Thám Tử Kinh Tế

1 – AI TRẢ TIỀN CÀ PHÊ CHO BẠN



Hàng dãy dài người nối đuôi nhau đi làm bằng những phương tiện giao thông công cộng là hình ảnh thường thấy ở những đô thị lớn ở khắp nơi trên thế giới, cho dù bạn có sống ở New York, Tokyo, Antwerp6, hay thủ đô Prague đi chăng nữa. Việc đi làm hàng ngày lặp đi lặp lại này là sự kết hợp tính cộng đồng và tính cá thể. Nói cá thể là vì mỗi người đi làm là một con chuột trong mê lộ của chính mình: anh ta tính toán thời gian từ lúc đang tắm cho tới lúc ra đến cửa tàu điện ngầm; xem hành trình tàu chạy cho tới việc xác định đâu mới là bục chờ tàu thích hợp để tiết kiệm thời gian nhất; so sánh bất lợi của việc sẽ phải đứng nhưng được đi chuyến tàu đầu tiên hay là được ngồi nhưng phải đành lòng chấp nhận chuyến cuối cùng. Còn nói nó mang tính cộng đồng là vì nó gây ra những vấn đề chung cho mọi người: giờ cao điểm và sự tắc nghẽn – điều được doanh nghiệp tận dụng khai thác kiếm lời ở mọi ngóc ngách trên trái đất này. Việc đi làm hàng ngày của tôi ở Washington sẽ chẳng giống như việc đi làm hàng ngày ở London, Hồng Kông hay New York của bạn, nhưng thực ra chúng cũng giống nhau đến mức đáng ngạc nhiên đấy. Farragut West (bến xe điện ngầm ở Washington DC) là một bến xe điện ngầm lý tưởng để phục vụ những nhân viên của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, và thậm chí các nhân vật của Nhà Trắng.

Mỗi buổi sáng, những con người trông bực bội và mệt mỏi vì ngủ dở giấc xuất hiện tại Farragut West để đến trung tâm mua bán International Square (Quảng trường Quốc tế ở Washington DC – HD) và họ chẳng dễ dàng gì mà đổi hướng để đi đường khác cả. Họ muốn thoát khỏi sự ồn ào và vội vã, muốn tránh né những khách du lịch đi đi lại lại như những con thoi để lao tới bàn làm việc vừa vặn trước khi sếp của họ xuất hiện. Tất nhiên là họ không thích mất thời gian rồi. Thế nhưng vẫn có một nơi yên tĩnh và thoáng đãng có thể hấp dẫn họ và làm họ do dự trong vài phút. Trong cái ốc đảo này, những niềm vui hiếm hoi được thể hiện qua nụ cười thân thiện của những chàng trai và cô gái xinh đẹp ngoại quốc hấp dẫn ngày nay, một nhân viên phục vụ trong tiệm cà phê đeo bảng tên ghi dòng chữ “Maria”. Tất nhiên, tôi nghĩ ngay tới hãng Starbuck. Quán cà phê tọa lạc ngay ở một vị trí không thể khác, lối ra của trung tâm mua bán International Square. Và đây không phải là trò đùa của bến tàu điện ngầm Farragut West đâu: ngay khi bạn đi qua cửa hàng đầu tiên gần bến xe điện ngầm Farragut North lại là vô số những cửa hàng Starbuck khác. Bạn sẽ thấy những tiệm cà phê nằm ở các vị trí thuận lợi như thế trên khắp hành tinh này và phục vụ những người đi làm hàng ngày có cùng một nhu cầu dùng đồ uống. Tiệm cà phê cách lối ra của bến xe điện ngầm Dupont Circle ở thủ đô Washington khoảng mười mét có cái tên là Cosi. Trạm dừng Penn tại New York kiêu hãnh với cửa hàng bán cà phê Seattle ngay cạnh đại lộ

Eighth. Những người đi làm ở bến Shinjuku, Tokyo có thể thưởng thức cà phê Starbuck mà chẳng cần phải bước chân ra khỏi ga. Ở ga Waterloo tại London, cửa hàng AMT cũng hân hạnh phục vụ quý khách ngay tại lối ra của ga gần bờ phía Nam của dòng sông Thames. Với giá là 2,55 đô-la cho một tách cà phê Starbuck loại hảo hạng thì chắc chắn là không rẻ rồi. Nhưng tất nhiên là tôi có thể mua nó. Giống như rất nhiều người dừng chân tại quán cà phê, mỗi phút qua đi đối với tôi đều là tiền cả đấy. Chả có ai dại dột phí phạm thời gian cố gắng tiết kiệm vài xu để tìm một quán cà phê rẻ hơn vào lúc tám rưỡi sáng đúng không nào (giờ làm việc tại Mỹ thông thường là 9 giờ sáng, vì vậy 8h30 thường là thời gian rất bận rộn của họ, giống như ở Việt Nam là khoảng 7h đến 7h30 – ND). Nhu cầu cần phục vụ ở những quán cà phê có vị trí thuận lợi như thế luôn lớn tới mức lớn nhất có thể, ví dụ như ở bến tàu điện ngầm Waterloo chẳng hạn, mỗi năm có tới 74 triệu người đi qua đó. Điều này làm cho việc quán cà phê nằm ở đâu trở nên cực kỳ quan trọng.

Vị trí của quán cà phê Starbuck ở bến xe điện ngầm Farragut West thuận lợi không chỉ bởi nó nằm trên tuyến đường từ ga đợi cho tới cửa ra vào của tàu điện ngầm, mà còn bởi vì nó là quán cà phê duy nhất ở đó. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nó lại làm ăn phát đạt đến thế. Nếu bạn cũng mua nhiều cà phê như tôi thì chắc chắn bạn cũng sẽ đi đến kết luận rằng nhờ đó mà có kẻ đang trở nên giàu có quá mức. Nếu tất cả những lời kêu ca phàn nàn trên mặt báo là có thật thì cà phê cappuccino chỉ đáng giá có vài xu thôi. Tất nhiên, các mẩu tin trên báo không hé lộ cho ta biết toàn bộ câu chuyện: từ chuyện sữa cho vào cà phê tới lượng điện tiêu thụ, giá chiếc cốc uống cà phê – và chi phí trả cho mỗi nụ cười Maria phải đáp lại với những vị khách khó tính gắt gỏng mỗi ngày. Nhưng sau khi bạn tính toán tất cả thì bạn thấy rằng giá của một tách cà phê vẫn phải rẻ hơn nhiều. Theo một giáo sư kinh tế học tên là Brian McManus, cà phê bị bán đắt hơn giá thực của nó khoảng 150 xu – ví dụ chỉ mất có 40 xu để làm ra một tách cà phê phin giá 1 đô-la mà thôi và một ly cà phê sữa có giá dưới 1 đô-la được bán với mức 2,55 đôAI la. Vì vậy, đang có kẻ kiếm được ối tiền đấy. Kẻ đó là ai?

Có thể bạn nghĩ đó chính là Howart Schultz, ông chủ tập đoàn Starbucks. Nhưng câu trả lời không đơn giản như thế. Lý do chính để Starbucks ra giá 2,55 đô-la cho một tách cà phê cappuccino là bởi vì không có cửa hàng nào cạnh đó bán cốc cà phê tương tự với giá 2 đô-la cả. Vậy, tại sao lại không có ông hàng xóm nào dám bán cà phê rẻ hơn Starbucks? Tôi không hề có ý coi thường những thành quả đạt được của ngài Schultz khi nói rằng cà phê cappuccino chẳng có gì đặc biệt lắm. Không thiếu gì các loại cappuccino có thể uống được (đáng buồn thay, cũng không hiếm các loại cappuccino không thể uống nổi). Cũng chả mất nhiều tiền lắm để có thể mua một chiếc máy pha cà phê, máy tính tiền, quảng cáo xây dựng thương hiệu, phân phát cà phê khuyến mãi cho khách hàng và thuê những nhân viên phục vụ lịch sự và chu đáo.

Thậm chí muốn thì cũng có thể có một cô Maria khác nữa.

Sự thật là lợi thế lớn nhất mà Starbucks có được là do nó nằm trên trục đường có hàng ngàn người qua lại mỗi ngày. Có một số vị trí đáng mơ ước dành cho các quán cà phê, đó là lối ra của các bến tàu, xe hoặc các góc phố có đông người lui tới. Starbucks và các đối thủ cạnh tranh đã chộp lấy những địa điểm này. Nếu như thực sự Starbucks có được sức hút thôi miên đối với khách hàng như các tờ báo vẫn thường ca cẩm thì họ đã không phải bỏ ra bao nhiêu tiền để thực hiện các chiêu dụ khách như vậy cả. Điều mà Starbucks hơn hẳn các đối thủ không phải ở chất lượng cà phê của họ, cũng chẳng nằm ở đội ngũ tiếp viên xinh đẹp và lịch sự mà đó chỉ là địa thế của nó, chỉ có địa thế, địa thế mà thôi. Nhưng ai là người kiểm soát những địa thế này? Hãy thử tưởng tượng về cuộc đàm phán để thỏa thuận về hợp đồng thuê mới. Bà chủ khu International Square không chỉ tiếp riêng mỗi hãng Starbucks, bà còn có những khách hàng khác như Cosi, Caribu Coffee, thậm chí các công ty trong nước của tập đoàn DC như Java House, Swing’s, Capitol Grounds và Teaism (Các công ty ở Mỹ có hệ thống cửa hàng cà phê lớn-HD). Bà có thể ký hợp đồng với mỗi khách hàng của mình hoặc ký độc quyền với chỉ một hãng duy nhất. Bà cũng dễ dàng hiểu rằng chẳng ai háo hức rút hầu bao của mình ra cho một vị trí mà cạnh đó có cả chục quán cà phê tựa tựa như vậy, vì thế bà sẽ biết cách đẩy lợi thế của mình tới mức cao nhất trong bản hợp đồng độc quyền.

Trong công cuộc tìm ra ai là người sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận nhất, đơn giản xin bạn hãy nhớ cho rằng có ít nhất nửa tá các công ty đang cạnh tranh với nhau ngồi cùng một bên bàn đàm phán, còn bên kia là bà chủ sở hữu mảnh đất mở quán cà phê hái ra tiền. Ban đầu cứ để các đối thủ đấu đá với nhau chán chê đi đã, sau đó bà chủ cho thuê đất mới tuyên bố các điều khoản và bắt các công ty phải rút hầu bao ra với cái giá cắt cổ tới mức gần ngang bằng với số lợi nhuận trong mơ của họ. Công ty chiến thắng là công ty cũng mong kiếm được một số lãi nhất định nào đó, nhưng không quá nhiều: nếu số tiền thuê thấp đủ mức có lãi nhiều thì những công ty khác cũng chả ngần ngại gì mà không bỏ ra chút ít bạc nữa để có được nó. Có vô số những quán cà phê tiềm năng, nhưng số địa điểm hấp dẫn để mở quán cà phê thì không nhiều lắm – điều này có nghĩa là các ông chủ, bà chủ cho thuê đất là những kẻ thắng thế. Những điều trên đây đơn thuần chỉ là lý thuyết suông mà thôi. Bạn có thấy hợp lý nếu tôi đặt ra câu hỏi rằng liệu tất cả những điều này thật sự có đúng không? Sau khi kiên nhẫn nghe tôi “tra tấn” về vấn đề cà phê này, một cô gái hỏi tôi rằng tôi có thể chứng minh những gì mình nói không. Tôi thừa nhận rằng chúng chỉ là lý thuyết – nói theo như Sherlock Holmes thì đó là một chút “quan sát và suy luận” dựa trên những manh mối sẵn có. Vài tuần sau, cô ấy gửi cho tôi một mẩu tin từ tờ Financial Time với sự tham mưu của chuyên gia các ngành công nghiệp có khả năng truy cập vào các tài liệu sổ sách kế toán của những công ty sản xuất cà phê. Bài báo đó có tựa đề “Hiện tại có rất ít các công ty làm ăn phát đạt” và kết luận rằng một trong các nguyên nhân chính là do “chi phí quá lớn của việc vận hành các đại lý bán lẻ tại những vị trí trọng yếu với giá trị thương mại quan trọng.” Đọc các số liệu kế toán thì tẻ ngắt và chán chết; còn công việc của kinh tế học là làm sao để có cùng kết luận đó, nhưng phải bằng con đường thú vị hơn nhiều.

Lợi thế từ sự khan hiếm

Đọc lướt qua các quyển sách kinh tế cũ kỹ trên giá sách ở nhà, tôi tìm ra sự phân tích đầu tiên về các tiệm cà phê thế kỷ XXI. Xuất bản vào năm 1817, nhưng nó không chỉ giải thích về các cửa hàng bán cà phê kiểu mới mà còn nói rất nhiều về thế giới hiện đại. Tác giả của nó là David Ricardo7, nhờ buôn bán cổ phiếu, đã trở thành triệu phú (nếu tính theo tiền ngày nay) và sau đó là nghị sỹ. Nhưng Ricardo cũng là một nhà kinh tế học rất nhiệt huyết. Ông luôn quan tâm và tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra đối với nền kinh tế của Anh quốc trong giai đoạn ngay sau khi những cuộc chiến với Napoleon kết thúc: giá bột mỳ leo thang chóng mặt, nên giá thuê đất nông nghiệp cũng tăng không kém. Ricardo muốn biết lý do tại sao lại như vậy.

Cách dễ nhất để hiểu được phép phân tích của Ricardo là hãy dùng 7 David Ricardo (1772—1823) là một nhà kinh tế học người Anh, có ảnh hưởng lớn trong kinh tế học cổ điển sánh ngang cùng Adam Smith và Thomas Malthus. David Ricardo là người cổ vũ thương mại tự do dựa trên lý luận với lợi thế so sánh. Ông đã tiếp bước Adam Smith và đóng góp lớn vào việc phát triển thuyết giá trị lao động. Các lý luận của ông đã ảnh hưởng đáng kể đến tư tưởng kinh tế của Karl Marx. Ông cũng là một thương gia, chuyên gia tài chính, nhà đầu cơ, ông được coi là người đã tích lũy được một tài sản lớn. một trong các ví dụ của ông. Thử tưởng tượng tại một mảnh đất hoang gần biên giới mới chỉ có vài người định cư nhưng có cơ man nào là những đồng cỏ tươi tốt hứa hẹn bao mùa bội thu. Một ngày kia có một anh nông dân trẻ khỏe và hăng hái tên là Axel đến và muốn thuê một mẫu đất tốt để trồng trọt. Mọi người đều biết một mẫu sẽ thu hoạch được bao nhiêu ngũ cốc nhưng lại không biết được rằng số tiền thuê mà Axel nên trả là bao nhiêu. Vì đất bỏ hoang thì chẳng thiếu nên các ông chủ cho thuê đất không thể đưa ra cái giá quá cao được. Mỗi người đều muốn thà kiếm được chút ít còn hơn là không được đồng nào. Và thế là họ hạ giá xuống thấp hơn đối thủ của mình đôi chút cho đến khi Axel có thể bắt đầu công việc trồng trọt chăn nuôi của mình với một cái giá rất hời – cái giá chỉ đủ bù đắp cho những rắc rối mà người chủ cho thuê đất phải hứng chịu.

Bài học đầu tiên ở đây là người sở hữu một nguồn lực đáng mơ ước nào đó – như trong trường hợp này là những ông chủ cho thuê đất không phải lúc nào cũng nắm trong tay quyền lực như ai đó vẫn nghĩ. Và câu chuyện trên cũng không nói rõ rằng Axel nghèo rớt mùng tơi hay giàu đến mức có tiền giấu trong nhà, bởi vì điều này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến giá thuê đất cả. Lợi thế thương lượng nằm ở sự khan hiếm: những người định cư thì ít, đất đai đồng cỏ lại rộng mênh mông, nên các ông chủ đất hẳn là không có lợi thế thương lượng rồi.

Điều này có nghĩa là nếu sự khan hiếm tương đối chuyển từ người này sang người khác thì sự thương lượng cũng thay đổi theo. Nếu nhiều năm sau xuất hiện những người dân nhập cư tiếp bước Axel thì diện tích đồng cỏ màu mỡ bỏ không sẽ hết dần cho đến khi chả còn mảnh nào. Miễn là còn một chút đất thì sự cạnh tranh giữa những ông chủ cho thuê đất không có được người thuê sẽ giữ cho giá thuê đất rất thấp. Tuy nhiên, một ngày kia có một người nông dân hăng hái khác sẽ đi vào thị trấn – hãy gọi anh ta là Bob – và nhận thấy không còn một mảnh đất màu mỡ nào để trồng trọt cả. Những mảnh đất hoang với các bụi cây rậm thì còn đầy ra nhưng lại không hấp dẫn chút nào. Vì vậy, Bob sẽ đồng ý trả một món hời cho ông chủ nào đó nhằm hất cẳng Axel hay bất cứ nông dân nào đang canh tác trên mảnh đất có giá rẻ như cho này để cho anh ta thế chỗ. Nhưng khi Bob sẵn sàng trả tiền thuê đồng cỏ chứ không thuê những bãi đất hoang chỉ toàn bụi rậm thì tất cả những người nông dân khác cũng sẵn sàng rút hầu bao ra chứ không chịu rời đi. Mọi thứ đã thay đổi và không lâu sau, bỗng nhiên các ông chủ cho thuê đất giành được lợi thế thương lượng thực sự, bởi vì nông dân thì nhiều mà đất canh tác thì hiếm.

Điều đó có nghĩa là những người sở hữu đất đai có thể tăng giá cho thuê lên cao hơn. Nhưng nên tăng bao nhiêu? Nó phải đảm bảo cho người nông dân trồng trọt và đủ trả tiền thuê mảnh đất đó, nếu không họ sẽ canh tác trên những mảnh đất hoang đầy cỏ dại và bụi rậm và không phải trả một đồng tiền nào. Nếu sự chênh lệch giữa sản lượng hoa màu đó là năm tạ một năm thì tiền thuê cũng phải tương đương năm tạ một năm. Nếu người chủ đòi cao hơn thì những người nông dân sẽ chẳng ngần ngại gì mà bỏ đi lập nghiệp trên mảnh đất hoang. Song, nếu giá cho thuê thấp hơn thì những người đang trồng trọt ở các thửa đất bụi rậm lại cũng chẳng dại gì mà không trả hơn chút tiền để được cấy hái trên miếng đất màu mỡ hơn này.

Việc giá thuê thay đổi nhanh chóng chỉ vì có thêm một người đến nghe có vẻ hơi kỳ cục. Câu chuyện trên dường như không thật sự giải thích những gì diễn ra trên thế giới này. Nhưng phần sự thật trong nó thì nhiều hơn bạn nghĩ đấy, dù nó có hơi được phóng đại lên đi chăng nữa. Tất nhiên thế giới của chúng ta có nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm như: luật đất đai, các hợp đồng dài hạn, thậm chí những qui định mang tính văn hóa truyền thống, ví dụ như việc đuổi ai đó ra khỏi mảnh đất họ đang thuê và cho người khác thuê vào ngay ngày hôm sau là một điều gì đó “không thể”. Trong thế giới thực cũng có nhiều hơn hai loại đất canh tác, và Bob cũng có khối lựa chọn nghề nghiệp cho mình – anh có thể làm kế toán hoặc tài xế. Tất cả những điều này làm cho hoạt động sống thực sự phức tạp hơn nhiều; chúng làm cho lợi thế thương lượng thay đổi chậm hơn, chúng làm tác động tới các nhân tố liên quan và hãm phanh những biến động về giá cho thuê.

Song, sự phức tạp của cuộc sống thường ngày lại thường ẩn giấu những xu thế lớn hơn đằng sau nó khi lợi thế của sự khan hiếm chuyển từ nhóm người này sang nhóm người khác. Công việc của nhà kinh tế học là làm sao để lôi cái chu trình ẩn giấu đó ra ánh sáng. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu đột nhiên thị trường đất đai thay đổi nhanh chóng, hoặc giá nhà bỗng leo thang đến chóng mặt; hoặc tự nhiên trong một thời gian nào đấy, có thể là vài tháng bạn đến một nơi mà chỉ nhìn thấy toàn là các quán cà phê. Sự đơn giản của câu chuyện nhấn mạnh một phần của sự thật ẩn giấu – nhưng điều nhấn mạnh này lại tỏ ra khá hiệu quả trong việc che giấu một điều gì đó rất quan trọng. Đôi khi lợi thế thương lượng và sự khan hiếm tương đối lại thay đổi rất nhanh và có tác động rõ rệt lên đời sống của con người. Chúng ta thường phàn nàn về các triệu chứng như giá một tách cà phê, thậm chí giá một ngôi nhà là quá đắt. Sẽ không thể giải quyết được các vấn đề đó thành công nếu không hiểu rõ các loại khan hiếm đứng sau chúng.

Những mảnh đất “biên” mới là quan trọng

Sự thay đổi trong lợi thế thương lượng không dừng lại ở đó. Trong khi câu chuyện đất canh tác có thể biến thái nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên. Ví dụ, nếu như những người nông dân mới cứ tiếp tục kéo đến thì cuối cùng họ sẽ phải trồng trọt không những trên vùng đồng cỏ màu mỡ mà còn cả những vùng bụi rậm nữa. Khi một người định cư tên là Cornelius đặt chân tới thị trấn thì miếng đất duy nhất còn lại là những bãi cỏ dại, thậm chí còn kém màu mỡ hơn cả đất bụi rậm. Chúng ta có thể dự đoán được những cuộc đàm phán tương tự: Cornelius sẽ trả giá cao hơn để có được vùng bụi rậm kia và giá của những mảnh đất này lại tăng lên nhanh chóng, và tất nhiên giờ đây sự khác biệt giữa đất đồng cỏ màu mỡ và đất bụi rậm vẫn không thay đổi (nếu không thì người nông dân đã đổi rồi), vì vậy giá đất đồng cỏ cũng sẽ tăng theo.

Bởi thế, giá thuê đất trồng trọt sẽ luôn luôn ngang bằng với sự chênh lệch của sản lượng hoa màu giữa đất trồng trọt và bất kỳ loại đất nào trồng được mà những người mới đến không mất tiền thuê. Các nhà kinh tế học gọi loại đất khác đó là loại đất

“biên” vì nó nằm giữa loại đất được canh tác và loại đất không được canh tác. (Bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng các nhà kinh tế học suy nghĩ về các quyết định về vấn đề “biên” này khá nhiều đấy). Đầu tiên, khi đất đồng cỏ nhiều hơn người định cư thì nó không chỉ là loại đất tốt nhất mà còn là đất “biên” nữa bởi vì những người mới đến cũng có thể sử dụng nó. Bởi vì loại đất tốt nhất cũng đồng thời là đất biên nên không có khái niệm giá cho thuê ngoại trừ một khoản nho nhỏ bù đắp cho những người sở hữu đất. Sau đó, có quá nhiều nông dân đến nỗi không còn đất tốt để phân chia cho họ nữa nên vùng bụi rậm trở thành đất biên và giá cho thuê đất đồng cỏ tăng lên năm giạ một năm – đây chính là sự chênh lệch trong năng suất thu hoạch trên đất đồng cỏ và đất biên (trong trường hợp này là đất bụi rậm). Khi Conelius tới thì những bãi cỏ hoang lại trở thành đất biên, còn đất đồng cỏ sẽ trở nên hấp dẫn tương đối hơn đất biên, vì vậy các ông chủ có thể tăng giá thuê đất đồng cỏ lên một lần nữa. Ở đây cần lưu ý một điều quan trọng là không có giá trị tuyệt đối: mọi thứ so sánh với đất biên chỉ mang tính tương đối mà thôi.

Từ đồng cỏ cho tới các tiệm cà phê

Một câu chuyện ấn tượng, nhưng nếu bạn thuộc tuýp người chuộng phong cách theo kiểu phương Tây thì có lẽ bạn sẽ thích nghệ thuật dựng phim của tác phẩm điện ảnh Unforgiven (Tạm dịch là Không tha thứ- ND) hay sự cô độc về tâm lý của High Noon8 (Tạm dịch là Trưa hè nóng bỏng – ND) hơn. Vì vậy, Ricardo và tôi dường như sẽ không bao giờ đoạt giải với những kịch bản kiểu này. Song, chúng tôi có thể được lượng thứ nếu như câu chuyện nhỏ này thực sự cũng giúp cho mọi người biết được đôi điều gì đấy về thế giới hiện đại.

Chúng ta hãy bắt đầu với các quán cà phê. Tại sao cà phê ở London, Washington, New York hay Tokyo lại đắt như thế? Quan điểm chung cho rằng có lẽ cà phê đắt là do các cửa hàng phải trả giá thuê địa điểm cao. Ví dụ của Ricardo chứng minh cho chúng ta thấy lối suy nghĩ này là sai lầm, bởi vì “giá cho thuê cao” không phải tự nhiên mà có. Nó có nguyên nhân rõ ràng.

Câu chuyện của Ricardo cho thấy có hai yếu tố quyết định giá cho thuê các vị trí thuận lợi như vùng đất đồng cỏ màu mỡ: sự chênh lệch trong năng suất thu hoạch nông nghiệp trên vùng đồng cỏ đó và vùng đất “biên”; và tầm quan trọng của năng suất nông nghiệp đó. Với giá một đô-la một giạ ngũ cốc thì giá thuê đất sẽ là năm đô-la. Với giá 200.000 đô-la một giạ ngũ cốc là thì giá thuê đất sẽ là một triệu đô-la. Đồng cỏ chỉ có giá cao khi hoa màu ngũ cốc trồng trên đó có giá trị. Bây giờ hãy áp dụng lý thuyết của Ricardo vào các quán cà phê.

Giống như việc đồng cỏ chỉ cao giá khi hoa màu trồng trên đó cao giá, các ông bà chủ sở hữu đất ngày nay cũng chỉ có thể hét giá cho thuê cao ngất ngưởng khi biết chắc nếu mở quán ở đó thì khách hàng sẽ sẵn sàng trả hậu hĩnh cho mỗi cốc cà phê. Các vị khách qua lại trong giờ cao điểm chỉ mong sao được một chút đồ uống có cafein cho tỉnh táo và những lúc vội vã như thế thật sự họ cũng chả để ý đến giá cả làm gì. Sự sẵn lòng trả nhiều tiền cho những ly cà phê tiện lợi như thế chứ không phải một nguyên nhân nào khác đã đẩy cho giá thuê cửa hàng lên cao chót vót.

Những vị trí thích hợp để mở quán cà phê cũng giống những miếng đất đồng cỏ màu mỡ kia – chúng là tài sản có giá trị lớn cho mục đích kinh doanh, và không nhanh là sẽ có kẻ chộp mất. Tầng trệt của các ngôi nhà ở khu Midtown tại Manhattan là căn cứ địa riêng biệt của Starbucks, Cosi cùng các đối thủ cạnh tranh khác. Gần khu phố Dupont Circle ở thủ đô Washington, Cosi sở hữu một vị trí mặt bằng trọng yếu ở Cửa Nam, Starbucks thì chiếm vị trí tương tự ở Cửa Bắc, đấy là còn chưa kể tới khu vực đã đóng cọc chờ sẵn đối diện ga tàu điện ngầm gần đó nữa. Ở London, tập đoàn AMT có các nhà ga như Waterloo, King’s Cross, Marylebone và Charing Cross, và thực ra thì mỗi nhà ga ở London đều gắn với một trong số các hãng cà phê tên tuổi nhất. Những địa điểm này có thể được sử dụng để làm nơi buôn bán các loại xe ô tô cũ hoặc đồ ăn Trung Quốc, nhưng chả bao giờ người ta lại làm vậy. Lý do là không phải các nhà ga này không phù hợp cho loại hình kinh doanh đồ ăn Trung Quốc hay những chiếc ô tô đã qua sử dụng, mà bởi vì không thiếu gì những chỗ khác có giá cho thuê rẻ hơn mà tại đó người ta có thể bán mỳ sợi hoặc xe ô tô – những vị khách ít bận rộn hơn có thể sẵn sàng đi dạo rồi tiện thể gọi một bát hay đặt hàng một chiếc ô tô chẳng hạn. Đối với các quán cà phê hay những loại hình kinh doanh tương tự như tiệm bánh snack hay quầy bán báo, giá thuê địa điểm rẻ cũng không thể so được với số lượng khách khổng lồ chả thèm quan tâm đến giá cả đang ùn ùn kéo tới.

Những kiểu mẫu linh hoạt

David Ricardo đã cố gắng đưa ra được phép phân tích về các quán cà phê ở ga tàu điện ngầm trước khi chúng thực sự tồn tại. Đó chính là trò đùa làm cho người ta hoặc ghét hoặc thích môn kinh tế. Những người không thích nó thì lý luận rằng nếu chúng ta muốn hiểu được hệ thống kinh doanh cà phê của thế giới hiện đại vận hành ra sao thì tốt nhất là không nên lật lại phép phân tích về chuyện trồng trọt được công bố năm 1817.

Nhưng có nhiều người trong số chúng ta lại ưa thích một sự thực là từ gần hai trăm năm trước mà Ricardo đã có thể đưa ra những suy nghĩ hết sức sâu sắc giúp khai sáng tầm hiểu biết cho thế hệ con cháu ngày nay. Thật dễ dàng để nhận ra sự khác biệt giữa việc trồng trọt của thế kỷ XIX và việc kinh doanh cà phê của thế kỷ XXI, nhưng để nhìn thấy sự tương đồng trước khi chúng được chỉ ra thì quả là không dễ chút nào. Một phần của kinh tế học là đưa ra các ví dụ mẫu, chắp nối các kiểu mẫu và nguyên tắc cơ bản để quản lý những vấn đề dường như rất phức tạp như việc giá thuê đất nông trại hay các quán cà phê. Có nhiều ví dụ mẫu về kiểu quán cà phê và mỗi kiểu lại có ích cho một mục đích nhất định. Ví dụ, loại hình cà phê thiết kế và kiến trúc sẽ giúp ích cho cuộc khảo sát của những nhà thiết kế nội thất. Kiểu quán cà phê vật lý có thể phác thảo những đặc điểm nổi bật của máy móc để tạo ra một áp lực là 10 atmosphere cần thiết để pha cà phê espresso. Ngày nay, các phương pháp tiêu huỷ bã cà phê cũng đang gây nên những tác động về mặt sinh thái rất khác nhau cho môi trường của chúng ta. Mỗi kiểu ví dụ về quán cà phê đều có lợi cho những mục đích khác nhau. Nhưng “kiểu” nào vừa dùng để mô tả thiết kế, kỹ thuật, sinh thái, kinh tế thì chẳng đơn giản hơn trong thực tế chút nào và nó cũng chẳng cho chúng ta biết thêm điều gì.

Ví dụ của Ricardo hữu ích cho việc bàn luận về mối quan hệ giữa sự khan hiếm và lợi thế thương lượng, điều này vượt xa vấn đề cà phê hay trồng trọt và nói cho cùng nó giải thích khá nhiều khía cạnh trong thế giới của chúng ta. Khi những nhà kinh tế học nghiên cứu thế giới, họ thường nhìn thấy những các kiểu xã hội ẩn giấu – những điều này chỉ trở nên rõ ràng khi có ai đó tập trung vào những quá trình nằm sâu bên trong mà thôi. Sự tập trung này làm cho nhiều người phàn nàn rằng kinh tế học không quan tâm đến toàn bộ câu chuyện, toàn bộ hệ thống. Ngoại trừ việc hoàn toàn không thể nhìn thấy khác biệt quan trọng ra thì phép phân tích về việc trồng trọt từ thế kỷ XIX có thể cho chúng ta biết được sự thật gì về tình hình kinh doanh cà phê của thế kỷ XXI được chứ? Sự thật đơn giản là chúng ta sẽ không thể hiểu được bất kỳ vấn đề phức tạp nào nếu không mổ xẻ những yếu tố nhất định nào đó để nhằm giảm bớt sự phức tạp đó đi. Các nhà kinh tế học có rất nhiều vấn đề muốn tập trung xem xét. Và sự khan hiếm là một trong số đó. Sự tập trung này có nghĩa là chúng ta không chú ý đến vấn đề máy móc pha cà phê hay sự phối hợp màu sắc của các quán cà phê hoặc những điều thú vị và quan trọng khác. Chúng ta gặt hái được kết quả từ sự tập trung đó và một trong những thành quả này là sự hiểu biết về một hệ thống – hệ thống kinh tế, một hệ thống bao hàm nhiều vấn đề hơn mọi người vẫn thường nghĩ.

Mặc dù vậy, khôn ngoan hơn là nên cẩn trọng. Người ta biết rằng sự đơn giản hóa sẽ làm cho các nhà kinh tế lạc đường. Ricardo đã sớm trở thành nạn nhân đầu tiên. Ông cố gắng mở rộng ví dụ thành công rực rỡ của mình về những người nông dân và các ông chủ cho thuê đất để giải thích sự phân chia thu nhập trong toàn bộ nền kinh tế: những người công nhân sẽ nhận được bao nhiêu? Bao nhiêu cho những ông chủ cho thuê đất? Và bao nhiêu lợi nhuận sẽ chui vào túi các nhà tư bản tài phiệt? Cách thức này không hiệu quả, bởi vì Ricardo đã coi cả ngành nông nghiệp như thể là một nông trang rộng lớn chỉ có duy nhất một ông chủ sở hữu đất đai. Một ngành nông nghiệp hợp nhất sẽ chẳng thu được gì từ việc nâng cấp hệ thống đường sá, tưới tiêu bởi vì những cải thiện này sẽ làm giảm đi sự khan hiếm những mảnh đất màu mỡ. Nhưng nếu một ông chủ sở hữu đất phải cạnh tranh với những đối thủ khác thì ông ta sẽ nghĩ ra rất nhiều sáng kiến hay ho nhằm giành thắng lợi về mình. Bị bó buộc vào những chi tiết quá chuyên môn, Ricardo đã không nhận ra rằng hàng ngàn ông chủ cạnh tranh với nhau sẽ cho ra các quyết định khác nhau chứ không giống như khi chỉ có duy nhất một ông chủ.

Vì vậy, ví dụ của Ricardo không thể giải thích mọi vấn đề. Nhưng chúng ta sẽ khám phá ra rằng chính ví dụ này tự nó cũng đã đi xa hơn những gì mà tác giả của nó có thể tưởng tượng. Nó không chỉ giải thích những nguyên lý ẩn sau các quán cà phê và việc trồng trọt. Nếu áp dụng đúng, nó còn cho ta thấy rằng các quy định về môi trường có thể ảnh hưởng rất lớn tới việc phân chia thu nhập. Nó giải thích tại sao một số ngành công nghiệp có lợi nhuận rất cao chỉ là nhờ tự nhiên trong khi ở những ngành công nghiệp khác khoản tiền lãi kếch sù lại chỉ là bằng chứng chắc chắn của sự thao túng. Thậm chí nó cũng là câu trả lời cho việc tại sao những người có bằng cấp phản đối việc nhập cư của những trí thức khác, còn giới công nhân lại phàn nàn về sự di dân của những công nhân kém tay nghề khác.

Những lý do dẫn tới giá cho thuê cao

Bạn có bận tâm đến việc bị mua quá hớ không?

Tôi thì có đấy. Trong cuộc sống này có rất nhiều thứ đắt đỏ. Tất nhiên, thi thoảng điều này là do kết quả tự nhiên của sự khan hiếm. Ví dụ, không có nhiều căn hộ nhìn ra Central Park ở New York hay Hyde Park ở London lắm9. Bởi có nhiều người thích các căn hộ này nên giá của chúng rất đắt, và cuối cùng nhiều vị đã phải thất vọng vì không mua được. Điều này cũng chẳng có gì là không đúng cả. Nhưng có một điều hơi khó hiểu là việc tại sao bắp chiên bơ ở các rạp chiếu phim lại đắt như vậy – ở đấy đâu có thiếu gì thứ đó. Vì vậy, điều đầu tiên mà chúng ta muốn làm là phải phân biệt giữa các lý do khác nhau của việc tại sao nhiều thứ lại có giá cao đến vậy.

Trong những lý luận của Ricardo, có lẽ chúng ta muốn biết những nguyên nhân khác nhau dẫn đến giá hàng quá cao. Hiểu được tại sao giá đồng cỏ lại đắt thì cũng chỉ hơi thú vị thôi (trừ khi bạn là một nông dân chính hiệu) nhưng vấn đề sẽ trở nên đặc biệt hấp dẫn nếu như bạn biết lý do vì đâu mà căn hộ của bạn lại có cái giá cắt cổ như vậy, hoặc liệu xem ngân hàng có đang chơi cho chúng ta một vố không cũng nằm trong phạm vi quan tâm của chúng ta chẳng kém. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu với những đồng cỏ màu mỡ và áp dụng vào những gì mà chúng ta biết. Chúng ta biết rằng giá thuê trên các mảnh đất tốt nhất được quyết định bằng sự chênh lệch về độ màu mỡ giữa mảnh đất tốt đó và khu đất biên khác. Vì vậy, lý do dễ thấy là việc giá thuê cao có thể là mảnh đất tốt đó cho thu hoạch nhiều hoa màu ngũ cốc hơn khu đất biên kia. Như đã đề cập ở những phần trước, năm giạ ngũ cốc tương đương với năm đô-la với tỷ giá một đô-la một giạ ngũ cốc, nhưng nếu năm giạ ngũ cốc giá 200 ngàn đô-la thì năm giạ ngũ cốc sẽ đáng giá 1 triệu đô-la không hơn không kém. Nếu ngũ cốc đắt thì các khu đất đồng cỏ trồng ngũ cốc hiếm hoi có giá cao cũng là một điều hết sức tự nhiên.

Nhưng có cách khác để tăng giá đồng cỏ lên và điều này thì không được bình thường cho lắm. Hãy giả dụ rằng các ông chủ cho thuê đất cùng nhau tụ tập lại và thuyết phục cảnh sát trưởng của thị trấn rằng nước Anh cần có một thứ gọi là “vành đai xanh”, tức là một khu vực rộng lớn quanh thành phố mà các quy định về quy hoạch không khuyến khích phát triển các công trình xây dựng ở đây. Họ lý luận rằng thật là đáng tiếc nếu như những mảnh đất tự nhiên xinh đẹp lại bị bao phủ bởi các nông trang đồn điền nên việc trồng trọt cần bị cấm đoán.

Các ông chủ sẽ gắn chặt với lợi ích khổng lồ từ lệnh cấm đó, bởi nó sẽ làm tăng giá thuê trên những vùng đất được phép trồng trọt. Hãy nhớ rằng giá thuê đất đồng cỏ được quy định bởi sự chênh lệch giữa năng suất thu hoạch trên đồng cỏ đó và năng suất thu hoạch trên khu đất biên. Nếu cấm trồng trọt trên vùng đất biên thì giá thuê đất đồng cỏ sẽ tăng lên; nơi mà người nông dân đã từng có sự lựa chọn hoặc trả tiền thuê và canh tác trên đất đồng cỏ, hoặc gieo trồng trên những bãi cỏ hoang bạc màu và không phải trả cho ai đồng nào. Còn giờ đây thì chẳng còn sự lựa chọn nào nữa. Nhu cầu đất đồng cỏ tăng lên so với trước đây rất nhiều vì việc canh tác trên những vùng đất hoang đã bị cấm và tất nhiên những người nông dân sẵn sàng trả giá thuê cao hơn.

Như vậy, chúng ta có hai lý do cho việc tại sao giá thuê lại đắt. Thứ nhất là vì đất màu mỡ đáng để trả giá cao bởi nó sẽ cho năng suất thu hoạch cao. Thứ hai là trước đây có nhiều hơn một sự lựa chọn, còn giờ thì không.

Những độc giả hiện đang có nhà thuê ở London có thể nhíu mày khó chịu khi đọc đến đây. London được bao quanh bởi “vành đai xanh” đặc biệt từ những năm 1930. Có phải đó là lý do tại sao giá thuê nhà, mua nhà ở London trở nên quá đắt không phải do nó tốt hơn những mảnh đất ở nơi khác mà bởi đất ở chỗ khác đã bị cấm xây dựng rồi không?

Đó là sự kết hợp của hai nguyên nhân: đúng là London chỉ có một, đúng là London là nơi tuyệt vời cho các khu nhà sang trọng mọc lên hơn là ở Siberia, thành phố Kansas ở nước Mỹ hay thậm chí cả thủ đô Paris hoa lệ. Giá nhà ở London đắt đỏ cũng một phần là bởi lý do này. Nhưng có một nguyên nhân khác nữa giải thích tại sao giá loại hình bất động sản này ở London lại quá cao như thế: chính là do “vành đai xanh”. Một mặt, “vành đai xanh” giúp London không bành trướng ra các khu vực xung quanh – nhiều người cho rằng đây là ý kiến hay. Mặt khác, nó hỗ trợ cho quá trình chuyển tiền từ túi những người thuê mua nhà ở London sang túi các ông “địa chủ” ở đây: “vành đai xanh” làm cho giá thuê và bán nhà lên cao quá mức, giống y hệt trường hợp giá thuê đất đồng cỏ và các khu bụi rậm leo thang do lệnh cấm trồng trọt trên các bãi đất hoang tàn đầy cỏ dại.

Sự dẫn dắt này không có ý phản đối “vành đai xanh”. Có nhiều lợi ích từ thực tế trong việc giữ cho số dân cư của London dừng ở mức 6 triệu người chứ không phải 16 hay 26 triệu. Nhưng điều quan trọng là “vành đai xanh” đang được nhìn nhận dưới góc độ đúng hay sai của luật pháp nên chúng ta hiểu rằng ảnh hưởng của nó không chỉ đơn thuần là để bảo vệ môi trường. Giá thuê các văn phòng ở khu Tây London luôn cao hơn ở Mahattan hay ở trung tâm Tokyo – và sự thực là nó cao nhất thế giới. Ở đây đang giữ kỷ lục về căn hộ đắt nhất: 70 triệu bảng Anh. “Vành đai xanh” đã làm cho đất đai ở London trở nên tương đối khan hiếm với những người muốn sở hữu một ngôi nhà ở đây, và tất nhiên, lợi thế này đến từ sự khan hiếm.

Còn bây giờ là lúc bạn thử làm bài kiểm tra môn kinh tế học. Tại sao những cải thiện về chất lượng và giá cả của các dịch vụ phục vụ người đi làm bằng tàu điện từ các ngoại ô thành phố đến ga Penn của New York lại làm vui lòng bất kỳ ai đang thuê nhà ở Manhattan? Và tại sao những ông chủ bất động sản ở New York lại kém hào hứng hơn với những phát triển này?

Câu trả lời là nếu dịch vụ giao thông công cộng được cải thiện thì chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn là việc chỉ được thuê nhà trong thành phố. Khi mà hai giờ đồng hồ đi làm được rút ngắn xuống chỉ còn một tiếng và việc người ta có thể kiếm một chỗ ngồi trên tàu điện chứ không phải đứng nữa thì một số người sẽ quyết định rằng họ nên tiết kiệm tiền và dọn nhà khỏi Manhattan thì hơn. Những căn hộ không có người ở sẽ dần xuất hiện. Sự khan hiếm ít dần đi và giá cho thuê cũng sẽ giảm xuống. Việc nâng cấp các dịch vụ công này không chỉ ảnh hưởng tới những công chức đi làm hàng ngày mà nó còn tác động tới mọi cá nhân liên quan tới thị trường bất động sản New York.

Chúng ta có đang bị hớ không?

Một trong số vấn đề đối với Thám tử Kinh tế là việc bạn bắt đầu nhìn thấy các “vành đai xanh” ở dạng này hay dạng khác ở khắp mọi nơi. Làm sao chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau giữa những thứ đắt đỏ là vì chúng có rất ít trong tự nhiên và những thứ đắt đỏ do con người tạo ra như luật pháp, quy định hoặc sự chơi bẩn?

Ví dụ của Ricardo cũng có ích ở đây đấy. Chúng ta cần phải đánh giá được ranh giới nằm song song giữa những tài nguyên thiên nhiên, ví dụ như các cánh đồng hay các khu vực đông đúc và các công ty. Các cánh đồng là những cái máy giúp chuyển dạng vật chất này sang dạng vật chất khác: phân bón và hạt giống thành ngũ cốc. Các công ty cũng vậy. Nhà máy sản xuất ô tô biến thép, điện và những thành phần khác nữa thành ô tô. Trạm xăng chuyển máy bơm, những thùng nhiên liệu và địa điểm bán thành xăng trong bình xăng cho bạn. Nhà băng chuyển máy tính, các hệ thống kiểm toán hiện đại và tiền mặt thành các dịch vụ phục vụ khách hàng. Không cần vận dụng quá nhiều chất xám thì chúng ta cũng có thể thay “tiền cho thuê” trong ví dụ của Ricardo bằng “lợi nhuận”. Tiền cho thuê chính là thứ những người sở hữu đất nhận được sau khi trao đổi đất của họ; lợi nhuận là thứ ông chủ các công ty kiếm được từ nhà xưởng máy móc của mình. Hãy lấy ngân hàng ra làm ví dụ. Thử tưởng tượng rằng có một ngân hàng có các dịch vụ nghiệp vụ ngân hàng rất hoàn hảo với sự cấu kết liên hiệp mạnh mẽ với những tập đoàn khác, có thương hiệu nổi tiếng trên thì trường và sở hữu phần mềm chuyên dụng vào loại tốt nhất. Ngoài ra, có những nhân viên trình độ cao làm việc tại đó và những chuyên gia giỏi cũng xin thực tập tại đó để học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên môn. Tất cả những điều này tạo nên cái mà nhà kinh tế học John Kay10 (người cũng công khai trích dẫn ví dụ của Ricardo) gọi là “lợi thế cạnh tranh lâu dài”, tức ý muốn nói đến lợi thế cạnh tranh mang lại lợi nhuận hết năm này sang năm khác.

Hãy đặt tên cho siêu ngân hàng này là Tập đoàn Ngân hàng Axel. Còn ngân hàng thứ hai là Ngân hàng tín dụng và cho vay nợ Bob, với bộ máy tổ chức không chuyên nghiệp lắm: thương hiệu chưa uy tín, việc liên kết với các tổ chức khác không tốt. Nó hoạt động không tồi, song cũng không thật xuất sắc. Ngân hàng thứ ba, với tên tạm gọi là Ngân hàng Uỷ thác Cornelius, có cách tổ chức kinh doanh vô cùng tồi tệ: những nhân viên giải đáp thắc mắc cho khách hàng thì thô lỗ, hoạt động chi tiêu bừa bãi. Ngân hàng Cornelius làm ăn còn kém hơn Ngân hàng Bob và hoàn toàn không thể cạnh tranh nổi với Tập đoàn Axel. Những điều này làm cho chúng ta nhớ tới ba loại đất: đất đồng cỏ màu mỡ, đất bụi rậm kém màu mỡ hơn và đất hoang thậm chí còn bạc màu hơn nữa. Ba ngân hàng Axel, Bob, Cornelius cùng cạnh tranh với nhau bằng cách thuyết phục khách hàng mở tài khoản hoặc vay tiền. Song, Axel hoạt động hiệu quả đến mức họ có thể cung cấp các dịch vụ có giá rẻ hơn hoặc chất lượng tốt hơn với cùng một chi phí. Như vậy cuối năm, Axel sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn, Bob gặt hái được một con số khiêm tốn hơn và Cornelius thì thậm chí thua lỗ. Nếu thị trường trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn nữa thì Cornelius sẽ đi đến nước phá sản. Còn nếu thị trường vận động theo chiều hướng thuận lợi hơn thì có thể Ngân hàng Cornelius sẽ làm ăn khấm khá dần lên và sẽ có một ngân hàng mới kém cơ Cornelius đi vào hoạt động. Ngân hàng mới này sẽ là ngân hàng biên, rồi sẽ suy yếu đi và phá sản.

Không cần phải lật lại các bước phân tích thì chúng ta vẫn nhớ là giá cho thuê đất được quyết định bởi sự chênh lệch giữa năng suất thu hoạch trên đất đồng cỏ và năng suất thu hoạch trên đất biên – đất hoang. Tương tự, lợi nhuận của Axel được xác lập dựa trên sự so sánh với Cornelius, ngân hàng “biên”, ngân hàng mà chúng ta biết là sẽ có số lãi rất ít, thậm chí là không: lợi nhuận của các tập đoàn, giống như tiền cho thuê đất, được xác định bởi sự so sánh với lợi nhuận của các tập đoàn khác. Một công ty phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt sẽ tất nhiên sẽ có lợi nhuận ít hơn một công ty có các đối thủ nhẹ ký.

Có thể bạn đang nghĩ đến sự khập khiễng trong phép so sánh này: diện tích đất đồng cỏ là cố định, còn các công ty thì có thể phát triển. Nhưng điều này cũng chỉ đúng một phần thôi; các công ty không thể lớn mạnh sau một đêm mà không dựa vào uy tín cùng những khả năng khác của họ giúp họ thành công. Mặt khác, trong khi diện tích đất không thể thay đổi nhưng những đặc điểm khác biệt của các loại đất khác nhau sẽ thay đổi theo thời gian khi sự tưới tiêu, việc trừ sâu bệnh hay công nghệ sản xuất phân hóa học trở nên hiện đại hơn. Bỏ qua những thay đổi này, ví dụ của Ricardo chỉ giải thích được các xu hướng trong giá cả hàng hóa nông nghiệp trong vài thập kỷ chứ không thể lý giải vấn đề này trong nhiều thế kỷ, cũng như nó chỉ là cơ sở để xem xét lợi nhuận các công ty hàng năm chứ chưa đủ để đánh giá chúng qua vài thập kỷ. Tương tự nhiều ví dụ trong kinh tế học khác, phép phân tích chỉ có ý nghĩa trong một khoảng thời gian nhất định, trong trường hợp này là thời hạn ngắn và vừa. Còn trong phạm vi lớn hơn thì chúng ta cần những thí dụ khác.

Tất cả những điều này nghe có vẻ hay đấy… nhưng liệu chúng làm được gì với sự đầu cơ trục lợi của các tập đoàn?

Báo chí vẫn thường coi lợi nhuận từ các siêu tập đoàn là dấu hiệu của việc người tiêu dùng bị bòn rút tiền của. Có úng không? Không phải lúc nào cũng thế. Chỉ thỉnh thoảng thôi. Phép phân tích của Ricardo cho thấy rằng có hai lý do tại sao lợi nhuận trung bình của một ngành ví dụ như ngân hàng lại cao. Nếu khách hàng thực sự chuộng danh tiếng và những dịch vụ có quy mô lớn thì cả Axel và Bob đều sẽ kiếm được ối tiền (Cornelius là ngân hàng biên nên có lẽ không kiếm được nhiều lắm). Các nhà báo có thể than phiền về các khoản lợi nhuận kếch sù này. Nếu khách hàng không đánh giá cao các dịch vụ có quy mô lớn này thì Axel và Bob cũng chỉ hơn Cornelius chút đỉnh thôi (trong trường hợp Cornelius vẫn chỉ là ngân hàng biên và có doanh thu rất thấp), và lợi nhuận trung bình tất nhiên sẽ ở mức thấp. Song, các động cơ và chiến thuật trong các ngành công nghiệp là không thay đổi – sự thay đổi duy nhất là việc các khách hàng đánh giá cao các dịch vụ có quy mô lớn. Chả ai lừa đảo ai cả, thay vào đó Axel, Bob đang được ngợi khen vì họ đã mang đến cho khách hàng những dịch vụ hiếm có khó tìm và được ưa chuộng.

Nhưng các khoản lợi nhuận kếch sù đó không phải lúc nào cũng kiếm được chính đáng; thỉnh thoảng báo chí có chỉ ra những vụ bê bối gian lận nào đó. Có cách giải thích thứ hai cho những món doanh thu không nhỏ này. Sẽ ra sao nếu có một loại “vành đai xanh” ngân hàng nào đó hoàn toàn cô lập Cornelius ra khỏi thị trường?
Trong thực tế có nhiều lý do tại sao nhiều công ty mới và có năng lực nhưng lại không thể bước chân vào thương trường và cạnh tranh được với các công ty khác. Đôi khi khách hàng không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài chính họ: các hãng mới phải vất vả chen chân vào thị trường bởi khách hàng sẽ chỉ để ý tới những công ty có uy tín lâu năm. John Kay chỉ ra rằng những loại hàng hóa “nhạy cảm” bao gồm bao cao su và băng vệ sinh đem lại nguồn lợi nhuận đặc biệt cao vì những tay chơi mới khó có thể tìm ra phương pháp cách tân những sản phẩm này. Một hình ảnh thường thấy hơn là các hãng thường đi vận động hành lang chính phủ để yêu cầu sự bảo hộ cạnh tranh và chính phủ nhiều nước trên thế giới cấp giấy đăng ký độc quyền, hoặc hạn chế nghiêm ngặt các doanh nghiệp mới tham gia vào những ngành “nhạy cảm” như ngân hàng, nông nghiệp hay viễn thông. Dù lý do gì đi chăng nữa thì kết quả cũng chỉ có một: các công ty uy tín không phải cạnh tranh nhiều và thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Thực tế, do sự tương đương giữa các loại giá cho thuê trên các mảnh đất có ít sự lựa chọn và lợi nhuận của một hãng có ít đối thủ cạnh tranh, các nhà kinh tế học gọi những mức lợi nhuận này là “tiền thuê độc quyền”. Nghe thuật ngữ này có vẻ khó hiểu, nhưng bạn có thể đổ lỗi này cho ví dụ của Ricardo cũng như óc tưởng tượng khiêm tốn của các nhà kinh tế học từ trước tới nay.

Nếu như tôi muốn biết mình có bị các siêu thị, ngân hàng hay các công ty dược phẩm lừa đảo hay không, tôi có thể tìm ra họ đã kiếm được bao nhiêu lợi nhuận. Nếu chúng quá nhiều thì đúng là có vấn đề rồi. Nhưng nếu việc tạo lập một công ty và cạnh tranh là khá dễ dàng thì tôi chẳng có lý do gì để nghi ngờ nữa. Điều đó có nghĩa là nguồn lợi nhuận khổng lồ đó bắt nguồn từ sự khan hiếm tự nhiên: trên thế giới, thực sự không có nhiều ngân hàng uy tín và các ngân hàng uy tín này kinh doanh hiệu quả hơn hẳn những ngân hàng khác.

Giá thuê các nguồn lực

Các ông chủ cho thuê đất và các CEO không phải là những người duy nhất muốn có một sân chơi thoáng đãng và các khoản tiền thuê độc quyền. Các tổ chức công đoàn, nhóm vận động hành lang, những người học lấy bằng cấp và thậm chí chính phủ các nước cũng thích như vậy. Mỗi ngày trên thế giới người ta đua nhau tránh xa sự cạnh tranh và hẫng tay trên thành quả của những người thành công trong việc này. Các nhà kinh tế học gọi loại hành vi này là “tạo ra tiền thuê” và “tìm kiếm tiền thuê”. Để làm được điều này cũng chẳng dễ chút nào. Hóa ra thế giới tự nó đã là một nơi cạnh tranh rồi và việc tránh né nó không hề đơn giản. Nhưng điều này lại đem lại may mắn vì mặc dù cạnh tranh tạo ra sự khó khăn nếu như bạn, với tư cách là khách hàng, có cái nhìn sai lệch về nó, ngược lại nó đem lại thuận lợi nếu nó được hiểu đúng nghĩa. Tất cả chúng ta đều được lợi khi chúng ta tiếp xúc với những người phải cạnh tranh để tạo ra việc cho chúng ta làm, báo cho chúng ta đọc, những kỳ nghỉ thảnh thơi tắm nắng trên bãi biển, cũng giống như các ông chủ đất được hư cấu của chúng ta được lợi từ cuộc cạnh tranh giữa Bob và Axel. Một cách để ngăn chặn cạnh tranh là thông qua việc kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên như đất nông nghiệp. Trên thế giới có rất nhiều đất trồng trọt màu mỡ và chỉ có các cuộc cách mạng kỹ thuật nông nghiệp có thể thay đổi điều đó. Nhưng đất canh tác không phải là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn duy nhất trên trái đất này. Một ví dụ khác nữa là dầu mỏ. Ở một số nơi dầu mỏ rất rẻ như Ả-rập Xê-út, Cô-oét, I-rắc và các nước vùng Vịnh. Những nơi khác dầu mỏ có giá đắt hơn như Alaska, Nigeria, Siberi, Alberta. Và ở nhiều nơi dầu mỏ đắt đến mức người ta không dám nghĩ đến nữa. Hiện nay, một số nơi như Alberta sản xuất loại dầu có chất lượng trung bình.

Lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ cũng là một đề tài nghiên cứu của lý thuyết Ricardo về tiền cho thuê. Cho đến tận năm 1973, lượng dầu cung cấp cho toàn thế giới được sản xuất bởi các “cánh đồng dầu mỏ” chủ yếu ở Trung Đông. Mặc dù dầu mỏ có ý nghĩa to lớn với các nước công nghiệp, giá dầu vẫn ở mức rất thấp – dưới 10 đô-la một thùng theo tỷ giá hiện nay, do lúc đó dầu nhiều và có giá rẻ ở mọi nơi. Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC với các quốc gia thành viên hầu hết đều nằm trên các cánh đồng dầu mỏ vào năm 1973 đã quyết định ngừng hoạt động một số mỏ dầu, thông qua việc hạn chế lượng dầu sản xuất của các nước thành viên. Giá dầu ngay lập tức nhảy lên 40 đô-la, và sau đó là 80 đô-la theo giá ngày nay. Giá dầu luôn giữ ở mức cao trong nhiều năm vì hiện chưa có loại nhiên liệu nào thay thế được dầu mỏ. (Điều tương tự xảy ra trong ví dụ của Ricardo, đột ngột làm ngừng lại việc trồng trọt trên các đồng cỏ màu mỡ trước khi đất hoang được khai phá và do đó gây ra cơn sốt thiếu ngũ cốc tạm thời và tất nhiên, giá cho thuê đất sẽ tăng lên.)

Với mức giá là 80 đô-la một thùng dầu, hàng loạt các nhiên liệu thay thế có vẻ rất rẻ và được sử dụng trong nhiều năm như: sử dụng than đá sản xuất điện chứ không phải dầu mỏ; chế tạo ô tô chạy bằng ga kinh tế hơn; thám hiểm các mỏ dầu ở những nơi như Alberta hay Alaska. Càng ngày càng có nhiều “bãi dầu mỏ hoang” được khai thác. Để giữ giá dầu mỏ cao, OPEC buộc phải hạn chế lượng dầu cung cấp ra thị trường thế giới. Cuối cùng vào năm 1985, Ả-rập Xê-út đã không tuân thủ theo quy định đó và vẫn tiếp tục mở rộng việc khai thác. Năm 1986 giá dầu đã hạ xuống và cho tới cách đây vài năm nó vẫn theo sát mức giá sản xuất ở các mỏ dầu biên ở những nơi như Alberta – khoảng 15 đến 20 đô-la một thùng dầu. Mấy năm trước, chúng ta đã từng bị mất phương hướng bởi sự kết hợp giữa nhu cầu tăng cao không ngờ ở Trung Quốc và sự rối loạn tại các nước Ả-rập, I-rắc, Nigeria, Venezuela, tất cả những điều này đã làm cho giá dầu tăng lên hơn 50 đô-la một thùng. Nhưng thậm chí ở những mức giá thấp hơn vào những năm 1990 thì lượng dầu sản xuất ra từ những giếng dầu rẻ nhất ở Ả-rập và Cô-oét chỉ với mức giá vài đô-la một thùng thì đều là lợi nhuận ròng vì chi phí sản xuất không đáng kể. Khi nào sự phi pháp phải trả giá?

Nhiều nền kinh tế trên thế giới không được ưu đãi về các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều đó có nghĩa là người ta phải tìm những cách khác để chống lại cạnh tranh.

Một phương pháp thông thường là dùng bạo lực, nhất là trong ngành dược phẩm và các loại hình tội phạm có tổ chức khác. Những ông trùm dược phẩm không muốn các đối thủ cạnh tranh giảm giá thuốc xuống. Có thể hiểu được rằng bằng cách bắn chết hoặc nện cho nhừ tử một băng nhóm tội phạm có thể ngăn chặn các đối thủ của mình chen chân vào thị trường nên họ nghiễm nhiên hưởng khoản lợi nhuận kếch sù. Tất nhiên điều này là trái với luật pháp, nhưng đó chính là những gì diễn ra trên thương trường ngành dược phẩm; dù thế nào đi chăng nữa có thể anh sẽ phải ngồi tù nhưng nếu không dám mạnh tay mà chỉ làm theo kiểu nửa vời thì lại không có tác dụng gì. Nếu những nhà buôn bán dược phẩm muốn hưởng lợi thế từ sự khan hiếm thì họ phải mất khá nhiều công sức để làm cho các đối thủ trở nên ít đi. Trong khi đó khách hàng của họ thì khó mà đi báo cảnh sát về việc họ bị lừa đảo.

Thật không may cho những băng đảng trung bình, thậm chí bạo lực cũng không đủ để kiếm lợi. Khó khăn ở đây là những khẩu súng ngắn và các gã trẻ hung hăng đều rất nhiều. Bất kỳ băng đảng nào gặt hái được nhiều lợi nhuận đều cám dỗ những kẻ khác bước chân vào lãnh thổ đó – và do đó sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh. Nhà kinh tế học Steven Lewitt11 và nhà xã hội học Sudhir Venkatesh12 đã cố gắng nắm bắt hồ sơ của một băng nhóm đường phố Mỹ. Kết quả hóa ra “những kẻ râu ria” kia thỉnh thoảng đem về nhà chỉ có 1,7 đô-la/giờ. Viễn cảnh hưng thịnh nghe có vẻ sáng sủa, nếu kể đến tốc độ thay đổi thành viên nhanh chóng (việc người đi, kẻ bị giết xảy ra thường xuyên); nhưng thậm chí khi xét đến những viễn cảnh đó thì mức lương trung bình vẫn cứ ít hơn 10 đô-la một giờ. Con số này là không nhiều nếu giả sử rằng trong khoảng thời gian bốn năm, số thành viên băng đảng bị bắn chết tăng gấp đôi, số bị bắt giữ tăng 6 lần, nguy cơ mất mạng là 25%.

Một số tổ chức tội phạm có vẻ thành công hơn. Các tập đoàn Mafia thường nhúng tay vào những ngành kinh doanh hợp pháp, như việc giặt giũ quy mô lớn, ngành đem lại lợi nhuận chỉ khi các đối thủ tham gia bị ngăn cản. Một cách để làm nản lòng các đối thủ là đe dọa họ. Điều này khá dễ dàng, do các xe tải chở đồ giặt hay chính các đồ này cũng dễ tìm thấy và tiêu huỷ hơn là một túi cocain, thậm chí đe dọa khách hàng cũng dễ hơn. Các fan hâm mộ The Sopranos13 sẽ biết rằng Mafia cung cấp các dịch vụ giặt giũ cao giá hơn bình thường như là một cách moi tiền. Lý do rất rõ ràng: các nhà hàng đặc biệt nhạy cảm với vấn đề moi tiền, bởi vì chẳng cần lắm sự ầm ĩ thì cũng đủ để đuổi khách rồi, trong khi việc thu những đồng tiền moi từ túi khách hàng thông qua việc cung cấp các dịch vụ cắt cổ làm cho khoản phí bảo kê (tiền nộp cho Mafia) đã được khấu trừ đâu ra đấy rồi. Những ngành kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận thường thu hút nhiều đối thủ tham gia, nhưng trong trường hợp này sự cạnh tranh cho thấy kiếm một việc làm khác an toàn thì vẫn hơn. Điều này cho thấy rằng không phải bạo lực tạo nên rào chắn ngăn chặn việc tham gia thị trường cũng như việc kiếm lợi nhuận mà là tính hiệu quả của mỗi tổ chức. Ngân hàng Axel thì có, còn Ngân hàng Cornelius thì không; băng nhóm đường phố điển hình được đề cập cũng không có được điều này, còn tập đoàn Mafia chắc chắn sở hữu rất nhiều.

“Âm mưu chống lại người thường”

May thay, tại những góc sáng của các nước phát triển, chúng ta thường được bảo vệ khỏi những kẻ sử dụng bạo lực để loại bỏ cạnh tranh. Nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không có cách khác để ngăn chặn các hình thức cạnh tranh.

Các tổ chức công đoàn là một ví dụ rõ ràng. Mục đích của một tổ chức công đoàn là để ngăn chặn việc tranh giành công việc giữa các công nhân với nhau cũng như việc giảm tiền lương và các điều kiện làm việc. Nếu có nhiều nhu cầu thợ sửa điện nhưng lại có ít người có thể làm công việc này thì họ sẽ có lợi thế từ sự khan hiếm, do đó họ sẽ có được số lương hậu hĩnh cùng những điều kiện làm việc tốt nhất dù có công đoàn hay không. Nếu càng ngày càng có nhiều thợ điện, lợi thế này sẽ giảm xuống. Những thợ điện mới đóng vai trò như người nông dân Bob. Công đoàn được tạo ra một phần là để giúp cho việc thương lượng tiền lương và điều kiện làm việc của công nhân với các ông chủ, nhưng còn để ngăn chặn quá nhiều đầu người cho một công việc nào đó.

Khi quá trình cơ khí hóa trên quy mô lớn lan rộng vào thế kỷ XIX, nhu cầu tổ chức công đoàn trở nên rất lớn. Công nhân là một loại hàng hóa phong phú: tất cả tập trung tại những trung tâm đô thị, việc tìm người làm việc thay thế là một việc hết sức dễ dàng. Không có công đoàn, tiền lương của họ sẽ bị dìm xuống rất thấp. Nếu công đoàn xuất hiện, việc tranh chấp sẽ bị đẩy lùi và mức lương sẽ tăng lên cho những ai may mắn là thành viên của tổ chức này. Tại Hoa Kỳ, các tổ chức công đoàn bị gạt ra ngoài lề với bộ luật: chống độc quyền. Bộ luật này ra đời để ngăn chặn sự cấu kết thông đồng giữa các công ty lớn nhưng cũng nhằm vào các tổ chức công đoàn. Song, khi tình thế chính trị thay đổi, những bộ luật này trở nên không phù hợp và các tổ chức công đoàn lại phát triển mạnh mẽ.

Nếu các tổ chức công đoàn đặc biệt thành công thì chúng ta đã có thể hy vọng công nhân ở các ngành công nghiệp hoạt động dưới tổ chức này được trả lương khá hậu và đã có thời gian ở một số nơi xảy ra điều này rồi – như ở ngành công nghiệp sản xuất ô tô Hoa Kỳ vào các thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX. Nhưng các tổ chức công đoàn phải đối mặt với một số khó khăn. Khi chúng được coi như là cội nguồn tạo nên những nhu cầu vô lý, làm giá cả tăng đến một mức không được phần lớn công luận chấp nhận thì đến lượt công chúng lại gây áp lực cho các chính trị gia để chỉnh đốn lại công đoàn. Đôi khi số lượng các tổ chức nghiệp đoàn này bị giảm xuống do cạnh tranh quốc tế, như trong trường hợp những công nhân sản xuất ô tô ở Hoa Kỳ, họ có thu nhập rất cao cho đến khi ngành công nghiệp sản xuất xe hơi Nhật Bản có công nghệ tối tân hơn và bắt đầu đặt ngành sản xuất của Hoa Kỳ dưới một áp lực lớn.

Trong trường hợp các ngành công nghiệp đang giảm sút dần như công nghiệp đóng tàu của Anh hay ngành ô tô ở Hoa Kỳ, tỷ lệ mất việc của công nhân tăng nhanh đến nỗi các tổ chức công đoàn ở đây đang phải vất vả để duy trì giá trị khan hiếm; công đoàn không bao giờ có thể đe dọa đuổi việc người lao động với tốc độ nhanh đủ để theo kịp nhu cầu giảm biên chế đang diễn ra.

Ở những ngành công nghiệp khác thì không phải nhu cầu suy giảm của công việc mà chính các ông chủ quyền thế là nguyên nhân làm mất đi sức mạnh của công đoàn. Tại Hoa Kỳ, Wal-Mart có lợi thế thương lượng khổng lồ: chỉ có hai chi nhánh Wal-Mart có công đoàn ở Bắc Mỹ vào mùa xuân năm 2004, khi Wal-Mart tuyên bố rằng một trong hai tổ chức này (chi nhánh ở Quebec, Canada) sẽ bị đóng cửa do công đoàn ở đây đang có ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Ở Vương quốc Anh, lương giáo viên rất thấp, mặc dù đang thiếu giáo viên giỏi. Điều này là do chính phủ, một ông chủ độc quyền sở hữu lợi thế cạnh tranh khổng lồ. Thông thường, khi thiếu công nhân thì sự cạnh tranh giữa các ông chủ sẽ đẩy mức lương lên cao. Chỉ có một ông chủ độc quyền mới có thể duy trì tình thế giáo viên thì thiếu nghiêm trọng nhưng lương của họ lại không tăng lên chút nào. Các giáo viên có một lợi thế nhất định nào đó từ sự khan hiếm nhưng trong trường hợp này chính phủ còn có lợi thế nhiều hơn.

Những công chức khác như bác sỹ, chuyên viên thống kê, kế toán và luật sư thì cố gắng duy trì mức thu nhập cao của họ hơn là trông chờ vào công đoàn, họ lập ra các “vành đai xanh” ảo để gây khó khăn cho các đối thủ tiềm năng. Những “vành đai xanh” ảo này sẽ bao gồm những khoá học kéo dài cũng như việc tạo các cơ quan thẩm định chỉ cấp giấy phép hành nghề cho một số lượng nhất định các học viên mỗi năm mà thôi. Nhiều tổ chức được đặt ra để bảo vệ chúng ta khỏi những nhân viên “không có chuyên môn” nhưng thực tế lại phục vụ việc cân bằng tỷ lệ cao những người “có chuyên môn” xuống cho bằng những người “không có chuyên môn”. Thật ra nói thẳng thắn thì nhiều người trong chúng ta rất thích xin tư vấn luật pháp từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm dù họ không có bằng cấp chính thức – thậm chí là những lời khuyên trong lĩnh vực y khoa từ các sinh viên y khoa, bác sỹ nước ngoài, hay các nhà trị liệu cổ quái. Nhưng các chuyên gia về luật pháp hay y khoa này lại làm hết sức mình để hạn chế những chuyên gia được đào tạo bài bản và ngăn chặn tất cả những đồng nghiệp nào cạnh tranh mức giá kinh doanh với mình: nếu bạn không thể trả giá thuê đồng cỏ thì bạn cũng không được thuê đất bụi rậm và đất hoang. Không ngạc nhiên lắm khi George Bernard Shaw nói rằng các chuyên gia đều có những “âm mưu chống lại những người bình thường”.

Và vấn đề gây tranh cãi hiện nay

Di dân luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm đối với Hoa Kỳ và mặc dù an ninh quốc gia đang trở thành vấn đề được quan tâm thì cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục xoay quanh câu hỏi cũ rích: những người nhập cư có lấy mất việc làm của người Mỹ không? Họ có thể lấy của bạn, nhưng không lấy của tôi.

Những công nhân có trình độ cao với những công việc đòi hỏi kỹ năng và đào tạo bài bản cùng những doanh nhân cần lao động rẻ có xu hướng coi sự di dân như là một quá trình làm giàu cho quốc gia, vừa làm phong phú đời sống văn hóa, vừa góp phần tăng thu nhập cho nền kinh tế, trong khi những công nhân kém tay nghề thường phản đối bất kỳ sự nhập cư nào của những người có cùng trình độ với họ với lý do là “họ sẽ nẫng mất công việc của chúng tôi”. Có lẽ bấy nhiêu đã đủ cho một bức tranh biếm họa nhiều màu sắc, nhưng đứng từ quan điểm về lợi ích cá nhân thì nó cũng có lý ở một mức độ nào đó.

Với tư cách là một trong những công chức lành nghề, tôi không thích sự phản đối những người di dân và muốn có nhiều người nhập cư hơn nữa. Nhưng sau đó, tôi còn muốn nữa không? Nếu bạn cần những lao động cả lành nghề lẫn không lành nghề để làm việc thì tôi sẽ có lợi rõ ràng khi có nhiều những công nhân có trình độ tay nghề kém chuyển tới quốc gia của mình, còn điều này lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến những người kém năng lực đang làm việc trong nước.

Thử tưởng tượng tôi và anh bạn tôi – những công dân có trình độ học vấn cao là những ông chủ cho thuê đất, nhưng thay vì sở hữu “đồng cỏ” thì chúng tôi có “bằng cấp”. Kỹ năng và học vấn của tôi là một nguồn lực, giống như đồng cỏ vậy. Nhưng kỹ năng của tôi có phải là một nguồn lực khan hiếm hay không? Hãy hình dung tôi làm việc trong đội ngũ quản lý của Wal-Mart. Khi những kỹ năng cơ bản của tôi được kết hợp với sự lao động chăm chỉ của những phụ tá bán hàng cùng những người xếp các giá hàng nên chúng tôi là một đội rất năng suất. Ai sẽ được hưởng số tiền thu được phụ thuộc vào việc khả năng của ai mới là hiếm. Nếu nước Mỹ thiếu những người xếp các giá hàng có trình độ chuyên môn vừa phải thì họ sẽ tăng mức lương lên cao để thu hút công nhân. Nhưng nếu họ lại thiếu những người quản lý giỏi và thừa những người xếp giá hàng hạn chế về chuyên môn thì tôi sẽ được trả hậu cho giá trị khan hiếm của tôi, cũng như các ông chủ cho thuê đất thu được lợi nhuận cao vì thiếu đất khi những người nông dân xuất hiện thêm. Một số người cho rằng việc phản đối việc di dân của tầng lớp công nhân là do nạn phân biệt chủng tộc. Một lý luận khác thuyết phục hơn cho thấy rằng mọi người đều hành động vì quyền lợi của mình trước tiên. Những công nhân mới giúp đem lại lợi ích cho những người sở hữu tài sản ngày càng khan hiếm đi, cho dù tài sản đó có là đồng cỏ hay bằng cấp đi chăng nữa; nhưng nếu những công nhân này bị thù ghét bởi những công nhân trong nước thì cũng là điều dễ hiểu. Thực ra, những người bị đe dọa nhiều nhất từ việc nhập cư là những người nhập cư trước đó, họ thấy mức lương của mình cứ ngày càng bị giảm xuống thảm hại.

Sự thật này ủng hộ việc áp dụng lý thuyết của Ricardo vào thực tiễn di dân. Những người dân nhập cư có năng lực giỏi làm hạ mức lương của những công nhân bản địa có trình độ chuyên môn cao, những người dân nhập cư kém năng lực làm hạ mức lương của những công nhân bản địa có trình độ tương tự. Ở Anh, thu nhập của các y tá làm việc trong ngành Y tế ở mức rất thấp do làn sóng di dân của 30.000 y tá từ các quốc gia khác; những người nhập cư vào Anh có bằng đại học nhiều gần gấp rưỡi những người bản địa. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, quốc gia có tỷ lệ những người nhập cư có trình độ thấp nhiều hơn ở Anh, thì mức lương của những công nhân có tay nghề kém vẫn giữ ở mức thấp: thu nhập của họ trong 30 năm không hề được cải thiện.

Các nhà kinh tế học nên làm gì?

Trong suốt chương này chúng ta tư duy theo lối tư duy của các nhà kinh tế học.

Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta đã dùng một ví dụ kinh tế điển hình để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về những tình huống và lĩnh vực khác nhau. Chương này đã chuyển đổi từ phép phân tích nghe có vẻ khách quan của người kinh doanh cà phê cho tới những phạm vi chính trị nguy hiểm của việc hạn chế quy hoạch xây dựng và việc di dân.

Một số nhà kinh tế học sẽ nói rằng giữa sự phân tích của họ về giá thuê các tiệm cà phê và sự di dân chẳng có gì khác nhau. Về cơ bản thì đúng như vậy. Kinh tế học giống với ngành thiết kế và xây dựng máy móc; nó cho bạn biết mọi thứ vận hành thế nào và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thay đổi chúng. Nhà kinh tế học có thể chỉ ra việc cho phép những công nhân lành nghề nhập cư sẽ giúp kiểm soát khoảng cách giữa mức lương của người có trình độ cao và người có trình độ thấp trong khi việc cho phép những người nhập cư có tay nghề yếu sẽ gây ra hậu quả ngược lại. Song, những gì mà các quốc gia và chính phủ của họ làm lại là chuyện khác.

Mặc dù sự thật là kinh tế học tự nó là một công cụ phân tích khách quan nhưng không có nghĩa là các nhà kinh tế học luôn luôn khách quan. Các nhà kinh tế học nghiên cứu sức mạnh, sự nghèo đói, tăng trưởng và phát triển. Thật khó để sử dụng những ví dụ của các đề tài này và giữ nguyên chúng trong khi thế giới quanh ta thì thay đổi hàng ngày. Vì vậy, các nhà kinh tế học thường bước chân qua lãnh địa của những chuyên gia nghiên cứu chính sách kinh tế và trở thành những người ủng hộ. Ví dụ, David Ricardo là một người ủng hộ rất sớm cho chế độ thương mại tự do. Ông được người bạn là James Mill khuyến khích tham gia tranh cử vào quốc hội; sau đó ông giành được một ghế vào năm 1819 khi ông đấu tranh cho sự bãi bỏ Luật Ngũ cốc, bộ luật cấm nhập khẩu ngũ cốc vào nước Anh. Lý thuyết của Ricardo đề cập rõ ràng rằng Luật Ngũ cốc chỉ làm công việc moi tiền từ túi người dân trong nước đổ vào túi các ông chủ cho thuê đất. Ricardo không hài lòng với việc đứng nhìn những tác động của bộ Luật Ngũ cốc, ông muốn xoá bỏ chúng.

Các nhà kinh tế học đi tới cùng một kết luận ngày nay về luật bảo hộ, vấn đề chúng ta sẽ xem xét trong Chương 9, bộ luật bảo vệ những đặc quyền của các tập đoàn có tiếng nói lớn về chính trị thông qua tiền của hầu hết những công dân của chúng ta ở các nước phát triển và cả những nước đang phát triển. Hàng tỷ người trên thế giới có thể được hưởng lợi từ những chính sách kinh tế hiệu quả hơn. Trong khi hàng triệu người đang chết dần chết mòn bởi những chính sách sai lầm. Đôi khi khoa học lý luận của kinh tế học hấp dẫn tới mức các nhà kinh tế không thể khoanh tay đứng nhìn.

Chú thích:

6 Antwerp: thành phố Đông Bắc nước Bỉ.

7 David Ricardo (1772—1823) là một nhà kinh tế học người Anh, có ảnh hưởng lớn trong kinh tế học cổ điển sánh ngang cùng Adam Smith và Thomas Malthus. David Ricardo là người cổ vũ thương mại tự do dựa trên lý luận với lợi thế so sánh. Ông đã tiếp bước Adam Smith và đóng góp lớn vào việc phát triển thuyết giá trị lao động. Các lý luận của ông đã ảnh hưởng đáng kể đến tư tưởng kinh tế của Karl Marx. Ông cũng là một thương gia, chuyên gia tài chính, nhà đầu cơ, ông được coi là người đã tích lũy được một tài sản lớn.

8 Unforgiven, High Noon: tên hai bộ phim cao bồi nổi tiếng của Mỹ sản xuất năm 1952, ND.

9 Những khu vực rất sang trọng và có giá rất đắt ở Washington và London, ND. 10 Nhà kinh tế học hàng đầu nước Anh, đồng thời cũng là nhà tư vấn, điều hành doanh nghiệp, giảng dạy và đầu tư. Ông quan tâm đến mối quan hệ giữa kinh tế và kinh doanh.

11 Steven Levitt (sinh năm 1967): là kinh tế học xuất chúng của Mỹ. Ông là đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Freakonomics mà Alpha Books đã xuất bản năm 2007 dưới tên Kinh tế học hài hước. Levitt còn được chọn vào danh sách “100 người định hình thế giới” năm 2006 của tạp chí Time.

12 Sudhir Venkatesh: Giáo sư Xã hội học và nghiên cứu Mỹ-Phi, Giám đốc nghiên cứu, Đại học Chicago.

13 Loạt phim truyền hình về các băng đảng tội phạm Mafia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.