Thám Tử Kinh Tế

10 – TẠI SAO TRUNG QUỐC LẠI TRỞ NÊN GIÀU CÓ?



“Lạy Chúa tôi,” tôi lẩm bẩm.

Tôi đang đứng cùng vợ mình trong Công viên Nhân Dân tại trung tâm của Thượng Hải. Công viên Nhân Dân là công viên trung tâm của thế kỷ XXI. Nó cho tôi cái cảm giác đông đúc khủng khiếp như lần đầu tiên tôi đến Mahattan vậy. Đi bộ vào phía trong công viên sẽ cho chúng ta cảm nhận được ảnh hưởng sống động đầy đủ của những tòa nhà chọc trời của Thượng Hải. Một bên là tòa nhà Chrysler được thiết kế theo lối hiện đại, với một chiếc vương miện đẹp mắt gồm bốn múi bằng gương gặp nhau tại một giao điểm hoàn hảo không chê vào đâu được. Toàn bộ tòa tháp được xoay 45 độ quanh một chiếc trục để cho 40 tầng trên nằm chéo so với 40 tầng dưới. Một tòa nhà khác hãnh hiện với một trục trung tâm bằng kính rất lớn với 60 tầng treo lơ lửng bên trên thành phố. Song, không phải mọi thiết kế đều đạt trình độ mỹ quan hoàn hảo nhất. Một tòa nhà có mái vòm trông không khác gì một chiến hạm trong đội đĩa bay xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh về đề tài đĩa bay từ những năm 1950. Phải có đến 30 tòa nhà cao chọc trời mà một nửa tá trong số đó có những quy mô hết sức kỳ quái. Và tất cả đều mới toanh.

“Ôi lạy Chúa tôi!” – Fran thốt lên.

“Lần cuối cùng, em đến Thượng Hải là vào năm nào?”

“Mười năm trước”

“Có bao nhiêu trong số những tòa nhà này đã xuất hiện từ lúc đó?” – Cô ấy suy nghĩ một lúc.

“Anh nhìn thấy tòa nhà kia chứ?”

“Toà nhà văn phòng hình hộp 40 tầng kia phải không?”

“Không, tòa nhà em nói đến ở bên dưới tòa nhà đó.” Cô ấy chỉ tay về phía một tòa nhà 12 tầng xây bằng gạch đỏ, với mỗi mặt được thiết kế nhỏ lại theo những kiến trúc hiện đại hơn.

“Có. Anh nhìn thấy rồi.”

“Mười năm trước nó là vị quán quân về độ cao đấy.”

“Lạy Chúa tôi,” tôi lẩm bẩm.

Tham vọng của những tòa nhà cao chọc trời này quả thực làm chúng ta vui mừng. Chỉ trong một thập kỷ, những kiến trúc sư ở Thượng Hải đã biến nơi đây thành một bản sao đẹp mắt của Mahattan. Những người sống ở New York có ý kiến thế nào thì tôi không rõ, chứ chúng làm cho những công dân London như chúng tôi cảm thấy nơi đây chẳng khác gì những quả bí ngô ở ngoài ruộng cả.

Tuy nhiên, có thể mọi chuyện đã có thể khác đi. Trong gần hết thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn còn nghèo hơn cả Cameroon. Vào năm 1949, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa ra đời thì quốc gia lớn nhất thế giới này vẫn còn bị chiến tranh tàn phá và chính quyền vẫn ở trong tay những nhà cộng sản. Vào cuối những năm 1950, hàng triệu người đã chết đói do những chính sách thất bại của chính phủ. Vào những năm 1960, hệ thống đại học sụp đổ bởi Cuộc Cách mạng Văn hóa đã đẩy hàng triệu trí thức về lao động tại nông thôn. Sau tất cả những sự kiện này, Trung Quốc đã làm thế nào để có thể trở thành nhân vật chính cho câu chuyện về sự thành công trong kinh tế vĩ đại nhất như thế?

Hai cuộc cách mạng nông nghiệp

Một chuyến du ngoạn tới Thượng Hải cũng đủ để bật lên câu hỏi đó trong đầu bạn. Và manh mối cho câu trả lời có thể được tìm thấy khắp đất nước Trung Quốc. Tôi thấy một số trên chuyến tàu đến một thành phố lục địa của Trung Quốc mang tên Trịnh Châu.

Tự chuyến tàu đã là một manh mối đầu tiên rồi: nó nhanh hơn, thoải mái hơn và đúng giờ hơn những chuyến tàu ở nước Anh. Hệ thống đường sắt và tàu điện ở Trung Quốc tỏ ra cực kỳ ưu việt. Thứ hai, người Trung Quốc dường như có một hệ thống giáo dục tuyệt vời. Tôi đã bị đánh bại hoàn toàn nhưng rất lịch sự khi chơi cờ với một tiến sỹ kinh tế, một người thanh niên trẻ, chưa bao giờ ra khỏi đất Trung Quốc nhưng lại nói tiếng Anh rất trôi chảy và thông thạo. Thứ ba, mặc dù chuyến tàu đó đông nghẹt người nhưng có rất ít trẻ em cũng như những gia đình đông con. Chính sách “một con” của quốc gia này đã tạo nên một xã hội nơi người phụ nữ có thời gian để làm việc và phần đông dân số là những người không già cũng không trẻ mà ở tầm tuổi trung bình lao động tích luỹ cho tương lai. Những khoản tích luỹ khổng lồ này sẽ cung cấp nguồn đầu tư lớn cho đường sá, tàu điện và nhiều thứ khác nữa. Trung Quốc rõ ràng đã có những nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng, vốn do sự phát triển kinh tế theo lối truyền thống yêu cầu. Nhưng không phải lúc nào cũng luôn như vậy, mặc dù những nguồn lực này được sử dụng rất hiệu quả. Chúng ta đã biết rằng nếu không có những động lực đúng đắn thì chúng sẽ bị lãng phí.

Dưới chính quyền của Mao Trạch Đông, sự lãng phí đó đã được ghi lại thành tích. Những nỗ lực phát triển đầu tiên được thực hiện theo hai hướng: đầu tư lớn vào ngành công nghiệp nặng như thép, cộng với sự ứng dụng những kỹ thuật trồng trọt đặc biệt để bảo đảm nuôi sống số dân đông đúc của Trung Quốc. Sự tập trung trong chính sách như vậy âu cũng là điều dễ hiểu. Các tỉnh phía bắc của quốc gia này rất giàu khoáng sản như than đá có chất lượng rất cao với trữ lượng đủ đáp ứng cho cuộc cách mạng về kinh tế ở trong nước. Than đá, thép và các ngành công nghiệp nặng đã trở thành cơ sở cho cuộc cách mạng công nghiệp của những ngành kinh tế dẫn đầu trên thế giới như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Đức. Trong khi đó, nông nghiệp lại là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc bởi nước này chỉ có vừa đủ số diện tích đất màu mỡ để nuôi sống mấy trăm triệu dân của mình mà thôi. Từ cửa sổ con tàu tới Trịnh Châu, tôi nhìn ra Hà Nam, tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc. Đó là một vùng sa mạc lạnh tê người.

Sự thúc đẩy theo hai hướng này được gọi là “Đại nhảy vọt”. Dường như điều này nghe có vẻ có lý nhưng thực ra nó là sự thất bại lớn nhất về kinh tế mà loài người được chứng kiến. Mao đã thực hiện một chính sách kinh tế dựa trên một giả thuyết ẩn giấu là nếu mọi người cố gắng hết sức thì không có gì lại không làm được. Chỉ riêng nhiệt huyết không thôi đã là đủ. Những người dân được lệnh phải xây dựng những lò thép nhưng lại không có quặng sắt để cho vào trong đó. Một số người còn nấu chảy những dụng cụ rất tốt bằng sắt và thép, thậm chí cả tay nắm cửa ra vào, để đáp ứng chỉ tiêu nhà nước giao cho. Thậm chí bác sỹ tư của ngài Mao cũng rất nghi ngờ về sự khôn ngoan của chính sách “nấu chảy dao để sản xuất dao”. Các loại thép ra đời từ những chiếc lò như vậy đã không thể sử dụng được.

Nếu như chính sách công nghiệp là một vở hài kịch thì chính sách nông nghiệp lại là một bi kịch không hơn không kém. “Đại nhảy vọt” đã lôi kéo biết bao người lao động rời bỏ mảnh đất của mình đến làm việc trong những lò nung hay làm việc tập thể như be đập, làm đường. Mao Trạch Đông còn ra lệnh cho người dân phải bắn chết hết các loại chim ăn ngũ cốc và kết quả là nạn sâu bọ hoành hành xảy ra như một tất yếu. Mao còn tự ý “sáng tạo lại” các kỹ thuật chỉ rõ cần trồng lúa sát nhau hơn và gieo hạt sâu hơn để tăng năng suất. Các cây lúa bị trồng quá gần nhau đã không thể phát triển nổi song những đảng viên sốt sắng muốn làm hài lòng Mao đã dàn dựng nên những thành công cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp. Khi Mao Trạch Đông đi thị sát bằng tàu để chiêm ngưỡng những thành quả của chính sách mình đưa ra thì các đảng viên công chức tại địa phương đã xây dựng những chiếc lò dọc hai bên đường và mua lúa từ những nơi khác về để cấy lại theo đúng mật độ đã được chỉ thị tại những cánh đồng liền sát ngay đó. Thậm chí màn kịch này còn không thể duy trì được nếu thiếu những chiếc quạt điện để làm thoáng khí và ngăn không cho những cây lúa này bị thối rữa.

Tất nhiên là sản lượng nông nghiệp sụt giảm thảm hại. Nhưng thậm chí điều này cũng không đến mức tai hại như thế nếu chính phủ không ngoan cố cho rằng chính sách này vẫn đang rất hiệu quả. Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đưa ra vấn đề nạn đói kém trong một cuộc họp bộ trưởng thì thậm chí ông đã bị phạt và còn bị yêu cầu phải viết một bản “tự phê bình”. Những nhân vật kém thế lực hơn – những người phủ nhận rằng Trung Quốc đang đạt được thặng dư trong kinh tế đã bị tra tấn dã man. Trong khi sản lượng nông nghiệp sụt giảm thì xuất khẩu ngũ cốc từ năm 1958 đến năm 1961 của Trung Quốc vẫn tăng gấp đôi như một biểu tượng của sự thành công. Tại tỉnh Hà Nam, sau 45 năm chúng tôi đang đi du lịch thoải mái thì trước đây, những kho lương thực của nhà nước chứa đủ lương thực cung cấp cho người dân nhưng lại bị đóng cửa vì quan điểm của chính quyền nơi đây là lương thực vẫn đang thừa mứa. Trong khi đó, người dân vẫn chết đói trong tuyết lạnh ngoài kia. Một số người còn không được chôn cất tử tế, những người khác bị chính những người trong gia đình vì đói quá mà phải ăn thịt nhau; không có số phận nào khác dành cho họ.

Ước tính về những thương vong về con người trong nạn đói là khoảng từ 10 triệu đến 60 triệu người, tức là xấp xỉ toàn bộ dân số của nước Anh, hoặc của bang California và Texas cộng lại. Thậm chí sau đó, các quan chức của chính phủ còn thừa nhận là có 30 triệu người đã chết, mặc dù họ đổ lỗi cho thời tiết xấu.

Trong “thế giới sự thật” đã mô tả trong Chương 3, những thảm họa như thế không thể xảy ra được. Tất nhiên không thể tránh khỏi những sai lầm, có lẽ sai lầm còn nhiều hơn mức dự kiến. Nhưng những sai lầm đó thường chỉ nhỏ thôi mà chúng ta hay gọi là những “cuộc thí nghiệm”. Nếu những nhà tư bản có ủng hộ chúng thì họ cũng không mong nhiều thí nghiệm đó sẽ thành công. Khi chúng thành công, chúng sẽ làm cho một số người giàu lên và mang sự đổi mới đến cho cả nền kinh tế. Khi chúng thất bại, mà cũng thường là như thế, thì một số người sẽ đi vào con đường phá sản, nhưng chẳng có ai chết cả. Chỉ có những nền kinh tế mệnh lệnh (kinh tế kế hoạch hóa tập trung) mới có thể thúc đẩy sự thử nghiệm trên một phạm vi rộng lớn chết người và đàn áp sự chỉ trích có lý như thế. (Mao không “cô đơn” đâu, Chủ tịch Xô Viết, Nikita Khrushchev, cũng đã phạm phải một sai lầm tương tự khi sau chuyến thăm đến Hoa Kỳ, ông đột ngột ra lệnh cho người dân Xô Viết phải nhổ cây đang trồng đi và thay thế bằng một loại ngũ cốc mà ông đã nhìn thấy người ta trồng tại Iowa. Sự thất bại quả là kinh hoàng.) Cũng cần phải nhớ rằng những thất bại của thị trường, đôi khi rất nghiêm trọng, cũng không bao giờ lại đến nỗi bi kịch như những thất bại tồi tệ nhất của chính phủ của Mao cả.

Năm 1976, sau rất nhiều những tội ác gây ra cho những người dân của mình, Mao Trạch Đông đã qua đời. Sau một thời gian ngắn, ông và người kế nhiệm được thay thế bằng Đặng Tiểu Bình cùng những cộng sự đáng tin cậy vào tháng Mười hai năm 1978. Chỉ năm năm sau đó, nền kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi đến mức không thể tin nổi. Sản lượng nông nghiệp, điều luôn luôn là vấn đề gây đau đầu nhất cho các lãnh đạo Trung Quốc, đã tăng lên 40%. Tại sao? Bởi các nhà hoạch định chính sách đó đã mang “thế giới sự thật” đến Trung Quốc. Như chúng ta đã biết ở Cameroon, sự khuyến khích đã làm nên chuyện. Trước năm 1978, Trung Quốc có những biện pháp khuyến khích vào loại kỳ quặc nhất trên thế giới.

Trước khi ngài Đặng nắm quyền, nông nghiệp được tổ chức theo kiểu hợp tác xã gồm từ 20 đến 30 hộ gia đình. Người dân được khen thưởng theo “điểm công”, tức là điểm được tính theo sản lượng của cả một tập thể chia trung bình. Do vậy, dù có nỗ lực nhiều hơn hay khéo léo hơn trong công việc thì cũng có rất ít cơ hội cải thiện cho từng cá nhân. Vì vậy, người ta cũng ít khi nhìn thấy sự tiến bộ trong sản xuất. Chính phủ cũng mua và phân phối lại lương thực từ các vùng miền để tạo nên thặng dư, song lại mua với giá hết sức rẻ mạt nên không khuyến khích được những vùng có đất đai màu mỡ tận dụng tối đa tiềm lực nông nghiệp của mình. Nhiều người lao động ở nông thôn đã bị thất nghiệp. Cái hệ thống được tạo ra để thúc đẩy sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc tăng cũng như đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân thì thực ra lại phá huỷ chính quốc gia này. Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc tính trên đầu người vào năm 1978 cũng thấp không kém gì những năm 1950, chỉ trước khi diễn ra “Đại nhảy vọt”.

Đặng Tiểu Bình không có nhiều thời gian cho những sự điên rồ ấy và bắt tay ngay vào một cuộc cải cách với tuyên bố “chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là nghèo đói”. Để cải thiện nông nghiệp, ông đã đưa ra những biện pháp khuyến khích đúng đắn. Ông đã bắt đầu bằng việc tăng giá mua của chính phủ với hoa màu của nông dân lên gần 1/4. Giá trả cho những hoa màu thừa ra đã tăng lên 40%, điều này đã tạo nên sự khích lệ đáng kể cho những khu vực có đất đai màu mỡ tích cực sản xuất nông nghiệp.

Cùng lúc đó, một vài hợp tác xã đã thử nghiệm hình thức trao đất đến từng hộ dân. Thay vì kiểm soát, giờ đây chính phủ đã cho phép sự cải tiến để xem nó có hiệu quả không, giống như nền kinh tế thị trường cho phép những thử nghiệm ở quy mô nhỏ. Các hộ được thuê đất từ các hợp tác xã có động lực sản xuất hơn lúc nào hết và nghĩ ra những sáng kiến trong công việc vì bây giờ họ chính là người hưởng trực tiếp những thành quả mình làm ra. Ngay lập tức, sản lượng nông nghiệp đã tăng lên đáng kể. Thí nghiệm được nhân rộng: năm 1979 chỉ có 1% các hợp tác xã sử dụng “hệ thống hộ gia đình tự chịu trách nhiệm”, năm 1983 con số này đã lên tới 98%.

Những cải cách này còn đi liền với nhiều sự tự do nữa: giá bán lẻ các loại ngũ cốc được phép tăng càng khuyến khích nông dân sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu. Những hạn chế thương mại giữa các vùng được giảm bớt, vì vậy mỗi vùng có thể có được lợi thế so sánh của mình. Chỉ tiêu sản xuất cũng được dỡ bỏ luôn từ đó.

Kết quả thật ấn tượng: sản lượng nông nghiệp đã tăng 10% mỗi năm từ nửa đầu những năm 1980. Và còn ấn tượng hơn nữa khi biết rằng một nửa số tăng trưởng đó không phải được mang lại bằng cách lao động chăm chỉ hơn hoặc có sự trợ giúp của máy móc mà là do những phương pháp canh tác và thu hoạch hiệu quả hơn. Phần lớn trong số năng suất tăng lên đó trực tiếp là do sự phá bỏ hệ thống hợp tác xã. Trong vòng năm năm sau cuộc cải cách, thu nhập thực tế trung bình của những người dân đã tăng lên gấp đôi. Không phải Mao Trạch Đông mà chính là Đặng Tiểu Bình mới là người đã đạt được “Đại nhảy vọt”.

Tất cả những số liệu này sẽ được thấm thía nhất bằng cách quay trở lại Chương 3 và thế giới sự thật. Một phần vì tình cờ, một phần vì hơi xao lãng, một phần bởi sự tính toán của mình, Đặng đã mang thế giới sự thật đến với nền nông nghiệp Trung Quốc. Những ai có những ý tưởng độc đáo, có may mắn và làm việc chăm chỉ nhất định sẽ trở nên giàu có. Những tư tưởng cổ hủ lạc hậu được xoá bỏ nhanh chóng. Những cải cách đổi mới lan rộng mau lẹ. Những người nông dân trồng nhiều hơn những cây lương thực có giá trị kinh tế cao và ít tập trung hơn những loại cây khó trồng; tất cả những điều này là kết quả tất yếu của việc ứng dụng hệ thống giá cả. Trung Quốc đã phải đi dần trên con đường được gọi là tư bản chủ nghĩa đó.

Cuộc hành trình đó không thể đến đích chỉ với con đường lúa gạo. Thành công của những cải tiến về nông nghiệp đã tạo ra động lực và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân để Đặng Tiểu Bình tiếp tục. Sự chú ý cần được hướng vào phần còn lại của nền kinh tế, vào những thành phố như Trịnh Châu.

Đầu tư cho tương lai

Trịnh Châu không phải là một thành phố lộng lẫy như Thượng Hải. Nó thô kệch, xấu xí và đông dân, mặc dù đó là nơi giao nhau với một tuyến đường sắt lớn thì nó vẫn có vẻ gì đó hoang dã: chúng tôi đã ở Trịnh Châu gần một tuần mà không nhìn thấy bất kỳ một vị khách nước ngoài nào ở đây mặc dù Trịnh Châu cũng hấp dẫn theo cách riêng của mình như Thượng Hải vậy. Một thành phố với kích cỡ tương tự London, cách xa thế giới phương Tây, được miêu tả đầy trìu mến trong cuốn sách hướng dẫn du lịch của chúng tôi như sau: “một mô hình mở rộng của kiểu quy hoạch nhầm của thành phố”, Trịnh Châu ít nhất cũng thể hiện được rằng cuộc cách mạng kinh tế của Trung Quốc đã lan xa hơn các tỉnh vùng duyên hải. Những tòa nhà 40 tầng đổ bóng sừng sững lên bến tàu điện rộng lớn; có vô số các ngân hàng mới, các khách sạn và bách hóa với quy mô đáng nể. Đường sá đều được đổ bê tông. Quảng cáo xuất hiện ở mọi nơi.

Để xây dựng được những tòa nhà, hệ thống đường sắt và đường bộ như vậy cần phải có một sự đầu tư lớn. Các nhà kinh tế đã “dán nhãn” cho các con đường, nhà máy, nhà ở và các tòa nhà văn phòng có được do sự đầu tư: họ gọi những công trình xây dựng này là “vốn” và tất cả những gì giúp duy trì sự phát triển đều cần đến vốn. Vốn có thể tới từ các nhà đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước, những người hy vọng có thể thu lại được những lợi nhuận, hoặc nó có thể tới từ chính phủ, bằng cách đánh thuế lên người dân và đầu tư bằng số tiền thu được, hoặc bằng một chương trình tiết kiệm bắt buộc.

Kinh nghiệm thường thấy là nếu bạn muốn ngày mai mình giàu có hơn ngày hôm nay thì bạn nên đầu tư tiền bạc vào một mục đích nào đó hơn là tiêu hết chúng vào mua sắm hàng hóa hay hưởng thụ các dịch vụ ngay lập tức. Bạn có thể đầu tư vào giáo dục, vào một căn nhà hay một tài khoản ngân hàng. Dù cách nào đi nữa, nếu ngày hôm nay bạn tiêu ít đi và đầu tư tiền bạc đúng hướng thì tương lai bạn sẽ giàu có hơn. (Xây lò cao ở đằng sau vườn sẽ không phải là cách đầu tư khôn ngoan đâu, cả việc xây một thư viện với cái mái bị dột cũng thế.)

Một loạt sự phát triển của nhiều quốc gia đều được dựa trên cùng một nguyên lý là tiết kiệm và đầu tư ngày hôm nay sẽ làm cho bạn giàu hơn vào ngày mai. Tỷ lệ tiết kiệm là rất cao ở những quốc gia đang phát triển rất nhanh bên bờ Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện như chúng ta đã biết từ Chương 8. Một nền kinh tế thị trường không thể đơn giản quyết định sẽ tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. Hầu hết người dân ở Cameroon đều không quan tâm đến việc tiết kiệm. Họ có rất ít cách để thu được lợi nhuận từ việc đầu tư vào những cơ sở hạ tầng như đường sá và họ cũng có rất ít tự tin rằng họ được cho phép làm như vậy nếu họ xây dựng nhà máy hay các cửa hàng. Chỉ có ít ngoại lệ, như ngành sản xuất điện thoại di động có thể được đầu tư bằng những tấm thẻ quảng cáo “gọi bao nhiêu trả bấy nhiêu” là có được những thành công rực rỡ mà bạn có thể trông đợi. Nhiều quốc gia nghèo tìm kiếm đầu tư nước ngoài nhưng thậm chí không có nổi sự tự tin của những người dân trong nước của mình, những người háo hức muốn đầu tư ra nước ngoài. Không ngạc nhiên lắm khi tỷ lệ tiết kiệm ở đây là rất thấp và tỷ lệ phần trăm số tiền tiết kiệm đầu tư trong nước Cameroon bị giảm đi. Không đem lại một môi trường đầu tư an toàn, chính phủ Cameroon khó mà có thể khuyến khích được việc này.

Chính phủ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc không có vấn đề gì với việc tiếp cận nguồn vốn. Trong khi nền kinh tế thị trường, đơn giản không thể quyết định sẽ tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn thì nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lại có thể và thường làm được như vậy. Vốn tới từ các chương trình của chính phủ: hầu hết số tiền tiết kiệm được hoặc là của chính phủ, hoặc là của các công ty quốc doanh. Trong cả hai trường hợp, tiền đều được lấy ra khỏi túi của các cá nhân và đầu tư thay cho họ. Cũng có rất nhiều nguồn vốn sẵn có: khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc dân được tiết kiệm chứ không bị tiêu đã gần gấp đôi con số tương tự ở Cameroon.

Đầu tiên, Trung Quốc đã có thể giành được những kết quả khá khả quan từ những nguồn vốn đầu tư này. Vào đầu những năm 1950, khi nhiệm vụ chính của quốc gia này là tái thiết ngành công nghiệp và các cơ sở hạ tầng quan trọng thì mỗi 100 nhân dân tệ được đầu tư sẽ mang lại 40 nhân dân tệ vào tổng thu nhập hàng năm của Trung Quốc, một con số khá ấn tượng. Song, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên trước điều đó. Những nhiệm vụ mà chính phủ nước này phải đối mặt cũng chẳng hề nhỏ chút nào, đặc biệt là những gì đã bị tàn phá trong chiến tranh và trong cách mạng phải được phục hồi lại. Tất cả những gì cần làm là chính phủ phải đưa ra mệnh lệnh rõ ràng.

Ngay sau đó sự khó khăn đã ập tới. Thậm chí không tính đến sự hỗn loạn do “Đại nhảy vọt” và Cách mạng Văn hóa gây ra thì chính phủ Trung Quốc cũng tự thấy mình ngày càng không thể đầu tư mang lại lợi nhuận như trước. Vào thời điểm Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, mỗi 100 nhân dân tệ được đầu tư chỉ đem về cho Trung Quốc có 18 đồng tiền lãi mà thôi. Như thế có nghĩa là chưa bằng một nửa so với trước đó hai thập kỷ. Trước tình thế các doanh nghiệp của nhà nước và chính phủ cùng nỗ lực đầu tư một lượng lớn tiền của trong thu nhập quốc gia thì sự thiếu hiệu quả đã nêu trên quả là một sự lãng phí tai hại. Một nhà quan sát giàu sự cảm thông sẽ nói rằng đó là điều không thể tránh khỏi, vì sau khi đã đạt được những kết quả đỉnh cao thì lợi nhuận sẽ giảm là điều tất nhiên. Điều này có thể đúng với một nền kinh tế có những bước đột phá như Nhật Bản hay Hoa Kỳ, nhưng vào thời điểm 1976, Trung Quốc vẫn còn là một nước rất nghèo. Chỉ rất ít người có xe ô tô, điện thoại, điện cũng như nước máy để sử dụng trong sinh hoạt. Ở một quốc gia còn khó khăn thế thì sự đầu tư đúng mức có thể đem lại số lợi nhuận rất cao bằng cách cung cấp các tiện nghi cơ bản cho con người trong cuộc sống hiện đại. Có biết bao nhiêu những lĩnh vực đầu tư hiệu quả có thể thực hiện nhưng nhà nước thì lại không biết phải làm thế nào. Miễn là người dân được chỉ rõ xem phải làm, phải xây dựng hay trồng trọt cái gì thì vấn đề đã không nghiêm trọng thế. Nhưng khi dân số bắt đầu tăng lên, các khoản đầu tư dài hạn và những đầu tư cho các công nghệ tiên tiến được thực hiện thì những đảng viên cộng sản lại trượt xa dần khỏi hệ thống giá cả. Các nền kinh tế thị trường thật sự đang thay đổi nhanh chóng. Tại Hàn Quốc, có tới 80 đến 90% số công nhân, đất đai và vốn liếng đều đang hoạt động hoặc được sử dụng cho nhiều mục đích vào những năm 1970 hơn là những năm 1960. Năm 1960, tổng sản lượng nông nghiệp chiếm 45% nền kinh tế của quốc gia này và doanh thu sản xuất đạt chưa đầy 10%. Song cho đến đầu những năm 1970, ngành sản xuất đã vượt xa ngành nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa, trong các ngành đó đã diễn ra sự đào tạo và tái đào tạo công nhân cũng như sự thành lập và đóng cửa của nhiều hãng. Các ngành công nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc trước kia chỉ sản xuất đồ chơi và đồ lót nhưng hiện tại họ còn đảm đương luôn cả những mặt hàng mới là các con chíp và xe ô tô. Nếu vào năm 1975, một nhà hoạch định chính sách cho chính phủ Hàn Quốc lại điều hành nền kinh tế dựa trên những thông tin đã lỗi thời từ những năm 1960 thì kết quả sẽ là thảm hoạ. Nhưng may thay, không ai làm thế cả. Những hành động thiếu sáng suốt đó được dành cho các vị lãnh đạo Triều Tiên. Những nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từ Triều Tiên tới Liên Xô và Trung Quốc, đơn giản đã để mất những thông tin cần thiết phục vụ cho việc đưa ra được những lựa chọn đúng.

Không giống như Cameroon, nơi các cá nhân và các công ty nhận được ít sự khuyến khích đầu tư, những công dân Trung Quốc đi theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông không gặp phải vấn đề với các biện pháp khuyến khích – suy cho cùng, các vị lãnh đạo nơi đây có quyền sinh quyền sát đối với những hậu duệ của mình. Nhưng chỉ có các biện pháp khuyến khích không thôi thì chưa đủ. Chương 3 đã chỉ ra rằng thế giới sự thật được tạo ra bởi các thị trường đem lại các kết quả tốt đẹp không phải chỉ vì nó mang lại những biện pháp khuyến khích, mà bởi nó tạo ra thông tin về giá cả và những lợi ích của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ thông qua hệ thống giá cả. Những hệ thống xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và Trung Quốc đã tạo ra các biện pháp khuyến khích hào phóng nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra, nhưng chúng không phải là những thông tin cần thiết để sử dụng chúng phù hợp. Thay vì đáp ứng lại những nhu cầu của thị trường giống như Hàn Quốc đã làm thì người Trung Quốc lại đáp ứng những đòi hỏi của Mao: trồng các cây sát nhau hơn, giết hại các loài chim và nấu chảy dụng cụ sản xuất để tạo ra các dụng cụ sản xuất.

Để có thể đem lại lợi nhuận từ những khoản vốn đầu tư khổng lồ như thế, chính phủ Trung Quốc bắt đầu bằng sự chuyển hướng dần dần sang nền kinh tế thị trường. Nơi nào có những cải cách thành công trong nông nghiệp đã dọn đường sẵn thì những cải cách phức tạp hơn và sâu sắc hơn cho cả nền kinh tế sẽ được bố trí theo sau. 15 năm sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, số lợi nhuận mang lại do đầu tư đã tăng lên gấp năm lần: mỗi 100 nhân dân tệ được đầu tư sẽ mang lại 72 đồng tiền lãi: mỗi một khoản đầu tư đã tự nhân đôi chỉ sau 500 ngày. Điều này không phải bởi chính phủ đã thu hẹp đầu tư của mình lại hay chỉ tính những dự án thành công nhất. Hoàn toàn ngược lại: mức độ đầu tư thậm chí còn cao hơn những năm 1970. Cũng không ngạc nhiên lắm khi nền kinh tế này đạt được những thành tựu ngoạn mục như vậy. Nhưng họ đã làm thế nào để đạt được mức lãi đầu tư cao đến thế?

Vượt khỏi kế hoạch

Cũng giống như các nền kinh tế trong khối Xô Viết, ngành công nghiệp của Trung Quốc được điều tiết bởi các nhà hoạch định kế hoạch. Ví dụ, kế hoạch chỉ ra rằng một nhà máy sản xuất thép nào đấy được sản xuất một số lượng thép nhất định và số thép đó được chỉ định cho những mục đích nhất định nào đó,và rằng số lượng tiêu chuẩn của than đá (0,8 tấn than đá được cho là đủ để sản xuất ra mỗi tấn thép) sẽ được đưa tới nhà máy thép để phục vụ cho quá trình sản xuất, v.v… Các phép tính toán đòi hỏi là vô cùng phức tạp, thậm chí ở đây chúng ta đã giả định rằng các nhân viên cấp dưới trong chính phủ đã cung cấp những thông tin trung thực về giá cả cũng như chất lượng nguyên liệu. (Mỗi người đều có động cơ để kêu ca rằng những máy móc và nguyên liệu mà họ được cung cấp có chất lượng rất kém, nhưng kết quả mà họ đạt được lại rất nhiều và khả quan. Không có thế giới sự thật thì câu chuyện thực sự sẽ không bao giờ được tiết lộ.) Song, bỏ những điều không tưởng thất thường chết người của Mao đi thì một hệ thống như thế lại có thể hoạt động khá tốt đến vậy trong một thời gian là bởi mỗi năm các nhà hoạch định chính sách đã có kế hoạch của năm trước đó để dẫn đường cho họ.

Khi nền kinh tế phát triển và biến đổi thì quá trình điều chỉnh các yêu cầu sản lượng cũng như việc đầu tư khôn ngoan ngày càng trở nên khó khăn. Đó là lý do tại sao số lợi nhuận đầu tư mang lại vào năm 1976 thấp hơn nhiều so với những năm 1950. Một hệ thống thị trường sẽ làm việc này tốt hơn nhiều, song việc tạo ra nó lại chẳng hề đơn giản chút nào. Các thị trường sẽ không thể hoạt động đâu ra đấy nếu thiếu các thể chế hỗ trợ cho nó: trong một nền kinh tế thị trường, người ta cần các nhà băng để vay tiền, dùng luật để giải quyết tranh chấp và sự chắc chắn rằng những lợi nhuận của họ sẽ không bị tịch thu. Những thể chế như thế không thể được thiết lập chỉ qua một đêm. Trong khi đó, nhiều công nhân trong một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa bị gắn vào các hoạt động không hiệu quả và tất yếu rơi vào tình trạng nghèo đói trừ khi tiến trình điều chỉnh được áp dụng hoặc họ nhận được một sự bồi hoàn nào đó. Vấn đề trở nên trầm trọng nhất cho ngành công nghiệp của nền kinh tế vì ngành này có quan hệ mật thiết với hệ thống kế hoạch, ngành này là phương tiện mà chính phủ dùng để tạo ra các khoản tiết kiệm và đồng thời, ngành này cũng là nguồn lực của hầu hết những đầu tư của chính phủ.

Giá mà Đặng đơn giản chỉ quyết định bãi bỏ kế hoạch và chuyển hướng ngay sang nền kinh tế thị trường trong một đêm thì kết quả có thể sẽ là sự tranh giành thiết lập các quyền sở hữu, sự sụp đổ của ngành tài chính (do nhiều ngân hàng quốc doanh đã cho vay và không thể thu hồi được vốn) và tình trạng thất nghiệp tràn lan, thậm chí là chết đói. Một điều có thể hiểu được là mọi thứ đã có thể đi tới chiều hướng tốt đẹp nhất khá nhanh, nhưng thường thì sẽ không như vậy. (Tại Liên Xô trước đây vào những năm 1990, “biện pháp gây sốc” đã gây nên sự sụp đổ về kinh tế.) Hơn nữa, những cải cách mang tính cực đoan cũng sẽ chống lại rất nhiều những lợi ích được bảo đảm – bao gồm biết bao dân thường đến mức có lẽ họ sẽ mất hết các quyền lợi về chính trị. Đặng Tiểu Bình, người đã từng bị thanh trừng hai lần dưới thời của Mao Trạch Đông song đã lại quay lại để lãnh đạo đất nước, hiểu rất rõ giá trị của sự tín nhiệm về chính trị.

Vì vậy mà Đặng và những người có chung tư tưởng đã thực hiện một chiến lược mang tính thăm dò hơn. Vào năm 1985, quy mô của “kế hoạch” đã bị đóng băng: mức sản xuất do chính phủ quy định đã không thể tăng do nền kinh tế đang phát triển. Thay vào đó, các công ty quốc doanh được phép làm những gì mà họ muốn với sản lượng mà họ sản xuất dôi ra. Những nhà sản xuất than đá hiệu quả sẽ thấy rằng các nhà sản xuất thép với năng suất cao sẽ muốn mua thêm than đá để sản xuất thêm thép và các nhà sản xuất thép lại tiếp tục như vậy với các hãng xây dựng hiệu quả khác. Các công ty làm ăn không hiệu quả có cố gắng mở rộng sản xuất thì rồi cũng chẳng đi đến đâu.

Chiến lược này hóa ra lại hoạt động tốt là do một số nguyên nhân. Thứ nhất, nó rất dễ hiểu và cam kết chấm dứt việc “đo ni đóng giầy” kế hoạch một cách đáng tin cậy. Một cam kết tin cậy là điều rất quan trọng: nếu các nhà hoạch định chính sách liên tục cố gắng mở rộng và cập nhật kế hoạch theo các thông tin xuất hiện bên lề thị trường thì thị trường đó sẽ nhanh chóng ngừng cung cấp những thông tin hữu ích. Giám đốc các nhà máy, khi nhận ra rằng bất kỳ thay đổi thành công nào mà họ đưa ra cũng đều được nhanh chóng thực hiện vào năm tới thì họ sẽ hướng tới những lựa chọn an toàn.

Thứ hai, bởi kế hoạch được cố định và một sự ổn định tất yếu được bảo đảm nên các công nhân đã có việc làm có thể tiếp tục được làm việc. Mọi thứ được bảo đảm để chúng không thể trở nên tệ hơn và nếu sự tăng trưởng có gây ra những kết quả xấu đi chăng nữa thì chúng rồi cũng sẽ được cải thiện. Nhiều người đã chộp lấy khả năng đó nên đã chọn cách làm việc nhiều giờ liền, cùng những điều kiện làm việc khắc nghiệt, trong một xí nghiệp dệt may, thậm chí phải xa cách người thân hàng ngàn dặm để làm một việc mà trước đây họ đã làm để kiếm sống một cách nhọc nhằn – hoặc lại thất bại trong việc này trên mảnh đất khô cằn và bạc màu nhất.

Thứ ba, thị trường vận hành chính xác tại nơi nó cần: bên lề. Hãy nhớ rằng chi phí cận biên và lợi nhuận cận biên là những nhân tố thực sự quyết định tính hiệu quả của một nền kinh tế. Thử tưởng tượng xem một giám đốc nhà máy đang phân vân quyết định xem có nên sản xuất thêm một tấn thép (ông ta được hưởng số tấn thép làm ra thêm này) hay không là như thế nào. Nếu ông ta biết chi phí cận biên (chi phí để sản xuất thêm một tấn) và giá người ta chào hàng ông là giá thị trường (phản ánh lợi ích ai đó được hưởng thêm một tấn nữa) thì ông ta sẽ đưa ra được quyết định đúng: sẽ sản xuất nếu giá đó cao hơn chi phí cận biên. Như vậy, nhà máy đó sẽ làm ăn rất hiệu quả.

Các quyết định xem điều gì sẽ xảy ra với số thép còn lại là không quan trọng đối với việc số sản lượng có hiệu quả hay không. Chín trong số mười tấn có thể được sản xuất ra và được phân bổ tuỳ theo kế hoạch, nhưng chính quyết định về tấn thứ mười là điều quyết định đến sự hiệu quả.

Điều này có nghĩa là các hãng làm ăn hiệu quả mở rộng quy mô để đáp ứng thêm các nhu cầu: tấn thứ mười một và mười hai tiếp theo tấn thứ mười. Nhu cầu đó tới từ những khu vực mở rộng của nền kinh tế, những khu vực này thực sự cần sự cung cấp nguyên liệu chứ không phải nhu cầu đó tới từ các nhà hoạch định chính sách. Các giám đốc phải giữ lấy lợi nhuận và tái đầu tư chúng – và có một động lực để bảo đảm rằng những khoản đầu tư đó là rất khôn ngoan.

Các hãng làm ăn không hiệu quả, ngược lại không hề phát triển. Miễn là khi chính phủ vẫn hỗ trợ họ thông qua các kế hoạch (việc làm này dần chấm dứt vào những năm 1990) thì họ vẫn có thể tiếp tục sản xuất cho đến mãi mãi; nhưng bởi nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng gấp bốn lần vào năm 2003 so với trước đây khi chính sách kế hoạch được đóng băng vào năm 1985 thì sự quan trọng tương đối của các hãng này đã nhanh chóng sụt giảm. Nói một cách khá chính xác thì nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển vượt ra ngoài kế hoạch.

Sự tham gia vào thị trường và lợi thế khan hiếm Chúng ta biết rằng một hệ thống thị trường sẽ hạn chế lợi thế khan hiếm của các hãng; hầu hết các hãng đều phải đối mặt với cạnh tranh và dần dần các ngành trong nền kinh tế không có tính cạnh tranh cao sẽ có xu hướng thu hút thêm những sự cạnh tranh mới. Cạnh tranh và sự tham gia thoải mái của các hãng mới bằng cách hạn chế lợi thế khan hiếm đã thúc đẩy mạnh mẽ và tạo ra sản xuất hiệu quả, những ý tưởng mới và sự lựa chọn của khách hàng.

Những nhà cải cách của Trung Quốc cần phải khuyến khích sự tham gia của các hãng mới và giới hạn lợi thế khan hiếm mà không phải dùng đến một chiến lược tự do hóa nhanh chóng không thể đoán trước và cũng rất nguy hiểm. Họ hy vọng sẽ cải thiện được hoạt động của ngành kinh tế quốc doanh, giới thiệu các công ty mới thuộc các ngành quốc doanh như những đối thủ cạnh tranh, dần dần nuôi dưỡng một ngành kinh tế tư nhân và từ từ đón nhận cạnh tranh quốc tế. Nếu một nguồn cạnh tranh nào đấy không hiệu quả thì ta vẫn luôn luôn có nguồn cạnh tranh khác. Những đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất đầu tiên chỉ là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ theo kiểu “làng mạc – thị trấn” được điều hành bởi chính quyền địa phương. Mặc dù thương hiệu của họ giờ đây là rất nổi trong giới quái nhân công nghiệp. Sau đó, các công ty tư nhân và nước ngoài cũng được phép thiết lập và phát triển.

Cuối năm 1992, chỉ có 14% sản lượng công nghiệp là được sản xuất bởi các công ty tư nhân hoặc nước ngoài, trong khi ngành kinh tế quốc doanh đóng góp gần một nửa sản lượng. Số còn lại là của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới sự điều hành của chính quyền các địa phương. Phép màu kinh tế của Trung Quốc thực sự không phải do sự tư nhân hóa tạo nên. Điều cốt yếu ở đây không phải ai là người sở hữu công ty, mà là công ty đó bị bắt buộc tham gia cạnh tranh trong một thị trường tương đối tự do đã làm giảm bớt lợi thế khan hiếm và mang lại thông tin cũng như các biện pháp khuyến khích của thế giới sự thật. Thậm chí chúng ta cũng có thể đo được hiệu ứng này. Quay trở lại Chương 1, hãy nhớ rằng chúng ta phát hiện ra lợi nhuận cao thường là một tín hiệu của lợi thế khan hiếm. Nếu sự tham gia của các tay chơi mới cùng sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn đang loại bỏ lợi thế khan hiếm của các công ty nhà nước thì chúng ta sẽ thấy tỷ lệ lợi nhuận của họ giảm. Đó thực sự là những gì đã xảy ra. Các công ty ở Trung Quốc vào những năm 1980 có được tỷ lệ lợi nhuận rất cao: nhiều ngành đạt được con số hơn 50% (đối với một nền kinh tế khá cạnh tranh, bạn không thể mong đợi con số này vượt quá 20% và thường thì thấp hơn nhiều). Lợi nhuận của ngành này so với ngành khác cũng khác nhau khá nhiều tuỳ thuộc vào sự định giá của kế hoạch: ngành lọc dầu có tỷ lệ lợi nhuận là gần 100% trong khi ngành khai thác sắt chỉ là 7%. Trong mọi trường hợp, chính phủ đều tịch thu lợi nhuận và tái đầu tư chúng. Khi công cuộc cải cách nền kinh tế bắt đầu có tác động xấu thì lợi nhuận cũng bắt đầu sụt giảm. Chúng cũng bắt đầu hội tụ nhau khi các ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhất phải đối mặt với những sự cạnh tranh khốc liệt nhất từ các công ty của địa phương, các công ty tư nhân và nước ngoài. Trong suốt những năm 1990, tỷ lệ lợi nhuận trung bình giảm hơn 1/3; ở những ngành mầu mỡ nhất chúng giảm ít nhất là một nửa. Hiệu ứng của tất cả những điều này là nó giúp giảm lãng phí, làm cho khách hàng Trung Quốc nhận được những kết quả xứng đáng hơn khi bỏ tiền ra và giúp cho Trung Quốc trở thành một tay chơi tiềm năng trên trường quốc tế. Lợi thế khan hiếm biến mất.

Trung Quốc và thế giới

Có những thời điểm trong lịch sử, Trung Quốc là một nơi bị cô lập. Nhưng bây giờ không phải là một trong số những thời điểm đó. Cách xa bờ biển của những thành phố trong đất liền như Tây An và Trịnh Châu, chúng ta không khó gì để tìm thấy các cửa hàng bán Coca Cola, Mc Donald’s, các điểm cá độ hay sòng bạc và các quán cà phê Internet. Ở Thượng Hải, thậm chí gần như bạn không thể trốn thoát khỏi những thương hiệu quen thuộc.

Bất kỳ ai từng đến thăm Trung Quốc vào đầu những năm 1990 đều có thể nói với bạn tất cả mọi thứ đều là rất mới. Nhưng nó còn hơn cả ấn tượng mang tính giai thoại: các số liệu kể cùng một câu chuyện. Năm 1990, Trung Quốc là một con cá trên thương trường quốc tế. Hoa Kỳ và Đức xuất khẩu gấp Trung Quốc đến gần mười lần. Năm ngoái (năm 200 ?), Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ tư trên thế giới, thậm chí sản lượng xuất khẩu của cả Hoa Kỳ và Đức còn kém Trung Quốc đến gần hai lần. Điều này không phải là ngẫu nhiên. Sự tham gia ấn tượng của Trung Quốc vào sân chơi kinh tế của thế giới đã trở thành một trong những hành động cuối cùng của Trung Quốc trong công cuộc cải cách nền kinh tế.

Tại sao Trung Quốc lại cần đến thế giới? Một quốc gia với hơn một tỷ dân dường như là một nơi tự cung tự cấp tốt hơn hầu hết các nước còn lại. Nhưng nền kinh tế của Trung Quốc đến năm 1978 vẫn không có gì đáng kể – thậm chí còn không bằng nước Bỉ – và những nhà cải cách đã nhận ra rằng việc hội nhập cùng thế giới có thể giúp tháo gỡ khó khăn này. Họ có ba lợi thế. Thứ nhất, Trung Quốc có thể thâm nhập vào thị trường thế giới với những ngành hàng đòi hỏi nhiều nhân công như: đồ chơi, giầy dép và quần áo. Thứ hai, số ngoại tệ mà các mặt hàng xuất khẩu này mang về có thể được dùng để mua nguyên liệu thô cũng như các công nghệ mới để phát triển nền kinh tế.

Cuối cùng, bằng cách mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào, người Trung Quốc có thể học hỏi được các kỹ thuật kinh doanh và sản xuất hiện đại từ họ – điều này là cực kỳ quan trọng cho một quốc gia đi theo chế độ cộng sản từ nhiều thập kỷ nay. Năm ngoái, Trung Quốc và Hồng Kông đã thành công trong việc thu hút hơn 40% số vốn đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển của thế giới. (Ấn Độ, kẻ khổng lồ khác của châu Á, chỉ thu hút được có hơn 2%.) Như chúng ta đã nói ở Chương 9, một lợi thế của việc đầu tư như thế là nó cung cấp vốn cho một nền kinh tế không thể rút lại ngay lập tức nếu các nhà đầu tư lo lắng. Điều này xảy ra cho những người hàng xóm của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, những quốc gia mà các khoản đầu tư tài chính đơn thuần như các khoản vay bị rút lại nhanh chóng trong sự hoảng loạn hàng loạt. Số vốn đầu tư mở rộng khả năng tương lai của nền kinh tế, nhưng như chúng ta đã nhìn thấy, Trung Quốc không cần những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vốn. Chính là kỹ năng chuyên môn đã thực sự làm nên chuyện: ví dụ là kỹ năng trong ngành kiểm định chất lượng hay hậu cần.

Các công ty của Nhật Bản và Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực vận tải và điện tử, biến Trung Quốc thành một nhà sản xuất công nghệ cao. Bạn có thể thấy tác động của những đầu tư này trong các số liệu sau: hiện Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất của đa số các hàng điện tử dân dụng quan trọng nhất. Hơn một nửa số đầu đọc DVD và các máy ảnh kỹ thuật số của thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Bạn cũng có thể thấy được hiệu ứng đó khi đi dạo quanh đất nước này. Ngồi trên xe buýt tại thành phố Trịnh Châu, tôi nhìn thấy người ta nói chuyện với nhau bằng những chiếc điện thoại di động công nghệ cao mà tôi chưa nhìn thấy ở đâu bao giờ, những chiếc máy này phải nhiều tháng sau mới thấy xuất hiện tại đất nước tôi. Những nhà đầu tư nước ngoài, những người đã hiện thực hóa công nghệ này hy vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ số tiền mình bỏ ra, nhưng một điều rõ ràng là có khá nhiều lợi nhuận trong đó đã ở lại với người tiêu dùng Trung Quốc.

Đầu tư nước ngoài là một nhân tố chính giúp cho các cải cách của Trung Quốc đi được đúng hướng. Không chỉ có các công ty nước ngoài mang lại nguồn vốn, họ không chỉ mang lại kỹ thuật chuyên môn và sự kết nối với nền kinh tế của thế giới mà còn làm tiếp tục quá trình cạnh tranh của những cải cách trước đây bằng cách cạnh tranh với các công ty trong nước của Trung Quốc, buộc họ phải liên tục cải tiến nâng cao chất lượng.

Nếu đầu tư nước ngoài là một lợi thế cho nền kinh tế như thế thì Trung Quốc đã làm được điều đó như thế nào? Tại sao vốn đầu tư không đi đến Ấn Độ? Tại sao vốn đầu tư không đi đến Cameroon?

Sự may mắn chiếm vai trò khá quan trọng ở đây. Ngược lại với Cameroon, Trung Quốc có được một thị trường nội địa dồi dào và phát triển nhanh chóng nên luôn luôn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Dù có thông minh đến mấy thì cũng không có nhà lãnh đạo Cameroon nào có thể sao chép lại mô hình này: số phận đã chìa bàn tay khác ra đối với Cameroon. Tuy nhiên, không có gì là may mắn trong sự cam kết về giáo dục của Trung Quốc – một kết quả hạnh phúc trong những năm đi theo chế độ bao cấp kế hoạch hóa – điều này có nghĩa là đến năm 1978 đã có một nguồn lực hùng hậu những công nhân lành nghề và có sức sản xuất lớn chuẩn bị để “đổ bộ” vào nền kinh tế với tất cả tài năng của mình khi những rào chắn của nền kinh tế mệnh lệnh (kế hoạch hóa tập trung) được dỡ bỏ. Còn chính phủ Cameroon đã không tận dụng được bất kỳ một thời cơ nào để nâng cao giáo dục cho nhân dân mình vào những năm 1970, khi mà đất nước này còn giàu hơn ngày hôm nay. Nhưng Ấn Độ cũng có một thị trường nội địa lớn và phát triển cùng với lực lượng lao động được đào tạo bài bản, mặc dù nền giáo dục của họ không sẵn có tốt như ở Trung Quốc. Những số liệu này cho thấy một sự lan tràn nhu cầu gia công ở nước ngoài, tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc có những lợi thế tự nhiên khác mà Ấn Độ không có. Quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới thường gây ra những thiệt hại được làm dịu đi và trở nên hiệu quả hơn là nhờ vào những sự liên kết của Trung Hoa đại lục với Hồng Kông và Đài Loan. Các khu vực kinh tế này đều là những nền kinh tế hội nhập quốc tế rất thành công từ những ngày mà Trung Quốc vẫn còn chưa có khái niệm gì về thị trường thế giới. Và mặc dù có những hệ thống kinh tế khác biệt thì vẫn tồn tại những mối quan hệ rất gần gũi của gia đình và tình bằng hữu giữa các thương nhân của ba nền kinh tế này. Những mối ràng buộc về mặt xã hội này đã giúp bù lại những vấn đề trong hệ thống pháp lý của Trung Quốc trong những năm đầu của tiến trình đổi mới. Trung Quốc đã (và vẫn đang) cố gắng hết mình để cải thiện khung thương mại của luật sở hữu và luật hợp đồng, những điều mà mọi nền kinh tế thành công đều cần. Nếu không có một khung pháp lý như thế thì thật khó mà tự tin được khi kinh doanh. Làm sao bạn có thể biết đối tác làm ăn của mình đang không chơi cho mình một vố? Làm sao bạn có thể cảm thấy an toàn nếu như các cán bộ của chính quyền địa phương có thể tịch thu lợi nhuận hay tài sản của bạn?

Đối với các doanh nhân từ Hồng Kông và Đài Loan, những liên hệ cá nhân có nghĩa là thường thì họ có thể tin tưởng vào những lời hứa mà không có cơ sở pháp lý. Một hợp đồng chính thức sẽ tốt hơn, nhưng một lời nói của thương gia cũng đủ rồi nếu cơ hội đem lại lợi nhuận nghe thật hấp dẫn.

Trong trường hợp này thì tất nhiên là thế rồi. Có một sự trùng khớp hoàn hảo giữa Trung Quốc và Hồng Kông. Các công ty của Trung Quốc sản xuất hàng hóa rẻ nhưng lại không quen với kiểu làm ăn của các hãng quốc tế, đã tận dụng các kỹ thuật chuyên môn của các thương gia Hồng Kông. Trong những năm 1980, số hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Hồng Kông đã tăng đáng kể và Hồng Kông cũng tái xuất khẩu chúng ra thị trường thế giới. Đài Loan cũng gia nhập thị trường này vào những năm 1990. Theo quan sát của nhà kinh tế Dwight Perkins lúc bấy giờ, “những tài năng marketing đáng gờm của Hồng Kông và Đài Loan đang được chuyển sang khả năng sản xuất của đại lục.”

Ấn Độ không có được Hồng Kông và Đài Loan, nhưng cũng không quan tâm đến việc chào mời các vị khách nước ngoài. Nhà kinh tế nổi tiếng của Ấn Độ, Jagdish Bhagwati, đã mô tả các chính sách của chính phủ nước mình từ những năm 1960 cho đến những năm 1980 như là “ba thập kỷ của các chính sách độc lập và phi tự do” – nói cách khác, chính phủ đã đè bẹp thị trường và cố gắng hết sức để ngăn chặn thương mại và đầu tư.

Ngược lại, Trung Quốc đã làm tất cả để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tận dụng tối đa các mối quan hệ với Hồng Kông và những người hàng xóm khác của mình. Kế hoạch đặt ra là để tạo ra một “vùng kinh tế đặc biệt”, như Thẩm Quyến, nơi các quy luật bình thường của nền kinh tế mệnh lệnh không được áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cơ sở hạ tầng của những vùng kinh tế đặc biệt đó có thể được cải thiện nhanh chóng. Biện pháp đó đã làm tăng sự liên kết của Trung Quốc với Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan một cách hoàn hảo: các khu vực là độc quyền ở tỉnh Quảng Đông, gần Hồng Kông và Ma Cao, và Phúc Kiến, gần Đài Loan. Hơn một nửa số vốn đầu tư vào Trung Quốc vào năm 1990 tới từ đất nước Hồng Kông nhỏ bé, trong khi Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại cũng chỉ chiếm có 1/4 số vốn đầu tư mà thôi. Hơn nữa, gần một nửa số vốn đầu tư có đích đến là Quảng Đông; còn Phúc Kiến là đích đến lớn thứ hai. Vào năm 1980, thành phố Thẩm Quyến, nằm sát biên giới Hồng Kông, là một làng chài trước khi trở thành một khu kinh tế đặc biệt. 20 năm sau, những tay kinh doanh bất động sản đã dỡ bỏ các nhà cao tầng đang xây dựng dở dang để bắt đầu dựng nên các tòa nhà chọc trời đồ sộ hơn. Người Trung Quốc có câu nói: “Khi đặt chân tới Thẩm Quyến, anh sẽ không nghĩ mình giàu có nữa.”

Độc lập và bất bình đẳng như họ đã từng có, nhưng các vùng kinh tế đặc biệt đã cố gắng rất tốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà không làm đảo lộn toàn bộ Trung Hoa đại lục. Họ cũng cung cấp một bàn đạp cho quá trình đổi mới được nhân rộng. Bất kỳ khi nào các quy luật của các công ty nước ngoài dường như có hiệu quả tốt thì các nhà quản lý bắt đầu ứng dụng chúng vào các công ty trong nước trong khu vực. Sau đó, họ tiến hành áp dụng chúng cho các công ty trong nước ngoài khu vực. Những tỉnh duyên hải khác nhìn vào các nền kinh tế đang phát triển như vũ bão của Phúc Kiến và Quảng Đông và cũng sẽ bắt đầu yêu cầu những ưu tiên tương tự. Các quy định không công bằng và kỳ quặc được vứt bỏ khi các nhà đầu tư nước ngoài phản đối bất kỳ đặc ân nào dành cho các công ty trong nước, trong khi các công ty trong nước tránh né những ưu tiên đặc biệt dành cho các công ty nước ngoài bằng cách rửa tiền của họ qua Hồng Kông hoặc mang chúng trở lại như những nguồn “vốn đầu tư nước ngoài”. Như thường lệ với các chương trình cải cách còn lại của Trung Quốc, các chính sách hiệu quả đều được sao chép lại và những chính sách ngớ ngẩn thì nhanh chóng rơi vào lãng quên.

Lời kết: Kinh tế có là nhân tố quan trọng không?

Chương này mang tiêu đề: “Tại sao Trung Quốc lại trở nên giàu có?” Đó là câu nói cường điệu. Trung Quốc vẫn chưa giàu. Song, quốc gia này đang trở nên giàu hơn với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.

Như vậy thì sao? Với sự tăng trưởng kinh tế như thế này thì sẽ dẫn tới những biến động lớn lao. Người Trung Quốc đang bối rối; nhiều người bị thất nghiệp hoặc phải dời khỏi nước Trung Quốc hiện đại này. Một nhóm các công nhân ở Tứ Xuyên đã đi tới niềm tin rằng Mao đang điều hành một nhà máy ở bên kia thế giới – theo những nguyên lý xã hội chủ nghĩa tự nhiên. Một giải thích khác cho rằng một vài người trong số họ đã tự tử với mục đích được hội ngộ vị Chủ tịch này.

Những bộ phim đương đại của Trung Quốc cũng kể về một câu chuyện làm kinh ngạc và thỉnh thoảng là những sự kiếm tìm đau đớn. Nhiều bộ phim, ví dụ như Shower (tạm dịch là Vòi hoa sen) và Happy Times Hotel (tạm dịch là Khách sạn hạnh phúc) cũng đã khắc họa những gia đình tan đàn xẻ nghé sau khi thành viên của các gia đình đó tìm được vận may ở Thẩm Quyến. Các bộ phim đã lột tả những người đau khổ đến tan nát trái tim chứ không phải những người giàu có. Thông điệp đưa ra là những cơ hội mới đang huỷ hoại lối sống theo kiểu cũ. Một đề tài quen thuộc nữa là sự băn khoăn chung: người đưa thư bằng xe đạp xấu số trong Xe đạp Bắc Kinh (Beijing Bicycle) phát hiện ra rằng của cải thực sự là một tên ăn trộm, và nỗ lực của nó để tham gia vào hệ thống tư bản chủ nghĩa rốt cuộc chỉ đem lại bất hạnh và bạo lực. Bộ phim hài Khách sạn hạnh phúc, nói về những người bạn có hảo ý, bị thất nghiệp sau khi nhà máy của họ đóng cửa, đã rất bận rộn để chăm sóc cho một cô gái mù bằng cách bịa ra sự tồn tại của một doanh nghiệp mà họ không thể nhận ra rằng việc điều hành một doanh nghiệp thực sự còn dễ hơn nhiều so với cái doanh nghiệp ảo này. Chỉ có cô gái, lớn lên trong những năm 1990, thì mới nhận thấy rõ ràng rằng cô có khả năng tự kiếm sống để nuôi bản thân mình.

Không dễ gì để trở thành một phần tử của cách mạng. Những nam nữ thanh niên lớn lên ở các vùng nông thôn của Trung Quốc vào những năm 1970 đóng vai trò như một cộng đồng nông nghiệp, thu thập các “công điểm”, làm những việc họ được giao, chuyển đến nơi mà họ được phân công, và nhận nhu cầu cơ bản được cung cấp bởi cộng đồng và nhà nước. Nhưng con cái họ lớn lên trong một Trung Quốc khác biệt vào những năm 1980, 1990. Cuộc sống tuy vẫn còn khó khăn nhưng rõ ràng là chúng có nhiều tiền hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Đất đai trở nên quý hiếm; do các biện pháp trong nông nghiệp được cải tiến nên cần ít nhân công làm việc trên đồng ruộng hơn. Một vài người làm những việc mà trước đây cha ông họ không được phép làm: bán đất và chuyển tới các thành phố để kiếm việc làm. Sự di dân làm tan vỡ các gia đình. Trong khi các cơ hội mới mở ra thì những mạng lưới cũ an toàn bị phá vỡ khi một số các doanh nghiệp nhà nước bị đóng cửa.

Trong khi đó, điều kiện làm việc trong các nhà máy thì thật kinh khủng. Những công nhân bị trả lương rất thấp phải làm ca tới hơn mười giờ đồng hồ dưới những điều kiện rất kém an toàn. Một phóng viên đài BBC đã lượm lặt được những câu chuyện về Lý Xuân Mai, một công nhân đã chết vào cuối năm 2001 sau một ca làm việc kéo dài 16 tiếng đồng hồ; cô một người bạn đồng nghiệp tìm thấy trong tình trạng nằm trên sàn nhà tắm, mũi và mồm đều chảy máu. Sau đó là Chu Viên Bình, với đôi chân bị nung chảy ra khi anh chạm vào dây điện có điện áp cao trong nhà máy sản xuất sơn. Đây có phải là cái giá phải trả cho sự tăng trưởng kinh tế hay không? Có đáng để trả giá như vậy không?

Những nhà kinh tế như Paul Krugman, Martin Wolf và Jagdish Bhagwati đã nhiều lần cố gắng lý luận rằng các công xưởng bóc lột sức lao động của Trung Quốc còn tốt hơn những lựa chọn khác. Đây không phải là quan điểm được nhiều người ủng hộ. Sau cuốn sách có tựa đề Tại sao toàn cầu hóa lại hiệu quả ? của Martin Wolf được bình luận trong tuần báo Guardian, tờ báo đã cho đăng một bức thư tức giận của một độc giả tự tưởng tượng trong sung sướng viễn cảnh tác giả Wolf bị bắt lao động trong một công xưởng bóc lột sức lao động.

Phản ứng này cũng tồi tệ như việc mong rằng ai mặc một chiếc áo phông in hình chữ Mao sẽ bị kết án phải chịu bị bỏ đói đến chết – nhưng tất nhiên nó thiếu tính logic hơn. Martin Wolf đã đúng khi gợi ý rằng các nhà máy bóc lột sức lao động còn tốt hơn những sự khủng khiếp diễn ra trước đó và là một bước để tiến lên một điều gì đó tốt đẹp hơn. “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông thực ra lại là một bước nhảy vọt về phía địa ngục.

Thật không công bằng mà cũng chẳng thích hợp khi so sánh Trung Quốc hiện đại với sự không tưởng của chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Các quốc gia giàu có hoặc đang phát triển rất nhanh đã chấp nhận những bài học cơ bản về kinh tế mà chúng ta đã biết được trong quyển sách này: chống lại lợi thế khan hiếm và tham nhũng; điều chỉnh lại các tác động ngoại vi cho phù hợp; cố gắng tối đa hóa lượng thông tin; thực hiện các biện pháp khuyến khích thích hợp; liên kết với các quốc gia khác, và quan trọng hơn hết, chấp nhận các thị trường, các thị trường có thể làm hầu hết các nhiệm vụ đã nêu cùng một lúc. Sự nghèo đói của Cameroon phải trả giá bằng con người, bởi nghèo đói có thể gây nên cái chết, nó cũng làm cho con người mất đi sự tự trị và khả năng đưa ra các lựa chọn có ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Ấn Độ đã làm tốt hơn Cameroon nhưng vẫn kém Trung Quốc và vẫn còn trong tình trạng khó khăn đến nỗi nửa triệu người bị tàn tật do mắc bệnh phong, một căn bệnh có thể được chữa trị với giá bằng một cốc bia. Trong khi đó, Trung Quốc cộng sản và Liên Xô đã cướp đi mạng sống của hàng chục triệu người, thường thì do những sự thất bại trong kinh tế đơn thuần. Kinh tế đóng một vai trò quan trọng. Sự trái ngược giữa Cameroon và Ấn Độ, nước Trung Quốc của Mao và Hoa Kỳ, Anh hoặc Bỉ không thể nào lớn hơn được nữa.

Cuối cùng, kinh tế học là về chính con người – một điều gì đó mà các nhà kinh tế đã không thể giải thích thỏa đáng. Và sự tăng trưởng kinh tế là nhằm mục tiêu đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cá nhân: nhiều lựa chọn hơn, ít nỗi sợ hơn, ít mệt mỏi và cực khổ hơn. Giống như những nhà kinh tế khác, tôi tin rằng các nhà máy bóc lột sức lao động công nhân còn tốt hơn những lựa chọn khác và không nghi ngờ gì nữa chúng tốt hơn là nạn chết đói dưới thời được mệnh danh là “Đại nhảy vọt” hay ở một Triều Tiên “hiện đại”. Nhưng nếu như tôi không tin rằng nó là một nấc thang dẫn tới một điều gì đó tốt đẹp hơn thì tôi cũng sẽ không phải là một người ủng hộ nhiệt tình cho các cải cách của Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao tôi rất vui mừng trước những tin tức mới nhất từ Trung Quốc. Sự giàu có chưa xuất hiện đồng đều, đang tiến dần vào đại lục từ “duyên hải vàng” của Thượng Hải và Thẩm Quyến. Nền kinh tế của Trung Quốc đại lục phát triển rất mạnh mẽ, đạt 7,7%/năm trong giai đoạn từ năm 1978 tới 1991. Giữa giai đoạn 1978 và 1995, 2/3 số tỉnh của Trung Quốc phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Song, điều quan trọng nhất là người dân Trung Quốc đang cảm nhận được sự khác biệt. Sau nhiều năm được trả những mức lương rất thấp do nguồn cung cấp lao động di cư từ Trung Quốc dường như không giới hạn, các nhà máy trên “duyên hải vàng” đang bắt đầu cạn kiệt các công nhân hăng hái. Các công ty nước ngoài tại Trung Quốc trả họ nhiều lương hơn và chấp nhận các điều kiện tuyển lao động dễ dàng hơn cũng như sẽ thu về được ít doanh thu hơn. Nhưng mức lương cho công nhân sẽ phải tăng và các điều kiện làm việc sẽ được cải thiện bởi Trung Hoa đại lục đang theo kịp họ rồi.

Năm 2003, Dương Lệ đã làm những việc mà nhiều công nhân Trung Quốc đã làm: cô làm việc trong một công xưởng bóc lột sức lao động ở vùng châu thổ sông Châu Giang. Một tháng sau, sau những ca làm việc kéo dài tới 13 tiếng đồng hồ, cô quyết định về nhà và mở một tiệm cắt tóc. Cô cho biết: “Một ngày ở nhà máy chỉ có công việc, công việc và công việc mà thôi. Cuộc sống của tôi giờ đây rất thoải mái.” Cha mẹ của Dương Lệ đã chịu đựng cuộc Cách mạng Văn hóa, ông bà của Dương Lệ đã sống qua những ngày tháng khó khăn của “Đại nhảy vọt”. Còn Dương Lệ đã có được sự lựa chọn cho mình và cô đang sống trong một quốc gia nơi những lựa chọn đó đồng nghĩa với sự cải thiện chất lượng cuộc sống của chính cô. Cô đã thử làm việc ở nhà máy và quyết định nó không phải là nơi dành cho mình. Bây giờ cô tâm sự: “Tôi có thể đóng cửa tiệm cắt tóc của tôi bất kỳ khi nào tôi muốn.” Kinh tế học chính là về sự lựa chọn của Dương Lệ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.