỏi và nói:
– Các bác quẩy gánh khó nhọc, để tôi gánh đỡ một vai có được không?
Chúng thấy nói thế mừng quá. Ông lão liền gánh đỡ cho một người năm dặm, mà gánh nào ông ấy đã gánh rồi, đều nhẹ bỗng như không cả. Ai nấy đều ngạc nhiên cho là sự lạ.
Khi từ biệt, ông lão bảo với người áp tải cam rằng:
– Bần đạo là người làng Nguỵ vương khi trước, họ Tả tên Từ, tự là Nguyên Phóng, đạo hiệu là Ô Giác tiên sinh. Khi nào ông đến Nghiệp Quận, thì nói giúp cho tôi rằng: “Tả Từ gửi lời hỏi thăm Nguỵ vương!”
Nói đoạn, vung tay áo đi mất.
Phu gánh cam đến Nghiệp Quận, đem cam vào dâng Tào Tháo. Tháo bóc thì quả nào cũng không có múi. Tháo lấy làm lạ lắm, hỏi người gánh cam. Chúng thuật lại chuyện Tả Từ. Tháo chưa tin. Chợt lính canh cửa vào báo rằng:
– Có một người xưng danh là Tả Từ, xin vào ra mắt đại vương!
Tháo cho gọi vào. Bọn gánh cam trông thấy, nói:
– Ngươi này chính là người chúng tôi gặp ở dọc đường.
Tháo mắng rằng:
– Ngươi dùng yêu thuật gì làm hư những quả ngon của ta?
Từ cười, nói:
– Chả có lẽ thế!
Từ mới lấy cam bóc ra thì quả nào cùng có múi, lại rất thơm ngon. Tháo bóc lấy thì quả nào cũng chỉ có vỏ không. Tháo càng nghi lắm, mời Từ ngồi tử tế hỏi chuyện. Từ đòi rượu thịt, Tháo sai dọn ngay lên. Từ uống hết năm bình rượu chưa say, và ăn hết cả một con dê chưa chán.
Tháo hỏi rằng:
– Ngươi có thuật gì mà lạ thế?
Từ nói:
– Bần đạo học đạo ở trong núi Nga Mi thuộc về Gia Lăng xứ Tây Xuyên được ba mươi dặm. Chợt nghe có tiếng trong vách đá gọi tên bần đạo, trông lại thì chẳng thấy gì, ba bốn hôm luôn như thế. Về sau bỗng dưng sét đánh sạt chỗ sườn núi ấy, bần đạo được ba quyển sách, gọi là: “Độn giáp thiên thư”. Quyển đầu là Thiên độn, quyển thứ hai là Địa độn, quyển thứ ba là Nhân độn. Học được Thiên độn thì có phép tung mây cưỡi gió, bay lên trên trời; học được Địa độn thì có phép xuyên qua núi, rúc qua đá; học được Nhân độn thì đi được trên đám mây, chơi khắp bốn bể, tàng hình biến hoá, ném gươm quăng dao lấy đầu người ta như bỡn. Đại vương phú quý đã tột bậc rồi, sao không theo bần đạo vào núi Nga Mi tu hành? Bần đạo sẽ truyền cho ba quyển thiên thư ấy.
Tháo nói:
– Ta cũng muốn từ quan về nhà, nhưng ngặt vì triều đình chưa có ai thay ta được.
Từ cười, nói:
– Lưu Huyền Đức ở Ích Châu là dòng dõi nhà Hán, sao không nhường ngôi này cho ông ấy? Nếu không, bần đạo sẽ quăng gươm ra lấy đầu ngươi bây giờ.
Tháo giận lắm, nói rằng:
– Thằng này chính là quân do thám của Lưu Bị!
Lập tức sai tả hữu bắt trói lại. Từ chỉ cười sằng sặc. Tháo sai vài chục tên ngục tốt đem Từ ra tra khảo. Ngục tốt ra sức đánh thật mạnh một chặp, lúc trông đến Tả Từ, thì thấy Từ đang ngáy khò khò, không biết đau đớn là gì. Tháo giận lắm, sai lấy lồng sắt cùm chặt và dùng khoá sắt khoá lại, tống giam Từ vào ngục, bắt người canh gác cẩn mật. Khi nhìn đến đã thấy gông xiềng đanh khoá rơi cả ra ngoài, Tả Từ đang nằm ngủ trên mặt đất, không hề thương tổn chút nào. Tháo lại bắt giam luôn bảy hôm, không cho Từ ăn uống. Nhưng Từ vẫn ngồi bằng tròn trên mặt đất, mặt mũi da dẻ lại càng hồng hào hơn trước. Ngục tốt bẩm với Tào Tháo, Tháo đòi ra hỏi.
Tả Từ nói:
– Ta nhịn ăn hàng chục năm cũng không việc gì, mà đã ăn thì một ngày nghìn con dê cũng hết.
Tháo không biết nghĩ cách gì mà trị cho được.
Một hôm các quan hội ăn yến tiệc ở ngọc cung. Trong khi mọi người đang uống rượu. Tả Từ chân đi guốc vào đứng sững trước tiệc. Các quan đều kinh hãi. Tả Từ nói:
– Đại vương mở tiệc yến hôm nay cực to, đủ cả của ngon vật lạ trên rừng dưới bể, nhưng còn muốn thứ gì nữa thì để bần đạo xin giúp.
Tháo nói:
– Ta muốn dùng gan rồng nấu canh, mày có lấy ở đâu được không?
Từ nói:
– Có khó gì việc ấy!
Liền cầm bút mực vẽ một con rồng lên tường trắng, rồi phất tay áo một cái, bụng rồng tự nhiên tách ra. Từ thò tay vào lôi lấy buồng gan, máu tươi vẫn còn chảy ròng ròng.
Tháo không tin, mắng rằng:
– Đó là mày giấu sẵn trong tay áo rồi!
Từ nói:
– Hiện bây giờ trời đông tháng rét, cỏ cây khô héo, đại vương muốn chơi thứ hoa gì, tôi cũng lấy được.
Tháo nói:
– Ta chỉ thích chơi hoa mẫu đơn thôi.
Từ nói:
– Dễ như bỡn!
Bèn sai lấy một chậu hoa trong để ngay trước tiệc, phun nước vào, một lát nảy ngay ra một cây mẫu đơn, nở được hai đoá hoa cực đẹp.
Các quan ai nấy đều ngạc nhiên, mời Từ cùng ngồi ăn yến. Một lát, người nấu bếp dâng cá gỏi lên. Từ nói:
– Gỏi phải có cá lư ở Tùng Giang mới ngon.
Tháo nói:
– Sông ấy cách đây hơn nghìn dặm, làm gì có được?
Từ nói:
– Muốn dùng cũng chẳng khó!
Liền bảo người đem cần câu đến, Từ ngồi câu ở ngay cái ao trước cửa cung, chỉ một lát, giật được mấy chục con cá cực to, vứt lên trên điện.
Tháo nói:
– Đây là cá có sẵn trong ao ta đó.
Từ nói:
– Đại vương chớ khinh tôi thế. Cá lư các nơi khác chỉ có hai vây, duy chỉ cá lư sông Tùng Giang là có bốn vây. Cứ lẽ ấy mà suy thì biết.
Các quan trông xem, quả nhiên cá có bốn vây thật.
Từ nói:
– Ăn gỏi cá lư sông Tùng Giang, lại phải dùng gừng tía mới tốt.
Tháo nói:
– Ngươi có lấy được không?
Từ nói:
– Dễ lắm!
Bèn sai mang cái chậu đồng ra, lấy áo trùm lên, một lát mở ra, gừng tía đầy một chậu, dâng lên trước mặt Tào Tháo. Tháo thò tay vào lấy, bỗng thấy trong chậu có một quyển sách nhan đề: “Mạnh đức Tân thư”. Tháo mở ra xem, đúng là sách của mình, không sai một chữ nào. Tháo lại càng nghi lắm.
Từ lấy một chén ngọc ở trên bàn, rót đầy rượu ngon, dâng lên Tháo mà nói rằng:
– Đại vương nên uống chén rượu này, sẽ sống lâu nghìn năm.
Tháo nói:
– Ngươi hãy uống trước đi!
Từ rút cái trâm ngọc trên mũ, vạch vào trong chén, chia rượu ra làm hai phần, uống trước một nửa, còn một nửa dâng lên Tháo.
Tháo mắng, hất đi không uống. Từ quẳng cái chén lên trên không, hoá ra một con chim cưu trắng, lượn quanh cung điện. Các quan ngẩng cả mặt lên xem, rồi không biết Tả Từ biến đi đâu mất.
Chợt lính canh vào báo rằng:
– Tả Từ đi ra khỏi cửa cung rồi.
Tháo nói:
– Thằng yêu quái này, phải trừ đi mới xong, nếu không tất nó hại mình.
Liền sai Hứa Chử dẫn ba trăm quân thiết giáp đuổi theo bắt về. Ra đến cửa thành, trông thấy Tả Từ đi guốc đang lững thững ở mé trước mặt. Chử tế ngựa đuổi gấp, nhưng không tài kịp. Khi đuổi mãi đến một gò núi, có một đứa trẻ chăn dê, đang đuổi một đàn dê đi ăn. Từ chạy vào giữa đàn dê, Chử lấy tên bắn theo, thì Từ biến mất. Chử giết hết cả đàn dê rồi trở về.
Đứa trẻ chăn dê ngồi khóc hu hu. Bỗng thấy đầu dê ở trên mặt đất, nói ra tiếng người, bảo đứa trẻ ấy rằng:
– Mày đem những đầu dê chắp vào cổ nó thì lại sống, không việc gì mà phải khóc!
Đứa trẻ sợ hết hồn vía, ú té chạy mất, lại nghe có người đằng sau gọi rằng:
– Chớ có sợ hãi mà chạy, ta trả cả đàn dê sống của mày đây!
Đứa trẻ trông thấy Tả Từ đã làm cho dê chết sống cả lại rồi. Đứa trẻ toan hỏi thì Tả Từ đã vung tay áo mà đi, đi nhanh như bay, chớp mắt đã không trông thấy đâu nữa.
Đứa trẻ thuật chuyện lại với chủ nhà. Chủ nhà không dám giấu, đến trình với Tào Tháo. Tháo sai vẽ hình ảnh, đưa các nơi để bắt Tả Từ. Được vài hôm, trong thành ngoài thành, bắt được ba bốn trăm người giống hệt lão chột mắt, khiểng một chân, đầu đội nón mây trắng, mình mặc áo vải xanh, chân đi guốc, náo động cả hàng phố. Tháo sai các tướng lấy máu dê, lợn rảy vào rồi điệu cả ra tràng thí võ cửa nam. Tháo dẫn năm trăm quân giáp binh vây bọc chung quanh, chém tuốt cả bấy nhiêu người. Người nào trong họng cũng có một vệt khí xanh, bay vụt lên trời, rồi tụ lại cả một chỗ, hoá ra một Tả Từ. Từ ngẩng mặt lên trên không, vẫy một con hạc trắng xuống, rồi vỗ tay cười ầm lên nói rằng:
– Chuột đất theo hổ vàng, gian hùng sắp chết đến nơi!
Tháo sai lấy cung tên bắn, bỗng nhiên nổi trận cuồng phong, sỏi cát bay mù mịt. Những thây bị chém, nhảy choàng dậy, tay xách đầu lâu, chạy cả lên đền diễn võ đánh Tào Tháo. Các quan văn võ ai nấy cùng bay hồn lạc phách, ngã lăn xuống đất, không ai cứu giúp được ai nữa.
Đó là:
Quyền thế gian hùng nghiêng cả nước,
Phép tài đạo sĩ lạ lùng thay!
Chưa biết tính mệnh Tào Tháo ra sao, xem đến hồi sau mới biết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.