Thăm Dò Tiềm Thức

CHƯƠNG 3: CƠ NĂNG CỦA GIẤC MƠ



Tôi đã nhấn mạnh đến nguồn gốc của giấc chiêm bao vì đó là mảnh đất nảy nở phần lớn những biểu tượng. Khốn thay, khó mà hiểu được giấc mơ. Như tôi đã nói, một giấc mơ không có gì giống một câu chuyện kể trong điều kiện tâm thức của ta hoạt động. Trong đời sống hằng ngày người ta suy nghĩ về cái người ta muốn nói, người ta chọn cách nào đánh mạnh vào tâm trí người nghe nhất, người ta cố gắng làm cho ý kiến có sự mạch lạc. Thí dụ, một người có học thức sẽ cố gắng tránh những ẩn dụ không nhất trí (hétérogène) làm cho câu chuyện rối mù. Nhưng giấc mơ được thêu dệt một cách khác hẳn. Người nằm mơ bị bao vây bởi những hình ảnh có vẻ lố lăng và mâu thuẫn nhau, ý niệm thời gian không còn, cái gì nhàm chán nhất cũng thể hiện ra vẻ quyến rũ hay đáng sợ.

Cái tâm phi ý thức của ta xếp đặt tài liệu một cách khác hẳn những sơ đồ có vẻ đúng khuôn phép mà chúng ta áp đặt cho tư tưởng của chúng ta khi tỉnh táo, điều ấy có vẻ lạ lùng. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thì giờ nhớ lại một giấc mơ, ta sẽ thấy có sự tương phản rõ rệt, đó là một trong những lý do chính làm cho người không ở trong nghề y sĩ khó lòng hiểu được giấc mơ.

Theo cách lý luận bình thường, ban ngày người ta tỉnh, thì giấc mơ thật vô nghĩa, bởi vậy người ta có khuynh hướng không đếm xỉa đến nó hay cho rằng nó làm ta lạc hướng.

Có lẽ điểm ấy sẽ hiện ra rõ ràng nếu chúng ta bắt đầu ý thức được rằng những ý tưởng lúc ban ngày bề ngoài có vẻ khuôn xếp theo kỷ luật, nhưng thực ra không chuẩn xác như ta tưởng. Trái lại, ý nghĩa và tầm quan trọng của những ý tưởng ấy đối với tâm tình sẽ mất dần vẻ chuẩn xác nếu chúng ta xét cặn kẽ hơn. Ấy là bởi điều ta nghe thấy và cảm thấy có thể trở thành những điều ta không ý thức được nữa, nghĩa là lắng xuống tiềm thức. Cả đến những sự kiện chúng ta có trong ý thức và có thể tùy ý diễn tả ra, cũng vẫn kèm theo một khía cạnh phi ý thức, khía cạnh phi ý thức đó tô điểm thêm màu sắc cho những sự kiện ta nhớ. Thực ra những cảm giác có ý thức của ta chẳng bao lâu đã tăng thêm một yếu tố thuộc loại phi ý thức nhưng có ý nghĩa đối với cơ cấu tâm thần của ta, tuy rằng chúng ta không hay biết gì về ý nghĩa tàng ẩn đó, và cũng không biết nó đã khuếch đại hay bóp méo ý nghĩa ước định của cảm giác.

Dĩ nhiên, những yếu tố thuộc loại phi ý thức của mỗi người một khác. Mỗi người chúng ta có những khái niệm đại cương và trừu tượng trong toàn bộ cơ cấu trí não của mình, bởi thế mỗi người hiểu và đem áp dụng một cách riêng. Trong một câu chuyện, khi tôi dùng những “trạng thái”, “tiền bạc”, “sức khỏe” hay “xã hội”, tôi giả thuyết rằng những chữ ấy dù ít dù nhiều cũng chỉ cùng những sự vật như người đối thoại của tôi. Nhưng ta cần chú trọng đến chỗ ít hay nhiều đó. Mỗi chữ có một ý nghĩa hơi khác đối với từng người dù là những người cùng trình độ văn hóa. Sở dĩ có chỗ khác nhau đó là bởi mỗi khái niệm đại cương đã hội nhập vào cơ cấu trí não của một người, người đó hiểu và đem áp dụng theo cách riêng của họ. Ý nghĩa của khái niệm càng khác đi khi người ta càng khác biệt về kinh nghiệm xã hội, tôn giáo chính trị và tâm lý.

Mỗi khi ý niệm y hệt với danh từ (1) thì sự khác biệt nói trên không biết được và cũng không đóng một vai trò nào trên thực tế. Nhưng khi cần phải có một cách định nghĩa đích xác hay giải thích chuẩn xác, ta sẽ thấy thỉnh thoảng có những ý kiến khác nhau một cách kỳ dị, không những về phương diện thuần túy lý trí, mà nhất là về phương diện tình cảm liên quan đến danh từ ấy và cách áp dụng danh từ ấy. Nói chung, những biến đổi ý nghĩa đó đều ở ngoài tầm ý thức, người ta không nhận thấy.

Dĩ nhiên người ta có thể bỏ qua những điểm dị biệt dư thừa và cho đó là những khía cạnh có thể bỏ qua được vì không liên hệ gì đến nhu cầu đời sống hằng ngày. Nhưng sự hiện hữu những điểm dị biệt ấy chứng tỏ rằng nội dung ý thức rõ ràng nhất vẫn viền một cái diềm mờ mịt mơ hồ. Cả những khái niệm triết học hay toán học đã định nghĩa thật tường tận mà chúng ta tin tưởng rằng chỉ chứa đựng thuần ý nghĩa đã định rõ, cũng vẫn còn có thêm những ý nghĩa khác. Đó là một hiện tượng thuộc về tâm thần, chính vì thế cho nên không hiểu được hết. Những con số mà chúng ta dùng để đếm không phải chỉ có ý nghĩa mà ta vẫn dùng. Những con số đó cũng còn là những yếu tố thần thoại. (Môn đồ học thuyết Pythagore cho là chúng có tính chất thần linh). Nhưng chúng ta không nghĩ như thế khi chúng ta chỉ dùng chúng vào mục đích thực tiễn.

Tóm lại, mỗi khái niệm thuộc lĩnh vực ý thức đều làm ta liên tưởng đến những ý tưởng có liên hệ riêng của nó. Tùy theo tầm quan trọng tương đối của khái niệm đối với toàn diện cá tính của ta, hay tùy theo tính chất của những ý tưởng liên lạc với khái niệm đó, có thể là cả những mặc cảm trong tiềm thức dính dáng đến ý tưởng đó, chúng có thể biến đổi tính chất thường có của khái niệm. Khái niệm có thể trở thành cái gì khác hẳn khi nó lặn dần xuống dưới làn mức ý thức. Cạnh khía phi ý thức của ý tưởng và cảm giác chỉ có một vai trò nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của ta. Nhưng trong sự phân tích giấc mơ, nhà tâm lý học phải xét đến những bộc lộ của tiềm thức, cạnh khía phi ý thức đó trở thành quan trọng, vì nó là cội rễ gần như không thể thấy được của những tư tưởng thuộc phần ý thức của ta. Bởi vậy cho nên đồ vật hay ý tưởng thông thường có thể có ý nghĩa tâm lý rất mãnh liệt trong giấc mơ, thậm chí lúc tỉnh dậy ta bị xúc động sâu xa, thực ra ta nằm mơ đến cái gì rất thường: như một cái buồng cửa khóa, hay nhỡ một chuyến tàu.

Hình ảnh trong giấc mơ đẹp đẽ và đánh mạnh vào tâm trí ta hơn những khái niệm hay những kinh nghiệm của cuộc sống ban ngày, sở dĩ như vậy là vì ta thấy mặt khác của những hình ảnh ấy. Một trong những lý do là trong giấc mơ những khái niệm ấy có thể phô diễn được ý nghĩa ở ngoài tầm ý thức của ta. Trong tư tưởng có ý thức, chúng ta chỉ kể đến những sự kiện hữu lý ít màu sắc hơn, bởi vì chúng ta đã gạt bỏ những liên tưởng thuộc phạm vi tâm thần.

Tôi còn nhớ một giấc mơ rất khó giải thích của tôi. Trong giấc mơ, một người tìm cách đến gần phía sau tôi, định nhảy lên lưng tôi. Tôi không biết gì về người ấy, chỉ biết rằng y đã vơ lấy một điều nhận xét của tôi, xuyên tạc ý nghĩa đến nỗi làm cho hóa ra thô lậu. Nhưng tôi không thể nhận ra sự liên lạc giữa sự kiện ấy và việc y muốn nhảy lên lưng tôi. Tuy nhiên, trong đời sống nghề nghiệp của tôi, thường có người xuyên tạc lời nói của tôi, đến nỗi tôi chẳng buồn nghĩ xem có nên bực mình hay không. Ngoài thực tế, ta có lợi khi để ý kiểm soát phản ứng xúc động của ta. Tôi chợt hiểu rằng đó là ý nghĩa giấc mơ của tôi. Một câu phương ngôn nước Áo đã hiện ra dưới hình thức hình ảnh thị giác. Thực vậy, câu nói cửa miêng người Áo sau đây: Du kannast mir auf den buckel steiyen (Anh có thể nhảy lên lưng tôi) nghĩa là: “Anh nói gì tôi, tôi cũng không chấp.”

Người ta có nói rằng một giấc mơ như thế có tính cách tượng trưng vì nó không diễn tả tình trạng một cách trực tiếp mà gián tiếp dùng một ẩn dụ, mới đầu tôi chưa hiểu nghĩa. Những giấc mơ như thế thường xảy ra, giấc mơ không có dụng ý dùng cách ngụy trang. Chỉ tại chúng ta thường thường khó mà hiểu được nội dung tình cảm của cách diễn tả bằng hình ảnh mà thôi. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta học cách loại khỏi tư tưởng và ngôn ngữ những nét tô điểm bông lông, như vậy chúng ta đã mất một nét đặc biệt của tính tình cổ sơ. Phần nhiều chúng ta đã đẩy lui vào tiềm thức tất cả những liên tưởng kỳ quái dính dáng đến một ý tưởng hay một sự vật. Người cổ sơ còn có ý thức về những đặc tính của tâm thần như thế; họ gán cho con vật, cái cây, hòn đá những uy lực mà chúng ta cho là kỳ dị, không thể chấp nhận được.

Thí dụ một người dân ở rừng Phi châu, ban ngày trông thấy một con vật thường gặp về đêm, họ cho là ông thầy pháp của họ đã tạm thời nhập vào con vật. Họ cũng có thể cho đó là linh hồn rừng rú hay linh hồn tổ tiên của bộ lạc. Một cái cây có thể đóng vai trò quyết định trong đời sống một người cổ sơ, hình như là nó tích tụ linh hồn và tiếng nói của người ấy, người ấy có cảm tưởng là số mệnh của họ gắn liền với cái cây. Người Da đỏ ở Nam Mỹ quả quyết rằng họ là những con két đỏ, những con vẹt, tuy rằng họ nhận thấy hẳn hoi rằng họ không có lông, cánh, mỏ. Sở dĩ như vậy là bởi vì trong vũ trụ của người cổ sơ, sự vật không có biên giới phân minh như trong vũ trụ của những xã hội “hợp lý”.

Chúng ta sống trong một thế giới khách quan, chúng ta đã loại trừ tất cả những cái mà các nhà tâm lý học gọi là “đồng nhất tâm thần” hay “tham dự thần bí”(2). Nhưng chính những liên tưởng mà người ta không ý thức được đã tô màu sắc và làm cho vũ trụ của người cổ sơ trở nên quái đản. Chúng ta mất hẳn ý thức về những sự kiện đó đến nỗi chúng ta không nhận thấy điều đó trong khi chúng ta tìm thấy nó ở những người khác. Đối với chúng ta, những sự kiện ấy dừng lại ở dưới lằn ý thức, nếu ngẫu nhiên chúng xuất hiện, chúng ta lại cho rằng có cái gì bất thường.

Đã hơn một lần, có những người học thức thông minh đến hỏi tôi về những giấc mơ kỳ lạ, về sự tưởng tượng những ảo giác đã làm cho họ phải chướng tai gai mắt vô cùng. Họ cho rằng những chuyện như thế không thể xảy ra cho một người tâm trí lành mạnh mà nếu quả thực người ta có ảo giác thì tất thị họ bệnh hoạn. Có lần một nhà thần học bảo tôi rằng những ảo giác của nhà tiên tri Ezéchiel chỉ là những triệu chứng bệnh hoạn khi Moise và những nhà tiên tri khác nghe thấy những “tiếng nói”, họ có những ảo ảnh. Quý vị có thể tưởng tượng được nhà thần học ấy đã phải kinh hãi thế nào khi ông ta đã tự nhiên thấy một hiện tượng như vậy. Chúng ta đã quen với tính chất hữu lý bề ngoài của thế giới ta sống. Thậm chí ta khó lòng tưởng tượng rằng có thể xảy ra điều gì không thể lấy lương tri mà giải thích được. Người cổ sơ bị xúc động như thế không hề nghĩ rằng tâm trí mình rối loạn: họ nghĩ đến đồ vật họ tôn thờ, đến quỷ thần.

Tuy nhiên, những xúc động dày vò chúng ta cũng không khác gì. Thực ra, những khắc khoải bắt nguồn từ lâu đài văn minh của ta có thể hãi hùng hơn khắc khoải của người cổ sơ mà họ cho là quỷ quái gây ra. Thái độ của người văn minh ngày nay có khi làm tôi nghĩ đến một người tâm bệnh nằm bệnh viện của tôi – ông ta cũng là y sĩ. Một buổi sáng, tôi hỏi ông ta thấy trong người thế nào, ông ta trả lời rằng mình đã thích thú lấy thuốc đỏ tẩy uế trên trời suốt đêm, nhưng trong lúc tẩy uế kỹ lưỡng như thế ông ta không thấy vết tích một ông Trời nào cả. Đó là bệnh suy nhược thần kinh, có thể là cái gì trầm trọng hơn. Đáng lẽ là Trời, hay là sự sợ Trời thì đây lại là một loại suy nhược khắc khoải (névrose d’angoisse) hay một loại ám ảnh (phobie). Sự xúc động vẫn thế nhưng nguyên do xúc động đã đổi tên và đổi tính chất và trở nên nguy hiểm hơn. Tôi còn nhớ một giáo sư triết học đến khám bệnh vì bị ám ảnh bởi bệnh ung thư. Ông ta yên trí rằng mình bị một cái ung độc mặc dù người ta đã chiếu điện mười hai lần mà không có gì cả. Ông ta nói rằng: “Ồ, tôi cũng biết rằng không sao cả, nhưng cũng có thể có cái gì.” Tại sao ông ta lại có ý nghĩ ấy trong đầu? Hẳn nhiên là sự ám ảnh của ông bắt nguồn từ một thứ sợ hãi ở ngoài sự chi phối của ý muốn có ý thức. Ý tưởng bệnh hoạn bất thần đè nặng lên ông ta và ông ta không kiểm soát được mãnh lực riêng của nó. Đối với những người có học thức ấy, thú nhận một sự thực như thể vẫn khó khăn chứ còn một người cổ sơ thì cứ việc cho là mình bị ma làm. Ảnh hưởng ma quỷ ít ra cũng là một giả thuyết có thể chấp nhận được trong trường hợp một người cổ sơ, nhưng người văn minh sẽ xúc động ghê gớm khi phải thừa nhận rằng một mãnh lực ngu độn của trí tưởng tượng đã gây ra bệnh não cho họ. Hiện tượng ám ảnh cổ sơ chưa biến mất đâu, nó vẫn còn như trước. Nhưng người ta giải thích một cách khác, có hại cho tâm trí. Tôi đã làm nhiều cuộc so sánh như thế giữa người văn minh và người cổ sơ.

Sau này, tôi sẽ chứng minh rằng những sự so sánh như thế rất cần để hiểu khuynh hướng cấu tạo những biểu tượng trong mộng mị, trong cách biểu lộ ý tưởng của loài người. Bởi vì người ta tìm thấy trong mộng mị những hình ảnh và những liên tưởng tương tự ý tưởng, huyền tượng và lễ nghi thờ phụng của người cổ sơ. Những hình ảnh trong giấc mê sảng Freud gọi là “vết tích bàn cổ”. Danh từ ấy khiến ta nghĩ đó là những yếu tố tâm thần có từ những thời kỳ xa xôi còn tích lại trong trí người ta. Điểm này tiêu biểu cho thái độ của những người cho rằng tiềm thức chỉ là một nhánh phụ của ý thức (hay nói cho ý vị hơn, một cái thùng rác để đựng những cái ý thức loại bỏ).

Sau khi nghiên cứu sâu rộng, tôi nghĩ rằng một thái độ như thế là không thể chấp nhận được mà phải loại bỏ. Tôi đã nhận thấy những liên tưởng và hình ảnh thuộc loại ấy thuộc thành phần của tiềm thức, người nằm mơ dầu học thức hay mù chữ, dù thông minh hay ngu độn cũng thế thôi. Chúng không hề là những cặn bã chết lụi hay không có nghĩa gì. Chúng có chức vụ riêng của chúng và có một giá trị riêng chính vì tính cách lịch sử của chúng. Chúng là cái cầu nối liền hình thức diễn tả tư tưởng của ta một cách có ý thức với một lối diễn tả cổ lỗ hơn, có màu sắc hơn, bóng bẩy hơn. Vả chăng lối diễn tả sau này tác động trực tiếp đến tính cách và rung động của ta. Những liên tưởng có tính cách “lịch sử”(3) đó là gạch nối giữa thế giới hợp lý của ý thức và thế giới của bản năng.

Tôi đã nói đến sự tương phản đáng chú ý giữa tư tưởng có kiểm soát trong lúc tỉnh táo và những hình ảnh phong phú của giấc mơ. Bây giờ độc giả có thể nhận thấy sự khác biệt ấy có một lý do khác: trong xã hội văn minh, chúng ta đã loại bỏ cạnh khía tình cảm của biết bao ý tưởng, thậm chí những ý tưởng ấy không còn gây cho ta phản ứng gì cả. Chúng ta dùng những ý tưởng ấy trong cách ăn nói của chúng ta, chúng ta phản ứng một cách ước lệ khi nghe thấy người khác dùng chúng, nhưng chúng không để lại cho ta ấn tượng sâu xa nào. Phải cái gì hơn thế nhiều mới có thể làm cho một sự kiện thấm nhập vào ta để thay đổi thái độ hay cách xử sự của ta. Trường hợp tác động như thế đã xảy ra nếu là thứ ngôn ngữ của giấc mơ: có nhiều sinh lực tâm thần đến nỗi ta phải chú ý đến.

Thí dụ một người đàn bà ai cũng biết là mê tín ngu đần và ngang bướng không chịu nghe lời nói phải. Có thể bàn cãi với bà ta suốt đêm không kết quả gì. Bà ta không để ý đến chút nào. Giấc mơ của bà ta dùng một thứ ngôn ngữ khác. Một đêm bà ta nằm mơ thấy mình dự một cuộc họp mặt xã giao. Bà chủ nhà tiếp đón bà niềm nở mà rằng: “Bà đến chơi, chúng tôi rất lấy làm vui mừng. Bạn bè đang đợi bà trong kia.” Bà chủ nhà đưa bà ta đến tận cửa, chính tay bà mở cửa. Bà ta bước qua ngưỡng cửa vào trong… một cái chuồng bò.

Tiếng nói giấc mơ khá giản dị, người ngờ nghệch nhất cũng có thể hiểu được. Người đàn bà ấy, trước hết không chấp nhận ý nghĩa một giấc mơ trực tiếp phạm đến tự ái của bà ta. Nhưng dầu sao bà ta cũng hiểu bức thông điệp, sau một thời gian, bà ta phải chấp nhận vì bà ta không ngăn cản mình xấu hổ vì chính mình lại chế nhạo mình.

Những bức thông điệp của tiềm thức như thế có một tầm quan trọng lớn hơn người ta tưởng. Trong đời sống tâm tư có ý thức, chúng ta chịu đủ loại ảnh hưởng. Người khác khích lệ ta hay làm ta phiền muộn, những việc xảy ra trong đời sống nghề nghiệp hay xã hội khiến ta chú ý về đằng khác. Tình trạng ấy có thể đưa đẩy chúng ta đến những con đường không phù hợp với cá tính của ta. Mặc dù chúng ta có ý thức được hay không, lương tâm ta vẫn luôn luôn bị những loại thôi thúc ấy làm xao động mà không đường chống cự. Trường hợp này rất đúng với những người có khuynh hướng hướng ngoại chỉ chú trọng đến đời sống bên ngoài, hay những người có ý hướng tự ti và ngờ vực bản chất sâu xa của mình.

Lương tâm càng bị ảnh hưởng bởi thành kiến, lầm lỗi, ám ảnh, ý muốn vô vị, cái hố ngăn cách sẵn có lại càng mở rộng đến tình trạng phân tán có tính cách suy nhược thần kinh, đưa đến một đời sống ít nhiều giả tạo, xa hẳn những bản năng bình thường, xa hẳn thiên nhiên và chân lý.

Chức vụ đại quát của mộng mị là tìm cách lập lại cân bằng tâm lý nhờ những vật liệu của giấc mơ, giấc mơ có khả năng huyền diệu lập lại được sự cân bằng của toàn thể cơ cấu tâm thần. Như thế tôi gọi là trách vụ bổ túc (hay đền bù) của giấc mơ trong tổ chức tâm thần của ta. Điều đó cắt nghĩa được tại sao những người thiếu óc thực tế hay có ý kiến quá tốt đẹp về mình, hay là có những hoài bão to tát không hợp với khả năng thực sự của mình, thường nằm mơ thấy mình bay bổng hay té ngã. Giấc mơ đều là những yếu nhược của cá tính họ đồng thời cảnh cáo cho họ biết những nguy hiểm trên bước đường của họ. Nếu người ta không kể đến lời cảnh cáo ấy ắt là có thể xảy ra những tai nạn thực sự. Người ta có thể trượt cầu thang té ngã hay là gặp tai nạn xe hơi.

Tôi còn nhớ một người đã nhúng tay vào một loạt những hành động mờ ám. Ông ta có một say mê bệnh hoạn: trò leo núi mạo hiểm, như để đền bù cuộc sống thiếu thốn. Ông ta tìm cách vượt mình. Một đêm ông ta mơ thấy mình vượt một đỉnh núi cao rồi bước chân vào chỗ trống không. Khi ông ta kể lại giấc mơ cho tôi nghe, tôi tìm cách làm cho lời nói có sức nặng để thuyết phục ông ta nên giữ chừng mực. Tôi nói thẳng cho ông biết rằng giấc mơ của ông báo trước một tai nạn leo núi, nhưng không ích gì. Sáu tháng sau, ông bước chân vào chỗ trống không. Một người dẫn lộ đứng coi ông ta và một người bạn nắm dây để tụt xuống một chỗ thật khó khăn. Người bạn bất thần đặt chân vào miệng vực thẳm, ông ta làm theo. Bất thình lình ông buông tay nắm, theo đúng lời người dẫn lộ, thì y như ông “nhảy vào hư không”. Ông ngã đụng vào người bạn và kéo ông này theo, cả hai cùng chết.

Một trường hợp khác khá điển hình là trường hợp một người đàn bà sống cuộc đời nhiều tham vọng quá. Lúc thức tỉnh, bà ta kiêu hãnh và hách dịch, nhưng bà ta nằm mộng những chuyện chướng mắt nhắc nhở cho bà ta đủ điều khó chịu. Khi tôi nói cho bà ta biết, bà ta phẫn nộ không chịu thừa nhận. Những giấc mơ trở nên đe dọa hơn, nhắc đến những cuộc tha thẩn một mình trong rừng mơ mộng những chuyện cao đại. Tôi đã trông thấy sự nguy hiểm đang chờ bà ta nhưng bà không chịu nghe lời cảnh cáo của tôi. Chẳng bao lâu, bà ta bị một kẻ cuồng dâm ở trong rừng xúc phạm. Một vài người nghe tiếng kêu đến cứu, nếu không bà đã bị hại rồi.

Trong việc này không có gì là tà thuật cả. Giấc mơ của bà ta cho tôi biết rằng trong chỗ thâm kín tâm hồn bà, bà muốn có một tai họa như thế, cũng như người leo núi nói trên đã vô tâm tìm sự thỏa mãn trong lối thoát cuối cùng cho mọi bước khó khăn. Dĩ nhiên, không người nào muốn trả quá đắt cho sự thèm khát của mình. Nhưng bà này bị gãy xương, ông kia thiệt mạng.

Như vậy, giấc mơ có thể báo trước một vài tình trạng mãi về sau mới xảy ra. Trong đời sống của ta rất nhiều sự khủng hoảng đã qua một lịch trình tiến triển rất dài ở ngoài tầm ý thức của ta. Chúng ta tiến dần tới nó từng bước một mà không nhận thấy những mối nguy hiểm chồng chất. Nhưng điều gì ý thức ta không lý hội được, tiềm thức ta nhận thấy, nó có thể thông báo cho ta biết bằng giấc mơ.

Thường thường giấc mơ cảnh cáo cho ta bằng cách ấy. Nhưng cũng có khi giấc mơ không nhắn nhủ ta điều gì cả. Bởi vậy không thể cho rằng giấc mơ là một cánh tay che chở can ngăn chúng ta kịp lúc. Nói một cách tích cực, hình như thỉnh thoảng giấc mơ cảm ứng một ý thiện, nhưng có khi không. Bàn tay bí mật có thể chỉ cho ta biết những cạm bẫy hay cái gì có vẻ là cạm bẫy. Giấc mơ có khi xuất hiện như một lời Tiên tri đền Delphes báo cho vua Crésus biết rằng, nếu nhà vua đi qua Halys, nhà vua sẽ phá hủy một vương quốc. Chỉ sau khi thảm bại, nhà vua mới biết rằng vương quốc ấy chính là giang san của mình.

Người ta không thể có thái độ ngây thơ trong việc nghiên cứu giấc mơ. Giấc mơ bắt nguồn từ một thần trí chưa hẳn có nhân tính, mà có vẻ như tiếng thì thầm của thiên nhiên, hồn thiêng của một nữ thần đẹp đẽ, khoan dung, nhưng cũng độc ác. Nên chúng ta muốn định nghĩa thần linh đó, ta có thể tiến tới gần hơn bằng cách nghiên cứu thần thoại thời xưa hay thế giới huyền hoặc của rừng sâu hơn là nghiên cứu tâm trạng con người hiện đại. Tôi không hề phủ nhận rằng xã hội văn minh tiến bộ đã đem lại cho ta nhiều sự chinh phục. Nhưng những sự chinh phục đó đã làm cho chúng ta mất nhiều, chúng ta mới bắt đầu hé thấy tầm rộng lớn của sự mất mát. Sự so sánh tính tình người cổ sơ với tính tình người văn minh phần nào có mục đích chứng minh rằng cái ta mất đi và những cái ta thâu được, ta đã phải trả giá như thế nào.

Người cổ sơ bị thống trị bởi bản năng hơn người “biết lẽ phải”, người biết lẽ phải là con cháu họ, những người đã biết tự kiểm soát. Trải qua tiến trình văn minh, chúng ta đã dựng lên một bức tường càng ngày kín mít thêm giữa ý thức và những lớp bản năng sâu xa hơn của cái psyché, rồi sau chúng ta còn cắt đứt ý thức ra khỏi cội rễ thân xác của những hiện tượng tâm thần. May thay, chúng ta chưa để mất những lớp bản năng chính yếu đó. Những lớp bản năng đó bây giờ vẫn còn, nhưng chúng phải lui vào tiềm thức và không còn cách phát lộ nào khác là dùng tiếng nói của những hình ảnh giấc mơ. Những hiện tượng bản năng đó, không phải bao giờ người ta cũng công nhận là thuộc về bản năng, bởi vì chúng xuất hiện dưới hình thức những biểu tượng, chúng đóng vai trò chủ yếu trong cái mà tôi gọi là “chức vụ đền bù của giấc mơ”.

Muốn giữ cho trí óc được ổn cố, muốn giữ sức khỏe sinh lý thì phải giữ cho ý thức và tiềm thức hoàn toàn liên lạc với nhau để cùng phát triển song song. Nếu hai phần lìa nhau hay bị phân tán sẽ xảy ra những rối loạn tâm lý. Như vậy, những biểu tượng của giấc mơ là những bức thông điệp và chúng cần thiết để chuyển tin tức từ phần bản năng sang phần lý trí của con người, tìm hiểu những bức thông điệp ấy sẽ làm cái tâm thức nghèo nàn của ta trở nên phong phú, nhờ vậy nó học cách tìm hiểu lại ngôn ngữ của bản năng bấy nay bị xao lãng.

Tiếc thay người đời đã ngờ vực chức vụ đó của giấc mơ, vì rằng những biểu tượng của giấc mơ thường thường khó hiểu hay không được ta để ý đến. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường cho rằng tìm hiểu giấc mơ là thừa. Tôi có thể lấy ra làm ví dụ một kinh nghiệm của tôi tại một bộ lạc cổ sơ ở Đông Phi. Tôi rất ngạc nhiên rằng người trong bộ lạc cho rằng họ không nằm mơ bao giờ. Nhưng khi đã kiên nhẫn dò hỏi một cách gián tiếp, tôi khám phá ra rằng họ cũng nằm chiêm bao như bất kỳ ai, nhưng họ tin rằng giấc mơ của họ không có ý nghĩa gì cả. Họ cả quyết rằng “giấc mơ của người thường không có nghĩa gì cả”. Họ tưởng rằng chỉ có giấc mơ của các thủ lĩnh và các thầy pháp mới quan trọng. Những người đó nắm giữ vận mệnh của bộ lạc cho nên có uy thế lớn. Thật là bất hạnh cho họ, viên tù trưởng và người thầy pháp cũng cho rằng mình chỉ có giấc mơ không nghĩa lý gì cả. Theo họ thì việc này có từ khi người Anh đến xứ ấy. Viên quận trưởng, tức là một công chức người Anh cai trị bộ lạc đã giữ nhiệm vụ thực hiện những giấc mơ giá trị mà trước kia họ vẫn theo đấy mà xử sự.

Khi bộ lạc ấy chịu nhận là có nằm chiêm bao, nhưng lại tưởng rằng chiêm bao không có ý nghĩa gì, họ cũng hành động như người văn minh. Người văn minh tưởng rằng giấc mơ không có gì là quan trọng chỉ vì họ không hiểu được giấc mơ. Nhưng một người văn minh cũng có thể kịp nhận thấy rằng một giấc mơ có lẽ họ đã quên đi cũng có thể có ảnh hưởng tai hại hay thuận tiện đến tính tình của họ. Giấc mơ tác động đến phần phi ý thức của con người, đó là trường hợp thường xảy ra hơn cả. Chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, khi nào giấc mơ nhắc đi nhắc lại đều đều, bấy giờ người đời mới muốn giải mộng.

Đến đây tôi cần lưu ý đến những lối giải mộng một cách ngu muội hay không đủ kiến thức để giải mộng. Có những người đã mất cân bằng tâm trí đến nỗi giải mộng của họ thật là nguy hiểm cho họ. Trong những trường hợp ấy, cái phần ý thức đơn phương thường bị ngăn cách bởi tiềm thức sai lệch hay “thác loạn” theo tỷ lệ tương xứng, ta không nên để hai phần phần tiếp xúc với nhau mà không chuẩn bị cẩn thận.

Thường ta không nên ngu muội mà cho rằng với những cách chỉ dẫn tiền chế và hệ thống hóa để giải mộng, ta chỉ việc mua một cuốn sách về coi là tìm thấy cách giải một biểu tượng của giấc mơ. Không có một biểu tượng của giấc mơ lại không gói ghém tâm trí của người nằm mơ và không có sự suy diễn trực tiếp và nhất định của giấc mơ. Từ người này đến người khác, tiềm thức có những cách bổ túc hay đền bù ý thức rất khác nhau đến nỗi không thể xác định được rằng có thể làm cách nào để xếp loại giấc mơ và những biểu tượng của giấc mơ.

Hẳn nhiên là có những giấc mơ và biểu tượng đứng riêng rẽ (tôi muốn nói là những ý tưởng (4)), những loại ấy có những sắc thái đặc biệt và thường thấy luôn. Trong số những biểu tượng đó có: mơ thấy mình bị ngã hay bỗng bị thú dữ hay người ghét mình đuổi bắt, thấy mình ăn mặc hở hang hay lố lăng trước mặt công chúng, thấy mình bị thúc giục làm mình cuống quýt, mình lạc lõng giữa đám đông quay cuồng, thấy mình đánh nhau mà chỉ có những khí giới thua kém không chống cự nổi, thấy mình chạy miết mà không đi tới đâu. Một loại giấc mơ rất hay có của trẻ con là thấy mình bé tí hon hay lớn khổng lồ, người ta từ thái cực nọ bước sang thái cực kia, thí dụ như trong truyện Alice au pays des merveilles (Alice ở xứ sở diệu kỳ). Nhưng tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng những ý tưởng đó phải đặt vào toàn diện giấc mơ chứ không thể cho là những chữ trong một bản mật ngữ tự nó có ý nghĩa.

Giấc mơ trở đi trở lại nhiều lần là một hiện tượng rất đáng chú ý. Có những trường hợp người ta từ lúc nhỏ đến lúc già vẫn mơ thấy một điều. Giấc mơ như vậy thường thường là một sự cố gắng để bù lại một nhược điểm của người ta trước cuộc đời. Nó cũng có thể bắt nguồn từ một vết thương đã để lại một dấu vết đặc biệt. Nó cũng có thể báo trước một sự kiện quan trọng sắp xảy ra.

Chính tôi cũng đã từng nằm mơ thấy một ý tưởng như thế trong nhiều năm liền, tôi tìm thấy trong nhà tôi một nơi mà tôi không biết là vẫn có từ trước. Có khi là những phòng của cha mẹ tôi, trong ấy cha tôi có một buồng thí nghiệm về giải phẫu học so sánh các loài cá, và một lâu đài của mẹ tiếp khách. Cha mẹ tôi đã mất từ lâu, phần bỏ trống hông ở của nhà tôi là một tòa nhà lịch sử đã bị bỏ quên, tôi được thừa hưởng theo di chúc để lại. Ở đấy có những bàn ghế cổ khá đẹp. Trong một giấc mộng xảy ra sau một loạt mộng như thế, tôi khám phá ra một thư viện cổ chứa những sách mà tôi không hề biết. Sau cùng là một giấc mơ trong đó tôi mở coi một quyển sách biểu tượng rất kỳ lạ. Khi tỉnh dậy, lòng tôi xúc động vô cùng.

Một thời gian sau khi nằm mơ, tôi mua được của một tiệm sách, một trong những cuốn sách cổ điển của người luyện kim thời Trung cổ. Trong một cuốn sách có lẽ liên quan đến thuật luyện kim của xứ Byzance, có trích ra một đoạn văn của cuốn sách cổ điển nói trên mà tôi muốn kiểm soát lại. Nhiều tuần lễ sau khi chiêm bao thấy quyển sách lạ, tôi nhận được một gói của nhà sách gửi cho. Trong đó có cuốn sách bằng giấy tốt có từ thế kỷ thứ XVI in những hình ảnh biểu tượng rất quyến rũ làm tôi nhớ lại ngay những hình ảnh của giấc mơ. Những nguyên tắc bí thuật luyện kim trở thành một phần quan trọng của công việc ban đầu trong lĩnh vực tâm lý học mà tôi đang theo đuổi, bởi vậy những ý tưởng của giấc mơ tái diễn cũng dễ hiểu. Cái nhà là biểu tượng cá nhân tôi và lĩnh vực hoạt động của phần ý thức. Những căn phòng bí mật là một cách dự phòng một lĩnh vực hoạt động tìm tòi mới mà tôi chưa ý thức được. Từ lúc ấy cho đến 30 năm sau này tôi không chiêm bao như thế nữa.

________
(1) Rõ rệt khi chỉ đồ vật hay cử chỉ cụ thể: bàn, ghế, ăn, uống.

(2) Thí dụ trong tâm thần người cổ sơ họ nghĩ rằng con thú đồng nhất với ông thầy pháp.

(3) Kinh nghiệm trải qua lịch sử

(4) “motif”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.