Tất Cả Chúng Ta Đều Là Cá

LỜI KẾT



Làm bố của hai đứa con nhỏ, gần đây tôi thấy mình dành rất nhiều thời gian đi thăm vườn thú, bảo tàng và thủy cung. Làm khách tham quan là một trải nghiệm lạ lùng bởi vì tôi đã biết những nơi này trong nhiều thập kỷ, làm việc trong các bộ sưu tập của bảo tàng và thậm chí đôi khi còn giúp chuẩn bị các gian trưng bày. Trong các lần tới thăm cùng với gia đình, tôi tự nhận thấy rằng nghề nghiệp có thể làm mình chai lì đến mức nào trước vẻ đẹp và mức độ phức tạp siêu phàm của thế giới và của cơ thể chúng ta. Tôi giảng dạy và viết về lịch sử tiến hóa hàng triệu năm và về thế giới cổ đại kỳ lạ và thông thường mối quan tâm của tôi nằm tách biệt và thiên về hướng phân tích. Giờ đây tôi trải nghiệm khoa học cùng với những đứa con của tôi – ở những nơi tôi nhận ra tình yêu đối với nó ngay từ lần đầu tiên.
Gần đây, một khoảnh khắc đặc biệt đã xảy ra với con trai tôi tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ ở Chicago. Trong vòng ba năm qua, chúng tôi thường xuyên đến đây vì con trai tôi thích tàu hỏa, mà ở ngay trung tâm của bảo tàng có một mô hình đường ray xe lửa khổng lồ. Tôi dành hàng giờ đồng hồ ở một gian trưng bày dò tìm các đầu máy mô hình trên tuyến đường ray nhỏ xíu từ Chicago tới Seattle. Sau khi đến thăm nơi dành cho người nghiện chơi tàu hàng tuần trong một thời gian dài, Nathaniel và tôi đi tới các ngóc ngách của bảo tàng nơi chúng tôi chưa tới trong những lần đi xem tàu mô hình chạy hoặc đôi khi tới xem máy kéo và máy bay có kích thước thật. Phía cuối bảo tàng, ở Trung tâm không gian Henry Crown, mô hình của các hành tinh treo phía trên trần và các bộ quần áo vũ trụ cùng với các vật kỷ niệm khác nằm trong các vali. Chúng thuộc chương trình không gian vào những năm 1960 và 1970. Tôi đoán ở phần cuối của bảo tàng tôi sẽ thấy những thứ không có giá trị vì không được trưng bày ở những gian chính ở phía trước. Một gian có để một module hạ cánh móp méo của tàu vũ trụ và bạn có thể đi xung quanh và nhìn vào bên trong. Trông nó không có gì ấn tượng; nó có vẻ quá nhỏ và đã được mông má lại để trông có vẻ quan trọng. Tấm áp phích trông trịnh trọng một cách kỳ lạ và tôi phải đọc nó vài lần mới biết nó nói gì: đây là Module Điều khiển nguyên bản của tàu Apollo 8, con tàu thật sự đã mang James Lovell, Frank Borman và William Anders trong chuyến đi đầu tiên của loài người lên mặt trăng và trở về trái đất. Đây là con tàu mà tôi đã theo dõi hành trình của nó trong kỷ nghỉ Giáng sinh năm lớp 3. Giờ đây, 38 năm sau, tôi cùng với con trai của mình đang nhìn con tàu thật. Tất nhiên là nó bị méo mó. Tôi có thể nhìn thấy các vết sẹo của cuộc hành trình tới mặt trăng và sau đó quay lại trái đất. Nathaniel hoàn toàn không quan tâm, vì vậy tôi kéo con lại và cố gắng giải thích nó là cái gì. Nhưng tôi không thể nói được giọng nói của tôi bị nghẹn lại vì xúc động đến nỗi tôi gần như không thể thốt ra một lời nào. Sau một vài phút, tôi lấy lại được bình tĩnh và kể cho con nghe câu chuyện về chuyến đi của con người lên mặt trăng.
Nhưng câu chuyện tôi không thể kể cho con nghe cho đến khi cậu bé lớn hơn là tại sao tôi lại trở nên nghẹn lời và xúc động. Thực sự, Apollo 8 là biểu tượng về sức mạnh của khoa học giúp giải thích và khám phá vũ trụ. Người ta có thể tranh luận vô bổ về phạm vi của chương trình vũ trụ là vì mục tiêu khoa học hay chính trị, nhưng một sự thật quan trọng không hề thay đổi kể từ năm 1968: Apollo 8 là sản phẩm của chủ nghĩa lạc quan, tối cần thiết để thúc đẩy những thành tựu khoa học cao nhất. Nó là ví dụ minh họa cho việc tại sao những điều chưa biết không nên được xem là khởi nguồn của những nghi vấn, sợ hãi hoặc nhường chỗ cho mê tín, mà phải coi là động lực để tiếp tục đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời.
Giống như chương trình vũ trụ đã làm thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta đối với mặt trăng, cổ sinh học và di truyền học đang thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình. Khi chúng ta biết nhiều hơn, những điều dường như quá xa xôi và không thể vươn tới được trở nên nằm trong tầm nhận thức và tầm tay của chúng ta. Chúng ta sống trong thời đại của khám phá, khi khoa học tìm ra những cơ chế bên trong của các sinh vật khác nhau như sứa, giun và chuột. Chúng ta giờ đây đang nhìn thấy le lói một lời giải cho một trong những bí ẩn lớn nhất của khoa học – những khác biệt về di truyền khiến con người tách biệt khỏi những sinh vật khác. Kết hợp hiểu biết mới đầy uy lực này với thực tế là một số trong những khám phá quan trọng nhất ở lĩnh vực có sinh học – các hóa thạch mới và các công cụ mới để phân tích chúng – đã xuất hiện trong vòng 20 năm qua, chúng ta nhìn thấy sự thật lịch sử tiến hóa của chúng ta ngày càng chính xác hơn. Nhìn lại những thay đổi qua hàng tỉ năm, tất cả những thứ mới hoặc có vẻ đặc thù trong lịch sử sự sống thực sự chỉ là những thứ cứ được tái chế, tái tổ hợp, sử dụng vào mục đích khác hoặc nói một cách khác là được sửa đổi để sử dụng vào việc khác. Đây chính là câu chuyện về tất cả các cơ quan của chúng ta, từ các cơ quan cảm giác tới đầu, thực sự là toàn bộ sơ đồ cơ thể của chúng ta.
Lịch sử tiến hóa hàng tỉ năm có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta ngày nay? Những câu hỏi cơ bản mà chúng ta gặp phải – về cơ chế bên trong của các cơ quan của chúng ta và vị trí của chúng ta trong tự nhiên – sẽ được giải đáp nhờ những hiểu biết về cách thức hình thành cơ thể và trí tuệ của chúng ta từ các bộ phận cũng có ở các sinh vật khác. Tôi không thể tưởng tượng có gì đẹp và sâu sắc về mặt trí tuệ hơn việc tìm ra cơ sở của loài người chúng ta và các phương pháp điều trị cho nhiều chứng bệnh chúng ta gặp phải. Tất cả đang ẩn giấu trong những sinh vật bình thường nhất sống trên hành tinh của chúng ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.